04/05/2014
Bài tập nhóm Hiến pháp - Chính sách của nhà nước đối với thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân
Phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước là một trong những vấn đề căn bản của triết lý phát triển ở Việt Nam. Từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12 năm 1986, đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội đánh dấu bước chuyển biến lớn trong lịch sử nước. Đại hội đề ra đường lối đổi mới, thay đổi cơ chế quản lý kinh tế, từ cơ chế bao cấp sang hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện trong đó có đổi mới kinh tế, phát triển các thành phần kinh tế với nhiều hình thức rất đa dạng phong phú và sáng tạo dựa trên các chính sách của nhà nước.

Hiến pháp 1992 được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho đường lối ấy, trong đó có điều 15 nêu rõ: "…Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức đa dạng… " và các văn bản pháp luật sau này đã nêu rõ sự cần thiết của việc "thực hiện nhất quán chính sách pháp triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa", bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của nhà nước. Một trong những thành phần kinh tế được hiến pháp 1992 ghi nhận là thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân.
                 
NỘI DUNG

I. Một số khái niệm

1. Chính sách kinh tế

Theo từ điển Tiếng Việt thì chính sách là chủ trương của một đảng phái, một chính phủ trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chính sách kinh tế là những biện pháp mà nhà nước áp đặt cho đối tượng của mình, áp dụng trong một giai đoạn hay một thời kì nhằm đạt được những mục đích, yêu cầu nhất định. Chính sách có thể mang tính chiến lược, đường lối lâu dài, có thể có tính chất sách lược ngắn hạn.

2. Thành phần kinh tế

Thành phần kinh tế là khu vực kinh tế, kiểu quan hệ kinh tế dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất. Mỗi thành phần kinh tế là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân.

3. Kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân

Kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân là 1 trong 5 thành phần kinh tế của nước ta trong thời kì qua độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là kinh tế của những người không phải là cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước tại chức hoặc xã viên hợp tác xã, có vấn,... Đối với kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân đều hình thành trên cơ sở sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là chủ yếu.

II. Chính sách của nhà nước đối với thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân

1. Nguyên nhân

Có thể nói sự thay đổi chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách đối với thành phần kinh tế tư nhân ở nước ta bắt đầu từ Đại hội đảng toàn quốc lần VI, tháng 12/1986. Sự thay đổi to lớn ấy xuất phát từ bối cảnh lịch sử của nước ta lúc ấy: Những năm cuối của thập kỷ 70 nước ta trải qua 2 cuộc chiến ở biên giới Tây Nam với lực lượng Khmer đỏ, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc làm cho Việt Nam mất một phần rất lớn nguồn viện trợ của Thế giới thứ ba.

Tất cả những sự kiện đó làm cho nền kinh tế Việt Nam giảm sút trầm trọng, nhà nước không cung cấp đủ vật tư cho nông dân, nguyên vật liệu cho nhà máy dẫn đến người dân không giao đủ thóc, nhà máy sản xuất trì trệ. Người nông dân bắt đầu phải mua phân bón ở ngoài, mua thuốc trừ sâu ở ngoài và điều tất yếu xảy ra là họ không thể bán thóc cho nhà nước theo giá quy định được nữa, nhà nước không mua thì họ bán ra thị trường. Do vậy, đã xuất hiện một cơ chế hoạt động mới của nền kinh tế - cơ chế kinh tế thị trường trao đổi hàng hóa. Cơ chế này hoạt động ngoài tầm kiểm soát của nhà nước vì chính sách và pháp luật chưa thừa nhận sự tồn tại của cơ chế kinh tế này.

Nhưng một sự thật khách quan là chính sách kinh tế nhà nước bao cấp đã không còn phù hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Cơ chế quản lý kinh tế bao cấp đã tạo ra một lề thói lao động thiếu chủ động, tiêu cực; tâm lí ăn sẵn và chỉ chờ bao cấp viện trợ đã trở thành nguyên nhân chính khiến cho nền kinh tế không thể thích ứng kịp với thời cuộc thay đổi. Lúc này cần có một cơ chế kinh tế mới kích thích được sự năng động, sáng tạo của lực lượng lao động.

Thực tế khách quan buộc các nhà cầm quyền phải thừa nhận rằng cơ cấu kinh tế nhiều thành phần mà đặc biệt là thành phần cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân sẽ là nhân tố quyết định quá trình đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Bởi thành phần kinh tế này luôn là thành phần kinh tế năng động nhất, người lao động phải tự làm cho mình ăn nên buộc họ phải tích cực lao động - yếu tố thúc đẩy sự tự giác, tích cực cải thiện năng suất lao động tạo ra nhiều của cải vật chất đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nhà nước nhận thức được vai trò quyết định của thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân đối với sự phát triển kinh tế nên đã thay đổi chính sách đối với thành phần kinh tế này tạo ra cơ sở pháp lý mở đường cho hoạt động kinh tế thị trường - hàng hóa phát triển mạnh mẽ, đưa đất nước đi lên. Cùng với nhận thức cần phải thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, tình hình thế giới lúc đó cũng có những biến đổi buộc nhà nước phải thay đổi đường lối chính trị mềm dẻo hơn. Các nguyên nhân kinh tế, chính trị, xã hội đã dẫn đến hệ quả là công cuộc đổi mới.

Và Hiến pháp 1992 ra đời với mục đích thể chế hóa những nội dung của đổi mới trong đó bao gồm những chính sách của nhà nước đối với thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân. Cũng từ đây nhà nước đề ra nhiều chính sách và quy định mới để phát triển thành phần kinh tế.

2. Chính sách

- Kinh tế cá thể là thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa vào vốn và sức lao động của bản thân cá thể là chính. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, kinh tế cá thể phát triển rất nhanh chóng, hoạt động trong mọi ngành sản xuất, giao thông vận tải, thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ,...

Đặc điểm của thành phần kinh tế cá thể là dựa trên cơ sở sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là chủ yếu, người chủ kinh doanh tự quy định từ quá trình sản xuất kinh doanh đến phân phối tiêu thụ sản phẩm. Mang tính tự chủ cao trong việc tìm kiếm nguồn lực, vốn, sức lao động.

Kinh tế cá thể là kinh tế của những người làm ăn riêng lẻ ( không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước,...) có vốn tư liệu sản xuất kĩ thuật chuyên môn và sức lao động tự đứng ra sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo Hiến pháp hiện hành thì hiện nay kinh tế cá thể được lựa chọn các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh mà không bị hạn chế trong các lĩnh vực hoạt động. Mọi công dân có quyền tham gia các hoạt động đầu tư với quy mô khác nhau ( nhỏ, vừa, lớn...); các hoạt động kinh doanh gắn liền với quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo hộ, có quyền bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh, tiếp cận cơ hội, nguồn lực kinh doanh và tiếp cận thị trường.

Qua đó, Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, công nhận và bảo vệ quyền sở hữu, quyền kế thừa của công dân đối với tài sản và thu nhập hợp pháp của các hộ kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân. Nhà nước tạo điều kiện để kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân được thành lập các doanh nghiệp, hoạt động trong những ngành và lĩnh vực mà nhà nước không cấm được quy định cụ thể trong luật doanh nghiệp ( 2008); nhà nước cho phép hộ cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân được phép thuê mướn lao động theo hợp đồng thỏa thuận giữa chủ và người làm thuê.

- Kinh tế tiểu chủ là hình thức kinh tế dựa trên tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất nhưng có thuê mướn lao động tuy nhiên thu nhập vẫn dựa chủ yếu vào sức lao động và vốn của bản thân gia đình.

Xuất phát từ quan điểm “giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế” (Điều 16 Hiến pháp năm 1992), Nhà nước đã thừa nhận sự tồn tại lâu dài của kinh tế tiểu chủ trong nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tiểu chủ là bước phát triển thứ hai của khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế tiểu chủ có sự liên kết giữa chủ thể kinh doanh và những người lao động làm thuê. Sự phân biệt giữa kinh tế tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân chỉ là tương đối do căn cứ vào số lao động được sử dụng, thuê mướn nhưng không qui định cụ thể là bao nhiêu. Cơ sở pháp lí quan trọng để thành phần kinh tế này có cơ hội phát triển và bình đẳng trước pháp luật với các thành phần kinh tế khác được qui định tại điều 21 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2011) : “Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp, không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh”.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX có đoạn viết " Kinh tế cá thể, tiểu chủ cả ở nông thôn và thành thị có vị trí quan trọng lâu dài. Nhà nước tạo điều kiện và giúp đỡ để phát triển; khuyến khích các hình thức tổ chức hợp tác tự nguyện, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp hoặc phát triển lớn hơn".  Điều 22 Hiến pháp năm 1992 qui định nghĩa vụ mà thành phần kinh tế tiểu chủ phải thực hiện: “Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đều bình đẳng trước pháp luật, vốn và tài sản hợp pháp được Nhà nước bảo hộ. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được liên doanh, liên kết cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật”. Cụ thể nghĩa vụ của thành phần kinh tế tiểu chủ được liệt kê một cách đầy đủ trong điều 9 - Luật doanh nghiệp.

Ta có thể thấy, đây là các nghĩa vụ cơ bản nhất, thiết yếu nhất để Nhà nước có thể quản lí các doanh nghiệp trong nước, đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp luôn tuân thủ pháp luật, đảm bảo lợi ích và an toàn cho xã hội. Cần lưu ý thêm 1 điểm trong Điều 22 HP 1992 quy định đối với các thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân: “…hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh”. Trên thực tế, ngoài những ngành nghề có hại cho quốc gia, còn có một số lĩnh vực hoạt động mà Nhà nước quy định tại Điều 5 Luật doanh nghiệp tư nhân phải có trình tự thành lập đặc biệt.

Qua việc tìm hiểu chính sách của Nhà nước về thành phần kinh tế tiểu chủ ta thấy được tầm quan trọng của các quy phạm vô cùng to lớn. Những quy phạm này giúp Nhà nước quản lí các hoạt động thành phần kinh tế một cách hiệu quả.

- Kinh tế tư bản tư nhân là thành phần kinh tế không có sự tồn tại vốn của nhà nước, vốn điều lệ hay cổ phần trong các doanh nghiệp, công ty sở hữu thuộc sở hữu toàn dân của tư nhân. Chính sách đối với thành phần kinh tế tư bản tư nhân được quy định tại điều 21 Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) với nội dung chủ yếu là: Tự do lựa chọn nghành nghề, quy mô kinh doanh, lựa chọn hình thức và cách thức đầu tư, tự do trong tuyển dụng lao động, ký kết hợp đồng…

Hiện nay, kinh tế tư bản tư nhân hoạt động trên khắp các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… nhưng phần lớn tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ và kinh doanh bất động sản, đầu tư vào sản xuất còn ít với quy mô vừa và nhỏ. Kinh tế tư bản tư nhân được hưởng các ưu đãi như đối với doanh nghiệp nhà nước, được hưởng mức thuế sản xuất tương đương, được hưởng các chế độ pháp lí. Nhà nước có một số đảm bảo với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp như công nhận sự tồn tại và phát triển lâu dài của các loại hình doanh nghiệp, đảm bảo bình đẳng trước pháp luật của doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế, thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của các hoạt động kinh doanh, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản và vốn đầu tư, thu nhập và bảo hộ quyền sở hữu tài sản và vốn đầu tư thu nhập và các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp.

Chính sách của Đảng cũng khẳng định kinh tế tư bản tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, quan điểm này khác với quan điểm của nhà lập pháp thể hiện trong Hiến pháp 1980. Việc thừa nhận và bảo vệ sự tồn tại, phát triển của sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất là một bước phát triển trong thời kì đổi mới. Các văn bản pháp luật như Luật doanh nghiệp năm 2005, luật thương mại năm 2005…quy định về thành phần kinh tế tư bản tư nhân, điều chỉnh cụ thể về cơ chế pháp lí, cơ cấu tổ chức, điều hành…nó là cơ sở pháp lí quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động của các công ty, doanh nghiệp tư nhân, phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với chính sách kinh tế của nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX có đoạn viết ”khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách pháp lí để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài, khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phiếu cho người lao động, liên doanh liên kết với nhau với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước, xây dựng quan hệ tốt đối với các chủ doanh nghiệp và người lao động”

- Nhà nước đã đưa ra những chính sách với mục đích khuyến khích sự phát triển của kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân qua các quyền hạn đã được phân tích ở trên, bên cạnh đó thành phần kinh tế này cũng cần phải thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với nhà nước.

Điều 22 HP 1992 đã quy định :” Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế phải được thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước…”

Đây chính là điều kiện cần để triển khai thành các điều luật quy định về nghĩa vụ của các thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân. Trên thực tế, để quản lý được thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân nói riêng và các thành phần kinh tế nói chung, nhà nước đã đặt ra những quyền hạn và nghĩa vụ phù hợp. Qua đó còn giúp các doanh nghiệp có thể đảm bảo hoạt động của mình.

3. Vai trò

- Về thành phần kinh tế cá thể: nhà nước khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ nông dân cá thể, người làm nghề thủ công và những người riêng lẻ khác. Và phát triển các thế mạnh của kinh tế cá thể, hạn chế hoặc bỏ đi cái lạc hậu  nhằm phù hợp với nền kinh tế hiện hành

Ví dụ: Mọi công dân có quyền kinh doanh được nhà nước hỗ trợ vốn vay thông qua hệ thống ngân hàng, hoặc giúp các cá thể giao lưu với các đối tác nước ngoài nhằm tằng cường hợp tác tìm các nguồn lực kinh doanh.

- Về thành phần kinh tế tiểu chủ: nhà nước tạo điều kiện đối với các kinh tế tiểu chủ chọn hình thức sản xuất, kinh doanh và được thành lập doanh nghiệp không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh. Ngoài ra các chính sách đó còn là cầu nối giữa người lao động và chủ doanh nghiệp nhằm tạo ra sự thống nhất, hiệu quả công việc cao điều đó dẫn đến năng suất lao động cũng tăng.

- Về thành phần kinh tế tư bản tư nhân: chính sách nhà nước giúp tự do kinh doanh, lựa chọn hình thức và cách thức đầu tư tự do tuyển dụng lao động thep quy định của pháp luật và được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp nhà nước được hưởng mức thuế tương đương và chế độ pháp lí tương đương. Ngoài ra thông qua các chính sách nhà nước đảm bảo bình đẳng trước pháp luật cho các doanh nghiệp. Và chính sách Đảng ta đã khẳng định kinh tế tư bản tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

III. Ý nghĩa

Sự phát triển của các thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân đã giúp xóa bỏ đi sự độc quyền kinh tế nhà nước và tập thể, xóa bỏ đi cả hình thức bao cấp lạc hậu, thúc đẩy sự phát triển của thành phần kinh tế cũng như thúc đẩy cả nền kinh tế xã hội.

Ba thành phần kinh tế này xuất hiện làm chuyên môn hóa lại sản xuất, phân công lại lao động xã hội, tăng khả năng hợp tác, áp dụng các khoa học công nghệ các đơn vị kinh tế thuộc thành phần khác nhau. Đặc biệt chuyển cơ chế sang nền kinh tế thị trường, với đầy đủ các quy luật của nó càng phát huy tính cạnh tranh, giúp phát huy tính năng động sáng tạo vốn bị che lấp bởi cơ chế quản lí bao cấp trước kia.

Sau 20 năm đổi mới, đất nước ta dần thay da đổi thịt, ngày càng giàu mạnh có vị thế trên trường quốc tế, đời sống nhân dân được cải thiện nâng cao rõ rệt. Điều đó có được là do những đóng góp không nhỏ của chính sách đổi mới, đặc biệt là chính sách phát triển của nhà nước đối với thành phần kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân.

KẾT THÚC

Đất nước đang thời kỳ quá độ đi lên CNXH việc xác định và phát triển các loại hình sở hữu, phân định các thành phần kinh tế là cần thiết hợp quy luật làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế nói chung và tạo điều kiện cho từng thành phần kinh tế nói riêng phát triển, phát huy được mọi nguồn sức mạnh, giải phóng mọi năng lực sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy cạnh tranh lẫn nhau làm cho nền kinh tế của đất nước thực sự năng động phát triển theo định hướng XHCN. Từ những ngày đầu hình thành và phát triển cho đến nay, thành phần kinh tế cá thể tiểu chủ tư bản tư nhân đã có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước nhà. Chính sự sáng suốt và kịp thời của Đảng và nhà nước trong quá trình đổi mới đã giúp nước ta vượt qua được cơn khủng hoảng sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ vào năm 1991, và ngày càng rút ngắn được khoảng cách với các nước trong khu vực và trên thế giới đồng thời góp phần đảm bảo công bằng xã hội, vì sự phát triển dân chủ,văn minh của đất nước. Để một tương lai không xa,Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh, góp phần nâng cao được vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI, VII, VIII, IX, X
- Hiến pháp năm 1980, năm 1992, năm 1992 sửa đổi
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006
- Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb, CAND, Hà Nội, 2013
- Luật doanh nghiệp
- Một số trang web: http:// www.tapchicongsan.org.vn

Cảm ơn bạn Lili Nguyễn đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment