Điều 36 – Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:
“Quyền xác định lại giới tính.
Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. Hậu quả pháp lý của việc xác định lại giới tính:
Khi xác định lại giới tính và đã được công nhận giới tính mới, người đó sẽ không còn là đối tượng áp dụng của một số quy định pháp luật đặc thù liên quan đến giới tính cũ, nhưng lại trở thành đối tượng áp dụng của các quy định pháp luật đặc thù liên quan đến giới tính mới và được những quy định đó bảo vệ. Người đó cũng có thể trở thành thành viên của các tổ chức xã hội liên quan đến giới tính mới của người đấy.
Ví dụ: Một người trước đây là nam giới, sau đó xác định lại giới tính của mình là nữ giới. Vậy người này sẽ trở thành đối tượng được áp dụng của các quy định pháp luật liên quan đến nữ giới trong các bộ luật như Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lao động,...
2. Nhận xét:
Trên thế giới này, không phải ai sinh ra đều may mắn được sống với giới tính thực của mình. Ước tính cứ 2000 trẻ em sinh ra, thì ít nhất có 1 trẻ có bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể, dẫn đến khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Và, đa phần những người không may bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính đều có nhu cầu xác định lại giới tính, để có thể được sống thực giới tính của mình. Ở Việt Nam, trước kia, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, các kênh thông tin còn hạn chế, thì những người này đành chịu số phận bất hạnh, “trời đày” của mình. Nhưng, trong những năm gần đây, nhu cầu xã hội về xác định lại giới tính đã ngày một tăng. Các bệnh viện lớn tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện rất nhiều ca điều trị cho bệnh nhân có rối loạn, bất thường về giới tính.
Việc được sống thực với giới tính của mình không chỉ là nguyện vọng của mình, mà còn được pháp luật bảo vệ như các quyền cơ bản khác của con người. Vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã cụ thể hóa quyền xác định lại giới tính thành một điều luật (điều 36) và coi nó là là một quyền nhân thân. Có thể nói, việc quyền xác định lại giới tính được luật hóa trong Bộ luật Dân sự đã có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó thể hiện sự công bằng, bình đảng trong xã hội. Không những thế, nó còn thể hiện sự điều chỉnh kịp thời của cơ quan lập pháp đối với những quan hệ pháp luật mới phát sinh trong đời sống xã hội. Qua đó giúp cho những người chưa định hình được giới tính một cách chính xác có được sự bảo vệ của pháp luật.
Tuy nhiên, ta có thể thấy quyền nhân thân này có điều kiện. Đó là: một người chỉ được quyền yêu cầu xác định lại giới tính của mình khi người đó có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Khi đáp ứng được một trong hai điều kiện trên thì người đó mới có quyền yêu cầu y học xác định lại giới tính chính xác cho mình. Từ đây, ta có thể thấy điều này hoàn toàn khác với “chuyển đổi giới tính”. “Chuyển đổi giới tính” được hiểu là thực hiện theo ý thức của con người, trái với quy luật của tạo hóa. Còn “xác định lại giới tính” nhằm trả lại giới tính thực cho những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.
Vậy, có thể nói, Điều 36 Bộ luật Dân sự đã một mặt bảo vệ quyền nhân thân con người khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật, mặt khác nó điều chỉnh tình trạng chuyển đổi giới tính một cách tuỳ tiện thực tế đang diễn ra và có chiều hướng gia tăng ở nước ta.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật Dân sự của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2005.
2. http://sinhvienluat.vn
3. http://diendankienthuc.net
No comments:
Post a Comment