I, MỞ ĐẦU:
Khi nghiên cứu về bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam, chúng ta không thể không đề cập tới những nguyên tắc nhất định trong tổ chức và hoạt động của nó. Các nguyên tắc tổ chức và quản lý của bộ máy nhà nước là những nguyên lý, những tư tưởng chỉ đạo có tính then chốt, thể hiện bản chất, nội dung, ý nghĩa, mục tiêu và nhiệm vụ của Nhà nước, tạo cơ sở cho việc tổ chức và triển khai các hoạt động của bộ máy Nhà nước. Trải qua mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi kiểu Nhà nước lại có những nguyên tắc tổ chức và hoạt động khác nhau , bộ máy nhà nước Việt nam thời phong kiến cũng vậy. Chính vì vậy,trong bài viết này nhóm em xin đi sâu, tìm hiểu đề tài “Những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam”.
II, NỘI DUNG:
Có hai nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam đó là: nguyên tắc tôn quân quyền và nguyên tắc liên kết dòng họ.
1, Nguyên tắc tôn quân quyền:
a, Cơ sở của nguyên tắc:
Có một số bằng chứng cho rằng Nho giáo đã được truyền vào thế kỷ 1 TCN khi ở Trung Quốc nhà Tây Hán đã đánh bại tập đoàn phong kiến họ Triệu giành lấy quyền thống trị và cho lập 3 quận tại Bắc Bộ. Tuy tầm ảnh hưởng còn rất hạn chế, song Nho giáo là công cụ thống trị của chính quyền đô hộ. Đến thế kỷ 9 sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền thì nước ta bước sang kỷ nguyên độc lập, tự chủ, bắt tay vào xây dựng đất nước trong khuôn khổ nhà nước phong kiến tập quyền, đạo Nho bắt đầu có ảnh hưởng lớn. Các triều đại phong kiến Việt Nam dựa vào hệ tư tưởng Nho giáo để thiết lập bộ máy nhà nước theo nguyên tắc “ tôn quân quyền”, đặc biệt là trong các giai đoạn về sau thời Lê- Nguyễn, khi mà Nho giáo càng chiệm vị trí lớn trong hệ tư tưởng phong kiến, trở thành tư tưởng hình thành nên nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước .
b, Nội dung nguyên tắc:
Nguyên tắc tôn quân quyền tức là quyền lực nhà vua là tối cao, độc tôn, vua nắm mọi quyền hành, tất cả mọi người phải phục tùng theo nhà vua, vua là “ thiên tử” (con trời) nên ý của vua chính là ý trời. Vua nắm trong tay quyền kinh tế, chính trị, văn hóa – vua là người nắm vương quyền: là người duy nhất có quyền đặt ra luật pháp. Các chiếu chỉ của vua có giá trị pháp lí cao nhất, các bộ luật được biên soạn trên cơ sở ý chí của vua. Vua đứng đầu nhà nước, điều hành bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Vua cũng nắm giữ quyền hành pháp. Chỉ vua mới có quyền ân xá phạm nhân. Ngoài ra, Vua còn nắm giữ “thần quyền” : Vua ban danh hiệu quốc sự ban sắc phong cho thần linh, tự ý đặt nơi thờ cúng, chỉ có vua mới có quyền tế trời, thần dân chỉ cúng tổ tiên, thần thánh; vua là chủ sở hữu tối cao với ruộng đất công của làng xã. Dưới vua có bộ máy quan lại giúp việc cho vua và chức năng chính là tư vấn, phụ tá, thực thi quyền lực của vua.
c, Biểu hiện của nguyên tắc:
Có thể nói mô hình nhà nước dưới thời Lê Thánh Tông là mô hình nhà nước mẫu mực nhất cho những đời vua khác phải noi theo nhằm tập trung quyền lực tối cao trong tay nhà vua, phỏng theo nguyên tắc tôn quân quyền của nho giáo. Lê Thánh Tông đã thực hiện cải tổ bằng việc loại bỏ bớt một số chức quan, cơ quan ở trung ương, thành lập các cơ quan giám sát, không tập trung quyền hành vào một cơ quan tránh cho việc lạm quyền, tiếm quyền. Theo đó, các quan lại, cơ quan chỉ là cơ quan giúp việc cho vua. Ông bãi bỏ các chức quan và cơ quan trung gian giữa vua và các bộ phận thừa hành như thượng thư sảnh, trung thư sảnh….Lê Thánh Tông đã bãi bỏ chức tể tướng và tự mình đứng ra điều khiển các quan, không thông qua tể tướng. Tương tự chức đại hành khiển đứng đầu quan văn cũng bị bãi bỏ. Ngoài ra Lê Thánh Tông còn bãi bỏ tam tư, chỉ còn lại tam thái, tam thiếu. Công thần dưới triều này không kiêm nhiệm các trọng trách lớn mà chỉ là những công thần không có thực quyền được hưởng phẩm cao, bổng hậu. Ở địa phương chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên, các xã được bầu xã trưởng nhưng phải theo tiêu chuẩn của triều đình…Cũng theo Lê thánh Tông , Minh Mạng thời sau cũng thực hiện cải cách nhưng có khi nó bị đẩy lên đến mức cực đoan làm cản trở sự phát triển của đất nước.
d, Ý nghĩa, nhận xét, đánh giá của nguyên tắc:
Ý nghĩa: Nguyên tắc này đã giúp tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương dần hoàn thiện, phân chia nhiệm vụ rõ ràng, các quan lại, bộ máy nhà nước chỉ là bộ phận giúp việc cho vua, thừa hành mệnh lệnh của vua, do đó tránh được sự tiếm quyền của các cơ quan
+ Nhận xét, đánh giá:
- Tích cực:
+Nguyên tắc tôn quân quyền trong tổ chức bộ máy nhà nước đưa đến một hệ quả xây dựng được nhà nước trung ương tập quyền. Với mức độ tập trung quyền lực cao độ vào tay nhà vua nền thống nhất quốc gia được củng cố, tránh cho dân tộc khỏi cơn binh đao bởi nạn phân quyền.
+Thực hiện tốt những chức năng cơ bản, quyết định những vấn đề sinh tồn với cộng đồng quốc gia: chức năng chống ngoại xâm và chức năng trị thủy, làm thủy lợi.
- Hạn chế:
+ Quyền lực Nhà nước tập trung cao độ trong tay hoàng đế, mọi chính sách pháp luật của nhà nước dễ bị đẩy vào chuyên chế cực đoan, quan liêu.
+Khi quyền lực nhà nước nằm trong tay nhà vua, nhà vua tìm mọi cách để bảo vệ và củng cố quyền lực của mình, do đó sự an nguy và thịnh trị của một quốc gia đặt cược trong tay hoàng đế. Đất nước ổn định về chính trị phát triển về kinh tế nếu cai trị vào tay minh quân. Ngược lại, khi cai trị rơi vào tay hôn quân thì đất nước bị đẩy đến tình trạng chia cắt bị giặc ngoại xân nhòm ngó.
2, Nguyên tắc liên kết dòng họ:
a, Cơ sở hình thành nguyên tắc:
Nguyên tắc “ liên kết dòng họ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam. Xuất phát từ đặc điểm chế độ phong kiến nước ta, có sự kết hợp giữa yếu tố Trung Hoa và yếu tố Đại Việt, trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, Văn hóa, giáo dục, tư tưởng, chính trị,..của các triều đại phong kiến đã du nhập vào nước ta. Chính vì vậy mà nền văn hóa, về cách thức tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cũng bị ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa. Ở các triều đại phong kiến nước ta, hoàng tộc luôn là hậu thuẫn chính trị của vương triều. Ngay từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê…tầng lớp quý tộc đã đóng vai trò quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tuân theo nguyên tắc “Liên kết dòng họ” nhằm củng cố sự vững chắc của vương triều, chế độ quân chủ chuyên chế, phát huy trí tuệ, sức mạnh của các hoàng tộc và triều đình. Gắn kết với hoàng tộc tạo nên sự chặt chẽ, làm bệ đỡ cho quyền lực chính tị của nhà vua, bảo vệ ngôi báu được vững chắc.
b, Biểu hiện của nguyên tắc:
Nhìn vào lịch sử các triều đại Việt Nam, nguyên tắc liên kết dòng họ được biểu hiện theo cấp độ khác nhau ở mỗi triều đại. Ở Triều đình nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê nguyên tắc này còn mờ nhạt, các vị vua mới bắt đầu phong tước, mà trước hết là những người ở trong hoàn tộc: Đinh Tiên Hoàng phong cho các con: Đinh Liễn làm Nam Việt Vương, Đinh Toàn làm Vệ Vương; 12 người con của Lê Đại hành đều được phong tước Vương…Đến Triều nhà Đại Lí, Trần, Hồ thì vì bản chất bộ máy nhà nước nên nguyên tắc này được coi trọng và đề cao, có thể nói là nguyên tắc này được vận dụng và phát triển nhất. Ở giai đoạn này thì hầu hết các chức vụ quan trọng của bộ máy nhà nước ở trung ương đều do tầng lớp quý tộc nắm giữ, các hoàng tử được phong vương được cử đi trấn giữ ở những nơi trọng yếu. Quan lại ở thời kì này chủ yếu đều được tuyển lựa theo hai hình thức là tuyển cử và nhiệm cử - phần lớn quan lại đều xuất thân từ tầng lớp con em quý tộc. Ngoài ra nó còn được thể hiện trong chính sách như nội hầu tôn thất đều được trọng dụng, khuyến khích hôn nhân nội tộc (đảm bảo vương triều vững chắc, bảo đảm tính thuần nhất của dòng họ, giữ vững ngôi vua). Nhưng đến thời nhà Lê Sơ (từ sau cuộc cải cách của vua Lê Thánh Tông) và nhà Nguyễn nguyên tắc này vẫn được sử dụng nhưng không còn phát triển như thời nhà Lí, Trần, Hồ.
c, Nội dung của nguyên tắc:
Nội dung của nguyên tắc này là tăng cường quyền lực cho hoàng thân quốc thích bằng việc hoàng thân quốc thích được trao cho nhiều tước vị, bổng lộc và nắm giữ nhiều quyền, tham mưu nhiều quyết định quan trọng. Suy cho cùng là nhằm xây dựng cơ sở vững chắc cho việc giữ vững vương quyền cho dòng họ của vị vua cai trị đương thời. Quyền lực của vua không phải là tuyệt đối mà bị hạn chế phần nào, phần quyền lực bị hạn chế đó được chia sẻ cho tầng lớp quý tộc – quan lại cùng hoàng thân quốc thích. Đồng thời, nội dung nguyên tắc này cũng bao gồm việc không những chấp thuận mà còn khuyến khích hôn nhân nội tộc, trước là để bảo vệ vững chắc ngôi vua, lâu dài là để tiếp tục duy trì và củng cố sự tồn tại vững bền của vương triều, ngăn chặn sự chiếm đoạt ngôi vua, chiếm đoạt quyền lực nhà nước vào tay các dòng họ khác.
d, Ý nghĩa, nhận xét đánh giá về nguyên tắc:
- Ưu điểm: Việc áp dụng nguyên tắc “liên kết dòng họ” đã tạo nên sự hòa hợp giữa nhà vua và hoàng tộc, hoàng tộc với nhân dân... tạo nên tính cộng đồng lớn, giúp bảo vệ lãnh thổ nước ta trước thế lực phương Bắc. Bên cạnh đó nhằm khẳng định, mô hình nhà nước phong kiến Việt Nam không hoàn toàn rập khuôn mô hình Nhà nước của Trung Quốc.
- Nhược điểm: Sự tiềm ẩn trong lòng mô hình nhà nước nguy cơ phân quyền, tiếm quyền cát cứ giữa các quý tộc, khi mà các vương hầu quý tộc được phong vương ban cấp ruộng đất có tiềm lực lớn mạnh về kinh tế - chính trị, quân sự thì sẽ không thuần phục nhà vưa nữa. Lúc này sẽ xuất hiện sự tranh giành quyền lực lẫn nhau. Hơn nữa, với đội ngũ quan lại chủ yếu là hoàng thân quốc thích sẽ không tạo ra được hệ thống quan lại có tài, có đức, từ đó sẽ làm cho đất nước dần lâm vào tình trạng suy thoái.
III. KẾT BÀI:
Như vậy qua những phân tích trên, chúng ta đã làm rõ được phần nào những vấn đề lớn trong việc tìm hiểu về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam. Nguyên tắc tôn quân quyền và liên kết dòng họ được các triều đại phong kiến áp dụng một cách khéo léo và linh hoạt trong từng giai đoạn lịch sử nhất định phù hợp với thực tế thời đại- thời đại của của triều đình phong kiến Việt Nam độc lập .
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam. Trường đại học luật Hà Nội. Nhà xuất bản Công an nhân dân. Hà nội – 2012.
2. http://sinhvienluat.vn/threads/nguyen-tac-to-chuc-va-hoat-dong-cua-bo-may-nha-nuoc-phong-kien-viet-nam.32602/
3. http://m.doko.vn/luan-van/cach-thuc-to-chuc-bo-may-nha-nuoc-thoi-ly-tran-212200
Cảm ơn bạn Linh Trần đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment