Bài tập học kỳ Thanh tra khiếu tố có đáp án.
Lời mở đầu
Quyền khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên việc thực hiện khiếu nại trong thực tế còn nhiều hạn chế do người dân còn e ngại vì chưa hiểu rõ về quyền khiếu nại cũng như về đối tượng khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để hiểu rõ hơn về đối tượng khiếu nại, bài viết dưới đây sẽ "Bình luận các quy định của pháp luật hiện hành về đối tượng khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính".
Nội dung
I. Một số khái niệm liên quan
1. Khái niệm "Khiếu nại"
Theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật khiếu nại 2011 thì "Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Như vậy khiếu nại là đề nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc đề nghị của cán bộ, công chức chịu tác động trực tiếp của quyết định kỉ luật đối với cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. đề nghị này xuất phát từ nhận thức chủ quan của người khiếu nại cho rằng quyền và lợi ích chính đáng của mình bị xâm phạm. Cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể kết luận có vi phạm hay không khi đã xem xét một cách khác khách quan và thận trọng vụ việc với điều kiện được cung cấp đầy đủ tài liệu có liên quan. Hay ta có thể hiểu một cách khác khiếu nại là sự không hài lòng của người khiếu nại liên quan đến một cụ việc cụ thể, yêu cầu người có thẩm quyền xem xét lại, giải quyết lại, thực hiện lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình. Việc khiếu nại thể hiện mối quan hệ giữa người khiếu nại - người bị khiếu nại - người giải quyết.
2. Khái niệm "quyết định hành chính"
Theo quy định tại khoản 8 điều 2 luật khiếu nại thì "Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể."
Quyết định hành chính được hiểu là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thực hiện trên cơ sở và thi hành pháp luật, theo trình tự và hình thức do pháp luật quy định hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ quản lí hành chính trong lĩnh vực hoặc vấn đề được phân công phụ trách.
Ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Từ Liêm, thành phố Hà Nội ban hành Quyết định thu hồi 100m2 đất ở đối với ông Nguyễn Văn A để giải phóng mặt bằng, mở rộng đường giao thông tại phường Cổ Nhuế 1, quận Từ Liêm. Không nhất trí, ông A gửi đơn khiếu nại Quyết định thu hồi đất nêu trên đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Từ Liêm.
3. Khái niệm "hành vi hành chính"
Theo khoản 9 điều 2 Luật Khiếu nại thì " Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật."
Hành vi hành chính được quan niệm là hành vi của người có thẩm quyền trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong quản lí hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Bà D đến Sở T để tố cáo nhưng cán bộ tiếp dân không tiếp nhận đơn dù bà đã ghi đầy đủ họ tên và địa chỉ của mình trong đơn cũng như có giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cán bộ tiếp dân. Do đó bà D có quyền khiếu nại hành vi không tiếp nhận đơn tố cáo của cán bộ tiếp dân.
II. Bình luận các quy định của pháp luật hiện hành về đối tượng khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính
1. Đối tượng khiếu nại quyết định hành chính
Khái niệm quyết định hành chính trong luật khiếu nại, tố cáo năm 2005 "Quyết định hành chính là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính."
Quy định về khái niệm "quyết định hành chính" trong Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005 đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trên thực tế. Đó là: Quyết định hành chính phải là văn bản thể hiện dưới hình thức quyết định do cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước ban hành; Các loại văn bản thể hiện dưới hình thức khác như: kết luận, thông báo, công văn… thì không được coi là quyết định hành chính và không thuộc đối tượng được khiếu nại; Hay quyết định hành chính bao gồm cả văn bản thể hiện dưới hình thức quyết định và văn bản thể hiện dưới hình thức khác do cơ quan hành chính Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước ban hành. Từ các cách hiểu khác nhau này nên việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trên thực tế trong thời gian qua chưa được thống nhất đối với một số cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại.
So với quy định khái niệm "quyết định hành chính" trong luật Khiếu nại, tố cáo 2005 thì khái niệm "Quyết định hành chính" trong Luật Khiếu nại 2010 hiện hành thì đối tượng của khiếu nại quyết định hành chính được hiểu rộng hơn. Nếu như trước kia, quyết định hành chính phải là quyết định bằng văn bản thì hiện nay Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Qua đó cho thấy, đối tượng khiếu nại quyết định hành chính hiện hành không chỉ bao gồm các văn bản được ban hành dưới hình thức một quyết định mà bao gồm cả các văn bản dù không dưới hình thức quyết định nhưng chứa đựng những quy định xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp.
Như vậy, quyết định hành chính thuộc đối tượng khiếu nại là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khiếu nại cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (trừ những văn bản thông báo của cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc giải quyết, xử lý vụ việc cụ thể theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó).
Ví dụ 1: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Đống Đa thành phố Hà Nội ra quyết định phá dỡ hàng quán lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ của một số gia đình làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông... Bà Nguyễn Thị B không đồng ý với quyết định này thì bà B có quyền khiếu nại đến cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền.
2. Đối tượng khiếu nại hành vi hành chính
Quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo 2005 thì khái niệm “hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật." .
Khái niệm hành vi hành chính trong Luật Khiếu nại 2011 điều chỉnh, bổ sung và được hiểu "hành vi hành chính" có thể là hành động hoặc không hành động, nếu như Luật Khiếu nại, tố cáo 2005 chủ yếu tập trung vào hành vi “hành động” của người có thẩm quyền mà chưa tập trung giải quyết khiếu nại liên quan đến hành vi “không hành động” thì Luật Khiếu nại 2011 tập trung hơn đối với hành vi “không hành động” thể hiện thường gặp là khi người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính không thực hiện hay từ chối thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà theo quy định họ phải thực hiện.
Thứ nhất, hành vi của người hoặc cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật được hiểu là hành vi hành động. Loại hành vi này được thể hiện dưới các dạng họ thực hiện các hành vi công vụ như: UBND xã, phường, thị trấn tiến hành việc hòa giải tranh chấp đất đai; hành vi cắm mốc giao đất cho người được nhận đất theo quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền hay hành vi khám xét hành chính theo quy định...
Ví dụ: ông A (cán bộ chuyên trách của UBND) được giao nhiệm vụ cắm mốc tứ cận một lô đất để làm sổ cho dân. Nhưng khi thực hiện nhiệm vụ, ông A cắm sai vị trí, ảnh hưởng đến người dân thì lúc này hành vi hành chính sai trái đó là hành vi hành động.
Thứ hai, hành vi của người hoặc cơ quan có thẩm quyền không thực hiện công vụ theo quy định của pháp luật là hành vi không hành động. Nó được thể hiện dưới dạng họ không thực hiện các hành vi công vụ được giao như: UBND có thẩm quyền không cấp số đỏ cho người dân, phòng đăng ký kinh doanh không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp...
Ví dụ: ông B là người có thẩm quyền cấp các loại giấy tờ nhưng lấy nhiều lý do để từ chối dẫn đến bị khiếu nại thì đó là khiếu nại hành vi hành chính không hành động.
3. Quyết định hành chính, hành vi hành chính không thuộc đối tượng khiếu nại
Theo quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại 2011, không phải quyết định hành chính và hành vi hành chính nào cũng thuộc đối tượng khiếu nại. Cụ thể, các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc các trường hợp sau thì không được thụ lý giải quyết:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan Nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
- Các khiếu nại mà đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; Các khiếu nại đã có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn C đến Ủy ban Nhân Dân khiếu nại quyết định hành chính của chủ tịch Ủy Ban Nhân dân về việc thu hồi đất để giải phóng mặt đường, nhưng sợ bị gây khó dễ nên đã không kí tên vào đơn khiếu nại. Do vậy, cán bộ tiếp dân không nhận đơn của anh.
Kết luận
Khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp. Hiện nay, dù đã có Luật khiếu nại riêng để cho mọi người nắm rõ hơn về quyền của mình nhưng do trình độ nhận thức pháp luật của người dân còn thấp nên việc thực hiện quyền này còn nhiều hạn chế. Hiện nay, Nước ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Do đó, chỉ khi nào người dân thực sự làm chủ, nhận thức rõ hơn về quyền lợi của mình thì việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền mới thành công.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Khiếu nại, tố cáo 2005.
2. Luật Khiếu nại 2011.
3. Giáo trình thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo - trường Đại học Luật Hà Nội.
4. Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và khiếu nại về thi hành án dân sự - Nguyễn Thị Thu Hằng – Vụ GQKNTC – Tổng cục THADS.
5. Một số lưu ý về đối tượng khiếu nại hành chính - Ngô Trường Lộc.
No comments:
Post a Comment