Tình huống: T thường bị bố mắng chửi vì lười lao động lại thường xuyên cờ bạc, rượu chè. Mặt khác T mong sớm được thừa lế tài sản của bố mẹ. 1 lần xào thịt bò ăn, T xúc riêng 1 ít ra bát rồi đổ thuốc chuột vào và mang biếu bố mẹ mình là ông G và bà C. Ông G và bà C đã ăn thức ăn này và bị tổn hại đến sức khỏe, bà C tổn hại 45%, ông G 35%.giám định pháp y kết luận: nguyên nhân tổn hại sức khỏe là do trúng độc thuốc diệt chuột
Hỏi:
a. Hãy xác định tội danh cho hành vi phạm tội của T? Tại sao?
b. Chỉ rõ các tình tiết định khung tăng nặng được áp dụng trong vụ án và phân tích.
c. Mức phạt thấp nhất đối với T có thể áp dụng là bao nhiêu năm tù?
MỞ ĐẦU
Là một ngành luật có vị trí, vai trò to lớn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, Luật Hình sự bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật do Nhà Nước ban hành, xác định hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm đồng thời quy định hình phạt đối với những tội phạm ấy. Bằng việc quy định các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc có thể áp dụng đối với các vi phạm pháp luật nguy hiểm nhất xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Trên thực tế có rất nhiều tình huống xảy ra trong các quan hệ luật hình sự, chúng ta cùng tìm hiểu một tình huống cụ thể để hiểu hơn về một phần quy định của luật hình sự.
NỘI DUNG
1. Tình huống:
T thường bị bố mắng chửi vì lười lao động lại thường xuyên cờ bạc, rượu chè. Mặt khác T mong sớm được thừa kế tài sản của bố mẹ. 1 lần xào thịt bò ăn, T xúc riêng 1 ít ra bát rồi đổ thuốc diệt chuột vào và mang biếu bố mẹ mình là ông G và bà C. Ông G và bà C đã ăn thức ăn này và bị tổn hại đến sức khỏe, bà C tổn hại 45%, ông G 35%. Giám định pháp y kết luận: nguyên nhân tổn hại sức khỏe là do trúng độc thuốc diệt chuột.
2. Giải quyết tình huống:
a. Hãy xác định tội danh cho hành vi phạm tội của T? Tại sao?
Căn cứ vào chương XII, Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh sự của con người, trước tiên ta phải khẳng định rằng T phạm tội giết người. Vì hành vi phạm tội của T có đầy đủ các dấu hiệu pháp lí thỏa mãn của tội giết người theo quy định trong Luật Hình sự:
+ Tội giết người của T là hành vi cố ý tước đoạt sinh mạng của bố mẹ một cách trái pháp luật, trực tiếp xâm phạm quyền được sống của bố mẹ mình.
+ Chủ thể: Đây là chủ thể thường, T có năng lực trách nhiệm hình sự và có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Trước khi thực hiện hành vi, T nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra và tình toán để thực hiện hành vi của mình.
+ Khách thể: Hành vi của T xâm phạm quan hệ nhân thân, một trong những khách thể quan trọng nhất được luật Hình sự bảo vệ. Đó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng.
+ Mặt khách quan: T thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của bố mẹ mình một cách trái pháp luật vì ở đây không thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc thi hành án tử hình. Hành vi phạm tội của T thực hiện bằng hành động và phương tiện là đầu độc.
+ Mặt chủ quan: T phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, mục đích cụ thể là tước đoạt tính mạng của bố mẹ với động cơ là để được sớm thừa kế tài sản của bố mẹ. T nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra và T mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
Như vậy có thể khẳng định T phạm tội giết người. Nhưng do hậu quả chết người chưa xảy ra nên T phạm tội thuộc giai đoạn phạm tội chưa đạt.
b. Chỉ rõ các tình tiết định khung tăng nặng được áp dụng trong vụ án và phân tích:
Điều 93 BLHS quy định về tội giết người tại khoản 1 có quy định các tình tiết định khung tăng nặng. Trong trường hợp này T đã phạm tội với hai tình tiết định khung tăng nặng theo hai điểm a, điểm đ, điểm l và điểm q:
Điểm a: Giết nhiều người là từ hai người trở lên, ở đây T cố ý giết cả bố và mẹ của mình.
Điểm đ: Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình: Đây là trường hợp phạm tội mà nạn nhân và người phạm tội có quan hệ đặc biệt. T là người hơn ai hết phải biết ơn và kính trọng bố mẹ của mình. T đã thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của chính người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình. Với hành vi phạm tội của mình, T không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo lí làm con, làm người được nuôi dưỡng.
Điểm l: Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người: Đây là trường hợp giết người mà người phạm tội đã sử dụng công cụ, phương tiện hoặc thủ đoạn phạm tội có khả năng làm chết nhiều người. Trong tình huống trên T dùng thuốc chuột vào thức ăn mang biếu bố mẹ là phương pháp mà T sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Và phương pháp này có thể gây ra hậu quả làm chết cả bố và mẹ của mình.
Điểm q: Do T mong sớm được thừa kế tài sản của bố mẹ nên đã thực hiện hành vi phạm tội với bố mẹ mình, mang tính chất của động cơ đê hèn.
c. Mức phạt thấp nhất đối với T có thể áp dụng là bao nhiêu năm tù?
T đã phạm tội thuộc khoản 1 điều 93 BLHS, tại điểm này quy định mức hình phạt là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nhưng như trên đã nêu, do hậu quả chết người chưa xảy ra nên T phạm tội chưa đạt theo điều 18 BLHS và theo quy định tại khoản 3 Điều 52 BLHS: “…Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”, T sẽ không bị áp dụng hình phạt là chung thân hoặc tử hình. Bởi vì với hậu quả chết người chưa xảy ra và không thể coi đó là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Do đó T sẽ được áp dụng hình phạt tù có thời hạn và cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 52 BLHS thì mức hình phạt tối đa mà T phải chịu không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Nhưng ở đây là xác định mức hình phạt thấp nhất có thể áp dụng. Trong trường hợp mà có nhiều tình tiết tăng nặng như thế này thì sẽ khó mà có thể xác định một cách chính xác nên việc xác định mức hình phạt thấp nhất phụ thuộc vào quyết định của Tòa án, Tòa án sẽ căn cứ vào tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt mà tuyên mức án phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo...
KẾT LUẬN
Việc áp dụng các quy định của pháp luật vào những trường hợp phạm tội cụ thể đảm bảo định đúng tội danh cho tội phạm. Qua đó, bồi dưỡng cho mọi công dân tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, chủ động tham gia phòng ngừa và chống tội phạm. Phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm và thông qua hình phạt để răn đe, giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội trở thành người lương thiện.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình Sự Việt Nam, tập 1, Nxb CAND, Hà Nội - 2009.
2. Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb, Chính trị Quốc gia. 2009.
3. Học viện cảnh sát nhân dân, Th.s Phùng Văn Ngân, Hỏi và trả lời về luật hình sự Việt Nam, NXB Lao động – xã hội, 2004.
4. Viện khoa học pháp lí – Bộ tư pháp, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2001.
5. Trường Đại học Luật Hà Nội, Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb CAND, Hà Nội - 2001
6. www.diendanluat.com.vn
No comments:
Post a Comment