Các cơ quan hành chính nhà nước là một bộ phận cấu thành của bộ máy Nhà nước. Việc tìm hiểu khái niệm, đặc điểm, chức năng, địa vị pháp lý của các cơ quan hành chính Nhà nước sẽ giúp chúng ta phân biệt chúng với các cơ quan Nhà nước khác và để thấy được vì sao cơ quan hành chính Nhà nước lại là chủ thế quản lí hành chính Nhà nước quan trọng nhất trong bộ máy Nhà nước. Do đó nhóm chúng em đã chọn đề tài: “Phân tích khái niêm, đặc điểm của các cơ quan hành chính Nhà nước. Chứng minh cơ quan hành chính Nhà nước là chủ thế quản lí hành chính Nhà nước quan trọng nhất”.
NỘI DUNG
I – KHÁI NIỆM CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
1. Định nghĩa
Cơ quan hành chính nhà nước là bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước, trực thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, có phương diện hoạt động chủ yếu là hoạt động chấp hành- điều hành, có cơ cấu tổchức và phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định.
2. Đặc điểm của cơ quan hành chính nhà nước
2.1. Đặc điểm chung của các cơ quan nhà nước.
- Cơ quan hành chính nhà nước có quyền nhân danh nhà nước khi tham gia vào các quan hệ pháp luật nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý với mục đích hướng tới lợi ích công. Cơ quan hành chính nhà nước có quyền nhân danh nhà nước tức là được sử dụng quyền lực nhà nước, các biện pháp cưỡng chế nhà nước và được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các chủ thể để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước với mục đích vì lợi ích tập thể, lợi ích công cộng. Ví dụ: chủ tịch ủy ban nhân dân huyện A kí hợp đồng xây mới trụ sở ủy ban nhân dân với công ty xây dựng Y thì chủ tịch ủy ban nhân dân là người kí kết hợp đồng không phục vụ lợi ích cá nhân mà vì lợi ích tập thể, công cộng.
- Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn do pháp luật quy định. Ví dụ: Luật tổ chức Chính phủ 2001, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 2003, ….
- Các cơ quan hành chính nhà nước được thành lập và hoạt động dựa trên những quy định của pháp luật, có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền riêng và có những mối quan hệ phối hợp trong thực thi công việc được giao. Các cơ quan hành chính nhà nước cũng thực hiện quyền lực theo nguyên tắc: Quyền lực Nhà nước thống nhất, có sự phối hợp giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Giống như cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hành chính; có quyền thực hiện các biện pháp mang tính quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện các quy phạm pháp luật trên thực tế; có quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm…
- Nguồn nhân sự chính của cơ quan hành chính nhà nước là đội ngũ cán bộ, công chức, được hình thành từ tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc bầu cử theo quy định của Luật cán bộ, công chức 2008.
2.2. Đặc điểm đặc trưng của cơ quan hành chính nhà nước
- Cơ quan hành chính nhà nước có chức năng quản lý hành chính nhà nước. (hoạt động chấp hành-điều hành). Hoạt động chấp hành-điều hành được hiểu là hoạt động được tiến hành trên cơ sở Luật và áp dụng luật vào thực tế đời sống xã hội nhằm thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước.Đây là phương diện hoạt động chủ yếu của cơ quan hành chính nhà nước, cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan nhà nước.Các cơ quan nhà nước khác cũng tiến hành các hoạt động quản lý hành chính nhà nước nhưng không phải là phương diện hoạt động chủ yếu mà chỉ là hoạt động nhằm hoàn thành chức năng cơ bản của mình.Ví dụ: Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm ông Trần Quốc Vương vào chức viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hoạt động này nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức của hệ thống tư pháp nhằm thực hiện chức năng kiểm sát tốt hơn…
- Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước được thành lập từ trung ương đến cơ sở và tạo thành một chỉnh thể thống nhất, được tổ chức theo thứ bậc, có mối quan hệ mật thiết phụ thuộc nhau về tổ chức và hoạt động nhằm thực thi quyền quản lý hành chính nhà nước. Đứng đầu hệ thống này là Chính phủ, sau đó là các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân các cấp.Giữa các cơ quan hành chính các cấp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cơ quan hành chính cấp dưới phải phục tùng cơ quan hành chính cấp trên.Ví dụ: Bộ và cơ quan ngang bộ phải chịu sự quản lý của Chính phủ. Chính phủ lãnh đạo công tác của bộ và cơ quan ngang bộ, quy định về cơ cấu tổ chức, cách thức, phương pháp thực hiện của bộ và cơ quan ngang bộ.
- Thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước được pháp luật quy định trên cơ sở lãnh thổ, ngành hoặc lĩnh vực chuyên môn mang tính tổng hợp. Đó là những quyền và nghĩa vụ pháp lí hành chính chỉ giới hạn trong phạm vi hoạt động chấp hành – điều hành. Chính phủ có thẩm quyền chung đối với tất cả các tỉnh, thành phố trong nước. Ủy ban nhân dân các cấp chỉcó thẩm quyền trong phạm viđịa phương mà mình quản lý. Ví dụ: Quyết định của ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chỉ có hiệu lực trong phạm vi mà mình quản lý, nếu ra ngoài phạm vi của mình quản lý thì quyết định đó không còn hiệu lực.
- Các cơ quan hành chính nhà nước đều trực tiếp hay gián tiếp trực thuộc cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp, chịu sự giám sát và báo cáo công tác trước cơ quan quyền lực nhà nước. Trước hết, các cơ quan hành chính nhà nước đều trực tiếp hoặc gián tiếp do cơ quan quyền lực lập ra. Ví dụ: Quốc hội trực tiếp bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thủ tướng chính phủ, phê chuẩn đề nghị của thủ tướng chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của chính phủ; Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra… Mọi hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đều chịu sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước và phải báo cáo công tác trước cơ quan quyền lực.
- Các cơ quan hành chính nhà nước có hệ thống đơn vị cơ sở trực thuộc. Hầu hết các cơ quan có chức năng quản lý hành chính nhà nước đều có các đơn vị cơ sở trực thuộc. Ví dụ: Các trường đại học trực thuộc Bộ giáo dục và đào tạo, các bệnh viện trực thuộc Bộ y tế; các tổng công ty, công ty, nhà máy trực thuộc Bộ công thương, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ giao thông vận tải…Hệ thống đơn vị cơ sở trực thuộc có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý hành chính nhà nước cũng như đáp ứng các dịch vụ xã hội, bảo đảm công bằng, vì lợi ích chung của xã hội.
II – CHỨNG MINH CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC LÀ CHỦ THỂ QUẢN LÍ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC QUAN TRỌNG NHẤT
1. Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chủ yếu được coi là chức năng của cơ quan hành chính nhà nước
Trong bộ máy nhà nước, mỗi hệ thống cơ quan chức năng khác nhau và cơ quan chức năng của cơ quan hành chính nhà nước được xác định là chức năng quản lý hành chính nhà nước (thực hiện hoạt động chấp hành- điều hành).Biểu hiện của tính chất chấp hành là mọi hoạt động quản lý hành chính nhà nước đều được tiến hành trên cơ sở pháp luật và để thực hiện pháp luật.Tính chất điều hành được thể hiện ở hoạt động tổ chức và chỉ đạo trực tiếp đối với các đối tượng quản lý thuộc quyền để đảm bảo các văn bản pháp luật của cơ quan quyền lực nhà nước được thực hiện trên thực tế. Để thực hiện chức năng này, cơ quan hành chính nhà nước tiến hành hoạt động quản lý thường xuyên trên mọi mặt lĩnh vực của đời sống xã hội như quản lý của nhà nước về kinh tế, quản lý nhà nước về văn hóa, quản lý nhà nước về xã hội…. thông qua các hình thức được pháp luật quy định.
Mỗi cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền quản lý hành chính khác nhau. Đó có thể là cơ quan có thẩm quyền chung, thực hiện chức năng quản lý hành chính trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hoặc cũng có thể là các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn có chức năng quản lý hành chính nhà nước về ngành hoặc lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước. Các cơ quan nhà nước khác cũng thực hiện những hoạt động quản lý hành chính nhà nước nhưng chỉ thực hiện trong một phạm vi rất hẹp khi cần thiết, đó không phải là phương diện hoạt động chủ yếu mà chỉ là hoạt động được thực hiện nhằm hướng tới hoàn thành chức năng cơ bản của cơ quan nhà nước đó như: Chức năng lập pháp của Quốc hội, chức năng xét xử của Tòa án nhân dân, chức năng công tố và kiểm sát của viện kiểm sát nhân dân. Chỉ có cơ quan hành chính nhà nước mới thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội… và việc thực hiện hoạt động đó nhằm hoàn thành chức năng quản lí hành chính nhà nước.
Các cán bộ nhà nước có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước cũng thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước thường xuyên, liên tục trong nhiệm kì công tác của họ. Nhưng hoạt động của họ phụ thuộc nhiều vào cơ quan mà họ đang công tác, không thể có chuyện cán bộ có quyền độc lập, vượt quá thẩm quyền pháp luật quy định cho cơ quan họ đang công tác.
Một số cá nhân và tổ chức cũng được trao quyền thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước nhưng họ chỉ được trao quyền ấy trong một số trường hợp cụ thể, như cơ trưởng máy bay khi đang bay, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển…
2. Cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể quản lý hành chính nhà nước thường xuyên nhất
Các quan hệ thuộc phạm vi quản lí hành chính được chia thành 3 nhóm cơ bản sau:
+ Các quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
+ Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và củng cố chế độ công tác nội bộ của mình nhằm ổn định về tổ chức để hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình.
+ Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cá nhân và tổ chức được nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy định.
Có thể nói nhóm quan hệ cơ bản và quan trọng nhất của hoạt động quản lí hành chính nhà nước là nhóm quan hệ thứ nhất.Bởi lẽ đây là nhóm quan hệ khá phong phú, diễn ra thường xuyên nhất trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, trong đó, cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể quan trọng nhất so với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.Ví dụ: Trong khi Quốc hội-cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất họp một năm hai kì (Luật tổ chức Quốc hội 2001) để ban hành hoặc sửa đổi hiến pháp, luật và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thì Chính phủ-cơ quan hành chính nhà nước cao nhất họp thường kì mỗi tháng một lần (Luật tổ chức Chỉnh phủ 2001) để giải quyết những vấn đề phát sinh đang xảy ra hàng ngày trong thực tiễn đời sống xã hội. Đó là những hoạt động quản lí của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên với cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới theo hệ thống dọc (như Chính phủ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); của cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn cùng cấp (như Chính phủ với Bộ công an) hay với cơ quan chuyên môn trực thuộc của nó; của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương với các đơn vị trực thuộc Trung ương đóng tại địa phương đó (như Ủy ban nhân dân quận Đống Đa với Trường Học Viện hành chính); của cơ quan hành chính nhà nước với các đơn vị trực thuộc (như Bộ Tư pháp với Trường Đại học Luật Hà Nội); của cơ quan hành chính với các tổ chức xã hội, kinh tế; và hoạt động quản lí của cơ quan hành chính với công dân người nước ngoài, người không quốc tịch (như giữa cơ quan có thẩm giải quyết khiếu nại với người khiếu nại)....Các hoạt động quản lí nhà nước nêu trên luôn diễn ra hàng ngày hàng giờ, để đảm bảo sự chấp hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp, thường xuyên để xây dựng đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững. Hơn nữa hệ thống cơ quan hành chính nhà nước (chính phủ, bộ cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân) có sự thống nhất c
hặt chẽ với nhau, lại được trao trong tay quyền hành pháp nên đương nhiên là chủ thể quản lí hành chính thường xuyên nhất.
Đối với nhóm quan hệ thứ 2, đó không phải là phương diện hoạt động chủ yếu mà chỉ nhằm ổn định về tổ chức để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình ví dụ như kiểm tra nội bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công chức...Hoạt động này chỉ tạo điều kiện cho các cơ quan thực hiện tốt chức năng cơ bản của mình.
Nhóm quan hệ thứ 3 cũng không phải nhóm quan hệ chủ đạo mà chỉ phát sinh trong một số trường hợp do pháp luật quy định. Trong một số trường hợp pháp luật có thể trao quyền thực hiện hoạt động chấp hành - điều hành cho các cơ quan nhà nước khác, hay các tổ chức cá nhân...nhưng đây không phải là hoạt động quản lí hành chính nhà nước thường xuyên mà chỉ khi được pháp luật quy định. Ví dụ: chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo ( Điều 39 Luật xử lí vi phạm hành chính).
3. Các cơ quan hành chính nhà nước tham gia quản lý hành chính nhà nước với số lượng lớn
Trong hệ thống các cơ quan của bộ máy nhà nước thì cơ quan hành chính nhà nước chiếm số lượng lớn nhất. Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước được thành lập và tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở, bao gồm Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ là các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, trong đó đứng đầu là Chính phủ, tạo thành một chỉnh thể thống nhất nhằm thực thi quyền quản lí hành chính nhà nước.
Ở Việt Nam hiện nay gồm có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ (Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ủy ban dân tộc, Văn phòng Chính phủ).
+ Ủy ban nhân dân các cấp:
+ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (hiện nay có 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương – gọi chung là cấp tỉnh)
+ UBND huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, quận và thị xã (hiện nay có 48 thành phố trực thuộc tỉnh, 47 quận, 46 thị xã và 556 huyện – gọi chung là cấp huyện)
+ UBND xã, phường, thị trấn (hiện nay có 1366 phường, 625 thị trấn, 9121 xã - gọi chung là cấp xã)
Bên cạnh đó, để giúp cơ quan hành chính thực hiện tốt chức năng của mình còn có một đội ngũ cán bộ, công chức khá lớn trong khi các chủ thể khác chỉ có một hoặc một số tham gia vào hoạt động quản lí hành chính nhà nước.
4. Chỉ có cơ quan hành chính nhà nước mới có đầy đủ quyền năng để thực hiện tất cả các hình thức quản lý hành chính nhà nước
Các hình thức quản lí hành chính nhà nước bao gồm:
- Hình thức mang tính chất pháp lí: ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật và thực hiện các hoạt động khác mang tính chất pháp lý.
- Hình thức không mang tính pháp lý: áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp, thực hiện những tác động về nghiệp vụ - kĩ thuật.
Chỉ có cơ quan hành chính nhà nước mới có quyền năng thực hiện tất cả các hình thức quản lý trên. Trong số các hình thức trên thì những hình thức mang tính chất pháp lý có vai trò quan trọng, là những hình thức quản lý hành chính nhà nước trực tiếp. Và không phải tất cả các chủ thể quản lý hành chính nhà nước đều có thể thực hiện bởi nó được pháp luật quy định rất cụ thể về chủ thể tiến hành, trình tự, thủ tục cũng như hiệu lực thi hành. Chỉ có cơ quan hành chính nhà nước, với những thẩm quyền được pháp luật quy định cụ thể mới có thể tiến hành tất cả các hình thức quản lý hành chính nhà nước nêu trên đặc biệt là hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
* Về hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước ban hành chứa những quy định mang tính khái quát cao. Trong khi hoạt động quản lí hành chính nhà nước bao hàm nhiều lĩnh vực của đời sống, rất rộng lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được giải quyết cụ thể và chi tiết. Nhiệm vụ cụ thể hóa thuộc về cơ quan hành chính nhà nước.Ví dụ: Chính phủ được ban hành nghị quyết (như nghị quyết Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ : Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường), nghị định (Nghị định 129/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế); bộ trưởng được ban hành thông tư (Thông tư 09/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của quản lí thị trường); ủy ban nhân dân được ban hành quyết định, chỉ thị (Quyết định số 21/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành đơn giá thuê đất, thuê mặt nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai).
* Về hoạt động ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật: chủ tịch ủy ban nhân dân được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
* Về hoạt động khác mang tính chất pháp lý: áp dụng các biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật; đăng kí những sự kiện nhất định; lập và cấp một số giấy tờ nhất định. Ví dụ: ủy ban nhân dân xã cấp giấy đăng kí khai sinh, giấy đăng kí kết hôn,...
* Về áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp: đảm bảo sự kết hợp đúng đắn giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách trong hoạt động của Chính phủ, ủy ban nhân dân; chuẩn bị và tiến hành các phiên họp của Chính phủ,...
* Về thực hiện những tác động về nghiệp vụ - kĩ thuật: chuẩn bị tài liệu cho việc ban hành nghị định, làm báo cáo, công tác lưu trữ hồ sơ,...Cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) không ban hành văn bản áp dụng quy phạm pháp luật, không thực hiện các hoạt động khác mang tính pháp lý.
Cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát tuy cũng thực hiện các hình thức trên nhưng không nhiều như cơ quan hành chính nhà nước và chủ yếu để thực hiện chức năng chính của các cơ quan đó (xét xử, kiểm sát). Chẳng hạn, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật rất hạn chế, chỉ được quy định cho Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, và văn bản do các chủ thể này ban hành cũng rất hạn chế, thường là hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
KẾT LUẬN
Tóm lại, cơ quan hành chính Nhà nước là một bộ phận không thể thiếu trong bộ máy Nhà nước, là chủ thể quan trọng nhất thực hiện chức năng quản lí hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, trong thực tế, về cơ cấu tổ chức, xác định mục tiêu, về đội ngũ cán bộ, công chức…, các cơ quan này còn có những bất cập, hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động quản lí. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tích cực đề ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, cải cách cơ cấu tổ chức của các cơ quan này, đồng thời mỗi người dân cũng có ý thức tham gia hoạt động quản lý ở địa phương- một nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài./.
No comments:
Post a Comment