09/09/2014
Những cải cách đối với Lục bộ của Lê Thánh Tông - Bài tập Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam
MỞ  BÀI


Trải qua mấy chục năm, từ Lê Thái Tổ đến Thái Tông, Nhân Tông nếu kể cả Nghi Dân là 4 đời vua, xã hội Đại Việt đã có nhiều biến đổi. đất nước Đại Việt yên bình, vững chắc và giai cấp địa chủ phong kiến đã trưởng thành lên một bước mới, đồi hỏi và đã có đủ điều kiện xây dựng bộ máy cai trị tương xứng. Thời điểm này xuất hiện một nhân vật đầy tài năng và có hoài bão chính trị lớn lao, gánh vác được trọng trách ấy, người đó là Lê Thánh Tông. Cuộc cải tổ bộ máy nhà nước của Lê Thánh Tông, nếu không nói là cuộc cải tổ đầu tiên thì cũng là cuộc cải tổ lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Trong đó những cải cách đối với Lục Bộ là một trong những điển hình trong công cuộc cải tổ của ông. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ nét hơn về những cải cách đối với Lục bộ của Lê Thánh Tông để thấy rõ sự sáng suốt và thông minh của ông trên con đường gây dựng một nhà nước quân chủ chuyên chế phong kiến vững mạnh như thế nào.


GIAI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. Vài nét về vua Lê Thánh Tông nhân vật thực hiện cải cách

Lê Thánh Tông (1460-1497), là một trong những ông vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử các ông vua Việt Nam (38 năm). nhưng điều đáng nhớ không phải vì ông ở ngôi lâu mà vì những đóng góp của triều vua này vào đời sống mọi mặt của quốc gia Đại Việt thời ấy

Lê Thánh Tông tên tự là Tư Thành, lại có tên nữa là Hạo, là con trai thứ 4 và cũng là con út của vua Thái Tông, sinh ngày 20/7 năm Nhâm Tuất (1442). Mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao, con gái của Thái Bảo Ngô Từ, một trong những công thần khai quốc của nhà Lê, người làng Động Bàng, huyện Yên Định (Thanh Hóa)

Trị vì đất nước được 38 năm, vua Lê Thánh Tông đã đề ra và thực hiện nhiều chính sách và biện pháp mang ý nghĩa cải cách, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đất nước

II. Hoàn cảnh dẫn đến cuộc cải tổ bộ máy nhà nước của Lê Thánh Tông

Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và hành chính mang tính phân tán, quyền lực của nhà nước quân chủ quan liêu trung ương tập quyền bị hạn chế: Lê Thánh Tông sau khi lên cầm quyền đã nhận thức rõ được yêu cầu đó

Chính quền trung ương chưa mạnh, nội bộ vương triều mâu thuẫn, tranh giành địa vị, quyền lực: Sau khi vua Lê Thái Tổ qua đời những vị vua kế vị tiếp theo đều ít tuổi không đủ khả năng kiềm chế tình trạng mẫu thuẫn nội bộ, giết hại lẫn nahu, các công thần khai quốc lần lượt bị giết, thực trạng đó càng làm cho nhà nước tập quyền suy yếu

Cơ cấu kinh tế- xã hội của nhà nước quân chủ quan liêu chưa được vững chắc đòi hỏi phải có những chủ trương chính sách về kinh tế- xã hội mang ý nghĩa cải cách: Xã hội Đại Việt trải qua các vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê và đang trong quá trình phong kiến hóa mạnh mẽ, nhưng chịu sự tác động của “phương thức sản xuất châu Á” và mang đặc trưng của phương thức đó, các làng xã là cơ sở hành chính cấp cơ sở của nhà nước quân chủ còn mang nặng tính tự trị, tự quản vẫn trực tiếp nắm quyền quản lí và phân chia ruộng đất theo tập tục của làng

Những nhân tố trên là nguyên nhân dẫn đến cuộc cải cách của Lê Thánh Tông ở cuối thế kỉ 15

III. Những cải cách ở Lục bộ dưới triều vua Lê Thánh Tông

1. Về cơ cấu tổ chức của Lục bộ

Năm 1460, Nghi Dân đặt lại đủ 6 bộ. Đến năm Quang Thuận thứ 6 (1465), đổi 6 Bộ làm 6 viện, đứng đầu mỗi viện vẫn là Thượng thư và có hai chức phó là Tả, Hữu thị lang. Năm sau (1466), nhà vua lại đổi 6 viện thành lục bộ. 

Lục bộ là những cơ quan cơ bản và trọng yếu ở triều đình, đặt dưới quyền trực tiếp của nhà vua, giúp vua quản lý toàn diện các lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội và kinh tế trong cả nước

Đứng đầu mỗi bộ là Thượng thư hàm tòng nhị phẩm và có hai chức là Tả, Hữu thị lang đề hàm tòng tam phẩm

Các cơ quan ở trong bộ có sảnh và tuy. Mỗi bộ có một Tư vụ sảnh, đứng đầu là viên Tư vụ với hàm tòng bát phẩm. Tư vụ sảnh điều hành những công việc thường nhật của Bộ, có chức năng như văn phòng của Bộ. Mỗi bộ có một hoặc vài Thanh lại ty. Mỗi Thanh lại ty có quan Lang trung với hàm chánh lục phẩm đứng đầu, chức phó là viên ngoại lang với hàm tòng lục phẩm. Thanh lại ty có chức năng điều hòa, quản lý những công việc có tính chất chuyên môn thuộc bộ, có chức năng gần tương tự như cấp vụ trong thời hiện đại

2. Chức năng của Lục bộ

a. Bộ Lễ

Bộ Lễ là một bộ rất quan trọng trong chế độ phong kiến vì nó giúp vua thực hiện lễ giáo phong kiến, qua đó thể hiện địa vị, uy quyền của vua và trật tự phong kiến

Về Thanh lại ty, Bộ Lễ chỉ có một là Nghi chế Thanh lại ty. Đây là cơ quan chuyên môn coi về các thủ tục nghi lễ, giúp quan chức đứng đầu bộ điều hành công việc của Bộ

Chức năng của Bộ Lễ là phụ trách việc lễ nghi, tế tự, tiệc tùng, thi cử và học hành, quản lý lễ nghi của quan lại, đúc ấn tín, trông coi Tư thiên giám, Thái y viện…. Bộ Lễ có cá công việc chủ yếu sau đây:

- Về việc lễ nghi, tế tự:

Bộ Lễ phải tổ  chức các cuộc tế lễ theo đúng các thủ tục lễ nghi, cần những vật lễ gì thì làm tờ tâu lên vua chuẩn y rồi đưa qua Bộ hộ để lĩnh tiền, sau đó giao cho thuộc lại đi mua sắm, ra thông cáo về cuộc tế lex đó cho các nha môn và thần dân được biết. Đại khái có những lễ sau : Lễ đăng quang (lễ vua lên ngôi), lễ cải nguyên (lễ đổi niên hiệu), lễ khánh thọ (lễ mừng vua sống lâu), các lễ kỵ nhật (ngày dỗ của ông, bà, cha, mẹ nhà vua), lễ khai ấn (lễ vào dịp ấn đúc xong và đem sử dụng), lễ nguyên đán (lễ tết), lễ trung nguyên (lễ ngày rằm tháng 7), lễ trung thu(lễ rằm tháng 8), lễ nam giao (lễ tế trời đất), lễ phong vân(lễ cầu mưa)…

Bộ lễ giám sát việc tuân thủ lễ nghi cảu cá quan lại (y phục, mũ áo, phép tắc đi đứng…)

- Về việc thiết tiệc, Bộ Lễ tổ chức ban yến cho các sứ thần, ban yến và phát mũ áo cho các tiến sĩ mới đỗ

- Coi sóc việc thi cử, học hành: Trong các kì thi hương, thi hội, Bộ Lễ phải cử người đến trông coi, giám sát. Bộ Lễ còn phải quản lý, đôn đốc việc học hành, giáo dục trong cả nước

- Về việc đúc ấn tín của vua, Bộ Lễ phải trông coi việc đúc ấn tín và thể thức viết các chữ triện sao cho đúng thể lệ

- Từ thiên giám, Thái y viện không trực thuộc Bộ Lễ mà trực thuộc nhà vua. Tuy vậy, Bộ Lễ có nhiệm vụ đôn đốc công việc của các cơ quan này

Ngoài ra Bộ Lễ còn nhiệm vụ quản lý các đền, chùa, miếu mạo…

Để đảm nhận những công việc trên, ở Bộ Lễ cả quan và lại có khoảng hơn 70 người

b. Bộ Lại

Trong chế độ phong kiến, Bộ Lại cũng là một bộ rất quan trọng vì nó có chức năng giúp vua quản lý toàn bộ đội ngũ quan lại trong cả nước- xương sống của nền quân chủ, bao gồm việc tuyển bổ, thăng giáng, phong tước phẩm, khảo xét các quan lại

Về Thanh lại ty, Bộ Lại chri có một, là Thuyên khảo Thanh lại ty. Những nhiệm vụ, quyền hạn và công việc cụ thể của Bộ Lại sẽ được trình bày ở phần quan chế

Bộ Lại có khoảng hơn 80 người cả quan và lại

c. Bộ Hộ

Có chức năng giúp vua quản lý về ruộng đất, tài chính, tô thuế, kho tàng, hộ khẩu, lương của quan và quân trong cả nước.

Về Thanh lại ty, ở Bộ Hộ có hai: Thuế má thì giao cho Đô chi thanh lại ty trông nom và xét định, sổ sách thì giao cho Bản tịch thanh lại ty chép và giữ gìn. Mỗi thanh lại ty có một Lang trung nhưng lại có hai viên ngoại lang

Bộ Hộ có những nhiệm vụ, quyền hạn, và công việc chủ yếu cụ thể sau đây:

- Thực thi việc cấp ruộng đát cho quan lại, binh lính theo chế độ quân điền

- Thu tô thuế của các địa phương

- Quản lý kho tàng của nhà nước

- Phát lương bổng cho quan, quân , quản lý việc chi tiêu và cấp phát tài chính cho các Bộ và các cơ quan khác

- Tổng hợp số lượng đinh, điền trong cả nước

- Cân đối thu chi ngân khố nhà nước, định lượng và tổng kết việc chi tiêu hàng năm

Bộ Hộ có khoảng hơn 100 người cả quan và lại

d. Bộ Hình

Bộ Hình có chức năng giúp vua trông coi về hình pháp, xét xử và ngục tụng

Về Thanh lại ty, Bộ Hình có Thanh hình Thanh lại ty, Thận hình Thanh lại ty, Minh hình Thanh lại ty, Tường hình Thanh lại ty. Mỗi Thanh lại ty, ngoài viên Lang trung có tới 3 viên ngoại lang. Sử cũ không nói rõ nhiệm vụ của từng Thanh lại ty

Bộ Hình có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Trong hình pháp thấy có điều nào quy định quá nặng hoặc quá nhẹ hay chưa hợp lý thì Bộ Hình tâu lên vua để sửa đổi

- Xét xử một số vụ trọng án hoặc xử lại một số án nặng mà nha môn trong ngoài đã xử, xong phải tâu lên vua chờ chiếu chỉ

- Cùng ngự sử đài kiểm tra công việc xử án của các nha môn trong cả nước.

- Quản lý và kiểm tr ngục tù, hàng tháng, Bộ Hình phải cử người xem xét các nơi giam giữ tù nhân có đúng quy định hay không, nhắc nhở quan coi ngục phải để ý thương xót tù nhân…

- Truy nã tù trốn: Nếu tội phạm đã thành án mà vẫn đang trốn thì các nha môn đã xử vụ đó phải làm bản tường trình nộp về Bộ Hình. Bộ Hình sẽ tự cho quan trấn các nơi nã bắt, giải về Bộ

Tổng số quan và lại ở Bộ Hình có khoảng 190 người

e. Bộ Công

Bộ Công có chức năng giúp vua trông coi công việc sửa chữa, xây dựng cung điện, đường xá, cầu cống, thành trì… quản lý các công xưởng và thợ thuyền của nhà nước

Bộ Công có những nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:

- Hằng năm Bộ Công phải sai quan đi xem xét những thành trì, đường xá, cầu cống, đê điều trọng yếu. Nơi nào cần sửa chữa, xây mới thì tính xem hết bao nhiêu tiền và trình lên vua, sau đó sang Bộ Hộ lĩnh rồi cho tiến hành công việc

- Quản đốc thợ thuyền và công việc trong các công xưởng của nhà nước, xưởng làm vũ khí, xưởng đúc tiền, xưởng chế tạo các đồ dùng của vua và quan lại

Về Thanh lại ty, ở Bộ Công có Doanh thiện Thanh lại ty thảo kế hoạch xây dựng hoặc sửa chữa, Công trình Thanh lại ty trông coi thực hiện công trình

Ở Bộ Công có khoảng gần 50 người cả quan và lại

g. Bộ Binh

Bộ Binh có chức năng giúp vua quản lý về lĩnh vực quân sự như tuyển quân, huấn luyện quân đội, quân trang và khi giới, trông coi việc trấn giữ các nơi biên ải và ứng phó với các tình hình khẩn cấp

Tuy Bộ Binh phụ trách về quân sự nhưng các quan đề thuộc ngạch quan văn (Thượng thư, Tả hữu thị lang…)

Công việc của Bộ Binh được chia cho 2 Thanh lại ty là :

- Vũ khố Thanh lại ty có các nhiệm vụ sau đây:

+ Coi giữ, phân phát quân trang và khí giới
+ Hộ giá nhà vua, bảo vệ các sứ thần của nước ngoài

- Quân vụ Thanh lại ty có những nhiệm vụ sau đây:

+ Tuyển quân và đôn đốc việc huấn luyện quân đội
+ Chỉ định việc lập đồn trại trấn giữ những nơi trọng yếu
+ Lập các bản đồ quân sự
+ Trữ liệu các phương tiện, hoạch định kế hoạch tác chiến trong chiến tranh hoặc trong những tình trạng khẩn cấp khác.

Bộ Binh có khoảng hơn 130 người quan và lại

IV. Ý nghĩa của việc cải cách ở Lục Bộ dưới triều vua Lê Thánh Tông

Cuộc cải tổ của vua Lê Thánh Tông được coi là cuộc cải tổ lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Thông qua cuộc cải tổ, tổ chức bộ máy nhà nước đã được củng cố toàn diện và đạt tới mức hoàn bị. Việc đặt lại Lục bộ phụ trách các hoạt động khác nhau, đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của nhà vua đã giúp vừa thể hiện tính khoa học, hiểu quả  của bộ máy nhà nước vừa thể hiện tính chuyên chế của nhà vua(nhà vua trực tiếp điều hành ở mức tối cao công việc của triều đình). Tuy việc tổ chức Lục Bộ thời Lê Thánh Tông có mô phỏng theo mô hình của Lục Bộ thời Minh (Trung Quốc) nhưng đó không phải là sự dập khuôn mà xuất phát từ tình hình thực tế của xã hội Đại Việt thế kỉ XV. Nó đã đáp ứng được nhu cầu phát triển của lịch sử bấy giờ nên nó mang tính tích cực lớn lao.

Những cải tổ ở Lục Bộ thời vua Lê Thánh Tông không chỉ củng cố nền thống trị của giai cấp phong kiến mà nó đã trở thành mô hình kinh điển cho các đời vua và các triều đại sau này. Thời kì nội chiến phân liệt (thế kỷ XV – XVIII) tuy tồn tại nhiều phe phái và chính quyền phong kiến nhưng các chính quyền này ở mức độ khác nhau đều mô phỏng theo mô hình nhà nước thời Lê sơ dưới triều vua Lê Thánh Tông. Tổ chức bộ máy nhà nước của triều Mạc dập khuôn theo mô hình Lê sơ đặt đủ 6 bộ giúp vua quản lý công việc nhà nước. Đến thời Nguyễn, 1802 hoàng đế Gia Long đã lập lại 6 bộ đồng thời tiếp tục củng cố, hoàn chỉnh hệ thống lục bộ, lục bộ trở thành cơ quan hành pháp chủ yếu của triều Nguyễn.

No comments:

Post a Comment