27/09/2013
Phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở nước ta
Bài tập học kỳ môn Pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đề số 13:

Phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở nước ta.

LỜI NÓI ĐẦU

Trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, vấn đề thu hồi đất phục vụ cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế đang là mối quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, chủ đầu tư và người sử dụng đất bị thu hồi đất, nó không chỉ tác động về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến yếu tố chính trị -  xã hội.

Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa Nhà nước, người bị thu hồi đất và chủ đầu tư.

Những năm gần đây, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu quả thấp, kể cả việc thu hồi đất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho chính cộng đồng dân cư có đất bị thu hồi. Nhiều địa phương phải điều chỉnh lại quy hoạch, sủa đổi thiết kế dự án , chờ đợi do không giải phóng được mặt bằng hoặc do cơ sở hạ tầng không đảm bảo. Hậu quả là làm ảnh hưởng tiến độ, gây thiệt hại lớn về kinh tế của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất và Nhà nước, làm mất ổn định tình hình chính trị - xã hội ở các địa phương.

Xuất phát từ lí do trên, em xin lựa chọn đề tài: “Phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở nước ta” cho bài tập học kỳ môn Pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng của mình. Mong rằng trong quá trình làm bài cũng như những ý kiến đóng góp hữu ích của các thầy (cô) sẽ giúp em hoàn thiện kiến thức về vấn đề này.

BÀI LÀM

I. Khái niệm chung.

1. Các khái niệm về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

a. Khái niệm thu hồi đất.

Theo khoản 6 Điều 4, Luật đất đai năm 2003 “Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu hồi quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý”.

b. Khái niệm bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Việc thu hồi đất để xây dựng những khu công nghiệp cho mục tiêu phát triển kinh tế, những con đường quốc gia để phục vụ lợi ích chung là rất cần thiết nhưng không vì thế mà phải hy sinh quyền lợi của những cá nhân, những nhóm người. Do đó, khi quyền sử dụng đất của người dân bị thu hồi thì Nhà nước sẽ bồi thường thiệt hại.

Bồi thường khi nhà nước thu hồi đất trước hết là nhằm đảm bảo lợi ích công cộng, thứ hai là nhằm đảm bảo giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước và lợi ích của người bị thu hồi đất, thứ ba là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư góp phần vào việc duy trì ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

c. Khái niệm hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.

Theo Luật Đất đai năm 2003: "Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước giúp đỡ người bị thu hồi đất thông qua đào tạo nghề mới, bố trí việc làm mới, cấp kinh phí để di dời đến địa điểm mới" (khoản 7 Điều 4).

Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là ba bộ phận cấu thành chính sách của nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Các chế định này không những bù đắp cho người sử dụng đất quyền lợi về kinh tế họ mất đi mà nhà nước còn có chính sách hỗ trợ cho người bị thu hồi đất để họ ổn định đời sống và sản xuất, như: hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm…

d. Khái niệm tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Tái định cư là việc bố trí đất ở, nhà ở mới cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi phải di chuyển chỗ ở, tại một vị trí xác định. Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, căn cứ vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền xét duyệt, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập và thực hiện các dự án để đảm bảo phục vụ cho người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở.

2. Ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng, đã khẳng định đường lối, chủ trương đổi mới chính sách và pháp luật đất đai của Đảng và Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị xã hội. Đồng thời chỉ rõ những hạn chế về hiệu quả sử dụng đất đai, những yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nguyên nhân của những hạn chế này là do một số chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng còn chưa được thể chế hoá hoặc văn bản pháp luật thể chế ban hành nhiều, nhưng còn thiếu đồng bộ.

Đến năm 2003 Luật đất đai mới đã được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai 1993, trong Luật đã quy định đầy đủ hơn các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Để hướng dẫn cụ thể quy định của Luật đất đai năm 2003 và chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách phục vụ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước, trong Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XI Ngày 17 tháng 10 năm 2006 tại phần nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đã nêu rõ chủ trương chỉ đạo của Chính phủ: Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; tiếp tục hỗ trợ thích hợp cho người dân ở những nơi Nhà nước đã thu hồi đất để sớm ổn định cuộc sống; kiểm tra chặt chẽ các dự án tái định cư bảo đảm cuộc sống của dân khi quyết định thu hồi đất”. Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về đổi mới hoàn thiện chính sách bồi thường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 ; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư ; tại các nghị định này đã sửa đổi bổ sung một số quy định về chính sách bồi thường, quy định bổ sung các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế; sửa đổi quy định bồi thường đất, giá đất tính bồi thường, cơ chế hỗ trợ cho người bị thu hồi đất và cải cách trình tự thực hiện thu hồi đất, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngày càng phù hợp với yếu cầu phát triển khinh tế - xã hội của đất nước.

II. Cơ sở lý luận của việc xây dựng các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở nước ta.

Thứ nhất, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất được đặt ra dựa trên cơ sở quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ. Hiến Pháp 1946 đã ghi nhận và bảo hộ quyền sở hữu tư nhân về tài sản: “Quyền sở hữu về tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm” (Điều 12). Quyền này tiếp tục được khẳng định trong bản Hiến pháp năm 1992: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở , tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp…Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân” (Điều 58). Hơn nữa, Hiến pháp năm 1992 còn long trọng tuyên bố: “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường…”. (Điều 23);

Như vậy, quyền sở hữu về tài sản hợp pháp của mọi cá nhân và tổ chức đã được Hiến pháp ghi nhận và bảo hộ khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì toàn bội tài sản hợp pháp găn liền với đất bị thu hồi của người đang sử dụng đất đều phải được bồi thường theo giá thị trường. Đối với trường hợp người sử dụng đất bị thu hồi đất ở phải di chuyển chỗ ở, Nhà nước phải thực hiện chính sách tái định cư cho các đối tượng này;

Thứ hai, xét về bản chất Nhà nước ta là Nhà nước do nhân dân lao động thiết lập lên, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Nhà nước theo đuổi sứ mạng cao cả và mang đầy tính nhân văn là phục vụ và chăm lo cho lợi ích, sự phồn vinh của người dân. Đặt trong bối cảnh đó, thì khi Nhà nước thu hồi đất của người dân để sử dụng vào bất kỳ mục đích gì (cho dù là sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế) mà họ phải di chuyển chỗ ở thì Nhà nước phải có bổn phận và nghĩa vụ phải bồi thường và thực hiện việc tái định cư nhằm làm cho người sử dụng đất sớm ổn định cuộc sống;

Thứ ba, xét về phương diện lý luận, thiệt hại về lợi ích của người sử dụng đất (trong đó có lợi ích về nhà ở) là hậu quả phát sinh trực tiếp từ hành vi thu hồi đất của Nhà nước gây ra. Hơn nữa, trong điều kiện Nhà nước và pháp quyền, mọi chủ thể trong xã hội bao gồm Nhà nước, công dân, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội…đều bình đẳng với nhau trước pháp luật. Nước ta đang từng bước xây dựng một xã hội dân sự văn minh và hiện đại nơi mà ở đó quyền lợi hợp pháp của mọi thành viên trong xã hội phải được luật pháp tôn trọng và bảo vệ. Với cách tiếp cận như vậy, khi Nhà nước thu hồi đất ở mà làm thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất thì Nhà nước không những có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, mà còn phải thực hiện tái định cư cho họ.
    III. Thực tiễn việc xây dựng các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở nước ta.
      1. Thực tiễn.
        Ở nước ta, các quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu của thực tế cũng như yêu cầu của các quy luật kinh tế. Quan tâm tới lợi ích của những người bị thu hồi đất, Nghị định 197/2004/NĐ-CP sau một thời gian thực hiện, đặc biệt là sau sự ra đời của NĐ 84/2007/NĐ-CP đã thể hiện được tính khả thi và vai trò tích cực của các văn bản pháp luật. Mới đây ngày 13/8/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã giải quyết nhiều vướng mắc, bấp cập trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất của nông dân để sử dụng vào các mục đích phát triển công nghiệp dịch vụ, đô thị và hạ tấng kinh tế xã hội. Theo đó, về bồi thường tái định cư đã quy định tách bạch giữa bồi thường và hỗ trợ. Các khoản hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi bao gồm hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm.

        Các địa phương bên cạnh việc thực hiện các quy định Luật đất đai năm 2003, các Nghị định hướng dẫn thi hành, đã dựa trên sự định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình thực tế tại địa phương để ban hành các văn bản pháp luật áp dụng cho địa phương mình, làm cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện hợp lý và đạt hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn như: Quyết định 143/QĐ-UB sửa đổi bổ sung một số vấn đề về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/08/2007; Quyết định số 108/2009/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội…Do đã vận dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng nên việc thu hồi đất tiến hành bình thường, mặc dù vẫn còn những khiếu nại nhưng con số này ít và không gây trở ngại đáng kể trong quá trình thực hiện.
          2. Ưu điểm.
            - Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã quy định khá đầy đủ, cụ thể hoá các nguyên tắc, điều kiện bồi thường về đất, bồi thường về tài sản bị thiệt hại phù hợp sát với thực tế quản lý và thực trạng sử dụng đất đai, tài sản được tạo lập trên đất; khẳng định rõ và đảm bảo quyền lợi chính đáng được bồi thường của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, có tài sản trên đất bị thiệt hại; quy định giá đất, giá tài sản tính bồi thường sát với giá chuyển nhượng, phù hợp với mức thiệt hại thực tế để bảo đảm cho người bị Nhà nước thu hồi đất có đủ điều kiện khả năng tái tạo lại tài sản; các khoản hỗ trợ trong chính sách đã quy định với mức bảo đảm điều kiện để ổn định đời sống và sản xuất cho người bị thu hồi đất, người được tái định cư theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Do đó đã bảo đảm cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng được thuận lợi, việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án được nhanh hơn, bảo đảm tiến độ, đồng thời góp phần hạn chế được việc khiếu nại tố cáo của người bị thu hồi đất.
            - Quy định trong chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đã cơ bản hài hoà với quy định của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB....và các nước phát triển trên thế giới, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của các nước trong vực và quốc tế, thu hút được các tổ chức kinh tế nước ngoài đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển công nghiệp và sản xuất kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực. Từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển theo đúng chủ trương, mục tiêu của Đảng và Chính phủ đã đề ra và nâng cao số lượng, chất lượng công trình phục vụ đời sống của toàn xã hội.

            - Trong chính sách hiện hành đã quy định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm của các bộ ngành theo đúng chức năng được giao quản lý, trách nhiệm của các cơ quan thuộc địa phương và các đơn vị có liên quan trong việc hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức được giao thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; trách nhiệm lập và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư để bảo đảm việc bố trí tái định cư cho các hộ gia đình cá nhân khi bị thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở; quy định rõ quy trình tổ chức thực hiện công tác bồi thường, việc công khai kế hoạch thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí để phục vụ cho công tác thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phù hợp với thực tế và tạo điều kiện cho việc áp dụng, triển khai tổ chức thực hiện chính sách trong thực tế được chuẩn tắc và thuận lợi.

            - Trong công tác tổ chức thực hiện chính sách, Uỷ ban nhân dân các địa phương trong cả nước đã quan tâm chỉ đạo và tích cực điều hành việc thực hiện chính sách tại địa phương, như: Ban hành quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn về các đối tượng được bồi thường, hỗ trợ; quy định rõ giá bồi thường đất, tài sản, cây trồng, các mức hỗ trợ và việc bố trí tái định cư đối với các trường hợp đang thực tế sử dụng đất phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; đồng thời quy định và phân định rõ trách nhiệm các cơ quan tham mưu (sở ban ngành), các đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và chỉ đạo sát sao trong quá trình thực hiện. Từ đó bảo đảm việc áp dụng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách được thuận lợi, giải quyết đúng quyền lợi của người bị thu hồi đất theo quy định trong chính sách, hạn chế được việc khiếu nại của các hộ gia đình bị thu hồi đất, góp phần nâng cao tính khả thi của chính sách trong thực tế.

            - Công tác thực hiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đã từng bước được tổ chức chuyên môn hóa hơn; đội ngũ cán bộ thực hiện chính sách đã dần dần được tập huấn và bồi dưỡng trình độ chuyên môn, để nắm chắc chính sách cũng như bổ sung kinh nghiệm thực tế trong thực hiện; việc thực hiện áp dụng chính sách khi thu hồi đất trong các dự án cụ thể, đã chú trọng phổ biến công khai và phát huy tối đa quyền dân chủ tham gia của các tổ chức, đối tượng có liên quan và bị ảnh hưởng, hạn chế bớt thủ tục hành chính. Nên đã từng bước đưa công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đi vào nề nếp, nâng cao kết quả trong tổ chức thực hiện, giảm được những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, hạn chế được tối đa những thắc mắc khiếu kiện và rút ngắn được thời gian tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án.
            3. Nhược điểm.

            a. Về cơ sở thực hiện quy định của chính sách bồi thường và tính đồng bộ giữa quy định giữa các chính sách:
                Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là một chính sách kinh tế xã hội tổng hợp, liên quan đến nhiều quy định trong  các chính sách khác, như: chính sách đất đai, chính sách sở hữu tài sản, chính sách quản lý xây dựng, chính sách nhà ở, chính sách lao động việc làm, .... nhưng trong chính sách hiện nay được quy định, sửa đổi bổ sung hoàn thiện và hướng dẫn tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật (04 nghị định của Chính phủ và 04 thông tư hướng dẫn); một số quy định trong chính sách hiện còn dẫn chiếu áp dụng theo quy định trong chính sách khác; có quy định còn chung chung chưa cụ thể hoặc chưa thật sát phù hợp với thực tế và thiếu cơ sở để xác định khi áp dụng, như: quy định xác định bồi thường đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở trong trường hợp người sử dụng thửa đất không có giấy tờ sử dụng đất; bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại; quy định về xác định hộ gia đình phải di chuyển chỗ ở khi bị thu hồi đất được bố trí tái định cư; quy định xác định đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, đất vườn ao liền kề với đất ở trong khu dân cư để tính hỗ trợ; quy định xác định bồi thường giá trị thực tế của vườn cây; ...... Mặt khác, những quy định của chính sách với các quy định trong các chính sách khác có liên quan cũng chưa đồng bộ, đôi khi còn những điểm chồng chéo. Do đó, một số quy định của chính sách trong nghị định của Chính phủ khi thực hiện áp dụng phải tra cứu nhiều văn bản, nhiều quy định trong chính sách khác có liên quan hoặc chưa có đầy đủ cơ sở thực tế để xác định thực hiện, nên đã phát sinh vướng mắc trong áp dụng và làm giảm tính khả thi của chính sách.
                b. Về quy định áp dụng chính sách bồi thường đối với các trường hợp thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế.
                  Tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP (Điều 1) quy định phạm vi áp dụng của chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và “mục đích phát triển kinh tế quy định tại Điều 36 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai”. Để phục vụ yêu cầu xây dựng phát triển kinh tế của đất nước, trong Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ (Điều 67) đã quy định bãi bỏ điểm đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 36 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, đồng thời  quy định sửa đổi, bổ sung về thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế quan trọng, khu dân cư, phát triển kinh tế trong khu đô thị, khu dân cư nông thôn; thu hồi đất để xây dựng các khu kinh doanh tập trung có cùng chế độ sử dụng đất (Điều 34 và Điều 35) và đây là những trường hợp thu hồi đất phải áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã quy định định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng trong chính sách còn chưa có quy định khi thu hồi áp dụng chính sách bồi thường theo quy định nào. Quy định chưa đầy đủ của chính sách dẫn đến trong thực tế thực hiện thu hồi đất quy định tại Điều 34, Điều 35 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, còn thiếu căn cứ cơ sở pháp lý để áp dụng hoặc không áp dụng chính sách bồi thường của Chính phủ đối với các trường hợp này.
                  IV. Phương hướng hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở nước ta.
                    - Về phạm vi áp dụng chính sách: Sửa đổi, bổ sung phạm vi áp dụng chính sách đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất xây dựng khu dân cư, phát triển kinh tế trong khu đô thị, khu dân cư nông thôn, xây dựng các khu kinh doanh tập trung có cùng chế độ sử dụng đất đã quy định tại Điều 34, 35 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP;

                    + Bãi bỏ quy định cho phép thỏa thuận bồi thường khi thực hiện dự án thuộc trường hợp nhà nước phải thu hồi đất hoặc đã có quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, để bảo đảm việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thống nhất theo quy định chính sách, hạn chế khiếu nại;

                    - Về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:  Sửa đổi quy định rõ và thống nhất trách nhiệm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tính vào vốn đầu tư của dự án giữa các tổ chức trong nước được giao đất thu hồi thực hiện dự án không phải nộp tiền sử dụng đất với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất và các tổ chức nước ngoài, để bảo đảm tính thống nhất của chính sách áp dụng với các tổ chức;

                    + Sửa đổi quy định toàn bộ các khoản tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của tổ chức cả trong nước và nước ngoài đã chi trả theo phương án bồi thường được phê duyệt thì được trừ số tiền đã trả vào tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp, để bảo đảm tổ chức sử dụng đất chỉ phải trả một lần tiền sử dụng đất.

                    - Về đối tượng được bố trí tái định cư: Quy định cụ thể về việc xác định hộ gia đình mà phải di chuyển chỗ ở thì được bố trí tái định cư; đồng thời quy định rõ về việc tái định cư theo hình thức bồi thường bằng tiền tự lo chỗ ở mới, để làm căn cứ cơ sở trong thực tế áp dụng và thực hiện;

                    - Về nguyên tắc bồi thường và các điều kiện được bồi thường và không được bồi thường đất: Sửa đổi và bổ sung đối tượng và điều kiện được bồi thường đất, không được bồi thường đất đối với các trường hợp không có giấy tờ sử dụng đất theo quy định mà đã sử dụng đất trước thời điểm ngày 15 tháng 10 năm 1993, trong thời điểm từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 cho đầy đủ và phù hợp với quy định tại Điều 45, 46, 47 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP;

                    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

                    1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật đất đai, Nxb. CAND, Hà Nội, 2010
                    2. Nguyễn Quang Tuyến, Bình luận các quy định về thu hồi đất và bồi thường khi thu hồi đất trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 19/2008
                    3. Luật đất đai năm 2003
                    4. Nghị định của Chính phủ số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
                    5. Nghị định của Chính phủ số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
                    6. Thông tư của Bộ tài nguyên và môi trường số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.

                    No comments:

                    Post a Comment