22/08/2014
Các điều kiện chi ngân sách nhà nước và thực trạng áp dụng trong năm 2013 và ý kiến của nhóm để khắc phục những khó khăn trong quá trình áp dụng - Bài tập học kì môn Luật tài chính
Trong công tác quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), việc quy định các điều kiện chi NSNN có ý nghĩa rất quan trọng.  Muốn phân tích, đánh giá một cách chính xác hiệu quả từng khoản chi sau đó đưa ra những định hướng, những sửa đổi chính sách chi NSNN một cách hợp lí nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thì cần phải xét đến các điều kiện để chi NSNN để đảm bảo phân phối các nguồn thu NSNN cho hợp lý. Đồng thời, đây cũng là vấn đề lớn ảnh hưởng tới các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và quản lý nhà nước nên việc quy định các điều kiện chi NSNN rất cần thiết để đảm bảo chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả.

Trong Luật thực định Việt Nam đã quy định cụ thể các điều kiện để chi NSNN. Vậy, để làm rõ cho vấn đề đặt ra là cơ sở khi quy định các điều kiện đó là gì? Em đã chọn đề bài số 6 cho bài tập lớn học kì : “Phân tích cơ sở khi quy định các điều kiện chi ngân sách nhà nước, thực trạng áp dụng các điều kiện chi ngân sách nhà nước trong năm 2013 và ý kiến của nhóm để khắc phục những khó khăn trong quá trình áp dụng”.

Trong quá trình làm bài còn nhiều hạn chế và sai sót, em mong các thầy, cô góp ý cho bài làm của em được hoàn thiện hơn


NỘI DUNG

I. Những vấn đề chung đối với chi NSNN:

1. Khái niệm chi NSNN:

- Về mặt pháp lý, chi NSNN là các khoản chi tiêu do Chính phủ hay các pháp nhân hành chính thực hiện để đạt được những mục tiêu công ích.

- Về mặt bản chất, chi NSNN là hệ thống những quan hệ phân phối lại những khoản thu nhập phát sinh trong quá trình sử dụng có kế hoạch quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước nhằm thực hiện tăng trưởng kinh tế, từng bước mở mang các sự nghiệp văn hóa-xã hội, duy trì hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Luật  ngân  sách  nhà  nước  2002  cũng  đã  đưa  ra  khái  niệm  chi  ngân sách nhà nước
nhưng ở dạng liệt kê, tại Khoản 2 Điều 2. Theo đó, chi ngân sách nhà nước bao gồm các khoản

chi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đảm hoạt động của bộ máy nhà
nước; chi trả nợ của nhà nước;  chi  viện trợ và  các  khoản chi  khác  theo quy  định  của pháp
luật.
Khái niệm trên đã chỉ ra một cách khá đầy đủ những nội dung chi cơ bản, mang tính then
chốt cho việc đảm bảo các hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ
của Nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau.

2. Đặc điểm chi NSNN:


Một là, chi NSNN chỉ được tiến hành trên cơ sở pháp luật và theo kế hoạch chi ngân sách cũng như phân bổ ngân sách do cơ quan quyền lực nhà nước quyết định. Theo Điều 15 Luật ngân sách nhà nước năm 2002, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền quyết định về tổng số chi, cơ cấu, nội dung, mức độ các khoản chi NSNN và quyết định phân bổ ngân sách trung ương. Điều 25 Luật ngân sách nhà nước năm 2002 giao cho hội đồng nhân dân các cấp quyền quyết định dự toán chi ngân sách địa phương và quyền quyết định phân bổ ngân sách cấp mình. Mọi hoạt động chi ngân sách phải được thực hiện trên cơ sở các quyết định của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Hai là, chi NSNN  nhằm vào mục tiêu thỏa mãn nhu cầu về tài chính cho sự vận hành của bộ máy nhà nước, đảm bảo cho Nhà nước thực hiện các chức năng ,nhiệm vụ của mình. Như vậy, bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của kết quả thu NSNN, mức độ và phạm vi chi NSNN còn phụ thuộc vào quy mô của bộ máy nhà nước cũng như tùy thuộc vào các chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước đảm nhiệm.
Khoản 2 Điều 2 Luật ngân sách nhà nước phản ánh rõ nét mục tiêu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước và đảm bảo thực hiện các chức năng của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội ,an ninh và quốc phòng.

Ba là, chi NSNN là hoạt động được tiến hành bởi hai nhóm chủ thể: (1) nhóm chủ thể đại diện cho Nhà nước được thực hiện việc quản lí, cấp phát, thanh toán các khoản chi NSNN; (2) nhóm chủ thể sử dụng ngân sách.

3. Phân loại chi NSNN:

*) Căn cứ vào mục đích, nội dung:

- Nhóm 1: Chi tích lũy của ngân sách nhà nước là những khoản chi làm tăng cơ sở vật chất và
tiềm lực cho nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế; là những khoản chi đầu tư phát triển và các khoản
tích lũy khác.

- Nhóm 2: Chi tiêu dùng của ngân sách nhà nước là các khoản chi không tạo ra sản phẩm vật chất để tiêu dùng trong tương lai; bao gồm chi cho hoạt động sự nghiệp, quản lý hành chính, quốc phòng, an ninh...
*) Căn cứ theo yếu tố thời hạn và phương thức quản lý:

- Nhóm chi thường xuyên bao gồm các khoản chi nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của nhà nước;

- Nhóm chi đầu tư phát triển là các khoản chi dài hạn nhằm làm tăng cơ sở vật chất của đất nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;

- Nhóm chi trả nợ và viện trợ bao gồm các khoản chi để nhà nước thực hiện nghĩa vụ trả nợ các khoản đã vay trong nước, vay nước ngoài khi đến hạn và các khoản chi làm nghĩa vụ quốc tế;

- Nhóm chi dự trữ là những khoản chi ngân sách nhà nước để bổ sung quỹ dự trữ nhà nước và quỹ dự trữ tài chính.

4. Điều kiện chi NSNN:

Các điều kiện chi ngân sách nhà nước được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 5 Luật ngân
sách nhà nước 2002 :

“ a. Đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại điều 52 và 59 của Luật này;

b. Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

c. Đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định chi.

Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 2 điều này, đối với những khoản chi cho công việc cần

phải đấu thầu thì còn phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.”
Và tại điều 51 nghị định 60/2003/NĐ – CP quy định:

“1. Đã có trong dự toán ngân sách nhà nước được giao, trừ các trường hợp sau:

a) Dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 45 của Nghị định này;

b) Chi từ nguồn tăng thu so dự toán được giao và từ nguồn dự phòng ngân sách theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

2. Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định;

3. Đã được Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định chi;

4. Ngoài các điều kiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này; trường hợp sử dụng vốn, kinh phí ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và các công việc khác phải qua đấu thầu hoặc thẩm định giá thì còn phải tổ chức đấu thầu hoặc thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

5. Các khoản chi có tính chất thường xuyên được chia đều trong năm để chi; các khoản chi có tính chất thời vụ hoặc chỉ phát sinh vào một số thời điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa lớn và các khoản chi có tính chất không thường xuyên khác phải thực hiện theo dự toán quý được đơn vị dự toán cấp I giao cùng với giao dự toán năm”.


II. Cơ sở khi quy định các điều kiện chi ngân sách nhà nước:


- Chi ngân sách nhà nước luôn được xem là lĩnh vực chứa đựng nhiều nguy cơ tham nhũng
và lãng phí nhất. Quan niệm “tiền công”  là tiền không của riêng ai khiến cho các đối tượng thụ
hưởng ngân sách nhà nước đều có xu hướng chi tiêu thoải mái, lãng phí, không tính đến hiệu quả
củanguồn vốn mà Nhà nước đầu tư. Điềunày khiến cho Nhà nước luôn phải tính đến khả năng
kiểm soát việc chi tiêu ngân sách như thế nào cho hiệu quả và tiết kiệm, trong đó việc sử dụng
công cụpháp luật để điều chỉnh hoạt động chi ngân sách là vấn đề then chốt, góp phần đảm bảo
tính minh bạch, ngăn chặn tệ tham nhũng, lãngphí trong quá trình sử dụng công quỹ.

- Thêm vào đó, quỹ ngân sách nhà nước hình thành chủ yếu từ sự đóng góp của đông đảo
quần chúng nhân dân, Nhà nước là chủ thể đại diện thay mặt nhân dân quyết định việc sử dụng
cụ thể như thế nào. Vì vậy, Nhà nước phải đảm bảo làm sao sử dụng cho thật hiệu quả nguồn
vốn đó, tránh để mất lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước. Công cụ hữu hiệu để đảm bảo cho hoạt động sử dụng nguồn tài chính đó chính là pháp luật. Nhà nước đã quy định những điều kiện cụ thể mà chỉ khi đáp ứng đủ những điều kiện đó, hoạt động chi ngân sách nhà nước mới được
thực hiện. Những quy định này đã tạo nên một giới hạn pháp lý đối với các đối tượng sử dụng
ngân sách nhà nước, đảm bảo các chủ thể này sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nguồn tài
chính do Nhà nước đầu tư.

- Quy định các điều kiện chi ngânsách cụ thể góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp
 hành luật của các đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các
đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan tài chính, cơ quan kho bạc có đủ căn cứ pháp lý để chấphành
 chi.

- Do tính đặc thù của các khoản chi NSNN là  mang tính chất không hoàn trả trực tiếp nên
đối tượng thụ hưởng ngân sách thường có xu hướng sử dụng thiếu cân nhắc, không tính toán đến
hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Vì vậy, Nhà nước phải đưa ra các điều kiện chi để đảm bảo chi
đúng, chi đủ, chi hợp pháp.

III. Thực trạng và ý kiến khắc phục những khó khăn trong quá trình áp dụng:

1. Thực trạng áp dụng các điều kiện chi ngân sách nhà nước năm 2013:

1.1. Những kết quả đạt được:

Tổng chi NSNN ước đạt dự toán Quốc hội đã quyết định: Trong điều hành, mặc dù thu ngân sách khó khăn, nhưng đã chủ động huy động các nguồn lực để đảm bảo các nhu cầu chi cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trả nợ, cải cách tiền lương, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai. Bên cạnh đó, đã tập trung giải ngân vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ứng trước dự toán năm sau (vốn đối ứng các dự án ODA; các dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14;...). Công tác quản lý

chi tiêu được tăng cường, đến 31/12/2013, hệ thống kho bạc nhà nước ước thực hiện kiểm soát chi đối với gần 648.300 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, đạt 96% dự toán chi thường xuyên, đã phát hiện trên 77.000 khoản chi của trên 34.600 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền trên 1.400 tỷ đồng chưa đủ điều kiện chi theo quy định; đối với chi đầu tư phát triển, đã giải ngân qua hệ thống kho bạc nhà nước ước đạt 223.552 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch vốn năm 2013 (bao gồm cả tạm ứng), thông qua kiểm soát, đã từ chối thanh toán khoảng 80 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu, sai số học hoặc không có trong hợp đồng, dự toán,...
Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm: Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các cơ quan trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm chi tiêu trong phạm vi dự toán được giao; chống lãng phí; rà soát cắt, giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, tiết giảm chi phí công tác trong nước và ngoài nước...; chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương. Cơ quan tài chính các cấp và Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả.
Quốc hội cũng giao Chính phủ điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi
người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7-2013.

Trên cơ sở tổng mức vốn trái phiếu chính phủ là 225.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015, căn cứ vào khả năng và hiệu quả sử dụng vốn, phát hành không quá 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2013, đồng thời, thu hồi số vốn trái phiếu chính phủ đã ứng trước của năm 2013.
Chính phủ cần rà soát lại hiệu quả sử dụng vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí hợp lý tỷ trọng vốn giữa chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển, ưu tiên cho các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tích cực thu hồi các khoản tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ khi thực sự cấp bách. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ và cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh của Chính phủ.
Nhìn chung, hoạt động chi ngân sách nhà nước tương đối đảm bảo được các điều kiện cơ bản của chi NSNN. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, tuân thủ những điều kiện luật định về chi ngân sách nhà nước, công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2013 đã đảm bảo theo đúng chủ trương thắt chặt chi tiêu để kiềm chế lạm phát, tập chung nguồn lực của NSNN để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo các chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng trợ cấp xã hội khắc phục một phần khó khăn do ảnh hưởng của tăng giá…

1.2. Những điểm bất cập:

-Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ bội chi NSNN năm 2013 ở mức 5,3% GDP, vượt mức 4,8% đã dự toán.
Tổng thu NSNN năm 2013 ước tính đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, bằng 96,9% dự toán năm. Trong đóT thu nội địa 530 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2%; thu từ dầu thô 115 nghìn tỷ đồng, bằng 116,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 140,8 nghìn tỷ đồng, bằng 84,6%.
Trong thu nội địa, thu từ khu vực DNNN 159,3 nghìn tỷ đồng, bằng 91,4% dự toán năm; thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 111,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,6%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 110,2 nghìn tỷ đồng, bằng 91,6%; thu thuế thu nhập cá nhân 45,8 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4%; thu thuế bảo vệ môi trường 11,7 nghìn tỷ đồng, bằng 81,5%; thu phí, lệ phí 15,2 nghìn tỷ đồng, bằng 146,5%.
Theo Tổng cục Thống kê, sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu ngân sách nhà nước cả năm ước tính không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN.
Tổng chi NSNN năm 2013 ước tính đạt 986,2 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 201,6 nghìn tỷ đồng, bằng 115,1% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 196,3 nghìn tỷ đồng, bằng 115,4%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi thực hiện cải cách tiền lương) ước tính đạt 679,6 nghìn tỷ đồng, bằng 100,8%; chi trả nợ và viện trợ 105 nghìn tỷ đồng, bằng 100%.

Như vậy, tình trạng bội chi năm 2013 là vấn đề đáng lo ngại.

- Ngoài ra, tình hình giải ngân xây dựng cơ bản cũng được tiến hành chậm.Điều này là do trong điều hành NSNN đã phát sinh một số khoản chưa có nguồn thanh toán . Công tác quản lý NSNN đã kiên quyết hạn chế thất thoát lãng phí nhưng việc quản lý theo dự toán còn chưa được coi trọng.

- Chế độ, tiêu chuẩn định mức ngân sách Nhà nước còn thiếu, chưa tương xứng với tình hình thực tế gây khó khăn trong việc cấp phát, kiểm tra, kiểm soát
trong chi NSNN.

1.3. Nguyên nhân của những bất cập :

Trước hết, tính tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng NSNN  là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc đảm bảo điều kiện chi; từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chi NSNN. Các đơn vị sử dụng ngân sách khi nhận được nguồn kinh phí thường không quan tâm  đến thực tiễn nhiệm vụ được giao và luôn tìm mọi cách nâng cao dự toán để  sử dụng kinh phí thoải mái.

Thứ hai, nguyên tắc lập dự toán từ dưới lên không được đảm bảo. Để có một bản dự toán trình lên Quốc hội, quá trình lập dự toán phải đi từ dưới lên, từ đơn vị lập dự toán nhỏ nhất. Nhưng nhiều khi dự toán trên địa bàn không do các cơ quan tại đó lập mà được lập thay bởi cấp trên. Điều này dẫn đến tình trạng dự toán lập ra không chính xác, không sát với nhu cầu thực tiễn chi trên địa bàn.

Thứ ba, việc phê chuẩn của các cơ quan có thẩm quyền thường mang tính hình thức và thiếu chi tiết

Thứ tư, hệ thống, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi còn lạc hậu và không thống nhất gây khó khăn cho việc tuân thủ điều kiện chi NSNN đã được pháp luật quy định. Theo khoản  2 điều 21 luật ngân sách nhà nước 2002 thì Bộ tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng các định mức phân bổ và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; nhưng cho đến nay, ngành tài chính vẫn còn lúng túng về vấn đề này. Do vậy, bản thân các đơn vị thiếu căn cứ để lập dự toán chi, còn các cơ quan nhà nước thiếu căn cứ để lập dự án.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như : Doanh Nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, sản phẩm tồn kho tiêu thụ chậm dẫn đến thua lỗ. Tuy nhiên không thể không tính đến tình trạng nợ đọng thuế, trốn thuế làm hụt thu và một số khoản chi chưa hợp lý gây lãng phí.

2. Giải pháp:

Quy định rõ những trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong quá trình sử dụng NSNN:

Đây là yếu tố quan trọng, thiết yếu trong lĩnh vực hoàn thiện pháp luật về chi NSNN để nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn từ NSNN.Các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định rõ địa vị pháp lí của một số chủ thể liên quan cũng như các chế tài xử lý. Điều đó đã dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc xác định trách nhiệm, thực hiện trách nhiêm, chịu trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình sử dụng nguồn NSNN. Vì vậy, việc ban hành các qui định, chế tài cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể có liên trong quá trình sử dụng NSNN là cần thiết hàng đầu.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp lập dự toán ngân sách để tránh tình trạng thẩm quyền nơi thì thiếu, nơi thì chồng chéo.
Cơ cấu lại các khoản chi cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Chi ngân sách nhà nước phải xác định đúng đắn cơ cấu chi tối ưu, có tỷ trọng hợp lí giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, chi trả nợ, chi dự phòng…
Cần nâng cao công tác kiểm soát chi chặt chẽ để quản lý nghiêm ngặt ngân sách nhà nước để chấp hành đúng với các điều kiện chi NSNN. Có chế tài tương xứng đối với các đơn vị thực hiện không đúng theo điều kiện chi NSNN do luật định. Đặc biệt, nâng cao mức độ tham gia, kiểm tra của nhân dân đối với các hoạt động chi NSNN, đảm bảo các khoản chi hợp lý.

*) Liên hệ thực trạng Việt Nam hiện nay:

- Đối với Chính Phủ:

Báo cáo công khai tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản của từng bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Báo cáo rõ tình hình nợ đọng của NSNN; đặc biệt là khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ đối với doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã và các tổ chức kinh tế.
Báo cáo về cơ sở pháp lý, tổng số thuế đã miễn giảm. Từ những báo cáo đó, đưa ra hướng giải quyết cụ thể cho từng vấn đề.

- Thực thi chính sách chi tiêu NSNN thận trọng, kiểm soát chặt chẽ thâm hụt NSNN, tạo
môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thuận lợi cho kinh tế tăng tốc lâu dài.


- Điều chỉnh mạnh mẽ cơ cấu chi NSNN, bám sát phát triển các mục tiêu kinh tế - xã hội.

- Động viên nguồn lực đầu tư, phát triển xã hội.


- Chủ động mở rộng quan hệ quốc tế, mở rộng quan hệ tài chính đối ngoại.

- Tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài sản công, dự trữ quốc gia và công tác quản lý công tác về giá.

- Tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả công tác kế toán, kiểm toán, thanh tra, giám sát và thực hiện công khai, minh bạch tài chính – ngân sách.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành tài chính.

KẾT LUẬN

Nguồn kinh phí hình thành quỹ NSNN chủ yếu từ đóng góp của dân chúng. Nhà nước chỉ là chủ thể đại diện, thay mặt cho dân chúng quyết định việc sử dụng cụ thể nguồn tài chính này. Với lý do đó, để thực hiện chi một khoản kinh phí từ quỹ NSNN, các chủ thể cần phải tuân thủ những điều kiện cụ thể. Những điều kiện này đảm bảo nguồn kinh phí sẽ được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, theo kế hoạch và hiệu quả.

nguồn : Lương Thanh Phương - 3725

No comments:

Post a Comment