07/02/2015
Sự khác biệt giữa hình phạt trong Bộ luật hình sự của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Bộ luật hình sự Việt Nam
Những điểm giống nhau về hệ thống hình phạt trong BLHS Việt Nam và BLHS CHND Trung Hoa

Quy định hệ thống hình phạt và các hình phạt cụ thể tại một chương riêng của BLHS ( Chương V BLHS Việt Nam và Chương III BLHS CHND Trung Hoa)

Hệ thống hình phạt được cấu thành bao gồm các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung

Các hình phạt chính được sắp xếp theo thứ tự tăng dần về tính nghiêm khắc trong đó, tử hình là hình phạt chính nghiêm khắc nhất

Các hình thức hình phạt dù là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung đều được luật quy định cụ thể nội dung, phạm vi, đối tượng và điều kiện áp dụng trong các điều luật riêng biệt

Hình phạt trục xuất được quy định có thể áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với người nước ngoài phạm tội

Những điểm khác nhau về hệ thống hình phạt trong BLHS Việt Nam và BLHS CHND Trung Hoa

Bên cạnh những điểm giống nhau đó, hệ thống hình phạt trong BLHS Việt Nam và BLHS CHND Trung Hoa đều có những điểm khác biệt nhất định như sau:

Thứ nhất, trước khi quy định hệ thống hình phạt, BLHS Việt Nam có hai điều luật quy định khái niệm hình phạt và mục đích của hình phạt (điều 26 và 27 BLHS Việt Nam). Những nội dung này không được quy định trong BLHS CHND Trung Hoa. Qua hai điều luật 26, 27 quy định khái niệm và mục đích hình phạt của BLHS Việt Nam ta có thể thấy việc khẳng định nhất quán chính sách hình sự của Nhà nước Việt Nam, chính sách đó là nghiêm trị kết hợp với khoan hồng, là nhân đạo, là giáo dục cảm hóa người phạm tội. Trong BLHS Việt Nam, miễn hình phạt không được quy định trong chương hình phạt mà quy định trong chương quyết định hình phạt ( Điều 54). Ngược lại, BLHS Trung Hoa lại quy định miễn hình phạt trong chương hình phạt: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ và xét thấy không cần áp dụng hình phạt. Nhưng có thể tùy theo tình tiết cụ thể của vụ án để buộc người phạm tội phải chịu cảnh cáo, viết kiểm điểm xin lỗi, bồi thường thiệt hại hoặc do cơ quan chủ quản xử phạt hành chính hoặc xử lý hành chính” (Điều 37). Cách quy định này của BLHS Trung Hoa cũng là không phù hợp. Bởi lẽ, miễn hình phạt hay không miễn hình phạt chỉ được Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt. Vì vậy, quy định miễn hình phạt trong chương quyết định hình phạt sẽ là hợp lý hơn.

Thứ hai, về số lượng hình phạt, BLHS Việt Nam quy định 12 loại hình phạt, trong đó có 5 hình phạt chính, 5 hình phạt bổ sung, còn lại 2 hình phạt có thể là chính cũng có thể là hình phạt bổ sung. Trong khi đó, BLHS Trung Hoa chỉ quy định 9 loại hình phạt, trong đó có 5 hình phạt chính, 3 hình phạt bổ sung, còn lại 1 hình phạt có thể là chính cũng có thể là hình phạt bổ sung. Sự khác nhau này cho thấy sự phân hóa trách nhiệm hình sự trong BLHS Việt Nam cao hơn, triệt để hơn so với BLHS Trung Hoa. Bởi lẽ việc quy định nhiều loại hình phạt không những góp phần mở thêm khả năng pháp lý cho Tòa án có thể lựa chọn hình phạt phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xá hội của hành vi phạm tội, tăng nặng hay giảm nhẹ hình phạt dành cho người phạm tội…thực hiện tốt nguyên tắc cá thể hóa hình phạt khi quyết định hình phạt mà còn góp phần đạt được tối đa mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung của hình phạt. Cách quy định về hình phạt chính và hình phạt bổ sung theo BLHS hai nước cũng có sự khác nhau. Theo quy định của BLHS Việt Nam hình phạt chính được tuyên độc lập, hình phạt bổ sung chỉ có thể tuyên kèm theo hình phạt chính (quy định tại khoản 3 Điều 28). Khác với cách quy định của Việt Nam, BLHS Trung Hoa quy định tại Điều 32: “Hình phạt được chia làm hai loại:các hình phạt chính và các hình phạt bổ sung”. Sau đó, Điều 33 quy định các hình phạt chính bao gồm: quản chế, cải tạo lao động, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình; Điều 34 quy định các hình phạt bổ sung bao gồm: phạt tiền; tước các quyền lợi chính trị; tịch thu tài sản. Điều luật này cũng khẳng định “Các hình phạt bổ sung có thể được áp dụng độc lập”. Đây là một hạn chế của BLHS Trung Hoa.

Thứ ba, có một số loại hình phạt quy định trong BLHS Việt Nam nhưng lại không được quy định trong BLHS Trung Hoa và ngược lại. Cụ thể, BLHS Việt Nam quy định hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ và cấm cư trú; được quy định lần lượt ở điều 29, 31, 37. Ngược lại, BLHS Trung Hoa cũng có quy định hình phạt khác là cải tạo lao động, với “thời hạn cải tạo lao động từ 1 tháng đến 6 tháng, cơ quan Công an gần nhất thi hành án cải tạo lao động đối với người bị kết án. Trong thời gian chấp hành, hàng tháng người bị kết án cải tạo lao động có thể được về thăm gia đình từ 1 đến 2 ngày, có thể tính mức thù lao cho người bị kết án cải tạo lao động tham gia lao động.”; “Thời hạn cải tạo lao động tính từ ngày bắt đầu thi hành bản án. Thời hạn tạm giam trước khi tuyên án được tính vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo lao động, một ngày tạm giam bằng một ngày cải tạo lao động.” (điều 42-44 BLHS Trung Hoa). Loại hình phạt này phù hợp cả về thời gian và giá trị cải tạo, vì 1-6 tháng cải tạo lao động không quá ngắn cũng không quá dài, vừa đủ để cải tạo người phạm tội. Hình phạt cải tạo này nên được cân nhắc xem xét để thay thế cho hình phạt cảnh cáo của BLHS Việt Nam. Bởi lẽ, hình phạt cảnh cáo dường như có tính trừng trị răn đe rất thấp, nếu áp dụng hình phạt này sẽ không đạt được mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung. Chính vì thế, cảnh cáo tuy là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt của LHS Việt Nam nhưng rất ít khi được áp dụng trong thực tiễn. Lại nói, có hình phạt được BLHS Việt Nam quy định là hình phạt bổ sung nhưng trong BLHS Trung Hoa lại quy định là hình phạt chính (hình phạt quản chế); lại có hình phạt được quy định trong BLHS Việt Nam quy định có thể là hình phạt chính, hình phạt bổ sung nhưng BLHS Trung Hoa lại chỉ quy định đó là hình phạt bổ sung (hình phạt tiền).

Về hình phạt quản chế, Điều 38 BLHS Việt Nam đã quy định về khái niệm hình phạt quản chế, nghĩa vụ của người bị quản chế, điều kiện áp dụng hình phạt quản chế, thời hạn quản chế.. Còn BLHS Trung Hoa tuy không quy định khái niệm quản chế, điều kiện áp dụng hình phạt quản chế, nhưng lại có những quy định về quản chế mà BLHS Việt Nam không có, quy định đó là: thời hạn và cơ quan thi hành hình phạt quản chế (Điều 38), thủ tục và thời điểm thi hành hình phạt quản chế, việc khấu trừ thời gian tạm giam vào thời hạn quản chế (Điều 39). Qua việc so sánh, có thể thấy rằng: Thứ nhất, quy định về hình phạt quản chế trong BLHS Việt Nam có điểm hợp lý hơn (đó là không quy định cơ quan thi hành hình phạt quản chế, thủ tục và thời điểm thi hành hình phạt quản chế vì đây là phạm vi của luật tố tụng và luật thi hành án hình sự) và đầy đủ hơn (đó là có quy định khái niệm hình phạt quản chế, điều kiện áp dụng hình phạt quản chế). Thứ hai, BLHS Việt Nam quy định quản chế là hình phạt bổ sung nên không quy định trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời gian chấp hành hình phạt. BLHS Trung Hoa quy định quản chế là hình phạt chính nên quy định thời gian tạm giam trước khi tuyên án được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt quản chế, cứ một ngày tạm giam bằng 2 ngày quản chế (Điều 41).

Về hình phạt tiền, điều 30 BLHS Việt Nam quy định phạt tiền có thể là hình phạt chính, có thể là hình phạt bổ sung. Điều 52 BLHS Trung Hoa lại quy định hình phạt tiền là hình phạt chính; đồng thời tại điều 53 cũng quy định giải pháp nhằm bảo đảm khả năng thực thi của hình phạt tiền; đó là hình thức cưỡng chế hoặc miễn giảm mức tiền phạt nếu như cá nhân người phạm tội không nộp phạt đúng thời hạn hoặc không có khả năng nộp (hoặc không thể khắc phục được khó khăn trong việc nộp phạt). So sánh những quy định về hình phạt tiền trong hai Bộ luật cho thấy có nhiều điểm khác nhau như: căn cứ để quyết định mức phạt, tính chất của hình phạt…. Đây là điểm chúng ta có thể lựa chọn để tiếp thu.

Thứ tư, về hình phạt tù có thời hạn, tại điều 33 và Điều 50 BLHS Việt Nam quy định khái niệm hình phạt tù có thời hạn, thời hạn tù có thời hạn và việc khấu trừ thời gian tạm giữ, tạm giam vào thời hạn tù. Còn BLHS Trung Hoa tuy không quy định khái niệm hình phạt tù và việc khấu trừ thời gian tạm giữ vào thời hạn tù (chỉ trừ thời hạn tạm giam), nhưng lại có những quy định về hình phạt tù mà BLHS Việt Nam không có, đó là: quy định nghĩa vụ phải tham gia lao động và quyền được giáo dục, cải tạo của người bị kết án tại Điều 46. Qua quy định về hình phạt tù có thời hạn, ta thấy trong BLHS Việt Nam có điểm hợp lý hơn (đó là không quy định cách tính thời hạn chấp hành hình phạt tù vì đây là phạm vi của luật tố tụng hình sự) và đầy đủ hơn (đó là có quy định khái niệm hình phạt tù và việc khấu trừ thời gian tạm giữ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù); nhưng cũng có điểm chưa hợp lý (đó là chưa quy định nghĩa vụ phải tham gia lao động và quyền được giáo dục và cải tạo, chưa qui định tử hình có thể được thay bằng tù có thời hạn). Thêm vào đó, nếu trong BLHS Việt Nam mức tối đa của của hình phạt tù có thời hạn là 20 năm (nếu phạm một tội), 30 năm (nếu phạm nhiều tội), thì hình phạt tù có thời hạn theo quy định của BLHS Trung Hoa có mức tối đa chỉ là 15 năm (nếu phạm một tội), 20 năm (nếu phạm nhiều tội hoặc có sự thay đổi từ hình phạt tử hình). Quy định trên cho thấy điểm khác biệt rõ rệt giữa mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn giữa BLHS Việt Nam và Trung Hoa. Từ đó có thể rút ra kết luận rằng quy định về hình phạt tù có thời hạn trong BLHS Trung Hoa hợp lý hơn và nhân đạo hơn so với BLHS Việt Nam. Bởi lẽ, với mức tối đa là 15 năm (nếu phạm một tội) 20 năm (nếu phạm nhiều tội) là vừa đủ để trừng trị người phạm tội và răn đe, ngăn ngừa những người khác lại vừa có khả năng đạt được các mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung; điều này lại hạn chế tình trạng quá tải trong các trại giam và tiết kiệm cho ngân sách quốc gia. Hơn nữa, thời hạn tối đa là 15 năm là khá phổ biến trong quy định hình phạt tù có thời hạn của luật hình sự nhiều nước trên thế giới hiện nay.

Thứ năm, về hình phạt tử hình, điều 35 BLHS Việt Nam quy định khá rõ ràng về khái niệm hình phạt tử hình, điều kiện áp dụng, đối tượng không bị áp dụng, cũng như việc chuyển tử hình thành tù chung thân; còn BLHS Trung Hoa tuy không quy định khái niệm hình phạt tử hình, nhưng lại có những quy định về hình phạt tử hình mà BLHS Việt Nam không có; đó là điều kiện hoãn thi hành hình phạt tử hình, thủ tục thi hành hình phạt tử hình, việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù có thời hạn: “Tử hình chỉ được áp dung đối vơi người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Nếu chưa cần thiết phải thi hành án ngay đối với người bị kết án tử hình, có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình sau 2 năm ngay tại thời điểm tuyên bản án tử hình. Trừ các bản án tử hình do Tòa án nhân dân tối cao tuyên theo luật định, tất cả các bản án tử hình phải được gửi lên Tòa án nhân dân tối cao phê chuẩn. Tòa án nhân dân tối cao có thể quyết định hoặc phê chuẩn bản án tử hình được hoãn thi hành” (Điều 48); và “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai khi bị xét xử” (Điều 49). “Nếu người bị kết án tử hình được hoãn thi hành, không phạm tội do cố ý trong thời gian hoãn thi hành án, thì sau khi đủ 2 năm, tử hình được thay bằng tù chung thân; nếu như có biểu hiện hối cải lập công, thì sau khi đủ 2 năm, tử hình có thể được thay bằng tù có thời hanh từ 15 năm đến 20 năm; nếu có bằng chứng xác đáng cho thấy người bị kết án cố ý phạm tội mới, thì theo phê chuẩn của Tòa án tối cao, bản án tử hình được thi hành” (Điều 50). Việc quy định hoãn thi hành án tử hình và thay tử hình bằng tù chung thân hoặc bằng hình phạt tù có thời hạn từ 15 năm đến 20 năm nếu người bị kết án tử hình được hoãn thi hành và có biểu hiện hối cải, lập công Điều 50 BLHS Trung Hoa là hợp lý và nhân đạo; rất đáng được nghiên cứu và tiếp thu. Bởi quy định này không những hạn chế oan sai và để cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc việc áp dụng pháp luật, sửa chữa sai sót (nếu có) mà còn mở rộng khả năng, điều kiện để người phạm tội lập công chuộc tội (nhất là đối với người phạm các tội về tham nhũng, kinh tế), phù hợp với xu hướng giảm việc áp dụng và thi hành án tử hình hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, về phạm vi đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình thì BLHS Việt Nam lại thể hiện tính nhân đạo hơn, theo luật hình sự Việt nam “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.” (Điều 35). BLHS Trung Hoa chỉ “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai khi bị xét xử” (Điều 49).

Khái niệm tội phạm theo quy định của Luật hình sự Hoa kỳ. So sánh với khái niệm tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.

Khái niệm tội phạm theo quy định của luật hình sự Hoa Kỳ

Ở Mỹ tồn tại song song hai hình thức pháp luật hình sự cấp liên bang và pháp luật hình sự các bang, vì thế cho nên ở mỗi bang lại có một quy định riêng về khái niệm tội phạm.

PLHS cấp liên bang: không có khái niệm tội phạm nói chung, chỉ đưa ra khái niệm về các tội phạm cụ thể.

PLHS các bang: đều xây dựng khái niệm tội phạm nói chung, chú trọng yếu tố hình thức và hậu quả pháp lý của tội phạm.

Về khoa học LHS: Tội phạm là sự vi phạm pháp luật xâm hại lợi ích cộng đồng hoặc lợi ích của một thành viên của cộng đồng và phải chịu hình phạt giam giữ và hoặc chịu một khoản tiền phạt như là hình phạt cần thiết. Không coi là tội phạm những hành vi không có nạn nhân như liên quan đến phản xạ tự nhiên hoặc chỉ gây thiệt hại cho chính họ (sử dụng chất gây nghiện).

Mỗi bang có quy định và hình phạt riêng. Hiến pháp liên bang có tính tối cao nhưng không có một quy định chung nào về tội phạm, mà chỉ quy định về từng tội phạm cụ thể. Hiến pháp liên bang có quy định: “Tội phản bội Hợp chúng quốc Hoa Kỳ bao gồm hành vi gây chiến tranh tấn công nước này hoặc ủng hộ kẻ thù, trợ giúp và phục vụ chúng. Không một ai bị phán quyết về tội phản quốc, trừ phi có hai người làm chứng về hành vi phạm tội hoặc có sự thú tội công khai trước tòa. Tội phạm bạo lực có yếu tố bạo lực: dùng bạo lực, mưu toan hoặc đe doạ dùng bạo lực đối với nhân thân hoặc tài sản của người khác;..”

Quy định khái niệm tội phạm trong pháp luật hình sự bang thì chú trọng quy định tội phạm chung theo hình thức nghĩa là được quy định ở đâu và hậu quả pháp lý nghĩa là chế tài như thế nào.

Điều 40-1-104 BLHS bang Colorado: Tội phạm là sự vi phạm bất kỳ luật nào của liên bang hoặc là xử sự được mô tả bởi chính luật đó, mà bằng việc phạm tội có thể bị phạt tiền hay phạt tù.

Điều 15 BLHS bang California: Tội phạm là hành vi được thực hiện bằng hành động hoặc không hành động, vi phạm các quy định về việc cấm hoặc về nghĩa vụ thực hiện, và phải chịu hình phạt. Khái niệm tội phạm theo quy định của bang California thì tội phạm (cả dạng hành động và không hành động) vi phạm các quy định của luật nghĩa là luật bắt làm mà không làm, luật không cho làm thì lại làm… thì phải chịu hình phạt.

Điều 10.00 BLHS bang NewYork: Tội phạm là xử sự mà hình phạt đối với người thực hiện là tù có thời hạn hoặc phạt tiền do bất kỳ quy phạm pháp luật nào của bang quy định. Theo quy định của bang NewYork thì thiên về chế tài như thế nào khi xét xử tội phạm, với hình phạt là tù có thời hạn hoặc phạt tiền nếu vi phạm bất cứ một quy định nào của bang.

Qua quy định trên có thể hiểu một hành động không tự động được coi là tổn hại hay sai trái, một hành động chỉ cấu thành tội phạm thực sự khi vi phạm một cách cụ thể một đạo luật hình sự do Quốc hội, một cơ quan lập pháp bang hay một số cơ quan công quyền khác ban hành. Khi đó tội phạm là một hành vi chống lại quy định của bang, có thể bị phạt tiền, ngồi tù hoặc tử hình.

2. So sánh với khái niệm tội phạm của Việt Nam

Trong Bộ luật hình sự Việt nam có quy định về tội phạm như sau:

“..Điều 8. Khái niệm tội phạm

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bố luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa…”

Điểm giống nhau trong khái niệm tội phạm của cả 2 nước đều quy định tội phạm là những hành vi gây nguy hại cho xã hội, vi phạm quy định của luật hình sự và đều mang tính chịu hình phạt. Quy định về khái niệm tội phạm cả hai bộ luật hình sự của hai nước đếu chú trọng đến khả năng nguy hiểm của hành vi phạm tội gây ra. Hình phạt để trừng trị, răn đe, ngăn ngừa tội phạm.

Điểm khác nhau ở đây là bởi vì ở Hoa kỳ tồn tại song song hai hình thức pháp luật cấp liên bang và pháp luật hình sự các bang nên trong LHS Hoa Kỳ không có quy định chung nào về tội phạm, mỗi bang có một quy định và hình phạt riêng. Còn tội phạm được quy định trong LHS Việt Nam được thống nhất trên toàn lãnh thổ. Hơn thế nữa, khung hình phạt trong bộ luật của hai nước dành cho từng loại loại tội phạm khác nhau là khác nhau.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

BLHS Việt Nam 2005

BLHS của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1997.

http://www.hg.org/crime.html

http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_uslegalsystem.html

Lê Văn Cảm, Chuyên đề “Pháp luật hình sự Hoa Kỳ & Việt Nam: Một số vấn đề cần quan tâm”, Đề tài nghiên cứu khoa học Đại học quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu so sánh pháp luật Hoa Kỳ trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Hà Nội, 2001

Viện nghiên cứu khoa học pháp lí - Bộ tư pháp, Chuyên đề: Những vấn đề cơ bản về pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới, 2002

Khoa luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội, Luật hình sự một số nước nhìn từ góc độ một môn học, Kỉ yếu Hội thảo khoa học cấp khoa, năm 2006

No comments:

Post a Comment