29/01/2015
Sự khác nhau giữa các hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO, BT - Bài tập học kỳ Luật Đầu tư
Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng là hoạt động quan trọng đối với phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và được xem là nhiệm vụ của nhà nước. Tuy nhiên, sử dụng nguồn vốn nhà nước để đầu tư cho hoạt động này không phải là giải pháp duy nhất và hiệu quả, đặc biệt là đối với những nước không dồi dào về ngân sách. Ở Việt Nam, việc ban hành các quy định về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT nhằm mục đích tạo cơ sở pháp lí và điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách tập trung, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, vào hoạt động đầu tư xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng. Ba loại hình đầu tư này về cơ bản vẫn có những điểm khác biệt. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, em đã lựa chọn đề tài “ Sự khác nhau giữa các hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO, BT. Hình thức đầu tư nào được các nhà đầu tư lựa chọn nhiều nhất trên thực tế? Tại sao?”.

1. Sự khác nhau giữa các hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO, BT

1.1. Khái quát chung về hợp đồng BOT, BTO, BT

Khái niệm về hợp đồng BOT, BTO, BT được quy định tại khoản 17,18, 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2005 và Điều 2 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27-12-2009 về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao, hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh, hợp đồng  xây dựng – chuyển giao. Theo đó, có thể hiểu khái quát về ba loại hợp đồng này như sau: 

Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BOT): là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà Đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, Nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT lần đầu tiên được quy định trong Luật sửa đổi , bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài năm 1992, theo đó nhà đầu tư nước ngoài ký kết hợp đồng với một cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư về xây dựng, khai thác, kinh doanh, công trình hạ tầng. Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật đầu tư năm 2005 đã đưa ra những quy định hoàn thiện về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT.Ví dụ: Tối 22/4/2010, tại Hà Nội, năm hợp đồng liên quan đến dự án BOT nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 với tổng mức đầu tư trên 2,1 tỷ USD đã được ký kết giữa chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lực Mông Dương AES-TKV và các đối tác Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, dự án BOT Mông Dương 2 là dự án BOT nguồn điện đầu tiên được ký kết chính thức kể từ năm 2001. Việc ký kết chính thức này sẽ tạo sự khơi thông và thuận lợi cho việc ký kết và triển khai các dự án BOT khác về nguồn điện có yếu tố nước ngoài tham gia.

Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (sau đây gọi tắt là Hợp đồng BTO): là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, Nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ dành cho Nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.Tuy nhiên cho đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có hợp đồng BTO nào được kí kết.

Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (sau đây gọi tắt là Hợp đồng BT): là hợp đồng được ký giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, Nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho Nhà đầu tư theo thỏa thuận trong Hợp đồng BT. Ví dụ: Sáng 18/6/ 2009, tại Hội trường UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội), lễ ký kết hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đoạn qua địa bàn Thủ đô đã diễn ra giữa đại diện Thành phố Hà Nội và nhà đầu tư - liên danh Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng Việt Nam và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam (Coma - Cotana).

Từ khái niệm trên, có thể nhận thấy ba loại hợp đồng này có một số điểm chung như sau: Thứ nhất, chủ thể của hợp đồng BOT, BTO, BT đều gồm một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và một bên là nhà đầu tư; Thứ hai, đối tượng của hợp đồng BOT, BTO, BT là các công trình kết cấu hạ tầng; Thứ ba, cả ba phương thức đầu tư này đều có sự chuyển giao công trình kết cấu hạ tầng từ nhà đầu tư sang cho Nhà nước Việt Nam. 

Tuy nhiên giữa chúng vẫn có những điểm khác biệt. Sau đây em xin trình bày những điểm khác biệt đó trong phần tiếp theo.

1.2. Sự khác nhau giữa các hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO, BT

Việc phân biệt hợp đồng BOT, BTO, BT chủ yếu dựa trên dấu hiệu về nội dung của hợp đồng (thỏa thuận cụ thể về những quyền, nghĩa vụ cũng như thời điểm thực hiện chúng). Ngoài ra chúng còn khác nhau ở công tác đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, nội dung giấy chứng nhận đầu tư, …Cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu Luật đầu tư 2005 và nhất là nghị định 108/2009/NĐ-CP, em thấy chúng khác nhau ở những điểm cơ bản sau đây.

Thứ nhất: Khác nhau về nội dung của đề xuất dự án đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi (Điều 12 Nghị định 108/2009/NĐ-CP)

Tùy thuộc vào tính chất, quy mô của Dự án, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Đề xuất dự án để làm cơ sở cho việc lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đàm phán Hợp đồng dự án với Nhà đầu tư. 

- Đề xuất dự án đầu tư: Đề xuất dự án của cả ba hợp đồng BOT, BTO, BT gồm những nội dung chủ yếu sau: Phân tích sự cần thiết và những lợi thế các việc thực hiện Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO, Hợp đồng BT so với các hình thức đầu tư khác; Dự kiến công suất, địa điểm, diện tích xây dựng, các hạng mục công trình, nhu cầu sử dụng đất; Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật; các điều kiện cung cấp vật tư thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có); ảnh hưởng của Dự án đối với môi trường sinh thái, phòng, chống cháy nổ, an ninh; Xác định sơ bộ tổng vốn đầu tư của Dự án; Xác định các loại giá, phí hàng hóa, dịch vụ dự kiến thu từ việc khai thác công trình; Các điều kiện, phương thức chuyển giao và tiếp nhận công trình phù hợp với quy định tại Chương VI của Nghị định này; Đề xuất áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và bảo lãnh Chính phủ (nếu có) phù hợp với quy định tại Chương VII của Nghị định này; Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế, xã hội của Dự án;

Tuy nhiên:

+ Đối với dự án BOT và dự án BTO thì ngoài những nội dung trên, đề xuất dự án đầu tư còn phải có quy định về thời gian xây dựng, khai thác công trình, phương thức tổ chức quản lý và kinh doanh (khoản e Điều 12 Nghị định 108/2009/NĐ-CP). 

+ Đối với Dự án BT, ngoài những nội dung nêu trên cũng cần có thêm một quy định riêng đó là xác định điều kiện thanh toán hoặc điều kiện thực hiện Dự án khác (khoản f Điều 12 Nghị định 108/NĐ-CP). 

- Báo cáo nghiên cứu khả thi: 

+ Theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 108/2009/NĐ-CP thì báo cáo nghiên cứ khả thi của Dự án BOT và Dự án BTO gồm những nội dung theo quy định của pháp luật về xây dựng và các nội dung tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 108/2009/NĐ-CP. 

+ Đối với Dự án BT, ngoài những nội dung được lập theo quy định của pháp luật về xây dựng, Báo cáo nghiên cứu khả thi phải bao gồm những nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h, i, k khoản 2 Điều 12- quy định về nội dung của đề xuất dự án đầu tư hợp đồng BT.

Thứ hai: Khác nhau về thời hạn hợp đồng dự án đầu tư (Điều 20 Nghị định 108/2009/NĐ-CP)

Thời hạn Hợp đồng dự án do các Bên thỏa thuận phù hợp với lĩnh vực, quy mô, tính chất của Dự án và có thể được gia hạn hoặc rút ngắn theo các điều kiện quy định tại Hợp đồng dự án.

+ Đối với Hợp đồng BOT và Hợp đồng BTO, các Bên phải thỏa thuận cụ thể thời điểm, thời gian xây dựng và hoàn thành công trình; thời điểm, thời gian kinh doanh – chuyển giao công trình (đối với Hợp đồng BOT) và thời điểm, thời gian chuyển giao – kinh doanh (đối với Hợp đồng BTO).

+ Đối với Hợp đồng BT, các Bên phải thỏa thuận cụ thể thời điểm, thời gian xây dựng và chuyển giao Công trình BT. Thời điểm, thời gian hoạt động và kết thúc Dự án khác do các Bên thỏa thuận tùy thuộc vào lĩnh vực, quy mô, tính chất của Dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan. 

Thứ ba: Khác nhau về Nội dung Giấy chứng nhận đầu tư ( Điều 26 Nghị định 108/2009/NĐ-CP)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 108/2006 thì giấy chứng nhận đầu tư gồm những nội dung chủ yếu sau: Tên, địa chỉ của Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án; Tên Dự án;  Mục tiêu và quy mô của Dự án;  Địa điểm thực hiện Dự án và diện tích đất sử dụng; Tổng vốn đầu tư của Dự án; Thời gian và tiến độ thực hiện Dự án; tiến độ huy động vốn theo Hợp đồng dự án; Các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (nếu có).

+ Đối với Dự án BOT và BTO thì nội dung giấy chứng nhận đầu tư bao gồm những quy định tại khoản 1 nêu trên.

+ Đối với Dự án BT, ngoài những nội dung quy định đối với dự án xây dựng Công trình BT nêu tại khoản 1 trên, Giấy chứng nhận đầu tư phải quy định điều kiện thanh toán hoặc điều kiện thực hiện Dự án khác theo quy định tại Hợp đồng dự án ( Khoản 2 Điều 26 Nghị định 108/2009/NĐ-CP).

Thứ tư: Khác nhau về Quản lý và kinh doanh công trình (Điều 32 Nghị định 108/2009/NĐ-CP)

+ Đối với dự án BOT và BTO: Doanh nghiệp dự án thực hiện việc quản lý, kinh doanh công trình phù hợp với các quy định của pháp luật và theo các điều kiện thỏa thuận trong Hợp đồng dự án. Doanh nghiệp dự án có thể thuê tổ chức quản lý thực hiện công việc quản lý, kinh doanh điều kiện Doanh nghiệp dự án chịu toàn bộ trách nhiệm của tổ chức quản lý. Trong quá trình kinh doanh công trình, doanh nghiệp BTO có nghĩa vụ: Đối xử bình đẳng với tất cả các đối tượng sử dụng hợp pháp các sản phẩm, dịch vụ do Doanh nghiệp dự án cung cấp; không được sử dụng quyền kinh doanh công trình để đối xử phân biệt hoặc khước từ phục vụ đối với các đối tượng sử dụng; Thực hiện bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa công trình theo Hợp đồng dự án, bảo đảm công trình vận hành đúng thiết kế; Bảo đảm việc sử dụng công trình theo các điều kiện quy định trong Hợp đồng dự án (Khoản 1,2,3 Điều 32 Nghị định 108/2009/NĐ-CP).

+ Đối với riêng dự án BOT: Ngoài những nghĩa vụ trên, doanh nghiệp BOT còn có nghĩa vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ với số lượng và chất lượng theo thỏa thuận tại Hợp đồng dự án trong thời gian kinh doanh cho đến khi công trình được chuyển giao (Điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định 108/2009/NĐ-CP).

+ Đối với dự án BT: Doanh nghiệp BT thực hiện việc quản lý, kinh doanh dự án khác theo các điều kiện thỏa thuận tại Hợp đồng dự án, phù hợp với quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, pháp luật về đầu tư, xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan (Khoản 4 Điều 32 Nghị định 108/2009/NĐ-CP).

Thứ năm:  Khác nhau về thời điểm và thủ tục quyết toán, chuyển giao Công trình dự án (Điều 35, 36, 37 Nghị định 108/2009/NĐ-CP).

- Thời điểm chuyển giao công trình Dự án:  Đối với Công trình BOT, Nhà đầu tư được kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời gian nhất định và thời điểm chuyển giao công trình là sau khi hết thời gian kinh doanh công trình. Đối với Công trình BTO và BT, thời điểm chuyển giao công trình là ngay sau khi hoàn thành công trình.

- Tính bồi hoàn của dự án đầu tư: Đối với công trình BOT, BTO, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận từ chính công trình mà họ thực hiện, Nhà nước không phải bồi hoàn chi phí cho nhà đầu tư. Bởi lẽ, đối với công trình BOT, nhà đầu tư được phép kinh doanh công trình một thời gian để thu hồi vốn và tìm kiếm lợi nhuận trước khi chuyển giao công trình; Đối với công trình BOT thì sau khi chuyển giao không bồi hoàn cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì nhà đầu tư được phép tiếp tục kinh doanh công trình theo các điều kiện thỏa thuận trong Hợp đồng dự án để thu hồi vốn và sinh lợi. Chính vì thế mà khi chuyển giao công trình cho Nhà nước, nhà đầu tư dự án BOT và BTO sẽ chuyển giao không bồi hoàn toàn bộ công trình. Chi phí đầu tư sẽ được thu hồi khi các nhà đầu tư tiến hành kinh doanh trên chính công trình đó.

Đối với công trình BT thì sau khi hoàn thành công trình, Nhà đầu tư phải chuyển giao Công trình dự án ngay cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo các điều kiện quy định tại Hợp đồng dự án. Chính vì thế mà dự án đầu tư với hình thức BT mang tính bồi hoàn. Nhà nước có thể bồi hoàn cho nhà đầu tư toàn bộ hoặc một phần giá trị theo sự thỏa thuận trong hợp đồng. Quy định này của Luật Đầu tư 2005 thực sự là một điểm mới hợp lý, bởi theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư theo hợp đồng BT sau khi thực hiện xong hợp đồng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn. Nhưng trường hợp nhà đầu tư không chấp nhận thực hiện dự án mới hoặc việc thực hiện dự án mới không đảm bảo sẽ mang lại lợi nhuận mà nhà đầu tư đáng được hưởng, thì lợi ích của nhà đầu tư sẽ không được đảm bảo. Vì vậy, điều này đã được các nhà làm luật nước ta dự trù trước và quy định cụ thể trong luật.

- Điều kiện, thủ tục chuyển giao công trình Dự án: 

+ Đối với công trình BOT và BT thì thủ tục chuyển giao công trình Dự án được tiến hành theo quy định tại Điều 36 Nghị định 108/2009/NĐ-CP như sau: Trong vòng sáu tháng kể từ ngày hoàn thành Công trình dự án theo thỏa thuận tại Hợp đồng dự án, Nhà đầu tư phải lập hồ sơ quyết toán giá trị vốn đầu tư xây dựng công trình phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thỏa thuận với Nhà đầu tư việc lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc kiểm toán giá trị vốn đầu tư xây dựng Công trình dự án.Việc chuyển giao Công trình được thực hiện theo thủ tục và điều kiện sau: Một năm trước ngày chuyển giao hoặc trong thời hạn thỏa thuận tại Hợp đồng dự án, Nhà đầu tư hoặc Doanh nghiệp dự án phải đăng báo công khai về việc chuyển giao công trình và các vấn đề liên quan đến thủ tục, thời hạn thanh lý hợp đồng, thanh toán các khoản nợ; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám định chất lượng, giá trị, tình trạng công trình theo thỏa thuận tại Hợp đồng dự án, lập danh mục tài sản chuyển giao, xác định các hư hại (nếu có) và yêu cầu Doanh nghiệp dự án thực hiện việc sửa chữa, bảo trì công trình; Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án phải bảo đảm tài sản được quyển giao không bị dùng làm tài sản để bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc bị cầm cố, thế chấp để bảo đảm cho các nghĩa vụ khác của Nhà đầu tư hoặc Doanh nghiệp dự án phát sinh trước thời điểm chuyển giao, trừ trường hợp Hợp đồng dự án có quy định khác; Doanh nghiệp dự án có trách nhiệm chuyển giao công nghệ, đào tạo, và thực hiện việc bảo dưỡng định kỳ, đại tu để bảo đảm điều kiện kỹ thuật vận hành công trình bình thường phù hợp với các yêu cầu của Hợp đồng dự án. Sau khi tiếp nhận Công trình dự án, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức quản lý, vận hành Công trình theo chức năng, thẩm quyền.

+ Đối với công trình BTO thì thủ tục chuyển giao được quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 108/2009/NĐ-CP “Ngoài các quy định tại khoản 2 Điều 35 và các điểm b, c khoản 3 Điều 36, việc chuyển giao Công trình BTO được thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng dự án.” Như vậy, thủ tục chuyển giao công trình BTO không tuân theo tất cả quy định của công trình BOT và BT mà chỉ tương đồng ở hai nội dung sau: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám định chất lượng, giá trị, tình trạng công trình theo thỏa thuận tại Hợp đồng dự án, lập danh mục tài sản chuyển giao, xác định các hư hại (nếu có) và yêu cầu Doanh nghiệp dự án thực hiện việc sửa chữa, bảo trì công trình; Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án phải bảo đảm tài sản được quyển giao không bị dùng làm tài sản để bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc bị cầm cố, thế chấp để bảo đảm cho các nghĩa vụ khác của Nhà đầu tư hoặc Doanh nghiệp dự án phát sinh trước thời điểm chuyển giao, trừ trường hợp Hợp đồng dự án có quy định khác. Việc chuyển giao công trình BTO chủ yếu thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng dự án.

Thứ sáu: Khác nhau về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ( Điều 38 Nghị định 108/2009/NĐ-CP)

+ Đối với doanh nghiệp BOT và doanh nghiệp BTO thì những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được hưởng bao gồm: các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện Dự án của Doanh nghiệp BOT, Doanh nghiệp BTO; miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện Dự án; miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện Dự án.

+ Đối với doanh nghiệp doanh nghiệp BT thì được hưởng các biện pháp ưu đãi sau: ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để xây dựng Công trình BT theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đối với diện tích được sử dụng để xây dựng Công trình BT trong thời gian xây dựng công trình; Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Dự án khác được áp dụng tùy thuộc vào lĩnh vực và địa bàn đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Hợp đồng BOT – Hình thức đầu tư được các nhà đầu tư lựa chọn nhiều nhất trên thực tế

Tùy từng hòan cạnh cụ thể mà Nhà nước và Nhà đầu tư chọn lựa hình thức hợp đồng phù hợp. Mỗi hình thức hợp đồng đều có những ưu điểm và lợi thế nhất định, giúp các doanh nghiệp linh động trong việc lựa chọn hình thức đầu tư. Các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT, BTO, BT đều là những dự án thuộc diện được Nhà nước khuyến khích đầu tư thông qua các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư như ưu đãi về thuế; ưu đãi về quyền sử dụng đất và nhiều biện pháp bảo đảm đầu tư nhằm tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện dự án. Nhưng trên thực tế thì hình thức hợp đồng BOT thường được các nhà đầu tư chú trọng hơn cả. 

Sở dĩ như vậy là bởi hợp đồng BOT ít rủi ro hơn hai loại hợp đồng kia. Biểu hiện cụ thể: 

- Thứ nhất: Nhà đầu tư hoàn toàn chủ động trong khâu kinh doanh, khai thác công trình để thu hồi vốn và lợi nhuận vì sau khi xây dựng xong, công trình sẽ được nhà đầu tư khai thác luôn nhằm thu hồi vốn và tìm kiếm thêm lợi nhuận trong một khoảng thời gian xác định, trước khi chuyển giao cho Nhà nước. Đối với các nhà đầu tư việc chủ động trong khâu kinh doanh khai thác công trình mà không chịu sự quản lý của Nhà nước là một lợi thế rất lớn. Với ưu đãi này nhà đầu tư có thể thu được khoản lợi nhuận có thể lớn hơn và nhanh hơn so với các phương thức còn lại. Ví dụ: một chiếc cầu sau khi được xây dựng xong, sẽ được khai thác lợi nhuận bằng cách thu phí từ việc các phương tiện đi qua cầu. Việc thu phí này có thể được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định tùy theo thỏa thuận của Nhà nước và nhà đầu tư. 

- Thứ hai: Trước chính sách pháp luật hay có sự thay đổi như chính sách pháp luật Việt Nam niềm tin của nhà đầu tư đối với các cam kết bảo hộ từ phía Nhà nước chưa đủ mạnh, do đó để đảm bảo “cầm dao đằng chuôi” trên thực tế các nhà đầu tư chủ yếu lựa chọn hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT. Nếu lựa chọn hợp đồng BTO thì sau khi xây dựng công trình, nhà đầu tư phải chuyển giao cho Nhà nước trước rồi mới được khai thác lợi nhuận từ công trình, như vậy nếu sau giai đoạn chuyển giao công trình mà Nhà nước lại có sự thay đổi về chính sách với lĩnh vực này theo hướng bất lợi hơn cho nhà đầu tư thì phía nhà đầu tư sẽ bị thiệt. Còn đối với hợp đồng BT trên thực tế được rất ít các nhà đầu tư lựa chọn, bởi lẽ việc được nhận một lợi ích từ một công trình khác của Nhà nước có thể phải chờ trong một thời gian dài và cũng có thể lợi ích từ công trình này sẽ không thể bằng được công trình đã bàn giao cho Nhà nước. Vì vậy, để đảm bảo được lợi ích của chính mình và chủ động trong việc sử dụng và kinh doanh công trình thì sự lựa chọn hợp đồng BOT  đối với các nhà đầu tư là vô cùng đúng đắn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2008 cả nước có hơn 70 dự án chủ yếu xây dựng các công trình hạ tầng được thực hiện bằng phương thức BOT. Năm 2009, trong tổng số vốn mà Bộ GTVT huy động được để đầu tư vào các công trình hạ tầng thì có đến 1/3 là vốn từ BOT. Trong khi đó chỉ có một vài dự án BT thực hiện và chưa có dự án BTO nào được thực hiện.

KẾT LUẬN

Đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO hay BT đều là những hình thức đầu tư trực tiếp theo quy định của Luật Đầu tư 2005 với nội dung hoạt động chung là đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cho đất nước. Chính vì vậy Nhà nước đã dành rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ cho những dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT. Tuy nhiên, do sự chưa hợp lí trong quy định của pháp luật mà những lợi ích các nhà đầu tư được hưởng ở 3 hình thức đầu tư hợp đồng này là không giống nhau, dẫn đến tình trạng ở Việt Nam các nhà đầu tư không thực hiện nhiều dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, thậm chí không có dự án nào đầu tư theo hợp dồng BTO. Xuất phát từ lợi ích đối với đất nước cũng như đối với các nhà đầu tư, trong tương lai hy vọng Nhà nước sẽ sớm có những quy định cụ thể để đảm bảo hơn nữa lợi ích chính đáng cho các nhà đầu tư.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Đầu tư 2005

2. Nghị định 108/2009/NĐ-CP CP ngày 27-12-2009 về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao, hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh, hợp đồng  xây dựng – chuyển giao.

3. Giáo trình Luật đầu tư, Đại học Luật Hà Nội, 2009.

No comments:

Post a Comment