02/07/2014
Vai trò của án lệ trong hệ thống nguồn luật của dòng họ Common Law - Bài tập học kỳ Luật So sánh
Bài tập Luật So sánh có đáp án.

Common Law là dòng họ pháp luật lớn trên thế giới, có cội nguồn từ hệ thống pháp luật Anh. Một trong những đặc trưng của dòng họ này là coi án lệ là nguồn luật quan trọng và phổ biến nhất. Để hiểu hơn về vai trò của án lệ trong hệ thống nguồn luật của dòng họ common Law sau đây em xin được đi sâu làm sáng tỏ đề bài: “ Vai trò của án lệ trong hệ thống nguồn luật của dòng họ Common Law”.

1. Khái quát về vị trí của án lệ trong hệ thống nguồn luật của dòng họ Common Law.

Theo cách hiểu ngắn gọn nhất, “ Án lệ” là bản án đã tuyên hoặc sự giải thích, áp dụng pháp luật được coi như tiền lệ là cơ sở để các thẩm phán sau đó có thể áp dụng tương tự.  

Trong hệ thống nguồn luật của dòng họ Common Law luôn chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anh và thừa nhận án lệ như nguồn luật chính thống, tức là thừa nhận học thuyết tiền lệ pháp. 


Học thuyết tiền lệ pháp ở các hệ thống pháp luật này đều ít, nhiều chi phối luật án lệ theo hướng: các phán quyết đã tuyên của Tòa án cấp trên nói chung có giá trị ràng buộc tòa án cấp dưới trong quá trình xét xử các vụ việc hiện tại. Học thuyết này được triển khai áp dụng trên thực tế thông qua việc xuất bản các phán quyết của Tòa án có giá trị ràng buộc để tạo điều kiện thuận lợi và tạo nguồn tài liệu có hệ thống, đáng tin cậy cho việc áp dụng thống nhất tiền lệ pháp tại các tòa án trên toàn quốc trong công tác xét xử.


2. Vai trò của án lệ trong hệ thống nguồn luật của một số quốc gia thuộc dòng họ Common Law.

2.1 Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về vai trò của án lệ ở Anh và Mỹ.

Anh, Mỹ là hai hệ thống pháp luật lớn trên thế giới, thuộc dòng họ Common Law và đều coi án lệ là nguồn luật quan trọng. Tuy nhiên nếu xét về tổng thể thì vai trò của án lệ ở Anh nổi bật hơn nhiều so với ở Mỹ. Nếu như Anh án lệ là nguồn luật quan trọng và chủ yếu thì ở Mỹ lại ít quan trọng hơn. Sở dĩ như vậy là do những nguyên nhân như sau:

Nguyên nhân quan trọng và sâu xa nhất là Anh là nước khởi nguồn của văn hóa án lệ. Án lệ có lịch sử phát triển lâu dài và chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Anh. Còn ở Mỹ vốn là thuộc địa của Anh, từ khi mới giành được độc lập 1776 thì họ không hề muốn phụ thuộc vào vương quốc Anh. Vì vậy, tiền lệ pháp có nguồn gốc ở Anh nên thực sự không được ưa chuộng đặc biệt trong điều kiện kinh tế xã hội có nhiều thay đổi. Hơn nữa, nước Mỹ là hợp chủng quốc, người Anh tuy chiếm phần đông nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của các dân tộc khác với bản sắc văn hóa, dân tộc, tôn giáo khác nhau; do đó việc tiếp thu một cách thụ động án lệ - một thứ cứng nhắc và ra đời từ rất lâu không phù hợp với người Mỹ.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng không phải là nước khởi nguồn của văn hóa án lệ nên họ cũng sẵn sàng cải tiến văn hóa đó hơn và một trong những cách cải tiến tập quán án lệ là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

2.2.Vai trò của án lệ trong hệ thống nguồn luật Anh.

Số lượng nguồn luật ở Anh rất phong phú bao gồm năm loại: Án lệ, luật thành văn, luật Liên Minh Châu Âu, tập quán pháp địa phương và các tác phẩm có uy tín. Trong đó án lệ được coi là nguồn pháp luật đầu tiên do lịch sử hình thành của hệ thống pháp luật này.

Nước Anh được xem là quê hương của án lệ, vì vậy mà án lệ đóng một vai trò rất quan trọng và chiếm đa số trong hệ thống pháp luật Anh. Trong hệ thống pháp luật này có một nguyên tắc ra đời từ khoảng thế kỉ XII có tên Latinh là “ Stare decisis” có nghĩa là tuân thủ các phán quyết trước đây và không phá vỡ những quy phạm pháp luật đã được thiết lập trong án lệ. Theo nguyên tắc này, tòa án cấp dưới chịu sự ràng buộc bởi các nguyên tắc pháp lý do tòa án cấp trên sáng tạo ra được ghi nhận trong các bản án trong quá trình xét xử các vụ việc trong quá khứ. Tuy nhiên việc tuân thủ nguyên tắc “Stare decisis” ở Anh có phần khắt khe hơn rất nhiều so với Mỹ.

Án lệ ở Anh đậm nét hơn bởi lẽ nguyên tắc này đã in sâu vào tiềm thức của người Anh. Việc bám sát tiền lệ pháp trong hoạt động xét xử là yêu cầu nghiêm ngặt. Mức độ tuân thủ nguyên tắc “Stare decisis” của các tòa án Anh thể hiện Ở sự không muốn phủ nhận các phán quyết trong quá khứ của chính mình. Ngoài ra các tòa án Anh tạo ra luật và thay đổi luật bằng các bản án của họ nhưng các thẩm phán có xu hướng ra sức biện luận trong các bản án của mình rằng trong các vụ án đang thụ lí họ không làm gì hơn ngoài việc tìm ra các quy định pháp luật đã có và đã được động đến trong án lệ.

Ở Anh những phán quyết của Thượng nghị viện, tòa án phúc thẩm và tòa án cấp cao đều có giá trị ràng buộc đối với các tòa án thấp hơn. Tuy nhiên không phải toàn bộ các phán quyết của các tòa án này đều có giá trị ràng buộc mà chỉ có bản án được xuất bản mới trở thành án lệ và có giá trị ràng buộc. Phán quyết của tòa phúc thẩm và tòa án cấp cao không có giá trị ràng buộc Thượng nghị viện nhưng thông thường Thượng nghị viện rất tôn trọng phán quyết của các tòa án này. Từ sau năm 1966 Thượng nghị viện Anh không bắt buộc phải tuân thủ các phán quyết của chính mình. Phán quyết của Tòa án hình sự trung ương, Tòa địa hạt và Tòa án hình sự và gia đình không phải là án lệ và không có giá trị ràng buộc. Trong mỗi bản án cũng chỉ có phần các nguyên tắc đề ra phán quyết là có giá trị ràng buộc; còn phần bình luận của thẩm phán chỉ có giá trị để tham khảo.

Việc áp dụng án lệ phải thỏa mãn những điều kiện về nguyên tắc và đòi hỏi trên thực tế. Án lệ phải tồn tại từ lâu và phù hợp với nội dung vụ việc đang xem xét. Thẩm phán thường phải sử dụng phương pháp chung là đi tìm án lệ để áp dụng và nếu không có án lệ có liên quan, người thẩm phán sẽ vận dụng án lệ có bản chất gần gũi với vụ việc đang giải quyết. Việc bám sát vào tiền lệ pháp trong quá trình xét xử là quá trình cần thiết. Thực tế đòi hỏi việc sử dụng án lệ phải đảm bảo được tính chắc chắn và sự ổn định của một hệ thống pháp luật.

2.3. Vai trò của án lệ trong hệ thống nguồn luật Mỹ.

So với Anh, số lượng nguồn luật của Mỹ ít hơn chỉ bao gồm ba loại: Án lệ, luật thành văn và các tác phẩm của các học gia pháp lý. Nếu như Anh được xem là quê hương của án lệ thì Mỹ có án lệ là do trong lịch sử chịu sự đô hộ của Anh. Cho nên, vị trí của án lệ ở quốc gia này không được coi trọng như ở Anh.

Ở Mỹ, tiền lệ pháp được tất cả các tòa án trích dẫn rất thường xuyên nhưng trong các bản án cũng dành rất nhiều chỗ cho quan điểm của thẩm phán về chính sách chung, đặc biệt là những vụ việc tòa án coi là quan trọng. Như vậy, so với thẩm phán Anh, thẩm phán Mỹ rõ ràng đã đề cập nhiều hơn tới hệ quả thực tiễn của một phán quyết xem nó có phù hợp với nhu cầu chính sách hay không hơn là sự kiên định, phù hợp với lập luận của thẩm phán trong án lệ trước đó.

Ở Mỹ mặc dù tỉ lệ án lệ trong hệ thống nguồn pháp luật không cao như Anh nhưng án lệ của Tòa án cấp cao lại có vị trí đặc biệt trong cơ chế bảo hiến. Nhiều quy định cụ thể trong Hiến pháp đã được cụ thể trong các phán quyết của tòa án.

Ở Mỹ mỗi bang đều có hệ thống tòa án độc lập của riêng mình.  Ớ tất cả các bang, phán quyết của tòa án tối cao và tòa án phúc thẩm thường được xuất bản. Mặc dù tiền lệ pháp ở mỗi bang không chịu sự ràng buộc những bang còn lại nhưng rất có thể có ảnh hưởng lẫn nhau và cũng có thể ở trong trạng thái trái ngược nhau do các bang có quan điểm khác nhau về vấn đề cần giải quyết. Do vậy dường như án lệ không hoạt động hiệu qủa ở Mỹ khi các phán quyết ở các bang có thể xung đột với nhau, không nhất thiết có sự ràng buộc lẫn nhau và không có tòa án nào coi mình chịu sự ràng buộc bởi phán quyết của chính mình. Đặc biệt Tòa án tối cao của Mỹ cũng thẳng thắn khẳng định rằng kết quả xét xử của một vụ việc có thể dựa trên chính sách chung nhiều hơn là dựa vào án lệ và rằng triết lí của tòa án thay đổi tùy theo quan điểm của cá nhân của người thẩm phán về vấn đề đang giải quyết và ở thời điểm giải quyết vụ việc.

Qua những phân tích trên đây, ta thấy rằng án lệ có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống nguồn luật của dòng họ Common Law. Tiêu biểu là ở hai hệ thống pháp luật lớn trên thế giới Anh- Mỹ tuy có sự tương đồng về lịch sử hình thành, dòng họ nhưng ở mỗi quốc gia thì vai trò của án lệ lại được thể hiện rất khác biệt. Chính điều này đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong hệ thống nguồn luật của dòng họ Common Law.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình luật so sánh, Trường đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
2. Nguồn pháp luật trong hệ thống pháp luật Anh- Mỹ, PGS. TS Thái Vĩnh Thắng, Tạp chí luật học, Trường đại học Luật Hà Nội, số 11/2007.

3. http://ebook.ringring.vn/xem-tai-lieu/su-khac-nhau-ve-vai-tro-cua-luat-thanh-van-va-an-le-trong-he-thong-phap-luat-anh-va-my/51717.html

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lâm Hứa - K37 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment