Công ti cổ phần ( CTCP) là một mô hình kinh doanh điển hình nhất về loại công ti đối vốn. Các cổ đông – những người là chủ sở hữu cổ phần, là đồng chủ sở hữu công ti cổ phần. Bảo vệ cổ đông thiểu số là một trong những vấn đề cơ bản trong việc quản trị CTCP. Pháp luật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chú trọng khá nhiều đến việc bảo vệ cổ đông thiểu số. Với nội dung bài tập nhóm này, chúng em xin làm rõ các vấn đề về bảo vệ cổ đông thiểu số trong quy định của pháp luật và trên thực tiễn.
NỘI DUNG
I. Khái quát chung về công ty cổ phần và cổ đông thiểu số.
Quan niệm về công ty cổ phần.
a. Khái niệm.
Công ty cổ phần cũng như các loại hình công ty nói chung là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau, trong đó có khoa học pháp lý. Vì vậy, mỗi ngành khoa học lại có cách tiếp cận với những khái niệm CTCP khác nhau. Theo Giáo trình Luật thương mại của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2006 thì “CTCP là loại hình đặc trưng của công ty đối vốn, vốn của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty cho đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu”
b. Đặc điểm của CTCP
CTCP có những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, CTCP là một tổ chức có tư cách pháp nhân. Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thứ hai, CTCP chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty. Các cổ đông chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty (tức là đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu)
Thứ ba, vốn điều lệ của CTCP được chia thành nhiều phần nhỏ, mỗi phần nhỏ được gọi là các cổ phần, người sở hữu các cổ phần gọi là cổ đông.
Thứ tư, trong quá trình hoạt động, CTCP được phát hành các loại chứng khoán ra thị trường để công khai huy động vốn trong công chúng. Do đó, sự ra đời của CTCP gắn liền với sự ra đời của thị trường chứng khoán.
Thứ năm, CTCP có số lượng thành viên rất đông. Pháp luật của các nước đều quy định số lượng cổ đông tối thiểu mà không hạn chế số lượng cổ đông tối đa. Vì vậy nó có khả năng huy động vốn rộng rãi nhất ra công chúng để đầu tư vào những lĩnh vực khác nhau.
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, CTCP được quy định tại Điều 77 Luật doanh nghiệp 2005.
1. Quan niệm về cổ đông thiểu số.
1.1 Cổ đông thiểu số
Cổ đông đều là những người góp vốn vào công ti thông qua hình thức mua cổ phần. Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ quyến ở hữu hợp pháp ít nhất một cổ phần trong CTCP. Cổ đông thường được phân loại theo lọai cổ phiếu mà họ sở hữu, theo đó có các loại cổ đông như sau: Cổ đông sáng lập; Cổ đông phổ thông; Cổ đông ưu đãi: cổ đông ưu đãi biểu quyết, cổ đông ưu đãi cổ tức, cổ đông ưu đãi hoàn lại, cổ đông ưu đãi khác. Ngoài ra, căn cứ vào tỷ lệ cổ phần mà cổ đông nắm giữ trong công ti, cổ đông có thể được phân thành hai loại là: Cổ đông lớn và cổ đông thiểu số.
Như vậy, về bản chất, người sở hữu dù chỉ là một cổ phần của CTCP cũng là cổ đông - chủ sở hữu của CTCP. Nếu như cách gọi tên cổ đông theo loại cổ phiếu mà cổ đông đó sở hữu cho ta biết về các quyền cơ bản, quyền đặc biệt mà cổ đông đó được hưởng, thì với cách gọi tên: “cổ đông lớn, cổ đông thiểu số” cho ta biết về tương đối về tỉ lệ vốn của cổ đông đó góp vào CTCP.Vậy như thế nào là cổ đông thiểu số?
Hiện nay chưa có một tài liệu nghiên cứu nào đưa ra định nghĩa về cổ đông thiểu số. Luật Doanh nghiệp 2005 cũng như các VBPL khác không quy định cụ thể về cổ đông thiểu số. Song tại khoản 9 Điều 6 Luật chứng khoán năm 2006 có quy định về cổ đông lớn như sau: “ Cổ đông lớn là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ năm phần trăm trở số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành”. Theo đó, có thể gián tiếp hiểu rằng cổ đông thiểu số ( cổ đông nhỏ) là cổ đông sở hữu dưới 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty. Như vậy cổ đông thiểu số là thuật ngữ dùng để chỉ những người nắm giữ ít cổ phần, không ảnh hưởng đáng kể trong quản lý và điều hành công ty. Trong mối quan hệ giữa cổ đông này với những cổ đông khác thì họ không đủ sức mạnh để chi phối các hoạt động của công ty, như vậy thông qua các quyết định của công ty hay bầu các chức danh quản lý. Có hai điểm đáng chú ý về cổ đông thiểu số là:
Thứ nhất: loại cổ phiếu họ sở hữu: phải là cổ phiếu có quyền biểu quyết. Bao gồm: cổ phiếu phổ thông, hoặc cổ phiếu ưu đãi biểu quyết. Vì cổ phiếu ưu đãi cổ tức và cổ phiếu ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết.
Thứ hai, tỉ lệ số cổ phiếu của họ trong tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết trong công ti là dưới 5%.
Có thể thấy rằng, sự phân biệt giữa cổ đông lớn (cổ đông đa số) và cổ đông nhỏ (cổ đông thiểu số) được dựa trên tiêu chí về số lượng cổ phần có quyền biểu quyết mà mỗi cổ đông sở hữu. Điều này được chứng thực rõ ràng khi LDN 2005 quy định cổ dông hoặc nhóm cổ đông sở hữu 10% tổng số cổ phần trở lên sẽ có thêm một số quyền khác so với cổ đông phổ thông. Đồng thời LDN cũng quy định cổ đông sở hữu 5% tổng số vốn điều lệ có thể tham gia Hội đồng quản trị. Tuy nhiên tại điểm a, khoản 1 Điều 79 LDN 2005 quy định “ Cổ đông phổ thông có các quyền sau đây: tham dự và phát biểu trong các Đại hội cổ đông và thự hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết”.
Như vậy LDN không quy định cổ đông phổ thông cần nắm giữ bao nhiêu phần trăm tổng số cổ phần của công ty mới được biểu quyết mà tất cả các cổ đông phổ thông của công ty đều có quyền tham gia biểu quyết tại các cuộc họp ĐHĐCĐ. Các quyền và nghĩa vụ của các cổ đông phổ thông là như nhau, bất kể họ là CĐ đa số hay CĐ thiểu số. Điều này làm cho việc xác định cổ đông đa số và cổ đông thiểu số có ý nghĩa pháp lý rất to lớn để thực hiện và bảo vệ quyền của các cổ đông nhỏ trong CTCP thông qua hình thức dự họp và tham gia biểu quyết tại ĐHCĐ.
Kết luận: Cổ đông thiểu số là cổ đông nắm giữ ít hơn 5% số phiếu biểu quyết trong công ti cổ phần. Vậy lợi ích của cồ đông thiểu số được pháp luật bảo vệ như thế nào?
1.2. Tính tất yếu phải bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số
CTCP luôn chứa đựng trong nó sự phức tạp và đa dạng trong các mối quan hệ mà điển hình là các mối quan hệ giữa các cổ đông. Bởi vậy, vấn đề bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số (CĐTS)- đối tượng rất dễ bị xâm phạm quyền lợi do sự yếu thế trong việc quyết định những vấn đề quan trọng trong hoạt động của công ty- bằng pháp luật là một điều hết sức cần thiết. Tính tất yếu của việc bảo vệ quyền lợi của CĐTS được thể hiện như sau
Thứ nhất, CĐTS luôn yếu thế hơn so với cổ đông đa số (CĐĐS) là một thực tế hiện nay. CĐTS là những người nắm giữ ít cổ phần bởi vậy khả năng chi phối của họ đối với các hoạt động của công ty là rất hạn chế. Mặc dù LDN có quy định tại điểm a khoản 1 Điều 79 LDN 2005 song chỉ có cổ đông nắm giữ ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông mới có cơ hôi trở thành thành viên của HĐQT (trừ điều lệ công ty có quy định khác). Như vậy, các CĐĐS có khă năng chi phối và có nhiều cơ hội nhiều hơn trở thành người điều hành công ty. Về quyền lợi của các cổ đông trong CTCP theo quy định của LDN năm 2005 là ngang nhau khi họ sở hữu cùng một loại cổ phần. Tuy nhiên trên thực tế quyền lực thuộc về các cổ đông lớn. Trong các cuộc họp ĐHĐCĐ, CĐTS thường là những người thua thiệt, không có ý kiến quyết định gì khi đại hội lấy ý kiến thông quan các vấn đề cơ bản có liên quan. Các CĐTS thường bị rơi vào tình trạng buộc phải chấp nhận mọi quyết định của những người điều hành công ty mà không được nói tiếng nói của mình.
Thứ hai, khi quyền lợi của CDDTS được bảo vệ sẽ tạo ra sự ổn định cho CTCP. Mặc dù số lượng cổ phần mà CĐTS nắm giữ không phải là con số đáng kể nhưng CĐTS thường chiếm số đông trong CTCP. Do vậy, khi quyền lợi của họ được bảo vệ sẽ tạo ra sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, làm cho họ gắn vó với công ty từ đó tạo ra sự ổn định nhất định cho CTCP.
Thứ ba, bảo vệ quyền lợi cho CĐTS sẽ hạn chế được sự lạm quyền trong hoạt động kinh doanh. Thời gian thực tế cho thấy, các CĐ lớn hay lạm dụng và thực thi không đúng quy định của pháp luật. Những cổ đông này tự cho mình cái quyền tự quyết trong các vấn đề quan trọng, điều đó đồng nghĩa với việc CĐTS sẽ vẫn phải chịu thua thiệt.
2. Các văn bản pháp luật quy định về bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số.
Pháp luật hiện nay chua có một văn bản chính thức nào đề cập chuyên sâu đến vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số. Các quy định này nằm rải rác trong các Luật chuyên ngành, tùy theo từng lĩnh vực liên quan. Đó là:
• Luật Doanh nghiệp 2005
• Luật chứng khoán 2006
• Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010.
• Nghị định số 01/2010/NĐ- CP ngày 4/1/2010.
• Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính về chứng khoán.
3. Nội dung các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu sổ.
3.1. Bảo vệ quyền lợi của CĐTS tham gia hoạt động tổ chức quản lý CTCP.
Trong CTCP, LDN 2005 quy định khá đầy đủ và chi tiết các quyền của cổ đông đồng thời quy định các biện pháp bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nói chung và quyền lợi của CĐTS nói riêng. Theo quy đinh của LDN cơ chế bảo vệ quyền lợi của CĐTS được xác lập một cách tương đối đầy đủ.
3.1.1 Quyền tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông
Với tư cách là cổ đông CTCP, CĐTS có quyền tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ. Đây là một trong những quyền cơ bản và tối thiểu của các cổ đông chứng tỏ sự hiện diện và xác nhận tư cách thành viên của các cổ đông trong CTCP (tuy nhiên cần lưu ý trường hợp CĐTS và CĐ ưu đãi thì điều này bị hạn chế theo quy định tại khoản Điều 82 và khoản 3 Điều 83). Pháp luật đảm bảo cho các CĐTS được tham gia cuộc họp ĐHĐCĐ giúp họ được nắm bắt thông tin, có ý kiến, có các quyền khác....và biểu quyết. Dự họp ĐHCĐ, CĐ được nghe báo cáo về hoạt động hiện tại, nói lên nguyện vọng của mình. Sự nắm bắt thông tin cũng như được nói tiếng nói của mình tại cuộc họp ĐHCĐ sẽ tạo ra cho cổ đông tính chủ động trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi nhận thấy nó có nguy cơ xâm phạm bởi các quyết định của ĐHĐCĐ. Quyền dự họp chính là nền tảng để CĐTS thực hiện các quyền khác của mình.
3.1.2 Quyền biểu quyết thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Theo quy định của LDN 2005, thì tất cả các cổ đông phổ thông đều có quyền tham gia biểu quyết tại các cuộc họp ĐHĐCĐ( Khoản 1 Điều 79). Quyền biểu quyết của cổ đông gắn liền với quyền sở hữu cổ phần. Dù họ sở hữu số cổ phần ít hay nhiều thì quyền này vẫn luôn được đảm bảo. Bằng việc tham gia họp hay biểu quyết thông qua các quyết định của ĐHĐCĐ, các CĐ có thể tham gia vào quá trình ra quyết định, quản lý và điều hành công ty về các vấn đề thuộc quyền quyết định của ĐHĐCĐ (Khoản 2 Điều 96). Về việc thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định như sau:
“3. Quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận;tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định;
b) Đối với quyết định về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty nếu điều lệ công ty không có quy định khác thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định”
Nhằm đảm bảo quyền biểu quyết của cổ đông thiểu số, pháp luật đã giới hạn mức tối thiểu tỉ lệ biểu quyết, còn mức cụ thể, do công ti thỏa thuận quy định trong Điều lệ.
Như vậy, pháp luật đã bảo đảm cho các CĐTS quyền được biểu quyết tại cuộc họp ĐHĐCĐ như bất cứ CĐ nào khác. Bản thân mỗi CĐTS không thể độc lập đưa ra quyết định nhưng họ có thể tham gia vào việc quyết định, xem xét, thảo luận các ý kiến được trình bày bởi HĐQT thể hiện rằng CĐTS đã trực tiếp hay gián tiếp đưa ra các quyết định thể hiện ý chí của mình tại công ty giúp CĐTS tham gia định hướng được sự phát triển của công ty sao cho mang lại nhiều lợi ích cho mình, cho các CĐ khác và thông qua đó có thể tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi các CĐTS luôn yếu thế hơn các CĐĐS khác trong việc chi phối hoạt động của CTCP thì quyền được biểu quyết trở nên có ý nghĩa rất thiết thực trong việc bảo vệ quyền lợi cho chính các CĐTS trong CTCP.
3.1.3. Quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị hay Ban kiểm soát
Bảo vệ quyền lợi của CĐTS là tưởng xuyên suốt của LDN. Các nhà làm luật luôn hướng đến bảo vệ quyền lợi cho những CĐ ít vốn không bị xâm hại bởi những cổ đông nắm giữ cổ phần đa số của CTCP. Với số cổ phần ít ỏi mà các CĐTS nắm giữ họ khó có cơ hội tham gia vào bộ máy quản lý của công ty, thực hiện những hoạt động trực tiếp giám sát các hoạt động của công ty. Vì vậy bảo vệ những cổ đông này trước sự chèn ép của các CĐ lớn, pháp luật trao cho họ quyền được đề cử người vào HĐQT hay BKS nhằm thay họ quản lý công ty cũng như giám sát những hoạt động kinh doanh của công ty, đảm bảo lợi ích chính đáng cho mình. Tại điểm a khoản 2 Điều 79 “ Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền: Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát(nếu có)”.
Tại điểm c, khoản 3, Điều 104 Luật Doanh nghiệp 2005 có đề cập đến vấn đề bầu dồn phiếu trong việc bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát cụ thể: "Việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên". Tại Điều 29, Nghị định 102/2010/ NĐ-CP ngày 1/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (LDN), thì phương thức dồn phiếu bầu thực hiện như sau:
“Trước và trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, các cổ đông có quyền cùng nhau lập nhóm để đề cử và dồn phiếu bầu cho người do họ đề cử.
Số lượng ứng cử viên mà mỗi nhóm có quyền đề cử phụ thuộc vào số lượng ứng cử viên do Đại hội quyết định và tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi nhóm. Nếu Điều lệ công ty không quy định khác hoặc Đại hội đồng cổ đông không quyết định khác thì số lượng ứng cử viên mà các nhóm có quyền đề cử thực hiện như sau:...”
Như vậy, phương thức bầu dồn phiếu là một trong những biên pháp hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi của những cổ đông thiểu số.
3.1.4 Bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số trong việc tham gia vào hoạt động của các cơ quan quản lý công ty.
Đều là chủ sở hữu của CTCP, tuy nhiên để được tham gia vào quản lí công ti thì các cổ đông phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo Luật Doanh nghiệp 2005, một trong những tiêu chuẩn để tham gia vào Hội đồng quản trị và làm Giám đốc/ Tổng giám đốc đó là quy định về tỉ lệ số phiếu biểu quyết tối thiểu. Cụ thể:
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 110 LDN 2005 về Tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị, cổ đông phải nắm giữ tối thiểu là 5% tổng số cổ phần phổ thông; còn đối với giám đốc/ Tổng giám đốc hoặc thành viên Ban kiểm soát thì tỉ lệ này phải là: 10% (Điểm b Khoản 1 Điều 57, Khoản 2 Điều 116 LDN 2005.
Với quy định như vậy, cổ đông thiểu số - những người chỉ nắm giữ dưới 5% số phiếu biểu quyết (tương đương dưới 5% tổng số cổ phần phổ thông ) phải chăng không thể tham gia vào quản lí công ti? Để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông thiểu số, pháp luật tạo điều kiện cho các cổ đông này được tham gia vào quản lí công ti bằng cách là liên kết với nhau thành một nhóm để có tổng số cổ phần nhiều hơn thông qua cơ chế bầu dồn phiếu.
Cụ thể tại Điểm a Khoản 4 Điều 79 LDN 2005 về Quyền của cổ đông phổ thông quy định: “Trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát quy định tại điểm a khoản 2 Điều này được thực hiện như sau: Các cổ đông tự nguyện tập hợp thành nhóm thỏa mãn các điều kiện quy định để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết chậm nhất ngay khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông”.
Như vậy, pháp luật cho phép các cổ đông thiểu số lập nhóm cổ đông nhằm bảo vệ quyền lợi ích của mình trong vấn đề quản lí CTCP.
3.1.5. Bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số được cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của công ty.
Đây là một trong những quyền cơ bản, quan trọng của cổ đông trong công ty cổ phần có quy định tại các điểm đ, e Khoản 1 Điều 79 LDN 2005. Tuy nhiên đối với các thông tin quan trọng về Báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, biên bản, nghị quyết của HĐQT, báo cáo của Ban kiểm soát, thì pháp luật yêu cầu chỉ có cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông mới được thực hiện. Tuy nhiên để bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số, pháp luật cũng cho phép các cổ đông thiểu số lập nhóm cổ đông để thực hiện quyền dược cung cấp thông tin thông qua đại diện của mình. Từ đó, nắm bắt được thông tin về hoạt động của công ti.
Tại nghị định số 102/ 2010/NĐ-CP cũng quy định về quyền được cung cấp thông tin về “những người có liên quan và các giao dịch của họ với công ty” (điều 28, Nghị định 102).
3.1.6 Bảo vệ quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông(ĐHĐCĐ), Điều 107 LDN 2005.
Theo Điều 107 LDN 2005 thì: “Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp ĐHĐCĐ hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ, cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), giám đốc hoặc tổng giám đốc (GĐ/TGĐ), Ban Kiểm soát (BKS) có quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài xem xét, huỷ bỏ quyết định của ĐHĐCĐ trong các trường hợp sau đây:
1. Trình tự và thủ tục triệu tập họp ĐHĐCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật DN và Điều lệ công ty;
2. Trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty”.
Như vậy, LDN 2005 đã qui định rõ về chủ thể có quyền yêu cầu hủy quyết định của ĐHĐCĐ trong đó có các cổ đông mà không giới hạn số cổ phần sở hữu và thời gian sở hữu. LDN 2005 đã tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả cổ đông, cho dù chỉ sở hữu một cổ phần vẫn có quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định của ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế xung quanh quyền yêu cầu hủy quyết định ĐHĐCĐ của các cổ đông.
3.2. Bảo vệ quyền lợi liên quan đến vốn và các chế độ tài chính khác của CTCP – quyền đối với sở hữu vốn.
3.2.1.Pháp luật bảo vệ quyền yêu cầu công ty mua lại vốn góp cho các cổ đông đa số cũng như cố đông thiểu số.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 LDN 2005 quy định “ Cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định các vấn đề quy định tại khoản này”. Đây là một trong những quyền được cổ đông, nhất là CĐTS sử dụng sử dụng để bảo vệ quyền lợi của mình. Quyền này tạo điều kiện cho cổ đông được rút vốn ra khỏi công ty bằng việc yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông khác. Khi những quyết sách của công ty được thông qua nhằm hướng đến lợi ích chung của công ty nhưng đôi khi các CĐĐS nắm quyền chi phối ở công ty biểu quyết đưa ra những quyết định vì lợi ích của chính bản thân họ nhờ vào số lượng cổ phần chiếm ưu thế. Bởi vậy, không phải lúc nào những quyết định của công ty cũng thỏa mãn được lợi ích của tất cả các CĐ và có những trường hợp xâm phạm đến chính quyền lợi của bộ phận CĐTS. Và lúc này, pháp luật với sự bảo vệ quyền yêu cầu công ty mua lại vốn góp cho các CĐ trở nên hữu hiệu hơn bao giờ hết, giúp cho các CĐ có thể rút vốn ra khỏi công ty, bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Khi có yêu cầu của cổ đông trong những trường hợp đã được pháp luật quy định thì “ Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của CĐ quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì cổ đông đó có thể bán cổ phần cho người khác hoặc các bên có thể yêu cầu một tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất ba tổ chức định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng” (theo khoản 2 Điều 90 LDN 2005).
3.2.2. Pháp luật quan tâm bảo vệ quyền lợi của các CĐTS đối với quyền ưu tiên mua cổ phần mới phát hành cũng như quyền chuyển nhượng quyền ưu tiên mua CP
Khi trở thành CĐ của CTCP, các nhà đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi của một sở hữu chủ được pháp luật bảo vệ cho dù họ là CĐĐS hay CĐTS. Một trong những quyền lợi mà pháp luật đảm bảo đó là quyền ưu tiên mua CP mới phát hành. Tại điểm c khoản 1 Điều 79, theo đó khi CTCP huy động vốn bằng hình thức phát hành CP mới thì các CĐ được quyền ưu tiên mua và số lượng CP được mua theo quyền ưu tiên này sẽ quy định trong từng đợt phát hành. Có thể thấy, pháp luật trao cho các CĐ quyền ưu tiên mua này là một điều cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các CĐ đặc biệt là CĐTS. Trong CTCP, các CĐ nắm giũ quyền sở hữu theo số CP. Khi công ty tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán CP mới, nếu các CĐ hiện hữu không được quyền ưu tiên mua đối với CP mới chào bán này thì tỷ lệ CP mà CĐ sở hữu sau khi công ty tăng vốn thay đổi, đồng thời quyền đối với sở hữu công ty cũng thay đổi theo. Điều này làm cho quyền lợi của các CĐ, nhất là các CĐTS không được bảo đảm. Do đó, bằng cách ghi nhận quyền ưu tiên mua CP mới chào bán cho các CĐ theo tỷ lệ CP mà họ đang sở hữu, LDN năm 2005 đã cho phép các CĐ hiện hữu duy trì tỷ lệ sở hữu của mình trong công ty sau khi công ty tăng thêm vốn. Điều này cũng giúp cho các CĐTS không bị ngày một yếu thế hơn, quyền lợi của họ cũng được đảm bảo một cách công bằng.Ngoài ra khi các CĐ được quyền ưu tiên mua không muốn mua thêm hoặc không có khả năng về tài chính để mua thêm CP mới chào bán thì pháp luật vẫn có cơ chế đảm bảo quyền lợi của họ một cách hợp lý. Điều đó được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 87 “ Cổ đông có quyền chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác”. Pháp luật trao cho họ quyền được chuyển nhượng quyền ưu tiên mua của mình cho người khác, lợi nhuận từ việc chuyển nhượng quyền ưu tiên mua này phần nào góp phần bù đắp cho sự thiệt hại của CĐ khi tăng vốn. Quy định này một lần nữa chi thấy pháp luật luôn cố gắng bảo vệ một cách triệt để để quyền lợi của các CĐ nói chung và CĐTS nói riêng.
3.2.3. Bảo vệ cổ đông thiểu số trong vấn đề chào bán cổ phần riêng lẻ.
Sự ra đời của Nghị định 01/2010/NĐ-CP quy định về việc chào bán cổ phần riêng lẻ với mục tiêu bảo vệ nàh đầu tư nhỏ lẻ, cổ đông thiểu số. Với Nghị định này, mục đích của nhà làm luật là quản lý việc phát hành cổ phần của các công ty đại chúng nhằm minh bạch hóa, công khai các thông tin khi phát hành và sử dụng đồng vốn theo phương án bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, cổ đông thiểu số.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Nghị định 01/2010 đã thể hiện nhiều hạn chế, bất cập gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các công ty. Vì vậy cần có sự điều chỉnh, khắc phục kịp thời từ phía các cơ quan chức năng của nhà nước.
4. Sưu tầm và phân tích một vụ việc cụ thể liên quan đến quyền lợi của cổ đông thiểu số
Tuy pháp luật đã có những quy định hết sức rõ ràng trong việc bảo vệ quyền lợi của các CĐTS nhưng việc thực hiện và bảo đảm thực hiện trên thực tế chưa được nghiêm chỉnh chấp hành. Thực tế cho thấy, trong CTCP, cổ đông thiểu số thường hay bị chèn ép bởi các cổ đông lớn – những người nắm giữ nhiều vốn và từ đó nắm giữ quyền biểu quyết áp đảo so với cổ đông thiểu số.
4.1. Vi phạm quyền tham dự họp ĐHĐCĐ
Một trong những vi phạm điển hình nhất hiện nay là một số công ty tước quyền tham dự ĐHĐCĐ của CĐTS bằng việc quy định mức sở hữu CP tối thiểu để được tham dự cuộc họp ĐHĐCĐ. Ví dụ, trong thông báo về nội dung họp ĐHĐCĐ 2007, CTCP Momota viện dẫn căn cứ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ 2006 quy định: CĐ sở hữu số CP chiếm tỷ lệ từ 0,1% vốn điều lệ (tương đương 12000 CP phổ thông) được quyền tham dự trực tiếp các kỳ đại hội. CĐ sở hữu ít hơn 0,1% vốn điều lệ có thể tập hợp thành nhóm CĐ nắm giữ lớn hơn 0,1% vốn điều lệ để cử người đi dự họp theo mẫu giấy ủy quyền. Trong trường hợp không có người đại diện ủy quyền tham dự đại hội, CĐ có thể ủy quyền cho một trong số các thành viên HĐQT công ty. Tức là, nếu là CĐ nhỏ thì buộc lòng họ phải nhờ người đại diện quyền lợi hộ cho mình. Và tình trạng tước quyền tham dự ĐHĐCĐ vẫn cứ tiếp diễn khi mà PVFC Land yêu cầu phải sở hữu từ 0,1% vốn điều lệ trở lên ( tương đương khoảng 500 triệu đồng) mới được tham dự. Một số đơn vị khác như CTCP Dược phẩm TW2 hơn 5000 cổ phần, CTCP Đầu tư PV- Inconess hơn 100.000 cổ phần tương đương gần 1 tỷ đồng.
Mới đây, CTCP Du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên 2009 đã đưa ra điều kiện CĐ có ít nhất 20.000 cổ phần (0,1% vốn điều lệ theo Điều lệ công ty quy định) mới đủ điều kiện tham gia phiên họp. Quy định của các công ty khi đưa ra điều kiện dự họp ĐHĐCĐ đối với các CĐ là hoàn toàn vi phạm LDN. Chính những quyết định này đã hạn chế quyền tham dự ĐHĐCĐ của các CĐTS, tước đi của CĐ quyền cơ bản được pháp luật bảo vệ.
4.2. Vi phạm liên quan đến quyền ưu tiên mua.
Khi các CTCP tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phần mới, quyền ưu tiên mua CP mới chào bán của các CĐ hiện hữu theo quy định của pháp luật dường như bị lãng quên. Các CĐ đa số dựa vào khả năng chi phối của mình tại ĐHĐCĐ dành cho mình quyền mua nhiều hơn và mua với giá thấp hơn so với các CĐ khác.
Một ví dụ thực tế tại công ty cổ phần vận tải xăng dầu (VIPCO) đã nói lên thực trạng ấy: Ngày 26/3, Đại hội cổ đông thường niên năm 2006 của VIPCO thông qua phương án phát hành 17880000 cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ từ 421,2 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng. Phương án phân bổ là phát hành cho Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam 9.118.800 cổ phần, chiếm 51% số lượng cổ phần phát hành để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ 51%/vốn điều lệ nhưng với giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu. Số còn lại 8.761.200 cổ phần sẽ phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu khác với tỷ lệ 50 : 21, tức là mỗi cổ đông hiện sở hữu 50 cổ phần được quyền mua 21 cổ phần và với giá 40.000 đồng. Số cổ phần dôi dư từ đợt phát hành sẽ do Hội đồng quản trị quyết định với giá phát hành không thấp hơn 40.000 đồng. Tức là Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu (VIPCO) đã cho phép cổ đông lớn mua với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, còn các cổ đông nhỏ lại phải mua với giá 40.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 2,67 lần so với cổ đông lớn
Phân tích:
Có thể thấy việc phát hành như vậy là trái với Luật Doanh nghiệp 2005. Tại Điều 78, Luật Thương mại năm 2005 quy định “mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau". Vì thế nên phương án phát hành tăng vốn điều lệ của VIPCO là không có hiệu lực, trái luật và đề nghị phải huỷ bỏ cho dù Đại hội cổ đông đã thông qua. Cụ thể là:
Thứ nhất, về số lượng cổ phần mà cổ đông được mua
Tại điểm c, khoản 1, Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2005 về quyền của cổ đông có quy định: các cổ đông “được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỉ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ti”
Khi thành lập một công ty cổ phần, các cổ đông hình thành một cơ cấu sở hữu tương ứng với quyền lực, mọi bên đối xử như nhau để cơ cấu đó được duy trì, trong trường hợp có thay đổi thì quyền lợi cổ đông không được thay đổi. Chính vì vậy, trong Luật doanh nghiệp đưa ra một trong những quyền của cổ đông là quyền được mua trước với tỷ lệ tương ứng với số cổ phần họ đang nắm giữ. Cho nên khi công ty phát hành cổ phiếu mới, trước hết bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ sở hữu trong CTCP của họ.
Công ti VIPCO đưa ra tỉ lệ 50:21 để quy định quyền mua của các cổ đông khác trong công ti như vậy là trái với quy định của pháp luật: “Đối xử không công bằng với những người sở hữu cùng loại cổ phiếu đang được chào mua”(Điểm c, Khoản 5 Điều 32 Luật chứng khoán.)
Thứ hai, về giá của cổ phần được chào bán.
Nguyên lí quản trị CTCP đòi hỏi sự bình đẳng giữa các cổ đông, dù là cổ đông lớn hay nhỏ, thì họ đều là những chủ sở hữu của công ti, họ hoàn toàn có quyền bình đẳng như nhau về quyền và nghĩa vụ tương ứng của mình trong công ti theo quy định của pháp luật. Công ti VIPCO đưa ra mức giá 15 000d/ cổ phần cho cổ đông lớn, và các cổ đông còn lại chịu mức giá 40 000đ/cổ phần là điều bất hợp pháp.
Hậu quả:
Thứ nhất, Việc phân chia như vậy sẽ dẫn tới hậu quả là những cổ đông lớn và những người quản lý lạm dụng quyền lực trong công ty để lấy đi phần giá trị tài sản của doanh nghiệp về cho mình. Và như thế nghĩa là lấy đi một phần của người khác.
Thứ hai, không những ảnh hưởng đến giá trị tài sản mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền lực trong công ti. Nếu các cổ đông lớn thâu tóm quyền lực trong tay, thì các cổ đông bé sẽ chịu áp lực rất lớn, và vấn đề bị xâm phạm về quyền lợi là điều không thể tránh khỏi.
Thứ ba, sự bất bình đẳng về lợi ích nói trên dẫn đến sự mất lòng tin của các cổ đông bé vào công ti, tạo nên tâm lí thiệt thòi, không tin tưởng của các cổ bé.
Nhận xét chung
Mặc dù sự bắt tay liên kết giữa các cổ đông nhỏ lẻ để tự bảo vệ quyền lợi của mình đã đạt một số kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều điểm vướng mắc do chưa được Pháp luật quy định. Vấn đề quyền lợi của cổ đông bị xâm phạm vẫn đang là chủ đề được nói đến nhiều trên diễn đàn kinh tế- pháp luật hiện nay. Có thể thấy các trường hợp thiếu tôn trọng quyền của nhà đầu tư nhỏ lẻ thường xảy ra trên thực tế hiện nay:
• Công ti niêm yết không mời nhà đầu tư nhỏ lẻ đến dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ); hoặc không cung cấp tài liệu cho nhà đầu tư trước khi họp ĐHĐCĐ.
• Khi thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ, chỉ có lợi cho những cổ đông lớn và người quản lý, chẳng hạn: phát hành cổ phiếu thưởng vô nguyên tắc, chọn cổ đông chiến lược nhưng thực chất là bán rẻ cổ phiếu cho cổ đông “chiến lược” là những người thân quen, để dành quỹ khen thưởng, phúc lợi quá lớn cho người quản lý và nhân viên.
• Việc biểu quyết thông qua Nghị quyết cảu ĐHĐCĐ còn mang tính hình thức, ý kiến của cổ đông bé chưa được tôn trọng. Dù pháp luật đã quy định về tỉ lệ biểu quyết tối thiểu, nhưng mức 65% hay 75% dường như vẫn còn quá ít để bảo vệ cổ đông thiểu số - những người chỉ nắm giữ dưới 5% cổ phần phổ thông.
• Công bố thông tin không chính xác hoặc không hết nội dung, có những nội dung mập mờ khiến nhà đầu tư đánh giá không đúng về công ti niêm yết;
• Cơ quan quản lý công ti có những tuyên bố không đúng thẩm quyền hoặc không đúng luật, không tôn trọng nhà đầu tư, khiến giá cổ phiếu có thể diễn biến bất lợi cho nhà đầu tư...
Vậy làm thế nào để bảo vệ cổ đông thiểu số?
Để giải quyết vấn đề này, trước hết, chính bản thân cổ đông thiểu số phải tự bảo vệ cho quyền lợi của mình, trong đó, biện pháp liên kết là một trong những biện pháp được các cổ đông triệt để sử dụng.
Thứ nhất, các cổ đông phổ thông cần nhóm họp, tập hợp, liên kết nhau lại trên cơ sở quyền lợi giống nhau để thực hiện quyền của cổ đông thiểu số, để có thể yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ, yêu cầu Ban kiểm soát nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình, yêu cầu HĐQT về mặt quản lý, cung cấp thông tin... Các cổ đông cũng nên thông qua một cơ quan có thẩm quyền, lập website chia sẻ những bất cập của các công ty hiện nay về vấn đề điều hành quản trị làm phương hại đến lợi ích của các cổ đông nhỏ. Ví dụ điển hình như trường hợp chứng chỉ quỹ VF1, Công ty Liên doanh Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) giảm giá phát hành mà không thay đổi ngày chốt quyền khiến nhiều cổ đông nhỏ bị thiệt thòi. Những cổ đông này lập tức lên tiếng khiến dư luận chú ý. Cuối cùng, ban lãnh đạo VFM phải hủy quyết định giảm giá. Tuy nhiên không phải lúc nào biện pháp này cũng phát huy được tối đa hiệu quả.
Thứ hai, dù Luật doanh nghiệp quy định tỷ lệ phiếu cho những quyết định quan trọng thông qua tại ĐHĐCĐ, nhưng như vậy không có nghĩa là ý kiến của cổ đông nhỏ không được tôn trọng. Cổ đông nhỏ cũng cần được phản biện, nếu đúng thì không có lý do gì không chấp nhận. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, hầu hết tại các ĐHĐCĐ, với lý do là trong khuôn khổ hạn hẹp của Đại hội nên mọi ý kiến đưa ra sẽ được ghi chép lại và phản hồi với các cổ đông sau. Thế nhưng, rất tiếc những ý kiến đưa ra sau kỳ đại hội lại bị chìm vào quên lãng.
Thứ ba, pháp luật đã đưa ra các khung pháp lí với mục đích bảo vệ cổ đông thiểu số như Nghị định 01/2010/NĐ-CP quy định về việc chào bán cổ phần riêng lẻ, tuy nhiên, việc thức hiện trên thực tế gặp không ít khó khăn, vướng mắc, dẫn đến hiệu quả bảo vệ chưa thức sự được phát huy. Tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” không còn là vấn đề hiếm hoi trong môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt. Chính vì vậy, pháp luật cần có những quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng hơn trong vấn đề bảo vệ cổ đông thiểu số hiện nay.
KẾT LUẬN
Qua việc tìm hiểu, phân tích các nội dung đề bài, chúng ta hiểu hơn về cổ đông thiểu số và các cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số trong CTCP. Nhận biết thực trạng những thiếu sót của pháp luật để có những phương pháp khắc phục để bảo vệ hiệu quả những người thấp cổ bé họng trong CTCP.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật Thương mại Việt Nam, Tập 1, Trường ĐH Luật Hà Nội, NXB. CAND.
2. Luật Doanh nghiệp 2005
3. Luật Chứng khoán 2006
4. Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010.
5. Nghị định số 01/2010/NĐ- CP ngày 4/1/2010.
6. Bài viết: “Quyền của cổ đông thiểu số”, Quách Thúy Quỳnh, Tạp chí Luật học, số 4 /2010.
7. Bài viết: “Một số vấn đè lí luận và thực tiễn về bảo vệ cổ đông thiểu số”, Bùi Xuân Hải, Tạp chí Khoa học pháp lí, số 3 /2010.
8. Bài viết: “ Bảo vệ cổ đông thiểu số - Những vướng mắc từ thực tiễn”, LG.Vũ Xuân Tiến– Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam, website:thongtinphapluatdansu.wordpress.com
9. Bài viết: “Bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ: Biết bệnh nhưng chưa tìm thấy thuốc?” , website: www.saga.vn
10. website:
www.thongtinphapluatdansu.wordpress.com
www.saga.vn
www.vneconomy.vn
Chúc các bạn học tập tốt! ^.^
No comments:
Post a Comment