19/05/2014
Đề cương ôn tập Tâm lý học đại cương - Bài 5: NGÔN NGỮ
Bài 5: NGÔN NGỮ

I. KHÁI NIỆM NGÔN NGỮ:
Cần phân biệt khái niệm ngữ ngôn và ngôn ngữ.

1. Ngữ ngôn:
Ngữ ngôn là một thứ tiếng của một dân tộc. Ngữ ngôn bao gồm một hệ thống các ký hiệu, từ, ngữ và hệ thống các quy tắc ngữ pháp. Ngữ ngôn là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học.

2. Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ là quá trình mỗi cá nhân sử dụng một thứ ngữ ngôn để giao tiếp, để truyền đạt để lĩnh hội những kinh nghiệm xã hội – lịch sử, hoặc để kế hoạch hoá hoạt động của mình. Ngôn ngữ là đối tượng của tâm lý học.

Như vậy, ngữ ngôn là phương tiện hay công cụ để giao tiếp, truyền đạt và lĩnh hội kinh nghiệm… còn ngôn ngữ chính là quá trình sử dụng ngữ ngôn để giao tiếp, truyền đạt, lĩnh hội kinh nghiệm.


II. CHỨC NĂNG CỦA NGÔN NGỮ:
Ngôn ngữ có bốn chức năng cơ bản là:

Chức năng chỉ nghĩa:
Là quá trình dùng một từ, một câu để chỉ một nghĩa nào đó, tức là quá trình gắn từ đó, câu đó… với một sự vật hiện tượng.

Chức năng chỉ ý:
Mỗi từ, câu… có chức năng chỉ “nghĩa” của nó đối với riêng người nói từ ấy, câu ấy, tức là chúng có ý riêng của từng người.

Chức năng thông báo:
Mỗi quá trình ngôn ngữ đều chứa đựng một nội dung thông tin, sự biểu cảm dùng để truyền đạt từ người này đến người kia, hay tự nói với bản thân mình.

Chức năng điều khiển, điều chỉnh:
Ngôn ngữ có chức năng thiết lập và giải quyết các nhiệm vụ của các hoạt động (trong đó có hoạt động trí tuệ). Nó bao gồm kế hoạch hoá hoạt động, thực hiện hoạt động và đối chiếu kết quả hoạt động với mục đích đã đề ra.

III. PHÂN LOẠI NGÔN NGỮ:
Có nhiều cách phân chia các loại ngôn ngữ. Thông thường, người ta đề cập đến hai dạng ngôn ngữ. Ngôn ngữ bên ngoài, ngôn ngữ bên trong.

1. Ngôn ngữ bên ngoài:
Ngôn ngữ bên ngoài là ngôn ngữ chủ yếu hướng vào người khác, nhằm mục đích giao tiếp. Ngôn ngữ bên ngoài bao gồm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.

Ngôn ngữ nói: là thứ ngôn ngữ có trước. Ngôn ngữ nói biểu hiện bằng âm thanh và được tiếp thu bằng cơ quan thính giác. Có hai loại ngôn ngữ nói: ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại.
Ngôn ngữ đối thoại nhằm trao đổi thông tin giữa hai hay một số người với nhau. Ngôn ngữ độc thoại là loại ngôn ngữ trong đó một người nói và những người khác nghe.

Ngôn ngữ viết: ngôn ngữ viết ra đời muộn hơn ngôn ngữ nói. Ngôn ngữ viết là ngôn ngữ được biểu hiện bằng ký hiệu, tín hiệu, chữ viết.
2. Ngôn ngữ bên trong:
Đây là một dạng đặc biệt của ngôn ngữ, nó hướng vào bản thân chủ thể. Ngôn ngữ bên trong là vỏ từ ngữ của tư duy, của ý thức, giúp con người tự điều khiển, tự điều chỉnh mình. Ngôn ngữ bên trong có thể biểu hiện qua ngôn ngữ thầm không phát ra âm thanh hoặc ngôn ngữ bên trong thực sự dành cho bản thân.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!


No comments:

Post a Comment