14/06/2014
Quyền được thay đổi giới tính của cá nhân - Bài tập học kỳ Pháp luật về quyền nhân thân
Tạo hóa ban tặng cho loài người hai giới tính đặc trưng gồm đàn ông và phụ nữ để họ có những đặc quyền và lợi thế riêng biệt. Tuy nhiên, không phải bất kì cá thể nào khi sinh ra cũng được đặt đúng vị trí mà mình mong muốn. Đó là những  người muốn chuyển đổi giới tính của bản thân sang giới tính đối lập, có thể nam chuyển thành nữ hoặc ngược lại. Một số người sẵn sàng thay đổi cấu trúc cơ thể của bản thân để đáp ứng niềm khao khát mãnh liệt đó. Tuy nhiên, nhóm người này vấp phải khá nhiều định kiến của xã hội, thậm chí họ bị khinh thường và kì thị. Thêm vào đó, không phải bất kì ai cũng hiểu một cách đúng đắn về những người chuyển đổi giới tính, họ có phải là nhóm người rất kì dị , đáng bị xã hội xa lánh không?

Hiện nay, pháp luật đã mở ra cho họ một con đường để sống thực với chính mình. Pháp luật đã  đề cập khá cụ thể và chi tiết  về xác định lại giới tính và ngày càng có xu hướng hoàn thiện hơn. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước và của toàn xã hội đến vấn đề này đồng thời góp phần vào mục tiêu chung là bình đẳng giới của toàn thế giới. Song các quy định đó vẫn còn nhiều bất cập, chưa hoàn thiện trong từng trường hợp cụ thể khi thực hiện vẫn còn sai sót và chưa đảm bảo quyền bình đẳng cho các bên. Đặc biệt trong vấn đề về quyền nhân thân của con người, quyền xác định lại giới tính cụ thể hơn về “quyền được thay đổi giới tính” của cá nhân cần được ghi nhận cụ thể trong pháp luật dân sự.

Nội dung

1. Một số thuật ngữ liên quan

- Giới: Là phạm trù chỉ quan niệm, vai trò và mối quan hệ xã hội giữa nam giới và phụ nữ. Xã hội tạo ra và gán cho trẻ em gái và trẻ em trai, cho phụ nữ và nam giới các đặc điểm giới khác nhau. Bởi vậy, các đặc điểm giới rất đa dạng và có thể thay đổi được. 

- Giới tính: Là sự khác biệt về mặt sinh học giữa nam giới và phụ nữ. Giới tính là những đặc điểm đồng nhất mà khi chúng ta sinh ra đã có.

- Xác định lại giới tính: Là những thủ tục dùng để điều chỉnh lại giới tính của một người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.

- Thay đổi giới tính: chỉ những thủ tục y khoa dùng để thay đổi giới tính của một người trong đó có thể bao gồm phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay không.

- Quyền nhân thân là một khái niệm pháp lý chỉ quyền năng dân sự của cá nhân được pháp luật ghi nhận. Quyền nhân thân gắn liền với những giá trị tinh thần của con người và về nguyên tắc không thể chuyển giao cho người khác. Điều 24 Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

- Người chuyển giới (transgender) : Là người sinh ra trong một cơ thể sinh học là nam hoặc nữ hoàn chỉnh và bình thường nhưng có cảm nhận về giới tính mong muốn của mình không trùng với giới tính sinh học đang có.. Tuy vậy trong thâm tâm họ luôn nghĩ và mong muốn mình là nữ hoặc nam (ngược lại với diện mạo). Đây là nhóm người chịu nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử, bị bạo lực bằng ánh mắt, lời nói và cả hành động từ cộng đồng người dị tính và cả những người đồng tính. 

- Người liên giới tính (intersex) là người khi sinh ra có sự phát triển không điển hình của các đặc điểm giới tính và sinh lý trên cơ thể. Ví dụ như có hai bộ phận sinh dục hoặc bộ phận sinh dục không rõ ràng là nam hay nữ.

2. Cơ sở pháp lý quy định về việc xác định giới tính ở Việt Nam

- Điều luật 36 của Bộ luật Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2005 về quyền được xác định lại giới tính: “ Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.” 

- Nghị định 88/2008/NĐ-CP ngày 5/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính quy định việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Nghị định này coi người liên giới tính có khuyết tật bẩm sinh về bộ phận sinh dục và cho phép phẫu thuật xác định lại giới tính.

- Thông tư 29/2010/TT-BYT hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định 88/2008/NĐ-CP ngày 5/8/2008 quy định rất chặt chẽ về phần các cơ sở ý tế được phép tiến hành các ca xác định lại giới tính.

3. “Quyền được thay đổi giới tính” của cá nhân nên được khi nhận trong pháp luật dân sự

Để có cái nhìn rõ hơn về sự cần thiết hay không của việc ghi nhận “quyền được thay đổi giới tính” của các nhân nên được ghi nhận trong pháp luật dân sự, ta cùng xem xét vấn đề “giới tính”, “thay đổi giới tính” (hay “chuyển đổi giới tính”) cũng như những “người chuyển đổi giới tính” hoặc “có nhu cầu chuyển đổi giới tính” dưới các góc độ khác nhau.

Thứ nhất, nhìn từ góc độ sinh lý tự nhiên, con người khi sinh ra không thể tự chọn lựa giới tính của mình.

Trên thế giới và Việt Nam, ước tính cứ 2000 trẻ em sinh ra, thì ít nhất một trẻ có bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể, dẫn đến khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Nguyên nhân dẫn đến khiếm khuyết giới tính có thể do quá trình người mẹ mang thai bị đột biến gen hoặc do di truyền bị khiếm khuyết nhiễm sắc thể. Theo y học thì đó là trường hợp lưỡng giới thật (có cơ quan sinh dục của cả nam và nữ) hoặc lưỡng giới giả (có cơ quan sinh dục của giới chính, đồng thời có thêm một số rối loạn khác). 

Nhóm người chuyển đổi giới tính là những người gặp phải giới tính không nhất quán và có những hành động, cử chỉ mang sắc thái đối lập với đặc điểm hiện hữu bề ngoài. Điều này có thể hiểu một cách đơn giản như sau: một người đàn ông thân hình vạm vỡ, có đầy đủ cấu tạo bộ phận thuộc chức năng sinh lý đặc trưng, thể hiện đầy đủ sự nam tính nhưng thực chất đó chỉ là cái vỏ giả tạo, tồn tại bên trong là những đặc điểm của phụ nữ chính gốc. Về mặt khoa học, thì những người thuộc nhóm chuyển đối giới tính có suy nghĩ, tính cách, hoocmon cơ thể trái ngược hoàn toàn với những đặc tính thể chất họ có được khi sinh ra. Họ không có sự lựa chọn nào khác, đó là một trở ngại không mong muốn.

Thứ hai, nhìn từ góc độ quyền con người – quyền tự nhiên của mỗi người khi sinh ra đã có, con người có quyền được sống thực với bản chất con người mình.

Người chuyển giới có thể được phân loại như sau: nhóm người chấp nhận với giới tính thực đối lập với sự hiện hữu tồn tại, không có mong muốn phẫu thuật để biến đổi cơ thể. Họ vẫn thực hiện đầy đủ thiên chức của mình, có thể cưới vợ, sinh con, quan hệ tình dục với những người khác giới mặc dù giới tính bên trong là khác biệt. Nhóm người thứ hai là những người mong muốn thay đổi cấu tạo cơ thể vốn có,  khao khát được sở hữu những đặc điểm giới tính vốn dĩ không được tạo hóa ban tặng.

Có thể thấy, những người chuyển giới, vốn khi sinh ra đều là những con người bình thường về mặt thể chất và tâm hồn, chỉ khác, tâm sinh lý giới tính của họ vì một yếu tố khách quan nào đó, khác với đa số những người còn lại. Những người này vẫn có khả năng phân biệt đúng sai, đạo đức tốt xấu, vẫn có thể sinh con và sống lành mạnh, cũng có nhu cầu yêu thương như những người khác mà vẫn thực hiện nghĩa vụ với cộng đồng, xã hội và gia đình. Do vậy, việc họ muốn được thay đổi để sống đúng với con người mình có hay không không phải một lẽ tự nhiên? Và việc không công nhận quyền được sống đúng với con người của họ có hay không là điều trái tự nhiên?

Nhiều nước đã nhận ra rằng tạo cho người có cơ thể là nam, nhưng tâm sinh lý là nữ một cuộc sống phù hợp với tính cách, tâm sinh lý và cấu tạo cơ thể của họ là thuộc về quyền con người. Đó là quyền nhân thân của cá nhân.

Thứ ba, nhìn từ góc độ xã hội, tâm lý truyền thống của người Việt Nam không chấp nhận chuyển đổi giới tính, vì giới tính là do cha mẹ sinh ra. Ai đó chuyển đổi giới sẽ gây cho người khác sự tò mò, phản cảm. Nhưng dần dần chúng ta cũng hiểu rằng tâm sinh lý con người không phải do con người quyết định, đây là vấn đề gene, hoóc môn… Có người sinh ra là nam, nhưng tính tình lại hoàn toàn nữ hoặc ngược lại.

Trong xã hội tân tiến hiện nay, một số nước đã có bộ luật đồng ý cho phép người chuyển đổi giới tính. Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định kiểm tra sức khỏe, đối mặt với sự thử thách bằng việc sống như giới tính họ mong muốn miễn sao kết quả mang lại là tích cực và thành công. Có những người sai lầm trong việc chuyển đổi giới tính, họ không xác định rõ mục đích theo đuổi của bản thân, đó chỉ là khát vọng tạm thời không mang tính lâu dài trong khi phẫu thuật chuyển giới tồn tại mãi mãi đến khi họ chết đi. Trên thế giới, một số quốc gia đã ban hành luật cấm phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục, bao gồm cả những người chuyển đổi giới tính hoặc các thành phố Santa Cruz, Berkeley và San Francisco, California, Seattle, Washington, đã có pháp lệnh bảo vệ cá nhân bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính hoặc biểu hiện của họ. Không những vậy, sự mở cửa cho người chuyển giới còn được thể hiện rõ nét thông qua cuộc thi hoa hậu những người chuyển đổi giới tính. Xã hội đã có phần nào giảm bớt đi sự miệt thị, tẩy chay nhóm người này.

Thứ tư, nhìn từ góc độ pháp lý, có thể thấy xác định lại giới tính là một quyền nhân thân có điều kiện và chỉ khi đáp ứng được các điều kiện luật định mới có quyền yêu cầu y học xác định lại giới tính chính xác. 

Pháp luật cũng qui định, những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác, trước và sau khi xác định lại giới đều hoàn toàn bình đẳng về quyền nhân thân với những người bình thường khác. Có nghĩa, họ có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, tôn trọng bí mật đời tư... Đặc biệt, việc xác định lại giới tính là vấn đề tương đối nhạy cảm, nên bí mật về các thông tin liên quan đến xác định lại giới tính sẽ được pháp luật tuyệt đối bảo vệ, trừ những trường hợp đặc biệt. 

Sau khi xác định lại giới tính, cơ quan Tư pháp căn cứ vào Giấy chứng nhận y tế (do cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp) để giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho người đã xác định lại giới tính. Sau khi hoàn tất thủ tục, họ sẽ được sửa lại giới tính trên các loại giấy tờ nhân thân như khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, văn bằng, chứng chỉ. Người xác định lại giới tính cũng có quyền được tự do kết hôn như mọi công dân khác và làm giấy khai sinh cho con (nếu có), được nhận nuôi con nuôi...

Bà Đàm Thị Kim Hạnh (Trưởng phòng Lý lịch Tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội) cho hay, theo báo cáo của Phòng Tư pháp các quận huyện thì trong nhiều năm qua, số trường hợp xin cải chính lại hộ tịch do xác định lại giới tính trên địa bàn Hà Nội rất hiếm, chỉ khoảng dưới 1%. Bà Nguyễn Thị Phương Chung, Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, nhiều năm qua, quận này không tiếp nhận trường hợp nào xin cải chính hộ tịch vì xác định lại giới.

Như vậy, có thể thấy việc “xác định lại giới tính” - trả lại giới tính thực cho những người bị khuyết tật hoặc giới tính chưa được định hình chính xác được pháp luật bảo vệ chặt chẽ, khác với việc “chuyển đổi giới tính” - được thực hiện theo “ý thích”. Thế nhưng, không ít người do chưa hiểu biết đầy đủ, cứ cho rằng pháp luật cấm “đổi giới”, mà thực ra pháp luật chỉ cấm chuyển đổi giới tính với những người hoàn toàn bình thường về giới tính nhưng vẫn muốn chuyển đổi - những người bị xem là mắc bệnh rối loạn hành vi, tâm lý. Theo nhiều chuyên gia y tế thì những người hoàn toàn bình thường về giới tính nhưng vẫn muốn chuyển giới sẽ chỉ tạo nên những con người trái “tự nhiên”. Thực tế, để có được thân hình từ nam thành nữ và ngược lại, người chuyển giới phải mất một khoản tiền không nhỏ trong thời gian khoảng ba năm cho các phẫu thuật chỉnh hình công phu…

Gần đây, có nhiều ý kiến trái chiều về việc pháp luật Việt Nam nghiêm cấm chuyển đổi giới tính với những người hoàn toàn bình thường về giới. Những người thuộc “thế giới thứ ba” đương nhiên là phản đối, muốn được tự do chuyển giới theo ý muốn. Một số nhà tâm lý cũng đồng tình. Tuy nhiên, không ít chuyên gia pháp lý lại cho rằng việc cấm là cần thiết nhằm ngăn chặn những hành vi chuyển đổi giới tính phục vụ cho các quan niệm tâm sinh lý lệch lạc, hoặc sau khi phạm tội thì chuyển giới để trốn tránh trách nhiệm pháp lý, hoặc gian lận trong thi đấu thể thao... 

Rõ ràng, đây là các vấn đề cần sớm được luật hóa, nếu không, rất khó tránh khỏi những hệ quả pháp lý rắc rối xảy ra.

Thứ năm, nhìn từ góc độ của những người chuyển đổi giới tính, những người chuyển giới là nhóm người gặp phải vô vàn định kiến của xã hội. Họ bị cười chê, xỉ nhục, khinh miệt thậm chí có nhiều người mất đi sự nghiệp danh vọng chỉ vì họ là người chuyển giới. Điều này không thể tránh khỏi và khó trách cứ được người đời vì theo lẽ tự nhiên, tạo hóa chỉ sinh ra hai cá thể con người tồn tại với hai giới tính riêng biệt  đó là nam và nữ. Không phải những bộ phận cơ thể trên con người ngẫu nhiên được tạo hóa tạo ra như vậy mà  nó được sinh ra để thực hiện nghĩa vụ theo bản năng duy trì nói giống. Những người chuyển đối giới tính đã chạm phải điều cấm là thay đổi những gì họ được ban tặng để theo đuổi khát vọng bên trong cơ thể họ. Họ phá vỡ mọi quy luật của tự nhiên. Hậu quả họ gánh phải là sự kì thị của xã hội, sự phân biệt đối xử, không được hưởng quyền lợi công dân như nhà ở, trợ cấp xã hôi, sức khỏe thậm chí họ là nạn nhân của cuộc xung đột , đánh đập từ những người phản đổi việc chuyển giới.

Nếu như chúng ta nhìn một cách khách quan, đặt mình ở trong hoàn cảnh của những người chuyển đổi giới tính, có lẽ chúng ta có thể thông cảm được phần nào bởi lẽ khi sinh ra, họ đã không gặp may, bị tạo hóa vô tình đặt tâm hồn, ý chí, cảm giác ở giới tính trái ngược. Họ cũng có quyền được đối đãi như người bình thường bởi họ chỉ gặp vấn đề về giới tính, họ có thể đóng góp cho xã hội muôn vàn điều có ích. Trong số họ, có người là bác sĩ, nhà khoa học, nghiên cứu, kĩ sư, là những người có tài có khả năng xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Do sự kỳ thị của xã hội nên việc thu thập, tìm hiểu về người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người chuyển giới đang sống ngoài pháp luật do có không có chứng minh nhân dân, không sử dụng tên khai sinh và không được thừa nhận giới tính thực sau khi phẫu thuật. Dù có học vấn hay không, người chuyển giới cũng hầu như không xin được việc làm dù đây là nguyện vọng tha thiết để đảm bảo sự sinh tồn. Hậu quả là nhiều người phải làm những công việc chịu sự kì thị nặng nề hơn như đi hát đám ma hoặc thậm chí bán dâm. Nhiều người chuyển giới gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài, chỉ dám ra ngoài vào buổi tối.

“Thiếu sự bảo vệ của pháp luật đã khiến họ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Sự kỳ thị phân biệt đối xử và cả bạo lực từ phía gia đình, xã hội đã khiến nhiều người trầm cảm, dẫn đến ý định tự tử hoặc hành động tự tử trên thực tế” - TS Phạm Quỳnh Phương (iSEE – Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Mội trường) nhận định.

Xem xét một số ví dụ cụ thể sau: 

- “Từ khi quyết định bộc lộ bản thân bằng cách mặc đồ con gái cũng là lúc em phải bỏ nhà đi lang thang. Để kiếm sống, em đi hát đám ma và nhiều lần bị sàm sỡ, coi khinh. Em không muốn làm công việc này mà cũng muốn làm cô giáo hay công chức để đóng góp cho xã hội như một người bình thường nhưng không thể được. CMND của em ghi giới tính là nam, trong khi bên ngoài em lại ăn mặc như con gái. Ngay cả khi đi từ TP HCM ra Hà Nội, dù được hỗ trợ tiền vé máy bay nhưng em vẫn phải ròng rã đi tàu suốt 2 ngày, 1 đêm chỉ vì CMND của em không… khớp với hình ảnh của em bên ngoài. Em rất mong xã hội đón nhận chúng em như người bình thường!” - Cát Thy, nam chuyển giới sang nữ nói . 

- Hay trong những ngày gần đây là việc thừa nhận chuyển giới của thí sinh VietnamIdol Nguyễn Hương Giang trên báo chí  ; trên phương diện pháp luật thì Hương Giang có tên Ngọc Hiếu, mang giới tính nam. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng để đi thi Vietnam idol với giới tính nữ, Hương Giang đã dùng chứng minh thư nhân dân của chị gái mình. 

- Trường hợp sau khi sang Thái Lan phẫu thuật chuyển đổi giới tính, anh Ngô Văn H. đã có đơn gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế xin xác nhận thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân. Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế lúng túng đành phải gửi xin ý kiến Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Thu Thủy (vụ Pháp chế, Bộ Y tế) trường hợp này chưa thể giải quyết được bởi ở Việt Nam chưa có cơ sở nào đủ khả năng để xác định xác định việc này. Anh H. sẽ phải tiếp tục cảnh “giấy tờ một đằng, hình hài một nẻo”. 

Có thể nhận thấy qua phân tích và biểu hiện cụ thể ở ba ví dụ trên, tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lí, việc thừa nhận quyền được chuyển giới của cá nhân là cần thiết như thế nào. Điều 52, Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Mọi công dân đều được hưởng quyền ngang nhau và thực hiện các nghĩa vụ công dân như sau trước nhà nước và xã hội theo quy định của pháp luật. Người chuyển giới cũng là công dân nên họ cũng được hưởng quyền và nghĩ vụ như những công dân khác. Việc thừa nhận quyền chuyển giới này sẽ kéo theo việc thừa nhận hợp pháp về người chuyển giới ở nước ta, giảm tình trạng phải phẫu thuật “chui”, cấp các giấy tờ hợp pháp cho người khiếm khuyết muốn được hoàn thiện để ổn định cuộc sống.

Kết luận

Việc ghi nhận quyền được thay đổi giới tính cá nhân trong pháp luật dân sự ở nước ta  là cần thiết, giúp tạo khung pháp lí đầu tiên cho bộ phận  những người muốn xác định đúng giới tính của mình, đồng thời tạo điều kiện cho họ có một cuộc sống bình thường, hòa nhập cộng đồng.

Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Bộ luật dân sự năm 2005.
3. Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 5/8/2008 về xác định lại giới tính.
4. Thông tư số 29/2010/TT-BYT hướng dẫn thực hiện Nghị định 88/2008/NĐ-CP.
5. Đặc san pháp luật về quyền công dân số 03/2012,  Ths. Phạm Thị Kim Dung - Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp.
6. Một số bài viết trên bóa mạng có trích dẫn:
- http://www.baomoi.com/
- http://www.piyavate.com.vn
- http://vietbao.vn/
- http://www.radioaustralia.net.au/

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment