08/02/2014
Bài tập học kỳ Lịch sử NN&PLVN - Nguyên tắc hôn nhân bất bình đẳng
1. Nguyên nhân của nguyên tắc hôn nhân bất bình đẳng trong pháp luật phong kiến Việt nam.

- Về kinh tế: cơ sở kinh tế của người Việt là nên nông nghiệp lúc nước – tổ chức theo đơn vị gia đình dựa trên lao động thủ công, tuy cần sự kết hợp lao động của cả hai người, nhưng trước hết cần đến vai trò của người đàn ông để đảm đương những công việc nặng nhọc. Điều đó đã vô hình đề cao vai trò của người chồng – người đàn ông trong gia đình. Đàn ông mới được coi là chủ gia đình.

- Về xã hội: trên đất nước ta, gia đình của người Việt hầu hết là gia đình nhỏ, phụ quyền, vừa là đơn vị tổ chức sản xuất, vừa là đơn vị thờ cúng tổ tiên, duy trì dòng giống nên càng góp phần đề cao vị trí của nam giới. Người đàn ông được coi là trụ cột của gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà dân gian tổng kết: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”.

- Về tư tưởng: Nho giáo vốn là học thuyết chính trị - xã hội có nguồn gốc từ Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam, được nhà nước phong kiến dùng làm hệ tư tưởng chính thống để quản lý xã hội. Qua hơn hai nghìn năm, nó đã ảnh hưởng khá sâu đậm đến đời sống xã hội của người Việt. Nét nổi bật của Nho giáo là khuyến khích người ta ứng xử theo đúng vị thế của mình. Đối với người phụ nữ, Nho giáo thể hiện sự phân biệt đối xử bất bình đẳng rất rõ nét qua quan hệ về tam tong buộc người phụ nữ phải phục tùng và phụ thuộc vào người chồng, không được coi là một chủ thể độc lập và bình đẳng trong các mặt của đời sống, tại gia đình cũng như ngoài xã hội.

2. Nội dung nguyên tắc hôn nhân bất bình đẳng.

Hệ thống pháp luật dưới chế độ phong kiến ở Việt Nam thực hiện nguyên tắc bất bình đẳng giữa vợ và chồng. Thực chất của vấn đề này là đề cao tuyệt đối uy quyền của người chồng và thừa nhận vị thế lệ thuộc của người vợ. Quan niệm của xã hội phong kiến cho rằng: Người phụ nữ khi đã lấy chống là thuộc hẳn về gia đình nhà chồng sống gửi thịt, chết gửi xương, thuyền theo lái, gái theo chồng, phu xướng, phụ tuỳ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến đã khiến cho người vợ lệ thuộc người chồng về mọi mặt trong quan hệ nhân thân và tài sản. Tinh thần của hàng loạt quy định trong pháp luật phong kiến đã cho thấy trong quan hệ vợ - chồng người vợ phải thực hiện nghĩa vụ nhiều hơn thực hiện quyền. Người vợ không có quyền hành đồng như chồng, do đó trong những trường hợp phạm lỗi giống nhau thì trách nhiệm áp dụng cho vợ - chồng lại khác nhau theo xu hướng nương nhẹ đối với chồng. Điều đó được biểu hiện rõ nét qua một số quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng.

- Nghĩa vụ phải chung sống với nhau tại một nơi và phải thực hiện đầy đủ quan hệ vợ chồng: pháp luật phong kiến nhận định người đàn bà đúng nghĩa là phải theo chồng, chồng có thể bỏ vợ, nhưng vợ không được quyền tuyệt giao với chồng. Theo điều 321 Quốc Triều hình luật quy định: “vợ cả, vợ lẽ tự tiện bỏ nhà chồng đi thì xử lội làm suy thất tỳ, đi rồi lấy chồng khác thì phải đồ làm thung thất tỳ, người và gia sản phải trả về nhà chồng cũ”. Theo tinh thần và nội dung của điều khoản này thì người vợ phải có nghĩa vụ về ở với chồng tại địa điểm do cha mẹ chồng và chồng lựa chọn. Người vợ không được vì bất cứ lí do gì để tự tiện bỏ nhà chồng ra đi và hành động đó sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Cũng liên quan đến lĩnh vực chung sống theo chồng, Hoàng Việt luật lệ quy định: “Nếu vợ mà bỏ chồng trốn đi phạt 100 trượng”. Bên cạnh đó người chồng cũng có nghĩa vụ này nhưng được nới lỏng hơn rất nhiều.

- Nghĩa vụ chung thủy: Có thể nói trong xã hội phong kiến nghĩa vụ này trước hết và chủ yếu được đặt ra để dành cho người vợ. Chế độ đa thê được pháp luật và tục lệ công nhận: “Trai khôn năm bảy vợ, gái chính chuyên chỉ một chồng” không chỉ khi không có con hoặc không có con trai (thường được cho là lỗi của người phụ nữ) mà ngay cả khi đã có con trai thì người vợ vẫn phải chấp nhận cho chồng lấy thêm vợ lẽ, nàng hầu. Hiện tượng này càng phổ biến hơn ở các tầng lợp quan lại, vua chúa. Tục đa thê đã gây ra sự bất bình đẳng và bao đâu khổ cho người phụ nữ. Người vợ dù là vợ cả hay vợ lẽ thì đều phải chung thủy tuyệt đối với chồng, nếu họ vi phạm nghĩa vụ này thì không những bị coi là một trong bảy nguyên cớ để chồng bắt buộc phải ly hôn mà còn phải chịu hình phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Điều 401 Quốc Triều hình luật quy định “Gian dâm với vợ người khác thì bị xử tội lưu hay tội chết; với vợ lẽ người khác thì bị giảm một bậc. Với người quyền quý thì sẽ xử cách khác; kẻ phạm tội đều phải nộp tiền tạ như Luật định”. Điều 332 Hoàng Việt luật lệ quy định: “Chồng có quyền gả bán vợ nếu vợ mắc tội thôg gian”.

- Nghĩa vụ phải phục tùng chồng: theo quan niệm Nho giáo, người vợ phải phụ thuộc vào chồng, phải kính phục và nghe lời chồng, không được làm trái ý chồng, không được ghen tuông cậy thế lấn át chồng. Điều 331 QTHL: “những người cậy thế lấn át chồng hay ghen tuông thì bị xử tội đồ làm tang thất phụ”. Sự phục tùng chồng không cho phép người vợ được tố cáo và đánh chồng. Điều 504 QTHL: “hành vi tố cáo chồng bị xử đi lu châu xa, nếu là vu cáo thì xử theo tội đã vu tăng thêm một bậc”, điều 408 QTHL: “Vợ đánh chồng thì vị xử lưu đi châu ngoài”… Hình phạt đối với tội đánh chồng là rất nghiêm khắc, tuy nhiên trong trường hợp người chồng đánh vợ bị thương hoặc bị chết thì hình phát lại nhẹ hơn ba bậc so với hậu quả tương tự đối với người ngoài. Ngoài ra, sự phục tùng còn buộc người vợ phải thực hiện đầy đủ trọn vẹn cả các nghĩa vụ đối với những thành viên khác trong gia đình chồng cũng như chính người chồng.

- Nghĩa vụ để tang: nghĩa vụ này cũng được đặt ra trước hết đối với người vợ. Thời gian để tang chồng là bà năm, trong thời gian để tang chồng vợ phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của phátp luật. Sự kiện vợ hay chồng chết là nguyên nhân khách quan ngoài ý muốn làm chấm dứt hôn nhân và làm phát sinh những hậu quả pháp lý đặc biệt. Lúc này quan hệ nhân thân giữa hai vợ chồng chấm dứt song chỉ được coi là chấm dứt đối với người vợ khi đã thực hiện xong việc để tang chồng. Trong thời gian để tang, người vợ không được kết hôn với người khác mà vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với gia đình nhà chồng như cũ. Trái lại, quan hệ nhân thân đối với người chồng chấm dứt hoàn toàn và tuyệt đối ngay sau khi vợ chết.

- Trong quan hệ tài sản: sự bất bình đẳng thể hiện ở việc trong khi người vợ mất hết quyền hưởng hoa lợi từ tài sản của người chồng đã chết, nếu cải giá lấy chồng khác thì người chồng dù lấy vợ khác vẫn không bị mất quyền hưởng hoa lợi từ tài sản của người vợ đã chết (Điều 374, 375 QTHL).

- Trong việc ly hôn: luật pháp quy định các duyên cớ ly hôn là do lỗi của vợ hoặc chồng nhưng trong đó lỗi của người vợ là chủ yếu. Khi người vợ phạm vào một trong bảy điều thất xuất thì chồng bắt buộc phải bỏ vợ. (Điều 138 QTHL: Tội thất xuất gồm: vô tử, ghen tuông, ác tật, dâm đãng, không kính cha mẹ, lắm lời, trộm cắp).

Trong xã hội phong kiến Nho giáo ngày càng ăn sâu vào nhận thức người Việt, sự bất bình đẳng trong hôn nhân ngày càng rõ nét, pháp luậ với xu hướng giảm nhẹ nghĩa vụ đối với người chồng và hạn chế quyền lợi đối với người vợ đã trở thành nét đặc trưng của pháp luật phong kiến Việt nam. Trong xã hội ấy sự chênh lệch về địa vị của vợ - chồng là quá lớn không thể xóa bỏ được.

3. Đánh giá, nhận xét về nguyên tắc hôn nhân bất bình đẳng trong pháp luật phong kiến

Có thể nói rằng sự bất bình đẳng đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến thể hiện rõ nét trong việc hôn nhân và những phong tục về hôn nhân. Con cái nói chung và người con gái nói riêng không có quyền tự do đối với việc hôn nhân của mình mà hoàn toàn do cha mẹ sắp đặt: cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Trong quan hệ hôn nhân, xã hội cũng ít chấp nhận việc ly dị, nhất là khi phụ nữ là người chủ động. Dư luận xã hội luôn có ác cảm đối với những người phụ nữ gặp phải điều bất hạnh này trong hôn nhân, dù trong nhiều trường hợp họ không phải là người có lỗi. Nhiều người phụ nữ đã phải cam chịu một cuộc hôn nhân không có hạnh phúc trong suốt cả cuộc đời. Lệ tục làng xã còn cư xử đầy nghiệt ngã đối với những phụ nữ không chồng mà chửa, ngoài ra còn tước đi quyền làm mẹ chính đáng của nhiều phụ nữ không may mắn có được một mái ấm gia đình, buộc họ phải suốt đời sống trong cảnh cô đơn. Nhiều người đã phải bỏ làng ra đi để giữ lấy thanh danh của gia đình, dòng họ. Chính nguyên tắc này đã gây nên nhiều đau khổ, thiệt thòi cho người phụ nữ trong xã hội.

Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên bài tập vào form dưới đây.

No comments:

Post a Comment