18/08/2014
Phần thứ nhất: Những điểm mới của các tội về tham nhũng và các tội phạm khác về chức vụ trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 - Bình luận khoa học Luật hình sự tập 5
Phần thứ nhất
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA CÁC TỘI VỀ THAM NHŨNG
VÀ CÁC TỘI PHẠM KHÁC VỀ CHỨC VỤ 
TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999

Chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999 quy định các tội phạm về chức vụ gồm 15 Điều tương ứng với 14 tội danh khác nhau, trong đó có một điều nêu khái niệm về chức vụ. So với Chương IX (phần tội phạm) Bộ luật hình sự năm 1985 (không tính điều luật quy định về hình phạt bổ sung) thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nhiều hơn 3 Điều (Bộ luật hình sự năm 1985 có 12 Điều), trong đó tội tham ô, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trước đây Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tại chương các tội phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa này Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tội phạm này trong chương Các tội phạm về chức vụ và tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ Bộ luật hình sự năm 1985 quy định chung trong cùng một điều luật (Điều 227) nay hai tội phạm này được quy định ở hai điều luật riêng (Điều 289-Tội đưa hối lộ và Điều 290-Tội làm môi giới hối lộ)
Chương IX Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định các tội phạm về chức vụ mà không phan biệt tội phạm nào là tội phạm về tham nhũng còn tội phạm nào là tội phạm khác về chức vụ.
Do yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, ngày 26-2-1998, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh chống tham nhũng.
Theo Điều 1 Pháp lệnh chống tham nhũng ngày 26-2-1998 thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để tham ô, hối lộ hoặc cố ý làm trái pháp luật vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tổ chức. 
Pháp lệnh chống tham nhũng liệt kê 11 hành vi tham nhũng được xây dựng trên cơ sở Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự ngày 10-5-1997 về các tội tham nhũng, ma tuý và các tội phạm tình dục đối với trẻ em bao gồm:

- Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa; 
- Nhận hối lộ; 
- Dùng tài sản xã hội chủ nghĩa làm của hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đưa hối lộ, môi giới hối lộ;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của cá nhân;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ để vụ lợi;
- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ để vụ lợi;
- lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
- Lập quỹ trái phép;
- Giả mạo trong cong tác để vụ lợi.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng Bộ luật hình sự năm 1999, Ban soạn thảo đã xem xét lại những hành vi đích thực là tham nhũng thì quy định trong Mục A Chương XXI, còn lại chuyển về các chương khác cho phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội.
Để phù hợp với quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999, ngày 28-4-2000 Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh chống tham nhũng, trong đó chỉ còn quy định 7 hành vi được coi là tham nhũng bao gồm:
 - Tham ô tài sản; 
- Nhận hối lộ; 
- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi;
- Lạm quyền trong khi thi hành công vụ vì vụ lợi;
- lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
- Giả mạo trong công tác để vụ lợi.
Đối với các tội phạm khác về chức vụ, so với Bộ luật hình sự năm 1985 nói chung không có sửa đổi bổ sung lớn như đối với các tội phạm về tham nhũng. Tuy nhiên trong từng điều luật cụ thể, nhà làm luật quy định các tình tiết là yếu tố định tội hoặc yếu tố định khung hình phạt cho phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng và chónh loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.

Về hình phạt bổ sung đối với các tội phạm về chức vụ, đều được quy định ngay trong điều luật mà không quy định thành một điều luật riêng.

- Đối với tội tham ô tài sản (Điều 278), không còn quy định tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, mà chỉ quy định tham ô tài sản. Việc thay đổi này không chỉ đơn thuần về câu chữ mà làm cho bản chất của tội tham ô cũng thay đổi, không chỉ có tài sản xã hội chủ nghĩa mới là đối tượng của tội tham ô và không chỉ những người trực tiếp quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa mới có thể trở thành chủ thể của tội tham ô. Mức định lượng tài sản quy định là yếu tố định tội quy định tại khoản 1 điều luật  theo hướng không có cho người phạm tội, nếu khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định tham ô 5.000.000 đồng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tham ô 500.000 đồng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự; thay tình tiết đã bị xử lý kỷ luật bằng tình tiết đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này; thay tình tiết vi phạm nhiều lần băng tình tiết "đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm".
Các tình tiết định khung hình phạt cũng được quy định lại như: thêm từ "khác" đối với tình tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt; bỏ tình tiết "có sự thông đồng với người khác"; tình tiết "có tổ chức" Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định ở khoản 3, nay Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định ở khoản 2; thêm từ "chiếm đoạt" vào các tình tiết "tài sản có giá trị..."; định lượng tài sản bị chiếm đoạt trong các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt cũng thay đổi theo hướng không có lợi cho người phạm tội ( từ một trăm triệu đồng đến ba trăm triệu đồng được thay bằng từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng (khoản 2); từ ba trăm triệu động đến dưới năm trăm triệu đồng được thay bằng từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng ( khoản 3 ); hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội nhận hối lộ (Điều 279), bổ sung tình tiết "đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm" trong trường hợp của hối lộ chưa đến 500.000 đồng; thay tình tiết "biết rõ của hối lộ là tài sản xã hội chủ nghĩa" bằng tình tiết "biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước" làm cho bản chất của tình tiết này thay đổi đáng kể. Nếu của hối lộ là tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội... thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 279 Bộ luật hình sự; thêm từ "khác" đối với tình tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt; các mức tài sản là của hối lộ quy định trong các khung hình phạt cũng được quy định lại theo hướng có lợi cho người phạm tội hơn Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985 như: từ mười triệu đến dưới ba mươi triệu được thay bằng từ mười triệu đến dưới năm mươi triệu (khoản 2); từ ba mươi triệu đến năm mươi triệu được thay bằng từ năm mươi triệu đến dưới ba trăm triệu (khoản 3); từ năm mươi triệu trở lên được thay bằng từ ba trăm triệu trở lên ( khoản 4). Về hình phạt bổ sung thay từ "còn bị" bằng từ "có thể" bị phạt tiền và thời gian cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định cũng nhẹ hơn so với khoản 5 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 1985; bỏ tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 điều này, khoản 3 điều này” quy định tại khoản 3 và khoản 4 của điều luật; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản (Điều 280) là tội phạm được quy định tại Chương IV phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 1985 là tội xâm phạm sở hữu, này tội phạm này được coi là tội phạm về tham nhũng và quy định tại Mục A Chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999. Điều 280 bổ sung tình tiết "đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm" trong trường hợp giá trị tài sản bị chiếm đoạt chưa đến 500.000 đồng; mức định lượng tài sản quy định là yếu tố định tội quy định tại khoản 1 điều luật theo hướng không có cho người phạm tội, nếu khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định chiếm đoạt 5.000.000 đồng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tham chiếm đoạt 500.000 đồng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự; giá trị tài sản bị chiếm đoạt quy định trong các khung hình phạt cũng được quy định lại theo hướng tăng nặng hơn so với Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 như: từ một trăm triệu đến dưới ba trăm triệu được thay bằng từ năm mươi triệu đến dưới hai trăm triệu ( khoản 2); từ ba trăm triệu đến dưới năm trăm triệu được thay bằng từ hai trăm triệu đến dưới năm trăm triệu ( khoản 3); thêm từ "khác" đối với tình tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt; bỏ tình tiét "có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2, khoản 3 điều này" ở khoản 3 và khoản 4 của điều luật; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281) được cấu tại lại thành 3 khoản ( ngoài hình phạt bổ sung) theo hướng nhẹ hơn Điều 221 Bộ luật hình sự năm 1985. Khoản 1 thêm loại hình phạt cải tạo không giam giữ, khoản 3 được cấu tạo theo hướng nhập khoản 3 và khoản 4 của Điều 221 có khung hình phạt từ mười năm đến mười lăm năm ( khoản 4 Điều 221 có khung hình phạt từ mười lăm năm đến hai mươi năm); bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết quy tại khoản 2, khoản 3 điều này"; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282) được cấu tạo lại thành 3 khoản ( ngoài hình phạt bổ sung) theo hướng nhẹ hơn Điều 221a Bộ luật hình sự năm 1985. Khoản 1 mức thấp nhất của khung hình phạt là một năm tù (khoản 1 Điều 221a là hai năm tù), khoản 2 có khung hình phạt từ năm năm đến mười hai năm (khoản 2 Điều 221a từ bảy năm đến mười lăm năm), khoản 3 có khung hình phạt từ mười năm đến hai mươi năm ( khoản 3 Điều 221a từ mười lăm năm và khoản 4 tù hai mươi năm hoặc chung thân); bỏ tình tiết"có nhiều tình tiết quy tại khoản 2, khoản 3 điều này"; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi (Điều 283) về cơ bản vẫn như Điều 228a Bộ luật hình sự năm 1985, chỉ có một số thay đổi nhỏ như: bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết quy tại khoản 2, khoản 3 điều này"; thêm từ "khác” đối với tình tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt; giá trị tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác quy định là yếu tố định khung hình phạt tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật đều theo hướng có lợi cho người phạm tội hơn Điều 228a như: từ mười triệu đồng đến dưới ba mươi triệu đồng được thay bằng từ mười triệu đồng đến dưới năm mười triệu đồng (ở khoản 2), từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng được thay bằng từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng (ở khoản 3); từ năm mươi triệu đồng trở lên được thay bằng từ ba trăm triệu đồng trở lên (khoản 4); hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

- Đối với tội giả mạo trong công tác (Điều 284) được quy định lại theo hướng nhẹ hơn Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1985 ở cả 4 khoản, khoản 1 của điều luật có mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm ( khoản 1 Điều 224 là bảy năm), khoản 2 của điều luật có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm ( khoản 2 Điều 224 từ bảy năm đến mười lăm năm), khoản 3 của điều luật có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm (khoản 3 Điều 224 từ mười lăm năm đến hai mươi năm), khoản 4 của điều luật có khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm ( khoản 4 Điều 224 là hai mươi năm hoặc tù chung thân); bỏ tình tiết "có nhiều tình tiết quy tại khoản 2, khoản 3 điều này", hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật.

Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285), nói chung không có gì thay đổi lớn, vẫn cấu tạo thành hai khoản (ngoài khoản 3 quy định hình phạt bổ sung). Tuy nhiên, khoản 1 của điều luật quy định thêm loại hình phạt cải tạo không giam giữ, khoản 2 của điều luật quy định thêm tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt.

Đối với tội cố ý làm lộ bị mất công tác, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tài liệu bí mật công tác (Điều 286), cũng không có thay đổi lớn, ngoài việc quy định hình phạt bổ sung ngay trong điều luật thì chỉ có một thay đổi là hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại khoản 1 của điều luật không phải là đến một năm như khoản 1 Điều 222 Bộ luật hình sự năm 1985 mà là đến ba năm.

Đối với tội vô ý làm lộ bị mất công tác, tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 287) cũng không có thay đổi lớn, ngoài việc quy định hình phạt bổ sung ngay trong điều luật thì chỉ có một vài thay đổi, đó là: bổ sung tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” là yếu tố định tội và hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại khoản 1 của điều luật không phải là đến một năm như khoản 1 Điều 223 Bộ luật hình sự năm 1985 mà là đến hai năm.

Đối với tội đào nhiệm (Điều 288), có một số thay đổi như: Thay thuật ngữ nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội bằng thuật ngữ cán bộ, công chức; thay thuật ngữ rời bỏ băng thuật ngữ từ bỏ; bổ sung thuật ngữ công tác vào thuật ngữ nhiệm vụ thành nhiệm vụ công tác; hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại khoản 1 của điều luật không phải là đến một năm như khoản 1 Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 mà là đến hai năm; tình tiết “ phạm tội trong thời chiến” là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của Điều 225 Bộ luật hình sự năm 1985 được sửa lại là “phạm tội trong hàn cảnh chiến tranh”; bổ sung các tình tiết “phạm tội trong hoàn cảnh thiên tai hoặc trong những trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội; gây hậu quả rất nghiêm trọng” yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật; hình phạt bổ sung cũng được quy định ngay trong cùng điều luật.   

Đối với tội đưa hối lộ (Điều 289), là tội phạm được tách từ tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985. Mặc dù vậy, tội phạm này nói chung cũng không có thay đổi lớn, mà chỉ bổ sung hoặc sửa đổi một số tình tiết là yếu tố định khung hình phạt cũng như mức hình phạt trong khung hình phạt cho phù hợp với thực tiễn xét xử và phù hợp với một số tội phạm khác trong chương này như: 
Nếu điểm đ khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “ dùng tài sản xã hội chủ nghĩa để dưa hối lộ” thì điểm c khoản 2 Điều 289 quy định: “dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ”; 
Nếu điểm c khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”, thì điểm đ khoản 2 Điều 289 quy định “của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng”; 
Thêm từ “khác” vào sau các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt; 
Nếu điểm a khoản 3 Điều 227 Bộ luật hình sự quy định: “của hối lộ có giá trị ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng”, thì điểm a khoản 3 Điều 289 quy định: “của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng”; 
Nếu điểm a khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên”, thì điểm a khoản 3 Điều 289 quy định: “của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên”;
Nếu khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình;
Bỏ các tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 điều này”;
Hình phạt bổ sung cũng được quy định ngay trong cùng một điều luật. 

Đối với tội làm môi giới hối lộ (Điều 290) cũng là tội phạm được tách từ tội đưa hối lộ, tội làm môi giới hối lộ quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, Điều 290 có những thay đổi tương đối lớn như:
Nếu khoản 1 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt từ một năm tù đến sáu năm tù, thì khoản 1 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ sáu tháng tù đến năm năm tù;
Nếu khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định, thì điểm c khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tình tiết “biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước” là yếu tố định khung hình phạt;
Nếu điểm c khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”, thì điểm đ khoản 2 Điều 290 quy định “của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng”; 
Thêm từ “khác” vào sau các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt ; 
Nếu khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 từ sáu năm tù đến mười ba năm, thì khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 từ ba năm đến mười năm;
Nếu điểm a khoản 3 Điều 227 Bộ luật hình sự quy định: “của hối lộ có giá trị ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng”, thì điểm a khoản 3 Điều 290 quy định: “của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng”; 
Nếu khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 từ mười ba năm tù đến hai mươi năm tù, thì khung hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 từ tám năm đến mười lăm năm;
Nếu điểm a khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên”, thì điểm a khoản 3 Điều 290 quy định: “của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên”;
Nếu khoản 4 Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 có khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ mười hai năm tù đến hai mươi năm tù;
Bỏ các tình tiết “có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 điều này”;
Nếu Điều 227 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định, thì k6 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”
Hình phạt bổ sung cũng được quy định ngay trong cùng một điều luật. 

Đối với tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 291) là tội phạm có nhiều thay đổi so với tội phạm này quy định tại Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 như:
Nếu khoản 1 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 không định thì khoản 1 Điều 291 quy định tình tiết “ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” là yếu tố định tội 
Nếu khoản 2 Điều 228 chỉ quy định một tình tiết “phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt, thì khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nhiều tình tiết là yếu tố định khung hình phạt như: “Phạm tội nhiều lần; nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi  triệu đồng trở lên;gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác”.
Hình phạt bổ sung cũng được quy định trong cùng một điều luật.

No comments:

Post a Comment