29/09/2014
Tư tưởng phân chia quyền lực - Bài tập học kỳ Lý luận Nhà nước và pháp luật
A. MỞ ĐẦU



Nhìn một cách khái quát có thể nhận thấy rằng bộ máy nhà nước của đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay đều được xây dựng trên cơ sở tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước.Đây là một tư tưởng tiến bộ do các nhà lí luận chính trị pháp lí tư sản đưa ra khi giai cấp tư sản đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phá bỏ chế độ phong kiến.Nó đã trở thành vũ khí tư tưởng có hiệu quả cho cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản trong lịch sử phát triển của nhà nước và pháp luật thế giới.Khi nghiên cứu về tư tưởng này, có không ít các quan điểm khác nhau song nhìn một cách chung nhất đó là sự phân chia quyền lực cho các cơ quan khác nhau trong bộ máy nhà nước trên nguyên tắc kiềm chế, đối trọng quyền lực lẫn nhau của các cơ quan ấy.Ở bài viết này, em xin đề cập đến một số vấn đề xoay quanh nội dung tư tưởng đó.


B. NỘI DUNG

I.Cơ sở lí luận

1. Quyền lực nhà nước và tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước

Để tìm hiểu về nội dung của tư tưởng phân chia quyền lục nhà nước, trước hết phải hiểu về nhà nước và quyền lực nhà nước.

Nhà nước là tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, là bộ máy chuyên làm nhiệm vụ chuyên chế và thực hiện chức năng quản lí đặc biệt nhằm duy trì trật tự xã hội, thực hiện mục đích bảo vệ địa vị của giai cấp thống trị trong xã hội.Quyền lực nhà nước là quyền lực công cộng nhưng không thuộc về mọi thành viên trong xã hội mà thuộc về giai cấp thống trị và phục vụ lợi ích cho giai cấp đó. Quyền lực nhà nước là sức mạnh mang tính ý chí của nhà nước, có tính bắt buộc phải tuân theo đối với mọi cá nhân, tổ chức, lực lượng trong xã hội, được đảm bảo thực hiện bởi một bộ máy chuyên nghiệp quản lí mọi mặt đời sống xã hội, bởi các công cụ như nhà tù, tòa án, cảnh sát, quân đội… và bởi hệ thống các quy tắc xử sự chung thống nhất cho toàn xã hội.Quyền lực nhà nước vể bản chất là biểu hiện tư tưởng cho quyền lực chính trị của lực lượng chiếm ưu thế về kinh tế trong xã hội.Trong một xã hội có giai cấp, quyền lực nhà nước là sức mạnh có tính bao trùm rộng lớn nhất quan trọng nhất có khả năng khống chế và bắt buộc mọi cá nhân tổ chức lưc lượng trong xã hội phải phục tùng ý chí của mình.

Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước được thể hiện trong sự phân tách quyền lực nhà nước thành các loại lập pháp, hành pháp, tư pháp và được trao cho các cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện.Theo đó, quyền lập pháp được giao cho nghị viện, quyền hành pháp được giao cho chính phủ và quyền tư pháp được giao cho tòa án.Các cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau và có sự chuyên môn hóa trong hoạt động.Mỗi cơ quan sẽ chuyên chú vào việc thực hiện chức năng, thẩm quyền riêng của mình trên cơ sở luật pháp. Sự phân bố quyền lực giữa các cơ quan sao cho không một cơ quan nào nắm trọn vẹn quyền lực nhà nước, không một cơ quan nào có thể tách khỏi chức năng của mình và cũng không một cơ quan nào được sai khiến hoặc chen lấn chức năng của cơ quan khác.

Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp không chỉ độc lập với nhau khi thực hiện chức năng thẩm quyền mà còn có thể kiềm chế, ngăn cản hoặc đối trọng với nhau trong hoạt động, không có cơ quan nào nằm ngoài sự giám sát kiểm tra của cơ quan khác.Điều đó giúp cho các cơ quan có thể ngăn cản được sự lấn quyền, vượt quyền đồng thời có thể tránh được sự chuyên quyền độc đoán, lạm quyền trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, nhờ đó mà bảo đảm tự do cho công dân và ngăn ngừa được các hành vi lạm quyền khác.

Khi nói đến phân chia quyền lực, ngày nay ở mỗi nhà nước đều áp dụng cách thứ phân quyền ngang hay phân quyền dọc tùy theo điều kiện của từng nước sao cho mỗi hoạt động quyền lực được thực hiện một cách có hiệu quả nhất.

Phân quyền ngang là cách thức phân quyền cổ điển, theo đó quyền lực nhà nước được phân chia thành các nhóm khác nhau: Nghị viện nắm quyền lập pháp, Tổng thống nắm quyền hành pháp, Tòa án nắm quyền tư pháp.Quyền lực giữa các cơ quan này là quyền lực cân bằng, hoạt động của các cơ quan có sự chuyên môn hóa và luôn kiềm chế đối trọng giám sát lẫn nhau. Có 3 mức độ biểu hiện của cách thức phân quyền ngang trong bộ máy nhà nước hiện nay:

Một là, phân quyền cứng rắn được áp dụng trong chính thể cộng hòa Tổng thống với nguyên tắc “quyền lực ngăn cản quyền lực”.Quyền hành pháp thuộc về nguyên thủ quốc gia, hành pháp không phải chịu trách nhiệm trược luật pháp và sự phân quyền được ghi nhận trong Hiến pháp.Đại diện điển hình cho mức độ áp dụng này là Mỹ.

Hai là, phân quyền mềm dẻo được áp dụng trong chính thể đại nghị.Điều đó thể hiện ở chỗ hành pháp không hoàn toàn độc lập mà có mối liên hệ thường xuyên với lập pháp do chịu trách nhiệm trước lập pháp và sự chung nhân viên giữa hai cơ quan này.Nguyên thủ quốc gia có quyền hành pháp mang tính tượng trưng vì bộ máy hành pháp trực thuộc Thủ tướng và Thủ tướng mới phải chịu trách nhiệm trước lập pháp.Tư pháp độc lập với hành pháp trong hoạt động song không hoàn toàn độc lập trong tổ chức, hoạt động với lập pháp.Sự phân quyền này thể hiện rõ tiêu biểu ở 2 nước là Anh và Đức.

Ba là, phân quyền trong chính thể cộng hòa hỗn hợp.Trong tổ chức bộ máy nhà nước này,tư tưởng phân quyền được áp dụng ở mức độ trung gian giữa cứng rắn và mềm dẻo với đặc trưng cơ bản là sự độc lập của hành pháp với lập pháp cao hơn trong chính thể cộng hòa đại nghị song lại thấp hơn trong chính thể cộng hòa tổng thống.Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Quốc hội có thể bị giải tán trước thời hạn.Những đặc trưng trên được thể hiện rõ trong nhà nước Pháp và Nga.

Ở nhiều Nhà nước hiện nay tư tưởng phân chia quyền lực có một số thay đổi.Theo các nhà lập hiến ở một số nước Mỹ Latinh thì quyền lục nhà nước có tứ quyền, thêm quyền bầu cử.Trong dự thảo Hiến pháp Nicaragoa 1986 đưa ra còn nhắc tới ngũ quyền hay Hiến pháp 1976 của Angieri quy định tới lục quyền,… 

Phân quyền dọc là cách thức phân chia quyền lực giữa Trung ương và địa phương.Theo cách phân chia này, bộ máy nhà nước trong hệ thống các cơ quan quyền lực ở các cấp địa phương song song với bộ máy nhà nước Trung ương.Trong từng lĩnh vực cụ thể lại có sự phân công nhiệm vụ trách nhiệm quyền hạn cụ thể giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Chính quyền Trung ương chủ yếu giải quyết các vấn đè công, vì lợi ích của cả cộng đồng xã hội, còn chính quyền địa phương sẽ phụ trách các vấn đề kinh tế, giáo dục, văn hóa ở địa phương.

Phân quyền dọc được thực hiện theo hai phương pháp là phân quyền theo lãnh thổ và phân quyền theo chuyên môn.Tùy theo mỗi tiêu chí và hoàn cảnh cụ thể của mỗi nhà nước mà có cách phân chia cho phù hợp.

2. Quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước

Tư tưởng phân chia quyền lực được các nhà hiền triết đề xướng từ thời La Mã cổ đại với đại diện tiêu biểu là Aristote, sau đó được nhiều người phát triển và trở thành một học thuyết độc lập vào thế kỉ XVIII gắn với tên tuổi của Montesquieu, nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp.Học thuyết về sự phân chia quyền lực gắn liền với lí luận về pháp luật tự nhiên đã đóng vai trò quyết định trong lịch sử đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại sự độc đoán chuyên quyền của nhà vua.Cùng với sự thành lập chế độ tư bản, tư tưởng phân chia quyền lực đã trở thành một trong những tư tưởng chính của chủ nghĩa lập hiến tư sản.Tư tưởng này lần đầu tiên được thể hiện trong các đạo luật mang tính hiến định của cuộc cách mạng Pháp và sau đó thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp Hoa Kì 1787.Và đây chính là nền tảng cho cách thức xây dựng bộ máy nhà nước của đa số các quốc gia trên thế giới sau này

2.1 Quan điểm của Aristote

Aristote – bộ óc bách khoa nhất của thế giới cổ đại là người đầu tiên đề cập tới vấn đề phân chia quyền lực trong các nhà nước.Ông cho rằng để đảm bảo sự công bằng trong dân chúng thì nhà nước phải được tổ chức có quy củ, nghĩa là phải có 3 bộ phận: “bộ phận tư vấn pháp lí về hoạt động của nhà nước, bộ phận thứ hai là các tòa thị chính và bộ phận thứ ba là các cơ quan tư pháp”. Từ đó, ông chia lĩnh vực hoạt động của nhà nước thành 3 thành tố: nghị luận, chấp hành và xét sử.Tư tưởng này đã được xây dựng ở một số nhà nước cổ đại phương Tây mà điển hình là nhà nước Athens và Cộng hòa La Mã.Tuy nhiên, tư tưởng của Aristote mới chỉ dừng lại ở việc phân biệt các lĩnh vực hoạt động của nhà nước chứ chưa chỉ rõ phương thức vận hành cũng như mối quan hệ bên trong giữa các thành tố đó.

2.2 Quan điểm của Jonh Locke

Jonh Locke, một nhà triết học người Anh, ông là người đầu tiên khởi thảo ra lí luận hoàn chỉnh về học thuyết phân quyền và được thể hiện trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền”.Trước hết, có thể nhận thấy rằng Locke đã đồng nhất quyền lực nhà nước với quyền lập pháp.Ông cho rằng “chỉ có thể có một quyền lực tối cao là cơ quan lập pháp, mà tất cả các quyền lực còn lại là, mà phải là những cái phụ thuộc vào nó”.Ông chia quyền lực nhà nước thành các phần: lập pháp, hành pháp và liên minh. Theo đó, quyền lập pháp là quyền lực cao nhất trong nhà nước và phải thuộc về nghị viện.Nghị viện phải họp định kì thông qua các đạo luật nhưng không thể can thiệp vào việc thực hiện chúng.Quyền hành pháp phải thuộc về nhà vua, nhà vua lãnh đạo việc thi hành pháp luật và bổ nhiệm các chức vị trong bộ máy nhà nước.Hoạt động của nhà vua phụ thuộc vào pháp luật và vua không có đặc quyền nhất định nào với nghị viện nhằm không cho phép nhà vua thâu tóm quyền lực về tay mình và xâm phạm vào các quyền tự nhiên của công dân.Nhà vua thực hiện quyền liên minh, tức là giải quyết các vấn đề chiến tranh, hòa bình và đối ngoại.

2.3 Quan điểm của C.L.Montesquieu

Những luận điểm phân quyền của Locke được nhà khai sáng người Pháp Montesquieu phát triển.Ông kịch liệt lên án chế độ quân chủ chuyên chế ở Pháp lúc bấy giờ.Đây là một tổ chức quyền lực tồi tệ, phi lí vì nhà nước tồn tại vốn là biểu hiện của ý chí chung, nhưng trong chế độ chuyên chế nó lại biểu hện ý chí đặc thù.Montesquieu nhận thấy rằng pháp luật gồm nhiều lĩnh vực, phân ngành rõ rệt cho nên tập trung vào một người duy nhất là trái với bản chất của nó.Hơn nữa, cùng với sự phát triển của xã hội, các lĩnh vực quản lí của nhà nước ngày càng mở rộng, công việc của nhà nước ngày càng đa dạng, phức tạp hơn nên một cá nhân hay một cơ quan không thể đảm nhiệm được mà phải phân công cho nhiều cơ quan cùng thực hiện.Thêm vào đó, con người thường có xu hướng lạm quyền, vụ lợi hoặc làm sai khi có điều kiện nên cần có cơ chế kiềm chế, kiểm soát họ.Ông cũng nhận thấy rằng, tình trạng lạm quyền gắn với chế độ chuyên chế, vì vậy cần loại bỏ chế độ này.

Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật’, Montesquieu đã lập luận tinh tế và chặt chẽ tính tất yếu của việc tách bạch các nhánh quyền lực, tư tưởng này được tập trung thể hiện trong quyển 11, chương 6 của tác phẩm.Ông khẳng định “Trong bất cứ quốc gia nào đều có 3 thứ quyền: quyền lập pháp, quyền thi hành những điều hợp với quốc tế công pháp và quyền thi hành những điều trong luật dân sự”.Qua tác phẩm này, ta có thể nhận thấy một bước phát triển mới của tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước, khi ông đưa ra quan điểm phân tách các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp một cách triệt để.Ông đã viết: “Khi mà quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện Nguyên Lão, thì sẽ không có gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hoặc viện ấy chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu như quyền tư pháp không tách rời quyền lập pháp và hành pháp.Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân; quan tòa sẽ là người đặt ra luật.Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng, nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết”.

Có thể khẳng định sau Aristote 1300 năm, với Montesquieu tư tưởng phân chia quyền lực đã hồi sinh trở lại, và với lần này, nó đã trở thực sự trở thành một học thuyết đầy đủ, trọn vẹn và hoàn hảo, Montesquieu xứng đáng được mệnh danh là cha đẻ của tư tưởng phân quyền hiện đại.

2.4 Quan điểm của J.J.Rousseau

Tiếp nối Montesquieu, Rousseau cùng với tác phẩm “Bàn về khế ước xã hội” đã đưa ra những quan điểm mới mẻ và tiến bộ về sự phân chia quyền lực và tổ chức bộ máy nhà nước.Rousseau chủ trương nêu cao tư tưởng tập quyền, tất cả quyền lực nhà nước nằm trong tay cơ quan quyền lực tối cao và chính phủ là cách thức hợp lí duy nhất để đảm bảo sự hoạt động có hiệu quả cho nhà nước cũng như ngăn chặn được xu hướng lạm quyền.Tuy vậy, ông lại cho rằng phân quyền là phương cách tốt nhất để ngăn chặn sự lạm quyền, và ngay trong bố cục của tác phẩm cũng đã toát lên tư tưởng đó.Ngoài ra, ông còn nêu lên vai trò quan trọng của cơ quan tư pháp trong việc đảm bảo cho sự hoạt động ổn định của nhà nước, cũng như cho sự cân bằng giữa các vế cơ quan quyền lực tối cao, chính phủ và nhân dân. 

II. Cơ sở thực tiễn

Thực tế áp dụng tư tưởng phân chia quyền lực ở các nước tư sản điển hình và ở Việt Nam:

Hoa Kì là nước áp dụng nguyên tắc này triệt để nhất, ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp được tổ chức một cách độc lập với nhau nhưng có thể chế ngự và đối trọng lẫn nhau.Tổng thống Koa Kì do nhân dân bầu ra và đứng đầu cơ quan hành pháp.Việc bầu cử Tổng thống không phụ thuộc vào việc bầu cử nghị viện làm cho Tổng thống đối lập với nghị viện.Tổng thống có quyền thành lập Chính phủ và Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng thống.Nghị viện không có quyền bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ và ngược lại, Tổng thống cũng không có quyền giải tán nghị viện làm cho lập pháp và hành pháp đối lập với nhau.Các thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời và chỉ bị miễn nhiệm khi vi phạm pháp luật hoặc vì lí do sức khỏe, làm cho quyền tư pháp cũng độc lập với hành pháp và lập pháp.

Tuy đối lập với nhau nhưng 3 nhánh quyền lực này có thể kiềm chế lẫn nhau để hạn chế sự lạm dụng quyền lực.Tổng thống có thể dùng quyền phủ quyết luật để kìm hãm hoạt động lập pháp của nghị viện.Nghị viện có thể thông qua ngân sách để hạn chế hoạt động của Tổng thống, Tổng thổng có thể bị nghị viện xét xử và các thẩm phán cũng có thể bị miễn nhiệm trước thời hạn theo thủ tục đàn hạch. 

Ở Pháp, lập pháp thuộc về nghị viện, hành pháp thuộc về tổng thống và chính phủ, còn quyền tư pháp thuộc về hệ thống tòa án.Nghị viện có 2 chức năng cơ bản là lập pháp và giám sát hoạt động của chính phủ.Quan hệ giữa lập pháp và hành pháp mật thiết hơn so với chính thể cộng hòa tổng thống.Cùng với tổng thống và chính phủ, hội đồng bảo hiến trở thành thế lực thứ 3 hạn chế quyền lực của nghị viện.Vai trò kiềm chế lập pháp của hội dồng bảo hiến phần nào giống với vai trò của tòa án tối cao ở Mỹ và tòa án Hiến pháp ở Đức.Quyền hành pháp do chính phủ mà thực chất là tổng thống.Tổng thống có quyền hoạch định chính sách quốc gia, chủ tọa đồng bộ trưởng để thông qua chính sách này, có quyền ân xá, bổ nhiệm thủ tướng, các đại sứ, các chức vụ dân sự.Quyền tư pháp do hệ thống tòa án nắm, kiểm soát hoạt động cơ quan tư pháp là hội đồng thẩm phán tối cao do tổng thống là chủ tọa.

Hiện nay, tổ chức bộ máy nhà nước tại Việt Nam, về bản chất vẫn bảo đảm tính tập quyền xã hội chủ nghĩa, song trên thực tế đã vận dụng những hạt nhân hợp lý của thuyết phân quyền, nghĩa là nhấn mạnh đến khía cạnh phân công quyền lực: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.Đây là bước phát triển trong nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kì đổi mới.

C. KẾT LUẬN

Như vậy có thể thấy, phân quyền là một tư tưởng hết sức phức tạp, đa diện nên có rất nhiều quan điểm khác nhau.Song về cơ bản nó là một tư tưởng dân chủ và tiến bộ, chiếm vị trí khá quan trọng trong việc tổ chức bộ máy nhà nước.Hiện tại, phân quyền vẫn là một yếu tố đảm bảo cho nền dân chủ, chống lại sự chuyên chế, sự lạm quyền trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân.Do vậy, ở những mức độ khác nhau,tư tưởng này có thể áp dụng trong tổ chức bộ máy nhà nước của bất cứ một nước dân chủ nào.Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, tư tưởng này không phát huy được tác dụng của nó.Trong các nhà nước tư sản hiện đại, ta cũng khó có thể tìm thấy sự phân chia rạch ròi giữa 3 hệ thống quyền lực đó.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


Giáo trình lí luận nhà nước và pháp luật.Trường Đại học Luật Hà Nội.Nxb Công an nhân dân. 

Nguyễn Đăng Dung, “Một vài vấn đề về Hiến pháp và bộ máy nhà nước”.Nxb Giao thông vận tải.

C.L.Montesquieu, Tinh thần pháp luật, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996.

TS. Nguyễn Thị Hồi, Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước với việc tổ chức bộ máy nhà nước ở một số nước, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2005.

Thái Vĩnh Thắng, Từ diển giải thích thuật ngữ lí luận nhà nước và pháp luật, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008.

TS. Nguyễn Minh Đoan, “Nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam”, Tạp chí Luật học, số 2/2007

Phạm Việt Anh, Nguyễn Huy Hoàng, Lữ Mai Thanh Tùng: Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước và sự vận dụng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, Công trình nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2005-2006, Trường Đại học Luật Hà Nội.

No comments:

Post a Comment