Trường Đại học Luật Hà Nội bắt đầu áp dụng giảng dạy theo chương trình tín chỉ từ năm học 2007 - 2008. Đến nay, tất cả các môn học đã thực hiện giảng dạy theo hình thức đào tạo mới này. Qua hơn bốn năm thực hiện dạy và học theo phương pháp mới, những ưu điểm của việc giảng dạy theo học chế tín chỉ đã được phát huy khá hiệu quả và những tồn tại cũng phần nào được khắc phục. Là môn được giảng dạy và học theo phương pháp mới, môn học xây dựng văn bản pháp luật đã đạt được những thành công đáng kể trong công tác dạy và học khi áp dụng theo phương pháp mới này. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng còn rất nhiều điểm hạn chế cần được nhìn nhận và giải quyết triệt để để nâng cao hiệu quả của việc dạy và học.
NỘI DUNG
I. Tình hình học tập môn xây dựng văn bản pháp luật theo phương pháp tín chỉ.
Kể thừ khi áp dụng phương pháp đào tạo mới đối với các môn nói chung và môn xây dựng văn bản nói riêng, công tác day- học đã đạt được kết quả tốt hơn hẳn so với phương pháp dạy- học cũ. Cả giảng viên lẫn sinh viên đều chủ động hơn trong việc dạy- học; Việc kiểm tra- đánh giá được tiến hành bằng nhiều hình thức đa dạng nên gánh nặng thi cử được giảm nhẹ; Việc phân loại chất lượng sinh viên cũng được phân loại rõ rệt hơn; đã có nhiều sinh viên có thể xây dựng được cấu trúc văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh; người dạy đưa ra những ví dụ, những dẫn chứng sinh động làm giảm sự căng thẳng, đem đến sự thoải mái khiến việc tiếp thu kiến thức trên lớp của sinh viên cũng hiệu quả hơn.
Cũng như các môn học khác, môn xây dựng văn bản pháp luật đòi hỏi sinh viên phải biết đọc giáo trình trước khi nghe giảng bài mới, biết xác định nội dung cơ bản của bài mới, biết đánh dấu chỗ chưa hiểu, biết đặt câu hỏi thắc mắc, biết đọc và đi sâu vào phần mình hứng thú. Trong giảng giờ lí thuyết, ít nhất sinh viên phải nắm bắt được những kiến thức thuộc nội dung mục tiêu bậc 1 (phần này yêu cầu sinh viên tự đọc và nắm bắt được thông qua việc tự học ở nhà), tuy nhiên đa số sinh viên còn lúng túng khi được hỏi về vấn đề này.
Rất nhiều sinh viên cho rằng “Có thời khoá biểu và lịch học rồi thì cần gì phải lập kế hoạch học tập nữa”. Điều này chứng tỏ đa số sinh viên không hiểu lập kế hoạch là gì, nên không biết lập kế hoạch tháng cũng như kế hoạch cả năm học. Đối với môn xây dựng văn bản pháp luật, sinh viên căn cứ vào lịch trình chung của môn học diễn ra trong 5 tuần để lập kế hoạch học tập môn học trong đó tuần thứ 4 hoàn thành bài tập nhóm tháng; tuần thứ 5 hoàn thành bài tập cá nhân và bài tập lớn học kì. Từ đó lập kế hoạch tự học, tìm hiểu tài liệu tham khảo ở thư viện như thế nào cho phù hợp.
Rất nhiều sinh viên chưa xây dựng được kĩ năng ghi chép trong hoạt động trên lớp, biểu hiện là ghi bài dàn trải tất cả những nội dung giáo viên giảng trên lớp, chưa biết tóm lược theo ý riêng của bản thân.
Từ việc chưa xác định được nhiệm vụ học tập cũng như chưa có phương pháp học đúng đắn dẫn đến một số lượng không nhỏ sinh viên học tập theo cách đối phó. Điều này thể hiện:
Một số sinh viên truy cập, tra cứu thông tin trên mạng Internet, sách, báo… và “bê nguyên xi” dung lượng thông tin thu thập được vào việc giải bài tập mà không có sự phân tích, bình luận, đánh giá thể hiện chính kiến cá nhân.
Vẫn còn một số trường hợp sinh viên sao chép phần giải bài tập của nhau. Điều này được phản ánh trong quá trình đánh giá kết quả bài tập cá nhân, có một số bài nội dung giống nhau toàn bộ hoặc giống nhau một phần.
Một số thành viên trong nhóm còn có thái độ ỷ lại, không tích cực tham gia vào quá trình giải bài tập nhóm. Điều này được thể hiện trong biên bản làm việc nhóm hoặc trong phần thuyết trình kết quả làm việc nhóm.
Một bộ phận nhỏ sinh viên học tập theo kiểu chống chế, thiếu ý thức tự giác. Điều này thể hiện ở việc nộp bài tập có số trang quá ngắn (từ 1 - 2 trang), nội dung sơ sài, chữ viết cẩu thả, không đánh máy hoặc trích dẫn, viện dẫn các số liệu không có chú thích, không có danh mục tài liệu tham khảo v.v..
Trong và ngoài giờ tư vấn, sinh viên không hỏi các nội dung bài giảng mà chủ yếu hỏi giáo viên về cách thức giải quyết các loại bài tập v.v..
II. Nguyên nhân.
Xét về ý thức chủ quan, tình trạng nói trên ít nhiều có sự “đóng góp” của nhiều người: từ sinh viên, từ giảng viên, từ yếu tố quản lí, cơ sở vật chất…
Về phía sinh viên, chưa định hướng được quá trình học tập, chưa xác định được nhiệm vụ học tập, cũng có thể do sinh viên chưa tích cực học tập. Cùng thời gian, mỗi sinh viên phải tham gia làm nhiều loại bài tập của các môn học khác nhau. Đối với nhiều sinh viên, đến hạn phải nộp bài, cường độ làm việc khá căng thẳng. Hơn nữa, các bài tập của các môn học thuộc khoa học xã hội và nhân văn, tính ứng dụng không dễ thực hiện như các bài tập thuộc các môn học khoa học tự nhiên hoặc khoa học kĩ thuật. Bài tập của các môn khoa học xã hội thường tập trung ở việc tìm kiếm thông tin trong các tài liệu, trên mạng internet, xử lí thông tin, viết bài, đánh máy bài tập khi hoàn thành.
Về phía giảng viên: Việc thực hiện lịch giảng nhiều lớp, đánh giá nhiều đề tài bài tập khác nhau dẫn đến việc hầu hết giảng viên khi thực hiện bài tập chỉ dừng ở các hoạt động: cung cấp đề tài, chấm bài tập, lên điểm. Một số giảng viên ngoài các hoạt động trên có thêm các hoạt động góp ý đề cương, hướng dẫn nguồn tài liệu và cách tra cứu.
Ngoài nguyên nhân có tính chất chủ quan của cả sinh viên và giảng viên nêu trên, việc bố trí thời khoá biểu môn xây dựng văn bản pháp luật trong điều kiện số lượng phòng học của sinh viên bị thu hẹp (do việc xây dựng lại nhà A) cũng gây nên những áp lực cho học tập, giảng dạy (đây là nguyên nhân khách quan có tính chất nhất thời và nó sẽ tự mất đi khi nhà A được xây dựng xong, được đưa vào sử dụng với số lượng phòng học đủ lớn và ổn định).
Một yếu tố có tính chất động lực và cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng của môn học là mức hỗ trợ có tính chất khuyến khích về lợi ích kinh tế đối với giảng viên ít nhiều còn hạn chế. Cụ thể, mức tiền lương chi trả cho mỗi giảng viên còn thấp so với sự biến động về giá cả thị trường, so với chi phí đắt đỏ ở Hà Nội. Điều đó khiến cho nhiều giảng viên khó có thể toàn tâm, toàn ý để chuẩn bị tốt cho các tiết học.
III. Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
1. Các yêu cầu cơ bản về người dạy.
Thứ nhất, để giảng dạy tốt môn học xây dựng văn bản pháp luật đòi hỏi mỗi giảng viên phải có hồ sơ bài dạy được chuẩn bị chi tiết. Hồ sơ bài dạy là trung gian giữa đề cương chi tiết và giáo án nhằm cụ thể hoá đề cương chi tiết về các vấn đề như: mục tiêu, nội dung, thời gian, địa điểm, công việc của giảng viên, sinh viên... Hồ sơ bài dạy phải mang tính định hướng nhưng không quá chung chung và phải bám sát mục tiêu bài dạy. Hồ sơ bài dạy bao gồm những thành phần cơ bản sau: Tài liệu hỗ trợ người dạy (giáo án, giáo trình, tài liệu tham khảo, văn bản quy phạm pháp luật, bản án, bài giảng power point, băng video, các tài liệu liên quan, các câu hỏi, bài tập, địa chỉ trang web...). Tài liệu hỗ trợ người học (giáo trình, tài liệu tham khảo, văn bản quy phạm pháp luật, bản án, các câu hỏi, bài tập, địa chỉ trang web, hình ảnh, đoạn phim hỗ trợ...). Tài liệu quản lí lớp (danh sách lớp, lịch trình học tập, thời khoá biểu...). Kế hoạch thực hiện bài dạy. Bảng công cụ đánh giá (tương tự như đáp án). Lịch trình làm việc cụ thể (thời gian nào, ở đâu, người dạy làm gì, người học làm gì, làm trong bao lâu...).
Thứ hai, để giảng dạy tốt môn học xây dựng văn bản pháp luật đòi hỏi giảng viên phải có phương pháp giảng dạy phù hợp. Giảng viên phải biết tạo ra động lực và hứng thú học tập ở sinh viên, biết nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của môn học, bài học trước khi giảng. Giảng viên cũng phải biết phát huy tất cả các giác quan của sinh viên như: Phát huy thị giác của sinh viên bằng cách viết lên bảng, cho xem hình ảnh, xem trình chiếu; phát huy thính giác của người học bằng cách sử dụng giọng nói trầm bổng, giàu cảm xúc, sử dụng ngữ điệu, âm lượng phù hợp... phát huy xúc giác của sinh viên bằng cách cho tiếp xúc với công cụ, phương tiện liên quan... Biết đánh thức các giác quan của sinh viên bằng những ví dụ thực tiễn, những từ ngữ, kinh nghiệm, sự kiện có tính thời sự... Biết tạo ra môi trường học tập thoải mái, thân thiện, giúp sinh viên tự tin, hứng khởi. Biết tạo ra nhiều cơ hội để sinh viên tự thể hiện mình, thông qua hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm, các bài tập tình huống thực tiễn... Trước khi giảng bài mới phải ôn lại bài cũ để sinh viên nhớ lại những kiến thức đã học và tiếp thu kiến thức mới một cách có hệ thống. Sau khi kết thúc vấn đề phải kết luận lại những nội dung cơ bản, quan trọng của vấn đề đó (nên dùng sơ đồ để thể hiện kết luận) đồng thời phải thông báo trước cho người học những nội dung, học liệu... của bài học sau để sinh viên chuẩn bị, nghiên cứu trước khi tiếp tục lĩnh hội kiến thức mới.
Thứ ba, để giảng dạy tốt môn xây dựng văn bản pháp luật đòi hỏi mỗi người dạy phải là tâm hồn của lớp, phải biết động viên, khích lệ sinh viên nghiên cứu, say mê học tập. Biết lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm với người học, có lòng vị tha, độ lượng. Để tạo sự thoải mái, giảm bớt sự căng thẳng, mỗi vấn đề không nên trình bày liên tục quá 15 phút. Có thể xen kẽ thơ, ca, kể chuyện nhưng phải ngắn gọn và phải phù hợp với nội dung của bài. Tăng cường các hình thức kiểm tra để đánh giá khả năng tiếp thu của sinh viên với những câu hỏi từ dễ đến khó. Thỉnh thoảng cần dừng lại để lắng nghe, tiếp thu sự phản hồi từ phía sinh viên. Ngoài những yêu cầu trên, đòi hỏi mỗi giảng viên phải sử dụng thành thạo các phương tiện giảng dạy hiện đại.
Đối với việc xây dựng các loại bài tập, giảng viên cần thiết kế nhiều dạng bài tập khác nhau, với các dữ kiện và yêu cầu khác nhau để tránh sinh viên có sự sao chép nội dung bài giải của nhau. Đặc biệt nên đưa ra các yêu cầu buộc sinh viên phải nêu quan điểm cá nhân để buộc họ phải động não, suy nghĩ trong việc giải bài tập. Khi phát hiện có sự sao chép của nhau, giảng viên cần có sự xử lí nghiêm khắc. Hơn nữa, việc xử lí này cần được áp dụng thống nhất trong toàn trường nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong việc dạy và học. Đồng thời, các loại bài tập giao cho sinh viên không có sự trùng lặp về nội dung, đa dạng về hình thức và đưa ra các yêu cầu khác nhau đối với mỗi sinh viên. Điều đó đòi hỏi sinh viên phải có sự độc lập suy nghĩ và bộc lộ rõ chính kiến của mình, chú trọng đến việc xây dựng các dạng bài tập nhằm trau dồi kĩ năng phân tích, kĩ năng lập luận, thuyết trình, kĩ năng vận dụng v.v. cho sinh viên.
Cần phải đổi mới cách thức giao bài tập nhóm cho sinh viên theo hướng phân công, làm rõ yêu cầu của từng thành viên trong nhóm đồng thời xác lập cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm. Khi phát hiện có hiện tượng thành viên trong nhóm trông chờ, ỷ lại vào các thành viên khác, giảng viên cần có các biện pháp động viên, uốn nắn kịp thời v.v..
Bộ môn cần duy trì thường xuyên, có nền nếp việc trực tư vấn kịp thời giải đáp các thắc mắc của sinh viên.
2. Các yêu cầu cơ bản về người học.
Để học tốt môn học xây dựng văn bản pháp luật đòi hỏi mỗi sinh viên phải biết tạo cho mình động cơ học tập đúng đắn; nghiên cứu, nắm vững đề cương môn học, nhất là các bậc mục tiêu ứng với từng tuần lên lớp; sưu tầm, nghiên cứu các học liệu mà người dạy yêu cầu; tích cực trao đổi để tìm phương án giải quyết các loại bài tập cá nhân/tuần, nhóm/tháng và bài tập lớn/học kì; tham gia đầy đủ các hình thức dạy-học theo học chế tín chỉ như lên lớp giờ lí thuyết, dự seminar, thảo luận nhóm, các hoạt động thực hành, thực tế, tự học, tự nghiên cứu và các hoạt động khác do người dạy quy định và phải ghi chép, trao đổi, tranh luận những nội dung cơ bản, cần thiết; có trách nhiệm với việc học của chính mình; có tính bền bỉ, kiên trì và năng lực sáng tạo; có khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá, vận dụng những tri thức lí luận để giải quyết những tình huống thực tiễn… và quan trọng nhất là mỗi sinh viên phải xây dựng kế hoạch học tập cho riêng mình.
Việc xây dựng kế hoạch học tập của sinh viên có thể bao gồm một số bước sau:
+ Xác định nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của môn học ( căn cứ vào đề cương của môn học)..
+ Xác định quỹ thời gian tự học cho các môn căn cứ vào lịch trình chung của môn học trên cơ sở đề cương môn học để từ đó phân bố thời gian hợp lý cho môn học xây dựng văn bản pháp luật.
+ Xác định khung thời gian quy định để hoàn thành nhiệm vụ của môn học xây dựng văn bản theo lịch trình.
3. Các yêu cầu cơ bản về học liệu và phương tiện dạy-học.
Học liệu và phương tiện dạy-học là hai khái niệm riêng biệt nhưng xét ở góc độ nào đó chúng cũng có những nét tương đồng. Học liệu là vật chất dùng để chứa đựng thông tin phục vụ cho việc dạy-học; phương tiện là vật chất dùng để khai thác thông tin trong học liệu. Ví dụ, sách chứa đựng chữ, hình ảnh...; đĩa VCD chứa đựng âm thanh, văn bản... Có học liệu giúp sinh viên có thể trực tiếp khai thác được thông tin như sách, tài liệu in ấn... mà không cần sử dụng bất cứ thiết bị, phương tiện gì trợ giúp. Tuy nhiên, cũng có học liệu sinh viên muốn khai thác được thông tin phải thông qua các thiết bị, phương tiện phù hợp.
Để dạy-học tốt môn học xây dựng văn bản đòi hỏi cả giảng viên và sinh viên phải có các loại học liệu và phương tiện dạy-học sau đây: sách, tài liệu in ấn; đĩa hình, đĩa tiếng; sách điện tử; phòng hội thảo, máy chiếu; công cụ đa phương tiện; chương trình vi tính; đầu đọc đĩa; máy vi tính, internet...
Các hội trường phục vụ cho giờ giảng lí thuyết cần trang bị hệ thống máy chiếu để giảng viên có thể giảng dạy theo giáo án điện tử.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp của các bộ môn trong trường trong việc lên lịch giao bài tập và thu bài tập, tránh tình trạng có những thời gian sinh viên phải làm dồn dập rất nhiều bài tập của nhiều môn học dẫn đến chất lượng bài tập của môn xây dựng văn bản nói riêng và các môn học khác nói chung không đạt yêu cầu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, trước khi tiến hành biên soạn học liệu, giảng viên cần nắm vững một số nguyên tắc và kĩ năng sau đây: Giảng viên phải biết trình độ hiện tại của người học để đưa ra học liệu phù hợp vì nếu quá khó sẽ gây ra tâm lí chán nản, bỏ học; ngược lại, nếu quá dễ sẽ gây ra tâm lí chủ quan... Mục tiêu của tài liệu, bài học phải được xác định ngay từ đầu để giúp sinh viên định hướng cách học. Khi biên soạn học liệu, các cụm kiến thức phải được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó, từ cụ thể đến trừu tượng. Để có tư liệu cho việc biên soạn học liệu, giảng viên có thể dựa vào giáo trình, sách tham khảo hiện hành... Các ví dụ sinh động có thể lấy từ những văn bản thực tế, điển hình và có tính thời sự liên quan đến nội dung của bài học.
KẾT LUẬN
Công tác dạy và học môn xây dựng văn bản pháp luật theo phương pháp tín chỉ đã và đang đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan dẫn đến kết quả của việc dạy và học còn hạn chế, chất lượng dạy- học chưa cao. Để khắc phục tình trạng đã nêu trên, rất cần có sự thay đổi cả ở phía nhà trường, giảng viên và cả ở sinh viên, như: Phải đổi mới phương pháp trong công tác dạy- học, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy- học cần được đáp ứng đầy đủ so với yêu cầu của môn học, đảm bảo lợi ích cho người dạy… Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là ý thức trong việc dạy và học của giảng viên cũng như sinh viên, phải ý thức được tầm quan trọng của việc dạy- hoc cũng như nhiệm vụ của bản thân mình thì việc dạy- học môn xây dựng văn bản nói riêng và các môn khác nói chung mới đạt được kết quả tốt.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình xây dựng văn bản pháp luật Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb CAND, Hà Nội, 2008;
2. Đỗ Đức Hồng Hà, “ Những vấn đề về dạy - học theo học chế tín chỉ” Tạp chí luật học, số 7/2009;
3. Nguyễn Quang Tuyến, “Kinh nghiệm xây dựng và phương thức giao các loại bài tập theo học chế tín chỉ”, tạp chí luật học, số 3/2010;
4. Bùi Kim Chi, “ Kĩ năng học tập của sinh viên luật trong đào tạo theo học chế tín chỉ” Tạp chí luật học, số 7/2010;
5. Nguyễn Thị Hiền, “Một số suy nghĩ về bài tập nhóm qua hai năm đào tạo tín chỉ ở Trường Đại học Luật Hà Nội”, Tạp chí luật học, số 2/2011
No comments:
Post a Comment