Điều 198. Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý
Định Nghĩa: Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý là cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý
Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý cũng là một hình thức giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng khác với hành vi giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý ở tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là người cho mượn, cho thuê địa điểm không có hành vi nhằm đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác.
Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự là tội phạm đã được quy định tại Điều 185k Bộ luật hình sự năm 1985.
So với Điều 185k Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 không có sửa đổi, bổ sung gì lớn, các tình tình tiết là yếu tố định tội cũng như định khung hình phạt đều như nhau, chỉ bỏ hình phạt tiền là hình phạt chính mà khoản 1 Điều 185k Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định và hình phạt bổ sung quy định ngay trong cùng điều luật. Tuy nhiên, nội dung hình phạt bổ sung cũng có những sửa đổi như:
Nếu Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc bị tich thu một phần hoặc toàn bộ tài sản; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định từ hai năm đến năm năm” thì khoản 3 Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định “có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự, vì khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng và theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của Điều 198 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” cũng tương tự như khách thể của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, đó là chế độ quản lý của Nhà nước về việc sử dụng chất ma tuý vào các mục đích chữa bệnh và vì vậy, quan hệ xã hội bị xâm phạm còn bao gồm cả tính mạng, sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là chế độ quản lý về việc sử dụng chất ma tuý.
Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người sử dụng ma tuý, nếu không có người sử dụng chất ma tuý thì không thể có người chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Người sử dụng chất ma tuý lại không phải là người bị hại mà ngược lại trong một số trường hợp nếu thoả mãn các dấu hiệu của tội sử dụng trái phép chất ma tuý thì họ còn là người phạm tội.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan.
Theo điều văn của điều luật thì tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý có hai hành vi chính đó là cho thuê hoặc cho mượn địa điểm để người khác đưa chất ma tuý vào cơ thể của họ. Ngoài hai hành vi chính thì nhà làm luật còn quy định bất kỳ hành vi khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý đêu là hành vi phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Như vậy có thể nói, bất kỳ hành vi nào chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý đều là hành vi phạm tội, cũng chính vì thế có ý kiến cho rằng điều văn của điều luật chỉ cần quy định “người nào chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức thức nào...” mà không cần phải quy định hai hành vi cụ thể là “cho thuê hoặc cho mượn địa điểm”.
Đây là vấn đề về kỹ thuật lập pháp, không chỉ đối với tội phạm này mà có nhiều tội phạm nhà làm luật cũng quy định tương tự như tội phạm này như: Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ nhà làm luật quy định “ Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác...”; tội hiếp dâm nhà làm luật quy định “người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác...”; tội xâm phạm chỗ ở của công dân nhà làm luật quy định “ người nào khám xét trái phép chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác...”v.v...
Việc nhà làm luật quy định một hoặc một số hành vi cụ thể và sau đó quy định hành vi khác, thủ đoạn khác, hành động khác là muốn nhấn mạnh những hành vi điển hình thường gặp, nhưng lại đề phòng trong thực tiễn còn có những hành vi khác mà nhà làm luật chưa lường hết được nên phải quy định như vậy. Nếu xét về trình độ lập pháp thì việc quy định như vậy thể hiện trình độ lập pháp chưa cao, nhưng trong hoàn cảnh tình hình kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay thì không có cách nào khác, việc nhà làm luật quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, khi pháp luật còn quy định như trên thì việc giải thích pháp luật lại là vấn đề vô cùng quan trọng. Ví dụ: cho thuê cho mượn địa điểm dễ xác định, nhưng hành vi khác là những hành vi nào, nếu không có giải thích hoặc hướng dẫn cụ thể thì rất dẫn đến việc áp dụng tuỳ tiện.
Cho thuê địa điểm để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý là dùng địa điểm thuộc quyền sở hữu của mình hoặc do mình quản lý hoặc chiếm hữu (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) cho người khác sử dụng trái phép chất ma tuý và được người sử dụng trái phép chất ma tuý trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
Hành vi cho thuê địa điểm cũng tương tự như hành vi cho thuê địa điểm ở tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, chỉ khác ở chỗ: Người cho thuê địa điểm trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là để đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác, còn trong tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý người cho thuê địa điểm không có hành vi đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác mà việc đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác là do người sử dụng trái phép chất ma tuý tự đưa chất ma tuý vào cơ thể của họ hoặc nếu có nhiều người thì có thể họ đưa chất ma tuý vào cơ thể của nhau. Trong trường hợp này, những người sử dụng trái phép chất ma tuý có thể có người có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, còn người cho thuê địa điểm chỉ pham tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Địa điểm thuộc quyền sở hữu của mình hoặc do mình quản lý là những động sản hoặc bất động sản đã được các cơ quan Nhà nước xác nhận thuộc quyền sơ hữu hoặc được giao quản lý, chiếm hữu như: nhà ở, tầu, thuyền, xe ô tô, trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; nhà hàng, khách sạn không thuộc sở hữu của mình nhưng được chủ sở hữu giao cho quản lý... Ví dụ: Hoàng Văn Q là chủ cửa hàng bán phụ tùng xe máy tại phố H. Khi Q chuẩn bị đóng cửa hàng ra về thì Trần Văn T đến nói với Q cho T vào trong cửa hàng hít một tép Hêrôin. Lúc dầu Q cũng chần chừ sợ nếu T bị bắt thì ảnh hưởng đên việc kinh doanh và nghĩ rằng T là con nghiện nên cũng không có nhiều tiền bèn nói cứng với T: “Cửa hàng của tớ là để kinh doanh chứ không phải để cho con nghiện sử dụng ma tuý, nếu cậu muốn thì đưa đây 20.000 đồng.” Thấy Q nói vậy, lại đang lên cơn nghiện nên T đồng ý ngay và móc túi đưa cho Q 20.000 đồng rồi vào trong cửa hàng của Q hít Hêrôin, đang hít thì bị tổ tuần tra bắt quả tang.
Nếu cho thuê địa điểm để người thuê sử dụng vào việc khác nhưng sau khi thuê người thuê lại dùng địa điểm để sử dụng trái phép chất ma tuý mà người cho thuê không biết thì người cho thuê địa điểm không phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Ví dụ: Đào Thị H có kiốt bán hàng tạp hoá ở chợ L.B. Ngày 7-2-2001, Đỗ Xuân Đ, Nguyễn Văn N, Vũ Khắc D và Lê Quốc K đến nói với thị H cho thuê kiôt để chúng đánh bạc. Vì nể mọi người là bạn của chồng mình nên Đào Thị H cho bọn Đ thuê kiôt đánh bạc và dặn chỉ được chơi đến 22 giờ. Sau khi nhận 50.000 đồng của bọn Đ, thị H về và hẹn đúng 22 giờ sẽ ra khoá cửa kiôt. Trong quá trình đánh bạc, Vũ Khắc D bàn bạc với đồng bọn góp tiền để mua Hêrôin về hít, trong lúc dang hít thì bị bắt quả tang. Trong vụ án này, Đào Thị H cho bọn Đ thuê địa điểm là để đánh bạc chứ thị H không biết bọn Đ sử dụng trái phép chất ma tuý nên hành vi của thị H chỉ là hành vi gá bạc nhưng vì chỉ có 4 người đánh bạc nên hành vi gá bạc của thị H chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gá bạc.
Cho mượn địa điểm để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý là dùng địa điểm thuộc quyền sở hữu của mình hoặc do mình quản lý hoặc chiếm hữu (hợp pháp hoặc bất hợp pháp) cho người khác sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng không buộc người sử dụng trái phép chất ma tuý phải trả tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Ví dụ: Vũ Thuý M là chủ tầu đánh cá H.Q đã đồng ý để Phạm Văn T, Đoàn Mạnh G và Đinh Kim Q sử dụng trái phép chất ma tuý trong khoang máy.
Nếu người có địa điểm để người khác sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng không biết có việc sử dụng trái phép chất ma tuý thì cũng không phải là hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Ví dụ: anh Trần Văn Ph là lái xe khách. Sau khi trả khách, anh Ph cho xe vào bến để kiểm tra kỹ thuật thì có bốn thanh niên đến hỏi xe có về Hải Phòng không, anh Ph trả lời là có và bảo 4 thanh niên cứ lên xe ngồi bao giờ đủ khách thì đi. Sau khi lên xe 4 thanh niên đã lấy Hêrôin ra hít thì bị bắt. Có thể nói hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý cũng gần giống hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, tức là phải biết người khác sử dụng trái phép chất ma tuý mà chứa chấp thì mới phạm tội.
Hành vi khác chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý là ngoài hành vi cho thuê hoặc cho mượn địa điểm nhưng vẫn chứa chấp được việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Có thể nói, ngoài việc cho thuê, cho mượn địa điểm để người khác sử dụng trái phép chất ma tuý ra, thì cũng khó có trường hợp nào khác mà có thể chứa chấp được người sử dụng trái phép chất ma tuý, vì việc sử dụng trái phép chất ma tuý phải có địa điểm mặc dù địa điểm có thể là nơi này hoặc nơi khác, của người này hoặc người khác, có thể người sử dụng trái phép chất ma tuý thuê hoặc mượn hoặc tự tìm kiếm. Tuy nhiên, để tránh việc để lọt những hành vi chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý khác, nên nhà làm luật quy định có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, xét về bản chất, nó vừa là hành vi giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý vừa là hành vi che giấu việc sử dụng trái phép chất ma tuý của người khác. Mặc khác, theo quy định tại các Điều 313 và 314 Bộ luật hình sự thì hành vi che giấu hoặc không tố giác người sử dụng trái phép chất ma tuý không phải là hành vi phạm tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm. Vì vậy, có thể coi hành vi khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý bao gồm cả hành vi che giấu hoặc không tố giác việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, không phải hành vi che giấu hoặc không tố giác nào cũng là hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, mà chỉ có một số trường hợp hành vi che giấu hoặc không tố giác đã trực tiếp giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý mới là hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Ví dụ: Vũ Thị C bán nước ở bến xe K biết trên xe ôtô khách có 3 người đang sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng không những không báo cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, ngược lại, khi tổ tuần tra đi qua, thị C đã dùng tín hiệu báo cho những người sử dụng trái phép chất ma tuý trên xe biết để đối phó.
b. Hậu quả
Hậu quả của các tội phạm về ma tuý nói chung và hậu quả của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng không phải là yếu tố bắt buộc để định tội. Những thiệt hại do hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội chính là những thiệt hại phi vật chất ( chính sách quản lý của Nhà nước đối với sử dụng trái phép chất ma túy). Riêng đối với hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là tham gia vào quá trình làm tăng số lượng người sử dụng trái phép chất ma tuý trong xã hội.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Như vậy, đối với hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy chỉ có thể được thực hiện do cố ý trực tiếp. Không có trường hợp nào do cố ý gián tiếp.
Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, tức là người phạm tội biết rõ người thuê địa điểm, mượn địa điểm là để sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng vẫn cho thuê, cho mượn và mong muốn người thuê, người mượn địa điểm của mình đưa được chất ma tuý vào cơ thể của họ với nhiều động cơ khác nhau, riêng hành vi cho thuê địa điểm là vì vụ lợi. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh mục đích của người phạm tội. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội thì không phải là phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt
Là trường hợp chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, là cấu thành cơ bản của tội phạm, được quy định tại khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.
So với khoản 1 Điều 185k Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì quy định tại khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 195 không quy định hình phạt tiền là hình phạt chính nữa, nên không được áp dụng đối với hành vi phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
Tuy nhiên, cũng như đối với một số điều luật khác như khoản 1 Điều 195, khoản 1 Điều 196, có ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 198 nhẹ hơn, vì khoản 1 Điều 185k có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính, nay hình phạt này không còn quy định nữa và theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự, thì điều luật xóa bỏ một hình phạt thì không được áp dụng đối với người phạm tội. Quan điểm này cũng có nhân tố hợp lý, nhưng nếu so sánh điều luật Bộ luật hình sự năm 1999 với điều luật Bộ luật hình sự năm 1985 thì phải coi Điều 198 là điều luật nặng hơn vì mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 1 Điều 185k nhẹ hơn so với mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 1 Điều 198. Còn việc nhà làm luật xoá bỏ hình phạt tiền là hình phạt chính tại khoản 1 Điều 198 chỉ là trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự. Nếu áp dụng khoản 1 Điều 185k đối với người phạm tội thì không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính, vì hình phạt này không còn quy định nữa.
Cũng như đối với các tội phạm khác, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 198 Bộ luật hình sự, Toà án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất trong khung hình phạt ( dưới hai năm tù), nhưng không được dưới ba tháng tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Tuy nhiên, việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải rất thận trọng, chỉ cho người phạm tội hưởng án treo nếu vì nể nang, nhất thời phạm tội, không có tư lợi, chưa có tiền án, tiền sự.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự
a. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội khác.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng. Ví dụ: Nguyễn Văn Ng là bảo vệ cơ quan X, ngoài giờ hành chính, khi cơ quan đã về hết, Ng đã cho Vũ Văn B và Trần Tuấn C là bạn của Ng vào nhà để xe của cơ quan sử dụng trái phép chất ma tuý. Khi C và B đang sử dụng ma tuý thì bị bắt.
Nếu hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của mình thì dù có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Bùi Xuân H là cán bộ quản lý thị trường đã cho Lã Viết Th và Lã Viết L vào nhà mình sử dụng trái phép chất ma tuý. Mặc dù H có chức vụ, quyền hạn nhưng hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý của H không liên quan đến chức vụ, quyền hạn của H nên không thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Thự tiễn xét xử cho thấy, ngoài việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn người phạm tội còn lợi dụng nghề nghiệp để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy như: Bảo vệ cơ quan, lái xe, phụ xe, thủ kho... Tuy nhiên, nhà làm luật chỉ quy định lợi dụng chức vụ, quyền hạn nên đối với người lợi dụng nghề nghiệp để chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thì cũng bị coi là lợi dụng quyền hạn, vì nghề nghiệp của họ cũng cho phép họ những quyền hạn nhất định.
b. Phạm tội nhiều lần
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội nhiều lần khác.
Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần là đã có tất cả hai lần trở lên chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, mà mỗi lần phạm tội đều có đầy đủ yếu tố cấu thành tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, đồng thời trong số các lần chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu có hai lần chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý trong đó có một lần chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần
Nếu có hai lần chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý, trong đó đã có một lần bị kết án hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật thì không coi là phạm tội nhiều lần, còn nếu có từ ba, bốn, năm... lần chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý trong đó có một lần bị kết án hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật, thì vẫn coi là phạm tội nhiều lần, vì ít nhất cũng còn hai lần chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
c. Đối với trẻ em
Theo Điều 1 Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thì trẻ em là người chưa thành niên dưới 16 tuổi.
Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý đối với trẻ em là cho trẻ em thuê, mượn địa điểm hoặc có những hành vi khác chứa chấp trẻ em sử dụng trái phép chất ma tuý.
Khi áp dụng tình tiết này cần phân biệt khái niệm người chưa thành niên với khái niệm trẻ em. Trẻ em cũng là người chưa thành niên, nhưng là người dưới 16 tuổi, còn người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi.
Việc xác định tuổi của người mà người phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội mà căn cứ vào tuổi thật của người sử dụng trái phép chất ma tuý. Đây không phải là tình tiết thuộc mặt chủ quan nên dù người phạm tội có nại rằng họ không biết người mà họ chứa chấp việc sử dụng trái phép là trẻ em thì cũng không vì thế mà cho rằng không thuộc trường hợp phạm tội này.
Căn cứ để xác định tuổi thật của người sử dụng trái phép ma tuý là giấy khai sinh và các tài liệu về hộ khẩu, hộ tịch. Trong trường hợp các giấy tờ trên bị thất lạc hoặc không có thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh, điều tra. Nếu sau khi xác minh mà vẫn không xác định được tuổi thật của người sử dụng trái phép chất ma tuý thì áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tột, cụ thể là:
Nếu chỉ biết tháng và năm sinh, thì lấy ngày đầu tiên của tháng đó. Ví dụ: A sinh vào tháng 5 năm 1987 thì lấy ngày 1 tháng 5 năm 1987 là ngày sinh của A.
Nếu chỉ biết năm sinh thì lấy ngày đầu tiên của tháng đầu tiên năm đó. Ví dụ: B sinh vào năm 1988 thì lấy ngày 1 tháng 1 năm 1988 là ngày sinh của B.
d. Đối với nhiều người
Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy đối với nhiều người là trường hợp một lần chứa chấp cho hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý. Nếu chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý nhiều lần mà mỗi lần chứa chấp cho hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý, thì vừa thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần vừa phạm tội đối với nhiều người. Nếu trong các lần đó lại có người sử dụng trái phép chất ma tuý là trẻ em thì người phạm tội còn thuộc trường hợp phạm tội đối với trẻ em.
h. Tái phạm nguy hiểm
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự trường hợp tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm k khoản 2 Điều 193, điểm p khoản 2 Điều 194, điểm g khoản 2 Điều 195, điểm g khoản 2 Điều 196, điểm h khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ người phạm tội tái phạm nguy hiểm trong trường hợp này là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của Điều 198, hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 198 Bộ luật hình sự.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
So với khoản 2 các Điều 185k Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn mà cũng không nặng hơn, nhưng so sánh giữa Điều 185k với Điều 198 thì Điều 185k nhẹ hơn, nhưng vì Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn Điều 185k Bộ luật hình sự năm 1985, vì vậy, hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì không được áp dụng khoản 2 Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999 mà phải áp dụng khoản 2 Điều 185k Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới hai năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt mức cao của khung hình phạt (mười lăm năm tù).
3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
So với Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, nếu chỉ căn cứ vào mức tiền phạt, thì khoản 3 Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì mức phạt tiền quy định tại Điều 185(o) từ hai mươi triệu đến năm trăm triệu đồng, còn mức phạt tiền quy định tại khoản 3 Điều 198 là từ năm mươi triệu đến hai trăm triệu đồng và việc áp dụng hình phạt không phải là bắt buộc.
Tuy nhiên, mức tiền phạt thấp nhất quy định tại Điều 185(o) là hai mươi triệu đồng còn mức tiền phạt thấp nhất quy định tại khoản 3 Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999 là năm mươi triệu đồng và việc phạt tiền là không bắt buộc, nên Toà án có thể phạt người phạm tội dưới năm mươi triệu đồng đối với hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện và xử lý.
Khi áp dụng hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản đối với người phạm tội chứa chấp việc sử dụng trái phép cần chú ý: chỉ áp dụng hình phạt này trong trường hợp người phạm tội cho thuê địa điểm để người người khác sử dụng trái phép chất ma tuý thu lợi bất chính lớn hoặc gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
No comments:
Post a Comment