09/05/2014
Thực trạng hoạt động của Đại biểu Quốc hội - Bài tập học kỳ Luật Hiến pháp
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU

Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Đó là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước. Sự đại diện đó được thể hiện thông qua đại biểu Quốc hội, đó là những công dân ưu tú trong các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội được nhân dân cả nước tín nhiệm bầu ra bằng tổng tuyển cử tự do. Đó là những đại biểu chân chính của nhân dân, được bầu ra để thay mặt nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền nhà nước với nhân dân. Chính vì vậy nên mọi hoạt động của đại biểu Quốc hội đều ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề chính trị của đất nước cũng như đời sống nhân dân. Chính vì vậy em lựa chọn đề tài: “ Hoạt động của Đại biểu Quốc hội – thực trạng và giải pháp” để tìm hiểu về những hoạt động của những người đại diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, từ đó đề ra một số giải pháp để các Đại biểu hoạt động có hiệu quả hơn nữa. Trong quá trình triển khai đề tài chắc chắn em còn nhiểu thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý của các Thầy, Cô để bài viết của em được hoàn chỉnh hơn. Em xin chân thành cảm ơn.

NỘI DUNG

I/ Khái quát chung

1, Quốc hội

Điều 83 Hiến pháp 1992 đã nêu rõ vị trí, tính chất của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Quốc hội có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước như thông quan Hiến pháp, các đạo luật, quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm những chức vụ cao nhất của bộ máy nhà nước. Hiến pháp hiện hành còn quy định chức năng của Quốc hội bao gồm ba phương diện lớn là: Thứ nhất: Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp,thứ hai là chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thứ ba là chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. 

2, Đại biểu Quốc hội

Đại biểu Quốc hội có địa vị pháp lý đặc biệt. Đó là người đại diện của nhân dân đồng thời là đại biểu cấu thành cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đại biểu Quốc hội vừa chịu trách nhiệm trước cử tri vừa chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Các Đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Địa vị pháp lý này đã được ghi nhận cụ thể trong Hiến pháp 1992, Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, bao gồm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hình thức hoạt động của đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ của Đại biểu Quốc hội được tính từ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau. Trong số Đại biểu Quốc hội có đại biểu chuyên trách và Đại biểu không chuyên trách, số lượng Đại biểu chuyên trách do Quốc hội quy định.

II/ Hoạt động của Đại biểu Quốc hội

1, Theo pháp luật hiện hành

a, Nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội

Được cử tri tín nhiệm bầu ra nên Đại biểu Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước cử tri đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ của mình, phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri. Để cử tri có thể thực hiện được sự giám sát đó, Đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan đồng thời phải báo cáo với cử tri không chỉ về hoạt động của mình mà còn về hoạt động của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia kỳ họp Quốc hội, tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội; gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội cũng như động viên nhân dân tham gia chấp hành pháp luật và quản lý nhà nước,...

Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tiếp dân theo định kì, theo lịch tại trụ sở tiếp dân tại nhà ở, tại nơi công tác. Đại biểu Quốc hội tiếp dân để nghe dân góp ý xây dựng nhà nước đồng thời giúp dân giải quyết thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại và tố cáo.

b, Quyền hạn của Đại biểu Quốc hội

Quyền hạn quan trọng nhất của Đại biểu Quốc hội là tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội tại các kì họp Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có quyền sáng kiến lập pháp, tức là quyết trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục theo pháp luật quy định. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điều 50 của luật tổ chức Quốc hội còn quy định rằng Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội  xem xét trình Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Khi phát hiện có hành vi gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, đơn vị vũ trang hoặc của công dân, Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt những hành vi trái pháp luật đó. Đại biểu Quốc hội có quyền gặp gỡ và yêu cầu các cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên Mặt trận, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang cung cấp tình hình và tài liệu cần thiết liên quan đến hoạt động của đại biểu. Các Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia bầu cử và có thể được bầu vào các cơ quan nhà nước, các cơ quan lãnh đạo, các tổ chức của Quốc hội; các Đại biểu Quốc hội đều bình đẳng trong bầu cử.

2, Thực trạng hoạt động của Đại biểu Quốc hội và giải pháp đặt ra để khắc phục những hạn chế

a, Tình hình chung

Nhìn vào thực tiễn của đất nước, sáu mươi bảy năm qua kể từ khi Quốc hội khóa đầu tiên hình thành (1946) là cả một quá trình chiến đấu, nỗ lực không ngại khó khăn gian khó của Đại biểu Quốc hội trong việc đưa đất nước từ chiến tranh gian khổ đến ngày hòa bình, độc lập rồi không ngừng phát triển như ngày hôm nay. Các Đại biểu Quốc hội gắn bó, trung thành với nhân dân, trong mỗi kì họp các đại biểu luôn cố gắng đóng góp công sức của mình bằng cách xây dựng, phát biểu ý kiến. Đa số Đại biểu Quốc hội có năng lực, tư cách đạo đức tốt, ý thức tự rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân và là gương sáng cho cả nước noi theo.

b, Những hạn chế:

Trong quá trình Quốc hội họp:

Tại các kì họp, Đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ, đoàn và tại phiên họp toàn thể. Và để phục vụ cho các kỳ họp, các Đại biểu quốc hội phải đọc và nghiên cứu dần các tài liệu được cung cấp. Tuy vậy, thực tế do tài liệu quá nhiều dẫn đến việc nhiều Đại biểu không thể nghiên cứu hết trước khi bắt đầu kì họp và không thể phát biểu ý kiến của mình. Ngược lại,nhiều đại biểu còn viết thành bài nhưng như vậy sẽ thiếu linh hoạt trong việc phát biểu, quá lệ thuộc vào những điều viết trước. Nguyên nhân của những hạn chế này là một phần do đại biểu còn thiếu hiểu biết về hoạt động xây dựng pháp luật, trình độ pháp lý chuyên ngành còn thấp. Phần nữa do đại biểu chậm sáng tạo, mắc bệnh phát biểu báo cáo. Bên cạnh đó là nguyên nhân về năng lực yếu kém, không quen với công tác của một Đại biểu Quốc hội và ý thức cũng như tinh thần trách nhiệm quá thấp. Để khắc phục tình trạng  này và để các Đại biểu có thể thu thập đầy đủ thông tin trước khi kỳ họp diễn ra, nên tiến hành phát tài liệu làm nhiều đợt trong khoảng giữa hai kỳ họp để đại biểu có thể thu thập và chuẩn bị tốt nhất những thông tin cần có cho cuộc họp. 

Trình dự án luật, kiến nghị luật.

Điều 48 Luật tổ chức Quốc hội quy định: “Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định”. Trên cơ sở kế thừa Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 cũng quy định: “Ngoài quyền trình dự án luật, Đại biểu quốc hội còn có quyền kiến nghị về luật”. Tuy nhiên trong thực tiễn xây dựng pháp luật của Quốc hội nước ta trong nhiều nhiệm kì qua hầu như chưa có Đại biểu Quốc hội nào tự mình soạn thảo và trình dự án luật ra trước Quốc hội. Nguyên nhân của những hạn chế này là một phần do đại biểu còn thiếu hiểu biết về hoạt động xây dựng pháp luật, trình độ pháp lý chuyên ngành còn thấp.Ngoài ra một lý do, đó là trong Quốc hội, số lượng Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm nhiều, ôm đồm quá nhiều công việc dấn đến không còn thời gian tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, vốn đòi hỏi trí tuệ và sự am tường luật pháp của các Đại biểu Quốc hội .Để khắc phục tình trạng, một số giải pháp xin được đề cập đến ở đây đó là:

- Đại biểu Quốc hội phải thường xuyên tham dự các buổi đóng góp ý kiến cho dự thảo văn bản pháp luật của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể hay quần chúng nhân dân.
- Nên học tập theo cơ chế xây dựng một đội ngũ chuyên gia “vận động hành lang” hỗ trợ các Đại biểu Quốc hội trong quá trình lập pháp. Theo đó, đội ngũ này được pháp luật cho phép có những ảnh hưởng đến các Đại biểu Quốc hội thông qua hoạt động cung cấp thông tin cho đại biểu về các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội trong quá trình lập pháp.

Hoạt động chất vấn của Đại biểu Quốc hội:

Mặc dù đã có nhiều cố gắng song hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều hạn chế.

Về phía người hỏi, suốt quá trình họp, nhiều đại biểu không hề chất vấn, mang tư tưởng ỷ lại để lâu thành thói quen. Nhiều đại biểu đôi khi còn chưa chuẩn bị kĩ, câu hỏi chất vấn đôi khi còn dài dòng, không rõ trọng tâm câu hỏi.các vấn đề được chất vấn đôi khi không phải vấn đề cấp bách, được dư luận quan tâm. Chất vấn để làm rõ trách nhiệm, theo đuổi đến cùng còn hạn chế. Về phía người trả lời chất vấn, thì thiên về báo cáo thành tích, diễn giải dài dòng. Nhiều khi bộ trưởng trả lời chất vấn còn đổ lỗi cho cấp dưới mà chưa nhận trách nhiệm về mình hay trả lời không đúng trọng tâm và thường đề nghị được giải quyết bằng văn bản trong thời gian sau.

Nguyên nhân đầu tiên là do con đường hình thành Đại biểu Quốc hội là dân cử nhưng mang tính áp đặt vì nhân dân chưa hiểu biết nhiều về các  Đại biểu. Thứ hai, nhiều Đại biểu trình độ nhận thức còn yếu, chưa xứng đáng với chức vụ quyền hạn. Thứ ba, các Đại biểu chưa thực sự đi sâu sát vào đời sống nhân dân. Thứ tư, một số Đại biểukhông dám nêu ý kiến vì sự cả nể sợ cấp trên bất tín nhiệm hoặc cố tình che giấu bao biện lẫn nhau.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, Đại biểu Quốc hội cần phải có am hiểu và bản lĩnh, biết truy sát đến cùng. Việc trả lời chất vấn cũng cần phải có những quy định như phải nêu được thực trạng, giải pháp, thời gian cần thiết để giải quyết vấn đề và trách nhiệm giải quyết các vấn đề này giao cho ai. Đặt câu hỏi chuẩn hơn, xoáy vào một vấn đề. Bộ trưởng trả lời ngắn gọn chuẩn xác hơn; phải cho biết kết quả giải quyết những vấn đề đã giải trình. Đặc biệt nên có sự trao đổi qua lại, tranh luận về những vấn đề bức xúc quan trọng.

Công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Qua các kỳ họp, rõ ràng các đại biểu đã có ý thức đề cao hoạt động này và hiệu quả đã được nâng lên rõ rệt. Song trong thực tế còn nhiều điểm hạn chế. Với công tác tiếp xúc cử tri, thời gian dành cho việc này rất eo hẹp do nhiều đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nên rất khó bố trí, cách báo cáo dàn trải, lướt nhanh, còn nặng tính hình thức. Ý kiến giải quyết các yêu cầu kiến nghị của cử tri từ Đại biểu Quốc hội thường không thỏa đáng, gây bức xúc với cử tri. Năng lực yếu kém cũng là một nguyên nhân cho vấn đề này. Về phần giải quyết các khiếu nại của công dân cũng đã được quan tâm nhiều hơn.Tuy thế lại nảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại còn tồn đọng không được giải quyết trong khi đó các Đại biểu Quốc hội chỉ thực hiện chuyển đơn thư khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà chưa tích cực trong công tác đôn đốc, giám sát việc giải quyết của các cơ quan này. Điều này xuất phát từ chế độ hoạt động kiêm nhiệm, ý thức trách nhiệm kém và tâm lý e dè, cà nể cấp trên của nhiều Đại biểu Quốc hội. Căn bệnh hách dịch, cửa quyền của nhiều đại biểu vẫn còn tồn tại. Vậy một sos giải pháp đặt ra để nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội là:

-  Tiếp tục đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật khiếu nại, tố cáo, đặc biệt các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
-  Có thẩm quyền giả quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn thư khiếu nại tố cáo do Đại biểu Quốc hội chuyển đến và quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại , tố cáo.
-  Thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân hiểu được đầy đủ, chính xác về nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của Đại biểu Quốc hội, trong đó có lĩnh vực tiếp ông dân.
-  Xây dựng hệ thống mạng vi tính về hoạt động dân nguyện để phục vụ các Đoàn Đại biểu Quốc hội, cung cấp trang bị, phần mềm theo dõi nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo cho các Văn phòng phục vụ Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh thành phố để thống nhất  theo dõi một mẫu chung trong cả nước.
-  Tăng cường sự phối hợp giữa các Đoàn Đại biểu Quốc hội và thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, thanh tra, công an, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh trong tổ chức tiếp công dân.

KẾT LUẬN

Thông qua việc tìm hiểu thực trạng hoạt động của các Đại biểu Quốc hội, chúng ta có thể thấy được những mặt tích cực cũng như tiêu cực của tình hình hoạt động của Đại biểu Quốc hội hiện nay. Nhìn nhận được thực tế đó sẽ giúp đề ra những giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình, từ đó làm cho hoạt động của các Đại biểu trở nên hiệu qua hơn. Đồng thời, thông qua đề tài này, chúng ta cũng có thể thông cảm cho những thiếu sót của Đại biểu Quốc hội và tích cự góp ý để các Đại biểu thực sự trở thành cầu nối vững chắc giữa nhân dân với chính quyền nhà nước.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trìnhLuật Hiến pháp Việt Nam, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội, 2013
2, Khoa Luật - Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2005
3, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001)
4, Luật tổ chức Quốc hội

Cảm ơn bạn Nguyễn Thúy Hiền đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment