Bài tập học kỳ Công pháp quốc tế, đề bài: Phân tích tác động của Luật quốc tế tới quá trình hoàn thiện các văn bản luật của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là câu nói bao hàm đầy đủ ý nghĩa về Trẻ em. Trẻ em hôm nay là tương lai của nhân loại, của thế giới, của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, mỗi họ tộc và mỗi gia đình mai sau.
Ngày 26 tháng 1 năm 1990, Việt Nam đã ký Công ước về quyền trẻ em 1989 và phê chuẩn Công ước ngày ngày 20 tháng 2 năm 1990, mà không kèm theo bảo lưu nào. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và cũng là quốc gia đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước này. Việc phê chuẩn Công ước đã tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho việc bảo vệ trẻ em ở Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra những nghĩa vụ ràng buộc Việt Nam đối với việc thực thi Công ước. Tuy nhiên việc đảm bảo và thực hiện quyền trẻ em cũng còn nhiều hạn chế, tình trạng xâm hại trẻ em thực sự đáng báo động, rất nhiều hành vi vi phạm quyền trẻ em mà chưa chịu sự trừng trị của pháp luật. Vì những lí do trên em xin được chọn đề tài: (Phân tích tác động của Luật quốc tế tới quá trình hoàn thiện các văn bản luật của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em) để làm bài tập lớn học kì. Tuy nhiên do hiểu biết của em còn hạn chế nên không thể tránh khỏi những thiếu sót, vì vậy em rất mong nhận được sự đóng góp của quý thầy cô để bài làm của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cám ơn!
B.NỘI DUNG
I. KHÁI NIỆM VỀ QUYỀN TRẺ EM TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM
1.Khái niệm về trẻ em
1.1Trẻ em theo công ước về quyền trẻ em năm 1989 và pháp luật nước ngoài
Điều 1 Công ước về quyền trẻ em đã ghi nhận “Trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Trung quốc: Điều 2, luật Bảo vệ người chưa thành niên quy định, trẻ em còn được gọi là trẻ chưa thành niên, là công dân dưới 18 tuổi. Nhật Bản: Điều 4, luật Phúc lợi trẻ em năm 1947 cũng quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi. Pháp luật tôn trọng và thực thi toàn bộ những quy định để đảm bảo mọi phúc lợi cho trẻ em. Theo Điều 1 Luật liên bang Nga số 124-FZ ngày 21/7/1998 (sửa đổi), thì trẻ em được hiểu là người ở độ tuổi dưới 18.
1.2 Trẻ em theo pháp luật Việt Nam
Từ những quy định về độ tuổi của người chưa thành niên trong các văn bản pháp luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật Lao động hiện hành... trên chúng ta có thể hiểu và đưa ra một khái niệm về trẻ em như sau “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”, khái niệm này phù hợp với Công ước quốc tế quyền trẻ em và pháp luật Việt Nam.
2. Quyền trẻ em
Quyền trẻ em chính là quyền của con người được cụ thể hóa cho phù hợp với nhu cầu, đặc trưng phát triển và tính chất cuộc sống trẻ em.
2.1Quyền trẻ em theo công ước quốc tế
Công ước về quyền trẻ em năm 1989 đã bao quát được tất cả các khía cạnh của quyền trẻ em bao gồm: Quyền sống còn; quyền được phát triển; quyền được bảo vệ quyền được tham gia và một số biện pháp bảo vệ dành cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
2.2Quyền trẻ em theo pháp luật Việt Nam
Hiến pháp 1992, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đã nói rõ quyền cơ bản và bổn phận của trẻ em. Bộ luật Dân sự năm 2005 có những quy định riêng nhằm xác định địa vị pháp lý của trẻ em trong lĩnh vực dân sự, gồm quyền, nghĩa vụ và những đảm bảo pháp lý. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2005 đã có những quy định trẻ em như là một thành viên đặc biệt của gia đình, cần có sự bảo hộ pháp lý đặc biệt. Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 xác định trẻ em với tư cách là một cá nhân, nên quyền có quốc tịch là một trong những quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của trẻ em.
II.TÁC ĐỘNG CỦA LUẬT QUỐC TẾ TỚI QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN CÁC VĂN BẢN LUẬT CỦA VIỆT NAM TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM
1.Đặc điểm các quan hệ pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em.
1.1. Đặc điểm các quan hệ pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em.
Quan hệ pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em, về bản chất thì đó chính là các quan hệ pháp luật điều chỉnh các quyền con người. Nguyên tắc chung của việc thực hiện điều ước quốc tế về quyền trẻ em là nguyên tắc tận tâm thực hiện cam kết quốc tế (nguyên tắc Pacta sutservanda) đòi hỏi các quốc gia có nghĩa vụ thực thi các điều ước quốc tế một các tự nhiên và nghiêm chỉnh. Đối tượng điều chỉnh của các thỏa thuận đó là các quyền trẻ em bao gồm quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia. Công ước về quyền trẻ em ràng buộc nghĩa vụ của các quốc gia đã phê chuẩn hoặc gia nhập trong việc thực hiện các quyền trẻ em.
1.2 Đặc điểm pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền trẻ em.
Quyền trẻ em được ghi nhận là các quyền cơ bản của công dân (chương V Hiến pháp 1992) mà nội dung của quyền này chủ yếu là các quyền dân sự, bao gồm: quyền sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia.
Chế định quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan do các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia ban hành như: Hiến pháp 1992, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và các văn bản pháp luật khác bao gồm cả văn bản luật và văn bản dưới luật.
Việt Nam đã xây dựng một bộ máy các cơ quan Nhà nước để đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em.
2. Sự tác động của luật quốc tế đối với luật Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em.
Pháp luật quốc tế có tác động tích cực đến sự phát triển và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền trẻ em.
Tính chất tác động của luật quốc tế đối với luật quốc gia được đánh giá bằng thực tiễn thực thi nghĩa vụ thành viên điều ước quốc tế của quốc gia, thể hiện ở những hoạt động cụ thể: Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của luật quốc gia phù hợp với cam kết quốc tế của chính quốc gia đó.
Các văn bản pháp luật Việt Nam hiện nay đều thể hiện quan điểm của Nhà nước Việt Nam trong việc nghiêm chỉnh tuân thủ và tôn trọng các nghĩa vụ cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam chính thức ràng buộc, trên cơ sở bình đẳng, có đi có lại, hợp tác phát triển.
3. Bảo vệ quyền trẻ em theo pháp luật Việt Nam.
Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định Nhà nước Việt Nam tôn trọng các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội trong đó có quyền trẻ em.
- Quyền sống còn
Điều 32, 37 Bộ luật Dân sự năm 2005: Cá nhân có quyền được đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể. Danh sự, nhân phẩm, uy tín của cá nhâ được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Bộ luật Hình sự cũng đã góp phần bảo vệ quyền sống còn của trẻ em. Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004: “1. Trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ; 2. Trẻ em dưới sáu tuổi được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.”
- Quyền được bảo vệ
Trong pháp luật Việt Nam, quyền được bảo vệ bao gồm các quyền: Trong lĩnh vực Dân sự; Hành chính; Hình sự; Lao động; Bảo vệ khỏi bị xâm hại tình dục, tệ nạn ma tuý, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
- Quyền được phát triển
Nhóm quyền được phát triển nhằm mục đích đảm bảo cho trẻ em có thể đạt được khả năng phát triển tối đa, cả về thể chất lẫn trí tuệ. Sự phát triển của trẻ em là dự kết hợp của hai yếu tố cá nhân và môi trường, do đó pháp luật Việt Nam quy định khá rõ nét những vấn đề liên quan đến quyền phát triển của trẻ em: Quyền được giáo dục; Quyền được vui chơi, giải trí; Quyền được thu nhận thông tin.
- Quyền được tham gia
Trẻ em cần có một môi trường thuận lợi để thực hiện quyền được tham gia một cách đầy đủ. Người lớn có nghĩa vụ tạo điều kiện cho trẻ em thực hiện quyền tham gia: Quyền được bày tỏ ý kiến; Quyền tham gia lao động và ký kết hợp đồng lao động; Quyền khiếu nại tố cáo
III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN CỦA TRẺ EM
Hệ thống pháp luật còn tản mạn dẫn tới những quy định không thống nhất. Tình trạng buông lỏng giáo dục từ trong đời sống gia đình. Nền giáo dục còn nhiều hạn chế. Các cơ quan chuyên trách, tổ chức có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền trẻ em chưa phát huy được vai trò của mình. Nhận thức của cộng đồng xã hội về việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em chưa được nâng cao. Vì vậy cần thực hiện một số biện pháp sau đây để nhằm hoàn thiện hơn pháp luật về bảo vệ quyền của trẻ em.
1. Đối với hệ thống pháp luật quốc tế.
- Cần ban hành quy định cụ thể về công tác làm Báo cáo quốc gia về quyền trẻ em, yêu cầu các quốc gia thành viên phải được thực hiện đúng và đầy đủ các công việc để thống nhất và có báo cáo trung thực, chính xác nhất về tình hình trẻ em ở mỗi nước.
- Cần đẩy mạnh và kiện toàn cơ chế về bảo vệ và phát triển quyền trẻ em. Công tác giám sát, đánh giá, điều tra việc thực hiện quyền trẻ em ở các quốc gia luôn phải kiện toàn để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em một cách thường xuyên và đồng đều ở các quốc gia trên thế giới.
2. Đối với hệ thống pháp luật Việt Nam
- Phải rà soát và hệ thống hóa các văn bản pháp luật có quy định về quyền trẻ em. Hoạt động này nhằm phát hiện những nội dung văn bản pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Tiến hành ban hành các văn bản pháp luật mới, luật hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân. Việc sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản pháp luật về quyền trẻ em cần phải được tiến hành ngay nhưng về lâu dài có thể nghiên cứu để xây dựng Luật về bảo vệ quyền trẻ em một cách chi tiết, cụ thể hơn.Các quy phạm pháp luật quy định về quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em còn tản mạn ở nhiều ngành luật, nhiều văn bản pháp luật khác nhau.
- Cần tuyên truyền và giáo dục đối với quyền trẻ em bởi, việc tuyên truyền, giáo dục đóng góp rất lớn vào việc thực hiện, tuân thủ pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của người dân.
- Cần tăng cường vai trò Nhà nước bởi, nhà nước có vai trò to lớn trong việc thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam, Nhà nước phải xác định mục tiêu trẻ em và đảm bảo quyền trẻ em luôn được đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cần tăng cường hơn nữa vai trò của Nhà nước với những giải pháp thiết thực.
- Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình vì đây là yếu tố quyết định đảm bảo cho quyền trẻ em được thực hiện tốt ngay từ trong mái ấm gia đình.
- Cần thành lập Toà án vị thành niên pháp luật Tố tụng Hình sự Việt Nam hiện nay có quy định một số thủ tục tố tụng riêng dành cho những người phạm tội là người chưa thành niên nhưng thực tế cho thấy nhiều toà án đã xem nhẹ các quy định này. Vì thế cùng với quá trình cải cách tư pháp cần thiết phải thành lập Toà án vị thành niên và quan trọng hơn là tạo điều kiện tốt nhất, giáo dục các em trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
C.KẾT LUẬN
Quyền trẻ em được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam như là sự đảm bảo về mặt pháp lý của Nhà nước đối với quyền trẻ em. Hệ thống các thiết chế bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam góp phần quan trọng đưa quyền trẻ em vào thực tiễn. Đây cũng chính là sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về việc bảo vệ quyền trẻ em. Cùng với sự phát triển nền kinh tế mạnh mẽ thì trẻ em ở Việt Nam đã được hưởng các quyền của mình đầy đủ hơn. Tuy nhiên việc bảo vệ quyền trẻ em không phải là vấn đề đơn giản, chỉ cần sự một cá nhân hay một tổ chức cụ thể thì có thể thực hiện việc này một cách toàn diện, mà việc bảo vệ quyền trẻ em đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội vì nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, có nhiều vấn đề nảy sinh và cần phải hoàn thiện cả hệ thống pháp luật lẫn các thiết chế để đảm bảo tốt nhất các quyền trẻ em.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
2. Luật Quốc tịch.
3. Luật Lao động
4. Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004.
5. Công ước quốc tế quyền trẻ em 1989.
6. Pháp luật Quốc tế về lao động tre em - Khóa luận tốt nghiệp - Bùi Thi Quyên Quyên – Đại học Luậtt Hà Nội – 2012.
No comments:
Post a Comment