01/09/2014
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
Bài tập học kỳ Luật Sở hữu trí tuệ có đáp án.

MỞ ĐẦU

Nhãn hiệu được coi là một loại tài sản vô hình của người hoặc công ty thực hiện hoặc sản xuất và là một trong các đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ. Ở Việt Nam, các hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 20. Đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ theo đánh giá chung của quốc tế, trong đó trụ cột là Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng Việt Nam đang đứng trước sự bùng nổ của đa dạng các loại hàng hóa, dịch vụ. Nhãn hiệu luôn đi liền với sản phẩm và có vai trò, chức năng rất quan trọng không chỉ trong sản xuất kinh doanh mà cả trong đời sống xã hội, cùng với đó thì nhãn hiệu đang là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp bị xâm phạm nhiều nhất. Các hành vi xâm phạm nhãn hiệu chủ yến nhằm mục đich làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng về hàng hoá, dịch vụ mà họ chuẩn bị mua. Điều này không chỉ làm giảm lợi nhuận mà còn làm phương hại đến danh tiếng và hình ảnh doanh nghiệp có nhãn hiệu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy e xin chọn đề tài số 13 để phân tích và làm rõ hơn hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu.

NỘI DUNG

I/ Cơ sở lý luận

1/ Nhãn hiệu

Theo Điều 4 – Khoản 16 Luật SHTT quy định: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

2/ Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Điều 129 - khoản 1 điểm d luật SHTT có quy định rõ: “ Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng”.

Nghị định 99/2013 quy định:

Điều 12:  “Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý”

Điều 13: “Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo.”

3/ Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT

Điều 200 luật SHTT có quy định:

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

2. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

3. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. 

4. Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

II/ Hành vi của A và B có xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp không? Vì sao?

1/ Trường hợp 1: A và B xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Theo như đề bài đã đề cập thì  Adidas và Nike là 2 nhãn hiệu nổi tiếng và đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Vì vậy, ta có thể khẳng định rằng hành vi của A và B đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu cụ thể là xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng.

Mặt khác, theo Điều 5 Nghị định 105/2006 Quy định:

“Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:

1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

2. Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.

4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam”.

Theo điều luật này ta có thể thấy rằng:

Thứ nhất: Adidas và Nike được pháp luật coi là nhãn hiệu và đang được bảo hộ tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam:

Như phân tích ở trên ta thấy rằng Adidas và Nike là những nhãn hiệu nổi tiếng và đã được bảo hộ ở Việt Nam.


Theo nguyên tắc chung, quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng có thể được xác lập trên cơ sở sử dụng chứ không phải trên cơ sở đăng ký). Như vậy, nhãn hiệu Adidas và Nike là hai nhãn hiệu nổi tiếng, việc đã được đăng ký bảo hộ ở đây có nghĩa là hai nhãn hiệu này đã được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng theo quyết định của Cục sở hữu trí tuệ (Thông tư 01/2007 của bộ khoa học và công nghệ). 

Căn cứ vào khoản 42.2 điều 42 Mục 5 Chương I Thông tư của Bộ khoa học công nghệ số 01/2007/TT – BKHCN ngày 14/2/2007 quy định: “ Quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ và thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu”.

Thứ hai: Hành vi của A và B có yếu tố xâm phạm đối với nhãn hiệu nổi tiếng:

Điều 11 Nghị định 105/2006 đã quy định rõ về yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, mà cụ thể ở đây tại khoản 4 điều này đã quy định rõ: “Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu:

a) Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

b) Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều này hoặc hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng”.

Khoản 3 điều này cũng đã quy định: “

a/ Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo, cách trình bày (kể cả màu sắc); một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số đặc điểm hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu

b/ Hàng hoá, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc có liên hệ về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ.”.

Theo như đề bài cho thì A nhận đặt hàng may gia công áo thun lưới  gắn nhãn hiệu Adidas và Nike cho một người buôn bán tại Nga, sau đó A đặt hàng cho B sản xuất cho mình tem, nhãn mang nhãn hiệu Adidas và Nike. Đương nhiên A, B và người đặt hàng kia đều biết rằng Adidas và Nike là 2 nhãn hiệu nổi tiếng và đang được bảo hộ. Trong khi đó B đã cố tình sản xuất tem, nhãn mác mang nhãn hiệu Adidas và Nike, 2 nhãn hiệu này có dấu hiệu tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với 2 nhãn hiệu nổi tiếng kia về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với dấu hiệu, chữ, ý nghĩa: Ở đây đều là Adidas và Nike(Theo Điểm a Khoản 3 Điều 11 Nghị định 105/2006).

Mặt khác A là người tự mua vải về cắt may, sau đó gắn nhãn hiệu mà B sản xuất lên hàng hoá của mình, như vậy A cũng có hành vi xâm phạm theo Điểm b khoản 4 Điều 11 này. Cụ thể A đã sản xuất áo thun lưới và mặt hàng này có cùng chức năng, công dụng với các mặt hàng quần áo của Adidas và Nike đã được bảo hộ, mặt khác cũng theo Điểm b Khoản 4 thì cho dù áo thun lưới mà A sản xuất không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. Ở đây A nhận may gia công áo thun có gắn 2 nhãn hiệu nổi tiếng này chứng tỏ mong muốn của A là làm cho người tiêu dùng lầm tưởng đây là hàng hoá của Adidas và Nike và nhầm về nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá này.

Theo như phân tích ở trên ta có thể thấy rằng ở đây cả A và B đều có hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu nổi tiếng

Thứ ba: A và B không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép:

Khoản 42.2 điều 42 Mục 5 Chương I Thông tư của Bộ khoa học công nghệ số 01/2007/TT – BKHCN quy định: “ Quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ và thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu”.

Theo đó ta đã biết A là giám đốc Công ty May và xuất nhập khẩu Hoàng Huỳnh, B là 1 chủ thể kinh doanh cho nên A và B hoàn toàn không thể là chủ sở hữu, người tạo ra 2 nhãn hiệu này được, mặt khác trong đề bài cũng không đề cập đến việc A và B có được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu đó hay không cho nên việc A và B sử dụng quyền đối với 2 nhãn hiệu này là trái pháp luật (quyền đối với nhãn hiệu thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu).

Thứ tư: Hành vi bị xem xét sảy ra tại Việt Nam 

Theo đề bài thì Công ty May và xuất nhập khẩu Hoàng Huỳnh đặt tại quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, còn A đặt hàng cho B gia công tem, nhãn mác mang nhãn hiệu Adidas và Nike thì cũng có thể suy luận B cũng ở tại thành phố Hồ Chí Minh.

2/ Trường hợp 2: A và B chỉ vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Cụ thể theo Điểm c khoản 1 điều 6 Nghị định 99/2013 thì A và B chỉ có hành vi vi phạm là chỉ dẫn sai hoặc không ghi chỉ dẫn về hàng hóa được sản xuất theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

3/ Trường hợp 3: A và B không hề xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Theo Điều 142 Khoản 3 và 4 có quy định: “3. Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

4. Bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu”. 

Trong trường hợp này ta giả thuyết:

Người buôn bán quần áo tại Nga đã ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu Adidas và Nike rồi và được sự đồng ý của họ ký kết hợp đồng thứ cấp với A, tuy vậy A phải đảm bảo điều kiện ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

III/ Giả thiết hành vi của A và B xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì những cơ quan nào có thẩm quyền xử lý hành vi trên?.

Căn cứ vào Khoản 2 điều 213 quy định: “Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý”. Trong tình huống, A đặt hàng cho B sản xuất cho mình tem, nhãn hiệu Adidas và Nike, còn doanh nghiệp của A mua vải về tự cắt may, trên quần áo A sản xuất ra có gắn nhãn hiệu giả mạo do anh B sản xuất. Hay nói cách khác A và B đang sản xuất và tiêu thụ hàng hóa giả mạo. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm thì A và B có thể bị xử lý bằng các biện pháp như: Biện pháp hành chính, hình sự, dân sự.

Mặt khác, Điều 200 luật SHTT quy định: “Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.”

Như vậy các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của  A và B có thể là Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp.

Đối với từng biện pháp cụ thể thì các cơ quan có thẩm quyền xử lý như sau:

* Biện pháp hành chính

Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền SHCN đối với nhãn hiệu bằng biện pháp hành chính được quy định từ Điều 211 – 215 Luật SHTT 2005 và Điều 28 - 33 Nghị định 105/2006/NĐ-CP và Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/10/2013.

Khoản 1 Điều 211 Luật SHTT có quy định về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính đó là: “a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội; b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này; c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.”

Thẩm quyền xử lý hành vi của A và B được quy định tại khoản 3 điều 200 luật SHTT: “3. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật”.

Cụ thể như sau:

Thanh tra Khoa học và Công nghệ: Khoản 1 Điều 15 chương III Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định: “ Thanh tra Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Nghị định này”. Điều 12, Điều 13 mục 2 chương II của nghị định này có quy định về việc phạt vi phạm hành chính đối với giả mạo nhãn hiệu, giả mạo tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu.

Cơ quan Quản lý thị trường: Khoản 3 điều 15 chương III Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định: “Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm sau đây: a) Hành vi vi phạm quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này trong hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa tại thị trường trong nước;...” . Điều 12, Điều 13 mục 2 chương II Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về việc phạt hành chính hành vi giả mạo nhãn hiệu, giả mạo tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu.

Công an: Khoản 5 điều 15 chương III Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định: “Công an có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ các hành vi xâm phạm quyền về sở hữu công nghiệp và cung cấp cho các cơ quan xử lý vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định tại các Điều 9, 12 và 13 của Nghị định này”. Điều 12, Điều 13 mục 2 chương 2 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về việc phạt hành chính hành vi giả mạo nhãn hiệu, giả mạo tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu.

Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp xảy ra tại địa phương theo nguyên tắc xác định thẩm quyền tại Điều 38 và 52 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013.

Hải quan: Luật SHTT 2005 đã quy định: Trong trường hợp cần thiết, cơ quan Hải quan có thể áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ. Các biện pháp đó bao gồm: Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điều 216 Luật SHTT). Qua việc tạm dừng, kiểm tra, giám sát này thì nếu phát hiện những dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử phạt hành chính.

Căn cứ vào khoản 4 điều 15 chương 2 nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định: “Hải quan có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm quy định tại các Điều 6, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Nghị định này trong hoạt động quá cảnh, nhập khẩu hàng hóa”. Trong đó, Điều 12 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, và Điều 13 quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu. 

Như vậy, trong trường hợp A và B đang quá cảnh số hàng hóa giả mạo đã sản xuất sang Nga để giao hàng cho bên đặt hàng là người buôn bán tại Nga mà bị phát hiện thì có thể sẽ bị phạt hành chính bởi cơ quan Hải quan.

* Biện pháp hình sự.

Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi theo luật số 37/2009/QH12 ngày 19.6.2009 quy định các hành vi truy tố trách nhiệm hình sự bao gồm: Tội sản xuất và buôn bán hàng giả tại Điều 156; Tội sản xuất và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh tại Điều 157; Tội sản xuất hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y,thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi tại Điều 158; Tội xâm phạm quyền SHCN Điều 171.

Thông tư số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP đã có hướng dẫn chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giả mạo các đối tượng sở hữu trí tuệ theo khoản 2 Điều 213, theo đó các hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu công nghiệp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 171 BLHS nếu: 

“a) Đã thu được lợi nhuận từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng;

c) Hàng hoá vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng.”

Bên cạnh đó cũng có thể áp dụng  Điều 156 BLHS: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.” 

Khi xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, các cơ quan tố tụng có thẩm quyền ra quyết định khởi tố hình sự gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân (trong trường hợp đặc biệt). Và “việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật”. (Khoản 2 Điều 200 Luật SHTT)

Như vậy ta cần phải xét xem A và B đã rơi vào trường hợp nào trong các trường hợp này để có biện pháp xử lý cụ thể và thích đáng.

* Biện pháp dân sự 

Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi vi phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự (Khoản 1 Điều 4 Nghị định 105/2006/NĐ-CP). Như vậy, hành vi của A và B sẽ bị xử lý dân sự khi có yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu Adidas và Nike ủy quyền. Điều 202 luật SHTT quy định: “Toà án áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Như vậy nếu A, B bị áp dụng biện pháp dân sự thì thẩm quyền xử lý sẽ là Tòa án.

KẾT LUẬN

Trên đây là cách giải quyết bài tập của em, với tình huống đã đưa ra thì hành vi của A và B đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và có rất nhiều cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ, tùy vào mức độ vi phạm cũng như tùy vào hành vi thực hiện của A và B mà thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm thuộc về các cơ quan khác nhau. Bài tập còn nhiều thiếu sót em rất mong được thầy cô nhận xét và góp ý thêm cho em để bài viết được hoàn chỉnh hơn. Em xin chân thành cảm ơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. NXB.CAND, Hà Nội,2012.
2.Lương Thị Thu Hằng, Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu – Thực trạng và giải pháp, Khóa luận tốt nghiệp, Trường đại học Luật Hà Nội, 2012
3.Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009).
4.Nghị định của Chính phủ số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
5.Nghị định số 99/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
6.Thông tư số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP
7.Bộ Luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
8.Bộ luật Dân sự năm 2005.

No comments:

Post a Comment