17/10/2014
Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh - Bài tập lớn luật cạnh tranh
           Cạnh trạnh có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, là cơ sở khẳng định vị trí của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, cạnh tranh cũng có thể mang lại những hậu quả xấu đối với nền kinh tế, nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Cạnh tranh làm thay đổi cấu trúc xã hội trên phương diện sở hữu của cải, gây ra hiện tượng độc quyền, làm phân hóa mạnh mẽ giàu nghèo; cạnh tranh không lành mạnh, dùng các thủ đoạn vi phạm pháp luật hay bất chấp pháp luật... Do vậy, hoạt động cạnh tranh từ đối đầu sang hợp tác cùng có lợi là xu hướng tất yếu đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững.
         Trong các hình thức xúc tiến thương mại, khuyến mại là cách thức, biện pháp thu hút khách hàng thông qua việc dành lợi ích cho khách hàng, bao gồm lợi ích vật chất (tiền, hàng hóa) hay lợi ích phi vật chất (được cung ứng dịch vụ miễn phí). Xét cho cùng, mục đích cuối cùng của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng hình thức khuyến mại là nhằm thu được lợi ích lớn nhất về mình, do đó, rất dễ vì mục đích lợi nhuận này mà dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh được Luật Cạnh tranh quy định. Pháp luật cạnh tranh không chỉ quy định về khái niệm của hành vi này mà còn có cả những chế tài kèm theo.
          Bài viết dưới đây trình bày đề tài: “Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh”.
Nội dung

          1. Khái quát hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
          1.1. Khái niệm khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
          1.1.1. Định nghĩa khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
           Luật Thương mại 2005 quy định khái niệm khuyến mại tại khoản 1 Điều 88: “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm mục xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định”.

          Song khái niệm khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh không được định nghĩa theo kiểu diễn giải cụ thể như khái niệm khuyến mại. Khái niệm khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh được Luật Cạnh tranh định nghĩa dưới dạng liệt kê các hành vi khuyến mại bị cấm. Điều 46 Luật Cạnh tranh quy định về các hình thức khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh như sau:
“- Tổ chức khuyến mại mà gian dối về giải thưởng;
- Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng;
- Phân biệt đối xử đối với các khách hàng như nhau tại các địa bàn tổ chức khuyến mại khách nhau trong cùng một chương trình khuyến mại;
- Tặng hàng hóa cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hóa cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà hàng hóa đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình;
- Các hoạt động khuyến mại khác mà pháp luật có quy định.”

          1.1.2. Đặc điểm của khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
         Thứ nhất, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh cũng là một biện pháp cạnh tranh. Khuyến mại là một biện pháp cạnh tranh quen thuốc nhằm thu hút khách hàng dưới nhiều hình thức khác nhau như giảm giá, tặng quà, hứa thưởng... . Trong một thời gian ngắn, vì đánh trúng tâm lý mua hàng của người tiêu dùng, thương nhân có thể thu hút được một lượn lớn khách hàng mà nhờ đó thu được một số lợi nhuận kha khá đủ bù cho chi phí thực hiện khuyến mại. Khi khách hàng tập trung đông vào một thương nhân như vậy, hiển nhiển các đối thủ cạnh tranh khác sẽ bị yếu thế hơn, nhất là khi chương trình khuyến mại này được tổ chức bất ngờ có thể làm các đối thủ kia không kịp thích ứng, rơi vào thế bị động. Hậu quả tất yếu sẽ tạo ra sự chênh lệch lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh giữa các thương nhân là đối thủ cạnh tranh của nhau.
          Mặt khác, xét mặt tích cực của cạnh tranh đem lại, trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi khách hàng, khuyến mại lại đêm lại một lợi ích đáng kể cho người tiêu dùng, khi chấp nhận bỏ ra một phần lợi nhuận chuyển thành giá trị khuyến mại. Ngoài ra, các chương trình khuyến mại cũng giúp thị trường sôi động, hấp dẫn hơn, kích thích cung cầu, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh, đem lại lợi ích chung cho nền kinh tế.
          Thứ hai, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh là một hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nhìn chung, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh cũng có các đặc điểm chung của hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: một là, hành vi này do các chủ thể kinh doanh trên thị trường (bao gồm mọi tổ chức hay cá nhân tham gia hoạt động tìm kiếm lợi nhuận một cách thường xuyên và chuyên nghiệp, hay sử dụng khái niệm của thương mại là có tư cách thương nhân) thực hiện, nhằm mục đích lợi nhuận. Hai là, hành vi này có tính chất đối lập, đi ngược lại các thông lệ tốt, các nguyên tắc đạo đức kinh doanh (có thể hiểu là những quy tắc xử sự chung được chấp nhận rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường). Cần lưu ý ở đặc điểm này đó là, hành vi cạnh tranh không lành mạnh luôn gắn với lỗi cố ý của bên vi phạm, tuy nhiên khi áp dụng trong thực tiễn xét xử tranh tụng, yếu tố này thường mang tính suy đoán hơn là có bằng chứng cụ thể. Ba là, hành vi khuyến mại nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải được ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho ba đối tượng nhóm doanh nghiệp cạnh tranh khác, người tiêu dùng và Nhà nước.
          Thứ ba, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh là cách thức, biện pháp thu hút khách hàng thông qua việc dành lợi ích cho khách hàng, bao gồm lợi ích vật chất như tiền, hàng hóa hay lợi ích phi vật chất (được cung ứng dịch vụ miễn phí) nhưng lại gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh và lợi ích của người tiêu dùng để thu được nhiều lợi nhuận. Đấu hiệu dành cho khách hàng những lợi ích vật chất nhất định là đấu hiệu đặc trưng để phân biệt hoạt động khuyến mại với các hình thức xúc tiến thương mại khác. Theo đó, dấu hiệu này đi kèm với các đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh tạo nên điểm khác biệt với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.
          Thứ tư, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh bị kiểm soát bởi một số cơ chế của pháp luật, trong đó có những quy định hiện hành về cạnh tranh không lành mạnh như những giới hạn về giá trị khuyến mại ũng như thời gian thực hiện chươn trình khuyến mại (được quy định cụ thể tại Nghị định số 37/2006/NĐ-CP).

          1.2. Các dạng hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
         Luật cạnh tranh quy định cấm bốn dạng hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh khác nhau:
          - Một là hành vi khuyến mại gian dối về giải thưởng. Đối với hành vi này, bên vi phạm đã đưa ra những thông tin sai lệch về giải thưởng, trao giải thưởng không đúng theo nội dung cam kết, công bố trong thể lệ khuyến mại hay các thông tin, quảng cáo trước khi thực hiện chương trình khuyến mãi (thường là có giá trị nhỏ hơn). Hành vi này có tính chất lôi kéo bất chính người tiêu dùng để họ tham gia chương trình khuyến mại.
          - Hai là hành vi khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng. Bên vi phạm đã gian đối, không trung thực trong quá trình, cách thức thực hiện khuyến mại với các hình thức khách nhau như tặng quà, tổ chức thi có giải hay chương trình may rủi... Về bản chất, hành vi này có phần giống với hành vi “tổ chức khuyến mại gian giối về giải thưởng” vì nội dung “hàng hóa, dịch vụ” ở đây bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
           - Ba là hành vi phân biệt đối xử giữa các khách hàng, không đảm bảo sự bình đẳng và cơ hội hưởng lợi ích kinh tế dành cho mọi người tham gia trong cùng một chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, căn cứ vào chiến lược kinh doanh chung của doanh nghiệp để nhằm mục đích thục đẩy hoạt động kinh doanh tại một địa phương nhấy định, pháp luật sẽ không can thiệp cấm nếu như doanh nghiệp thực hiện ưu đãi lớn hơn đối với khách hàng tại địa phương riêng biệt này.
           - Bốn là hành vi tặng hàng hóa cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hành hóa cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình. Hành vi này là một hình thức khuyến mại vi phạm đặc biệt bởi tính chất của nó nhằm cản trở, gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác, phá vỡ các quan hệ ổn định của khách hàng đối với đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu khách hàng hài lòng với sản phẩm khuyến mãi được dùng thử hơn, đương nhiên họ sẽ không sử dụng sản phẩm cạnh tranh kia nữa, do đó việc yêu cầu này khách hàng đem sản phẩm cạnh tranh đổi lấy hàng khuyến mại là không cần thiết, hạ thấp uy tín đối thủ cạnh tranh và vì thế bị coi là không trung thực hay thiện chí.
          -Năm là các hành vi khuyến mại khác mà pháp luật có quy định. Thực tế cho thấy cùng với đà phát triển của nền kinh tế đang hội nhập của Việt Nam, hoạt động khuyến mãi nói riêng và các hoạt động xúc tiến thương mại nói chung đang ngày càng phát triển phong phú hơn, kéo theo đó, các hành vi khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh cũng đa dạng hơn. Ngoài bốn hành vi nói trên, tùy từng trường hợp mà pháp luật cạnh tranh và các hệ thống pháp luật khác sẽ có quy định cụ thể cho hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh này.

         2. Thực trạng pháp luật cạnh tranh Việt Nam về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
         Thứ nhất, pháp luật cạnh tranh Việt Nam về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh còn chưa tập trung. Pháp luật cạnh tranh về khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh là một phần của hệ thống pháp luật cạnh tranh Việt Nam, do đó cũng chịu ảnh hưởng chung của pháp luật cạnh tranh nói chung. Tuy nhiên, các điều khoản quy định về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh vẫn chưa được xây dựng tập trung thành một văn bản pháp luật nào, mà được quy định rải rác tại nhiều điều luật trong các văn bản pháp luật khác nhau. Khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh được quy định trực tiếp tại khoản 7 Điều 39 và Điều 46 Luật Cạnh tranh 2004; Điều 36 Nghị định 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/9/2005 quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

         Nhìn chung, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật Việt Nam còn chưa có hệ thống đầy đủ, cũng như chưa thể hiện triết lí lập pháp rõ ràng nên hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh cũng không tránh khỏi thực trạng này. Các quy định về hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh vừa được tiếp thu từ kinh nghiệm xây dựng pháp luật cạnh tranh của các quốc gia phát triển tại các giai đoạn khác nhau vừa xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lí hoạt động thương mại trong nước, nhất là hoạt động xúc tiến thương mại đang được đẩy mạnh trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Một ví dụ có thể thấy rõ của bất cập này chính là ngay trong văn bản dưới luật quan trọng nhất là Nghị định số 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/9/2005 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cạnh tranh cũng không có quy định nào về hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, chỉ có hướng dẫn kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh. Mặt khác, hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh là một hành vi xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong quản lý hoạt động thương mại trong nước, tức là các vấn đề pháp lý phát sinh từ hành vi này liên quan khá nhiều đến thực tiễn nhưng pháp luật Việt Nam lại không thừa nhận các án lệ. Thẩm quyền thực thi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam thuộc về cơ quan hành chính là Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ công thương, mà không phải là tòa án, do đó cũng sẽ hạn chế đáng kể khả năng các điều luật được giải thích, cụ thể hóa trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh.

          Thứ hai, dù chưa được quy định tập trung nhưng những quy định hiện hành về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh vẫn là những quy định mở. Xét về mặt lý luận, nếu tiếp cần bằng cách đưa ra khái niệm thế nào là khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh cần trải qua một quá trình nghiên cứu khá dài và khó khăn, do bản chất của cạnh tranh không lành mạnh vốn đã bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau. Cách tiếp cận từ mặt trái của khuyến mại phù hợp với nguyên tắc chung của tự do trong kinh doanh, theo đó cá nhân, tổ chức kinh doanh có thể tự do “làm những việc mà pháp luật không cấm”. Xét về mặt thực tiễn, xuất phát từ việc hoạt động kinh doanh đa dạng, phong phú, hoạt động xúc tiến thương mại đang được đẩy mạnh phát triển, có thể ở từng thời điểm, từng giai đoạn khác nhau mà một chương trình khuyến mãi sẽ bị xác định là phải cạnh tranh khi đi ngược lại với lợi ích của nhà nước và xã hội, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp cạnh tranh khác. Do vậy, pháp luật về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh cũng xây dựng những quy định mở để có thể áp dụng linh hoạt hơn.

         Thứ ba, quy định về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn khúc mắc trong việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật. Điều 46 Luật Cạnh tranh 2004 sử dụng từ “giải thưởng” là một vấn đề đáng chú ý. Nếu căn cứ theo các hình thức khuyến mãi được quy định tại Luật Thương mại 2005 và Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, chỉ có hai hình thức khuyến mại có xuất hiện giải thường là bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố và bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi. Nếu hiểu khoản 1 Điều 46 Luật Cạnh tranh chỉ giới hạn áp dụng đối với hai hình thức khuyến mại nói trên thì sẽ chưa thực sự hợp lý. Thực tế, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp công bố giải thưởng khuyến mãi là các chương trình giảm giá không trung thực, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, khi này “giải thưởng” được điều chỉnh theo khoản 1 Điều 46 sẽ hợp lý hơn so với khoản 2 Điều 46. Từ sự nhập nhằng giữa quy định của hai điều khoản cho thấy khái niệm “giải thưởng” trong khuyến mãi cũng cần được xem xét lại về phạm vi của nó, “giải thưởng” có thể hiểu là mọi hình thức lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp đã công bố, cam kết khi đưa ra chương trình khuyến mãi, bao gồm cả quà tặng hay giảm giá, chiết khấu.

         Thứ tư, pháp luật cạnh tranh về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh chưa thực sự đảm bảo được lợi ích của khách hàng. Trong thực tế, khách hàng là người phải chịu thiệt thòi cho những gian lận trong khuyến mại, do các sai sót kĩ thuật trong in ấn tem, phiếu, vật phẩm có chứa đựng thông tin về lợi ích mà khách hàng được hưởng trong đợt khuyến mại. Ví dụ là vụ việc Công ty điện LG Việt Nam khuyến mại gian dối tại Thành phố Hồ Chí Minh, số phiếu rút thăm trúng thưởng của khách hàng không có trong thùng phiếu, các giải thưởng đều được sắp xếp để dành cho các đại lý “ruột” của LG.

         Thứ năm, pháp luật về xử lí vi phạm đối với hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn gặp phải khó khăn. Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 120/2005/NĐ-CP về xử lí vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, doanh nghiệp thực hiện một trong các hoạt động khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Doanh nghiệp vi phạm bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu việc khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh thuộc một trong các trường hợp sau: hàng hóa, dịch vụ liên quan là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi và các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe; quy mô tổ chức khuyến mại thuộc phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, buộc cải chính công khai. Quy định là vậy, song vướng mắc từ thực tiễn xét xử chính là ở các căn cứ để xác định thể nào là một hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, từ việc thu thập chứng cứ chứng minh, việc thẩm định...; nhất là thẩm quyền của tòa án trong thực thi pháp luât về cạnh tranh bị hạn chế hơn cơ quan hành chính có thẩm quyền là Cục quản lí cạnh tranh.

          3. Một số đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật cạnh tranh về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
   Từ những thực trạng đã nói ở phần 2, một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật cạnh tranh về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh có thể được xem xét như:
         - Một là hoàn thiện hệ thống pháp luật cạnh tranh nói chung và hệ thống pháp luật về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh nói riêng. Các nhà làm luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét để xây dựng một hệ thống pháp luật cạnh tranh tập trung hơn, tạo cơ sở pháp lý căn bản chặt chẽ mà linh hoạt cho việc đưa pháp luật cạnh tranh đi vào thực tiễn đời sống, giảm thiểu được nhiều vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật tại các lĩnh vực khác nhau cũng như trong khâu áp dụng pháp luật.
        - Hai là tăng cường kiểm soát các hoạt động khuyến mãi, để hạn chế kịp thời và tối đa các hành vi nhằm cạnh tranh không lành mạnh, cũng như bảo vệ được quyền lợi của các đối tượng liên quan bao gồm người tiêu dùng, các doanh nghiệp khác và cả Nhà nước.
         - Ba là có sự điều tiết, phân chia thẩm quyền hợp lí giữa Cục cạnh tranh và tòa án trong việc xử lí vi phạm cạnh tranh nói chung và khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh nói riêng.

Kết luận

         Khuyến mại là một hoạt động xúc tiến thương mại phổ biến trong nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay. Lợi ích từ hoạt động khuyến mại đối với các doanh nghiệp là vô cùng lớn, do đó cũng kéo theo các hành vi tiêu cực nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Pháp luật về khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh là vấn đề cần được quan tâm và hoàn thiện, để tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh nhưng không mất tính linh hoạt, lợi ích thu được từ hoạt động xúc tiến thương mại phổ biến là khuyến mại này.

No comments:

Post a Comment