22/08/2014
Tội hiếp dâm ( Điều 111) - Bình luận khoa học bộ Luật Hình sự - Đinh Văn Quế
TỘI HIẾP DÂM (ĐIỀU 111)

Hiếp dâm là hành vi của một người dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác giao cấu với người khác trái với ý muốn của họ.
Hiếp dâm là tội xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về tình dục của phụ nữ

A. CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

Hành vi khách quan:

Người phạm tội thực hiện việc hiếp dâm có thể dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác giao cấu với người khác trái với ý muốn của họ. 

So với Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì Bộ luật hình sự năm 1999 mô tả hành vi khách quan đầy đủ và cụ thể hơn. Nếu như Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định: "người nào dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác" thì Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: "người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác". Như vậy, so với Bộ luật hình sự năm 1985, Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thêm hai hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm này, nhưng không vì thế mà cho rằng tội hiếp dâm quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 đã thay đổi về chất so với tội hiếp dâm quy định tại Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985. Việc nhà làm luật quy định thêm hai hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm chỉ làm cho việc áp dụng dễ dàng, thuận tiện hơn, chứ không làm cho bản chất thay đổi. Tuy nhiên, về cấu tạo, Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 được cấu tạo lại hợp lý hơn so với Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985.


a. Hành vi dùng vũ lực

Hành vi dùng vũ lực trong tội hiếp dâm cũng tương tự với hành vi dùng vũ lực ở một số tội phạm khác mà người phạm tội có dùng vũ lực, nhưng ở tội hiếp dâm, hành vi dùng vũ lực là nhằm giao cấu với người bị tấn công. Hành vi này, thông thường là làm thế nào để buộc người phụ nữ phải để cho kẻ tấn công giao cấu như: Vật lộn, giữ chân tay, bịp mồm, bóp cổ, đánh đấm, trói v.v... Những hành vi này chủ yếu làm tê liệt sự kháng cự của người bị hại để người phạm tội  thực hiện được việc giao cấu. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp người phạm tội  đã dùng vũ lực tới mức làm cho người bị hại bất tỉnh nhưng chưa bị chết và sau khi người phạm tội  đã thoả mãn dục vọng, người bị hiếp đã chết thì người phạm tội  còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, ngoài tội hiếp dâm mà họ đã thực hiện. Bởi vì, người phạm tội  đã bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra miễn là y thoả mãn được dục vọng.

b. Hành vi đe doạ dùng vũ lực

Đe doạ dùng vũ lực là hành vi của một người dùng lời nói hoặc hành động uy hiếp tinh thần của người khác, làm cho người bị đe doạ sợ hãi như: doạ giết, doạ đánh, doạ bắn... làm cho người bị hại sợ hãi phải để cho người phạm tội giao cấu trái với ý muốn của mình. Điều luật không quy định đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, nên có thể hiểu hành vi đe doạ dùng vũ lực quy định ở đây bao gồm cả trường hợp đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc và trường hợp đe doạ dùng vũ lực như trường hợp đối với tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.

c. Hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân

Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng nếu như bị người khác giao cấu thì không thể chống cự lại được. 

Tình trạng này, có thể do chính người phạm tội tạo ra cho nạn nhân để thực hiện việc giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân. Ví dụ: Trần Văn T bỏ thuốc mê vào cốc nước để chị Đào Xuân D uống. Sau khi uống nước chị D mê không biết gì nữa, nên T đã thực hiện hành vi giao cấu với chị D. Cũng có trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng không thể tự vệ được do những lý do khách quan khác không do người phạm tội gây ra cho nạn nhân, nhưng người phạm tội đã lợi dụng tình trạng đó để giáo cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ. Ví dụ: Chu Văn H là Y sĩ  bệnh viện huyện K tỉnh T đã lợi dụng lúc chị L đang truyền huyết thanh để giao cấu với chị L, mặc dù biết H giao cấu với mình, nhưng vì đang truyền huyết thanh và nghe H dặn: "Nếu cử động, huyết thanh chảy ra ngoài sẽ bị cưa tay" nên chị L không giám chống cự.

d. Hành vi dùng thủ đoạn khác

Thủ đoạn khác là những thủ đoạn ngoài những hành vi  đã được quy định trong cấu thành ( dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân). Đây là quy định mở nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này, bởi lẽ thực tiễn xét xử có những trường hợp hành vi phạm tội của người phạm tội không thuộc mọt trong các hành vi cụ thể đã được quy định trong cấu thành, nhưng hành vi này bản chất lại là hành vi hiếp dâm và việc truy cứu người phạm tội về tội hiếp dâm là cần thiết. Tuy nhiên, khi xác định hành vi dùng thủ đoạn khác để giáo cấu trái với ý muốn của nạn nhân cần chú ý một số vấn đề sau:

Những thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện hoặc lợi dụng phải là những thủ đoạn nhằm đưa người bị hại lâm vào tình trạng không còn khả năng làm chủ bản thân để người phạm tội  giao cấu trái với ý muốn của họ như: cho uống thuốc kích dục hoặc lợi dụng sự kém hiểu biết của nạn nhân để thực hiện hành vi giao cáu trái với ý muốn của nạn nhân. Ví dụ: Hà Đ là Bác sỹ chữa bệnh tại nhà. Cháu Hoàng Thị M  15 tuổi là người dân tộc thiểu số bị bệnh đến nhà Đ để Đ khám và chữa bệnh cho cháu M, Đ nói với cháu M là muốn khoẻ mạnh và có nước da trắng hồng thì đặt thuốc vào âm đạo, cháu M đồng ý đặt thuốc. Đ đã lợi dụng việc đặt thuốc cho cháu M để thực hiện hành vi giao cấu với cháu M. Sau khi đặt thuốc, cháu M đã kể lại toàn bộ hành vi của Đ với mẹ cháu, nên vụ án bị phát hiện.

đ. Hành vi giao cấu trái với ý muốn của người phụ nữ

Giao cấu trái với ý muốn của người phụ nữ là hành vi khách quan của cấu thành tội hiếp dâm, nhưng không phải trường hợp nào người phạm tội  giao cấu được với người bị hại thì mới là phạm tội hiếp dâm mà trong nhiều trường hợp người phạm tội  mới có hành vi dùng vũ lực nhằm giao cấu với người bị hại là đã phạm tội hiếp dâm rồi. Trong trường hợp này gọi là phạm tội hiếp dâm chưa đạt (chưa thực hiện được hết hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành). Về dấu hiệu này, cũng có nhiều quan điểm khác nhau: Có ý kiến cho rằng, nếu người phạm tội chưa giao cấu được với người bị hại thì chưa coi là đã phạm tội hiếp dâm, vì người bị hại chưa bị hiếp và để phản bác lại ý kiến này, lại có ý kiến cho rằng tội hiếp dâm là tội cấu thành hình thức như đối với tội cướp, chỉ cần người phạm tội  có hành vi vũ lực là tội phạm đã hoàn thành. Theo chúng tôi thì cả hai ý kiến trên đều không chính xác, vì ngay trong điều văn của điều luật về tội hiếp dâm đã thể hiện hành vi giao cấu là dấu hiệu khách quan của cấu thành (dấu hiệu bắt buộc) "Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu vớnanj nhân", chứ không quy định như ở tội cướp "nhằm" chiếm đoạt. Thông thường, đối với các tội cấu thành hình thức, điều văn của điều luật thường dùng từ "nhằm" để chỉ mục đích của người phạm tội. Ví dụ: Tôị phản bội Tổ quốc (Điều 78), tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền (Điều 79), tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (Điều 81), tội bạo loạn (Điều 82), tội hoạt động phỉ (Điều 83) v.v...Từ những phân tích trên, chúng ta cũng thấy rõ tội hiếp dâm là tội cấu thành vật chất chứ không phải cấu thành hình thức như một số người vẫn lầm tưởng.
Giao cấu là hành vi, đồng thời cũng là hậu quả xảy ra của tội hiếp dâm (người bị hại đã bị hiếp). Về vấn đề này, chắc sẽ có người không đồng tình, vì hậu quả là kết quả của một hành vi gây ra, là mối quan hệ nhân quả giữa A (hành vi) và B (hậu quả), không thể có một hiện tượng vừa là A lại vừa là B. Đúng là như vậy, nhưng ở đây hành vi giao cấu không bao giờ là nguyên nhân của hậu quả bị giao cấu mà hậu quả bị giao cấu là kết quả của hành vi dùng vũ lực nhằm giao cấu. Cũng tương tự như vậy, chúng ta có thể coi hành vi chiếm đoạt trong các tội xâm phạm sở hữu vừa là hành vi nếu xét từ phía người phạm tội, vừa là hậu quả nếu xét từ phía người bị hại (bị chiếm đoạt).

e) Trái với ý muốn của người bị hại.

Đây là một dấu hiệu hết sức quan trọng mà thực tiễn xét xử không ít trường hợp khó xác định, vì về phía người bị hại, trong một số trường hợp do nhiều nguyên nhân khác nhau đã khai với các cơ quan tiến hành tố tụng không đúng với trạng thái tâm lý của mình, có người do có sự thoả thuận nhưng lại khai với nhà chức trách là mình bị hiếp, ngược lại có người bị hiếp thật, nhưng bị người phạm tội mua chuộc lại khai là có sự thoả thuận. Thông thường khi xác định tội phạm người ta xét đến ý thức chủ quan của người phạm tội, nhưng đối với tội hiếp dâm, thì ý thức chủ quan của người bị hại lại là vấn đề rất quan trọng để xác định có tội hay không có tội.

Để xác định việc giao cấu có trái với ý muốn của người bị hại hay không, ngoài lời khai của người bị hại, chúng ta còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như: mối quan hệ giữa hai người, thủ đoạn thực hiện tội phạm, hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra việc giao cấu, nhân thân của cả hai người, ý kiến nhận xét của những cơ quan, tổ chức xã hội nơi hai người công tác, của bạn bè, của cha mẹ và các tình tiết khác của vụ án, tránh chủ quan phiến diện. Chỉ khi nào chứng minh việc giao cấu đó là trái với ý muốn của người bị hại (người phụ nữ) thì người có hành vi giao cấu(người đàn ông) mới bị coi là phạm tội hiếp dâm.
Dấu hiệu trái với ý muốn của người bị hại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội hiếp dâm, nhưng dấu hiệu này chỉ có ý nghĩa đối với trường hợp người bị hại từ 13 tuổi trở lên, còn đối với trường hợp người bị hại chưa đủ 13 tuổi thì dù có trái ý muốn hay không, người có hành vi giao cấu với họ đều là phạm tội hiếp dâm và người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự (xem tội hiếp dâm trẻ em).

Ý thức chủ quan của người phạm tội

Người phạm tội thực hiện hành vi của mình là do cố ý, điều này chắc mọi người đều thống nhất, không ai có ý kiến trái ngược. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có một số trường hợp khó xác định sự cố ý hiếp dâm của người phạm tội. Thông thường, người phạm tội bào chữa rằng mình không có ý giao cấu với nạn nhân mà chỉ có ý định trêu gẹo trong những trường hợp người phạm tội mới có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác nhưng chưa giao cấu được, cùng lắm là người phạm tội  chỉ nhận có hành vi làm nhục. Ví dụ: Trần Văn B, Nguyễn Văn C, Phạm Quốc K vào công viên chơi thì gặp chị H ngồi nói chuyện với anh Q. Trần Văn B đến hăm doạ anh Q và vu cho anh Q cướp người yêu của B, anh Q thấy B có ba người nên sợ bỏ đi. B và đồng bọn khống chế buộc chị H phải đi với chúng. Vì sợ quá nên chị H buộc phải đi theo bọn B. Khi đến chỗ vắng B và đồng bọn cởi quần áo của chị H ra, cùng lúc đó, chị H nhìn thấy có xe đi tuần tra của công an nên dã kêu cứu và sau đó B cùng đòng bọ bị bắt. Do chị H chưa bị B và đồng bọn giao cấu, nên bọn B chỉ khai rằng, chúng không có ý giao cấu với chị H mà chỉ muốn dâm ô với chị H mà thôi. Đối với trường hợp đã giao cấu được với người bị hại, thì người phạm tội lại bào chữa rằng, tưởng người bị hại đồng ý nên mới giao cấu hoặc khẳng định là người bị hại đồng ý nhưng sau đó lại tố cáo với cơ quan pháp luật. Ví dụ: Lê Văn K mới quen chị Mai Ngọc T ở một quán giải khát, ba hôm sau, K gọi điện hẹn chị T đến một địa điểm vắng. Taị đây, lúc đầu K tán tỉnh, không thấy chị T phản ứng gì K liền ôm chị T đòi giao cấu nhưng chị T chống cự quyết liệt, nhưng K đã dùng sức lực và giao cấu được với chị T. Lúc đang hành động thì gắp tổ tuần tra đi qua đã đưa hai người về trụ sở Công an giải quyết. Tại đây, K khai rằng việc giao cấu với chị T là do được chị T đồng ý.

Khi gặp những trường hợp như trên xảy ra, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh sự cố ý của người phạm tội, chứ không phải tin ngay vào lời khai của người phạm tội, thậm chí ngay cả lời khai của người bị hại. Thực tiễn xét xử đã có trường hợp trong quá trình điều tra, tại phiên toà sơ thẩm, người bị hại đều khai rằng, việc họ bị giao cấu là trái với ý muốn, nhưng tại phiên toà phúc thẩm họ lại khai rằng, họ đồng tình để người phạm tội giao cấu, Toà án cấp phúc thẩm đã tin lời khai này của người bị hại để tuyê bố bị cáo không phạm tội hiếp dâm, nhưng sau khi bản án có hiệu lực pháp luật đã phát hiện lời khai của người bị hại tại phiên tòa phúc thẩm là lời khai man do phía bị cáo mua chuộc.

B. NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Hiếp dâm người từ đủ 18 tuổi trở lên (khoản 1 Điều 111)

Trong trường hợp, chỉ có một người bị hiếp dâm mà người bị hiếp dủ 18 tuổi trở lên, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 111 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù là tội phạm nghiêm trọng, và theo Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự, thì vụ án chỉ được khởi tố nếu người bị hại yêu cầu. Trong trường hợp người bị hại rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa thì vụ án phải được đình chỉ. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, mặc dù người bị hại rút yêu cầu, Viện kiểm sát hoặc Toà án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. 

2. Hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (đoạn 1 khoản 4 Điều 111)

Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, nhưng chỉ những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà bị hiếp dâm thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự  theo đoạn 1 khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ năm năm đến mười năm tù. Vì vậy, gặp phải trường hợp này các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh tuổi của người bị hại, biện pháp chứng minh có hiệu quả nhất là giấy khai sinh của người bị hại. Tuy nhiên, thực tế cũng có một số trường hợp, không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không đúng với tuổi thật của họ, thì phải xác minh tuổi thật của người bị hại. Tuổi của người bị hại là một thực tại khách quan không phụ thuộc vào nhận thức của người phạm tội, chỉ cần xác định người bị hại là người từ đủ 16 tuổi đến đưới 18 tuổi là người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đoạn 1 khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự rồi. Cũng chính vì vậy mà điều văn của điều luật chỉ quy định: "Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên". Chứ không quy định: "Phạm tội hiếp dâm mà biết người bị hiếp là người chưa thành niên".

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 111 Bộ luật hình sự thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó ( xem từ mục 3 đến mục 15 trong phần này)

 3.Hiếp dâm người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh ( điểm b khoản 2 Điều 111)

Đây là trường hợp tách từ đoạn hai khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985. Người phạm tội và người bị hại trong trường hợp này phải có mối quan hệ, trong đó người phạm tôi có nghĩa vụ đối với người bị hại. Nghĩa vụ này xuất phát từ quan hệ huyết thống như bố mẹ đối với con cái, quan hệ giáo dục như thầy giáo đối với học sinh, quan hệ chữa bệnh như thầy thuốc đối với bệnh nhân v.v...

Khi xét đến các quan hệ này, cần chú ý là chỉ khi nào hành vi phạm tội của người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh đã lợi dụng sự chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh để hiếp dâm người được chăm sóc, được giáo dục hoặc được chữa bệnh thì mới thuộc trường hợp phạm tội này, nếu hành vi hiếp dâm không liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Nguyễn Văn B là giáo viên trường PTTH huyện K, một lần B cùng với một số bạn đi ăn nhậu, trên đường về gặp em Vũ Thị C  là học sinh lớp 11 của trường, các bạn của B trêu gẹo C và cùng B kéo C vào chỗ vắng hãm hiếp. Sau khi gây án, B mới biết em C là học sinh của trường.

Phạm tội hiếp dâm người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, là tội phạm rất nghiêm trọng có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. So với đoạn 2 khoản 1 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về trường hợp phạm tội này thì điểm b khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, do đó không được áp dụng điểm b khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.

4. Hiếp dâm có tổ chức ( điểm a khoản 2 Điều 111)

Hiếp dâm có tổ chức cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác. Các dấu hiệu của phạm tội có tổ chức được quy định tại khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Khái niệm đồng phạm được Bộ luật hình sự nước ta ghi nhận tại Điều 20 với định nghĩa là "có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm là đồng phạm", nhưng phạm tội có tổ chức lại là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ hơn; Phạm tội có tổ chức bao gồm nhiều người cùng tham gia, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức. Đối với tội hiếp dâm có tổ chức, có thể tất cả những người tham gia đều là người thực hành (đều có hành vi giao cấu với người bị hại) nhưng cũng có trường hợp có người không giao cấu vớ người bị hại nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm. Ví dụ: A, B, C, D bàn bạc bắt chị M đến một nơi vắng, chúng phân công B và C giữ chân tay chị M, còn D bịt mồm chị M để cho A giao cấu với chị M. Sau khi A giao cấu xong, hắn bảo D hiếp chị M để hắn bịt mồm, nhưng D chưa kịp giao cấu với chị M thì bị tổ tuần tra phát hiện bắt giữ. Trong trường hợp này, mặc dù chỉ có A gao cấu với chị M, nhưng tất cả bốn tên A, B, C, D đều bị truy cứu trách niệm hình sự về tội hiếp dâm với tình tiết là hiếp dâm có tổ chức.

Người phạm tội hiếp dâm có tổ chức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. So với điểm a khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về trường hợp phạm tội này thì không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn, do đó nếu hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng điểm a khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985, vì theo khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: "điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện". Tuy nhiên, tại mục 4 Thông tư liên tịch số 02 ngày 5-7-2000 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an lại hướng dẫn " đối với những tội phạm đã được quy định trong một điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, nay theo cách so sánh...mà vẫn giữ nguyên trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999, thì áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự ". Hướng dẫn này rõ ràng là không đúng với khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999. Hy vọng rằng các cơ quan ban hành thông tư trên sớm thống nhất  để hướng dẫn lại cho đúng với quy định tại khoản 1 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 1999.  

5. Nhiều người hiếp một người ( điểm c khoản 2 Điều 111)

Khác với trường hợp hiếp dâm có tổ chức, trường hợp nhiều người hiếp một người là tất cả những người tham gia dù có tổ chức hay không có tổ chức đều giao cấu với người bị hại, nếu phạm tội có tổ chức mà lại có từ hai người trở lên giao cấu với nạn nhân thì những người giao cấu với nạn nhân phạm tội có hai tình tiết đó là: hiếp dâm có tổ chức và nhiều người có một người, và trong trường hợp này hình phạt đối với họ sẽ nặng hơn những người khác nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau. Người phạm tội trong trường hợp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù.

6. Hiếp dâm nhiều lần ( điểm d khoản 2 Điều 111)

Hiếp dâm nhiều lần là trường hợp một người hiếp một người từ hai lần trở lên hoặc nhiều người hiếp một người, trong đó mỗi người hiếp nạn nhân từ hai lần trở lên. Nếu nhiều người hiếp một người, trong đó mỗi người hiếp nạn nhân từ hai lần trở lên thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c và điểm d khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, nếu chỉ có một người hiếp mọt người từ hai lần trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù.

7. Hiếp dâm nhiều người ( điểm đ khoản 2 Điều 111)

Hiếp dâm nhiều người là trường hợp một người đã hiếp dâm từ hai người trở lên hoặc nhiều người cùng hiếp dâm từ hai người trở lên. Đây là trường hợp có nhiều người bị hiếp, trong đó ít nhất mỗi người bị hiếp một lần, còn người phạm tội có thể là một người hoặc nhiều người. Vì vậy khi xác định hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải phân biệt:

Nếu có một người hiếp dâm từ hai người trở lên và tất cả nạn nhân chỉ bị hiếp một lần, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự;
Nếu có một người hiếp dâm từ hai người trở lên, trong đó có nạn nhân bị hiếp một lần, có nạn nhân bị hiếp nhiều lần, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự;

Nếu có nhiều người phạm tội ( phạm tội có tổ chức hoặc là đồng phạm thông thường), trong đó có nhiều người bị hiếp nhưng tất cả nạn nhân chỉ bị hiếp một lần thì tất cả người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, nếu là phạm tội có tổ chức thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, nếu có một người bị hai người trở lên hiếp thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điẻm c khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự.   

8. Hiếp dâm có tính chất loạn luân ( điểm e khoản 2 Điều 111)

Tính chất loạn luân được thể hiện ở chỗ giữa người phạm tội hiếp dâm với người bị hại có cùng dòng máu trực hệ ( bố mẹ với con cái, ông bà với các cháu), giữa anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Hiếp dâm có tính chất loạn luân là trường hợp hiếp dâm có tính nguy hiểm cao hơn trường hợp hiếp dâm bình thường khác, qua thực tiễn xét xử thấy cần phải trừng trị nghiêm khắc người phạm tội  hiếp dâm có tính chất loạn luân, nên ngày 10-5-1997 tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá IX đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, trong đó quy định hiếp dâm có tính chất loạn luân là tình tiết định khung tăng nặng đối với tội hiếp dâm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự và người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Bộ luật hình sự năm 1999 quy định lại tình tiết phạm tội này tại điểm e khoản 2 Điều 111 với khung hình phạt như khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985.

9. Hiếp dâm làm nạn nhân có thai ( điểm g khoản 2 Điều 111)

Đây cũng là tình tiết được bổ sung cùng với tình tiết “hiếp dâm có tính chất loạn luân”. Hiếp dâm mà làm nạn nhân có thai là do hành vi hiếp dâm của người phạm tội mà nạn nhân có thai, tức là cái thai của nạ nhân là kết quả của việc giao cấu giữa người phạm tội với nạn nhân. Nếu nạn nhân tuy có bị hiếp dâm nhưng việc nạn nhân có thai lại là kết quả của việc giao cấu giưã nạn nhân với người khác thì người phạm tội hiếp dâm không phải chịu tình tiết “làm nạn nhân có thai”. Nói chung thực tiễn xét xử trường hợp phạm tội này thường xảy ra đối với người phạm tội thực hiện hành vi giao cấu với người bị hại nhiều lần, người phạm tội không từ chối cái thai trong bụng nạn nhân là của mình, nên rất ít khi phải trưng cầu giám định. Tuy nhiên, kết quả giám định cũng không phải chứng cứ duy nhất để xác định cái thai trong bụng nạn nhân có phải là của người phạm tội không. Vì vậy, để xác định nạn nhân có thai có đúng là do hành vi hiếp dâm gây ra không, cần phải đánh giá một cách khách quan toàn diện; chỉ khi nào có đủ căn cứ xác định nạn nhân có thai là do hành vi hiếp dâm gây ra thì người phạm tội hiếp dâm mới phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù.

10. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% ( điểm h khoản 2 Điều 111)

Trường hợp phạm tội này, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định là "gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nạn nhân" (điểm e khoản 2 Điều 112). Tuy không có hướng dẫn cụ thể, nhưng thực tiễn xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng đã coi trường hợp "gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nạn nhân" là trường hợp nạn nhân bị hiếp có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%. Do đó, khi soạn thảo Bộ luật hình sự năm 1999, Ban soạn thảo đã thay tình tiết "gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nạn nhân" bằng tình tiết "gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%" cho phù hợp với thực tiễn xét xử và được Quốc hội thông qua. Như vậy căn cứ để xác định tình tiết phạm tội này là kết quả giám định thương tật của nạn nhân do Hội đồng giám định pháp y kết luận.

11. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm ( điểm i khoản 2 Điều 111)

Người phạm tội hiếp dâm bị coi là tái phạm nguy hiểm nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội hiếp dâm thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự, hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội hiếp dâm.

Đối với tội hiếp dâm, cũng như đối với một số tội phạm khác nếu thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm, thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nặng hơn trường hợp không phải là tái phạm nguy hiểm. Việc trừng trị những người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là rất cần thiết, bởi vì chứng tỏ người phạm tội  không chịu phục thiện, cần phải có thời gian cải tạo dài hơn mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Các dấu hiệu về tái phạm nguy hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự chúng tôi đã có dịp giới thiệu trong cuốn: "Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự" (NXB chính trị quốc gia - năm 2000) cũng như các trường hợp tái phạm nguy hiểm khác trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người. Người phạm tội hiếp dâm lại là người tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù.

12. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên ( điểm a khoản 3 Điều 111)

Trường hợp phạm tội này, Bộ luật hình sự năm 1985 quy định là "gây tổn hại rất nặng cho sức khoẻ của nạn nhân" (điểm a khoản 3 Điều 112). Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp hiếp dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% quy định tại điẻm h khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự, chỉ khác nhau ở chỗ, tỷ lệ thương tật của nạn nhân trong trường hợp này là từ 61% trở lên và người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. So với điểm a khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 thì đây là quy định nặng hơn vì khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 có mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, do đó nếu hành vi phạm tội được thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985. 

13. Người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn phạm tội ( điểm b khoản 3 Điều 111)

Đây là tình tiết mới được quy định xuất phát từ yêu cầu của xã hội. Cùng với việc quy định tình tiết này trong tội hiếp dâm và một số tội xâm phạm tình dục khác, Bộ luật hình sự năm 1999 còn quy định thêm hai tội về lây truyền HIV, đó là tội lây truyền HIV cho người khác (Điều 117) và tội cố ý truyền HIV cho người khác (Điều 118). Vì vậy, chỉ áp dụng đối với hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 trở đi.

Người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm, tức là cố ý lây truyền HIV cho người khác bằng hành vi hiếp dâm, làm cho tính chất và mức độ của hành vi hiếp dâm nguy hiểm hơn nhiều so với trường hợp hiếp dâm bình thường.

Khi áp dụng tình tiết này đối với người phạm tội cần chú ý một số điểm như sau:
Nếu có căn cứ cho rằng người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm thì mới áp dụng tình tiết này, nếu người phạm tội bị niễm HIV thật nhưng họ không biết, sau khi phạm tội cơ quan Y tế mới xét nghiệm thấy người phạm tội bị nhiễm HIV thì không áp dụng tình tiết này đối với người phạm tội. Đây là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội, nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định người phạm tội biết rõ mình bị nhiễm HIV thì mới thuộc trường hợp này. 

Chỉ cần xác định người phạm tội biết mình nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm là thuộc trường hợp phạm tội này rồi mà không cần phải xác định người bị hại có bị lây nhiễm HIV hay không. Ví dụ: Đoàn Văn T do tiêm chích ma tuý nhiều nên đã được Trung tâm Y tế nơi T cai nghiện xác định T đã bị nhiễm HIV và nói rõ cho T biết để có biện pháp không lây truyền cho người khác. Do chán đời lại bị một số tên cùng cai nghiện với T rủ rê lôi kéo, nên T đã cùng một số tên trốn khỏi Trung tâm cai nghiện. Sau khi trốn khỏi Trung tâm cai nghiện, T và đồng bọn thực hiện hành vi hiếp dâm chị H. Sau khi phạm tội, đồng bọn của T cho biết T bị nhiễm HIV, cơ quan Y tế xét nghiệm chị H không bị nhiễm HIV, nhưng T vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 3 Điều 111 với tình tiết "biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội".

14. Hiếp dâm làm nạn nhân chết  (điểm c khoản 3 Đièu 111)
Đây là trường hợp nạn nhân do bị hiếp dâm mà chết, nếu nạn nhân bị chết không phải là do bị hiếp mà do nguyên nhân khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm và tội phạm tương ứng với hành vi làm cho nạn nhân bị chết. Nếu hành vi của người phạm tội có đủ dấu hiệu của tội giết người thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người và tội hiếp dâm. Ví dụ : Đỗ Mạnh H và Trần Quang C đã bắt chị Nguyễn Thị Kim X vào trong một Điếm canh đê thay phiên nhau hãm hiếp, chị X van xin bọn chúng tha cho về, nhưng H và C sợ tha chị X về chị sẽ tố cáo nên chúng đã bóp cổ chị X cho đến chết rồi vứt xác xuống sông để phi tang. Cũng có trường hợp lúc đầu người phạm tội  đã dùng vũ lực làm cho nạn nhân bị ngất rồi thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân, nhưng sau đó người phạm tội  bỏ mặc cho nạn nhân dẫn đến cái chết cho nạn nhân thì cũng không phải là hiếp dâm làm nạn nhân chết mà người phạm tội  vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội : Tội giết người và tội hiếp dâm. Trường hợp hiếp dâm làm nạn nhân chết là trường hợp do bị hiếp (thường là bị nhiều người hiếp) nạn nhân do sức yếu không chịu nổi sự hãm hiếp của người phạm tội  nên bị chết. Có trường hợp do quá sợ hãi nên nạn nhân bị ngất đi và sau đó bị chết thì cũng coi là trường hợp hiếp dâm làm nạn nhân chết.

15. Hiếp dâm làm nạn nhân tự sát ( điểm c khoản 3 Điều 111)
Một người tự sát có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng nếu vì bị hiếp dâm mà tự sát thì người đã hiếp dâm nạn nhân sẽ phạm tội thuộc trường hợp hiếp dâm làm nạn nhân tự sát. Tuy nhiên, để xác định một người tự sát là do bị hiếp không phải bao giờ cũng dễ dàng. Do phong tục tập quán ở mỗi địa phương khác nhau, trình độ nhận thức của mỗi người cũng khác nhau, nhưng nhìn chung hầu hết những người bị hại trong các vụ án hiếp dâm đều không muốn cho mọi người biết là mình bị hiếp dâm. Phụ nữ nước ta có truyền thống lấy chữ “trinh” làm đầu, mặc dù là người bị hại, nhưng người bị hại trong các vụ án hiếp dâm lại là phụ nữ, nhất là những phụ nữ chưa có chồng nếu mọi người biết đã bị hiếp thì tương lai của người này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, có người nghĩ quẩn đã tự sát, đối với những phụ nữ đã có chồng mà bị hiếp dâm lại có tâm trạng sợ chồng ruồng bỏ, nếu gặp phải người chồng còn mang nặng tư tưởng phong kiến dễ dẫn đến việc nạn nhân nghĩ quẩn mà tự sát. Đây cũng là đặc điểm của tội hiếp dâm ở nước ta mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải thận trọng khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, nếu xét thấy cần thiết thì phải xét xử kín để giữ cho nạn nhân tránh khỏi những dị nghị gây bất lợi cho họ.

Chỉ cần xác định nạn nhân vì bị hiếp dâm mà tự sát, còn nạn nhân có bị chét hay không, không phải là dấu hiệu bắt buộc đẻ xác định tình tiết phạm tội này. Tuy nhiên nếu nạn nhân tự sát và bị chết mức hình phạt sẽ cao hơn trường hợp nạn nhân tự sát mà không chết.

Hiếp dâm gây tổn hại cho sức khoe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy mức cao nhất của khung hình phạt đều là tử hình, nhưng mức thấp nhất của khung hình phạt ở khoản 3 Điều 111 chỉ có mười hai năm, so với khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về các tường hợp phạm tội này thì khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 là điều khoản của Bộ luật hình sự nhẹ hơn. Do đó, những hành vi phạm tội trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì người phạm tội được áp dụng khoản 3 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý.

Người phạm tội hiếp dâm theo quy định tại Điều 111 còn có thể bị áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm theo quy định tại khoản 4 Điều 111 Bộ luật hình sự 

1 comment:

  1. Đại Phát auto chuyên thay bán Gối kê cổ tựa đầu ô tô xe hơi chính hãng – giá rẻ hàng đầu Việt Nam
    --------------------------------
    Giá rẻ nhất – Thay nhanh nhất – bền nhất – Liên hệ ngay:
    Web: Gối kê cổ tựa đầu ô tô xe hơi
    ( Xem tai day): Gối kê cổ tựa đầu ô tô xe hơi
    ( xem tai day ): goi ke co tua dau o to xe hoi

    ReplyDelete