Cướp tài sản là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự là tội phạm được nhập từ tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 129 và tội cướp tài sản của công dân quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự năm 1985. So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi bổ sung, nhất là đối với các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, quy định cụ thể hơn, dễ áp dụng hơn.
Tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự nói chung có khung hình phạt nặng hơn tội cướp tài sản của công dân và nhẹ hơn tội cướp tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Bộ luật hình sự năm 1985.
Về cơ cấu, tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 được cấu tạo thành 5 khoản ( Điều 129 có 2 khoản và Điều 151 có 3 khoản).
Về giá trị tài sản là tình tiết định khung hình phạt được quy định bằng một số tiền nhất định thay cho việc quy định tài sản bị chiếm đoạt có giá trị lớn như Bộ luật hình sự năm 1985.
Về thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của nạn nhân là tình tiết định khung hình phạt cũng được quy định cụ thể bằng tỷ lệ thương tật thay cho việc quy định thương tích nặng hoặc tổn hại nặng đến sức khoẻ như Bộ luật hình sự năm 1985.
Hình phạt bổ sung được quy định nay trong điều luật.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Người phạm tội cướp tài sản phải là người đủ từ 14 tuổi trở lên và khi thực hiện hành vi phạm tội không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Bởi vì, tội cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý và theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm
Đối với tội cướp tài sản, khách thể của tội phạm bao gồm cả quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân, hay nói cách khác, tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, nhưng khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản ( dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản ), nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản, nếu chỉ xâm phạm đến một trong hai quan hệ xã hội thì chưa phản ảnh đầy đủ bản chất của tội cướp tài sản, đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội cướp tài sản với các tội khác xâm phạm sở hữu và các tội mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, trong đó quan hệ nhân thân lại quan trọng hơn quan hệ sở hữu nên có ý kiến cho rằng, không nên xếp tội cướp tài sản trong Chương “các tội xâm phạm sở hữu” mà nên xếp vào Chương “các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người”. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào Chương các tội xâm phạm sở hữu là căn cứ vào mục đích cuối cùng của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản, còn việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người chỉ là phương tiện để đạt mục đích. Cách lý giải này có nhiều nhân tố hợp lý, nhưng cũng chưa lý giải được vì sao tội tham ô nhà làm luật lại xếp vào Mục A “các tội phạm về tham nhũng” trong Chương “các tội phạm về chức vụ”, mặc dù mục đích cuối cùng của người phạm tội cũng là nhằm chiếm đoạt tài sản ? Trong khi đó, xét về góc độ khoa học luật hình sự khi chia khách thể thành khách thể loại là nhằm mục đích sắp xếp các chương trong Bộ luật hình sự. Trên thế giới hiện nay, có nước xếp tội cướp tài sản trong Chương “các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người”. Nhưng cũng có nưới xếp vào Chương “các tội xâm phạm sở hữu” như nước ta. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào Chương này hay Chương khác chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học lập pháp, chứ không có ý nghĩa trong việc xác định các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội cướp tài sản.
Do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể, nên trong cùng một vụ án có thể có thể có một người bị hại, nhưng cũng có thể có nhiều người bị hại, có người bị hại chỉ bị xâm phạm đến tài sản; có người bị hại bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự; có người bị hại bị xâm phạm đến cả tài sản, tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. hành vi dùng vũ lực
Hành vi dùng vũ lực là hành vi ( hành động) mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của nạn nhân như: Đấm, đá, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém... Hay có thể nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khoẻ hoặc bị chết, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể ( không có tỷ lệ thương tật). Ví dụ: Lê Xuân H dùng tay bóp cổ bà M để chiếm đoạt chiệc dây chuyền vàng và một đôi hoa tai của bà M trong lúc bà M đang nằm ngủ. Tuy bà M bị H bóp cổ nhưng không để lại thương tích, cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ và không có tỷ lệ thương tật, nhưng hành vi của H vẫn được coi là hành vi dùng vũ lực.
Nói chung, người phạm tội dùng vũ lực chủ yếu đối với người có trách nhiệm về tài sản. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp người phạm tội dùng vũ lực đối bất cứ người nào mà người phạm tội cho rằng họ sẽ cản trở việc thực hiện tội cướp mà người phạm tội thực hiện. Người có trách nhiệm về tài sản có thể có mặt tại nơi xảy ra vụ cướp, nhưng cũng có thể không có mặt ở nơi xảy ra vụ cướp tài sản, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Ví dụ: Đặng Hải Q, Nguyễn Lâm B và Lưu Ngọc C bàn bạc vào kho của Công ty vật tư thương mại khống chế thủ kho để chiếm đoạt hàng hoá trong kho. Khi đi, Q mang theo một súng K54, B mang theo một dao găm, còn C lái xe Lam để chuyên chở tài sản chiếm đoạt được. Khi đến kho, chúng không gặp thủ kho, nên đã phá khoá vào kho khuân tài sản ra xe Lam do C lái. Trong khi chúng đang khuân tài sản lên xe thì thấy có hai người đi xe máy qua, sợ bị phát hiện, Q đã dùng súng bắn về phía hai người đi xe máy làm hai người này sợ hãi phải quay xe chạy. Sau đó chúng tiếp tục lấy thêm một số tài sản rồi tẩu thoát. Trong trường hợp này, tuy Q, B và C không trực tiếp dùng vũ lực với người có trách nhiệm về tài sản và người có trách nhiệm về tài sản cũng không có ở nơi xảy ra vụ án, nhưng hành vi của các bị cáo vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản vì chúng đã có hành vi dùng vũ lực với người mà chúng cho rằng cản trở việc thực hiện tội phạm của chúng.
Đối với những vụ cướp có nhiều người cùng tham gia (đồng phạm), không nhất thiết tất cả những người tham gia đều phải dùng vũ lực, mà chỉ cần một hoặc một số người dùng vũ lực, còn những người khác có thể không dùng vũ lực hoặc chỉ đe doạ dùng vũ lực, nhưng tất cả những người cùng tham gia đều bị coi là dùng vũ lực. Ví dụ: Đào văn T, Trần Văn H và Bùi Công D rủ nhau chặn đường để cướp xe máy. Khi anh Đinh Văn K là người làm nghề xe thồ ( xe ôm) đi qua, H và D đến giả vờ hỏi anh K, còn T dùng thanh sắt mang theo đánh mạnh vào đầu anh K rồi cả bọn cướp xe bỏ chạy. Mặc dù chỉ một mình T có hành vi dùng vũ lực, nhưng hành vi của H và D cũng bị coi là hành vi dùng vũ lực, cả T, H và D đều phạm tội cướp với vai trò cùng là người thực hành. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, gặp phải trường hợp này, nhiều người cho rằng chỉ có T là người thực hành còn D và H chỉ là người giúp sức.
b. Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc
Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe doạ người bị hại nếu không đưa tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Ví dụ: dí dao vào cổ, dí súng vào bụng yêu cầu người bị hại giao ngay tài sản nếu không sẽ bị đâm, bị bắn ngay lập tức.
Đe doạ dùng vũ lực là chưa dùng vũ lực, nếu người phạm tội vừa đe doạ, vừa dùng vũ lực, mặc dù việc dùng vũ lực không mạnh mẽ bằng vũ lực mà người phạm tội đe doạ người bị hại, nhưng vẫn bị coi là đã dùng vũ lực. Ví dụ: Nguyễn Văn L gặp chị Trần Thị H trên một đoạn đường vắng, L lao ra chặn chị H lại, H liền túm cổ áo chị H, đồng thời rút dao trong người ra dí vào cổ chị H buộc chị H phải cởi dây chuyền, hoa tai đưa cho L. Hành vi của L phải coi là hành vi dùng vũ lực chứ không phải là hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc.
Việc xác định thế nào là đe doạ dùng vũ lực không khó bằng việc xác định thế nào là đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc. Đây là dấu hiệu rất quan trong để phân biệt tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản, nếu đe doạ dùng vũ lực nhưng không ngay tức khắc thì đó là là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Ngay tức khắc là ngay lập tức không chần chừ, khả năng xảy ra là tất yếu nếu người bị hại không giao tài sản cho người phạm tội. Khả năng này không phụ thuộc vào lời nói hoặc hành động của người phạm tội mà nó tiềm ẩn ngay trong hành vi của người phạm tội. Đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, cũng có nghĩa là nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để cho người phạm tội lấy tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, vì vũ lực chưa xảy ra nên việc đánh giá người phạm tội có dùng vũ lực hay không, trong trường hợp người bị hại không giao tài sản lại là một vấn đề phức tạp. Thông thường người phạm tội không bao giờ nhận là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để người phạm tội lấy tài sản. Vì vậy để xác định trường hợp người phạm tội đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hay không, ngoài lời khai của người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải căn cứ vào các tình tiết khác của vụ án như: Không gian, thời gian, hoàn cảnh lúc xảy ra sự việc; vào công cụ, phương tiện phạm tội người phạm tội sử dụng... Ví dụ: Trong đêm tối, trên một đoạn đường vắng, một người dùng dao dí vào cổ người khác, yêu cầu người này phải giao tài sản cho mình, nếu không sẽ giết. Ngay lúc đó có tổ tuần tra phát hiện nên bắt được người phạm tội. Trong trường hợp dù người phạm tội có khai rằng, chỉ có ý định doạ chứ không có ý định dùng vũ lực với người bị hại thì cũng không có căn cứ để tin lời khai của người phạm tội là đúng, mà trường hợp này phải xác định người phạm tội đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc.
c. Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được
Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được , là hành vi không phải là dùng vũ lực, cũng không phải là đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng lại làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Để xác định hành vi này, trước hết phải xuất phát từ phía người bị hại phải là người bị tấn công, nhưng không phải bị tấn công bởi hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc mà bị trấn công bởi hành vi khác. Như vậy, hành vi khác mà nhà làm luật quy định trong cấu thành trước hết nó phải là hành vi tấn công người bị hại, mức độ tấn công tới mức người bị hại không thể chống cự được. Ví dụ: A bỏ thuốc ngủ vào cốc nước để B uống, sau khi uống nước, B đã ngủ say không biết gì, do đó A mới chiếm đoạt được tài sản của B. Thực tiễn xét xử, không chỉ xảy ra trường hợp người phạm tội cho người bị hại uống thuốc ngủ mà nhiều trường hợp người phạm tội dùng những thủ đoạn nguy hiểm như xịt Ê te, cho người bị hại uống thuốc mê, thậm chí cả thuốc độc làm cho người bị hại không còn khả năng chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp, người phạm tội tìm cách chuốc rượu cho người bị hại uống thật say để chiếm đoạt tài sản cũng cần phải xác dịnh hành vi này là hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 được ban hành, các văn bản pháp luật hình sự, cũng như các hướng dẫn về tội cướp tài sản ( tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản riêng của công dân) chỉ quy định cướp là dùng bạo lực để chiếm đoạt, mà không quy định trường hợp đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Tại Điều 4 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21-10-1970 và tại Điều 3 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân ngày 21-10-1970 đều chỉ quy định “ kẻ nào dùng bạo lực để chiếm đoạt...” [7]. Do thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp người phạm tội không dùng bạo lực ( vũ lực), mà dùng những thủ đoạn cũng rất nguy hiểm nhằm chiếm đoạt tài sản, nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội cưỡng đoạt hoặc tội trộm cắp thì không tương xứng với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, nên khi xây dựng Bộ luật hình sự năm 1985, nhà làm luật đã đưa vào cấu thành của tội cướp ( cướp tài sản xã hội chủ nghĩa và cướp tài sản của công dân) một số hành vi là dấu hiệu khách quan của cấu thành như: đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn giữ nội dung này chỉ hoán vị từ “ dùng ngay tức khắc vũ lực” thành “dùng vũ lực ngay tức khắc”.
Theo quan niệm truyền thống thì tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, không cần có hậu quả xảy ra là tội phạm đã hoàn thành. Quan niệm này chỉ đúng đối với trường hợp tội cướp tài sản được thực hiện bằng hành vi dùng vũ lực hoặc bằng hành vi đe doạ dùng vũ lực nay tức khắc, nhưng đối với trường hợp bằng hành vi khác thì tội cướp tài sản không hẳn là tội phạm có cấu thành hình thức. Ví dụ: A muốn chiếm đoạt tài sản của B bằng cách bỏ thuốc mê vào trong cốc nước cho B uống với ý thức sau khi uống, B sẽ bị mê không biết gì nữa, A sẽ gỡ dây chuyền vàng, nhẫn vàng, đồng hồ của B, nhưng B phát hiện trong nước có mùi lạ nên không uống, do đó A không chiếm đoạt được tài sản của B. Trong trường hợp này, A đã thực hiện hết các hành vi khách quan của cấu thành, nhưng hậu quả không xảy ra ngoài ý thức chủ quan của A. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, nếu coi trường hợp phạm tội này là tội phạm đã hoàn thành rõ ràng không phù hợp với lý luận về các giai đoạn thực hiện tội phạm. ở một số nước, trong đó có các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây, không coi hành vi dùng thuốc mê, thuốc ngủ... làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không chống cự được để chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội cướp tài sản mà coi hành vi này là tội trộm cắp với thủ đoạn xảo quyệt hoặc nguy hiểm. Nếu coi hành vi này là hành vi phạm tội trộm cắp tài sản thì rõ ràng trường hợp phạm tội của A đối với B vừa nêu trên phải coi là phạm tội chưa đạt. Nếu như trước đây, việc xác định tội phạm chưa đạt hay tội phạm đã hoàn thành không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc quyết định hình phạt, vì theo khoản 3 Điều 15 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định: “Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các Điều của Bộ luật này về các tội tương ứng tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiễn cho tội phạm không thực hiện đến cùng”. Nhưng theo quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999, việc xác định thời điểm hoàn thành của tội phạm có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc quyết định hình phạt. Theo khoản 3 Điều 52 Bộ luật hình sự năm 1999 “ đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng ; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”. Việc nhà làm luật đưa vào cấu thành tội cướp tài sản dấu hiệu “có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản” đã làm cho việc xác định thời điểm hoàn thành của tội cướp có những quan điểm trái ngược nhau. Có ý kiến vẫn cho rằng, dù nhà làm luật có đưa thêm vào trong cấu thành dấu hiệu mới cũng không làm thay đỏi bản chất của tội cướp tài sản, nên tội cướp tài sản không có giai đoạn phạm tội chưa đạt mà chỉ có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và tội phạm hoàn thành. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, do nhà làm luật thêm vào cấu thành tội cướp dấu hiệu “có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản” nên tội cướp tài sản vừa là tội có cấu thành hình thức, vừa là tội có cấu thành vất chất. Nếu người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc thì tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, còn nếu người phạm tội có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản thì tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất và như vậy tội cướp tài sản có giai đoạn phạm tội chưa đạt, bởi lẽ: Trong trường hợp người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi thuộc mặt khách quan của cấu thành nhưng vì lý do khách quan nên tội phạm vẫn không xảy ra theo ý muốn của người phạm tội. Ví dụ: A đã bỏ thuốc mê vào cốc nước để cho B uống nhằm chiếm đoạt tài sản của B; B đã uống cóc nước có thuốc mê, nhưng không bị mê nên A không chiếm đoạt được tài sản của B.
d. Hậu quả của tội phạm
Đối với tội cướp tài sản, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành. Hậu quả của tội phạm chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt.
Do khách thể của tội cướp là hai quan hệ xã hội ( quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân) nên tội cướp tài sản được gọi là tội gép và do đó hậu quả của tội cướp tài sản có thể là thiệt hại về tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A dùng dao đâm bị thương B để cướp chiệc xe máy của B, trong trường hợp này, hậu quả do A gây ra cho B vừa là tài sản ( chiếc xe máy) vừa là sức khoẻ ( B bị thương tích ). Cũng có trường hợp thiệt hại gây ra vừa là tài sản vừa là danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A có ý định chiếm đoạt chiệc dây chuyền vàng của chị H, A đã nấp trong bụi cây chờ chị H đi qua, A lao ra ôm vật chị H và giật chiệc dây chuyền vàng trên cổ của chị H, trong lúc vật lộn, A đã xé rách áo ngoài, áo trong (Xu chiêng) của chị H, làm chị H phải ở trần chạy về trước sự chứng kiến của nhiều người.
Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về tính mạng thì cần phân biệt hai trường hợp: trường hợp người phạm tội giết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: tội giết người và tội cướp tài sản, nhưng nếu người phạm tội không có ý định giết người mà chỉ có ý định cướp tài sản nhưng chẳng may người bị hại bị chết thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết làm chết người. Tuy nhiên, nếu sau khi đã cướp tài sản bị đuổi bắt mà người phạm tội giết người để tẩu thoát thì còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người
Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về sức khoẻ thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác nếu người bị hại có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên.
Nếu hậu quả xảy ra là thiệt hại về nhân phẩm danh dự mà hành vi xâm phạm của người phạm tội không có liên quan gì đến mục đích chiếm doạt thì ngoài tội cướp tài sản, người phạm tội còn bị truy cứu về các tội phạm tương ướng với với hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Ví dụ: A, B, C bàn bạc đón đường nếu ai đi xe máy qua sẽ cướp xe. Khi thấy chị L đi xe máy qua, chúng chặn xe rút dao găm ra đe doạ buộc chị L phải giao xe cho chúng. Sau khi cướp được xe, B và C lấy xe chở nhau bỏ chạy, còn A ở lại dùng dao khống chế chị L để B và C chạy thoát. Trong khi khống chế chị L, A nảy ý định giao cấu với chị L nên A buộc chị L phải cho A giao cấu nếu không A sẽ giết. Do quá sợ hãi nên chị L buộc phải để cho A giao cấu.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội mà còn phải có mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới là tội cướp tài sản. Như vậy, ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được. Nếu có hành vi tấn công nhưng vì động cơ và mục đích khác chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó người bị tấn công bỏ chạy, để lại tài sản và người có hành vi tấn công lấy tài sản đó thì không phải là tội cướp tài sản mà tuỳ vào trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tấn công theo các tội tương ứng, riêng hành vi chiếm đoạt của người có hành vi tấn công có thể là hành vi phạm tội công nhiên chiếm đoạt hoặc chiếm giữ trái phép tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Thực tiễn xét xử cho thấy hầu hết những trường hợp khi tấn công người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản mà vì động cơ mục đích khác như để trả thù, nhưng sau khi đã thực hiện hành vi tấn công, người bị tấn công bỏ chạy để lại tài sản, người có hành vi tấn công lấy tài sản đó đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội cướp tài sản trong trường hợp này rõ ràng là không chính xác.
Ví dụ: Khoảng 21 giờ ngày 15-10-1996, trên đường từ thôn Trung Đức, xã Hợp Đức về xã Hoà Nghĩa, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, Phạm Văn Hiếu gặp Đặng Bá Hùng; Hiếu rủ Hùng về nhà Hiếu chơi, Hùng đồng ý. Hiếu chở Hùng bằng xe đạp của mình, khi đến ngang khu vực kho lương thực xã Hoà Nghĩa. Theo lời khai của Hùng và Hiếu thì do đường xấu nên Hiếu vấp phải ổ gà làm cho xe đạp bị đổ, Hùng ngồi sau bị ngã, cùng lúc đó có một thanh niên mà sau này Hiếu và Hùng mới biết là Nguyễn Văn Mạnh người cùng xóm đi xe đạp Mi-ni Nhật từ phía sau đâm vào xe của Hiếu. Hùng ở phía sau túm tóc và đánh Mạnh, Hiếu thấy vậy cũng lao vào đấm đá Mạnh làm Mạnh lăn xuống bờ ruộng, Hùng lao theo đám đá và dùng tay bóp cổ Mạnh, anh Mạnh chống cự quyết liệt và hô: “cướp ! cướp !” Hiếu thấy xe của Mạnh để trên đường nên đã lấy đạp đi luôn, còn Hùng ở lại vẫn đánh nhau với Mạnh và bị Mạnh dùng gạch đập vào đầu làm Hùng bị choáng. Nhân dân trong làng nghe tiếng hô cướp liền chạy ra đưa cả hai đi cấp cứu ở trạm xá. Sau đó nghe anh Mạnh kể lại mới biết Hùng và Hiếu đánh Mạnh và lấy đi một xe đạp của anh. Sau khi điều trị, kết quả giám định pháp y kết luận anh Mạnh bị giảm sức khoẻ 2%. Về phần Hiếu, sau khi lấy được xe đạp của anh Mạnh, Hiếu đem đến chòi cá cách nơi xảy ra sự việc khoảng 1 km cất giấu và ngủ luôn ở chòi cá, sáng hôm sau nghe tin Hùng bị bắt, Hiếu đã ra tự thú và nộp lại chiếc xe đạp để trả lại cho anh Mạnh; gia đình Hiếu đã bồi thường cho anh Mạnh 500.000 đồng tiền thuốc điều trị vết thương.
Tại bản án sơ thẩm số 19 ngày 30-1-1997 Toà án nhân dân thành phố H áp dụng điểm c khoản 2 Điều 151; điểm h khoản1, khoản 2, khoản 3 Điều 38 Bộ luật hình sự năm 1985, phạt Đặng Bá Hùng 4 năm tù, còn đối với Phạm Văn Hiếu bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 4 năm đều về tội cướp tài sản của công dân.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Đặng bá Hùng kháng cáo đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh cho mình vì Hùng cho rằng y không có mục đích chiếm đoạt chiếc xe đạp của anh Mạnh mà việc này là ý đồ riêng của Hiếu.
Tại bản án phúc thẩm số 1007 ngày 28-6-1997 Toà phúc thẩm giảm hình phạt cho Đặng Bá Hùng xuống còn 3 năm tù và cho hưởng án treo về tội cướp tài sản của công dân.
Các bị cáo đánh anh Mạnh không phải là nhằm mục đích lấy chiếc xe đạp Mi-ni Nhật của anh mà là vì anh Mạnh đụng xe vào xe của các bị cáo. “ Do đường xấu nên Hiếu và Hùng dắt xe đi bộ. Cùng lúc đó anh Nguyễn Văn Mạnh đi xe đạp Mi-ni Nhật từ phía sau đến, bánh trước xe đạp của anh Mạnh va vào bánh sau xe đạp của Hiếu. Từ việc này Hùng đã đánh anh Mạnh, Hiếu cũng xông váo đánh anh Mạnh”. Như vậy cả Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều xác định hành vi dùng vũ lực của các bị cáo không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị tấn công, do đó cũng không có căn cứ để xác định hành vi dùng vũ lực của các bị cáo là hành vi thuộc dấu hiệu khách quan của cấu thành tội cướp. Việc Hiếu lấy xe của anh Mạnh là do Hiếu lợi dụng lúc anh Mạnh đang đánh nhau với Hùng không thể giữ được xe, nên hiếu mới lấy đi được và khi phát hiện thấy Hiếu đã lấy xe của mình, anh Mạnh hô cướp! Cướp! cũng là lẽ thường tình. Hành vi của Hiếu chỉ là hành vi thái quá của một người cùng gây thương tích cho anh Mạnh và hành vi này không cấu thành tôị cướp tài sản của công dân mà là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự.
Đối với Đặng Bá Hùng, sau khi Hiếu đã lấy xe đạp của anh Mạnh, Hùng còn tiếp tục tấn công anh Mạnh để Hiếu chạy thoát, thì cũng không vì thế mà cho rằng Hùng đồng phạm với Hiếu về tội công nhiên chiếm đoạt với vai trò giúp sức, vì giúp cho kẻ phạm tội tẩu thoát không có nghĩa là đồng phạm với họ về về hành vi phạm tội mà họ thực hiện, vì ý định chiếm đoạt của Hiếu cũng như hành vi chiếm đoạt của Hiếu, Hùng chỉ chứng kiến mà không được bàn bạc từ trước.[8]
Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án Đặng Bá Hùng và Phạm Văn Hiếu về tội cướp tài sản rõ ràng là không chính xác, không đúng với ý thức chủ quan của người phạm tội.
Đối với trường hợp sau khi giết người, người phạm tội mới thấy tài sản của nạn nhân nên đã chiếm đoạt tài sản đó, thực tiễn xét xử cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đều truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chiếm đoạt tài sản này là tội cướp tài sản. Ví dụ: Nguyễn Văn M ngoại tình với Lê Thị H là vợ của anh Đặng Văn H. M và thị H bàn bạc giết anh H để hai người được tự do “quan hệ” với nhau. Một hôm anh H đi làm về, M và H nấp ở bụi cây ven đường đã xông ra dùng dao găm đâm chết anh H. Hành động xong, thị H bỏ về nhà, còn M ở lại để giấu xác nạn nhân nhằm trốn tránh pháp luật. Trong lúc giấu xác nạn nhân, M thấy trong túi anh H có 5.000.000 và một đồng hồ Seiko nên M đã chiếm đoạt số tài sản này của nạn nhân. Trong vụ án này, lức đầu M chỉ có ý định giết nạn nhân để được tự do quan hệ với thị H, nhưng sau khi giết nạn nhân, thấy nạn nhân có tài sản M mới nảy sinh ý định chiếm đoạt do đó không thoả mãn dấu hiệu chủ quan của cấu thành tội cướp tài sản [9]. Một số nước, trong đó có Liên xô cũ có hành vi chiếm đoạt tài sản của người đã chết là hành vi trộm cắp tài sản.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cũng có nhiều trường hợp tuy lúc đầu người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã nảy sinh ý định chiếm đoạt và sau đó tiếp tục có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc để chiếm đoạt bằng được tài sản thì hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn bị coi là hành vi phạm tội cướp tài sản. Khoa học luật hình sự coi trường hợp này là trường hợp “chuyển hoá” từ tội phạm này sang tội phạm khác (đầu trộm đuôi cướp). Ví dụ: Tuấn, Thảo và Hùng rủ nhau đến nhà anh Q để trộm cắp. Khi bọn chúng đang bê chiếc Ti vi ra khỏi nhà, bị anh Q phát hiện lao vào giằng lại chiếc Ti vi thì bị tên Hùng dùng dao găm đâm vào tay anh Q một nhát, sau đó chúng tiếp tục bê chiếc Ti vi bỏ chạy.
Như vậy, mục đích giữ lại tài sản sau khi đã chiếm đoạt được bằng cách dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được cũng là cướp tài sản. Tuy nhiên thực tiễn xét xử, việc phân biệt thế nào là hành hung để tẩu thoát với hành hung để cố tình giữ lại tài sản trong một số trường hợp rất khó, vì nó xảy ra một cách đan xen liên tiếp với nhau, nhất là đối với tài sản gọn nhẹ có thể bỏ túi được. Theo quan niệm truyền thống và thực tiễn xét xử thì được coi là chuyển hoá từ tội phạm khác sang tội cướp tài sản nếu người phạm tội đã có tài sản trong tay, bị chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản giằng giật lại tài sản mà người phạm tội cố tình dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc để giữ bằng được tài sản đã chiếm đoạt; đối với tài sản gọn nhẹ, người phạm tội có thể bỏ túi được, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết tài sản người phạm tội chiếm đoạt trước đó để ở đâu nhưng vẫn đuổi theo nhằm bắt người phạm tội, đồng thời lấy lại tài sản bị chiếm đoạt. Trong quá trình đuổi bắt, bị người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc đối với người đuổi bắt thì không bị coi là chuyển hoá thành tội cướp tài sản mà chỉ coi hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi hành hung để tẩu thoát. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quan niệm và thực tiễn xét xử như vậy không phù hợp với lý luận về sự chuyển hoá, vì xét từ khía cạnh nào thì người phạm tội cũng không chịu bỏ lại tài sản để tấu thoát nên phải coi việc dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc để tẩu thoát có mang theo tài sản là chuyển hoá thành tội cướp tài sản, chỉ coi là hành hung để tấu thoát khi người phạm tội vứt bỏ lại tài sản, chỉ chạy thoát thân.
Trường hợp, người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực vừa nhằm mục đích trả thù vừa nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản, nếu hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại đến tính mạng người bị hại thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội giết người.
---
Chú giải
[7] Xem Hệ thống hoá luật lệ về hình sự .Tập I. Toà án nhân dân tối cao. năm 1975. tr 203, 222 ,254.
[8] Xem Đinh văn Quế “Thực tiễn xét xử và pháp luật hình sự” NXB Đà Nẵng, năm 2000. tr 266 bài “Phạm Văn Hiếu và Phạm Bá Hùng Phạm tội gì?”
[9] Xem Đinh văn Quế “Pháp luật, thực tiễn và án lệ” NXB Đà Nẵng, năm 1999, tr. 124-131 trong bài “Tội cướp và vấn đề xử thêm tội cướp”
Nguồn: BÌNH LUẬN BỘ LUẬT HÌNH SỰ - PHẦN CÁC TỘI PHẠM, ĐINH VĂN QUẾ, THẠC SĨ LUẬT HỌC – TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
No comments:
Post a Comment