26/01/2015
Mọi hoạt động điều tra đều có vai trò giúp cơ quan điều tra thu nhập chứng cứ - Bài tập học kỳ Luật Tố tụng Hình sự
Trong một vụ án hình sự, các cơ quan điều tra luôn phải tiến hành các hoạt động điều tra khác nhau để tìm ra sự thật khách quan của tội phạm, có hay không có hành vi phạm tội và các tình tiết khác có ý nghĩa trong việc xác định tội phạm. Tuy nhiên, tựu chung lại, mặc dù các hoạt động điều tra rất khác nhau về hình thức nhưng chúng đều có một mục đích chung nhất là tìm ra chứng cứ. Hay nói cách khác “Mọi hoạt động điều tra đều có vai trò giúp cơ quan điều tra thu nhập chứng cứ nhưng vai trò đó của từng hoạt động điều tra có sự khác nhau cũng như cách thức để thực hiện vai trò trên của từng hoạt động điều tra cũng không giống nhau”. Đây cũng chính là nội dung cho bài tập lớn bộ môn Khoa học điều tra hình sự mà em đã lựa chọn.

II. NỘI DUNG

1. Hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra

1.1. Khái niệm “chứng cứ”

Thông thường, một vụ án hình sự xảy ra bao giờ cũng để lại dấu vết và những dấu vết đó được thể hiện dưới những hình thức khác nhau, mà những dấu xết này có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định có hay không có hành vi phạm tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào những dấu vết đã thu thập được để khởi tố, truy tố hay xét xử một người đã có hành vi phạm tội, những dấu vết đó được gọi là chứng cứ. 

Theo quy định tại Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự, thì: 

“1.Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2. Chứng cứ được xác định bằng:

a) Vật chứng;

b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

c) Kết luận giám định;

d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.”

Như vậy, xét về bản chất, chứng cứ là những thông tin, tài liệu hay những gì có thật được cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra và đánh giá theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Tuy nhiên, không phải mọi thông tin, tài liệu đều được coi là chứng cứ. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì một thông tin, tài liệu chỉ có thể được coi là chứng cứ của vụ án khi nó có đủ ba thuộc tính sau:

Một là, tính khách quan: Chứng cứ phải là những gì có thật và phản ánh trung thực những tình tiết của vụ án hình sự đã xảy ra.

Hai là, tính liên quan: Chứng cứ phải có mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với vụ án. Nhưng cho dù là trực tiếp hay gián tiếp thì đó cũng phải là mối quan hệ nội tại, có tính nhân quả, tức là chứng cứ phải là kết quả của một loại hành vi hoặc hành động hoặc một quan hệ nhất định, ngược lại, hành vi, hành động hoặc quan hệ đó là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các chứng cứ này.

Ba là, tính hợp pháp: Tất cả những gì có thật phải được cung cấp, thu thập, nghiên cứu, bảo quản theo một trình tự do luật định. Đây là trình tự nhằm bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ.

1.2. Hoạt động thu thập chứng cứ trong giai đoạn điều tra

Điều 65, khoản 1, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 khi quy định thẩm quyền thu thập chứng cứ đã chỉ rõ: “Để thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án”

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, để thu thập được chứng cứ thì các cơ quan điều tra được quyền tiến hành các hoạt động điều tra cần thiết. Các hoạt động điều tra được hình thành nên từ bảy phương pháp của sự nhận thức, đó là quan sát, hỏi, so sánh, đo đạc, thí nghiệm, mô hình hóa và mô tả. Các phương pháp này trong sự kết hợp với nhau đã tạo thành số lượng lớn các hoạt động điều tra được pháp luật tố tụng hình sự quy định. Trong khuôn khổ môn học khoa học điều tra hình sự, các hoạt động điều tra được nghiên cứu bao gồm: khám nghiệm tại hiện trường; hỏi cung bị can; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại; khám xét; nhận dạng; thực nghiệm điều tra; trưng cầu giám định.

Như vậy, có thể thấy rằng để làm sáng tỏ vụ án, điều tra viên cần tiến hành thu thập chứng cứ. Việc thu thập chứng cứ lại được thực hiện thông qua các hoạt động điều tra. Nói cách khác, mục đích của mọi hoạt động điều tra đều là thu thập chứng cứ của vụ án. Điều đó có nghĩa là mọi hoạt động điều tra đều có vai trò giúp cơ quan điều tra thu thập chứng cứ.

Tuy nhiên, trong cùng một vụ án, chứng cứ có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, chúng đều quan trọng và có mối quan hệ logic, biện chứng. Để xác định giá trị một chứng cứ, điều tra viên phải xem xứ đến toàn bộ hệ thống chứng cứ. Ví dụ: Sử dụng dầu vân tay của kẻ phạm tội để lại ở hiện trường, cùng lời khai của người làm chứng để phủ định, bác bỏ lời khai về việc không có mặt ở hiện trường của kẻ phạm tội. Điều tra viên đã phải tiến hành nhiều hoạt động điều tra (lấy dấu vân tay, lấy lời khai người làm chứng, hỏi cung bị can) để làm sáng tỏ sự thật trên. Mặc dù đều cung cấp cho điều tra viên chứng cứ nhưng nếu chỉ dùng một biện pháp điều tra cụ thể không thể đem lại kết quả như vậy. Đó là lí do mà điều tra viên phải tiến hành nhiều hoạt động điều tra có vai trò riêng biệt với nhau để hình thành hệ thống chứng cứ đầy đủ nhất. Chính vì lẽ đó mà vai trò cũng như cách thức thể hiện vai trò trong việc thu thập chứng cứ của từng hoạt động điều tra là không giống nhau.

2. Chứng minh luận điểm

“Mọi hoạt động điều tra đều có vai trò giúp cơ quan điều tra thu nhập chứng cứ nhưng vai trò đó của từng hoạt động điều tra có sự khác nhau cũng như cách thức để thực hiện vai trò trên của từng hoạt động điều tra cũng không giống nhau”

2.1. Vai trò thu thập chứng cứ của các hoạt động điều tra

Theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự thì chứng cứ được xác định từ nhiều nguồn khác nhau. Bao gồm: Vật chứng; Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Do có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau nên cách thức để thu thập chúng cũng không giống nhau. Chính vì vậy mà việc thu thập chứng cứ cần được tiến hành thông qua nhiều hoạt động điều tra khác nhau. Mỗi hoạt động điều tra lại có vai trò riêng trong việc thu thập chứng cứ, chúng không thể thay thế hay bị loại trừ trong quá trình điều tra vụ án. Việc bỏ sót hay không tiến hành bất kì hoạt động điều tra này đều có thể làm sai lệch kết quả của hoạt động điều tra khác, dẫn đến bỏ sót tội phạm hay làm oan người vô tội. 

Để chứng minh cho vai trò khác nhau của các hoạt động điều tra đối với việc thu thập chứng cứ, chúng ta đi vào phân tích cụ thể vai trò này của từng hoạt động điều tra đã được nghiên cứu.

Khám nghiệm hiện trường

Trong khoa học điều tra hình sự, hiện trường được hiểu là nơi xảy ra, nơi phát hiện các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự. Khám nghiệm hiện trường được hiểu là biện pháp điều tra được tiến hành tại hiện trường nhằm phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản, nghiên cứu, đánh giá dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ có tính hình sự đã xảy ra (Giáo trình Khoa học điều tra hình sự, Đại học Luật Hà Nội, 2008).

Có thể nói, khám nghiệm hiện trường là hoạt động điều tra đầu tiên mà các điều tra viên tiến hành khi xảy ra một vụ phạm tội. Khám nghiệm hiện trường đem lại cho điều tra viên cái nhìn toàn cảnh, khách quan về quá trình tội phạm đã diễn ra để từ đó tiến hành các hoạt động điều tra tiếp theo. Chứng cứ thu thập được từ hoạt động khám nghiệm hiện trường chủ yếu là dấu vết, vật chứng – những “nhân chứng câm” của các vụ việc phạm tội. Từ những dấu vết mà điều tra viên phát hiện, ghi nhận, thu lượm được từ hiện trường, có thể làm rõ được những vấn đề sau đây:

+ Nội dung, tính chất của vụ việc, quá trình diễn biến của vụ việc đó, lối vào, lối thoát ra của thủ phạm trên hiện trường. Ví dụ: Thông qua các dấu vết như vết cạy cửa, công cụ bẻ khoá bỏ lại hiện trường, cửa sổ bị đập vỡ,…điều tra viên sẽ biết được thủ phạm ra vào bằng cách nào; Thông qua dấu vết xáo trộn của đồ đạc, tủ bị cạy khoá, các đồ giá trị trong nhà bị mất có thể biết được đó là hiện trường trộm cắp; Thông qua vết phanh gấp có thể biết đó là hiện trường tai nạn giao thông.

+ Phương thức, thủ đoạn và công cụ, phương tiện phạm tội. Ví dụ: Thông qua dấu vết máu để lại trên cán dao, thông qua vết đâm trên người nạn nhân có thể phán đoán thủ phạm gây án bằng dao; Thông qua mùi thuốc súng, vỏ đạn bỏ lại hiện trường có thể biết thủ phạm dùng súng để gây án.

Có thể thấy rằng, các dấu vết có được từ hiện trường rất quan trọng đối với công tác điều tra. Chúng chính là một phần sự thật về các vụ phạm tội mà các điều tra viên không thể bỏ qua. Những chứng cứ có được từ hiện trường là duy nhất, các điều tra viên không thể có được từ các hoạt động điều tra khác. Điều đó đã khẳng định cho vai trò của công tác khám nghiệm hiện trường đối với việc thu thập chứng cứ, làm sáng tỏ vụ phạm tội.

Tuy nhiên, khám nghiệm hiện trường chỉ được tiến hành với những vụ án có hiện trường. Do đó, hoạt động khám nghiệm hiện trường chỉ có vai trò nhất định đối với việc thu thập chứng cứ vụ phạm tội. Hoạt động này sẽ không thể phát huy tác dụng đối với vụ án không có hiện trường.

Hỏi cung bị can

Hỏi cung bị can là biện pháp điều tra được tiến hành nhằm thu thập lời khai của bị can về các tình tiết có liên quan đến vụ án, phục vụ công tác điều tra và xử lý đối với vụ án đó. (Giáo trình Khoa học điều tra hình sự, Đại học Luật Hà Nội, 2008).

Hỏi cung bị can chính là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ đặc thù và hiệu quả nhất. Bị can sở hữu lượng thông tin tương đối lớn về vụ án. Bị can cũng chính là người hiểu rõ nhất về quá trình chuẩn bị, thực hiện và che giấu tội phạm; những công cụ, phương tiện, thủ đoạn phạm tội; mục đích, động cơ đã thúc đẩy bị can phạm tội; cũng như những tài sản đã chiếm đoạt được và nơi cất giấu chúng.

Bị can chính là chủ thể của tội phạm. Chính vì lẽ đó mà những chứng cứ thu thập được từ bị can là đặc biệt quan trọng cho quá trình điều tra vụ án. Những chứng cứ này không thể thu thập được từ hiện trường vụ án, bởi chúng không phải là chứng cứ hữu hình. Những chứng cứ này cũng không thể thu thập được thông qua người làm chứng bởi người làm chứng không thể nắm bắt được toàn bộ suy nghĩ, tính toán của bị can. Những chứng cứ này cũng không thể có được thông qua việc trưng cầu giám định hay thực nghiệm hiện trường. Ví dụ: Điều tra viên có thể biết được bị can đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thông qua hoạt động khám nghiệm hiện trường, có thể biết được hướng chạy trốn bị can thông qua lời khai của người làm chứng, có thể biết được danh tính của bị can thông qua hoạt động giám định dấu vân tay. Tuy nhiên, điều tra viên sẽ không thể biết được động cơ, mục đích phạm tội của bị can là gì, nơi bị can giấu tài sản đã có được là ở đâu. Chỉ có thông qua hỏi cung bị can, điều tra viên mới xác minh được những thông tin đó.

Công tác hỏi cung bị can có vai trò bổ sung lượng chứng cứ tương đối lớn, góp phần làm sáng tỏ các chứng cứ thu được từ các hoạt động điều tra khác. Đồng thời cũng cung cấp những chứng cứ mới, những chứng cứ đặc thù chỉ có được từ hoạt động hỏi cung bị can (như động cơ, mục đích phạm tội). 

Tuy nhiên, chỉ riêng hoạt động hỏi cung bị can thì vụ án cũng không thể được làm sáng tỏ. Những lời khai của bị can chỉ mang tính chất tương đối, các điều tra viên cần tiến hành các hoạt động điều tra khác để xác minh tính xác thực trong lời khai của bị can. Ví dụ: Bị can khai rằng đã giết nạn nhân bằng 3 vết đâm chí mạng vào tim. Tuy nhiên, nếu không tiến hành khám nghiệm hiện trường, giám định pháp ý sẽ không thể biết được lời khai này của bị can là đúng hay sai. Do đó, vai trò của hỏi cung bị can đối với việc thu thập chứng cứ là quan trọng nhưng không phải duy nhất.

Lấy lời khai người làm chứng

Người làm chứng là người biết được thông tin của vụ án đang điều tra, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai về những hiểu biết đó của họ theo đúng trình tự, thủ tục mà luật tố tụng hình sự quy định (Giáo trình Khoa học điều tra hình sự, Đại học Luật Hà Nội, 2008).

Hoạt động lấy lời khai người làm chứng có đối tượng là những cá nhân biết được các tình tiết của vụ án đang điều tra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Thông qua lời khai của người làm chứng, điều tra viên sẽ thu thập được các tính tiết khách quan liên quan đến vụ án, như thời gian, địa điểm diễn ra hành vi phạm tội, người phạm tội, công cụ, phương tiện phạm tội,.. Những chứng cứ này đóng vai trò bổ sung những tình tiết mới cho công tác điều tra, đặc biệt là trong những tình huống như: Không có dấu vết của kẻ phạm tội bỏ lại hiện trường nhưng có người chứng kiến được vụ án, sử dụng lời khai của người làm chứng sẽ biết được nhân dạng của kẻ phạm tội; Có những tình tiết bị can khai báo sai sự thật có thể sử dụng lời khai của người làm chứng để vạch trần sự gian dối đó; Với những vụ án mà bị can sử dụng hung khí đi mua hoặc phương tiện giao thông mượn của người khác thì lời khai của người bán hàng, chủ phương tiện giao thông sẽ xác minh được chính xác phương tiện bị can sử dụng để phạm tội; Những bị can mà trước đó có xô xát, mâu thuẫn với nạn nhân cũng có thể biết được thông qua lời khai của người làm chứng.

Rõ ràng thông qua lời khai của người làm chứng, cơ quan điều tra có thể xác định được nhiều tình tiết liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, với những tình tiết như tỉ lệ thương tật của nạn nhân, tâm thần của bị can, … các điều tra viên không thể có được câu trả lời chính xác thông qua lời khai của người làm chứng mà cần kết hợp với các hoạt động điều tra khác.

Khám xét

Khám xét là biện pháp điều tra được tiến hành bằng cách tìm tòi, lục soát cưỡng chế người, chỗ ở, địa điểm, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm nhằm phát hiện, thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội; đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, đồ vật, tài liện khác có liên quan đến vụ án hoặc phát hiên xác chết hay người đang bị truy nã, người bị bắt cóc (Giáo trình Khoa học điều tra hình sự, Đại học Luật Hà Nội, 2008).

Khác với các hoạt động điều tra khác, hoạt động khám xét chỉ tập trung vào những đối tượng cụ thể sau đây: Cơ thể người (có thể là bị can hoặc những người khác có liên quan); Chỗ ở, nơi làm việc (Chỗ ở, nơi làm việc của bị can hoặc địa điểm khác có liên quan); Thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm. Trong khi đó, hoạt động lấy lời khai của bị can, người làm chứng tập trung vào đối tượng là trí nhớ, hiểu biết của bị can, người làm chứng. Các điều tra viên khi tiến hành hoạt động khám xét sẽ dựa vào các yếu tố khách quan thu thập được để tìm ra chứng cứ mà không phải từ các yếu tố chủ quan trong suy nghĩ của bị can, người làm chứng.

Ngoài ra, chứng cứ thu được từ hoạt động khám xét là những sự vật “hữu hình”. Đó là công cụ phạm, phương tiện phạm tội; Tài sản do phạm tội mà có; Những đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án; Xác chết; Người đang bị truy nã, người bị bắt cóc. Có thể thẩy rằng, chứng cứ thu được từ hoạt động khám xét có phạm vi hẹp hơn so với các hoạt động điều tra khác bởi bản chất của khám xét là sự tìm tòi, lục soát cưỡng chế của cơ quan điều tra trên những đối tượng nhất định. 

Tuy nhiên, không vì thế mà vai trò của khám xét trong việc thu thập chứng cứ trở nên kém quan trọng. Thông qua khám xét, điều tra viên có thể phát hiện những chứng cứ mà không thể phát hiện trong quá trình khám nghiệm hiện trường, trong quá trình đấu tranh khai thác từ bị can. Ví dụ: Bị can bị khởi tố tội “chống phá Nhà nước”, để có được chứng cứ các điều tra viên tiến hành khám xét nhà riêng của bị can thu thập các văn thư có nội dung xuyên tác, bị đặt về Nhà nước. Ngoài ra, oạt động khám xét cũng là hoạt động nhằm xác minh những lời khai mà cơ quan điều tra thu thập được từ các nguồn khác nhau. Ví dụ: Nhân chứng khai báo rằng nửa đêm thấy bị can lén lút vác một bao tải to chôn ở sau vườn. Qua hoạt động khám xét, cơ quan điều tra đã phát hiện được một xác chết trong bao tải đó.

Ngược lại, hoạt động khám xét chỉ đem lại hiệu quả nếu được kết hợp với các hoạt động điều tra khác. Nếu không có hoạt động khám nghiệm hiện trường, các điều tra viên không thể biết được hung khí mà bị can sử dụng là 1 con dao thái lan dài 30cm để tiến hành khám xét nơi ở của bị can. Nếu không có hoạt động lấy lời khai nhân chứng, các điều tra viên không thể biết được bị can sau khi tiến hành cướp tiệm vàng đã mang tài sản cướp được đi cầm đồ để tiến hành khám xét cửa tiệm này.

Nhận dạng

Nhận dạng là biện pháp điều tra được tiến hành bằng cách tổ chức cho một người quan sát, so sánh, nhận lại đối tượng hiện tại với một đối tượng mà họ đã tri giác trước đây nhằm làm rõ sự đồng nhất, sự tương đồng hay sự khác biệt giữa đối tượng nhận dạng với đối tượng có liên quan đến vụ án. (Giáo trình Khoa học điều tra hình sự, Đại học Luật Hà Nội, 2008).

Trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, những sự vật, hiện tượng, con người, địa điểm thu thập được từ trí nhớ của các đối tượng tham gia tố tụng có thể bị sai lệch do nhiều yếu tố khác nhau (do trí nhớ bị giảm sút, do yếu tố tâm lý hay tác động của ngoại cảnh). Điều này khiến cho chứng cứ có được từ tri giác của những người tham gia tố tụng đôi khi không đúng với sự thật, không đồng nhất, tương đồng với đối tượng thực tế có liên quan đến vụ án. Nếu chỉ sử dụng các hoạt động điều tra thông thường để thu thập chứng cứ trực tiếp từ nhận thức, tri giác của các đối tượng tham gia tố tụng thì có thể không đảm bảo sự chính xác, khách quan của chứng cứ. 

Vai trò của hoạt động nhận dạng đối với việc thu thập chứng cứ đó là: Nhận dạng giúp làm rõ sự đồng nhất, tương đồng hay khác biệt của các sự vật, hiện tượng, con người, địa điểm thu thập được từ trí nhớ của đối tượng tham gia tố tụng với đối tượng có liên quan đến vụ án. Nhận dạng giúp cơ quan điều tra kiểm chứng lại độ xác thực trong lời khai của bị can, người làm chứng, người bị hại,… về những tình tiết họ đã tri giác trước đó. Nếu kết luận đối tượng tri giác tương đồng, đồng nhất với đối tượng có liên quan đến vụ án thì có nghĩa là chứng cứ có được trước đó là chính xác. Ví dụ: Bị can khai báo đã trèo tường vào căn nhà của chị A để lấy trộm 1 chiếc laptop. Thông qua nhận dạng, chị A xác nhận chiếc laptop đó là của mình. Nhờ đó cơ quan điều tra xác định được đối tượng của vụ án là chiếc laptop của chị A.

Nếu kết luận các đối tượng có sự khác biệt thì cơ quan điều tra cần tiến hành các biện pháp điều tra tiếp theo để tìm ra chứng cứ xác thực. Ví dụ: Người làm chứng khai báo đã nhìn thấy rõ đối tượng cầm dao đâm ông B là con trai của ông B. Tuy nhiên, vợ của ông B lại ra đầu thú, khai nhận chính mình đã giết chồng và không có đồng phạm nào khác. Thông qua nhận dạng, người làm chứng xác định người này đã không khai báo đúng sự thật. Cơ quan điều tra cũng kết luận được chứng cứ từ lời khai của bị can là sai sự thật.

Như vậy, nhận dạng đóng vai trò như một hoạt động xác minh chứng cứ, giúp cơ quan điều tra sàng lọc các chứng cứ đã thu thập được và xác định được chứng cứ chính xác có liên quan đến vụ án. Nhận dạng trong sự phối hợp với các hoạt động điều tra khác sẽ phát huy được hiệu quả tối đa của mình,

Thực nghiệm điều tra

Thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự. (Giáo trình Khoa học điều tra hình sự, Đại học Luật Hà Nội, 2008).

Vai trò của thực nghiệm điều tra đối với công tác thu thập chứng cứ được ghi nhận tại khoản 1 Điều 153 Bộ luật tố tụng hình sự: “Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết”. Theo đó, thực nghiệm điều tra có vai trò kiểm tra và xác minh những tài liệu, tình tình đã thu thập được trong giai đoạn điều tra nhưng chưa xác định được tính khách quan và mức độ tin cậy của chúng. 

Trong quá trình điều tra vụ án, sẽ có rất nhiều chứng cứ thu thập được từ lời khai của bị can, người làm chứng, từ những giả thuyết, nhận định,… tuy nhiên mức độ tin cậy của chúng đến đâu thì các điều tra viên phải tiến hành thực nghiệm – một hình thức “thử thách” để xác định giá trị thực của chứng cứ. Do đó, vai trò của thực nghiệm điều tra đối với quá trình thu thập chứng cứ chính là khẳng định hoặc phủ định các chứng cứ đã thu thập được trước đó. Ví dụ: Bị can khai rằng 

Ngoài ra, hoạt động thực nghiệm điều tra còn cung cấp thêm những chứng cứ mới mà trước đó các đối tượng tham gia tố tụng không nhớ được hoặc đã bỏ qua. Những chứng cứ này không thể thu thập được bằng các hoạt động điều tra khác. Ví dụ: Người làm chứng khai rằng vào thời điểm xảy ra vụ phạm tội người đó đang có mặt tại hiện trường nhưng không nghe thấy tiếng súng nổ. Qua thực nghiệm điều tra, cơ quan điều tra xác định được rằng lúc đó đang có 1 công trường xây dựng rất ồn ào đã cản tiếng súng nổ, làm cho người làm chứng không thể nghe được tiếng súng.

Thực nghiệm điều tra khác với nhận dạng ở chỗ: Nhận dạng là việc xác minh lại các đối tượng mà các đối tượng tham gia tố tụng tri giác trước đây thông qua các hoạt động “tĩnh” là quan sát, so sánh, nhận lại. Trong khi đó, thực nghiệm điều tra là quá trình dựng lại, mô hình lại các chứng cứ qua việc thử nghiệm, thực nghiệm trong hoàn cảnh tương tự với khi sự kiện đó xảy ra trước đây. 

Trưng cầu giám định

Trưng cầu giám định trong điều tra hình sự là hoạt động điều tra của cơ quan có thẩm quyền, được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định, sử dụng các nhà chuyên môn tiến hành giám định tư pháp để kết luận về các vấn đề chuyên môn nhằm thu thập, củng cố, kiểm tra, đánh giá, xác lập chứng cứ, phục vụ điều tra, xử lý vụ án hình sự. (Giáo trình Khoa học điều tra hình sự, Đại học Luật Hà Nội, 2008).

Trưng cầu giám định là hoạt động điều tra đặc biệt. Đối với việc thu thập chứng cứ, trưng cầu giám định đem lại những kết quả mà chỉ có được nhờ các kiến thức chuyên môn, chuyên ngành đặc thù. Chứng cứ thu được từ hoạt động trưng cầu giám định là những chứng cứ mang tính chất chuyên ngành cao, khó nhận biết khi sử dụng tri giác thông thường và bởi những cá nhân bình thường. Ví dụ: tỉ lệ thương tật của nạn nhân, xác định AND, dấu vân tay, xác định mẫu vỏ đạn, …

Chứng cứ thu được từ hoạt động trưng cầu giám định có thể được sử dụng vào các hoạt động điều tra khác như hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, khám xét hoặc thực nghiệm điều tra. Tuy nhiên, khi sử dụng các thông tin đó, cơ quan điều tra cần kết sức chú ý về phạm vi chứng minh, mức độ tin cậy và giá trị pháp lý của các tài liệu giám định. Kết quả giám định phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với các tài liệu, chứng cứ đã có, xác định mối liên quan trực tiếp hay gián tiếp với những nhiệm vụ của điều tra.

2.2. Cách thức thể hiện vai trò thu thập chứng cứ của các hoạt động điều tra

Từ phân tích trên, có thể thấy rằng mỗi hoạt động điều tra có mục đích, vai trò riêng của mình. Do vậy chúng có phạm vi áp dụng hạn chế. Mỗi hoạt động điều tra không phải có thể được áp dụng đối với bất kỳ thông tin nào mà chỉ có thể với những loại thông tin phù hợp với bản chất vật lý của nó. Chính vì vậy mà cách thể thể hiện vai trò thu thập chứng cứ của các hoạt động điều tra không giống nhau.

Cách thức thể hiện vai trò thu thập chứng cứ của các hoạt động điều tra là khác nhau dựa trên những căn cứ sau đây:

Thứ nhất: Căn cứ vào tính chất của vụ phạm tội.

Các vụ phạm tội có tính chất khác nhau khiến cho cách thức thể hiện vai trò của các hoạt động điều tra cũng khác nhau. 

- Cùng một tội phạm, nếu hành vi phạm tội diễn ra khác nhau cũng khiến cho hoạt động điều tra để thu thập chứng cứ có cách thức thể hiện khác nhau. Đối với tội giết người, nếu hành vi giết người trong vụ án cụ thể mà làm nạn nhân chết thì cần giám định tử thi. Nếu nạn nhân không chết mà chỉ bị thương tích thì không thể giám định tử thi mà cần tiến hành lấy lời khai người bị hại. Cùng với tội cướp tài sản, nếu hành vi cướp tài sản xảy ra trên phố đông người qua lại có thể tiến hành hoạt động lấy lời khai của nhân chứng, nhưng nếu xảy ra ở nơi vắng vẻ thì không thể tiến hành hoạt động lấy lời khai. Cũng như vậy, đối với vụ phạm tội không có hiện trường, hoạt động khám nghiệm hiện trường không thể diễn ra, nó không thể hiện vai trò thu thập chứng cứ của mình (như đối với các tội chống phá nhà nước, tội tham nhũng, rửa tiền,..). Ngược lại, đối với vụ án có hiện trường (như vụ đâm xe, vụ giết người) thì hoạt động khám nghiệm hiện trường lại thể hiện vai trò thu thập chứng cứ không thể thiếu v.v..

- Khi tiến hành điều tra các nội dung, giai đoạn khác nhau của vụ phạm tội thì điều tra viên cũng phải tiến hành các hoạt động điều tra khác nhau, khiến cho cách thức thể hiện vai trò của chúng cũng khác nhau. Ví dụ: Trong một vụ án giết người, để xác minh được có hành vi giết người xảy ra hay không, hay đó là vụ tai nạn, tự sát, chết do bệnh lý, chết tự nhiên thì cần tiến hành hoạt động giám định pháp y mà không thể căn cứ vào hoạt động nhận dạng; Để xác minh ai là người thực hiện hành vi phạm tội có thể thông qua hoạt động lấy lời khai người làm chứng, giám định dấu vân tay, dấu máu; Để xác định tính chất, mức độ thiệt hại của vụ án có thể thông qua khám nghiệm hiện trường, giám định thương tật, tử thi.

Từ những phân tích trên có thể kết luận rằng: Mặc dù các hoạt động điều tra đều có vai trò quan trọng đối với việc thu thập chứng cứ nhưng cách thức để thể hiện vai trò của chúng sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào tính chất của vụ phạm tội.

Thứ hai: Căn cứ vào phương pháp tiến hành các hoạt động điều tra.

Các hoạt động điều tra khác nhau có thể được lựa chọn áp dụng để thu thập chứng cứ tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng loại tội phạm, vào tính chất của chứng cứ cần thu thập, cũng như yêu cầu riêng biệt của vụ án. Điều đó đã khiến cho cách thức để thể hiện vai trò thu thập chứng cứ của các hoạt động điều tra này có những điểm khác biệt nhau, mà thể hiện rõ nét nhất trong phương pháp điều tra mà tiêu biểu là các chiến thuật điều tra.

Khi tiến hành điều tra, các đối tượng điều tra khác nhau cũng cần tiến hành các hoạt động điều tra khác nhau và các phương pháp sử dụng trong từng hoạt động đó cũng khác nhau. Ví dụ: Với đối tượng là hiện trường, tử thi, tài liệu, đồ vật,…thì không thể áp dụng phương pháp “hỏi” để điểu tra được, mà phải dùng phương pháp đo đạc, quan sát, so sánh, mô hình hoá, thí nghiệm. Cũng như vậy,  phương pháp quan sát không thể phù hợp với những thông tin phản ánh trong trí nhớ của con người. Nhưng phương pháp “hỏi” lại phù hợp cho việc nhận thông tin này. Thậm chí các hoạt động điều tra có chung các phương pháp, thao tác nhưng vẫn khác nhau về mức độ liên kết đặc thù giữa các phương pháp đó, khác nhau về hình thức pháp luật sử dụng cùng một phương pháp đó. Ví dụ: phương pháp hỏi cung bị can sẽ khác với phương pháp hỏi để lấy lời khai từ người làm chứng; phương pháp quan sát hiện trường sẽ khác với phương pháp quan sát khi tiến hành nhận dạng.

Ngoài ra, điều kiện để tiến hành các hoạt động điều tra hay chính là đặc tính riêng của từng loại chứng cứ cần được thu thập cũng tác động làm thay đổi cách thức thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra:

+ Đối với hoạt động khám nghiệm hiện trường, chứng cứ chỉ có thể được thu thập nếu hiện trường còn nguyên vẹn, được bảo vệ, không có sự xáo trộn do các tác nhân bên ngoài.

+ Đối với hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, chứng cứ chỉ có thể thu thập được nếu bị can, người làm chứng vẫn có thể ghi nhớ các tình tiết liên quan đến vụ án, không bị tác động bởi các đối tượng khác (bị dụ cung, mớm cung, ép cung,…).

+ Đối với nhận dạng, chứng cứ chỉ có thể thu thập được nếu người nhận dạng có đủ khả năng để nhận lại đối tượng họ đã tri giác trước đây và các đối tượng nhận dạng còn nguyên vẹn, không bị phá huỷ, biến dạng, còn giữ được những đặc điểm, thuộc tính cơ bản.

+ Đối với hoạt động khám xét, chứng cứ chỉ có thể thu thập được khi có đủ cơ sở nhân định rằng ở những nơi định khám xét đang cất giấu các vật chứng, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án hoặc ở đó có đối tượng đang bị truy nã lẩn trốn, xác chết hoặc các phần của nó, người bị bắt cóc.

+ Đối với hoạt động thực nghiệm điều tra, chứng cứ chỉ có thể thu thập được nếu việc thực nghiệm được tiến hành trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần điều tra đã diễn ra trong thực tế (về thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện đã sử dụng cũng như hiện trường).

+ Đối với hoạt động trưng cầu giám định, chứng cứ chỉ có thể thu thập được nếu việc giám định được thực hiện bởi các giám định viên tư pháp.

Những điều kiện khác nhau đã khiến cho cách thức để thu thập chứng cứ của các hoạt động điều tra cũng khác nhau. Các hoạt động điều tra cũng vì thế có các chiến thuật điều tra khác nhau. Một số chiến thuật, phương pháp của hoạt động điều tra này có thể áp dụng cho các hoạt động điều tra khác. Tuy nhiên, chúng vẫn có những phương pháp, chiến thuật đặc thù, không thể thay thế, loại bỏ. Cụ thể: 

+ Khi tiến hành khám xét hiện trường, các điều tra viên có thể sử dụng nhiều phương pháp: phương pháp chia ô (đối với hiện trường có phạm vi rộng lớn nhưng được phân chia tự nhiên thành những khu vực độc lập với nhau hoặc những hiện trường có cấu trúc phức tạp), phương pháp khám nghiệm dựa vào phương thức gây án đã được nhận định (áp dụng khi trên hiện trường qua dấu vết, vật chứng để lại đã xác định được lối vào, lối ra của thủ phạm và quá trình hoạt động của chúng ở hiện trường), phương pháp khám nghiệm theo hình xoắn ốc từ ngoài vào trung tâm hoặc từ trung tâm ra ngoài (được áp dụng khi đã xác định được trung tâm của hiện trường – nơi tập trung nhiều dấu vết, vật chứng), phương pháp khám nghiệm theo cách cuốn chiếu (áp dụng để khám nghiệm những hiện trường tương đối băng phẳng, có chiều ngang nhỏ), phương pháp khám nghiệm theo đường song song (áp dụng khi khám nghiệm hiện trường có địa hình rộng, tương đối bằng phẳng). 

Song song với các phương pháp này, khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra viên có thể sử dụng phương pháp quan sát, chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô mình, thu lượm đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án… (khoản 3 Điều 150 Luật tố tụng hình sự).

+ Khi tiến hành hỏi cung bị can, chiến thuật hỏi cung là đặc biệt quan trọng. Các đối tượng bị can có đặc điểm về nhân thân khác nhau, đòi hỏi điều tra viên có các chiến thuật khác nhau. Ví dụ đối với trẻ vị thành viên, khi hỏi cung bị can, các điều tra viên thường có chiến thuật rất đặc biệt: Việc hỏi cung không để quá lâu vì bị can có thể quên mất một số tình tiết liên quan đến vụ án. Việc hỏi cung cũng không nên kéo quá dài vì bị can ở lứa tuổi này chỉ có khả năng tập trung chú ý trong thời gian ngắn. Khi hỏi cung, điều tra viên cần giữ thái đội bình tĩnh, tự tin, và có thiện cảm với bị can nhưng đồng thời phải dứt khoát, cứng rắn. Những biểu hiện nóng nẩy của điều tra viên có thể khiến bị can lo sợ, cái giận và bắt đầu nhầm lẫn hay nói dối. Nếu bị can thành khẩn thì điều tra viên có thể để bị can tự khai báo bằng miệng hay viết bản tự khai. Điều tra viên không nên thúc giục, ngắt quãng hay hỏi dồn bị can. Nếu bị can quên hay nhầm lẫn có thể giúp bị can nhớ lại dựa trên mối liên tưởng về sự giống hoặc khác nhau. Những câu hỏi này phải phù hợp với trình độ nhận thức và sự ham thích của bị can ở lứa tuổi này;…

+ Khi tiến hành lấy lời khai người làm chứng, điều tra viên cũng cần sử dụng các chiến thuật điều tra. Các chiến thuật này là tương đối giống với các chiến thuật hỏi cung bị can. Cả hỏi cung bị can và lấy lời khai người làm chứng đều sử dụng phương pháp “hỏi” là chủ đạo. Tuy nhiên, cách thể hiện của chúng không hoàn toàn giống nhau. 

+ Khi tiến hành khám xét, tuỳ thuộc vào đối tượng khám xét mà điều tra viên cần tuân thủ những phương pháp nhất định. Nếu khám người thì điều tra viên có thể yêu cầu người được khám xét cởi quần áo, bỏ đồ đạc trên người để khám xét. Nếu khám chỗ ở, địa điểm thì sự vận động khám xét phải tuân theo một trình tự nhất định và phải đảm bảo kiểm tra kĩ càng, không bỏ sót. Phương pháp khám xét chủ yếu là quan sát, thu lượm.

+ Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, các điều tra viên phải chú ý thực nghiệm trong hoàn cảnh  giống ở mức tối đa với hoàn cảnh mà sự việc cần kiểm tra đã diễn ra, phải dựng lại hiện trường trước khi tiến hành thực nghiệm. Khi thực nghiệm điều tra, các điều tra viên có thể sử dụng phương pháp quan sát, chụp ảnh, ghi băng cũng như phân tích kết quả thực nghiệm điều tra.

+ Khi tiến hành nhận dạng, phương pháp thu thập chứng cứ chủ yếu là quan sát, so sánh, nhận lại. Tuỳ vào từng loại nhận dạng (trực tiếp, gián tiếp) mà việc thu thập chứng cứ được tiến hành theo các trình tự khác nhau. 

+ Trưng cầu giám định là biện pháp điều tra đặc biệt, chỉ có thể được tiến hành khi sử dụng các kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ. Trưng cầu giám định sẽ đưa ra những kết luận chuyên môn về những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự. Những chứng cứ có được từ hoạt động điều tra này phải trải qua quá trình nghiên cứu nghiêm ngặt với các đòi hỏi cao về kĩ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ.

Nói tóm lại, các hoạt động điều tra đều có vai trò nhất định đối với việc thu thập chứng cứ. Các hoạt động điều tra khác nhau có thể được áp dụng để thu thập chứng cứ tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng loại tội phạm, vào tính chất của chứng cứ cần thu thập cũng như yêu cầu riêng biệt của vụ án. Điều đó đã khiến cho cách thức để thể hiện vai trò thu thập chứng cứ của các hoạt động điều tra này có những điểm khác biệt nhau, mà thể hiện rõ nét nhất trong các chiến thuật điều tra riêng biệt của từng hoạt động điều tra đó.

III. KẾT LUẬN

Từ những phân tích ở trên, chúng ta thấy được vai trò quan trọng của các hoạt động điều tra nói riêng và công tác điều tra nói chung trong việc thu thập chứng cứ, tìm ra sự thật của vụ án hình sự. Chứng cứ tồn tại rất phong phú, đòi hỏi các phương pháp, cách thức thu thập rất khác nhau. Đó cũng là lí do mà các hoạt động điều tra mặc dù cùng có vai trò thu thập chứng cứ nhưng vai trò đó của từng hoạt động điều tra lại không giống nhau và cách thức để thể hiện vai trò đó cũng không giống nhau.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật tố tụng hình sự 2003
2. Giáo trình “Khoa học điều tra hình sự”, Nxb. Công an nhân dân, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2008

No comments:

Post a Comment