01/09/2014
Bình luận về sự thích ứng của luật Hồi giáo với xã hội hiện đại
Bài tập học kỳ Luật So sánh có đáp án.

MỞ ĐẦU


Luật Hồi giáo là một trong những hệ thống pháp luật lớn của thế giới ngày nay, nó đang điều chỉnh mối quan hệ của khoảng 1,3 tỉ tín đồ Hồi giáo. Nhiều quốc gia Hồi giáo một mặt tiếp tục khẳng định sự gắn bó với các nguyên tắc của đạo Hồi trong pháp luật của mình, mặt khác tìm cách thích nghi với pháp luật của thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Để tìm hiểu hơn về vấn đề này em đã chọn đề tài “bình luận về sự thích ứng của luật Hồi giáo với xã hội hiện đại”.


NỘI DUNG

1, Khái niệm, đặc điểm của luật hồi giáo

a, Khái niệm

Thuật ngữ Hồi giáo (Islam) có nghĩa là “tuân phục”-đó cũng là tư tưởng trung tâm của các tín đồ tôn giáo. Đạo Hồi chính là lời răn dạy của thánh Allah mà Mohammed đã tìm ra và truyền lại cho người đời, điều đó đã được khái quát thông qua lời cầu nguyện: “không có chúa trời nào khác ngoài Allah và Mohammed là tiên tri của Ngài”. 

Các tín đồ Hồi giáo sống tuân theo giới luật đạo Hồi (Sharial). Nó không phải là một bộ phận độc lập mà mà được xem là một phần của đạo Hồi, có những quy định như cấm trộm cắp, nói dối, giết người, ngoại tình và uống rượu. Sharial cũng bắt buộc người Hồi giáo phải có đức khoan dung và khiêm tốn, đối xử với nhau một cách công bằng. Như vậy có thể hiểu luật Hồi giáo chính là hệ thống các quy định mang tính tôn giáo của những người theo đạo và các quy định này hoàn toàn độc lập, không chịu sự chi phối của nhà nước, không có quyền lực nào có thể thay thế luật Hồi giáo.

b, Đặc điểm

Về nguyên tắc luật Hồi giáo không thay đổi, ổn định mà chỉ có các quan hệ xã hội thay đổi nên nó phải được áp dụng mềm dẻo. Và khó có thể phân biệt giữa các quy định của pháp luật và các quy định của tôn giáo. 

Luật Hồi giáo có quan niệm về hành vi không giống các hệ thống pháp luật khác. Theo đó luật Hồi giáo chia hành vi của con người thành 5 loại sau: hành vi buộc phải làm (obligatoire); hành vi nên làm (recommandes); hành vi làm cũng được không làm cũng được (indiffrerentes); hành vi bị khiển trách (blamables); hành vi cấm (interdites). Đây là nguyên tắc đánh giá hành vi của con người vể cả phương diện pháp luật và đạo đức.

Luật Hồi giáo có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các lĩnh vực pháp luật truyền thống như hôn nhân-gia đình, thừa kế, hình sự. Còn trong các lĩnh vực pháp luật khác như hợp đồng sở hữu thì sự ảnh hưởng có phần ít hơn.

2, Sự thích ứng của luật Hồi giáo với xã hội hiện đại

Lí do dẫn đến việc luật Hồi giáo phải thích ứng với xã hội hiện đại ngày nay xuất phát từ một số nguyên nhân chính như: 

- Thứ nhất, đó là nguyên nhân từ bản thân các quốc gia Hồi giáo muốn hội nhập trên cơ sở sự tự nguyện và chủ động tham gia ký kết các điều ước quốc tế. Đó là một hệ quả tất yếu của xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, nó không chỉ thúc đẩy cho nền kinh tế của các quốc gia Hồi giáo phát triển mà còn làm tăng cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thi trường quốc tế, nguồn tín dụng và các đối tác quốc tế.

- Thứ hai, các quốc gia bên ngoài luôn gây sức ép buộc bản thân các quốc gia Hồi giáo phải thay đổi. Các quốc gia Hồi giáo nhất là ở khu vực Trung Đông-khu vực có khoảng 90% dân số theo đạo Hồi, được mệnh danh là “kho vàng đen” khổng lồ của thế giới, do đó các quốc gia này cần phải hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật của mình để có được một nền kinh tế phát triển vững mạnh hơn.

- Thứ ba, sự thích ứng của luật Hồi giáo với xã hội hiện đại là một nhu cầu bức thiêt vì các quốc gia Hồi giáo là một bộ phận không thể tách rời của thế giới, điều này sẽ giúp cho mục tiêu chung của toàn thế giới là hài hòa hóa, nhất thể hóa hoàn toàn có thể đạt được trong tương lai.

Có một số cách thức chủ yếu để cho luật Hồi giáo thích ứng với xã hội hiện đại sau đây:

a, Áp dụng tập quán pháp

Việc áp dụng tập quán pháp giúp bổ sung cho pháp luật Hồi giáo những vấn đề mà nó không điều chỉnh: thanh toán của hồi môn, sử dụng nguồn nước giữa hai khoảng ruộng,…và những tập quán này phải phù hợp với pháp luật Hồi giáo.

b, Sử dụng các thủ thuật pháp lý để loại bỏ các quy định đã lạc hậu

Những khoảng trống pháp luật Hồi giáo có thể tận dụng được để tránh các quy định pháp luật không còn phù hợp. Do đó nhiều quy phạm pháp luật Hồi giáo có thể bị bỏ qua mà chỉ cần không vi phạm chúng theo nghĩa đen. Ví dụ như pháp luật Hồi giáo cho phép chế độ đa thê và người chồng có quyền bỏ rơi người vợ. Để hạn chế tình trạng trên, khi kết hôn vợ chồng có thể thỏa thuận “chung sống tạm thời trong khoảng thời gian 70 năm” hoặc sử dụng thủ thuật pháp lý là quy định người vợ sẽ được hưởng khoản bồi thường rất lớn nếu người vợ bị chồng bỏ rơi một cách bất công hoặc người chồng đối xử với những người vợ của mình một cách không bình đẳng.

Một quy định khác của luật Hồi giáo như: người vợ ngoại tình sẽ bị ném đá đến chết, trong trường hợp này, nghĩa vụ chứng minh được đề cao một cách có chủ đích để trên thực tế không thể thực hiện được: đòi hỏi phải có bốn người đàn ông tận mắt chứng kiến hành vi phạm tội, nếu ai không có đủ bằng chứng mà buộc tội người khác sẽ bị phạt roi. Hoặc việc cho vay lãi bị pháp luật Hồi giáo cấm nhưng có lẩn tránh điều cấm này bằng cách mua bán với giá trị nhiều hơn giá trị thực hay cho chủn nợ sử dụng tài sản mang lại thu nhập. Hơn nữa việc cấm đoán cho vay lấy lãi chỉ liên quan đến cá nhân còn nhà băng, quỹ tiết kiệm, các pháp nhân không rơi vào dạng này.

c, Áp dụng các văn bản pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành 

Nhà cầm quyền dù quốc vương hay nghị viện đều không phải là ông chủ của pháp luật mà là kẻ phục vụ của nó theo pháp luật đạo Hồi. Nhưng pháp luật Hồi giáo vẫn công nhận tính hợp pháp của các văn bản pháp luật do chính quyền đưa ra và thẩm quyền đó được áp dụng rộng rãi. Ví dụ tại Angiery, chính sách có thể làm ngơ trước việc vi phạm lệnh cấm sử dụng đồ uống có cồn tại các nhà hàng, quán ăn.

KẾT LUẬN

Từ những giải pháp trên ta có thể thấy pháp luật của các quốc gia Hồi giáo ngày càng có những biến chuyển rõ rệt theo hướng tích cực hơn trong hệ thống pháp luật của mình. Tất nhiên sự thay đổi này sẽ không giống nhau ở các nước khác nhau. Trong thế giới hiện nay pháp luật Hồi giáo cùng tồn tại và có sự tác động chặt chẽ với các hệ thống pháp luật khác. Pháp luật Hồi giáo tuy nhiều lần chịu ảnh hưởngpháp lý từ nước ngoài nhưng vẫn là một hệ thống pháp luật độc lập và có sự tác động đến hàng trăm triệu người trên thế giới.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật so sánh, trường Đại học Luật Hà Nội, nxb.CAND, Hà Nội 2013.
2. Rene David, Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại, Nxb.TP.Hồ Chí Minh, 2003.
3. Michael Bogdan, luật so sánh (bản tiếng việt), Nxb.Kluwer-Norstedts Juridik-Tano, 2002.
4. Thái Vĩnh Thắng, “tìm hiểu hệ thống pháp luật Hồi giáo”, tạp chí luật học, số 1/2006.

5. Ghxhcg.com – nhìn về các tôn giáo

No comments:

Post a Comment