04/11/2014
Thừa kế thế vị và hoàn thiện quy định của Bộ luật dân sự về thừa kế thế vị
Bài tập học kỳ Luật Dân sự 1 có đáp án.

A. ĐẶT VẤN ĐỀ


Trong những giai đoạn phát triển của quá trình lập pháp ở Việt Nam nói chung và dân luật Việt Nam nói riêng, các quan hệ thừa kế luôn là một trong những mối quan hệ quan trọng ,và thực tế đã cho thấy: các bộ luật dân sự được ra đời đều có những phương pháp điều chỉnh riêng , tuỳ theo hoàn cảnh ,và bộ luật ra đời sau có xu hướng hoàn chỉnh , chặt chẽ hơn . Trong số đó, thừa kế theo pháp luật luôn là vấn đề tốn không ít giấy mực của các nhà làm luật . Sự dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế ,trình tự pháp luật tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại chứa đựng nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong việc xác định thừa kế theo pháp luật, còn rất nhiều vấn đề cần xem xét về quy định của pháp luật hiện hành; đặc biệt phải kể tới vấn đề thừa kế thế vị. Thừa kế thế vị là một khía cạnh còn nhiều khúc mắc, trên thực tế còn xảy ra nhiều tranh chấp. Đây cũng chính là lí do em đã quyết định lựa chọn câu hỏi: “ Thừa kế thế vị và hoàn thiện quy định của Bộ luật dân sự về thừa kế thế vị” làm đề tài cho bài tập lớn học kì của mình.


B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. Khái quát về thừa kế và thừa kế thế vị

1. Khái niệm về thừa kế và quyền thừa kế

Theo Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Thừa kế là hưởng của người chết để lại cho”. Theo đó, việc thừa kế chỉ được thực hiện khi người có tài sản chết.

Thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết sang người còn sống. Thông thường việc dịch chuyển này được thực hiện theo một trong hai hình thức: theo ý chí của người để lại di sản (thừa kế theo di chúc) hoặc theo quy định của pháp luật (thừa kế theo pháp luật). Đối với pháp luật nước ta, cả hai hình thức này đều được cho phép áp dụng đồng thời trong một trường hợp cụ thể.

2. Khái niệm và đặc điểm của thừa kế thế vị

a. Khái niệm thừa kế thế vị

Theo nghĩa Hán – Việt từ “thế” có nghĩa là “thay vào”, từ “vị” có nghĩa là “ngôi thứ”, “ngôi vị”, “vị trí”. Trong cuốn Từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội xuất bản năm 1999 có định nghĩa “thừa kế thế vị là thừa kế bằng việc thay thế vị trí để hưởng thừa kế”

Thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông bà (hoặc cụ) trong trường hợp bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) chết trước hoặc chết cùng ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố, mẹ mình (hoặc ông bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống.

b. Đặc điểm của thừa kế thế vị

Thừa kế thế vị chỉ phát sinh trong quan hệ thừa kế theo pháp luật, không thể phát sinh từ quan hệ thừa kế theo di chúc. Bởi vì, người được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc thì phần di chúc liên quan đến người chết trước đó không có hiệu lực thi hành. Việc hưởng thừa kế thế vị khác biệt so với việc hưởng thừa kế theo hàng. Thừa kế thế vị được quy định để bảo vệ quyền lợi của các cháu, chắt trong trường hợp cha, mẹ của cháu, chắt chết trước ông bà hoặc các cụ.

Thừa kế thế vị xét trên tổng thể về quan hệ huyết thống, về quan hệ nuôi dưỡng giữa những người để lại di sản với con cháu của người đó.

- Về quan hệ nuôi dưỡng: Thừa kế thế vị xét trên các yếu tố quan hệ huyết thống giữa những người để lại di sản và người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là quan hệ cha con, mẹ con với các cháu chắt.

- Về quan hệ nuôi dưỡng: Giữa con nuôi và bố, mẹ nuôi không có mối quan hệ huyết thống mà chỉ có quan hệ nuôi dưỡng nhau. Nhưng nếu con nuôi chết trước cha, mẹ nuôi. 

3. Sự hình thành và phát triển của thừa kế thế vị qua các thời kì lịch sử

Kể từ năm 1945 đến nay, quan điểm lập pháp của chúng ta trong việc xây dựng chế định về quyền thừa kế di sản nói chung và quyền thừa kế thế vị của các cháu nội, ngoại nói riêng chỉ được xác định trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.

Trước năm 1959 theo quy định của Dân luật Bắc kỳ và Dân luật Trung kỳ (khi pháp luật thực dân, phong kiến vẫn được chọn lọc để áp dụng tạm thời trong chế độ mới) thì người con nuôi có quyền lợi và nghĩa vụ như con đẻ. Người con nuôi không chỉ có quyền thừa kế theo pháp luật của cha mẹ nuôi mà còn có quyền thừa kế theo pháp luật của cha mẹ đẻ và của những người khác không cùng huyết thống (anh, chị, em ruột); đồng thời, nếu người đang là con nuôi của người khác lại chết trước cha mẹ đẻ thi các con của người đó được hưởng thừa kế thế vị.

Từ năm 1990 đến nay, cùng với việc ban hành pháp lệnh thừa kế và BLDS, quyền thừa kế thế vị của các cháu trong trường hợp bố đẻ hoặc mẹ đẻ đang làm con nuôi của người khác lại chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà ngoại vẫn tiếp tục được bảo vệ. Theo đó quyền thừa kế thế vị của các cháu vẫn được bảo đảm không phụ thuộc vào việc bố hoặc mẹ của cháu có đang là con nuôi của người khác hay không. Những quy định nàu phù hợp với truyền thống và đạo lý của người Việt Nam

II. Thừa kế thế vị và phương hướng hoàn thiện quy định của pháp luật dân sự về thừa kế thế vị

1. Điều kiện và nguyên tắc hưởng thừa kế thế vị

a. Điều kiện hưởng

Theo nội dung những quy định của pháp luật về thừa kế thế vị ở nước ta thì quan hệ này chỉ phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện sau:

- Thứ nhất, những người thế vị nhau phải là những người thuộc mối quan hệ thứ hai trong hàng thừa kế thứ nhất (quan hệ thừa kế giữa cha, mẹ và con), trong đó người thế vị phải là người ở đời sau (con thế vị cha, mẹ nhưng cha mẹ không được thế vị con). Như vậy, việc thế vị là mối liên hệ giữa hai bên, một bên được gọi là người được thế vị (gồm cha hoặc mẹ đẻ), một bên được gọi là người thế vị (gồm các con đẻ).

- Thứ hai, giữa họ phải có mối quan hệ huyết thống hoặc trực hệ (chỉ có con đẻ thay thế vị trí của cha, mẹ đẻ).

- Thứ ba, thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi người được thế vị chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc các cụ).

- Thứ tư, trong mối liên hệ giữa những người để lại di sản với người được thừa kế thế vị thì người để lại di sản phải là người ở đời trước, người được thế vị là người đời sau.

- Thứ năm, người thế vị phải còn sống vào thời điểm người được thế vị chết hoặc nếu sinh ra và còn sống sau thời điểm người được thế vị chết thì phải thành thai trước thời điểm người được thế vị chết.

b. Nguyên tắc hưởng

Có ba nguyên tắc chính như sau:

Thứ nhất, thừa kế thế vị chỉ áp dụng cho trường hợp con, cháu trực hệ chết trước. Nhưng đối với con còn sống và từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản, thì phần của người con này sẽ do người con khác và cha, mẹ, vợ (chồng) của người chết hưởng; nếu không ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất, thì những người thuộc hàng thừa kế thứ hai hưởng.

Nếu người con chết trước không có quyền hưởng di sản do có một trong những hành vi dự liệu tại Điều 643 khoản 1 BLDS thì như ta đã biết, con, cháu của người đó không được thế vị họ để đòi hỏi các quyền lợi trong di sản.

Thứ hai, thừa kế thế vị không chỉ phát sinh trong quan hệ huyết thống  (Giữa cha, mẹ đẻ với con đẻ) mà thừa kế thế vị còn phát sinh trong quan hệ nuôi dưỡng (Giữa cha mẹ nuôi với con nuôi)    

Theo quy định tại Điều 676 BLDS thì con riêng của vợ hoặc của chồng với cha dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế thế vị theo Điều 677 BLDS. Mối quan hệ này được thể hiện ở việc không có sự phân biệt đối xử giữa con riêng của vợ của chồng với các con chung của họ. Cha dượng, mẹ kế coi con riêng của vợ, của chồng như con ruột của mình và giành sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục như nhau. Ngược lại, về phía người con riêng của vợ, của chồng phải yêu thương, kính trọng, thực hiện nghĩa vụ của một người con đối với cha dượng, mẹ kế như chính cha ruột, mẹ ruột của mình. Mối quan hệ này chính là cơ sở, điều kiện để xác định con riêng và cha dượng, mẹ kế là người thừa kế theo pháp luật của nhau và khi con riêng của vợ, của chồng chết trước cha dượng, mẹ kế thì con, cháu của người để lại di sản theo quy định ơt điều 677 BLDS. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 678 BLDS thì trong quan hệ thừa kế giữa con nuôi với cha nuôi, mệ nuôi thì nếu con nuôi chết trước cha, mẹ nuôi thì con của con nuôi được nhận thừa kế thế vị như các cháu có quan hệ huyết thống với người để lại di sản. 

Quy định trên đây phù hợp với truyền thống văn hóa, xã hội của Việt Nam ta, nhằm giáo dục tình nhân ái trong quan hệ giữa những thành viên trong gia đình, mặc dù giữa họ không có quan hệ huyết thống.

Thứ ba, người thừa kế thế vị chỉ hưởng phần mà người được thế vị được hưởng nếu còn sống. Việc phân chia di sản, trong trường hợp có nhiều người thừa kế thế vị, được thực hiện theo chi chứ không phải theo đầu người.

2. Các trường hợp hưởng thừa kế thế vị

a. Thừa kế thế vị trong trường hợp thông thường

- Cháu thế vị của cha mẹ để hưởng di sản của ông bà:

Cháu sẽ được thay thế vị trí của cha mẹ để hưởng di sản của ông bà trong các trường hợp cụ thể sau:

Trong trường hợp cha đẻ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông nội hoặc bà nội thì con được thay thế vị trí của cha để hưởng di sản mà cha mình được hưởng nếu còn sống.

Trong trường hợp mẹ đẻ chết trước hoặc cùng thời điểm với ông ngoại hoặc bà ngoại thì con được thay thế vị trí của mẹ để hưởng phần di sản mà mẹ mình được hưởng nếu còn sống.

- Chắt thế vị của cha hoặc mẹ của chắt để hưởng di sản của cụ

Chắt sẽ được thay thế vị trí của cha hoặc mẹ của chắt để hưởng di sản của cụ trong các trường hợp cụ thể sau:

Trường hợp ông nội, bà nội chết trước người để lại di sản là cụ; cha cũng chết trước người để lại di sản nhưng chết sau ông nội, bà nội thì chắt cũng được hưởng phần di sản mà cha mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết.

Trường hợp ông ngoại, bà ngoại chết trước người để lại di sản là cụ; mẹ cũng chết trước người để lại di sản nhưng chết sau ông ngoại, bà ngoại thì chắt được hưởng phần di sản mà mẹ mình được hưởng nếu còn sống vài thời điểm người để lại di sản chết.

Trường hợp ông, bà, cha, mẹ đều chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha mẹ mình được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế.

Trường hợp ông, bà chết trước người để lại di sản, cha mẹ chết sau ông, bà nhưng chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha, mẹ chắt được hưởng nếu còn sống vào thời điểm mở kế.

Trường hợp ông, bà không được quyền hưởng di sản của cụ và cha mẹ, chết trước cụ thì chắt cũng không được thế vị cha, mẹ để hưởng thừa kế đối với di sản của cụ (nếu cụ không còn người thừa kế di sản ở hàng thứ nhất).

b. Thừa kế thế vị trong trường hợp vi phạm khoản 1 Điều 643 BLDS

Khoản 1 Điều 643 có nêu:

“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”

Tuy nhiên, thừa nhận quyền tự quyết của người để lại di chúc, pháp luật cũng quy định người vi phạm vào những quy định trên đây vẫn có quyền hưởng thừa kế theo di chúc nếu người để lại di chúc đã biết các hành vi trên mà vẫn đồng ý cho họ hưởng thừa kế theo di chúc. Theo khoản 2, Điều 643 BLDS:

“2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”

Chẳng hạn, A có con là B và cháu là C. B thuộc trường hợp tại điểm a, khoản 1, Điều 643. Tuy nhiên A lập di chúc và vẫn cho B hưởng di sản. Trong tình huống này nếu B chết trước hoặc chết cùng A thì C là cháu vẫn được hưởng thừa kế thế vị.

c. Thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi

Thứ nhất, trường hợp con nuôi chết trước người để lại di sản là cha, mẹ nuôi đồng thời con đẻ của người con nuôi cũng chết trước người để lại di sản (nhưng chết sau cha hoặc mẹ) thìo cháu của người con nuôi đó (tức là chắt của người để lại di sản) được hưởng phần di sản mà cha, mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống vào thời điểm người để lại di sản chết.

Thứ hai, trong các trường hợp nếu xét về tính đan xen giữa huyết thống và nuôi dưỡng mà thấy rằng con của một người không đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ người đó thì thừa kế thế vị không được đặt ra. Chẳng hạn, quan hệ giữa A – B – C, trong đó B là con đẻ của A nhưng nếu C là con nuôi của B thì C không đương nhiên là cháu của A. Từ đó có thể suy luận, con của con nuôi của một người không đương nhiên trở thành chắt của cha, mẹ người đó. Chẳng hạn, quan hệ giữa A – B – C – D, trong đó B là con của A nhưng C là con nuôi của B và D là con của C (kể cả con đẻ hoặc con nuôi) thì D không đương nhiên trở thành chắt của A. Trong khi luật quy định rằng chỉ có cháu mới là người thừa kế thế vị của ông, bà; chỉ có chắt mới là người thừa kế thế vị của cụ, vì vậy sẽ không đặt ra vấn đề thừa kế thế vị trong các trường hợp sau:

Con nuôi của một người không được thừa kế thế vị di sản của cha đẻ, mẹ đẻ người đó.

Con nuôi của một người không được thừa kế thế vị di sản của cha nuôi, mẹ nuôi người đó.

Con (dù là con đẻ hay con nuôi) của một người không được thừa kế vị di sản của cha, mẹ (cả của cha, mẹ đẻ hay cha, mẹ nuôi) của người đó.

d. Thừa kế thế vị trong trường hợp con riêng với cha kế, mẹ kế

Theo quy định ở Điều 676 BLDS thì con riêng của vợ hoặc của chồng với cha kế, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế theo pháp luật và các con của họ còn được thừa kế thế vị theo Điều 677 BLDS. Quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương nhau được thể hiện ở những mối quan hệ sau:

Không có sự phân biệt đối xử giữa con riêng của vợ của chồng với các con chung của họ. Cha kế, mẹ kế coi con riêng của vợ, chồng như con ruột của mình và không dừng lại ở mặt hình thức mà được thể hiện ở bản chất.

Về mối quan hệ như ruột thịt của nhau và theo nguyên tắc “không phân biệt đối xử giữa các con”. Về phía người con riêng của vợ, của chồng cũng phải thể hiện trên thực tế nghĩa vụ của một người con với cha kế, mẹ kế như chính cha, mẹ ruột của mình. Điều kiện để con riêng và cha dượng, mẹ kế được thừa kế theo pháp luật của nhau chính là họ đã thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Những căn cứ trên được xác định thì con riêng của vợ, của chồng chết trước cha kế, mẹ kế thì con, cháu của người con riêng đó được thừa kế thế vị như những người con, cháu khác của người để lại di sản theo quy định ở Điều 677 BLDS.

Giữa con riêng và cha kế, mẹ kế không có quan hệ huyết thống, nhưng theo Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình, họ lại có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau. Như vậy, giữa con riêng với cha kế, mẹ kế dù muốn hay không họ phải thể hiện các nghĩa vụ theo luật định. Nếu họ cùng chung sống với nhau thì nghĩa vụ của họ đối với nhau theo quy định trên cũng chẳng có gì khác so với nghĩa vụ giữa con với cha đẻ, mẹ đẻ (pháp luật đã loại trừ trường hợp nếu con riêng và cha kế, mẹ kế không cùng chung sống với nhau thì họ không có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau). Ngược lại, nếu họ chung sống với nhau mà không thể hiện được nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau thì có bị coi là vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng không? Nếu xác định họ vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau thì quyền thừa kế của một trong hai người sẽ bị tước bỏ theo quy định của pháp luật khi một bên chết trước. Ngược lại, trong trường hợp họ không cùng chung sống với nhau nhưng họ vẫn thể hiện được nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì họ có được thừa kế theo pháp luật của nhau khi một bên chết trước hay không?

e. Thừa kế thế vị trong trường hợp con sinh ra theo phương pháp khoa học

Ngày 12/02/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2003/NĐ-CP quy định về con sinh theo phương pháp khoa học.

Một số vấn đề cần bàn trong trường hợp cháu được hưởng di sản của ông bà là: nếu bố, mẹ của cháu là con được sinh ra theo phương pháp khoa học thì khi bố, mẹ cháu chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà cháu có được hưởng thừa kế thế vị hay không?

Vấn đề này đến nay vẫn khá phức tạp và gây khá nhiều tranh cãi trong việc xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến thừa kế. Việc xác định cha, mẹ, con sinh ra theo phương pháp khoa học được quy định tại điều 20 Nghị định 12/2003/NĐ-CP, theo đó: “Trẻ ra đời do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân”. Điều 6 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP đã nghiêm cấm hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Như vậy, cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân được xác định là cha, mẹ đối với đứa trẻ được sinh ra do thực hiện công nghệ hỗ trợ sinh sản. Người phụ nữ sống độc thân đương nhiên được xác định là mẹ đẻ của đứa trẻ và do đó vấn đề thừa kế thế vị di sản do ông bà ngoại để lại khi người mẹ của đứa trẻ đó chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với ông bà là hoàn toàn có cơ sở. Việc xác định cha, mẹ cho con sinh ra trong trường hợp này căn cứ vào quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa cha, mẹ của đứa trẻ và pháp luật mặc nhiên thừa nhận quan hệ cha, mẹ và con giữa họ. Người con được sinh ra theo phương pháp khoa học trong trường hợp này có địa vị pháp lý như con đẻ và như vậy vấn đề thừa kế thế vị vẫn được đặt ra như trường hợp cha, mẹ đẻ với con đẻ.

III. Những vướng mắc và giải pháp hoàn thiện quy định của Bộ luật dân sự liên quan đến thừa kế thế vị

1. Những vướng mắc trong việc áp dụng quy định về thừa kế thế vị trong BLDS 2005

a. Trường hợp vi phạm khoản 1 Điều 643 BLDS 2005

Nếu hiểu theo câu chữ của điều luật quy định tại điều 677 BLDS 2005 thì trong trường hợp cha hoặc mẹ của chau hoặc chắt không có quyền hưởng di sản của ông, bà hoặc cụ do vi phạm khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 thì đương nhiên cháu, chắt cũng không thể hưởng di sản của ông, bà hoặc cụ. Cha, mẹ của cháu hoặc của chắt phải có quyền hưởng di sản thì cháu hoặc chắt mới được hưởng thế vị thay cha, mẹ khi cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm trái ngược hẳn quan điểm này. Theo đó, để bảo vệ quyền hưởng di sản của cháu và chắt khi bản thân họ không bị Tòa án tước quyền hưởng di sản, không bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản, họ có năng lực pháp luật để thừa hưởng di sản thì nên cho họ được hưởng thừa kế thế vị, dù cho cha mẹ của họ trước khi chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 643 BLDS.

b. Trường hợp thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi

Vấn đề thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi hiện nay được quy định tại Điều 678 BLDS 2005 rất chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và cách giải quyết khác nhau giữa các tòa án. Có thể liệt kê những trường hợp thực tế có liên quan đến thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi mà do không có quy định pháp luật rõ ràng nên chưa thống nhất được trong cách giải quyết vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền như sau:

- Khi người nhận nuôi con nuôi chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với cha mẹ đẻ của họ thì người con nuôi của họ có được nhân thừa kế thế vị không?

- Khi con nuôi của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì con đẻ của người con nuôi đó có được nhận thừa kế thế vị không?

- Khi con nuôi của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì con nuôi của người con nuôi đó có được nhận thừa kế thế vị không?

c. Trường hợp con riêng với cha dượng, mẹ kế

Điều 679 quy định cho con riêng và cha kế, mẹ kế được thừa kế theo pháp luật của nhau (ở hàng thứ nhất) và con của người đó còn được thừa kế thế vị trong trường hợp người con riêng đó chết trước cha kế, mẹ kế. Điều kiện để con riêng và cha kế, mẹ kế được thừa kế theo pháp luật của nhau nếu họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Tiêu chuẩn để đánh giá quan hệ giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế như cha con, mẹ con đã không được điều luật quy định cụ thể như về: thời hạn nuôi dưỡng, chăm sóc nhau giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế, hành vi chăm sóc được thể hiện từ hai phía hay chỉ từ một phía. Như vậy nếu một phía chỉ thể hiện hành vi chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng về tình giữa họ đối với nhau không như cha con, mẹ con thì họ có được thừa kế theo pháp luật của nhau không?

d. Trường hợp con sinh ra theo phương pháp khoa học

Từ việc sinh con theo phương pháp khoa học, vấn đề xác định tư cách pháp lý của cha, mẹ và con sinh ra trong trường hợp này cũng trở thành một yêu cầu bức thiết đối với pháp luật. Trong thực tế, có một số vướng mắc được đặt ra như sau:

Thứ nhất, Nghị định số 12/2003/NĐ-CP có quy định về việc lưu giữ tinh trùng. Giả thiết, hai vợ chồng muốn có con và thực hiện sinh con theo phương pháp khoa học, trong quá trình thực hiện hỗ trợ sinh sản, tinh trùng của người chồng đã được lưu giữ lại cơ sở lưu giữ tinh trùng thì người chồng chết, nhưng người vợ vẫn mong muốn có con với người chồng đã chết đó của mình. Đứa con được sinh ra trong trường hợp này rõ ràng là con của người cha đã chết, và nếu cha chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà nội thì xét về mặt đạo lý, đứa bé hoàn toàn có quyền hưởng thừa kế thế vị thay cho cha mình. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý thì chưa có quy định nào của pháp luật về trường hợp này. Như đã trình bày về điều kiện hưởng thừa kế của người thừa kế theo pháp luật thì cá nhân phải sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Nghĩa là đứa bé sinh ra theo phương pháp khoa học muốn thừa kế thế vị hưởng di sản của ông bà thì cũng phải sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước thời điểm ông hoặc bà chết. Như vậy pháp luật đã vô tình tước mất quyền hưởng thừa kế thế vị di sản từ ông bà của người cháu khi người cha chết trước hoặc chết cùng thời điểm đó. Thiết nghĩ pháp luật nước ta cần có quy định bổ sung các trương hợp về thừa kế thế vị để quyền lợi của cá nhân sinh ra theo phương pháp khoa học được bảo vệ tốt hơn nữa.

2. Phương hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật dân sự về thừa kế thế vị

a. Trường hợp vi phạm khoản 1 Điều 643 BLDS 2005

Trong trường hợp này, cháu hoặc chắt không có lỗi và cũng không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi do cha, mẹ mình gây ra. BLDS quy định về việc tước quyền thừa kế những người đã có hành vi vi phạm các quy định tại khoản 1 Điều 643. Trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng với những người có hành vi phạm tội, do vậy các cháu hoặc chắt của người để lại di sản không thể gánh chịu những hành vi độc lập của cha mẹ trong quan hệ cụ thể này. Quyền thừa kế thế vị của các cháu hoặc chắt không thể bị pháp luật tước bỏ khi mà giữa cha, mẹ và các con hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự với tư cách cá nhân và hành vi của họ hoàn toàn độc lập với nhau. Nếu chỉ hiểu một cách máy móc là cha hoặc mẹ của cháu khi còn sống không có quyền hưởng di sản thì cháu cũng không có quyền hưởng thừa kế thế vị nếu cha, mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng với ông bà thì hết sức bất công, trái với bản chất của pháp luật hiện đại, trái với truyền thống, tập quán, quan niệm về thừa kế trong nhân dân.

Từ những lập luận này, thiết nghĩ nên sửa đổi lại quy định tại Điều 677 BLDS 2005, theo đó, điều kiện để các cháu, chắt được thừa kế thế vị cha mẹ mình nhận di sản của ông, bà hoặc cụ chỉ cần quy định điều kiện cha hoặc mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.

b. Trường hợp thừa kế thế vị có nhân tố con nuôi

Vấn đề này cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể. Như đã trình bày, trước khi Luật nuôi con nuôi năm 2010 được ban hành, mối quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với các thành viên trong gia đình người nhận nuôi con nuôi, mà đặc biệt trong trường hợp này là mối quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha, mẹ của người nhận nuôi được quy định một cách cụ thể duy nhất trong Nghị quyết số 02/1990 NQ-HĐTP ngày 19/10/1990 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật thừa kế. Nghị quyết số 02/1990/NQ-HĐTP nêu rõ: “Con nuôi không đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ người nuôi dưỡng và con đẻ của người nuôi”. Quan điểm này vẫn được duy trì và mặc nhiên áp dụng khi BLDS 1995 và sau đó là BLDS 2005 được ban hành do không có văn bản nào khác hướng dẫn về vẫn đề này.

Việc nuôi con nuôi có làm phát sinh đầy đủ quyền và nghĩa vụ giữa con nuôi và các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi hay không tùy thuộc vào việc nuôi con nuôi được xác lập theo hình thức nào. Điều 23 Nghị định số 19/201/NĐ-CP ngày 21/03/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi, theo đó: “Việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng kí trước ngày 01 tháng 01 năm 2011, nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật nuôi con nuôi thì được đăng kí từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015 tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi”.

Đồng thời, cũng cần thấy quy định pháp luật tại khoản 4, Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 cần được sửa đổi bổ sung theo hướng nếu giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không có thỏa thuận gì khác thì kể từ ngày giao nhận con nuôi, quan hệ giữa cha mẹ đẻ và gia đình huyết thống người con được cho làm con nuôi không còn quyền và nghĩa vụ pháp lý gì với nhau; và quy định tại Điều 678 BLDS 2005 cũng cần được bổ sung theo hướng: con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì có quyền hưởng thừa kế di sản của nhau và còn được hưởng thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 677 của BLDS.

c. Trường hợp con riêng với cha dượng, mẹ kế

Trước tiên, nên hiểu quan hệ thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế được quy định tại Điều 679 BLDS 2005 theo nghĩa: chỉ cần có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau như cha con, mẹ con từ một phía là quan hệ thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế đã phát sinh rồi. Bởi lẽ, nếu hiểu con riêng phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha dượng, mẹ kế và ngược lại đòi hỏi cha dượng, mẹ kế cũng phải chăm sóc hai chiều thì quan hệ thừa kế mới phát sinh sẽ không giải quyết được một cách thỏa đáng quyền và lợi ích của các cá nhân này trong một số trường hợp cụ thể. Chẳng hạn: cha dượng, mẹ kế đã chăm sóc con riêng như con đẻ của mình, trước khi cha dượng chết, con riêng vẫn còn nhỏ nên chưa thể thực hiện nghĩa vụ chăm sóc cha dượng cha đẻ. Rõ ràng, khi cha dượng đã giành sự quan tâm, chăm sóc của mình cho con riêng như con đẻ như vậy thì người cha đó luôn mong muốn người con riêng sẽ được thừa kế tài sản của mình khi mình chết đi. Nếu hiểu quan hệ thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế theo cách hiểu trên thì trong trường hợp này người con riêng sẽ không được phép nhận di sản của cha dượng mình. Việc hiểu quan hệ thừa kế giữa họ như vậy là hoàn toàn không hợp lý và không phù hợp với thực tế.

Thứ hai, như đã nói ở trên, quan hệ thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế phát sinh dựa trên cơ sở mối quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau như cha, mẹ con. Tuy nhiên, hiểu như thế nào là “chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con” thì hiện nay chưa có quy định cụ thể nào. Về vấn đề này, có thể hiểu, con riêng và cha dượng, mẹ kế chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con khi giữa họ thể hiện những hành vi được quy định tại Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000. Theo đó, cha dượng, mẹ kế có nghĩa vị và quyền cùng yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con, chăm lo cho việc học tập và giáo dục con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức…, cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, không ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con…; con riêng có bổn phận yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với cha dượng, mẹ kế, có quyền và nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ, không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ…

Pháp luật cũng không quy định rõ ràng để chăm sóc nhau như cha con, mẹ con thì con riêng  và cha dượng, mẹ kế có nhất thiết phải sống chung và sinh hoạt chung trong cùng một gia đình hay không? Thiết nghĩ, trong thực tế có rất nhiều trường hợp người con ở xa nhưng vẫn luôn quan tâm và giúp đỡ cha dượng, mẹ kế bằng cách gửi tiền cũng như các vật chất khác, còn ở gần nhưng chưa chắc đã chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ kế như cha mẹ ruột của mình vì giữa họ chỉ có thể chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Vì vậy, pháp luật nên quy định về việc xác định thế nào là chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha, mẹ con không phụ thuộc vài nơi cư trú của những hành vi thể hiện sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương lẫn nhau.

d. Trường hợp con sinh ra theo phương pháp khoa học

Từ vướng mắc về trường hợp người bố chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với ông, bà nội; bố đã gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng và sau đó mẹ đã lấy tinh trùng để thụ thai, đứa trẻ được sinh ra sau khi ông, bà chết thì có đặt ra vấn đề thừa kế thế vị hay không? Thiết nghĩ pháp luật nên quy định trường hợp này, đứa bé có quyền được thừa kế thế vị di sản của ông, bà. Muốn vậy, quy định tại Điều 635 BLDS 2005 nên loại trừ trường hợp con sinh ra theo phương pháp khoa học.

C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ

Rõ ràng, trước những diễn biến cụ thể, phức tạp của vấn đề thừa kế trên thực tế, những quy định của pháp luật về thừa kế theo pháp luật nói chung và thừa kế thế vị nói riêng đã phần nào làm tốt vai trò định hướng để hướng dẫn thực hiện, giải quyết tranh chấp; song, những quy định này vẫn còn nhiều thiếu xót, chưa mang tính bao quát. Bởi vậy, vấn đề thừa kế thế vị vẫn là vấn đề được nhiều người quan tâm và còn nhiều khúc mắc. Cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thừa kế thế vị để làm nền tảng, căn cứ giải quyết chia di sản thừa kế trong cuộc sống hàng ngày.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
2. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
3. Phùng Trung Tập, Luật thừa kế Việt Nam, Nxb. Hà Nội, 2008.
4. Phạm Văn Tuyết, Thừa kế - Quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2007.
5. Phùng Trung Tập, Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay (Phần I và II); Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2004. 
6. Chế Mỹ Phương Đài, “Bàn thêm về thừa kế thế vị”, Tạp chí khoa học pháp lí, số 2/2000, tr. 40.
7. Nguyễn Thị Như Hương, “Thừa kế thế vị”, Tạp chí toà án nhân dân, số 1/2000, tr. 20.

8. Thái Công Khanh, “Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Điều 679 BLDS về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế”, Tạp chí toà án nhân dân, số 16/2006, tr. 17 - 19.

No comments:

Post a Comment