13/11/2014
Bài tập nhóm Đường Lối - Phân tích đề tài Đại hội II của Đảng Cộng sản Việt Nam
MỞ ĐẦU

Trong quá trình 83 năm hoạt động, kể từ ngày thành lập (1930) đến nay, Ðảng ta đã trải qua 11 kỳ Ðại hội. Mỗi kỳ đại hội ấy đều có đặc sắc riêng và đại hội nào cũng đánh dấu một chặng đường đi lên, một bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam và của bản thân việc xây dựng Ðảng. Trong đó,Ðại hội II của Ðảng, họp cách đây tròn 62 năm (tháng 2/1951) là một Ðại hội có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, trong bài tập nhóm số 1 này chúng em xin đi sâu vào giới thiệu, phân tích đề tài “Đại hội II của Đảng cộng sản Việt Nam” Bài viết còn nhiều thiếu sót. Mong thầy cô và các bạn góp ý.

NỘI DUNG

I. Hoàn cảnh lịch sử
1. Hoàn cảnh thế giới

Từ năm 1950, phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Hệ thống xã hội chủ nghĩa đã được củng cố và mở rộng. Cùng với sự lớn mạnh vượt bậc của Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân châu Âu, châu Á bước vào công cuộc xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa làm thay đổi lực lượng so sánh trên trường quốc tế, có lợi cho hòa bình và cách mạng. Phong trào giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ đã làm rung chuyển hậu phương của chủ nghĩa đế quốc.


Về phía chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ. Cho tới lúc này, Mỹ đã căn bản hoàn thành việc chia lại thị trường thế giới tư bản dưới sự khống chế của Mỹ. Mỹ còn ra sức tiếp tay cho các đế quốc khác trong cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa, chuẩn bị điều kiện hất cẳng bọn thực dân cũ, thay bằng chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Mâu thuẫn giữa Mỹ và các nước đế quốc ngày càng sâu sắc. Trong quan hệ với Đông Dương, để cứu nguy cho Pháp đang sa lầy trong cuộc chiến tranh và thực hiện ý đó can thiệp sâu vào Đông Dương, Mỹ đã quyết định tăng cường viện trợ cho Pháp và quân đội bù nhìn. 
Hai nước bạn Lào và Campuchia cũng giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.

2. Hoàn cảnh trong nước

Đất nước ta có những chuyển biến căn bản. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đưa nhân dân ta từ người mất nước lên người làm chủ đất nước. Nhưng do dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nhân dân ta lại phải tiếp tục cầm súng đứng lên đánh giặc để bảo vệ nền tự do, độc lập. Qua hơn 5 năm chiến đấu, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã liên tiếp thu được nhiều thắng lợi, thực dân Pháp ngày càng sa lầy vào cuộc chiến khó tránh khỏi thất bại. Đặc biệt, sau chiến tranh Biên giới 1950, chúng ta đã phá được thể bao vây của quân thù. Quyền chủ động trên chiến trường hoàn toàn thuộc về ta.

Các nước xã hội chủ nghĩa đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốcđã có sự ủng hộ về tinh thần và giúp đỡ về vật chất cho nước ta. Uy tín của Đảng và Chính phủ ta được nâng cao trên trường quốc tế.
Do Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương nói chung và chiến tranh Việt Nam nói riêng nên cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta gặp nhiều khó khăn, thách thức mới. Điều kiện lịch sử mới đặt ra cho Đảng ta các yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ lên chủ nghĩa xã hội, có những chính sách đưa cuộc kháng chiến thắng lợi; đặc biệt là yêu cầu Đảng phải ra công khai lãnh đạo cách mạng với tư cách là một đảng cầm quyền.
Giữa lúc cuộc kháng chiến của ba nước Đông Dương phát triển, cục diện có lợi cho ta, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã được tiến hành tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình) huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19/2/1951. Về dự đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 76 vạn đảng viên trong cả nước.

II. Nội dung của đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng

Thứ nhất, Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do Trường Chinh đọc, thông quan Tuyên ngôn, Chính cương và Điều lệ mới của Đảng.

Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của Đảng qua các chặng đường lịch sử đấu tranh oanh liệt kể từ ngày Đảng ta ra đời. Khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn. Báo cáo đã vạch trần âm mưu can thiệp của Mĩ vào Đông Dương và nêu lên khẩu hiệu chính của quân và dân Việt Nam là “Tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mĩ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới”. Đồng thời chỉ ra nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, Đảng phải đề ra những chính sách và biện pháp tích cực: tăng cường lực lượng vũ trang, củng cố các đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh thi đua ái quốc, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường đoàn kết quốc tế…

Luận cương cách mạng Việt Nam của đồng chí Trường Chinh đã trình bày trước Đại hội toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất, xoá bỏ hình thức bóc lột phong kiến, làm cho người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến khăng khít với nhau. Nhưng trọng tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện tại là giải phóng dân tộc. Kẻ thù cụ thể trước mắt của cách mạng là chủ nghĩa đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai. Mũi nhọn của cách mạng chủ yếu chĩa vào bọn đế quốc xâm lược. Lực lượng cách mạng Việt Nam bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản dân tộc. Động lực của cách mạng Việt Nam bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và giai cấp tư sản, chủ yếu là công nhân và nông dân. Lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân. 

Luận cương cách mạng Việt Nam là một văn kiện lịch sử quan trọng, đã bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển lý luận của Đảng ta về cách mạng dân tộc dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo. Đây là kim chi nam cho các chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ và phương hướng phấn đấu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đưa sự nghiệp kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn. 

Thứ hai, Đại hội thống nhất thành lập Đảng Lao động Việt Nam. Do điều kiện của cuộc kháng chiến: Cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia đã giành được những thắng lợi quan trọng. Lợi dụng tình thế khó khăn của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ can thiệp trực tiếp vào Đông Dương, vừa giúp đỡ Pháp, vừa tìm cơ hội để hất cẳng Pháp. Vào lúc này, một đảng công khai ra lãnh đạo cho cuộc kháng chiến là hết sức cần thiết và đáp ứng được nhu cầu phát triển của cách mạng. Khi đã có một đảng lãnh đạo thì lẽ đương nhiên công cuộc cách mạng được tổ chức và thực hiện theo một đường lối, một chủ trương đúng đắn, điều đó cũng đồng nghĩa với công cuộc đi đến thành công của cách mạng Việt Nam sẽ dễ dàng hơn. Do đó, việc đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai tạo điều kiện kiện toàn tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo đối với cuộc kháng chiến.  

Thứ ba, thông qua chính cương của Đảng Lao động Việt Nam. Qua chính cương, xác định rõ  nhiệm vụ cơ bản hiện nay của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc; xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng; phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội. Ba nhiệm vụ đó khăng khít với nhau. Nhiệm vụ chính lúc này là hoàn thành giải phóng dân tộc. Cần phải tập trung lực lượng vào cuộc kháng chiến để quyết thắng quân xâm lược. Từ đó kết hợp chặt chẽ và đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc với nhiệm vụ chống phong kiến và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. 

Thứ tư, Đại hội đã thông qua Điều lệ mới của Đảng. Điều lệ xác định rõ mục đích, tôn chỉ của Đảng và nhấn mạnh Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và của nhân dân lao động Việt Nam, điều đó có nghĩa là muốn đi đến cách mạng thành công thì phải có sự đồng sức đồng lòng của tất cả các đảng viên, toàn dân tộc.Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam và xây dựng Đảng theo nguyên tắc một đảng vô sản kiểu mới... Đây là một bước tiến mới trong công tác xây dựng Đảng. 

Từ việc đảng ra công khai và xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ đã tác động mạnh mẽ đên tinh thần của toàn đảng ta và từ đó ý chí và quyết tâm của Đảng nhanh chóng trở thành ý chí và quyết tâm của toàn quân, toàn dân, tạo thành sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn để đánh thắng kẻ thù.
Cuối cùng là Bầu ban chấp hành trung ương. Gồm 19 uỷ viên chính thức và 10 uỷ viên dự khuyết, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 7 uỷ viên chính thức, 1 uỷ viên dự khuyết và Ban Bí thư. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư.

III. Ý nghĩa của Đại hội

Trong điều kiện lịch sử hết sức đặc biệt: toàn dân tộc đang đặt ra yêu cầu cấp bách đòi hỏi Đảng phải có những đường lối, chính sách mới phù hợp để đưa cách mạng phát triển thì Đại hội II đã ra đời và đáp ứng được những mong muốn đó.

Thứ nhất, Đại hội Đại biểu lần II của Đảng là một sự kiện lịch sử trọng đại đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đại hội đã hoàn chỉnh và bổ sung đường lối cách mạng, quyết định những chính sách, biện pháp đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi. Đường lối do đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của cuộc kháng chiến và yêu cầu lâu dài của cách mạng.

         Thứ hai, việc tách ra thành một đảng riêng biệt hoạt động công khaivới tên gọi là Đảng Lao Động Việt Nam, có cương lĩnh và đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thế giới có ý nghĩa quyết định đưa kháng chiến tiến lên giành những thắng lợi ngày càng lớn. Đồng thời, qua Đại hội, chúng ta thấy được sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc ba nước Đông Dương tách thành ba tổ chức cách mạng hoạt động độc lập đã tạo điều kiện để mỗi nước nhìn nhận được tương quan lực lượng của bản thân với kẻ thù từ đó đưa ra những con đường đấu tranh đúng hướng, phù hợp. Quan hệ giữa Đảng và quần chúng ngày càng mật thiết hơn, sự lãnh đạo của đảng đối với mọi mặt trận kháng chiến thuận lợi. Sức mạnh của Đảng được tăng cường về mọi mặt. Trong giai đoạn này, toàn dân tộc đã hòa thành một, tạo động lực cho cuộc cách mạng phát triển hơn.

         Thứ ba, Đại hội đã có sự đổi mới hoàn toàn về tổ chức, điều đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tổ chức cũng như lãnh đạo cuộc kháng chiến và đánh dấu mốc quan trọng trong chiến lược cách mạng của nước ta.

KẾT LUẬN


              Qua hơn 60 năm đến nay, nhưng  Đại hội II của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn luôn là một sự kiện chính trị to lớn. Qua đó, chúng ta càng thêm tin tưởng vào đường lối cách mạng đúng đắn mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng của chúng ta.


No comments:

Post a Comment