02/07/2014
Nguyên nhân vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay - Bài tập học kỳ Lý luận Nhà nước và pháp luật
Bài tập Lý luận Nhà nước và pháp luật có đáp án.

Công cuộc Đổi mới toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã đặt ra cho nhà nước ta nhiều vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết, trong đó then chốt là xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền dưới sự chỉ đạo của Đảng đã được đề ra như một nhiệm vụ chiến lược với phương châm “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩ vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật.”

Thực hiên phương châm này, trong những năm đổi mới vừa qua, các cơ quan nhà nước đã từng bước đổi mới tổ chức, hoạt động và hệ thống pháp luật dần dần được thực hoàn thiện phục vụ cho công cuộc đổi mới cũng như xây dựng nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của công cuộc đổi mới cũng như xây dựng nhà nước pháp quyền, nhiều quy định của pháp luật chưa phát huy được hiệu lực trong thực tế. Tính chủ động, tích cực trong hành vi pháp luật chưa cao, tình hình vi phạm pháp luật ngày càng diễn biến phức tạp và làm giảm vai trò, vị trí và hiệu quả của pháp luật trong thực tiễn.

Nhà nước nào cũng mong muốn là pháp luật do mình ban hành phải được tôn trọng và thực hiện nghiêm minh, vì vậy nhà nước nào cũng đấu tranh chống vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm. Để xoá bỏ hiện tượng vi phạm pháp luật trước hết cần tìm hiểu bản chất, những đặc điểm của chúng để rồi tìm cách loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện đã sinh ra chúng. Do vậy, nghiên cứu vấn đề vi phạm pháp luật có ý nghĩa rất lớn trong việc đề ra những biện pháp hữu hiệu để đấu tranh phòng và chống vi phạm pháp luật trong xã hội. Bên cạnh đó, vi phạm pháp luật là một hiện tượng xã hội tiêu cực nên việc tìm hiểu và nghiên cứu về chúng là vô cùng khó khăn và phức tạp. Nhận thức được tầm quan trọng của hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay, với bài tập lớn học kỳ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật, em đã chọn đề tài “Tìm hiểu nguyên nhân vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay” với mong muốn được hiểu và làm rõ thêm những nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này. Ngoài phần mục lục, mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, bài làm của em gồm 4 phần chính:

1. Lý luận chung về vi phạm pháp luật.
2. Thực trạng vi phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay.
3. Nguyên nhân vi phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay.
4. Một số giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật ở Việt Nam.

NỘI DUNG CHÍNH

1. Lý luận chung về vi phạm pháp luật

1.1 Khái niệm vi phạm pháp luật

Vi phạm pháp luật là một hiện tương nguy hiểm, tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống xã hội, làm mất ổn định xã hội. Tính nguy hiểm của vi phạm pháp luật thể hiện ở chỗ nó xâm hại tới lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, nhà nước, cũng như của toàn xã hội. Vì vậy , bất cứ nhà nước nào cũng tìm mọi biện pháp để phòng ngừa và đấu tranh chống lại hiện tượng vi phạm pháp luật.

Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Là một hiện tượng xã hội, vi phạm pháp luật có những dấu hiệu cơ bản sau:

- Dấu hiệu hành vi: Vi phạm pháp luật là hành vi xác định của con người gây nguy hiểm cho xã hội.

- Dấu hiệu trái pháp luật: Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật xác lập và bảo vệ.

- Dấu hiệu năng lực trách nhiệm pháp lý:Vi phạm pháp luật là hành vi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý.

- Dấu hiệu lỗi: Vi phạm pháp luật là hành vi có lỗi của chủ thể.

Một hiện tượng cụ thể chỉ bị coi là vi phạm pháp luật khi chứa đựng đầy đủ các dấu hiệu này. Do vậy, có thể khẳng định rằng, mọi vi phạm pháp luật đều là hành vi trái pháp luật, nhưng ngược lại, không phải tất cả các hành vi trái pháp luật đều bị coi là vi phạm pháp luật. Chỉ những hành vi trái pháp luật do người có năng lực pháp lý thực hiện trong trường hợp có lỗi mới bị coi là vi phạm pháp luật.

1.2 Cấu thành vi phạm pháp luật

Cấu thành vi phạm pháp luật là toàn bộ những yếu tố, những bộ phận làm thành một vi phạm pháp luật cụ thể, bao gồm mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan và khách thể.

Mặt khách quan của vi phạm pháp luật: là toàn bộ những biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan của vi phạm pháp luật. Đây là yếu tố đầu tiên để nhận diện và đánh giá một vi phạm pháp luật. Nó bao gồm: hành vi trái pháp luật, hậu quả của hành vi đó, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả, thời gian, địa điểm, công cụ, phương tiện, cách thức vi phạm… 

Chủ thể của vi phạm pháp luật: là những cá nhân, tổ chức có năng lực trách nhiệm pháp lý đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đối với các cá nhân, năng lực trách nhiệm pháp lý của họ được xác định trên cơ sở độ tuổi và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của họ khi thực hiện hành vi đó.

Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật: là những biểu hiện tâm lý bên trong của chủ thể vi phạm pháp luật, bao gồm lỗi, động cơ, mục đích vi phạm.

Khách thể vi phạm pháp luật: là những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại. Đó là những lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, lợi ích của giai cấp cầm quyền cũng như lợi ích của toàn xã hội, quốc gia, dân tộc đươc pháp luật ghi nhận, bảo vệ, bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại. Vi phạm pháp luật làm biến đổi tình trạng bình thường của các quan hệ xã hội, gây ra hoặc đe doạ gây ra những thiệt hại nhất định cho xã hội.

Tóm lại, cấu thành vi phạm pháp luật là cơ sở pháp lý để nhận diện, đánh giá và truy cứu trách nhiệm pháp lý đồi với một vi phạm pháp luật. Một hành vi pháp luật chỉ bị coi là vi phạm pháp luật khi xác định được đầy đủ các yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật. Những yếu tố trên sẽ được làm rõ khi xem xét từng loại vi phạm pháp luật cụ thể.

2. Thực trạng vi phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Trong thời gian qua mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã tập trung vào công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật nhưng tình hình vi phạm pháp luật vẫn xảy ra với diễn biến phức tạp, gây tổn thất không ít cho xã hội cũng như cho công cuộc đổi mới đất nước. Tình hình này hiện đang là vấn đề nhức nhối, gây nên nhiều bức xúc cho xã hội. Có thể khái quát tình hình vi phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay như sau:

Trước hết là những vi phạm pháp luật của cán bộ, viên chức nhà nước. Những hành vi tiêu cực, xâm phạm sở hữu nhà nước, sở hữu công dân, cũng như những vi phạm liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng vị trí, chức năng công tác có hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi cá nhân ngày càng có xu hướng gia tăng và phức tạp. Chẳng hạn, chỉ tính riêng năm 1993, trong số 30 720 án được toà án nhân dân tối cao đưa ra xét xử thì đã có 1640 vụ về tham nhũng và xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa (chiếm 5,4%) gây thiệt hại 285 tỉ 161 triệu đồng chỉ trong 10 tháng đầu năm. Từ các năm 1994, 1995, 1996 số lượng các vụ án tuy có giảm nhưng thiệt hại chúng gây ra là vô cùng to lớn. Từ năm 1999 đến nay, số lượng các vụ án không những không giảm nhiều mà tính chất của sự vi phạm lại rất nghiêm trọng. Trong đó, phần lớn các vụ việc xảy ra là các vụ án có tổ chức, có sự móc nối giữa những người có chức quyền trong các cơ quan nhà nước. Chẳng hạn năm 2000 phát hiện 408 vụ, 2001 là 729 vụ. Đặc biệt trong thời gian gần đây nhiều vụ tham nhũng gây thất thoát lớn tài sản nhà nước như vụ PMU18 có 40 cán bộ Đảng viên của bộ Giao thông vận tải bị thi hành kỉ luật; vụ án “chạy” quota ở Bộ thưong mại đứng đầu là nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu gây thiệt hại lớn; Ngoài ra còn một loạt các vụ tham nhũng khác trong lĩnh vực điện lực, dầu khí, quản lý đất đai… 

Trong lĩnh vực kinh tế, tình hình vi phạm pháp luật đang có nhiều diễn biến khác so với các thời kì trước đây. Các tội phạm kinh tế trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có đặc điểm là tội phạm kỹ thuật cao, đặc biệt đối với những tội phạm xảy ra trong một số lĩnh vực chuyên môn phức tạp như tài chính, ngân hàng, sở hữu công nghiệp, tin học,… Người phạm tội thường là người có học vấn và trình độ chuyên môn cao, am hiểu về những lĩnh vực chuyên ngành, có thủ đoạn chuyên môn, nghiệp vụ rất tinh vi, xảo quyệt, vì vậy gây khó khăn cho công việc phòng chống loại tội phạm này. Riêng ở Việt Nam, các tội phạm kinh tế xảy ra đang phản ánh rõ nét hoàn cảnh lịch sử đặc thù của nước ta hiện nay là sự đan xen giữa hậu quả còn lưu lại của nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề cần được nhận thức rõ, bởi vì sự tác động của “mặt trái” nền kinh tế thị trường đang làm thay đổi cơ cấu và tăng lên số vụ tội phạm kinh tế cũng như số hành vi vi phạm pháp luật kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2002, tội phạm kinh tế bị phát hiện, khởi tố là 25.020 vụ, tăng 7% so với năm 2001. Bên cạnh đó, các tranh chấp về kinh tế, lao động cũng tăng một cách đáng kể. Theo báo cáo của ngành toà án và kiểm sát, số vụ tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động hàng năm (từ 1993 đến nay) tăng đều và có xu hướng ngày càng phức tạp.

Trong lĩnh vực an ninh, văn hoá, xã hội, chính sách mở cửa, giao lưu văn hoá với nước ngoài đã thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội đất nước, nhưng đồng thời cũng làm cho xã hội có những biến đổi phức tạp. Thực trạng vi phạm pháp luật trong thời gian qua trên lĩnh vực an ninh, văn hoá xã hội có những diện mạo vừa đa dạng vừa gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội và trật tự, kỷ cương pháp luật. Số vụ vi phạm hàng năm được phát hiện nhìn chung có chiều hướng gia tăng và hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra cho xã hội ngày càng trầm trọng. Trong 15 năm (từ 1990 đến 2005), trung bình mỗi năm xảy ra khoảng hơn 80.000 vụ phạm tội, trong đó có hơn 60.000 vụ phạm tội xâm phạm trật tự an toàn xã hội, khoảng 2000 vụ xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa, hơn 10.000 vụ phạm tội về buôn lậu, gian lận thương mại, khoảng 7000 đến 8000 vụ buôn bán ma tuý. Đặc biệt tỉ lệ phụ nữ phạm tội (chủ yếu là lừa đảo, buôn lậu và mại dâm) tăng lên hàng năm, tỉ lệ phạm tội do người chưa thành niên thực hiện (trung bình hàng năm chiếm 8%-10%) tuy không tăng nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Gần đây dư luận xã hội đang xôn xao với hàng loạt các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật dưới tội danh chống phá nhà nước bị phát hiện như Lê Công Định, và trước đó là Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân,… Tình hình này hiện đang là vấn đề nhức nhối, gây nên nhiều bức xúc cho xã hội.

3. Nguyên nhân vi phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Nguyên nhân vi phạm pháp luật nằm trong chính các mối quan hệ phối hợp của đặc tính cá nhân và các điều kiện kinh tế - xã hội, trong các mối quan hệ qua lại với nhau. Từ đây, có thể thấy nguyên nhân vi phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay được hiểu như sau:

Một là, các nguyên nhân về điều kiện kinh tế - xã hội. Xét trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng vi phạm pháp luật phức tạp hiện nay. Việc từ chỗ nhiều năm tồn tại và phát triển nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, nay chuyển sang một cơ cấu kinh tế xã hội hoàn toàn khác trước đã làm nảy sinh trong toàn xã hội cũng như trong cơ chế vận hành của bộ máy các cơ quan nhà nước một loạt các vấn đề:

Trước hết, bối cảnh giao thời giữa cơ chế, thói quen, lề lối cũ với yêu cầu mở cửa, năng động, hoà nhập của cơ cấu mới đã làm phát sinh các cơ hội để một bộ phận không nhỏ những người trong và ngoài bộ máy nhà nước tận dụng sự hạn chế của cơ cấu mới do chưa thật sự có chỗ đứng ổn định và vững chắc trong xã hội., nhằm hưởng lợi bất chính hoặc thoả mãn nhu cầu cá nhân không chính đáng. Đó là tâm lý vị kỷ, tham lam, vô tổ chức, coi thường pháp luật, vốn rất dễ phát triển trong môi trường kinh tế thị trường, với biểu hiện cụ thể thông qua tư tưởng làm giàu bằng mọi phương thức, bất kể đó là hoạt động đúng pháp luật hay vi phạm pháp luật. Và khi gặp điều kiện thuận lợi như có cương vị công tác hoặc sự lỏng lẻo của pháp luật, sự thiếu đồng bộ và chồng chéo của cơ chế quản lý kinh tế hay sự yếu kém trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát… thì đó là những cơ hội và điều kiện thuận lợi để thực hiện các vi phạm pháp luật nhằm tư lợi cá nhân. Điều này cho phép lý giải tại sao vi phạm pháp luật, dưới các dạng tham nhũng, buôn lậu, buôn bán hàng quốc cấm, kinh doanh trái phép, trốn thuế hay các loại tội phạm kinh tế và nhiều tội phạm khác nhau phát triển mạnh trong thời kỳ chuyển đổi hiện nay của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng như nhiều quốc gia khác đang trong thời kỳ chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, “mặt trái” của nền kinh tế thị trường còn gây ra sự phân hoá xã hội mạnh mẽ, theo đó, một bộ phận nhất định do kịp thời nắm bắt được các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường đã làm giàu hoàn toàn bằng các phương thức đúng pháp luật, vẫn còn một bộ phận khác trong xã hội, mặc dù cũng có nhu cầu đó nhưng lại lựa chọn làm giàu bằng con đường vi phạm pháp luật. Không những thế, song song với qua trình phân hóa xã hội sâu sắc đã dẫn đến hậu quả là một bộ phận nhân dân trong điều kiện kinh tế thị trường đã và đang thực sự trở thành nạn nhân của nền kinh tế mới: không có vốn, trình độ văn hóa thấp kém, lạc hậu, thất nghiệp và bị bần cùng hoá. Những đối tượng này dễ bước vào con đường vi phạm pháp luật. Thực tế đã chỉ ra rằng đây luôn là nguyên nhân tiềm ẩn của tình hình vi phạm pháp luật đang hoành hành trong thực tiễn. Mặt khác, tác động của “mặt trái” của nền kinh tế thị trường đang tạo ra một thực trạng nguy hại khác đó là tình trang đạo đức xã hội của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước, hoặc các tầng lớp xã hội khác bị xuống cấp nghiêm trọng do bị ảnh hưởng của lối sống thực dụng, tiền tệ hoá các quan hệ xã hội. Điều này đưa đến các hậu quả tiêu cực trên nhiều góc độ, như sự mất phương hướng và một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội, sự xung đột giữa các thế hệ trong gia đình, trong các tầng lớp xã hội có vị trí, có trình độ, điều kiện sống khác nhau và sự cao hơn nữa là sự trì trệ trong các quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh hay quản lý nhà nước, quảnlý xã hội, đưa đến hậy quả cuối cùng là sự phát sinh và phát triển của những vi phạm pháp luật.

Ngoài ra trong việc tiếp cận và đánh giá nguyên nhân mang tính kinh tế - xã hội của vi phạm pháp luật hiện tại ở Việt Nam, cần chú ý đến vấn đề có tính chất tác động khách quan của điều kiện quan hệ quốc tế toàn cầu, đó là ảnh hưởng tai hại của sự khách quan của điều kiện quan hệ quốc tế toàn cầu hoá, đó là ảnh hưởng tai hại của sự “xuất khẩu tội phạm” từ bên ngoài biên giới quốc gia vào nước ta. Thông qua các kênh thông tin, các phương tiện khoa học hiện đại, các luồng, tuyến giao thông đa dạng, của quốc gia và quốc tế, nhiều loại hình tội phạm đã tìm được đường xâm nhập vào Việt Nam. Vì vậy, các loại tội phạm quốc tế cũng đã xuất hiện và hoạt động ở nước ta trong những năm qua là thực tiễn không thể không nêu ra trong quá trình đánh giá tổng thể các nguyên nhân vi phạm pháp luật hiện nay.

Hai là, nguyên nhân từ hệ thống pháp luật và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật hiện nay. Để đánh giá một cách toàn diện và có độ tin cậy cao các nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật hiện nay thì việc đề cập đến việc chưa hoàn thiện của hệ thống các quy phạm pháp luật là sự gải đáp hết sức cần thiết. Hệ thống pháp luật của Việt Nam thời kỳ đổi mới mặc dù đã phát huy được vai trò là công cụ pháp luật hữu hiệu trong điều hành, quản lý xã hội, nhưng những hạn chế về hình thức và nội dung quy phạm, kỹ thuật lập pháp vẫn còn khá nhiều tồn tại. Thậm chí có những lĩnh vực, pháp luật thể hiện sự chậm phát triển đến độ chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam tuy đã được bổ sung một lượng văn bản khổng lồ, nhưng những văn bản này có tính “lấp chỗ trống” chứ ít có tính đón trước vì vậy nó mang tính bị động, thiếu đâu ban hành đấy dẫn tới thiếu suy xét, cân nhắc. Nhiều khi luật chưa kịp sử đổi mà theo yêu cầu của cuộc sống thì nhu cầu điều chỉnh không thể dừng lại được nên buộc các cơ quan hành pháp phải ban hành các văn bản hướng dẫn hoặc quy định mới trái với luật. Và đây cũng là lí do dẫn đến sự thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, phủ nhận lãn nhau trong quan hệ pháp luật nhất là văn bản hướng dẫn của các Bộ, các ngành.

Việc trình bày các quy phạm đôi khi còn quá phức tạp hoặc mập mờ làm cho việc áp dụng không đúng hoặc không thống nhất, đặc biệt là việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn được thực hiện bởi các cơ quan chuyên môn nhưng hạn chế về trình độ pháp luật. Ngoài ra, kỹ thuật pháp lý khi xây dựng luật lại đòi hỏi một lượng văn bản hướng dẫn quá lớn nên vừa có nguy cơ mâu thuẫn lại vừa có nguy cơ không ban hành kịp để hướng dẫn tạo ra kẽ hở trong hoạt động áp dụng pháp luật. Ví dụ khi thay thế bộ luật hình sự năm 1995, bộ luật hình sự năm 1999 thiếu một cách cơ bản các văn bản hướng dẫn chi tiết và tạo ra một khoảng trống do không biết áp dụng như thế nào. Thực tế điều này kết hợp với công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật chưa đem lại hiệu quả cao thực sự là nguy cơ lớn cho xã hội khi đặt ra yêu cầu xây dựng nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Về mặt chủ quan, đây là nguyên nhân rất quan trọng thể hiện sự thiếu nghiêm minh của pháp luật, của các cơ quan nhà nước góp phần vào việc làm gia tăng và phức tạp tình hình vi phạm pháp luật.

Khi chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, chúng ta đã không lường trước được hết những tác động mà “mặt trái” nền kinh tế thị trường gây ra trong đời sống xã hội. Cái thiếu lớn nhất là các chương trình quốc gia về phòng, chống vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm. Điều này đã được khắc phục nhưng rất muộn (vào năm 1998). Sự thiếu sót đó đã đẩy chúng ta vào thế bị động và vì vậy đối với chúng ta công tác phòng đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật chủ yếu là trừng trị khi vi phạm pháp luật đã xảy ra khắc phục hậu quả để lại. Sự hạn chế năy bắt đầu là hoạt động xây dựng pháp luật. Chính pháp luật còn để ngõ nhiều lĩnh vực không kiểm soát làm cho các hoạt động của các cơ quan chức năng nhiều khi bó tay

Có thể nói tới một khía cạnh khác của hoạt động phòng, chống vi phạm pháp luật là vấn đề con người. Các lực lượng tham gia hoạt động này tuy khá đông về số lượng nhưng chất lượng còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Trong đó có tình trạng thiếu đào tạo cơ bản nên năng lực xử lý yếu, tư duy chưa theo kịp với sự biến đổi của tình hình, thậm chí đạo đức nghê nghiệp bị tha hoá, xuống cấp.

Ba là, nguyên nhân do công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng đúng mức khi ý thức pháp luật của chủ thể vi phạm còn nhiều hạn chế. Một thực tế khá phổ biến hiện nay của tình hình vi phạm pháp luật là nhiều trường hợp, vi phạm xảy ra không hoàn toàn do ý thức chống đối xã hội của chủ thể vi phạm. Mặt khác, sự không hiểu biết pháp luật dễ dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật, hoặc lợi dụng đến tình hình kém hiểu biết pháp luật để thực hiện, che dấu hành vi vi phạm pháp luật. Những thực trạng này là nhân tố ảnh hưởng và alf điều kiện thuận lợi cho các vi phạm pháp luật có cơ hội phát triển. Điều này xảy ra ở nhiều nơi mà chủ thể vi phạm không chỉ là cá nhân, tổ chức thông thường mà còn xảy ra với các cán bộ, công chức hoặc cơ quan nhà nước nhất là các vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân sau xa của vấn đề này là từ công tác phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật

Hiện nay, công tác giáo dục pháp luật đã được đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều bậc học. Tuy nhiên giáo viên dạy luật chủ yếu là kiêm nhiệm, không được đào tạo cơ bản (chiếm khoảng 90%) nên chất lượng giáo dục pháp luật không thể đáp ứng được yêu cầu, trong khí đó các văn bản pháp luật thì thường xuyên được sửa đổi, bổ sung nhưng không được sửa đổi trong chương trình giảng dạy.

Việc xác định không đúng đối tượng tuyên truyền và phổ biến pháp luật nên đưa vào chương trình những vấn đề không phù hợp, quá tải lại thiếu tính thiết thực, cụ thể nên đã không hấp dẫn lôi cuốn đối tượng được tuyên truyền… Kinh phí dành cho công tác này còn hạn hẹp gây khó khăn cho người triển khai nhất là khi cần phối hợp hoạt động.

Ngoài 3 nguyên nhân chính ở trên, có thể kể đến một số nguyên nhân khác như: Do cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, phức tạp đối với đất nước; Trong cuộc sống vấn còn nhiều tập tục lạc hậu, kém phát triển, đời sống vật chất của nhiều tầng lớp dân cư còn khó khăn; Sự phá hoại của các thế lực thù địch; Trình độ dân trí thấp nên không tiếp thu hoặc tiếp thu sai lệch quan điểm của điều luật…

4. Một số giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật ở Việt Nam

Từ những phân tích trên về những thực trạng cũng như nguyên nhân vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay, để có thể phòng ngừa tốt và đảm bảo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác các trường hợp vi phạm pháp luật thì trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích những nguyên nhân, những điều kiện dẫn đến tình trạng nảy sinh hiện tượng vi phạm pháp luật như hiện nay, để rồi từng bước có kế hoạch xoá bỏ những nguyên nhân và điều kiện đó.

Gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ, củng cố an ninh, trật tự xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước nhằm loại bỏ các điều kiện làm nảy sinh, phát triển các hiện tượng tiêu cực và vi phạm pháp luật.

Đi đôi với việc tích cực đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật cần làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật trong xã hội. Đặc biệt là giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước và các tổ chức xsx hội. Cùng với việc giáo dục pháp luật, cần giáo dục chính trị, kỷ luật, đạo đức… cho nhân dân.

Tăng cường xã hội hoá công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật nhằm động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật.

Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm đảm bảo xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác các trường hợp vi phạm pháp luật theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật

KẾT LUẬN

Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng có nhiều điều kiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cuộc sống sẽ thực sự trọn vẹn nếu bên cạnh việc tích cực lao động nâng cao đời sống vật chất, con người biết sống yêu thương, quan tâm lẫn nhau và có trách nhiệm với cuộc sống của chính bản thân mình và người khác. Trên thực tế có nhiều nguyên nhân khiến cho điều đó chưa thực hiện được như mong muốn của xã hội tiến bộ mà một trong những nguyên nhân lớn nhất là tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra thường xuyên trong đời sống xã hội. Để làm được điều đó mỗi cá nhân trong xã hội phải nâng cao ý thức pháp luật, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm pháp luật bởi vi phạm pháp luật không chỉ ảnh hưởng tới bản thân chủ thể vi phạm mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh và toàn xã hội.

Bài tập học kỳ với đề tài “Tìm hiểu nguyên nhân vi phạm pháp luật ở nước ta hiện nay” của em nhằm mục đích thấy được tình hình vi phạm pháp luật, nguyên nhân và giải pháp của công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Vì đây là một đề tài khá rộng, có thể tiếp xúc từ nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau mà khuôn khổ bài tập học kỳ có hạn nên có thể những phân tích của em chưa thực sự được sâu sắc và còn nhiều thiếu sót. Em rất mong nhận đựoc sự góp ý từ các thầy các cô để bài làm được hoàn thiện hơn.

Em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại học Luật Hà Nội, Giáo trính Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội 2009.
2. Khoa Luật Đai học Quốc Gia - Nguyễn Cửu Việt (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB ĐHQG Hà Nội.
3. Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Thị Hồi và Lê Vương Long (chủ biên), Nội dung cơ bản của môn học Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB Giao thông vận tải, Hà Nội 2008.
4. TS.Nguyễn Văn Động, Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB Giáo dục, Hà Nội 2008.
5. TS.Trần Thái Dương, Hỏi đáp những tri thức cơ bản môn Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, Hà Nội 2004.
6. Trường Đại học Luật Hà Nội, Bùi Xuân Phái, Vi phạm pháp luật - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội 2002
7. Lê Minh Tiến, Hành vi pháp luật - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội 2002
8. Các website:
- http://vi.wikipedia.org
- http://vn.answers.yahoo
- http://www.sinhvienluat.vn
- http://www.dantri.com.vn
- http://www.tuoitre.com.vn
- http://www.vnexpress.net
- http://www.thanhnien.com.vn

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment