Công chứng, chứng thực có tầm ảnh hưởng rất lớn và quan trọng đến đời sống, xã hội và phát triển kinh tế. Bởi trong cuộc sống đời thường cũng như trong dân sự, kinh tế, thương mại diễn ra nếu không suôn sẻ thì các đương sự tìm kiếm chứng cứ, hoặc là để bênh vực cho lý lẽ của mình hoặc là bác bỏ lập luận của đối phương. Để phòng ngừa các tranh chấp, bảo đảm an toàn pháp lý cho các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại mà đương sự tham gia, họ cần đến chứng cứ công chứng, chứng thực loại chứng cứ xác thực, chứng cứ đáng tin cậy hơn hẳn các loại giấy tờ không có công chứng hoặc chỉ trình bày bằng miệng. Nhưng trên thực tế hoạt động này đang bị một số kẻ lợi dụng nhằm chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp, để hoạt động công chứng, chứng thực thực sự có ích cho sự phát triển xã hội thì việc quản lý nhà nước về hoạt động này là vô cùng quan trọng.
Nội dung
1. Lý luận chung quản lý nhà nước về công chứng và chứng thực
1.1. Khái niệm quản lý nhà nước về công chứng và chứng thực.
Nhìn một cách tổng quát nhất, quản lý là "tác động của chủ thể lên đối tượng theo mục tiêu nhất định" (Từ điển Luật học do Viện Khoa học Pháp lý biên soạn năm 2006). Nói cách khác, quản lý chính là hành vi tác động bằng sức mạnh quyền uy của chủ thể quản lý lên đối tượng chịu sự quản lý theo những mục tiêu, trật tự nhất định mà chủ thể quản lý hướng tới. Quản lý có thể được thực hiện dưới nhiều dạng khác nhau, bằng nhiều biện pháp cũng như hình thức tác động không giống nhau. Do đó, quản lý công chứng, chứng thực là hoạt động quản lý nhà nước được pháp luật quy định rất cụ thể về thẩm quyền quản lý của các chủ thể có thẩm quyền đó là các cơ quan nhà nước cụ thể là chính phủ, bộ tư pháp, bộ ngoại giao và các bộ ngành có liên quan ngoài ra có UBND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương cũng có thẩm quyền quản lý về hoạt động công chứng, chứng thực ở tại địa phương. Tiếp đó UBND huyện và các cấp tương đương cũng có thẩm quyền quản lý các hoạt động công chứng, chứng thực ở tại địa bàn. Các chủ thể này có thể sử dụng các biện pháp quản lý, dưới nhiều hình thức tác động khác nhau (ví dụ như ban hành chính sách, thực thi chính sách và thanh tra, kiểm tra...) nhằm đảm bảo hệ thống công chứng, chứng thực được tổ chức, vận hành theo đúng chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật quy định.
1.2. Tầm quan trọng của việc quản lý nhà nước về công chứng và chứng thực
Khoa học pháp lý chỉ ra rằng khách thể của quản lý chính là trật tự quản lý và trật tự này được xác định bởi nhiều loại quy phạm xã hội khác nhau như quy phạm đạo đức, quy phạm tôn giáo, quy phạm pháp luật... Như vậy, quản lý công chứng, chứng thực chính là điều kiện và cũng là tiền đề để thiết chế này vận hành theo đúng trật tự quản lý đã được pháp luật quy định. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm "xã hội hoá" hoạt động công chứng trong tình hình không mấy thuận lợi. Khó khăn thứ nhất là kinh nghiệm thực tế cũng như cơ sở lý luận đặt nền móng cho vấn đề "xã hội hoá" hoạt động công chứng vẫn còn trong quá trình hoàn thiện, tích luỹ. Khó khăn thứ hai là chúng ta hiện vẫn chưa "chuẩn hoá" được chất lượng của dịch vụ công chứng trên một số phương diện cơ bản như: chất lượng nhà cung cấp dịch vụ (bao gồm công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng), giá cả dịch vụ (cụ thể là mức chi phí và thù lao công chứng) và "nguyên liệu đầu vào" của văn bản công chứng (các giấy tờ, tài liệu mà người yêu cầu công chứng phải xuất trình cho công chứng viên khi đề nghị công chứng một giao dịch cụ thể). Điều này có nghĩa cùng một yêu cầu công chứng nhưng sẽ có nhiều cách giải quyết khác nhau với một bộ hồ sơ không giống nhau trong khi giá cả lại có sự chênh lệch nhất định. Do đó, vai trò quản lý đối với hoạt động công chứng vốn dĩ đã không thể thiếu nay lại càng trở nên vô cùng quan trọng.
Như vậy, có thể thấy hoạt động quản lý nhà nước về công chứng và chứng thực giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội: Nó đảm bảo cho hoạt động giao lưu dân sự ổn định và giúp các cơ quan tư pháp giải quyết các tranh chấp nhanh chóng, chính xác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khi xảy ra tranh chấp trong các giao lưu dân sự.
2. Thực trạng quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực ở nước ta hiện nay
Theo quy định tại Luật Công chứng chứng 2006, nghị định 79/2007/ NĐ – CP, pháp luật vẫn giao cho tổ chức thuộc hệ thống cơ quan hành pháp đóng vai trò chủ đạo trong công tác quản lý công chứng và chứng thực. Về cơ bản, cơ chế quản lý công chứng, chứng thực hiện được xây dựng theo trục dọc Chính phủ - Bộ Tư pháp (Bộ Ngoại giao cũng như các bộ, cơ quan ngang bộ) - UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện. Trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan nói trên được quy định tại Điều 11 Luật Công chứng 2006 và Điều 20 nghị định 79/2007/NĐ - CP.
2.1. Quản lý nhà nước về công chứng
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng, Luật công chứng 2006 phân định rõ nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan trong quản lý về tổ chức và hoạt động công chứng, theo hướng tăng cường vai trò của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với việc phát triển và quản lý hệ thống tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý nhà nước về công chứng trên phạm vi toàn quốc, trong đó Bộ Tư pháp là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, qua các quy định về chức năng quản lý công chứng được ghi nhận tại Luật Công chứng ngày 29/11/2006, có thể dễ dàng nhận thấy hình thức quản lý nhà nước đối với công chứng vẫn được duy trì và cá nhân, tổ chức thực hiện chức năng quản lý chủ yếu vẫn nằm trong hệ thống cơ quan hành pháp. Cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về công chứng được quy định tại Điều 11 Luật công chứng 2006: “1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công chứng. 2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ ….5. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện việc quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương và có các nhiệm vụ, quyền hạn …”. Mặc dù không được quy định là một cấp quản lý độc lập nhưng Sở Tư pháp có nhiệm vụ giúp việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công chứng trong phạm vi địa phương mình (Điều 2, Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/1/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng). Căn cứ quy định trên có thể thấy trách nhiệm quản lý công chứng của Sở Tư pháp rất rộng lớn bao gồm cả việc hoạch định chính sách, thực hiện chính sách cũng như thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Nhìn chung, cũng giống như quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trước đó về công chứng, vai trò quản lý nhà nước của Tòa án, một cơ quan tư pháp, đối với công chứng cũng chỉ dừng lại ở việc giải quyết yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được quy định tại văn bản công chứng của một trong các bên đương sự tham gia giao kết hợp đồng công chứng hoặc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (Điều 6 và Điều 45, Luật Công chứng ngày 29/11/2006). Điểm mới đáng kể nhất trong vai trò quản lý của Tòa án đối với công chứng chính là quy định "trong trường hợp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng thì các bên có quyền khởi kiện vụ việc ra Tòa án để giải quyết tranh chấp đó" được ghi nhận tại Điều 64, Luật Công chứng ngày 29/11/2006. Tuy đã được cải thiện một cách đáng kể nhưng rõ ràng, vai trò quản lý nhà nước của Tòa án đối với công chứng vẫn còn mờ nhạt và ở trong thế bị động, hướng tới giải quyết tranh chấp nhiều hơn là phòng ngừa xảy ra tranh chấp. Ngoài ra, chúng ta có thể bắt gặp những quy định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về công chứng tại một số văn bản khác. Ví dụ, công tác thanh tra, kiểm tra công chứng được ghi rõ trong Nghị định số 74/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/8/2006 quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tư pháp. Nghiên cứu nội dung Khoản 2, Điều 7 và Khoản 2, Điều 10, Nghị định nói trên, cho thấy cả thanh tra Bộ Tư pháp và thanh tra Sở Tư pháp đều có nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, kiểm tra công chứng.
2.2. Quản lý nhà nước về chứng thực
Về chứng thực để tăng cường công tác quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, bên cạnh việc xác định nội dung quản lý nhà nước, Nghị định 79/2007/NĐ – CP còn phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý về hoạt động cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký theo hướng tăng cường vai trò quản lý trực tiếp của cấp tỉnh đối với cấp huyện, cấp huyện đối với cấp xã đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong phạm vi cả nước; cụ thể Điều 20 nghị định 79/2007/NĐ – CP quy định: “1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. 2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ ... 6. Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong địa phương mình ...”.
2.3. Những tồn tại trong quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực
Qua tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về công chứng, chứng thực thì quản lý nhà nước về công chứng và chứng thực ở nước ta còn những hạn chế nhất định như:
Ngay tại Luật Công chứng 2006, mặc dù công chứng đã chính thức được coi là một nghề nhưng chúng ta không tìm thấy bất kỳ quy định nào về tổ chức và hoạt động của hiệp hội nghề nghiệp dành cho công chứng viên chứ chưa nói đến vị trí và vai trò của chúng trong cơ chế quản lý công chứng. Nói theo cách khác, bên cạnh cơ chế quản lý nhà nước, các nhà làm luật chưa xác định cơ cấu tổ chức cũng như chức năng quản lý mang tính xã hội nghề nghiệp đối với hoạt động công chứng. Rõ ràng, điều đó khiến cho cơ chế quản lý công chứng được tổ chức và vận hành giống như cơ chế quản lý các hoạt động hành chính nhà nước thuần túy khác.
- Hiện nay, pháp luật xếp công chứng là một chế định bổ trợ tư pháp còn về mặt tổ chức, các phòng công chứng lại được xếp vào hệ thống cơ quan hành chính sự nghiệp. Chúng ta dễ dàng nhận thấy công chứng gắn liền và song hành với cả hoạt động quản lý hành chính lẫn hoạt động tư pháp nói chung (tư pháp ở đây được hiểu theo nghĩa hoạt động xét xử của Tòa án). Tuy nhiên, cơ chế quản lý công chứng lại thuần túy chỉ do cá nhân, tổ chức thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trong khi cá nhân, tổ chức thuộc hệ thống cơ quan tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp lại không có bất kỳ một nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, rõ ràng trong công tác quản lý công chứng, ngoài việc xem xét giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Như vậy, cơ chế quản lý hiện hành chưa phản ánh đúng bản chất công chứng. Khiếm khuyết này đã được khắc phục phần nào theo quy định tại Luật Công chứng ngày 29/11/2006 nhưng vai trò quản lý của Tòa án đối với công chứng vẫn còn thụ động. Như vậy, mặc dù đã có những thay đổi nhất định, nhưng nhìn chung, cơ chế quản lý công chứng ở nước ta vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơ chế quản lý công chứng được quy định tại pháp luật công chứng của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cũ. Ngay cả khi mô hình tổ chức công chứng hành nghề tự do đã ra đời thì cơ chế quản lý công chứng của Việt Nam vẫn chưa thực sự có những thay đổi cho phù hợp.
3. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực ở nước ta hiện nay
Thứ nhất, phải hoàn thiện quy định về cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý. Nói một cách cụ thể, chúng ta cần gấp rút ban hành văn bản cho phép thành lập hiệp hội công chứng với tư cách là tổ chức nghề nghiệp của công chứng viên và kèm theo đó là tiến hành xây dựng quy chế hoạt động cho hiệp hội này. Hiệp hội công chứng không chỉ là nơi đóng vai trò trung gian giải quyết qua con đường hòa giải bất đồng nảy sinh giữa những đồng nghiệp, đưa ra các chỉ dẫn, khuyến cáo trong quá trình tác nghiệp cho công chứng viên mà đây cũng chính là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi của công chứng viên trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần nhỏ chức năng của hiệp hội công chứng.
Để giảm thiểu nhân lực nhưng vẫn nâng cao hiệu quả quản lý, ngoài việc duy trì chức năng quản lý công chứng của nhà nước, hầu hết các quốc gia đều cho phép hiệp hội công chứng đóng một số vai trò quản lý nhất định đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp này. Tùy vào pháp luật của mỗi quốc gia, hiệp hội công chứng có nhiệm vụ, quyền hạn quản lý rất khác nhau từ tham gia đào tạo, xem xét kỷ luật công chứng viên; hay tiến hành thanh tra, kiểm tra công chứng... thậm chí, cho ý kiến cũng như xây dựng quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, hoạch định chính sách phát triển công chứng trong tương lai... Như vậy, ngoài việc củng cố cơ chế quản lý công chứng mang tính quyền lực nhà nước, chúng ta cần xây dựng bổ sung cơ chế tự quản hay còn gọi là quản lý công chứng mang tính xã hội - nghề nghiệp. Hơn nữa, chúng ta cũng cần xác định rõ quyền hạn, nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp trong công tác quản lý công chứng của hai hệ thống cơ quan trên.
Thứ hai, cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý công chứng của tổ chức, cá nhân nằm trong hệ thống cơ quan tư pháp hoặc bổ trợ tư pháp. Mặc dù theo quy định tại Luật Công chứng ngày 29/11/2006, vai trò quản lý công chứng của Tòa án ở nước ta đã được nâng lên một bước, nhưng như phân tích ở trên, vai trò quản lý công chứng của hệ thống cơ quan tư pháp các cấp vẫn còn thụ động. Theo quy định hiện hành, Tòa án đóng một vai trò quản lý công chứng rất khiêm tốn và cũng chỉ có điều kiện thể hiện vai trò quản lý khi xảy ra tranh chấp và nhận được yêu cầu từ một trong các bên có liên quan. Chính cách quy định này khiến cho hiệu quả quản lý của hệ thống Tòa án các cấp đối với công chứng không cao. Trong khi đó, với tư cách một hoạt động bổ trợ tư pháp, công chứng có chức năng tạo lập và cung cấp chứng cứ phục vụ cho công tác xét xử của Tòa án nên rõ ràng, vai trò quản lý của Tòa án đối với công chứng như quy định hiện nay là chưa tương xứng. Do đó, cơ chế quản lý công chứng phải được hoàn thiện theo hướng tăng cường hơn nữa vai trò chủ động quản lý công chứng của Tòa án, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của hệ thống cơ quan này mà còn phù hợp với bản chất công chứng.
Thứ ba, tăng cường cơ chế giám sát, minh bạch hóa hoạt động công chứng, yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng phải niêm yết thông tin đường dây nóng (số điện thoại của lãnh đạo Sở, phòng chuyên môn, thanh tra Sở, địa chỉ hòm thư điện tử) tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân giám sát, phản ánh về hoạt động công chứng, đồng thời chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng ký cam kết mức thu thù lao trên địa bàn. Các phòng chuyên môn, thanh tra Sở thường xuyên tiến hành kiểm tra nắm tình hình, thanh tra đối với các tổ chức hành nghề công chứng nhằm kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Kết luận
Trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công chứng, chứng thực ở Việt Nam đang chứng tỏ là một công cụ đắc lực phục vụ quản lý nhà nước có hiệu qủa góp phần tích cực phòng ngừa tranh chấp, tạo ra sự an toàn cho các quan hệ pháp lý cho các quan hệ giao dịch trong xã hội. Vì vậy để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tốt hơn nhu cầu công chứng, chứng thực của cá nhân, tổ chức góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thì sự quản lý của nhà nước đối với lĩnh vực này ngày càng đóng một vai trò quan trọng.
Danh mục tài liệu tham khảo
1, Bài giảng của TS. Hoàng Quốc Hồng, đại học Luật Hà Nội
2, Điều 6 Luật công chứng năm 2006.
3, Nghị định 79/2007/NĐ-CP của chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.
4,hhttp://luatsutuvan.com.vn/congchung/modules.php?name=Content&opcase=Details&mcid=140&id=120&menuid=
5, http://pccs2-tthue.vn/Views/InfoTwo.aspx?OneID=7&TwoID=47
Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment