08/05/2014
Bài tập nhóm Hình sự 1 - Tội giết người và Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
TÌNH HUỐNG

Ngày 20/10/2010, B là công dân Việt Nam đang du lịch tại Lào đã có hành vi sử dụng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản 190 triệu đồng của doanh nghiệp X tại Việt Nam. Ngày 2/11/2010 tại Viêng Chăn, do mâu thuẫn cá nhân B có hành vi giết C (công dân Việt Nam đang kinh doanh tại Lào) nhưng cơ quan Tư pháp của Lào không biết. Sau khi về Việt Nam, các hành vi phạm tội nêu trên của B bị phát hiện. B bị Công an Việt Nam bắt giữ vào tháng 5/2012.

1. Tội giết người và Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b BLHS) mà B thực hiện có bị truy cứu TNHS theo pháp luật hình sự Việt Nam không?  Tại sao?

2. Với nội dung quy định về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS thì có cơ sở để xác định tội phạm này là CTTP vật chất hay CTTP hình thức không? Tại sao?

3. Khẳng định tội giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là đúng hay sai ? Tại sao?

4. Giả định hành vi giết người của B bị phát hiện ở Lào và cơ quan Công an của Lào bắt giữ, thì B có thể bị xét xử tại Việt Nam theo pháp luật hình sự Việt Nam không? Tại sao?

MỞ ĐẦU

Trong xu thế hội nhập quốc tế, nước ta ngày càng được đánh giá cao, nâng cao vị trí và tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Nhưng trong đó thì tình hình tội phạm trong nước diễn ra ngày càng phức tạp và nguy hiểm. Thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, dã man hơn. Tội phạm không chỉ thực hiện những hành động phạm tội ở trong nước mà còn thực hiện hành vi phạm tội ở nước ngoài nhằm tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự đã làm cho dư luận xôn xao, phận nộ. Điều này đặt ra cho cơ quan có thẩm quyền phải có những biện pháp xử lí nghiêm chỉnh, cứng rắn nhằm ổn định trật tự xã hội, ngăn ngừa tội phạm có hành vi nguy hiểm gây tổn hại đến Nhà nước, công dân trên lãnh thổ Việt Nam. Tình huống trên là ví dụ điển hình cho vấn đề này, sau đây nhóm em xin giải quyết vấn đề trên để làm rõ thực trạng này.

1. Tội giết người và tội sử dụng mạng máy tính , mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b BLHS) mà B thực hiện có bị truy cứu TNHS theo luật hình sự Việt Nam 

Theo khoản 1 điều 8 BLHS “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình  sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn  xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.” 

Thứ nhất, do B có hành vi giết C (công dân Việt Nam đang kinh doanh tại Lào) tại Lào, vì vậy căn cứ vào khoản 1 điều 6 BLHS Việt Nam “Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo bộ luật này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đối với trường hợp người Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo bộ luật này. Theo nguyên tắc quốc tịch công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam lúc ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài. Nếu công dân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hành vi mà luật hình sự Việt Nam coi là tội phạm thì có thể bị xử lí tại Việt Nam theo luật hình sự Việt Nam. Còn đối với những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam,phạm tội ở nước ngoài thì về nguyên tắc họ vẫn bị xử lí theo luật hình sự Việt Nam (đoạn 2 khoản 1 Điều 6 BLHS). Mà trong trường hợp này B và C đều là công dân Việt Nam đang ở trên lãnh thổ Lào, vì vậy tuy hành vi giết người của B được thực trên lãnh thổ Lào nhưng B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo BLHS Việt Nam.

Đối với tội giết người được quy định tại điều 93 BLHS. Trong trường hợp này có thể thấy B phạm phải tội giết người quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS “Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”. Như vậy, căn cứ vào khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự thì B bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm về tội giết người.

Thứ hai, hành vi sử dụng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản 190 triệu đồng của doanh nghiệp X tại Việt Nam của B có bị truy cứu TNHS theo luật hình sự Việt Nam. 

Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 226b bộ LHS Việt Nam. Trong trường hợp này, B đã có hành vi sử dụng mạng máy tính chiếm đoạt tài sản 190 triệu đồng của doanh nghiệp X tại Việt Nam, từ đó có thể xác định B đã phạm tội sử dụng mạng máy tính để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 226b bộ LHS Việt Nam “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm năm mươi triệu đồng”. Hơn nữa B là công dân Việt Nam, căn cứ vào khoản 1 Điều 5 bộ LHS “Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Theo nguyên tắc lãnh thổ nói trên, đạo luật hình sự Việt Nam có hiệu lực tuyệt đối với mọi hành vi phạm tội được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam dù người hực hiện tội phạm là công dân Việt Nam, người nước ngoài hay là người không quốc tịch. Vì vậy, hành vi chiếm đoạt tài sản của B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, hành vi phạm tội được coi là thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi hành vi ấy hoặc hậu quả của hành vi ấy xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xét trong trường hợp này, tuy hành vi của B được thực hiện ở Lào, tức là ngoài lãnh thổ nước Việt Nam nhưng hậu quả của hành vi phạm tội này lại gây ra trên lãnh thổ Việt Nam đó là công ty X đã bị thiệt hại 190 triệu đồng bởi hành vi phạm tội của B. Do đó, B vẫn được xem là phạm tội trên lãnh thổ nước Việt Nam. Áp dụng khoản 1 điều 5 về hiệu lực của bộ LHS đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam và căn cứ vào khoản 2 Điều 226b Bộ LHS thì B bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm về tội chiếm đoạt tài sản qua sử dụng mạng máy tính.

Như vậy, Tội giết người và tội sử dụng mạng máy tính , mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b BLHS) mà B thực hiện có bị truy cứu TNHS theo luật hình sự Việt Nam, căn cứ vào khoản 2 Điều 93 về tội giết người và khoản 2 Điều 226b về tội chiếm đoạt tài sản qua sử dụng mạng máy tính Bộ luật hình sự Việt Nam.

2. Với nội dung quy định về tội giết người theo khoản 1 điều 93 bộ luật hình sự thì có cơ sở để xác định tội phạm này là cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức không? Giải thích tại sao?

Tội phạm là một hiện tượng xã hội. Đặc điểm cơ bản nhất của tội phạm là tính nguy hiểm cho xã hội. Khi nghiên cứu về tội phạm, không thể không tìm hiểu về cấu thành tội phạm – yếu tố quan trọng để xác định một hành vi có phải là tội phạm hay không. Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho loại tội phạm được qui định trong luật hình sự.. Với nội dung này, cấu thành tội phạm được coi là khái niệm pháp lí của loại tội phạm cụ thế, là sự mô tả khái quát loại tội phạm nhất định trong luật hình sự. Dựa vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan có thể chia cấu thành tội phạm thành cấu thành tội phạm vật chất và cấu thành tội phạm hình thức. Cấu thành tội phạm vật chất là cấu thành tội phạm có các dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Cấu thành tội phạm hình thức là cấu thành tội phạm có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Giữa cấu thành tội phạm hình thức và cấu thành tội phạm vật chất có sự khác biệt với nhau. Thông qua sự khác biệt đó, chúng ta có thể nhận dạng loại cấu thành tội phạm của mỗi tội phạm cụ thể, từ đó có căn cứ để định tội cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo khoản 1 điều 93 bộ luật hình sự về tội giết người được quy định : Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lí do công vụ của nạn nhân;
e) Giết ông, bà,cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
f) Giết người mà liền trước đó hay ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
j) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
k) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
l) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Có tổ chức;
o) Tái phạm nguy hiểm;
p) Vì động cơ đê hèn;

Với nội dung quy định về tội giết người theo khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự thì không có cơ sở để xác định tội phạm của B là cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức. Bởi vì: 

Thứ nhất : để có thể xác định một tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức thì cần phải dựa vào quy định của luật, phải dựa vào mô tả trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội phạm đó.Tức là, cấu thành tội phạm cơ bản là tiền đề cho việc xác định cấu thành tội phạm hình thức hay cấu thành tội phạm vật chất của tội phạm cụ thể.

Thứ hai :  khoản 1, điều 93 Bộ luật hình sự không phải qui định về cấu thành tội phạm cơ bản. Có thể thấy rõ điều đó qua việc trong khoản 1, điều 93 sự mô tả các hành vi đó chỉ đơn thuần là các hành vi tước đoạt mạng sống trái pháp luật của nhóm đối tượng có quan hệ với người phạm tội hay mục đích, động cơ  phạm tội nào đó. Ở khoản 1 điều 93, ngoài dấu hiệu hành vi nguy hiểm để định tội là hành vi giết người thì còn mô tả các dấu hiệu của tội phạm có mức độ nguy hiểm tăng lên cho xã hội như : Giết nhiều người ( là trường hợp giết hai người trở lên), Giết phụ nữ có thai, giết trẻ em ( Nạn nhân là trẻ em người dưới 16 tuổi), giết người đang thi hành công vụ, giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy cô giáo của mình ; để lấy bộ phận trên cơ thể người….Như vậy, khoản 1 điều 93 không phải là cấu thành tội phạm cơ bản mà là cấu thành tội phạm tăng nặng. 

Về lí luận , cấu thành tội phạm tăng nặng là cấu thành tội phạm mà ngoài dấu hiệu còn có thêm dấu hiệu phản ánh tội phạm có mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể so với trường hợp bình thường.

Do khoản 1, điều 93 là cấu thành tội phạm tăng nặng nên không thể dựa vào đó để xác định xem hành vi tội phạm của B có cấu thành tội phạm hình thức hay cấu thành tội phạm vât chất. 

Muốn xác định được tội phạm mà B thực hiện có cấu thành vật chất hay cấu thành hình thức thì phải dựa vào khoản 2, điều 93 Bộ luật hình sự, là điều khoản qui định về cấu thành tội phạm cơ bản của tội giết người.Trong khoản này không qui định thêm về các tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ hành vi nguy hiểm cho xã hội mà chỉ qui định về dấu hiệu nhận biết tội phạm giết người. 

Như vậy, để có thể xác định được tội giết người là cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức thì cần phải dựa vào cấu thành tội phạm cơ bản của tội phạm đó.

3. Khẳng định tộ giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là đúng hay sai ? Tại sao ?

Khẳng định tội giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là sai. Bởi nội dung quy định của tội giết người trong Bộ luật hình sự tại điều 93 thì có hai loại tội phạm là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng.

Luật hình sự Việt Nam đã phân tội phạm thành bốn nhóm đó là tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo khoản 3 điều 8 BLHS phân loại tội phạm như sau : Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Tại khoản 1và khoản 2 điều 93 BLHS quy định:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình :

a) Giết nhiều người; 
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lí do công vụ của nạn nhân; 
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền ngay trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; 
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; 
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; 
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn. 

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Như vậy căn cứ vào cách phân loại tội phạm tại khoản 3 điểu 8 BLHS thì tội giết tại điều 93 chỉ bao gồm hai loại tội phạm là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng.

Nếu phạm tội giết người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 93 thì phải chịu khung hình phạt là bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 1 là hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình tức là thuộc vào loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Còn nếu phạm tội giết người quy định tại khoản 2 điều 93 thì phải chịu khung hình phạt là bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Như vậy, tại khoản 2 mức cao nhất của khung hình phạt là mười lăm năm tù tức là thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.

Khoản 3 Điều 93 quy định về hình phạt bổ sung không phải là căn cứ để phân loại tội phạm.

Do đó khẳng định tội giết người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ở trên là sai. Chỉ khi nào phạm tội một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 93 thì mới là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Giả định hành vi giết người của B bị phát hiện ở Lào và cơ quan Công an của Lào bắt giữ B thì B có thể bị xét xử theo pháp luật hình sự Việt Nam không?

Trong trường hợp hành vi giết người của B bị phát hiện ở Lào và cơ quan công an của Lào bắt giữ B thì B có thể bị xét xử theo pháp luật hình sự Việt Nam, Bởi lẽ: 

Về cơ sở pháp lý: “Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo Bộ luật này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (khoản 1 điều 6- BLHS)

Như vậy công dân Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu tội đã thực hiện được quy định trong BLHS. Trong trường hợp giả định đã cho , công dân Việt Nam  B trong thời gian du lịch tại Lào vì mâu thuẫn với C  nên giết C ,phạm “ tội giết người” được quy định trong điều 93 BLHS Việt Nam: 

“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị
phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a)  Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

Trần Văn B đã thực hiện một hành vi phạm tội được pháp luật Việt Nam quy định, do đó Trần Văn B có thể  bị pháp luật Việt Nam xét xử vì theo nguyên tắc quốc tịch( là nguyên tắc  dựa vào quốc tịch , có thể là dựa vào quốc tịch của người phạm tội để xác định đạo luật của quốc gia nào có hiệu lực áp dụng (nguyên tắc quốc tịch chủ động) hoặc dựa vào quốc tịch của người bị hại để xác định đạo luật của quốc gia nào có hiệu lực áp dụng ( nguyên tắc quốc tịch thụ động)) thì công dân Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam dù ở bất kỳ nơi nào, không kể trong hay ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của nước sở tại( nước Lào). Sở dĩ nói là “có thể “ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với B là bởi  B không nhất định phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã gây ra theo pháp luật Việt Nam, vì nếu áp dụng nguyên tắc lãnh thổ( là nguyên tắc mà theo đó bất kỳ ai dù là công dân của nước nào, người không quốc tịch mà phạm tội trên lãnh thổ của một nước thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự của nước đó) để truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này thì Trần Văn B có thể bị xét xử theo pháp luật hình sự Lào.  Giưã  Việt Nam và Lào đã ký kết với nhau “Hiệp định tương trợ  tư pháp về dân sự và hình sự” ngày 6/7/1998, có hiệu lực từ ngày 19/2/2000, theo như những nội dung đã được ký kết trong hiệp định, B sẽ được phía Lào tiến hành dẫn độ về Việt Nam  để truy cứu trách nhiệm hình sự  mà không có những khó khăn, vướng mắc. Do vậy  việc B bị phát hiện ở Lào và công an Lào bắt giữ B không làm ảnh hưởng tới việc xét xử B theo pháp luật Việt Nam.  
KẾT BÀI

Qua bài phân tích trên, tình hình tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp không chỉ thực hiện hành vi phạm tội trong nước mà còn ở nước ngoài để tránh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính vì vậy, yêu cầu bộ máy pháp luật nước ta phải thực hiện nghiêm minh, đúng quy định và phải hoàn thiện pháp luật về việc xử lí tội phạm diễn ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng ở các nước để kịp thời xử lí tránh việc để lọt tội phạm.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Luật Hình sự năm 1999( Sửa đổi, bổ sung năm 2009)
2. Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào năm 1998
3. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 1999 – NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001
4. Giáo trình Luật hình sự - Tập I, trường Đại học luật Hà Nội 2013
5. Giáo trình Luật hình sự - Phần chung, trường Đại học Quốc Gia 2005
6. Tội phạm và cấu thành tội pham – PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, 2005

Cảm ơn bạn Hoàng Thu đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment