29/01/2015
Việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân, của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền
Bài tập nhóm Tố tụng Hình sự

Khi chuyển sang một nền kinh tế thị trường, cùng với việc từng bước từ bỏ cơ chế kinh tế tập trung, bao cấp, hoạt động của các cơ quan tư pháp càng ngày càng có ý nghĩa, việc cải cách tư pháp đang trở nên ngày một bức xúc. Trong tinh thần ấy, Nghị quyết Số 08 ngày 2/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới là một đòn bẩy mạnh mẽ đối với việc cải cách các hoạt động tư pháp hiện nay ở Việt Nam.

Trong đó cải cách Toà án được coi là trọng tâm của cải cách tư pháp. Đảm bảo sự tham gia của Hội thẩm nhân dân trong quá trình xét xử là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo hoạt động xét xử có hiệu quả của Tòa án. Để Tòa án đáp ứng được trọng trách mà Đảng và nhà nước là đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa và lòng tin của nhân dân : xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Cơ sở pháp lý:

Cơ sở pháp lý của nguyên tắc trên xuất phát từ Điều 129 Hiến pháp 1992 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

“Việc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân, của Toà án quân sự có Hội thẩm quân nhân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán”.

Nguyên tắc trên được nhắc lại trong Điều 4 Luật Tổ chức Toà án năm 2002 và Điều 3 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân năm 2002. Đến năm 2003, khi Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay được ban hành và chính thức có hiệu lực, việc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia đã trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng, nền tảng trong hoạt động tố tụng hình sự của nước ta. Điều này thể hiện, các nhà lập pháp đã sớm ý thức được vai trò quan trọng của Hội thẩm nhân dân trong công tác xét xử và quy định trong luật.

Nội dung của nguyên tắc.

Nội dung thể hiện của nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có hội thẩm tham gia

Hội thẩm nhân dân vốn là những người lao động sống và làm việc gần gũi với nhân dân, thay mặt nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án để bảo đảm cho việc xét xử của tòa án đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, sát với thực tế đời sống.

- Pháp luật quy định về việc xét xử của tòa án nhân dân có hội thẩm nhân dân, của tòa án quân sự có hội thẩm quân nhân tham gia. Hội thẩm là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án.

Khoản 2 Điều 2 Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 02/2002/PL-UBTVQH11 ngày 4 tháng 10 năm 2002 về thẩm phán và hội thẩm tòa án nhân dân quy định:

Hội thẩm Toà án nhân dân ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

a) Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hội thẩm nhân dân Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Hội thẩm nhân dân);

b) Hội thẩm quân nhân Toà án quân sự quân khu và tương đương; Hội thẩm quân nhân Toà án quân sự khu vực (gọi chung là Hội thẩm quân nhân).

Người có đủ tiêu chuẩn qui định tại khoản 2 điều 5 pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm nhân dân năm 2002: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, có sức khoẻ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao…” thì có thể được bầu hoặc cử làm hội thẩm nhân dân; nếu người đó là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội thì có thể được cử làm hội thẩm quân nhân tòa án quân sự cấp quân khu, tòa án quân sự khu vực.

Hội thẩm góp phần quan trọng, không thể thiếu vào việc xác định sự thật của vụ án bằng kinh nghiệm sống và kiến thức chuyên môn của mình. Hội thẩm là người trực tiếp làm việc và tham gia sinh hoạt xã hội cùng với quần chúng nhân dân, họ mang đến phiên tòa những suy nghĩ và ý kiến quần chúng đối với vụ án góp phần giúp tòa án xử lý vụ án chính xác

- Khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán:

Quá trình tham gia xét xử, Hội thẩm thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình đối với vụ án qua việc nghiên cứu hồ sơ, không những nắm nội dung vụ án mà cả về mặt tố tụng; thực hiện tốt các nguyên tắc tố tụng như: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, “Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số”. Trong quá trình xét xử, các thành viên trong hội đồng xét xử, trong đó có hội thẩm đều có quyền đưa ra thảo luận tất cả các vấn đề quan trọng cần giải quyết tại phiên tòa, có quyền xét hỏi, nghị án, định tội, lượng hình, quyết định quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự. Khi xét xử vụ án hình sự, tất cả mọi vấn đề phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghị án. Trong khi nghị án, Thẩm phán – chủ tọa phiên tòa và Hội thẩm đều phải thực hiện đúng quy định của Luật tố tụng hình sự, Hội thẩm có quyền phát biểu trước hội đồng xét xử quan điểm của bản thân về đường lối xử lý vụ án, tội danh, hình phạt … chấp nhận hoặc bác yêu cầu của đương sự và nêu rõ lý do … Việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xét xử cũng như quyết định bản án, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán. Thông qua công tác xét xử tại Tòa án cũng như các phiên tòa xét xử lưu động, những hoạt động của hội thẩm giúp phát huy tác dụng rất đáng kể đến việc tuyên truyền giáo dục pháp luật đối với bị cáo và nhân dân tham dự phiên tòa.

Ý nghĩa:

Hoạt động của Hội thẩm không phải là một nghề chuyên nghiệp mà được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật, tham gia vào hoạt động xét xử. Hội thẩm nhân dân được xem là những thẩm phán không chuyên, đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia xét xử để bảo vệ quyền lợi cho các thành viên trong tổ chức của mình, đồng thời, thay mặt nhân dân giám sát việc xét xử của Toà án.Với kinh nghiệm sống của mình, cùng với kiến thức chuyên môn, Hội thẩm góp phần quan trọng vào việc xác định sự thật của vụ án. Vì là người trực tiếp làm việc và tham gia sinh hoạt xã hội cùng quần chúng nhân dân nên họ mang đến phiên toà những suy nghĩ và ý kiến quần chúng đối với vụ án, góp phần giúp Toà án xử lý vụ án khá chính xác. Bên cạnh đó,có sự tham gia của những Thẩm phán không chuyên, đem đến cho bị cáo cảm giác được xét xử bởi những người ngang bằng. Việc Hội thẩm nhân dân, những người không đi sâu vào nghiên cứu pháp luật, theo dõi diễn biến của phiên toà và nghe lời khai của những người liên quan mà nhận thức được rằng hành vi bị xét xử là nguy hiểm, đáng bị trừng phạt, thì việc áp dụng chế tài của tòa sẽ xác đáng và có tác dụng xã hội cao.

Nhưng chỉ là những Thẩm phán không chuyên với kiến thức pháp lý còn nhiều hạn chế, vậy mà Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán khi xét xử, điều này phải chăng dễ dẫn đến một quyết định không chính xác ?

Thứ nhất, nếu xuất phát từ nguồn gốc của vấn đề, chúng ta thấy chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia đã được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi được quy định trong pháp luật. Chế định Hội thẩm nhân dân xuất phát từ yêu cầu của việc đưa phán xét về mặt xã hội vào trong bản án, các quyết định của Toà án chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề xem xét hoàn toàn dưới góc độ pháp lý thuần tuý. Như vậy, chính các nhà lập pháp cũng thừa nhận pháp luật cũng không phải là một giá trị tuyệt đối đúng để có thể áp dụng giải quyết chung cho mọi trường hợp.

Thứ hai, pháp luật cũng chỉ là một loại quy phạm xã hội có giá trị áp dụng cao nhất chứ không phải là toàn bộ các quy phạm xã hội có thể thay thế hoàn toàn các quy phạm xã hội khác trong đời sống hàng ngày. Do đó, cần có những tiếng nói từ phía thực tiễn xã hội trong việc đưa ra các phán quyết có tính quyết định đối với một quan hệ xã hội nào đó và người nắm giữ sứ mệnh này chính là các vị Hội thẩm nhân dân.

Bên cạnh đó, một yêu cầu cũng rất quan trọng đối với Hội thẩm đó là sự đồng cảm về mặt xã hội đối với tình hình thực tiễn. Nghĩa là, việc lựa chọn những Hội thẩm có cùng môi trường, hoàn cảnh sống gần gũi với các quan hệ xã hội bị tranh chấp thì bằng niềm tin nội tâm, môi trường và hoàn cảnh sống họ mới đưa được tiếng nói của xã hội vào các phán xét của Toà án.

Pháp luật cũng quy định cụ thể: Vụ án hình sự có khung hình phạt chung thân, tử hình, vụ án dân sự phức tạp, có tính chất đặc biệt có 3 hội thẩm nhân dân tham gia. Những vụ án mà bị cáo là người chưa thành niên thì Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử phải là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Trong những trường hợp như vậy, vai trò của Hội thẩm nhân dân ở đây phải đưa ra phán quyết về mặt xã hội là: hành vi này được chấp nhận hay không chấp nhận được, trong cộng đồng mà bị cáo đang sinh hoạt và làm việc ?

Chính vì vậy, thực hiện tốt nguyên tắc này góp phần vào việc nâng cao tính chính xác trong công tác xét xử và góp phần vào việc phòng ngừa và chống tội phạm, đồng thời thể hiện tính dân chủ trong pháp luật tố tụng hình sự của nước ta.

Điều kiện đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc.

Thực hiện tố nguyên tắc này góp phần vào việc nâng cao tính chính xác trong công tác xét xử và góp phần vào việc phòng ngừa và phòng chống tội phạm.

a. Một số vấn đề:

Công tác xét xử là trọng tâm trong hoạt động cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ-BCT ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xét xử của tòa án các cấp còn những bất cập:

- Theo quy định của pháp luật, việc xét xử của tòa án nhất thiết phải có sự tham gia của hội thẩm nhân dân. Vai trò của hội thẩm nhân dân trong các phiên tòa là hết sức quan trọng. Pháp luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân gồm: nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; Đề nghị Chánh án Tòa án, thẩm phán ra các quyết định cần thiết thuộc thẩm quyền; Tham gia xét xử các vụ án...; Tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Khi xét xử, hội thẩm nhân dân và thẩm phán ngang quyền nhau, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Nhưng theo nhận định của báo chí và nhiều chuyên gia pháp luật, các Hội thẩm Nhân dân được bổ nhiệm như hiện nay không hoàn tất được trách nhiệm của mình trong một vụ án.

Lý do được nêu ra là phần lớn Hội thẩm Nhân dân không đủ trình độ pháp lý để cùng với thẩm phán xét xử một vụ án. Đội ngũ hội thẩm ở nhiều tòa vừa thiếu về số lượng, vừa yếu kém về chất lượng. Mặt khác, Hội thẩm Nhân dân cũng không có thì giờ để xem trước hoặc nghiên cứu hồ sơ của một vụ tranh tụng. Các hội thẩm phần lớn là người đang làm việc tại các cơ quan, đoàn thể, bận bịu công tác hoặc là người về hưu hạn chế về sức khỏe: “Quá nhiều cán bộ đương nhiệm tham gia hội thẩm nhân dân” sẽ không đạt kết quả như mong muốn.”(trích lời của ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa VII,Theo Báo Dân Trí, ngày 6 -5-2009)

Nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra trong thời hạn 5 năm là quá ngắn, không đủ thời gian cho những người tham gia hội thẩm được đào tạo bồi dưỡng về pháp luật và nghiệp vụ tham gia phiên tòa.

- Trong quá trình xét xử, vai trò của Hội thẩm chưa được coi trọng.

Theo luật định, hội thẩm nhân dân có vai trò và tiếng nói quan trọng trong việc đưa ra bản án xét xử. Thế nhưng, nhiều trường hợp, hội thẩm phải chịu "lép vế" trước thẩm phán và chủ tọa phiên tòa. Những hội thẩm thuận chiều theo ý của chủ tọa thường xuyên được mời tham gia xét xử, còn những hội thẩm bị coi là "gai góc" rất ít có cơ hội ngồi tòa. Bởi vậy, có hội thẩm liên tục được mời xét xử, trong khi đó, không ít hội thẩm cả khóa bầu chẳng tham gia phiên tòa nào. Có lúc, có nơi trong các phiên xử, vai trò của hội thẩm tỏ ra mờ nhạt.

b. Giải pháp:

Để nguyên tắc này được thực thi có hiệu quả, để Hội thẩm nhân dân không chỉ là hình thức cần đề cao trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân nhân trong công tác xét xử. Sự đề cao này không chỉ phải được thể hiện bằng những quy định của pháp luật và những biệp pháp bảo đảm thực hiện trên thực tế.

Nhóm em xin đề xuất một số giải pháp sau:

- Trong công tác bầu Hội thẩm nhân dân:

+ Giảm số ứng cử viên là công chức đương nhiệm và tăng số ứng cử viên là Hội viên các Đoàn thể : Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên…đủ tiêu chuẩn để đề cử.

+ Về tiêu chuẩn của Hội Thẩm : Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân năm 2002 (PLTP và HTND) và Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân quy định tiêu chuẩn để được bầu làm HTND chỉ nêu chung chung là “có kiến thức pháp lý”. Vậy, căn cứ vào đâu để đánh giá một người có kiến thức pháp lý? Với quy định chưa rõ ràng này nên thực tế việc áp dụng quy định pháp luật còn mang tính cơ cấu, thành phần. Số HTND có bằng cấp đào tạo về pháp luật chiếm tỷ lệ rất thấp.

Hiện nay có 2 quan điểm khác nhau: Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hội thẩm viên không chỉ tham gia phần xét xử mà cả phần kết án trong tất cả các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, do đó họ cần phải có kiến thức và năng lực cao hơn bậc cao đẳng. Có phải bắt buộc các Hội thẩm Nhân dân có bằng cử nhân luật hoặc có trình độ đại học để có khả năng nghiên cứu hồ sơ và phán đoán, cân nhắc các lý lẽ do hai bên nguyên cáo và bị cáo đưa ra trước khi phán xét hay không?

Quan điểm thứ hai lo ngại hội thẩm viên có trình độ học thức cao sẽ không gần gũi quần chúng, không dễ cảm thông cho người nông dân thiếu tiền vay nặng lãi phải đi ăn cắp, ăn trộm. Do vậy họ sẽ đề nghị mức án cao. Những người đưa ra ý kiến này đề nghị nếu hội thẩm nhân dân gồm các hội thẩm viên thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, thông qua tranh luận họ sẽ ra quyết định công bằng hơn.Nhóm người theo quan điểm này đề nghị vẫn giữ nguyên yêu cầu về trình độ tối thiểu của Hội thẩm là cao đẳng.

Theo nhóm chúng em : Chế định Hội thẩm nhân dân xuất phát từ yêu cầu của việc đưa phán xét về mặt xã hội vào trong bản án, các quyết định của Toà án chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề xem xét hoàn toàn dưới góc độ pháp lý thuần tuý. Nghĩa là các nhà lý thuyết cho rằng: pháp luật chỉ là những khuôn mẫu chung khá cứng nhắc được xây dựng trên sự đồng thuận theo tỷ lệ mà xã hội chấp nhận được chứ đó không được xây dựng trên cơ sở đồng thuận tuyệt đối, cho nên pháp luật cũng không phải là một giá trị tuyệt đối đúng để có thể áp dụng giải quyết chung cho mọi trường hợp. Vì vậy, chế độ xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia nhằm đưa tiếng nói thực tiễn từ đời sống của cộng đồng xã hội vào các phán xét của Tòa án để pháp luật không tách rời với đời sống nhân dân.Vì vậy, không nên quy định Hội thẩm nhân dân phải có trình độ cử nhân luật.Mà chỉ quy định trình độ tối thiểu là cao đẳng để tạo điều kiện cho các thành phần xã hội khác nhau được góp tiếng nói trong cơ quan xét xử.Tuy nhiên, phải làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đề các Hội thẩm có thể giải quyết các vụ án đúng người đúng tội, hợp tình hợp lí.

- Về công tác bồi dưỡng nghiệp cụ cho Hội thẩm nhân dân: Nhằm khắc phục triệt để những yếu kém trong hoạt động của đội ngũ hội thẩm nhân dân ở các địa phương, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội thẩm.

- Hằng năm, các tòa án địa phương cần tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hội thẩm và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm sau, nhằm nâng cao công tác xét xử của các hội thẩm, qua đó “đội ngũ” hội thẩm có cơ hội trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ để cùng với thẩm phán độc lập xét xử tuân theo pháp luật, đúng người, đúng tội, tránh oan sai…

- Tăng nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tập huấn nghiệp vụ cho các Hội thẩm nhân dân. Về kinh phí phục vụ cho công tác tập huấn, bồi dường nghiệp vụ xét xẻ cho Hội thẩm nhân dân cũng còn nhiều hạn chế. Những năm gần đây Tòa án nhân dân tối cao phân bổ kinh phí bình quân mỗi Hội thẩm nhân dân là 500.000/người/năm. Nguồn kinh phí này đã giúp các Tòa án địa phương giải quyết khó khăn khi tổ chức lớp học. Tuy nhiên số kinh phí này theo một số địa phương phản ánh nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì cũng không đủ.

- Cơ sở vật chất : Khi giao hồ sơ cho các hội thẩm, nên chăng tạo điều kiện cho các hội thẩm thời gian để nghiên cứu hồ sơ; việc sửa chữa, bổ sung hồ sơ cần phải thông tin lại cho hội thẩm tham gia và phải có một phòng riêng trang bị đầy đủ các bộ luật, tài liệu để thuận lợi cho các Hội thẩm trong việc nghiên cứu… .

- Đảm bảo các chế độ, tiêu chuẩn của Nhà nước đối với đội ngũ Hội thẩm nhân dân , nâng cao mức phụ cấp cho Hội thẩm nhân dân để động viên, khuyến khích họ làm việc tốt hơn.


KẾT LUẬN

₪₪₪

Hội thẩm là người được bầu hoặc cử tham gia vào hoạt động xét xử. Với kinh nghiệm sống của mình cùng với kiến thức chuyên môn, Hội thẩm góp phần quan trọng vào việc xác định sự thật của vụ án. Hội thẩm là người trực tiếp làm việc và tham gia sinh hoạt xã hội cùng với quần chúng nhân dân, họ mang đến phiên toà những suy nghĩ và ý kiến quần chúng đối với vụ án góp phần giúp toà án xử lý vụ án khá chính xác.

Hoạt động của Hội thẩm không phải là một nghề chuyên nghiệp. Hội thẩm là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của toà án. Mặc dù thế, khi xét xử, “Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán”. Quy định này thể hiện tính dân chủ trong pháp luật hình sự nước ta.


Thực hiện tốt nguyên tắc này góp phần vào việc nâng cao tính chính xác trong công tác xét xử và góp phần vào việc phòng ngừa và chống tội phạm

No comments:

Post a Comment