27/09/2013
Bài tập học kỳ Luật thi hành án dân sự: Phân biệt biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự
LỜI MỞ ĐẦU

Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 đã được thay thế bởi Luật THADS 2008. Việc công tác thi hành án được quy định chi tiết và cụ thể trong Luật Thi hành án dân sự đã tạo ra một khung pháp lý quan trọng để việc thi hành án được thi hành một cách nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Một trong các thay đổi giúp Luật thi hành án dân sự phát huy được vai trò của mình đó là quy định thêm các biện pháp bảo đảm. Vậy biện pháp bảo đảm mới này và biện pháp cưỡng chế vốn có có những điểm gì khác nhau? Vai trò của mỗi biện pháp trong công tác thi hành án như thế nào?
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này em đã quyết đinh lựa chọn bài tập số 3 : “Phân biệt giữa biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự” để hoàn thiện bài tập lớn môn thi hành án dân sự của mình. Em mong rằng trong quá trình làm bài cũng như những đóng góp từ các thày (cô) sẽ giúp em hoàn thiện kiến thức về vấn đề này.


NỘI DUNG

I. Lý luận chung.                                                               

1. Khái niệm và ý nghĩa của biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự (THADS).

Một bản án, quyết định của toà án có được thi hành trên thực tế hay không phụ thuộc nhiều vào việc đương sự có điều kiện thi hành án hay không. Tuy nhiên khi đương sự có điều kiện để thi hành thì chưa hẳn bản án, quyết định đó đã được thi hành nếu pháp luật không có các biện pháp bảo đảm. Vậy biện pháp bảo đảm là gì?

Trong giáo trình Luật THADS của trường Đại học Luật Hà Nội có định nghĩa về biện pháp bảo đảm thi hành án như sau: “Biện pháp bảo đảm là biện pháp lý đặt tài sản của nguời phải thi hành án trong tình trạng bị hạn chế hoặc cấm sử dụng, định đoạt nhằm ngăn chặn việc người phải thi hành án tẩu tán, định đoạt tài sản, trốn tránh việc phải thi hành án và đôn đốc họ phải tự nguyện phải thi hành án của mình, do chấp hành viên áp dụng trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế.”

Với định nghĩa như trên ta có thể thấy biện pháp bảo đảm có ý nghĩa to đối với công tác thi hành án. Cụ thể đó là ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản đảm bảo được hiệu lực của bản án, quyết định và thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luât. Bên cạnh đó, biện pháp này còn đốc thúc người phải thi hành án tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình. Bởi lúc này, họ biết mình không thể trốn tránh được nghĩa vụ khi tài sản đã bị đặt trong tình trạng bị hạn chế. Và cuối cùng, đối với những đối tượng vẫn không chịu thi hành án thì đây là tiền đề để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.

2. Khái niệm và ý nghĩa của biện pháp cưỡng chế THADS.

Thi hành án dân sự là quá trình thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự của các đương sụ đã được xác định trong bản án, quyết định được đưa ra thi hành. Do vậy, việc tựu nguyện thi hành án của các đương sự được coi là biện pháp quan trọng nhất trong hoạt động thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người phải thi hành án có đủ điều kiện thi hành án nhưng vẫn không tự nguyện thi hành trong thời hạn cơ quan thi hành án ấn định,tìm cách trì hoãn, trốn tránh việc thi hành án. Trong trường hợp này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

“Biện pháp cưỡng chế là biện pháp THADS dung quyền lực Nhà nước buộc người phải thi hành án thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự do chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà họ không tự nguyện thi hành án.”

Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thi hành án là giải pháp có hiệu quả nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án, đảm bảo được hiệu lực của bản án, quyết định và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật trước thái độ không chấp hành án của người phải thi hành án. Trong thực tiễn cho thấy rằng trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án nếu không áp dụng biện pháp cưỡng chế thì sẽ không thể thi hành án được. Mặt khác, đây cũng là công cụ quan trọng để bảo vệ triệt để lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án. Bên cạnh đó, biện pháp cưỡng chế còn có ý nghĩa trong việc răng đe, giáo dục ý thực pháp luật của công dân, nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật trong thi hành án.

3. Điều kiện để áp dụng biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế THADS.

Theo căn cứ tại khoản 1 điều 8 Nghị đinh 58/2009/NĐ-Cp ngày 13/07/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của LTHADS về thủ tục THADS (sau đây gọi là nghi định 58/2009/NĐ-CP). “Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định của người phải thi hành án, điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế của địa phương lựa chọn biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hánh án thích hợp.

Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết. Trường hợp người phải thi hành án có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ thi hành án mà tài sản đó không thế phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị tài sản thì chấp chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án.”

Như vậy, cả biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế đều do chấp hành viên thực hiện. Nhưng không phải được thực hiện một cách tuỳ tiện, theo chủ quan của chấp hành viên mà cần phải dựa vào căn cứ cụ thể như nghĩa vụ phải thực hiện trong bản án, quyết định của toà án và các chi phí khác. Trong từng trường hợp cụ thể, các biện pháp cưỡng chế và biện pháp bảo đảm được áp dụng là không như nhau. Giả sử, nếu người phải thi hành án không có tài khoản trong ngân hàng thì không thể áp dụng biện pháp bảo đảm phong toả tài khoản được, cũng như không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản. Do đó, việc thi hành án có thuận lợi, nhanh chóng hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc áp dụng biện pháp cưỡng chế hay biện pháp bảo đảm phù hợp.

4. Mối quan hệ giữa biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự.

Chấp hành viên ra quyết áp dụng biện pháp bảo đảm nhằm bảo đảm hiệu quả cho công tác thi hành án. Sau khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nhằm buộc người phải thi hành án thực hiện các nghĩa vụ của họ. Như vậy biện pháp bảo đảm sẽ được tiến hành trước biện pháp cưỡng chế. Biện pháp bảo đảm là cơ sở, tiền đề để thực hiện biện pháp cưỡng chế. Cụ thể như sau:

Khoản 3 Điều 62 Luật THADS 2008: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại điều 67 của Luật này”. Như vậy biện pháp phong tỏa tài khoản là cơ sở, tiền đề cho biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.

Khoản 3 Điều 68 LTHADS 2008: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, chấp hành viên ra một trong các quyết đinh sau đây

a) Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu xác định được tài sản, giấy tờ giam giữ thuộc sở hữu của người phải thi hành án...”. Trong trường hợp này tạm giữ tài sản, giấy tờ cần được xác minh xem đó có phải là những giấy tờ thuộc sở hữu của người phải thi hành án hay không. Nếu phải thì tài sản đó sẽ trở thành đối tượng của biện pháp cưỡng chế.

Đoạn 2 Điều 69 LTHADS 2008 “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm ngừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản”. Trường hợp này cũng cần phải có hoạt động xác minh.

II. Phân biệt giữa biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự.

1. Về căn cứ áp dụng.

Đối với biện pháp bảo đảm căn cứ để áp dụng biện pháp bảo đảm được quy định khá chi tiết tại điều 66 LTHADS 2008. Theo đó, có đủ 3 căn cứ sau chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp bảo đảm: Bản án, quyết định có hiệu lực thi hành án của tòa án; Quyết định thi hành án cả cơ quan thi hành án và Chấp hành viên chủ động áp dụng khi thấy có khả năng đương sự muốn tẩu tán, huỷ hoại tài sản nhằm trốn tránh việc thi hành án hoặc do đơn yêu cầu của đương sự (có thể là yêu cầu của người được thi hành án cũng có thể là yêu cầu của người phải thi hành án).

Đối với biện pháp cưỡng chế căn cứ để áp dụng được quy định chặt chẽ, đòi hỏi nhiều căn cứ hơn so với biện pháp bảo đảm là phải có căn cứ quyết định cưỡng chế của Cơ quan thi hành án. Đối với biện pháp cưỡng chế không thể được chấp hành viên thực hiện một ngay lập tức mà cần có đầy đủ những căn cứ sau (Điều 70 LTHADS 2008): Thứ nhất là bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực thi hành án (Điều 2 LTHADS 2008), thứ hai phải có quyết định thi hành án (Điều 36 LTHADS 2008); Thứ ba là sau khi người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ thông thường là 15 ngày, người phải thi hành án có đủ điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì cơ quant hi hành án sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành án.

2. Về tính chất cưỡng chế.

Biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế đều là biện pháp được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước do chấp hành viên áp dụng trên tài sản của người phải thi hành án nhưng tính chất cưỡng chế ở các cấp độ khác nhau. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, chấp hành viên chỉ đặt tài sản của người phải thi hành án trong tình trạng hạn chế sử dụng, định đoạt. Tức là tài sản lúc này vẫn thuộc sự chiếm hữu của người phải thi hành án. Do đó, chấp hành viên có thể thực hiện biện pháp bảo đảm mà không cần báo trước cho đương sự.

Biện pháp cưỡng chế THADS là tước bỏ quyền ở hữu của người phải thi hành án đối với tài sản thi hành án, trừ trường hợp tài sản là đối tượng phải thi hành án có giá trị lớn hơn so với nghĩa vụ thi hành án thì người phải thi hành án sẽ vẫn sở hữu phần tài sản còn lại. Tính chất cưỡng chế của biện pháp cưỡng chế mang ý nghĩa nặng nề hơn so với Biện pháp bảo đảm cũng bởi vì người phải thi hành án đã có 1 khoản thời gian nhất định để thực hiện nghĩa vụ của mình (thông thường là 15 ngày), tức là người phải thi hành án đã cố tình trốn tránh nghĩa vụ của mình, do đó nhà nước có những biện pháp mạnh để xử lý. Biện pháp cưỡng chế đã thể hiện rõ mục đích duy trì trật tự xã hội của nhà nước và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các chủ thể liên quan trong thi hành án dù những việc đó trái với ý muốn của người phải thi hành án.

3. Về đối tượng áp dụng.

Đối tượng áp dụng biện pháp cưỡng chế rộng hơn rất nhiều so với đối tượng của biện pháp bảo đảm. Biện pháp cưỡng chế bao gồm: phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm ngừng việc đăng ký, dịch chuyển thay đổi hiện trạng tài sản. Như vậy, đối tượng mà biện pháp bảo đảm hướng tới chỉ là tài sản. Còn đối với biện pháp cưỡng chế thì ngoài đối tượng áp dụng là tài sản thì còn có biện pháp mà đối tượng hướng tới là hành vi, như biện pháp buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định.

Thật ra quy đinh này của pháp luật là vô cùng hợp lý bởi vì: Chỉ có tài sản mới có thể tẩu tán để không phải thực hiện nghĩa vụ. Còn hành vi là thứ gắn với người phải thi hành án không thể tách rời, vì vậy không thể trốn tránh khi phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi, điều này chỉ phụ thuộc vào ý thức của người phải thi hành án mà thôi.

4. Về trình tự áp dụng.

Do tính chất cưỡng chế của 2 biện pháp này khác nhau, nên pháp luật quy định về trình tự thực hiện từng biện pháp này cũng có những điểm khác nhau rõ rệt.

Trong Luật THADS 2008 không quy định về trình tự thực hiện biện pháp bảo đảm mà thông qua các quy định tại từng biện pháp ta thấy việc thực hiện biện pháp bảo đảm được diễn ra như thế nào chỉ phụ thuộc và hoạt động của chấp hành viên. Nhìn chung, biện pháp bảo đảm được thực hiện khá đơn giản và không có cơ sở pháp lý rằng buộc hoạt động của chấp hành viên. Biện pháp cưỡng chế thì được quy định một cách rất chi tiết và cụ thể từ việc lên kế hoạch cưỡng chế (Điều 72 Luật THADS 2008). Chi phí thi hành án (Điều 73 LTHADS 2008); Ngoài ra luật còn quy định về việc xử lý tài sản cưỡng chế thuộc khối tài sản chung và tài sản đang có tranh chấp. Và mỗi biện pháp cưỡng chế đều được quy đinh rất chi tiết và cụ thể tại các mục 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Chương IV LTHADS 2008.

KẾT LUẬN

Sau khi nghiên cứu về biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế ta thấy rõ được vai trò của từng biện pháp và sự khác nhau giữa 2 biện pháp này. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc tổ chức thi hành án, đảm bảo thi hành đúng thủ tục, trình tự. Mặt khác, biện pháp bảo đảm với tư cách là một điểm mới trong LTHADS 2008 đã góp phần cùng với biện pháp cưỡng chế vốn có sẽ đảm bảo số án thực tế được thi hành.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thi hành án dân sự Việt Nam, NXB Tư Pháp, Hà nội 2010
2) Luật thi hành án dân sự 2008
3) Nguyễn Thị Phíp, Các biện pháp bảo đảm thi hành án; Tạp chí nghề luật số 2/2009.
4) Nghị định 58/ 2009/ NĐ-CP ngày 13 tháng 07 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật THADS về thủ tục thi hành án dân sự.

Nếu bạn muốn download không mất phí, vui lòng điền thông tin và tên bài tập vào form dưới đây.

No comments:

Post a Comment