30/06/2014
Tính giai cấp của pháp luật - Bài tập cá nhân Lý luận Nhà nước và pháp luật
Bài tập Lý luận Nhà nước và pháp luật có đáp án.

Đề tài: Tại sao pháp luật có tính giai cấp? Tính giai cấp của pháp luật được thể hiện như thế nào?

Bài làm:

Ta định nghĩa: “Pháp luật là hệ thống các qui tắc xử sự do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội” 1 Pháp luật ra đời cùng sự ra đời của nhà nước, gắn liền với nhà nước. Theo học thuyết Mác Lênin, pháp luật chỉ ra đời, tồn tại trong xã hội có giai cấp, là sản phẩm của xã hội đó. Nói đến bản chất của pháp luật trước hết phải nói đến tính giai cấp của nó, không có “pháp luật tự nhiên” hay pháp luật không mang tính giai cấp.

Sở dĩ nói pháp luật có tính giai cấp bởi: Khi xã hội có sự phân chia con người thành các giai cấp, các lực lượng xã hội khác nhau thì bao giờ cũng có một giai cấp hay một lực lượng cầm  quyền, lãnh đạo xã hội. Ngay từ trong nguồn gốc ra đời, nhà nước và pháp luật là những hiện tượng không thể tách rời. Cùng với nhà nước, pháp luật cũng là một công cụ nằm trong tay giai cấp hay lực lượng đó để thực hiện và bảo vệ quyền quyền và địa vị thống trị cũng như lợi ích của lực lượng này. Nhà nước và pháp luật chỉ là sản phẩm của xã hội có giai cấp.

Tính giai cấp của pháp luật được thể hiện trên hai phương diện chủ yếu sau:

Pháp luật phản ánh ý chí nhà nước của giai cấp thống trị trong xã hội. Theo nghĩa thông thường, ý chí được hiểu là “Khả năng tự xác định mục đích cho hành động và hướng hoạt động của mình khắc phục khó khăn nhằm đạt mục đích đó” 2 .Ý chí là khả năng đặc thù của loài người vì các loài động vật khác chỉ hành động theo bản năng mà không có ý chí còn con người khi đã có khả năng nhận thức đầy đủ thì hành vi của họ luôn nhằm đạt tới một mục đích nhất định. Các giai cấp thống trị lực lượng cầm quyền trong lịch sử đều theo đuổi mục đích củng cố và bảo vệ quyền thống trị của mình, chúng tìm mọi cách để đạt mục đích đó. Một trong những cách hiệu quả nhất là biến ý chí của chúng thành ý chí của nhà nước và từ ý chí của nhà nước sẽ thể hiện thành các qui định cụ thể của pháp luật, tức là thành các quy tắc xử sự có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoăc thực hiện trong toàn xã hội. C. Mác và Ănghen khi nghiên cứu về pháp luật tư sản đã đi đến kết luận: Pháp luật tư sản chẳng qua chỉ là ý chí của giai cấp tư sản được đề lên thành luật, cái ý chí mà nội dung của nó là do điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp tư sản quyết định. 3 Nhờ nắm trong tay quyền lực nhà nước, giai cấp thống trị đã thông qua nhà nước để thể hiện ý chí của giai cấp mình một cách tập trung, thống nhất và hợp pháp hoá thành ý chí của nhà nước. Ý chí đó được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật do nhà nước cơ quan có thêm  quyền ban hành. Nhà nước ban hành và đảm bảo cho pháp luật được thực hiện.

Pháp luật là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội vì lợi ích của giai cấp thống trị. Mục đích của pháp luật trước hết là nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Vì vậy pháp luật là nhân tố để điều chỉnh về mặt giai cấp các quan hệ xã hội nhằm hướng tới các quan hệ xã hội phát triẻn theo một “trật tự” phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, bảo vệ củng cố địa vị của giai cấp thống trị. Pháp luật là sự thể chế hoá nhằm bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chính sách, đường lối chính trị của lực lượng cầm quyền, giúp cho lực lượng này thực hiện được quyền lãnh đạo của nó đối với toàn xã hội. Với ý nghĩa đó, pháp luật chính là công cụ để thực hiện sự thống trị giai cấp.

Trong pháp luật có nhiều qui định thể hiện tính giai cấp của nó như: các qui định thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữ tài sản, quyền thống trị về chính trị và tư tưởng, quyền lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội của lực lượng cầm  quyền; xác lập hệ tư tưởng thống trị trong xã hội…

Bản chất giai cấp là thuộc tính chung của bất kì kiểu pháp luật nào nhưng mỗi kiểu pháp luật lại có những nét riêng và cách biểu hiện riêng. Ví dụ: Pháp luật chủ nô công khai qui định quyền lực vô hạn của chủ nô, tình trạng vô quyền của nô lệ. Pháp luật phong kiến công khai qui định đặc quyền, đặc lợi của địa chủ phong kiến cũng như quy định các chế tài hà khắc dã man để đàn áp nhân dân lao động. Trong pháp luật tư sản, bản chất giai cấp được thể hiện một cách then trọng, tinh vi dưới nhiều hình thức như quý định về mặt pháp lý những quyền tự do, dân chủ… nhưng thực chất pháp luật tư sản luôn thế hiện ý chí của giai cấp tư sản và mục đích trước hết nhằm phục vụ lợi ích cho giai cấp tư sản. Pháp luật XHCN thể hiện ý chí của giai cấp công nhânvà nhân dân lao động, là công cụ để xây dựng một xã hội mới trong đó mọi người đều được sống tự do, bình đẳng, công bằng xã hội được đảm bảo.

(1) Giáo trình “Lý luận nhà nước và pháp luât” - ĐH Luật HN, Nxb Công An Nhân Dân, Hà Nội 2009, trang 66
(2) Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng 2002, trang 1167
(3) Mác-Ănghen, Tuyển tập, Tập 1 Nxb Sự thật, Hà Nội 1980, trang 262, 263
   
Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Giáo trinh lý luận nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội. Nxb Công An nhân dân. Hà Nội 2009
2. Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật – Khoa Luật ĐH Quốc gia
3. Những nội dung cơ bản của môn học Lý luận về nhà nước và pháp luật - Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Thị Hồi và Lê Vương Long (chủ biên) – nxb GTVT, Hà Nội 2008
4. Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật – Nguyễn Văn Động – Nxb Giáo dục, Hà Nội 2008
5. Hỏi đáp những tri thức cơ bản môn Lý luận chung về nhà nước và pháp luật – TS. Trần TháI Dương - Nxb Tư Pháp, Hà Nội 2004

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment