Bài tập học kỳ Luật Hành chính có đáp án.
A.MỞ ĐẦU
Nhà nước là một tổ chức quyền lực đặc biệt,được sinh ra với mục đích duy trì và thúc đẩy xã hội phát triển. Trong quản lí xã hội, Nhà nước cần phải xây dựng cũng như ban hành ra quyết định pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong mọi lĩnh vực của đời sống, Và việc xây dựng cũng như ban hành ra các quyết định pháp luật được xem là phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ đó. Trong đó hoạt động ban hành quyết định hành chính đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động quản lí hành chính Nhà nước. Nó giúp cho bộ máy hành chính hoạt động hài hòa,nhịp nhàng, các quyền và nghĩa vụ của công dân được thực hiện trên thực tế. Và để hiểu rõ hơn về vấn đề này em chọn đề bài” phân tích khái niệm quyết định hành chính và nêu vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính Nhà nước” .
B.NỘI DUNG
I.Khái niệm quyết định hành chính
1.Một số quan điểm về quyết định hành chính
Quyền lực nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua hoạt động của bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp.Một trong những biểu hiện của việc thực hiện quyền lực nhà nước là ra các quyết định pháp luật. Theo đó, Quyết định pháp luật được chia thành quyết định lập pháp,quyết định hành chính và quyết định tư pháp.Trong đó, hoạt động ban hành quyết định hành chính là hoạt động đặc biệt quan trọng. Đồng thời theo sự phân công thực hiện quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, mỗi nhóm quyết định chủ yếu được ban hành bởi loại cơ quan nhất định phù hợp với chức năng của cơ quan đó. Trong đó quyết định hành chính chủ yếu được được ban hành bởi cơ quan có chức năng quản lí hành chính Nhà nước-cơ quan hành chính nhà nước. Các quyết định hành chính của cơ quan này ban hành phản ánh đầy đủ ,rõ ràng những tính chất, đặc điểm, yêu cầu của quản lí hành chính Nhà nước trong từng lĩnh vực, từng thời kì cụ thể.
Về quyết định hành chính,hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau và những quan điểm này không chỉ khác nhau về tên gọi của quyết định mà còn khác nhau cả về tính chất cũng như nội dung của quyết định.
• Thứ nhất, có quan điểm cho rằng đó là quyết định quản lí hành chính Nhà nước, bởi lẽ những quyết định này là của chủ thể quản lí hành chính Nhà nước.Theo giáo trình luật hành chính và tài phán hành chính Việt Nam, quyết định này được định nghĩa như sau”quyết định quản lí hành chính Nhà nước của cơ quan hành chính Nhà nước là kết quả của sự thể hiện ý chí đơn phương của cơ quan hành chính Nhà nước,người có thẩm quyền, trên cơ sở và để thi hành luật,được ban hành theo trình tự,thủ tục và hình thức do pháp luật quy định làm phát sinh,thay đổi hay chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính cụ thể,đặt ra,sửa đổi,bãi bỏ qui phạm pháp luật hành chính hoặc làm thay đổi hiệu lực pháp lí của chúng,đặt ra những chủ trương,chính sách,nhiệm vụ của hoạt động quản lí hành chính Nhà nước.”(1).
• Thứ hai, có quan điểm lại cho rằng đó là quyết định quản lí nhà nước,tuy nhiên phải hiểu theo nghĩa hẹp(quản lí hành chính). Theo giáo trình luật hành chính hành chính Việt Nam của khoa luật, đại học Quốc Gia Hà Nội”quyết định quản lí hành chính nhà nước là kết quả của sự thể hiện ý chí đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền,những người có chức vụ,và các cơ quan của các tổ chức xã hội khi được nhà nước trao quyền,được thực hiện trên cơ sở và để thi hành luật,theo trình tự và hình thức do luật định,nhằm định ra chủ trương,đường lối,nhiệm vụ lớn có tính chất định hướng,hoặc đặt ra,sửa đổi,áp dụng,bãi bỏ các qui phạm pháp luật hành chính hay làm thay đổi phạm vi hiệu lực của chúng;hoặc làm phát sinh,thay đổi chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính cụ thể,để thực hiện các nhiệm vụ và chức năng quản lí nhà nước”(2)
Những quan điểm nêu trên không chỉ khác nhau về tên gọi của quyết định hành chính mà còn được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau:
- Dưới góc độ hình thức, quyết định hành chính thường được tiếp cận ở 2 khía cạnh một là, quyết định hành chính gồm quyết định bằng văn bản, quyết định bằng lời nói, dấu hiệu, kí hiệu; hai là: quyết định hành chính chỉ là quyết định bằng văn bản
- Dưới góc độ tính chất cũng có những cái nhìn khác nhau về quyết định hành chính: một là quyết định hành chính chỉ là quyết định cá biệt; hai là quyết định hành chính bao gồm quyết định cá biệt, quyết định qui phạm và quyết định chủ đạo
- Dưới góc độ chủ thể ban hành,quyết định hành chính được ban hành bởi nhiều chủ thể khác nhau trong bộ máy nhà nước với những nội dung phong phú đa dạng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, sự quan tâm chủ yếu hướng vào nhóm quyết định hành chính do các chủ thể trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước ban hành. Các quyết định hành chính chủ yếu được ban hành bởi nhóm cơ quan quản lí hành chính nhà nước và là những quyết định quan trọng nhất,thể hiện đặc trưng cơ bản của quyết định hành chính. Do đó khi tìm hiểu quyết định hành chính nói chung chỉ cần tìm hiểu các quyết định do cơ quan hành chính nhà nước ban hành là có thể khái quát toàn bộ những vấn đề thuộc về quyết định hành chính.
Từ những cơ sở nêu trên có thể định nghĩa về quyết định hành chính như sau:”quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật,nó là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực của nhà nước thông qua những hành vi trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành theo một trình tự dưới những hình thức nhất định theo qui dịnh của pháp luật,nhằm đưa ra những chủ trương,biện pháp,đặt ra các qui tắc xử sự hoặc áp dụng những qui tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản lí hành chính nhà nước.”(3)
2.Đặc điểm của quyết định hành chính
Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp nên quyết định hành chính vừa mang những đặc điểm chung của quyết định pháp luật, vừa mang những đặc điểm riêng.
Đặc điểm chung:
- Quyết định hành chính mang tính quyền lực Nhà nước:tính quyền lực nhà nước trước hết thể hiện ở chỗ quyết định hành chính được ban hành nhiều chủ thể khác nhau như các chủ thể nằm trong bộ máy nhà nước, các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, ngoài ra theo nghĩa rộng có thể có các chủ thể được nhà nước trao quyền trong những trường hợp cụ thể nhưng tất cả các chủ thể này đều sử dụng quyền lực nhà nước,nhân danh nhà nước khi ban hành quyết định. Tuy nhiên việc sử dụng quyền lực này còn đòi hỏi phải đúng thẩm quyền mà pháp luật qui định nhằm đảm bảo sự hài hòa,thống nhất trong quá trình sử dụng quyền lực của các bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước…Không chỉ thế tính quyền lực nhà nước còn được thể hiện ở tính đảm bảo thi hành các quyết định hành chính trong thực tế. Bởi lẽ về nguyên tắc,mọi quyết định hành chính đều phải được thi hành, kể cả những quyết định có sự phản kháng từ phía đối tượng quản lí, có nghĩa là quyết định sẽ được đảm bảo bằng biện pháp cưỡng chế của nhà nước khi cần thiết. Ngoài ra quyền lực nhà nước còn được thể hiện trong việc các chủ thể có thẩm quyền tiến hành những hoạt động cần thiết để đảm bảo thực hiện ý chí của nhà nước như các biện pháp về kinh tế,giáo dục, thuyết phục…
- Tính pháp lí của quyết định hành chính: quyết định hành chính là kết quả của sự thể hiện ý chí của nhà nước. Mặc dù khi ban hành quyết định chủ thể quản lí hành chính có thể xem xét, lấy ý kiến của đối tượng tác động của quyết định về những vấn đề có liên quan đến nội dung của quyết định nhưng ý kiến đó chỉ có giá trị tham khảo, nhằm giảm bớt khả năng nhìn nhận một cách phiến diện từ phía cơ quan quản lí hành chính nhà nước. Vì vậy trong quyết định hành chính, ý chỉ của nhà nước thể hiện một cách tập trung nhất. Do vậy, các quyết định do Nhà nước ban hành đều có những giá trị về mặt pháp lí. Trước hết tính pháp lí thể hiện ở chỗ quyết định hành chính có thể đưa ra những chủ trương và biện pháp lớn trong lĩnh vực quản lí hành chính. Mặt khác, tính pháp lí của quyết định hành chính còn thể hiện ở việc làm xuất hiện qui phạm pháp luật, thay thế hoặc hủy bỏ qui phạm pháp luật hoặc làm pháp sinh, thay đổi hay chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể( quyết định áp dụng pháp luật ).
- Được ban hành theo những hình thức và thủ tục do pháp luật qui định: do đóng vai trò quan trọng và phạm vi ảnh hưởng của quyết định hành chính đối với đời sống xã hội, quyết định hành chính được ban hành theo những trình tự và thủ tục chặt chẽ.
Ngoài những đặc điểm chung nêu trên,quyết định hành chính còn có những đặc điểm riêng sau đây:
- Thứ nhất,đó là tính dưới luật: nghĩa là quyết định hành chính phải được ban hành trên cơ sở luật; không được trái với luật và quyết định hành chính được ban hành để hướng dẫn thi hành luật, cụ thể hóa và chi tiết hóa luật; đặc biệt đối với những vấn đề phức tạp, mới mẻ. Ví dụ như: Nghị định của Chính phủ số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành luật đất đai được ban hành trên cơ sở luật đất đai năm 2003 do Quốc hội ban hành;và nghị định này được ban hành nhằm hướng dẫn thi hành luật đất đai, cụ thể hóa và chi tiết hóa luạt đất đai.
- Thứ hai, Quyết định hành chính do nhiều chủ thể ban hành: Chính phủ, thủ tướng chính phủ,bộ trưởng,thủ trưởng cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân,..
- Thứ ba,quyết định hành chính mang tính chấp hành- điều hành : các cơ quan quản lí Nhà nước ban hành các quyết định hành chính để thực hiện nhiệm vụ và chức năng quản lí hành chính nhà nước, đó là chấp hành các văn bản luật của cơ quan quyền lực Nhà nước và điều hành hoạt động của các đối tượng chịu sự quản lí.
- Thứ tư, quyết định hành chính được ban hành theo thủ tục hành chính
- Thứ năm,quyết định hành chính có những mục đích và nội dung rất phong phú, xuất phát từ những đặc điểm của hoạt động quản lí hành chính Nhà nước.
II.Vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước
2.1. Vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước
Như chúng ta đã biết quyết định hành chính là phương tiện không thể thiếu trong quản lí hành chính nhà nước mà các chủ thể quản lí sử dụng để thực hiện hầu hết các chức năng quản lí như tổ chức, lãng đạo, kiểm tra… Trong quản lí hành chính nhà nước, quyết định hành chính có vai trò đặc biệt quan trọng. Quyết định hành chính như một công cụ cơ bản để thực hiện nhiệm vụ, chức năng quản lí hành chính nhà nước. Trong quản lí hành chính nhà nước quyết định hành chính có những vai trò cụ thể sau:
- Thứ nhất, đề ra những chủ trương, chính sách lớn trong quản lí hành chính nhà nước. Thông qua quyết định hành chính cơ quan hành chính đề ra các chủ trương, đường lối, nhiệm vụ, biện pháp lớn để quản lí hành chính nhà nước. Ví dụ như: nghị quyết số 11/2011/NQ-CP về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
- Thứ hai, hướng dẫn thi hành luật,cụ thể hóa,chi tiết hóa luật, thể chế đường lối chủ trương, chính sách của Đảng. Ví dụ như nghị định của Chính Phủ số 181/2004/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành luật đất đai.
- Thứ ba, đặt ra các qui tắc xử sự để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong thực tiễn quản lí hành chính nhà nước.
- Thứ tư,quyết định hành chính được dùng để giải quyết một công việc cụ thể trong đời sống xã hội nhằm thực hiện hoạt động quản lí hành chính nhà nước( quyết định hành chính áp dụng pháp luật). Ví dụ như quyết định 187/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch công tác cải cách hành chính tỉnh Thái Bình năm 2011.
2.2. Thực tiễn vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước
2.2.1.Ưu điểm
- Thứ nhất, đã kịp thời ban hành để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách, của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy trong việc hướng dẫn áp dụng luật, pháp lệnh và văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan hành chính nhà nước, phù hợp với tình hình, đặc điểm, yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể. Tư đó hỗ trợ chi việc triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm ngăn ngừa suy giảm và giúp tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội,đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
- Thứ hai, chất lượng của quyết định hành chính ngày càng nâng cao, thể hiện rõ nét ở chất lượng ngày càng cao của văn bản quản lí hành chính nhà nước. Tình hình ban hành không dúng thẩm quyền, có nội dung trái với văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản quả lí hành chính khác do các chủ thể cùng cấp ban hành hoặc có nội dung không phù hợp với thực tế ngày càng giảm bớt.
- Thứ ba, quyết định hành chính dùng trực tiếp giải quyết các công việc cụ thể của quản lí hành chính đã kịp thời ban hành, phần lớn có chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lí, góp phần giải quyết một cách nhanh chóng các quan hệ pháp luật cụ thể nảy sinh trong quản lí hành chính nhà nước. Ví dụ như: vào đầu tháng 1/2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 189/QĐ-TTg về việc hỗ trợ 18.999 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 12 địa phương gồm Cao Bằng ; Quảng Ngãi; Nghệ An ; Hà Tĩnh; Quảng Trị; Quảng Bình; Kon Tum; Bình Định; Lào Cai ; Phú Yên ; Thanh Hóa ; Quảng Nam để cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ và giáp hạt năm 2013(4).
2.2.2 Hạn chế
- Thứ nhất, vẫn còn tình trạng quyết định hành chính không được thi hành trong thực tế: các quyết định hành chính là công cụ cơ bản của quản lí hành chính nhà nước, với vai trò đó quyết định hành chính đòi hòi sự thi hành nghiêm chỉnh của các đối tượng chịu sự tác động, có như vậy hoạt động quản lí hành chính nhà nước mới đạt được mục tiêu, pháp luật và nhà nước mới có được quyền lực thực sự với xã hội. Ngược lại sẽ dẫn đến tình trạng giảm sự hiệu quả quản lí, pháp luật và nhà nước sẽ bị coi thường, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.
- Thứ hai, vẫn còn những quyết định hành chính cá biệt ban hành trái thẩm quyền. Ví dụ như Quyết định số 4040/QĐ-UBND ngày 21-11-2011 về cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng số để bán đấu giá và cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất lấn chiếm của UBND huyện Đức Cơ là quyết định trái pháp luật vì theo Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, Thông tư số 16/2010/TT-BTNMT ngày 26-8-2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai là của Chủ tịch UBND huyện nhưng quyết định số 4040/QĐ-UBND ngày 21-11-2011 lại do UBND huyện Đức Cơ ban hành là không đúng thẩm quyền.(5)
2.3. Một số giải pháp tăng cường vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước
- Về xây dựng, ban hành quyết định hành chính : khi xây dựng quyết định hành chính phải kết hợp hài hòa giữa chi tiết và kết quả của mỗi văn bản, giúp văn bản dễ dàng và nhanh chóng đi vào cuộc sống
- Về tổ chức thực hiện quyết định hành chính: cần tăng cường phối hợp giữa những cơ quan như ủy ban nhân dân, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội khác..Điều này góp phần đảm bảo cho quyết định hành chính được thực hiện một cách nghiêm minh trên thực tế.
• Trong hoạt động thực thi quyết định hành chính cần tăng cường sự chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trong hệ thống cơ quan quản lí hành chính nhà nước.
• Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các quyết định hành chính
• Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về xây dựng các quyết định hành chính trên phương tiện thoongti đại chúng để mọi người hiểu rõ ý nghĩa và tác động của quyết định hành chính để từ đó nâng cao tinh thần pháp luật của người dân
• Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quyết định hành chính để kịp thời thông báo tình hình, kết quả thực hiện, đánh giá mặt làm được, những vấn đề tồn tại để có biện pháp chấm dứt và khắc phục giúp tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng cảu người dân.
Ngoài ra cần cải cách tổ chức bộ máy hành chính và đổi mới cơ chế hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, thực hiện các qui định về kiểm soát thủ tục hành chính, công khai hóa thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tính công khao minh bạch; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ;đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
C.KẾT LUẬN
Quản lí hành chính là việc chủ thể mang quyền lực nhà nước tác động lên đối tượng quản lí, nhằm tổ chức thực hiện pháp luật và điều hành các hoạt động trong đời sống, hướng tới đạt mục tiêu đặt ra. Trong quá trình đó, quyết định hành chính được ban hành chủ yếu bởi cơ quan hành chính nhà nước như công cụ không thể thiếu để tác động vào quản lí xã hội.Trong thời gian qua, quyết định hành chính đã phát huy được vai trò nhất định của mình trong quản lí hành chính nhà nước, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy công cuộc đổi mới. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số bất cập cần tháo gỡ. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng của quyết định hành chính là một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mọi chủ thể trong tình hình bây giờ, Hi vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều nghiên cứu hơn về vấn đề này giúp nâng cao vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường đại học luật Hà Nội, giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb.CAND, Hà Nội 2008
2. Khoa luật, Đại học Quốc Gia, giáo trình luật hành chính hành chính Việt Nam, Nxb.Đại học Quốc Gia
3. Nguyễn Thị Vân Anh, Khóa luận tốt nghiệp” quyết định hành chính-công cụ cơ bản của quản lí hành chính nhà nước”, Hà Nội 2012
4. Lê Ngọc Anh, khóa luận tốt nghiệp”vai trò của quyết định hành chính trong quản lí hành chính nhà nước”, Hà Nội 2011
No comments:
Post a Comment