Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước đang ngày càng được đẩy mạnh.Điều đó không chỉ đòi hỏi những đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà người dân phải có trình độ lao động, sống và làm việc theo pháp luật, có ý thức pháp luật đúng đắn. Việc ban hành ra các văn bản quy phạm pháp luật đòi hỏi đi đôi với việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định đó. Trong quá trình thực hiện pháp luật có những nhân tố chủ quan và khách quan tác động ở những mức độ khác nhau, theo hướng tích cực hoặc tiêu cực tới hiệu quả và chất lượng của hoạt động này. Ý thức pháp luật là một trong những nhân tố có ảnh hưởng vô cùng sâu sắc tới việc thực hiện pháp luật. Phân tích ảnh hưởng của ý thức pháp luật đối với việc thực hiện pháp luật có thể rút ra những biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật từ việc củng cố, bồi dưỡng ý thức pháp luật của cá nhân mỗi người dân cũng như cộng đồng xã hội. Vì vậy, em lựa chọn đề bài “Ảnh hưởng của ý thức pháp luật đối với việc thực hiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay”.
Trong quá trình thực hiện bài viết chắc chắn em còn nhiều thiếu sót, em xin chân thành cảm ơn sự góp ý của các Thầy Cô để bài viết được hoàn chỉnh hơn.
NỘI DUNG
I/ Cơ sở lý luận
1, Ý thức pháp luật
Ý thức pháp luật là tổng thể những học thuyết, quan điểm thịnh hành trong xã hội thể hiện mối quan hệ của con người đối với pháp luật và sự đánh giá về tính hợp pháp hay không hợp pháp đối với các hành vi pháp lý thực tiễn.
Ý thức pháp luật được tiếp cận trên cả hai bình diện là ý thức pháp luật cá nhân và ý thức pháp luật xã hội.
Trên bình diện cá nhân, ý thức pháp luật thể hiện sự hiểu biết pháp luật cũng như ý chí, xúc cảm, tình cảm, thái độ của mỗi con người đối với pháp luật và những hiện tượng pháp lí. Ý thức pháp luật cá nhân được hình thành và phát triển trong môi trường sống của họ, qua sự giáo dục của gia đình và trường lớp, giao tiếp hằng ngày, phương tiện truyền thông và các quan hệ pháp luật mà họ tham gia.
Ý thức pháp luật xã hội là những quan điểm, thái độvề pháp luật và hiện tượng pháp lí chung nhất của toàn xã hội. Nó không chỉ bao gồm sự đánh giá, tình cảm với pháp luật hiện hành mà bao gồm cả pháp luật đã qua và những gì pháp luật cần có.Ý thức pháp luật xã hội cũng không chỉ gồm những hiểu biết, thái độ về pháp luật của một nhà nước nhất định mà về pháp luật với tư cách là hiện tượng của đời sống xã hội, cũng như về pháp luật của các nước trên thế giới.Về cấu trúc, ý thức pháp luật được hợp thành bởi hai yếu tố:
Hệ tư tưởng pháp luật là kết quả của sự phản ánh tự giác, có mục đích, có tổ chức cao của các hoạt động tư duy, lí luận về pháp luật của con người và tâm lí pháp luật là sự phản ánh tâm trạng, cảm xúc, thái độ, tình cảm của con người với pháp luật.
2, Thực hiện pháp luật
Thực hiện pháp luật là hành vi thực tế hợp pháp có mục đích của các chủ thể pháp luật nhằm hiện thực hóa các qui định pháp luật, đưa chúng đi vào cuộc sống. Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện các quy phạm pháp luật, khoa học pháp lí xác định những hình thức thực hiện pháp luật sau:
Tuân thủ pháp luật: chủ thể pháp luật kiềm chế không thực hiện những hành vi mà pháp luật cấm.
Thi hành pháp luật: chủ thể pháp luật thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh nghĩa vụ pháp lí của mình bằng các hành động tích cực.
Sử dụng pháp luật: chủ thể pháp luật thực hiện quyền, tự do pháp lí
của mình.
Áp dụng pháp luật: nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước hoặc chức trách có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện qui định của pháp luật hoặc căn cứ vào qui định của pháp luật đưa ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể.
II/ Ảnh hưởng của ý thức pháp luật đối với việc thực hiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay
1, Ảnh hưởng của hệ tư tưởng pháp luật đối với việc thực hiện pháp luật ở Việt Nam
Hệ tư tưởng pháp luật là toàn bộ những quan điểm, tư tưởng, học thuyết, trường phái lí luận về pháp luật, là bộ phận ở cấp độ lí luận có tính khái quát, tính hệ thống cao được hình thành một cách tự giác, soi sáng cho tâm lý pháp luật, định hướng các hành vi pháp luật đối với các chủ thể pháp luật. Chỉ khi con người nắm chắc những qui định của pháp luật và hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của những qui định đó, họ mới kiềm chế không làm những điều mà pháp luật cấm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lí của mình và những quyền mà mình được trao. Các nhà chức trách cũng phải hiểu rộng và sâu về pháp luật mới có thể áp dụng pháp luật một cách chính xác và hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, người dân không chấp hành hay thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật là do họ không hiểu được cơ sở, tư tưởng của pháp luật hoặc thực hiện pháp luật một cách máy móc, gần như chỉ đối phó. Đó là do họ chưa nhận thức được tính đúng đắn sau mỗi điều luật, không hiểu được ý nghĩa thực sự của nó. Chẳng hạn,khoản 3, điều 8, Luật giao thông đường bộ quy định :Cấm xâm chiếm lòng đường,lề đường,hè phố trái phép. Tuy nhiên, người dân không thực hiện theo luật quy định, nhất là những khu vực có bán hàng, quán xá, họ chỉ đối phó thực hiện mà không hiểu hết luật cấm điều này để không làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và người đi bộ.
Thực hiện pháp luật bao gồm cả sử dụng pháp luật và người dân cũng phải hiểu về pháp luật để sử dụng các quyền và tự do pháp lí của mình. Việc thực hiện pháp luật ở nước ta chưa diễn ra triệt để, nghiêm túc một phần là do các cá nhân chưa nhận thức đúng đắn địa vị pháp lí của mình, những gì mình được pháp luật bảo hộ. Đối với chủ thể pháp luật là những nhà chức trách có thẩm quyền, họ cần hiểu biết về pháp luật bao quát và sâu sắc hơn ai hết để có thể áp dụng pháp luật hiệu quả và chính xác,khi nhân dân biết và hiểu pháp luật thì không một cán bộ nào dám lộng quyền, tắc trách. Như vậy, có thể thấy hệ tư tưởng pháp luật, có ảnh hưởng sâu sắc tới việc thực hiện pháp luật, bao gồm cả 4 hình thức thể hiện của nó. Hệ tư tưởng pháp luật là cơ sở, nền tảng trước nhất mỗi người cần có để tiến hành thực hiện pháp luật. Bởi con người không thể thực hiện pháp luật khi không biết pháp luật qui định mình phải làm gì, được làm gì và không được làm gì.
2, Ảnh hưởng của tâm lý pháp luật đối với việc thực hiện pháp luật
Tâm lý pháp luật được hình thành trên cơ sở nhận thức, biểu hiện tâm trạng, xúc cảm, thái độ của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý khác, là yếu tố chủ quan nên quá trình nhận thức, tư duy diễn ra chịu sự chi phối của các đặc điểm về chính nhân thân của con người đó. Tâm lý pháp luật có tính bền vững chính là tiền đề cho sự hình thành và phát triển của hệ tư tưởng pháp luật. Cũng như hệ tư tưởng pháp luật, tâm lý pháp luật có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Khi con người có thái độ tích cực trước pháp luật thì hành vi pháp luật của họ sẽ là thực hiện, ngược lại, thái độ tiêu cực trước pháp luật sẽ chi phối hành vi pháp luật trở thành vi phạm. Bên cạnh đó, thái độ pháp luật của Nhà nước cũng tác động đến thái độ của người dân. Thái độ trước pháp luật của người dân sẽ đi theo hướng tích cực nếu Nhà nước giữ thái độ minh bạch, nghiêm khắc khi giám sát việc thực hiện pháp luật. Trái lại, nếu Nhà nước thả lỏng trong công tác giám sát thì người dân sẽ ỷ lại và coi thường pháp luật. Tôn trọng pháp luật là một thái độ tích cực đối với pháp luật, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy chủ thể luôn xử sự theo pháp luật.
Thứ nhất làsự sợ hãi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và dẫn đến nhiều hành động khác nhau. Vì sợ luật nên không dám phạm pháp, vì sợ bị làm phiền hay quy trách nhiệm mà người ta không giúp đỡ người bị nạn, vì sợ chuốc tai họa nên người ta không dám tố cáo hành vi phạm pháp, vì sợ rắc rối nên nhiều người không muốn nhờ pháp luật giải quyết tranh chấp. Nguyên nhân là do hệ thống pháp lý của nước ta không thật sự chặt chẽ, chưa thể quản lý triệt để xã hội. Điều này đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giữ vững tính công bằng, dân chủ.
Thứ hai , niềm tin cũng là một trong những nhân tố chi phối mạnh mẽ đến ý thức pháp luật của người dân Việt Nam hiện nay. Niềm tin phải dựa trên sự hiểu biết, nếu không sẽ trở nên thiếu sáng suốt. Có thể là sự tin tưởng về tính công bằng của pháp luật, chỉ khi tin tưởng vào pháp luật, người ta mới tôn trọng làm theo pháp luật và không còn sợ hãi khi cần đến pháp luật.
Nhân tố thứ ba chính là thói quen. Đa phần người dân vẫn sống theo thói quen hàng ngày chứ ít ai tạo cho mình thói quen sống theo pháp luật, nghĩa là luôn tuân thủ pháp luật và suy xét tính hợp pháp trong mỗi hành vi của mình. Hiện tưởng phổ biến là hành vi lách luật, chỉ cần bất cứ chỗ sơ hở nào của pháp luật cũng có thể bị lợi dụng để mang lại lợi ích cho một cá nhân hay tổ chức nào đó. Chẳng hạn như việc chặt phá rừng vẫn diễn ra thường xuyên do Nhà nước chưa bảo vệ triệt để và xử lý nghiêm các trường hợp chặt phá rừng bừa bãi hoặc do tập quán đốt rừng làm rẫy còn phổ biến ở nhiều nơi.
3. Thực trạng sự ảnh hưởng của ý thức pháp luật đến việc thực hiện pháp luật ở Việt Nam hiện nay.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức , viên chức nhà nước: Họ là những người có trình độ, học vấn, hiểu biết nhất định về pháp luật nên nhìn chung họ là bộ phận thực hiện pháp luật nghiêm chỉnh nhất, bởi hiểu biết pháp luật càng đầy đủ, chính xác, sâu sắc càng thực hiện chúng nghiêm chỉnh nhất. Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại: đó là hàng loạt vi phạm xảy ra làm thất thoát tài sản của nhà nước với số lượng lớn. Điều này nói lên tình trạng đáng báo động ở nước ta hiện nay.
Đối với tầng lớp nhân dân: Người dân ngày càng quan tâm hơn đến pháp luật và càng hiểu được giá trị của pháp luật trong đời sống xã hội. Khi cuộc sống người dân ngày càng nâng cao thì nhu cầu cần được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng từ đó mà tăng lên. Song bên cạnh đó cũng có không ít những hành vi phạm tội dã man. Điển hình là ở giới trẻ hiện nay, họ có học thức, họ nhận thức được nhưng tình trạng vi phạm thì tương đối lớn. Những vụ giết người cướp của rất dã man, hay là đánh bạn theo kiểu “xã hội đen”…
Nhìn chung, tâm lí pháp luật của người dân cũng như cán bộ, nhà chức trách ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa cao. Mọi người vẫn chưa thực sự coi “sống và làm việc theo pháp luật” như kim chỉ nam cho mọi hành vi, hoạt động của mình. Để có thể khắc phục tình trạng này, nhà nước cần:
Hoàn thiện và củng cố hệ thống pháp luật
Nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
Xử lí nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật
Đảm bảo sự công bằng pháp luật
Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng với việc xây dựng con người mới, lối sống mới và nền văn hóa mới trong xã hội.
KẾT LUẬN
Ý thức pháp luật có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện pháp luật đối với người dân Việt nam hiện nay. Hiệu quả thực hiện pháp luật ở nước ta đang là vấn đề cấp bách và đáng được quan tâm. Và để đạt được hiệu quả thì ý thức pháp luật của các chủ thể đóng vai trò then chốt bởi những ảnh hưởng cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực tới việc thực hiện pháp luật nước ta. Như vậy có thể thấy, nếu không có pháp luật hoặc pháp luật không được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh thì trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn. Khi đó các quyền cơ bản của con người khó được bảo đảm.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật – NXB Công An Nhân Dân -HN 2013
2,PGS.TS Nguyễn Minh Đoan“Thực hiện và áp dụng pháp luật ở Việt Nam” - NXB Chính trị quốc gia- HN 2010
3,PGS.TS Nguyễn Minh Đoan “Ý thức pháp luật” (Sách chuyên khảo), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, 2011.
4, ThS. Nguyễn Văn Năm“Vai trò của ý thức pháp luật đối với việc thực hiện pháp luật”, Tạp chí Luật học số 3/2011, Trường Đại học Luật Hà nội.
Cảm ơn bạn Nguyễn Thúy Hiền đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment