20/08/2014
Cầm giữ, bảo lưu quyền sở hữu có nên xếp vào các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự hay không - 9 điểm - Bài tập nhóm Luật Dân sự 2 - Khoa Luật ĐH Quốc gia HN
Giao dịch dân sự là hoạt động tất yếu và phổ biến trong đời sống kinh tế, xã hội. Nhằm mục đích đảm bảo và khắc phục rủi ro, vi phạm, bội ước và tranh chấp, không đảm bảo được quyền lợi của người có quyền khi người vi phạm nghĩa vụ không có khả năng tài sản để thực hiện nghĩa vụ, giao dịch đảm bảo đã được quy định trong mục 5: Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của phần thứ III trong BLDS 2005. Đồng thời nó còn tạo cho người có quyền trong các quan hệ nghĩa vụ có được thế chủ động trong thực tế hưởng quyền dân sự. 

Các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không thể thiếu được trong các hệ thống pháp luật. Pháp luật của chúng ta và các hệ thống pháp luật mà chúng tôi biết chia các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thành hai phần là phần các quy định chung và phần những quy định cụ thể đối với từng loại biện pháp bảo đảm. Điều 318 BLDS là điều luật đầu tiên về Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và có 02 khoản. Khoản 1 có nội dung là “các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm: a) Cầm cố tài sản; b) Thế chấp tài sản; c) Đặt cọc; d) Ký cược; đ) Ký quỹ; e) Bảo lãnh; g) Tín chấp” và khoản 2 có nội dung là “trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về biện pháp bảo đảm thì người có nghĩa vụ phải thực hiện.biện.pháp.bảo.đảm.đó”. Điều 318 nêu trên đưa ra 7 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và trong phần sau BLDS đưa ra quy định cho từng biện pháp bảo đảm (cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký quỹ, ký cược, bảo lãnh, tín chấp).  Thuật ngữ “bao gồm” này theo hướng giới hạn các biện pháp bảo đảm và do đó các bên không thể thỏa thuận biện pháp bảo đảm khác. Trong thực tế, có trường hợp các bên thỏa thuận biện pháp bảo đảm không được BLDS dự liệu nhưng Tòa án đã không chấp nhận như cầm giữ giấy tờ không là tài sản (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, đăng ký xe máy…) hay chuyển quyền sở hữu tài sản nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền vay. 

Câu hỏi đặt ra là ngoài 07 biện pháp được quy định trong phần biện pháp bảo đảm của BLDS, các bên có thể thỏa thuận tạo ra một biện pháp bảo đảm mới không?

Sau đây, nhóm chúng tôi xin đưa ra 1 số ý kiến bàn luận về “cầm giữ”, “bảo lưu quyền sở hữu” có nên xếp vào “các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự” hay không?

2. Cầm giữ

2.1.Khái niệm cầm giữ

Trong các chế định được ghi nhận tại Bộ Luật Dân sự thì nghĩa vụ và hợp đồng là chế định chiếm một vị trí quan trọng vì nó điều chỉnh chủ yếu các giao lưu dân sự diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Để tồn tại và phát triển, thoả mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của mình, các chủ thể quan hệ pháp luật đều chủ động tích cực tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự mà hợp đồng là một trong những giao dịch dân sự chủ yếu.

Khi tham gia xác lập hợp đồng để thoả mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần, các chủ thể thông thường thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình một cách tự giác, nhưng cũng có trường hợp chủ thể nghĩa vụ không tự giác thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình trước chủ thể quyền. Điều này dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền không được bảo đảm, thậm chí còn ảnh hưởng cả đến lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ khác. Bên cạnh đó, việc không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ còn là nhân tố kìm hãm sự phát triển giao lưu dân sự nói riêng cũng như kìm hãm sự phát triển của xã hội nói chung.

Để bảo đảm cho quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng được thực hiện, Bộ Luật Dân sự Việt Nam 2005 đã bổ sung tại Mục 7 chương 17  phần nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự. Các biện pháp bảo đảm này nhằm góp phần bảo đảm cho các quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng được thực hiện, nói cách khác đảm bảo cho các quan hệ hợp đồng được thực hiện đúng pháp luật và đúng thỏa thuận. Đây chính là một trong những cơ sở để xây dựng một xã hội ổn định và phát triển về mọi mặt...

Một trong những biện pháp bảo đảm mà Bộ Luật Dân sự ghi nhận là cầm giữ.

Cầm giữ tài sản (jus retentionnis) là một quyền năng theo đó bên có quyền được nắm giữ tài sản chừng nào bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình. Ở Việt Nam, theo các nhà bình luận, “ Quyền cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ là quy định mới được đưa vào Bộ luật Dân sự 2005 so với quy định tại Bộ luật dân sự 1995”. 

Theo Khoản 1 Điều 416 Bộ luật Dân sự 2005: “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang chiếm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận”.

Khi bên có quyền cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ không có khả năng khai thác và hưởng lợi từ tài sản này một cách trọn vẹn. Chính vì vậy mà cầm giữ tài sản tạo được sức ép cho bên có nghĩa vụ: nếu bên có nghĩa vụ muốn khai thác, hưởng lợi một cách đầy đủ tài sản của mình thì họ phải thực hiện đứng nghĩa vụ của mình để bên cầm giữ giao tài sản. 

Ví dụ như A là người sửa chữa xe máy, A được giữ chiếc xe mà mình đã sửa cho đến khi người yêu cầu sửa xe thanh toán toàn bộ tiền sửa xe.

Đây là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hoàn toàn mới trong BLDS 2005, biện pháp này được áp dụng rộng rãi trong giao lưu dân sự kinh tế ở các nước và đã từng được đề cập trong Luật dân sự La Mã. Hình thức bảo đảm mới này là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tế.

Vì là một biện pháp bảo đảm mới cho nên chỉ qui định hết sức chung chung, chính điều này có thể dẫn đến nhận thức không chính xác nội dung pháp lý của nó, cho nên có thể sẽ có những nhầm lẫn tai hại trong việc áp dụng pháp luật.

2.2. Nội dung của cầm giữ.

2.2.1. Đặc điểm

Cầm giữ có ba đặc điểm cơ bản:  

- Thứ nhất: Đây là một biện pháp bảo đảm duy nhất trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được áp dụng mà không dựa trên sự thoả thuận của các bên liên quan. Vì đây là một biện pháp tự vệ trong quan hệ dân sự nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của bên có quyền.Pháp luật là cơ sở trực tiếp phát sinh quyền được cầm giữ tài sản, nếu như trước đó các bên không có thoả thuận không áp dụng biện pháp này.Trong khi đó các biện pháp thế chấp, bảo lãnh, cầm cố chỉ áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận.Chính yếu tố này mà trong các tài liệu pháp luật nước ngoài khi đề cập đến biện pháp này thường sử dụng thuật ngữ “quyền chiếm giữ”.Cầm giữ tài sản là cách thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là quyền được pháp luật qui định của người có quyền trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ.Song đây không là hình thức “xiết nợ” thường gặp trong thực tiễn.  

Ví dụ: 

Ngày 11/5/2013, A mang tivi đến cửa hàng của V để sửa chữa. Hai bên thỏa thuận 1 tuần sau là ngày 18/5 A sẽ đến lấy tivi và trả tiền sửa chữa. Đến hạn trên, A tới cửa hàng của V để lấy tivi nhưng lại chưa có tiền để thanh toán. Trong trường hợp này, ta nhận thấy: V có quyền cầm giữ tài sản của A là chiếc tivi cho đến khi A đến trả hết tiền sửa chữa mặc dù trước đó A và V không hề thỏa thuận về việc này.

- Thứ hai: Quyền cầm giữ tài sản chỉ được thực hiện nếu đồng thời hội đủ ba yếu tố sau:

a) Vật cầm giữ đang được bên có quyền nắm giữ nhưng vật ấy thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ, tức bên cầm giữ có nghĩa vụ phải chuyển giao cho chủ sở hữu (cho bên có nghĩa vụ) hoặc cho bên thứ ba theo chỉ định của chủ sở hữu. 

b) Nghĩa vụ được bảo đảm phải là nghĩa vụ của người chủ sở hữu vật ấy và nghĩa vụ ấy phải phát sinh trực tiếp từ vật ấy.

Ví dụ: nghĩa vụ trả chi phí chăm sóc, chi phí thức ăn trong trường hợp chăm sóc súc vật nuôi, nếu như chủ sở hữu vật nuôi không chi trả chi phí này thì bên chăm sóc có quyền chiếm giữ chính vật nuôi đó cho đến khi nào chủ sở hữu chi trả xong. 

Những nghĩa vụ không phát sinh một cách trực tiếp từ vật cầm giữ thì bên có quyền không được cầm giữ nó. 

Ví dụ: 

A mượn của B cái nồi cơm điện trong một ngày. Đến ngày hôm sau B sang đòi lại nồi cơm, A không trả vì B còn nợ A 300 nghìn đồng và đòi B phải trả số tiền trên thì A mới trả nồi. Yêu cầu trên của A là trái pháp luật về cầm giữ tài sản vì nghĩa vụ trả tiền của B không phát sinh một cách trực tiếp từ chiếc nồi cơm điện nên A không được cầm giữ nó.

Tuy nhiên pháp luật một số nước qui định rằng không áp dụng yêu cầu này nếu việc chiếm giữ có liên quan đến các chủ thể là các chủ thể kinh doanh, ví dụ: doanh nghiệp A mở tài khoản và nhận các dịch vụ tại Ngân hàng nhưng không thực hiện việc chi trả các khoản tiền phí dịch vụ ngân hàng thì ngân hàng được được quyền phong toả tài khoản cho đến khi nào khách hàng trả xong nợ.

c) Nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm giữ tài sản chưa được thực hiện bởi người có nghĩa vụ đúng hạn cam kết. 

- Thứ ba: Chiếm giữ tài sản là một biện pháp có những nội dung pháp lý đồng nhất với biện pháp cầm cố vì vậy các qui định về nghĩa vụ bảo quản tài sản trong cầm giữ, xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ chính… có thể dẩn chiếu sang các điều luật tương tự trong phần cầm cố. 

Ngoài ra, ta còn nhận thấy cầm giữ còn có một số đặc điểm thường thấy sau: 

- Cầm giữ tài sản áp dụng thông dụng trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện các nghĩa vụ của mình trong các quan hệ hợp đồng: vận tải, gia công, thuê, ký gửi, ủy thác, sửa chữa tàu biển…

- Về tài sản được cầm giữ: có một số loại tài sản thường không được phép cầm giữ như một số loạitàisản dễ hư hỏng trong thời gian ngắn, cácloạitàisảnbiếnchất theo thời gian, các loại tài sản phục vụ cho các việc cứu người khẩn cấp, công vụ khẩn và đang trên đường thực hiện việc đó.

Ví dụ:

Ngày 23/5/2013, bệnh viện M mang một chiếc xe cứu thương đi bảo dưỡng tại cửa hàng sửa chữa ô tô của anh N và hẹn ngày 28/5 sẽ đến lấy và thanh toán tiền. Đến ngày đã hẹn người của bệnh viện M tới lấy chiếc xe để sử dụng ngay cho một ca chở bệnh nhân đi cấp cứu cách đó 10km nhưng chưa có tiền thanh toán. Lúc này anh N không thể lấy cớ bệnh viện M chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền bảo dưỡng xe để cầm giữ chiếc xe đó vì chiếc xe cần sử dụng để phục vụ ngay cho việc khẩn cấp là cứu người.

- Người cầm giữ tài sản có vị thế rất mạnh trong quan hệ đối trọng với người có nghĩa vụ và những người có quyền khác. Người cầm giữ tài sản chỉ phải giao tài sản sau khi khoản nợ của mình được thanh toán hết. Nếu người có nghĩa vụ bán tài sản thì người cầm giữ tài sản có quyền không giao tài sản cho người mua nếu khoản nợ của mình chưa được thanh toán. Tương tự, nếu những người có quyền khác tiến hành kê biên tài sản thì người cầm giữ tài sản có thể phản đối việc kê biên chừng nào khoản nợ của mình chưa được thanh toán. Trong trường hợp phá sản doanh nghiệp, người cầm giữ tài sản cũng được ưu tiên thanh toán trước các chủ nợ  khác. Như vậy, quyền cầm giữ tài sản là biện pháp được sử dụng để gây áp lực để người cầm giữ tài sản được thanh toán trước các chủ nợ khác, kể cả chủ nợ có bảo đảm. 

Ví dụ:

C nhờ P nuôi hộ 2 con lợn con và hứa sẽ trả tiền công chăm sóc và tiền thức ăn cho P. Năm tháng sau, C bán 2 con lợn trên cho S nhưng C lại chưa trả tiền công chăm sóc và tiền thức ăn cho P. Như vậy P có quyền giữ lại và không giao 2 con lợn trên cho S cho đến khi P nhận được tiền công chăm sóc và tiền thức ăn. 

- Quyền cầm giữ trao cho người cầm giữ quyền tuyệt đối chừng nào người đó còn giữ tài sản. Điều đó có nghĩa là nếu người cầm giữ tài sản khởi xướng việc kê biên, bán tài sản để thu hồi khoản nợ thì sẽ rơi vào một tình thế bất lợi vì lúc đó, sẽ không được hưởng hàng ưu tiên cao hơn các chủ nợ có thế chấp, cầm cố khác. 

2.2.2.Điều kiện áp dụng.

- Thứ nhất: đối tượng của quyền cầm giữ phải là tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ. 

Đối tượng của quyền cầm giữ trong bộ luật dân sự hiện nay là “tài sản” mà theo bộ luật dân sự 2005: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (điều 163), theo nghị định áp dụng bộ luật dân sự về phần biện pháp bảo đảm thì “giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch” (khoản 9, điều 3).

Suy ra, theo bộ luật dân sự hiện hành những gì không phải tài sản thì không thuộc quyền cầm giữ.

Tuy nhiên, trong luật thương mại, phạm vi của đối tượng thuộc quyền cầm giữ rộng hơn, điều 149 luật thương mại: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên đại diện có quyền cầm giữ tài sản, tài liệu được giao để bảo đảm việc thanh toán các khoản thù lao và chi phí đã đến hạn”, điều 239 luật thương mại: “Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền cầm giữ một số lượng  hàng hóa nhất định và các chứng từ liên quan đến số lượng hàng hóa để đòi tiền nợ đã đế hạn của khách hàng”.

Ví dụ thực tế: chủ cửa hàng xe máy Thanh Sang (bà Liên) và chủ cửa hàng xe máy Đông Trang (ông Quang) ký hợp động mua bán xe gắn máy với nội dung, bà Liên giao xe cho ông Quang, ông Quang bán được chiếc xe nào thì trả đủ tiền chiếc xe đó. Một thời gian sau đôi bên có tranh chấp. Trong quá trình tố tụng, ông Quang cho rằng bà Liên phải chịu trách nhiệm về việc bà Liên đã giữ 44 bộ đăng kiểm xe là trái pháp luật. Tuy nhiên, theo bản án số 81/2009/DSST ngày 15-5-2009 của tòa án nhân dân thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, theo thỏa thuận của các bên thì “khi ông Quang trả tiền xong chiếc xe nào thì bà Liên sẽ giao phiếu đăng kiểm chiếc xe đó cho ông Quang, như vậy do ông Quang còn thiếu tiền bà Liên nên bà Liên giữ lại phiếu đăng kiểm là đúng, không vi phạm pháp luật”.

Trong vụ việc trên, bà Liên đã giữ phiếu đăng kiểm xe máy để gây sức ép cho ông Quang, chừng nào ông Quang chưa thanh toán tiền xe thì bà Liên chưa đưa giấy đăng kiểm. Như vậy, đối tượng được cầm giữ không phải tài sản nhưng lại rất hiệu quả đối với bên cầm giữ.

Quyền cầm giữ cũng chỉ giới hạn trong tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ, và như vậy, những gì không phải đối tượng của hợp đồng song vụ thì không có khả năng được cầm giữ. Chúng ta chưa có quy định nào về cầm giữ tài sản đối với quan hệ song vụ không phải là quan hệ “hợp đồng song vụ”. Hiện chưa có quy định đối với nghĩa vụ của cùng hai bên nhưng xuất phát từ hai hợp đồng khác nhau hay từ một cơ sở pháp lý khác.

Ví dụ: A thực hiện công việc không có ủy quyền đối với một tài sản của B. Theo luật hiện hành, B phải trả cho A một khoản tiền và A phải trả cho B tài sản vì tài sản này là của B. Giữa A và B không có hợp đồng song vụ nhưng có quan hệ song vụ: cả 2 đều có nghĩa vụ với nhau. Nếu chỉ áp dụng điều 416, bộ luật dân sự 2005 thì khi B không trả tiền cho A, A sẽ không được cầm giữ tài sản của B, như vây, B sẽ gặp bất lợi. Cũng tương tự, theo điều 243, bộ luật dân sự 2005: “Trong trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc, mà người khác bắt được thì người bắt phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia cầm bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được”. Vậy, nếu người có gia cầm bị thất lạc không thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác thì bên bắt được có được quyền cầm giữ gia cầm không? Hiện nay chúng ta không thể áp dụng trực tiếp điều 416 được vì các bên có quan hệ song vụ nhưng không có hợp đồng song vụ.

Vì những lý do trên, chúng ta nên mở rộng cả quyền cầm giữ cho cả quan hệ song vụ khác quan hệ hợp đồng. Để đạt được điều này, chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật “áp dụng tương tự pháp luật” được quy định tại điều 3, bộ luật dân sự.(Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, TS. Đỗ Văn Đại, NXB chính trị quốc gia)

- Thứ hai: Tài sản cầm giữ đang được bên có quyền nắm giữ hợp pháp (đang kiểm soát, quản lý tài sản đó được sự cho phép của chủ sở hữu) nhưng tài sản ấy thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ, tức bên cầm giữ có nghĩa vụ phải chuyển giao cho chủ sở hữu (cho bên có nghĩa vụ) hoặc cho bên thứ ba theo chỉ định của chủ sở hữu.

- Thứ ba: Nghĩa vụ được bảo đảm phải là nghĩa vụ của người chủ sở hữu tài sản và nghĩa vụ ấy phải phát sinh trực tiếp từ tài sản ấy.Những nghĩa vụ không phát sinh một cách trực tiếp từ tài sản cầm giữ thì bên có quyền không được cầm giữ nó. 

Tuy nhiên pháp luật một số nước qui định rằng không áp dụng yêu cầu này nếu việc chiếm giữ có liên quan đến các chủ thể là các chủ thể kinh doanh, ví dụ: doanh nghiệp A mở tài khoản và nhận các dịch vụ tại Ngân hàng nhưng không thực hiện việc chi trả các khoản tiền phí dịch vụ ngân hàng thì ngân hàng được quyền phong toả tài khoản cho đến khi nào khách hàng trả xong nợ.

- Thứ tư: Nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm giữ tài sản chưa được thực hiện bởi người có nghĩa vụ đúng hạn cam kết.

- Ví dụ: 

T thuê H chở một lô hàng quần áo mà T đặt mua ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đến cửa hàng của T ở Hà Nội. Khi H chuyển số hàng trên đến nơi thì T chưa có tiền để thanh toán phí vận chuyển cho H. 

Ta thấy ở tình huống trên: 

H đang nắm giữ lô quần áo mà H có nghĩa vụ chuyển cho T.

Lô quần áo trên thuộc sở hữu của T và T có nghĩa vụ phải trả tiền vận chuyển số quần áo đó từ Lạng Sơn đến Hà Nội cho H.

Tuy nhiên T lại chưa có tiền để trả phí vận chuyển đó cho H.

Như vậy trong tình huống này, H có quyền cầm giữ lô quần áo cho tới khi T trả tiền.

2.2.3. Quyền và nghĩa vụ của các bên.

Bên cầm giữ có quyền và nghĩa vụ:

- Cầm giữ toàn bộ hoặc một phần tài sản.

- Thu hoa lợi từ tài sản cầm giữ và được dùng để bù trừ nghĩa vụ. Tuy nhiên, bên cầm giữ không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm giữ.

Theo quy định của bộ luật dân sự hiện hành thì ngoài việc được thu hoa lợi từ tài sản cầm giữ dùng để bù trừ nghĩa vụ thì bên cầm giữ không có quyền định đoạt tài sản cầm giữ. Tuy nhiên, trong luật thương mại, ở một số trường hợp, bên cầm giữ có quyền định đoạt đối với hàng hóa: khoản 2, điều 239 luật thương mại có ghi nhận, “Sau thời hạn bốn mươi lăm ngày kể từ ngày thông báo cầm giữ hàng hóa hoặc chứng từ liên quan đến hàng hóa, nếu khách hàng không trả tiền nợ thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics có quyền định đoạt hàng hóa ngay khi có bất kỳ khoản nợ đến hạn nào của khách hàng”. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của bên cầm giữ khi bên có nghĩa vụ quá chậm trong việc hoàn thành nghĩa vụ thì luật dân sự nên cho phép bên có quyền cầm giữ định đoạt tài sản, đặc biệt đối với tài sản có dấu hiệu bị hư hỏng. 

- Bảo quản giữ gìn tài sản cầm giữ, nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ thì phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu.

- Yêu cầu bên có tài sản bị cầm giữ thanh toán các chi phí cần thiết cho việc bảo quản.

- Trả lại tài sản cầm giữ khi bên có tài sản bị cầm giữ hoàn thành nghĩa vụ.

Bên có tài sản bị cầm giữ có quyền và nghĩa vụ: 

- Không được phản đối việc giữ lại tài sản thuộc sở hữu của mình của bên có quyền cầm giữ.

- Được bồi thường thiệt hại nếu bên cầm giữ tài sản làm mất, hư hỏng tài sản của mình. 

- Phải trả cho bên cầm giữ khoản chi phí cho việc bảo quản tài sản của mình trong quá trình tài sản bị cầm giữ.

- Được yêu cầu bên cầm giữ tài sản trả lại tài sản sau khi đã hoàn thành xong nghĩa vụ với bên cầm giữ.

Ví dụ:

Công ty sửa chữa tàu biển Đông Hải nhận sửa chữa 10 chiếc tàu đánh cá của công ty đánh bắt hải sản Đại Ngư. Theo hợp đồng, công ty Đông Hải sẽ sửa chữa 10 chiếc tàu trong 2 tháng với giá 3 triệu đồng/1 chiếc tàu. Đến ngày hẹn giao tàu, công ty Đại Ngư chỉ có đủ tiền trả cho 5 chiếc tàu là 15 triệu đồng. 

Phân tích quyền và nghĩa vụ của 2 công ty trong ví dụ trên:

Quyền và nghĩa vụ của công ty Đông Hải:

- Giữ lại 5 chiếc tàu trong số 10 chiếc tàu mà công ty Đại Ngư chưa có tiền để thanh toán.

- Bảo quản, giữ gìn 5 chiếc tàu, không được để 5 chiếc tàu bị hỏng hóc, mất mát. Nếu làm mất hoặc hư hỏng thì phải sửa chữa, bồi thường tương ứng cho công ty Đại Ngư. 

- Trong quá trình cầm giữ, nếu phải bỏ chi phí cho việc bảo quản thì khi công ty Đại Ngư thực hiện nốt nghĩa vụ thanh toán thì có thể yêu cầu công ty này thanh toán cả khoản chi phí bảo quản trên.

- Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn 5 chiếc tàu.

- Trả lại 5 chiếc tàu khi công ty Đại Ngư hoàn thành xong việc trả tiền 5 chiếc tàu.

Quyền và nghĩa vụ của công ty Đại Ngư:

- Chấp nhận để công ty Đông Hải giữ lại 5 chiếc tàu mà mình chưa có tiền để thanh toán cho việc sửa chữa.

- Nếu công ty Đông Hải làm mất, hư hỏng 5 chiếc tàu trên thì được bồi thường thiệt hại.

- Nếu công ty Đông Hải phải bỏ cho phí cho việc bảo quản 5 chiếc tàu thì phải thanh toán chi phí trên cho công ty Đông Hải.

- Được trả lại 5 chiếc tàu sau khi đã hoàn thành xong nghĩa vụ thanh toán với công ty Đông Hải.

2.3.Chấm dứt cầm giữ.

Quyền cầm giữ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

- Theo thỏa thuận của các bên: tức là bên cầm giữ đồng ý trả tài sản mà mình đang cầm giữ  cho bên có nghĩa vụ.

Để đạt được thỏa thuận này có thể xuất phát từ sự tin cậy giữa hai bên giao kết hợp đồng hoặc bên có nghĩa vụ phải đáp ứng các điều kiện khác do hai bên thỏa thuận.

- Bên cầm giữ vi phạm nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.

Xuất phát từ tài sản cầm giữ chính là đối tượng của hợp đồng, bên cầm giữ có nghĩa vụ giao tài sản này cho bên bị cầm giữ nếu bên bị cầm giữ không vi phạm hợp đồng, nên khi thực hiện quyền cầm giữ, nếu bên cầm giữ vi phạm nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ sẽ là một trong các trong các trường hợp chấm dứt quyền cầm giữ của bên có quyền.

Trong BLDS năm 2005 không nêu rõ giải quyết trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ bảo quản cầm giữ này ra sao.

Do đó, nếu quyền cầm giữ không còn thì bên cầm giữ phải giao tài sản lại cho bên bị cầm giữ tài sản, mỗi bên đều phải chịu sự trách nhiệm của mình theo hợp đồng đã kí kết hoặc theo quy định của pháp luật.

- Bên có tài sản bị cầm giữ hoàn thành nghĩa vụ.

Khi bên có tài sản cầm giữ hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng thì chấm dứt quyền cầm giữ của bên có quyền, vì lúc này điều kiện phát sinh quyền cầm giữ đã không còn.

Ví dụ:

L mang đến cửa hàng kim hoàn của anh K một viên đá quý yêu cầu anh K chế tác nó thành một chiếc nhẫn hình trái tim. Hai bên thoả thuận một tháng sau, anh K giao hàng còn L thanh toán tiền công. Đến ngày hẹn, anh K mang chiếc nhẫn hình trái tim đã được chế tác từ viên đá quý đến nhà L, tuy nhiên L lại chưa có tiền trả cho K. Vì vậy, K đã giữ lại chiếc nhẫn. 

Trong tình huống trên, quyền cầm giữ chiếc nhẫn của K sẽ chấm dứt khi một trong những trường hợp sau xảy ra: 

- Khi L và K có thỏa thuận với nhau là K giao chiếc nhẫn cho L và L sẽ trả tiền sau dựa trên sự tin tưởng của 2 bên với nhau.

- Trong lúc cầm giữ K đã làm hư hỏng chiếc nhẫn của L.

- L đã trả tiền chế tác cho K.

2.4. So sánh với cầm cố

- Giống nhau: đều có mục đích đảm bảo cho nghĩa vụ được thực hiện đúng.

- Khác nhau:

Nội dung Cầm giữ Cầm cố
Thờiđiểm  phát sinh Sau khi nghĩa vụ không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng Trước hoặc ngay từ khi giao kết hợp đồng, thờiđiểm nghĩa vụ không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì tài sản cầm cố đượcđưa ra xử lý
Cơ sở phát sinh Pháp luật quy định Theo thỏa thuận của các bên tham gia nghĩa vụ
Tài sản cầm cố hoặc cầm giữ -Chính là đối tượng của hợp đồng song vụ.

- Bên có quyền có thể tự mình cầm giữ hoặc giao cho người thứ ba mà không cần sự thỏa thuận của bên bị cầm giữ tài sản.

- Bên cầm giữ không có quyền xử lý tài sản cầm giữ, được thu hoa lợi và lợi tức từ tài sản cầm giữ; được dùng số hoa lợi, lợi tức này để bù trừ nghĩa vụ. - Là tài sản thuộc sở hữu của bên cầm cố hoặc tài sản được hình thành trong tương lai.

- Các bên thỏa thuận bên cầm cố hoặc người thứ ba giữ tài sản cầm cố.

- Bên nhận cầm cố tài sản có quyền xử lý tài sản cầm cố theo phương thứcđã thỏa thuận, không được hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố nếu không được bên cầm cố đồngý.

Số lượng Điều luật trong BLDS
Một điều luật (Điều 416). 16 điều luật (từĐiều 326 đếnĐiều 341).

Ví Dụ

A thiếu tiền ăn chơi nên đã vay tiền B hẹn 1 tuần trả. 1 tuần sau A chưa trả, A và B thỏa thuận B giữ chiếc đồng hồ của B cho đến khi A trả hết nợ. A thiếu tiền ăn chơi nên đã đến tiệm cầm đồ và cầm cố chiếc xe máy của mình ở lại tiệm với giá X đồng và hẹn 1 tuần sau sẽ quay lại chuộc xe.

2.5. So sánh với Nhật Bản

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005, một trong những vấn đề quan trọng, có nhiều ý kiến khác nhau đó là cơ chế pháp lý giữa chủ nợ có bảo đảm trong vật quyền bảo đảm pháp định với chủ nợ có bảo đảm trong vật quyền bảo đảm ước định. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản (đất nước có quy định về vật quyền bảo đảm pháp định để hạn chế các quy định có thể dẫn đến bất bình đẳng giữa các chủ nợ có bảo đảm).

- Giống nhau:
+ Biện pháp bảo đảm do pháp luật quy định.
+ Mục đích bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
+ Người cầm giữ có vị thế rất mạnh trong quan hệ cầm giữ

- Khác nhau
Nội dung Việt Nam Nhật Bản

Điều kiện áp dụng Sau khi nghĩa vụ không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng -Người có trái quyền phải đang chiếm hữu vật bị cầm giữ.

- Trái quyền được bảođảm phải đến hạn thanh toán.

- Giữa trái quyền và đối tượng của trái quyền (vật) phải có quan hệ khăng khít

Quyền các bên Bên cầm giữ không có quyền xử lý tài sản cầm giữ, được thu hoa lợi và lợi tức từ tài sản cầm giữ; được dùng số hoa lợi, lợi tức này để bù trừ nghĩa vụ. Thừa nhận quyền chiếm hữu tài sản của bên có quyền, nhưng không công nhận quyền ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản (nghĩa là bên có quyền cầm giữ không đương nhiên được bán tài sản để thanh toán cho trái quyền).

Tài sản cầm giữ

Chính là đối tượng của hợp đồng song vụ. Không phải chuyển quyền sở hữu

Bắt buộc phải thuộc quyền sở hữu của bên có nghĩa vụ hay có thể thuộc sở hữu của người khác, nhất là trong quan hệ giữa các thương nhân).

Tính chất trái quyền vật quyền

2.6. Đánh giá

Nói tới “Chiếm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của Hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản”, ta có thể hiểu như sau :

Hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản là dạng hợp đồng song vụ có yếu tố: Bên có quyền được “chiếm giữ” một tài sản nào đó nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ . 

Do đó, trước khi giao kết hợp đồng, các bên sẽ phải nhất trí chọn ra một món tài sản để làm vật bảo đảm. Cho đến khi bên kia không thực hiện hoặc không thực hiện đúng nghĩa vụ, bên có quyền sẽ được chiếm giữ món tài sản bảo đó. Vật bảo đảm đó chính là đối tượng của hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản

Ta có thể xét đến một số văn bản trên thế giới về cầm giữa như:

- CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CẦM GIỮ VÀ CẦM CỐ HÀNG HẢI 1993 (Tổ chức tại Palais des Nations, Geneva, từ 19 tháng 4 đến 6 tháng 5 năm 1993), theo đó quyền cầm giữ hàng chỉ được thực hiện khi: 

- Món nợ phải là tiền cước, phí hay những khoản tiền khác của chính lô hàng đang trở trên tàu.

- Cầm giữ hàng đang trên tàu hoặc hàng đã dỡ xuống kho cảng nhưng vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của người chuyên chở. Những trường hợp nằm ngoài 2 điều kiện kể trên chủ tàu không được áp dụng điều khoản cầm giữ hàng cho dù hợp đồng hay vận đơn có đề cập đến điều khoản cầm giữ hàng hay không.

- Ở một số nước, quyền cầm hàng hóa không được hệ thống pháp luật công nhận và cho phép, ví dụ như ở những nước mà việc nhập khẩu hàng hóa đều do Chính phủ hoặc những cơ quan dịch vụ của Chính phủ đảm nhận. Ở những nước này, hàng hóa là thuộc sở hữu của Nhà nước, chủ tàu khó thực hiện được quyền cầm giữ hàng hóa.

Còn ở Việt Nam, ngày 22 tháng 2 năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về giao dịch bảo đảm (các điều từ 318 đến 373).

Quyền cầm giữ tài sản có phạm vi khá hẹp vì chỉ phát sinh trong quan hệ hợp đồng song vụ và chưa được coi là một biện pháp bảo đảm (điều 416 Bộ luật Dân sự). Tuy vậy, Nghị định mới đã cải thiện đáng kể vị thế của bên cầm giữ khi quy định bên cầm giữ chỉ phải giao tài sản mà mình đang cầm giữ cho bên nhận thế chấp để xử lý sau khi bên nhận thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với bên cầm giữ (điều 21, Nghị định 163). Như vậy, chừng nào bên cầm giữ tài sản còn chưa được thanh toán thì bên này vẫn có quyền cầm giữ tài sản. Duy chỉ có điều Nghị định mới không nói rõ nguyên tắc này có được áp dụng hay không trong trường hợp bên thế chấp tài sản cầm giữ lâm vào tình trạng phá sản. Nếu thừa nhận bên cầm giữ tiếp tục được thực hiện quyền cầm giữ trong trường hợp này sẽ tăng cường hiệu quả của biện pháp cầm giữ tài sản.

3. Bảo lưu quyền sở hữu

Anh A mua một chiếc xe máy giá 33 triệu đồng tại cửa hàng X, tuy nhiên anh A không trả một lần mà trả tiền cho cửa hàng X dưới hình thức trả góp. Lúc này việc mua xe của anh A là hình thức bảo lưu quyền sở hữu.

3.1. Khái niệm

Bảo lưu là “Giữ lại ý kiến riêng của mình khác với ý kiến của đa số nghị quyết để tiếp tục làm sang tỏ sự đúng, sai trong những lần sau.Bảo lưu là cách tránh sự áp đặt ý kiến vẫn phải phục tùng tuyệt đối và hành động theo quyết định của tập thể và không được chống lại.”

“Pháp nhân khi tham gia hoặc kí kết một điều ước tổ chức tuyên bố không chấp nhận một số điều khoản nhất định, không chịu ràng buộc về mặt pháp lý bởi nội dung một số điều khoản của điều ước ấy.” 

“Quyền sở hữu”: là quyền dân sự, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. 

“Quyền sở hữu tài sản”: quyền sở hữu tài sản hữu hình là quyền đầy đủ nhất đối với tài sản vì người chủ tài sản có 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. 2.Các hình thức sở hữu gồm sở hữu toàn dân , sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, sở hữa tập thể, tư nhân, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, sở hữu hỗn hợp, sở hữu chung. 3. Chủ sở hữu có thể là : cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác có ba quyền nói trên 

Trong Bộ luật dân sự 2005 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được đề cập đến trong điều 461 Mua trả chậm, trả dần như một trường hợp riêng của hợp đồng mua bán tài sản, dạng hợp đồng này được giao kết với điều kiện trì hoãn, bảo lưu quyền sở hữu của các bên đối với tài sản đã bán. Vậy đây là cơ sở pháp lý trọng tâm mà từ điều luật này chúng ta có thể xem xét một cách toàn diện vấn đề Bảo lưu quyền sở hữu là một hình thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ chính thức, chứ không phải là một hình thức đặc biệt, một trường hợp đơn giản bằng một điều luật của hợp đồng mua bán tài sản. 

Có thể hiểu mua trả chậm là việc bên mua sẽ trả toàn bộ tiền cho bên bán  sau một thời gian nhất định sau khi giao kết hợp đồng và mua bán tài sản. Còn mua trả dần là phương thức thanh toán nhiều lần( sô tiền trả trong một lần và thời ginan được trả dần theo thỏa thuận của các bên) mặc dù tài sản mua bán được chuyển giao ngay cho người mua ngay sau khi kí kết hợp đồng mua bán.

3.2. Nội dung bảo lưu quyền sở hữu

3.2.1. Đặc điểm

• Bên mua đã nhận vật nhưng quyền sở hữu vật vẫn thuộc bên bán. Lúc này việc mua bán vẫn chưa làm phát sinh quyền sở hữu với người mua mà chỉ xảy ra khi bên mua đã đồng ý lấy vật và thực hiện xong nghĩa vụ. 

• Khi nhận được tài sản mua bán và có quyền đưa tài sản vào khai thác công dụng, còn bên bán vẫn được sở hữu tài sản.

• Theo đó bên bán có thể bán được tài sản, còn bên mua có cơ hội có được tài sản mà mình mong muốn khi họ chưa thể đủ tiền mua ngay.

• Khác với các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ khác (cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, kỹ quỹ, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ) bên nhận vật lại là bên có nghĩa vụ phải thực hiện công việc, hành vi  nào đó.

Việc quy định vấn đề bảo lưu quyền sở hữu nhằm giúp cho bên mua khi nhận được tài sản họ phải sử dụng tài sản một cách có hiệu quả, có ý thức bảo vệ tài sản và có trách nhiệm thanh toán tiền cho bên bán khi đến hạn. Còn bên bán được quyền ưu tiên thanh toán khi mà bên mua có rủi ro, đảm bảo quyền lợi cho bên bán có thể nhận được đầy đủ giá trị tài sản khi giao tài sản cho bên mua.

3.2.2.  Quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lưu quyền sở hữu.

Ngoài quyền và nghĩa vụ chung của các bên trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng, tuân thủ các quy định chung về hợp đồng mua bán tài sản, thì các bên trong hợp đồng  co quyền và nghĩa vụ cụ thể sau đây:

• Bên mua

- Có nghĩa vụ thanh toán đúng theo thỏa thuận (trả tiền đủ, đúng hạn). Ngoài ra còn phải chịu rủi ro khi sử dụng sản phẩm.

- Bên mua có quyền sử dụng khai thác công dụng của tài sản là đối tượng mua bán.

• Bên bán 

- Có quyền đòi lại tài sản đã bán nếu bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán (như không trả tiền, trả tiền không đầy đủ, trả tiền không đúng hạn…). bên bán còn quyền sở hữu với tài sản.

Như vậy, trong biện pháp bảo lưu quyền sở hữu bên bán là bên nhận bảo đảm vì thông qua biện pháp này bên bán được bảo đảm là chắc chắn sẽ bán được hàng cho bên mua, chắc chắn giao dịch mua bán sẽ được diễn ra, sự trì hoãn quyền bảo lưu của bên bán đối với tài sản là đối tượng mua bán để đảm bảo cho người bán bán được hàng và thu được đúng số tiền mà bên mua phải trả. Trong khi đó bên bảo đảm là bên mua, biện pháp bảo lưu quyền sở hữu vẫn làm cho bên bảo đảm tuy chưa chính thức trở thành chủ sở hữu tài sản bảo đảm nhưng được giữ tài sản và khai thác công dụng của tài sản đó, và nghĩa vụ trả tiền thuộc về bên bảo đảm, rủi ro trong thời gian sử dụng đối tượng bảo đảm thuộc về bên bảo đảm.

3.2.3. Phương thức thực hiện

Hợp đồng mua trả chậm trả dần phải được lập thành văn bản với hình thức được quy định chặt chẽ. Do việc thực hiện nghĩa vụ của các bên không phát sinh và chấm dứt ngay mà đó là cả một quá trình rất phức tạp dễ xảy ra tranh chấp.

Hợp đồng ngoài quy dịnh về đối tượng, giá cả, thời gian chậm thanh toán, các bên phải thỏa thuận về hậu quả pháp lý khi bên mua vi phạm nghĩa vụ với bên bán.

Đối tượng thường là những tài sản có đăng ký quyền sở hữu (như ô tô, xe máy, nhà…).

Bên bán chọn một trong hai phương thức: không tạo điều kiện để bên mua làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu hoặc cùng bên mua làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản cho bên mua nhưng bên bán giữ lại bản gốc.

3.2.4. Yêu cầu về hình thức của hợp đồng  mua trả chậm, trả dần

• Theo Khoản 2 Điều 461:

"Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng vật mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".

Do đó, Hợp đồng mua trả chậm, trả dần phải được lập thành văn bản. Quy định hình thức chặt chẽ cho hợp đồng mua bán tài sản trả chậm, trả dần xuất phát từ cơ sở: trong hình thức mua bán này, việc thực hiện nghĩa vụ của các bên không phát sinh và chấm dứt ngay mà là cả một quá trình.

Theo thông tư số 04/2007/TT- BTP ngày 17/05/2007 Bộ Tư pháp hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về hợp đồng mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu của bên bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho thuê tài chính và hợp đồng chuyển giao quyền đòi nợ .

Việc hợp đồng mua trả chậm, trả dần được thành lập bằng văn bản như vậy sẽ giúp cho  bên bán dễ thực hiện quyền yêu cầu của mình, nâng cao trách nhiệm của bên mua đối với việc thực hiện nghĩa vụ đã cam kết

Giá trị của đăng ký đối với các bên. “Đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm” (khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83 năm 2010).

Trong thực tế chúng ta gặp không hiếm trường hợp biện pháp bảo đảm không được đăng ký và, khi có tranh chấp giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm (không có tranh chấp với người thứ ba), câu hỏi đặt ra là giao dịch bảo đảm không đăng ký có giá trị pháp lý không?

Điều 13. Nghị định 163/CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 về giao dịch bảo đảm

“ Điều 13. Trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc sở hữu của bên bảo đảm

1. Trong trường hợp bên bảo đảm dùng tài sản không thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản theo quy định tại các Điều 256, 257 và 258 Bộ luật Dân sự và khoản 2 Điều này.

2. Trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản mua trả chậm, trả dần, tài sản thuê có thời hạn từ một năm trở lên của doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký kinh doanh gồm máy móc, thiết bị hoặc động sản khác không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu và hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê được đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có thẩm quyền trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê thì bên bán có bảo lưu quyền sở hữu, bên cho thuê có thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất khi xử lý tài sản bảo đảm; nếu không đăng ký hoặc đăng ký sau thời hạn trên và sau thời điểm giao dịch bảo đảm đã đăng ký thì bên nhận bảo đảm được coi là bên nhận bảo đảm ngay tình và có thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất khi xử lý tài sản bảo đảm.

3. Tổ chức, cá nhân nhận bảo đảm bằng tài sản mua trả chậm, trả dần, tài sản thuê sau thời điểm đăng ký hợp đồng mua trả chậm, trả dần, hợp đồng thuê không được coi là bên nhận bảo đảm ngay tình”

3.3. So sánh mua trả chậm, trả dần và mua sau khi sử dụng

Tiêu chí Mua sau khi sử dụng thử (Điều 460) Mua trả chậm, trả dần (Điều 461)

Khái niệm Mua sau khi sử dụng thử là việc sau khi sử dụng thử bên mua  quyết định mua vật. -Trả chậm là việc thanh toán một lần nhưng không phải là thanh toán ngay.(Bên mua sẽ trả tiền một thời gian nhất định sau khi giao kết hợp đồng và nhận tài sản).

- Mua trả dần là thanh toán nhiều lần mặc dù tài sản mua bán được chuyển giao ngay cho người bán sau khi kí hợp đồng mua bán. (Bên mua trả thành nhiều lần và số tiền trả trong một lần do thỏa thuận các bên).

Hình thức hợp đồng Có thể hợp đồng hoặc không có Có hợp đồng bằng văn bản

Quyền các bên

Trong thời hạn dùng thử, vật vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán. Bên mua có quyền sử dụng, khai thác công dụng của tài sản

Bên bán có quyền đòi lại tài sản đã bán nếu bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán (như không trả tiền, trả tiền không đầy đủ, trả tiền không đúng hạn…). bên bán còn quyền sở hữu với tài sản.

Nghĩa vụ Bên bán phải chịu mọi rủi ro xảy ra đối với vật nếu không có thỏa thuận khác, không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản khi bên mua chưa trả lời

Bên mua nếu không mua thì phải trả lại vật cho bên bán và bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát, hư hỏng vật dùng thử Bên mua có nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hiệu lực sau khi giao kết Chưa phát sinh hiệu lực mà còn phải chờ sự trả lời chấp nhận hay không chấp nhận mua sau một thời gian dùng thử của bên mua. Phát sinh hiệu lực ngay khi chấp nhận mua vật.

3.4. Thực tế áp dụng

Quy định về bảo lưu quyền sở hữu mới chỉ được đề cập đến như một trường hợp đặc biệt của hợp đồng mua bán, cụ thể tại điều 461 hợp đồng mua trả chậm, trả dần, thuộc II- một số quy định riêng về mua bán tài sản, mục 1- Hợp đồng mua bán Bộ luật dân sự 2005. Như vậy bảo lưu quyền sở hữu chưa được công nhận là một biện pháp đảm bảo chính thức trong luật. 

Bộ luật quy định về việc hạn chế quyền sở hữu trong trường hợp mua trả chậm, trả dần (Điều 461) cùng với thông tư số 04/2007/TT-BTP ngày 17/05/2007 của Bộ Tư pháp, nhưng lại không quy định và không có biện pháp ràng buộc, nên đã dẫn đến tình trạng người mua trả chậm trả dần tài sản có thể mang bán, cầm cố, thế chấp tài sản đó, và người mua, người nhận cầm cố, thế chấp sẽ bị thiệt hại do tài sản vẫn thuộc sở hữu của người bán đầu tiên. 

Nước ta hình thức này coi là một phương thức khuyến khích bán hàng của nhiều doanh nghiệp. Ví dụ: sản phẩm đầu tiên được bán theo hình thức này trên thị trường việt nam là xe máy “Angle” của SYM.

Thông thường lãi xuất trong trường hợp mua tài sản trả chậm, trả dần là lãi xuất ưu đãi mang tính chất hỗ trợ cho bên mua tài sản trả chậm, trả dần.

Tuy nhiên có vấn đề khi chưa thành toán hết tiền cho bên bán, bên mua có quyền bán, tặng, cho, cho thuê… hay nói cách khác có quyền định đoạt với tài sản hay không? Trên thực tế vẫn xảy ra dù điều 461 không quy định khi bên bán đồng ý.

Đây là các biện pháp còn có ý kiến khác nhau, do đó, cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn các nội dung cần điều chỉnh. 

Có ý kiến cho rằng cầm giữ tài sản không phải là biện pháp bảo đảm. mà là hậu quả pháp lý do pháp luật quy định khi xảy ra vi phạm trong một số hợp đồng nhất định, ví dụ: hợp đồng giử giữ tài sản, dịch vụ… 

Do đó, cũng có thể không để các điều từ Điều 350 đến Điều 352 tại phần các biện pháp bảo đảm, mà chuyển vào phần thực hiện hợp đồng để áp dụng cho các trường hợp pháp luật có quy định về cầm giữ tài sản. 

Một số trường hợp trong thực tiễn hiện nay có thể coi là một thiếu sót của Bộ luật dân sự hiện hành khi để biện pháp bảo lưu quyền sở hữu ngoài danh sách những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ pháp định ngoài ý chí. mà pháp luật Việt Nam chưa dự liệu đến, cần nghiên cứu thêm một số trường hợp có thể xảy ra đối với tài sản khi tồn tại quan hệ bảo lưu quyền sở hữu. Ví dụ một người mua một căn nhà trả góp, thực chất đây là việc bên mua nợ bên bán một khoản tiền và bên bán vẫn đứng tên là chủ sở hữu để đảm bảo việc bên mua sẽ trả đủ tiền, bên mua đã được giao nhà và sử dụng nhà, vấn đề đặt ra là trong trường hợp xảy ra rủi ro do bất khả kháng (mưa, bão) làm căn nhà bị sập, vậy bên nào sẽ là người chịu rủi ro? Theo quy định tại Điều 158 thì rõ ràng người chủ sở hữu (người bán nhà) phải chịu thiệt hại, điều này không phù hợp với bản chất của vấn đề, từ hợp đồng mua bán nhà phát sinh hợp đồng vay nợ được bảo đảm bằng việc bảo lưu quyền sở hữu, trên thực tế quyền sở hữu căn nhà thực chất đã thuộc bên mua nhà. Do đó nên quy định ngoại lệ của thời điểm chuyển dịch rủi ro trong trường hợp bảo lưu quyền sở hữu.

Việc nghiên cứu để đưa chế định này vào Bộ luật dân sự như là một biện pháp đảm bảo là việc cần thiết trong nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên việc đưa vào giao dịch đảm bảo cũng cần nghiên cứu một cách kĩ lưỡng bởi hệ quả của nó kéo theo rất lớn, sẽ có thể gây chồng chéo với các biện pháp đảm bảo khác…. Chế định này có ý nghĩa rất lớn trong nền kinh tế hiện nay, nó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế phát triền, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho các bên một cách tốt nhất. Do đó cần đẩy mạnh nghiên cứu để quy định chế định này trong lần sửa đổi Bộ luật dân sự tới đây.

3.5. Một số tham chiếu luật pháp các nước về vấn đề bảo lưu quyền sở hữu

Bảo lưu quyền sở hữu động sản theo BLDS Pháp:

Là điều khoản bảo đảm rất phổ biến trong hợp đồng mua bán tài sản là động sản theo đó bên bán được bảo lưu quyền sở hữu cho tới khi bên mua thanh toán hết giá trị hợp đồng, ngay cả khi tài sản đã được giao cho bên mua. 

Do quyền sở hữu được bảo lưu gắn liền với quyền yêu cầu thanh toán nên kéo theo hai hệ quả sau: 

- Nếu quyền đòi nợ này được chuyển nhượng thì quyền sở hữu được bảo lưu cũng đi theo quyền đòi nợ;

- Nếu bên mua bán lại tài sản thì quyền sở hữu được bảo lưu cũng đi theo tài sản.

Nếu bên mua không có khả năng thanh toán thì phải trả lại tài sản. Nếu tại thời điểm trả lại tài sản, giá trị của tài sản lớn hơn số tiền nợ được bảo đảm thì bên bán phải trả lại cho bên mua phần chênh lệch.  

- Việc bảo lưu quyền sở hữu được một số nước coi là biện pháp bảo đảm an toàn tín dụng như CHLB Đức, vì chậm thanh toán hoặc thanh toán theo định kỳ là một trong các hình thức tín dụng rất phổ biến trong mua bán, cung ứng hàng hóa, trong đó bên mua và bên nhận cung ứng hàng hóa được trả chậm, trả dần. Do đó, các bên thường áp dụng cơ chế bảo lưu quyền sở hữu. Cũng có ý kiến cho rằng trong trường hợp này, các bên nên áp dụng cơ chế thế chấp tài sản sẽ phù hợp và thuận tiện hơn, vì BLDS đã có quy định rõ ràng về thế chấp.   

4. Tổng kết

Trên đây là nhưng thông tin, ý kiến về Cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu – hai chế định đã được quy định trong BLDS 2005 tuy chưa được chính thức ghi nhận tại điều 318 BLDS 2005 nhưng đã có vai trò, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trên thực tế từ trước đến nay 2 biện pháp này đã được áp dụng rất phổ biến và đem lại hiệu quả cao.

Đây cũng là hai biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự thông dụng được các nước trên thế giới ghi nhận và áp dụng rộng rãi, điển hình như ở Nhật Bản. Vì vậy, việc ghi nhận 2 biện pháp này trong BLDS 2005 của VN là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, với cách quy định của BLDS 2005 ta lại thấy rằng 2 biện pháp này chưa được ghi nhận tài Điều 318: “Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Quy định như vậy dường như đã làm mất đi phần nào vị thế, tầm quan trọng của nó trong việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy 2 biện pháp này là biện pháp bảo đảm ngoài ý chí nhưng cũng như các biện pháp khác, chúng cần được đánh giá một cách đúng đắn hơn, xem xét một cách cụ thể hơn. Vì thế, cần thiết phải quy định lại, đánh giá đúng đắn tầm quan trọng của 2 biện pháp này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật Dân sự - Học viện Tư pháp
2. Giáo trình Luật Dân sự - Đại học Luật HN
3. Bình Luận Luật Nhật Bản
4. Từ điển luật học
5. Nghị đinh 33/2005/QH11
6. Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam, TS. Đỗ Văn Đại, NXB chính trị quốc gia
7. Tạp chí Khoa học Pháp lý 2/2005

Cảm ơn bạn Ngô Thu Trang - Khoa Luật ĐH Quốc gia đã chia sẻ tài liệu này.

No comments:

Post a Comment