20/08/2014
Nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật của người chưa thành niên
1. Đặc điểm vi phạm pháp luật của người chưa thành niên 

Người chưa thành niên(NCTN) là người ở độ tuổi chuyển tiếp của sự tăng trưởng, phát triển từ độ tuổi “trẻ em” đến thời điểm bắt đầu của tuổi trưởng thành - là giai đoạn thay đổi quan trọng nhất về thể chất, cảm xúc và ý thức xã hội diễn ra ở mỗi cá nhân. Sự tăng trưởng của các tuyến nội tiết đã thúc đẩy phát triển các bộ phận cơ thể trưởng thành theo một trình tự nhất định.Đây là giai đoạn “quá độ”, sự phát triển tâm lý rất phức tạp, mẫn cảm, dễ thay đổi và khó lường trước. Tâm lý học xác định quá trình hình thành và phát triển của NCTN phụ thuộc mạnh mẽ về tâm sinh lý, tùy thuộc độ tuổi, nhưng ở mức độ không đồng đều và với những dấu hiệu tâm sinh lý rất khác nhau ở mỗi giới tính[1]; đồng thời có thể bị phân hóa để tạo thành tính cách khác nhau khi bị tác động bởi những môi trường, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.


Xuất phát từ những đặc điểm riêng của sự phát triển tâm sinh lý đó, nên khi NCTN thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) thường xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau và do đó, VPPL của NCTN có các đặc điểm, cơ chế khác với hành vi VPPL của người đã thành niên.


Do tác động môi trường

Đối với những NCTN có điều kiện, mức sống bình thường thì hoạt động xã hội của họ ở giai đoạn này chủ yếu là môi trường học tập tại nhà trường. Sự giao tiếp bạn bè cùng lứa và các mối quan hệ cá nhân ngày càng gắn bó, mở rộng và chịu ảnh hưởng từ quan hệ bạn bè rất mạnh, thậm chí là nghe theo lời bạn nhiều hơn nghe lời khuyên can của cha mẹ, gia đình. Tính cách của các em thường phát triển theo khuynh hướng thích chứng tỏ “đã” là người lớn và mong muốn người xung quanh thừa nhận; do vậy, thường gặp sai lầm trong khi muốn xử lý gấp mọi vấn đề khó khăn gặp phải, nhằm chứng tỏ sự trưởng thành của mình. Nhiều trường hợp NCTN ở giai đoạn này đã tỏ ra khó chịu, tự ái, thậm chí trở nên hung dữ khi bị coi là còn con nít hoặc bị người lớn gọi là “chú bé”, “cô bé”. Sự tự trọng thái quá trở thành tự tôn hay tự ti, mặc cảm và khi bị xúc phạm, dễ có tâm lý tiêu cực, mà hệ quả thông thường là phản ứng bằng những hành vi sai trái hoặc hành vi VPPL. Những NCTN này thường thiếu tự chủ, luôn hướng tới sự ham thích mới lạ, hiếu động, bồng bột và dễ sa ngã. Nhiều em dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo vào những hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm, muốn trở thành “người hùng” để bạn bè khâm phục. Những em bị mặc cảm do kết quả học tập sa sút và bị thầy cô, gia đình khiển trách, bạn bè chế giễu... cũng dễ có hành vi sai trái hoặc hành vi VPPL. Khác với người thành niên khi VPPL luôn có động cơ, mục đích cụ thể, những NCTN thường VPPL với suy nghĩ rất đơn giản, thậm chí chỉ do nguyên nhân hiếu thắng, không tự chủ mà họ đã gây ra nhiều vụ VPPL rất nghiêm trọng và họ thường có xu hướng sử dụng bạo lực thể chất, như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích...

Như vậy, đặc điểm trước hết trong VPPL của NCTN hầu hết là do tác động của môi trường,điều này cũng giải thích vì sao động cơ, mục đích VPPL của NCTN thường là bột phát, nhất thời và không rõ ràng. Cũng do hành động a dua, hùa theo bạn bè làm trái pháp luật, nên VPPL của NCTN còn có yếu tố vi phạm tập thể, tuy chưa đến mức VPPL có tổ chức (vì thiếu dấu hiệu thống nhất ý chí, phân công thực hiện…), nhưng là cách thức nhiều người cùng thực hiện một loại hành vi trái pháp luật, điều này thể hiện rõ nhất trong các vụ gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép…

Ý nghĩa của đặc điểm này giúp ta khái quát được nguyên nhân cơ bản dẫn đến VPPL của NCTN, từ đó có biện pháp chủ động trong ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm, tội phạm ở các lứa tuổi chưa thành niên.

Cách thức thực hiện vi phạm đơn giản

Người thành niên khi thực hiện hành vi trái pháp luật vì kiếm lợi bất chính thì cách thức, thủ đoạn tiến hành thường được chuẩn bị trước, có khi rất tinh vi, phức tạp và quyết tâm hoàn thành hành vi dù có trở ngại khách quan. Trái lại, đối với NCTN, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, như khuyết tật, mồ côi, không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, bỏ nhà sống lang thang, những em là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của nghiện ngập ma túy; những em có thói quen đua đòi mua sắm, tiêu xài sang trọng... (thuộc trường hợp NCTN có nguy cơ[2]) thì cách thức, hànhvi VPPL đơn giản hơn nhiều.Các em này thường bị áp lực do lệ thuộc về vật chất, nghiện ngập, nên dễ bị người lớn điều khiển, sai khiến hoặc tự mình tham gia những việc làm trái pháp luật như mua bán ma túy, trộm cắp, cướp giật, cướp; có thể có đồng phạm cùng tham gia, nhưng chỉ là VPPL mang tính tổ chức giản đơn nên quyết tâm VPPL không cao[3]… Và khi thực hiện hành vi VPPL do bị người khác điều khiển, xúi giục hoặc vì nhu cầu vật chất cá nhân thì hành vi VPPL của các em thường có đặc điểm dễ nhận thấy là hành động phạm pháp đơn giản, nhanh lẹ vội vãvà ít có quyết tâm thực hiện đến cùng nếu bị ngăn trở. Mặt khác, cũng do độ tuổi nên khi phạm pháp, các em thường không lường trước, lường hết được sự nguy hiểm, tác động và hậu quả của hành vi mà mình sẽ thực hiện; nhiều trường hợp làm trái pháp luật, có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, được người lớn giải thích các em mới biết sai trái của mình. Nghiên cứu thấu đáo đặc điểm này sẽ giúp xem xét dấu hiệu lỗi trong mặt chủ quan của hành vi VPPL của NCTN. Khi là lỗi cố ý trực tiếp thì mới có căn cứ quy kết hành vi trái pháp luật của họ làVPPL và xác định trách nhiệm pháp lý; còn nếu là lỗi gián tiếp hay lỗi vô ý thì sẽ không cấu thành VPPL của NCTN, nhất là đối với trẻ em theo các quy định của pháp luật về độ tuổi.

Ý nghĩa của đặc điểm này giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền xử lý VPPL của NCTN có nhận thức đúng đắn về hành vi VPPL của họ và từ đó thực hiện áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.

Môi trường vi phạm hạn chế

Theo quy định của pháp luật, NCTN chỉ được thừa nhận là chủ thể có quyền và nghĩa vụ trong một số quan hệ xã hội nhất định (hợp đồng lao động dịch vụ, lao động giản đơn). Vì lý do đó, trong thực tế đời sống, sinh hoạt, NCTN chỉ có khả năng, điều kiện tham gia trong một số môi trường xã hội nhất định, hay nói theo quan điểm cấu thành vi phạm thì NCTN chỉ có thể có điều kiện xâm hại một số khách thể nhất định được pháp luật bảo vệ, như: trật tự công cộng, quyền sở hữu (chủ yếu là sở hữu tư nhân). Ví dụ: Khoản 1 Điều 77 Luật Tố tụng hành chính quy định về giao nộp chứng cứ: “Đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án; nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì phải chịu hậu quả…”, nhưng nếu đương sự là NCTN, thì phải tuân theo quy định tại khoản 4 Điều 48, là: “Trường hợp đương sự là NCTN… thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật”. Hoặc Điều 102 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, đây là loại hành vi “không hành động”bị coi là phạm tội (khi có hậu quả chết người), nhưng quy định này không thể áp dụng với NCTN, vì luật quy định phải là người có đủ điều kiện mà không cứu giúp thì mới phải chịu trách nhiệm pháp lý, trong khi NCTN là người chưa đến tuổi trưởng thành, tức là chưa có đủ điều kiện về năng lực hành vi, nên không thể đòi hỏi họ phải có nghĩa vụ pháp lý như người thành niên.

Hoặc có những quan hệ xã hội mà dù có cố ý, NCTN cũng không thể tham gia, không thể có điều kiện thực hiện hành vi trái pháp luật, như trong các quan hệ pháp luật về chức vụ, về các hoạt động tư pháp hoặc quản lý kinh tế...; như vậy, VPPL của NCTN còn có đặc điểm là chỉ có thể xảy ra trong những môi trường, hay nói cách khác là trong một số quan hệ xã hội nhất định.

Ý nghĩa đặc điểm này giúp ta xác định và giới hạn được phạm vi VPPL của NCTN, làm cơ sở xác định trách nhiệm, quyền hạn trong xử lý, phòng ngừa.  

2. Các nguyên nhân cơ bản dẫn đến vi phạm pháp luật của người chưa thành niên 

Tình hình NCTN VPPL hiện đang là vấn đề bức xúc của xã hội. Nếu trước đây, VPPL của NCTN thường đơn giản, tập trung trong một số hành vi hoặc một nhóm hành vi nhất định về trật tự công cộng, thì hiện nay, hầu hết là những hành vi xâm hại tài sản, xâm hại tính mạng, sức khỏe và gần đây có thêm loại VPPL mới trong lĩnh vực truyền thông lại đang phát triển phức tạp. Cần thiết phải nắm bắt được thực chất quá trình diễn biến các VPPL của NCTN, đánh giá được cơ chế VPPL của họ, cũng như nhận diện rõ hơn về cơ sở khách quan, điều kiện nội tại cho sự phát triển các VPPL của NCTN, để nhận thức, xử lý và phòng ngừa có hiệu quả cao hơn.

Theo các quy định của pháp luật thì độ tuổi là cơ sở pháp lý quyết định cơ bản trong việc xác định VPPL của NCTN và trách nhiệm pháp lý của họ; nhưng xét theo nội dung nghiên cứu về VPPL của NCTN thì độ tuổi không phải là yếu tố quyết định. Bởi lẽ, độ tuổi là một khái niệm vừa mang tính khoa học, vừa mang tính pháp lý thuộc yếu tố thể chất tự nhiên của chủ thể NCTN; vì vậy, nó không phải là cơ sở khách quan xã hội, không phải là yếu tố định hướng hay quyết định hình thành nên tính cách của NCTN. Nói cách khác, độ tuổi chỉ là một trong các điều kiện tự nhiên góp phần tác động phụ vào quá trình hình thành tính cách của NCTN mà thôi; còn những yếu tố chủ yếu tạo nên thái độ, hành vi ứng xử của NCTN đối với cuộc sống, đối với cộng đồng chính là những yếu tố về môi trường sống, môi trường giáo dục và môi trường giao tiếp của gia đình, nhà trường và xã hội kề cận xung quanh.

Có thể nói, hầu hết VPPL của NCTN đều có căn nguyên từ sự tác động của môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Song, quá trình hình thành VPPL của NCTN không phải lúc nào cũng được biểu hiện rõ ràng để có thể phân tích đơn giản và cũng không phải chỉ cần mô tả, chứng minh và giải quyết một lần là xong. Vì vậy, nghiên cứu toàn diện về môi trường gia đình, nhà trường và xã hội - cơ sở và điều kiện cơ bản làm nảy sinh VPPL của NCTN trong những hoàn cảnh cụ thể và trong từng môi trường, hoàn cảnh cụ thể đó, loại VPPL phổ biến của NCTN là thế nào - thì mới có cơ sở khách quan để đề ra việc xử lý và phòng ngừa VPPL của NCTN một cách phù hợp. 

Hoàn cảnh gia đình 

Gia đình bao giờ cũng là môi trường ảnh hưởng đầu tiên và xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển nhân cách của NCTN. NCTN luôn chịu tác động bởi không khí thương yêu, hòa thuận, đùm bọc trong gia đình. NCTN cũng chịu sự ảnh hưởng cực lớn từ cách thức xử sự và mối quan hệ của cha mẹ họ với nhau, với các thành viên ruột thịt khác. Cha mẹ họ luôn là hình ảnh mẫu mực về người lớn, người chịu trách nhiệm đối với gia đình và xã hội... nên NCTN có chiều hướng giống các đức tính của cha mẹ mình nhiều hơn là không giống họ. Dù tự giác hay không tự giác, thì NCTN vẫn học theo cách ứng xử mà họ thấy từ cha mẹ bộc lộ trong cuộc sống thường ngày, cho nên họ thường tin vào việc làm chứ không phải vào lời nói. Cũng do NCTN có sự đặc biệt nhạy cảm với tình cảm của cha mẹ đối với họ, nên có lúc, chỉ một lời chỉ trích bóng gió thôi cũng đủ gây tác hại đối với họ. Nhiều khi, cha mẹ chỉ than phiền về gánh nặng tài chính đối với đứa con, về giá cả sinh hoạt đắt đỏ, về sự leo thang của giá thực phẩm, áo quần, học phí, giải trí... cũng khiến NCTN cảm thấy mặc cảm tội lỗi và tự nghĩ vì mình là kẻ vô tích sự, là gánh nặng của cha mẹ, là người không giúp đỡ được gia đình[4]. Mặc cảm này dễ kèm theo các phản ứng tiêu cực. Nhiều NCTN bắt đầu nghỉ học thất thường để hy vọng tìm kiếm việc làm thêm và làm thêm; ban đầu là với mong muốn chia sẻ gánh nặng gia đình, nhưng lâu thì quen dần với việc bỏ học, bị bạn bè, thầy cô than phiền, xa lánh… và sau đó, có thể là sẽ bỏ học, theo rủ rê của bạn bè xấu để VPPL. Hành vi ban đầu trong những tình thế đó thường là trộm cắp vặt, hành động du côn, “xin đểu”, dựa vào kẻ xấu mới quen để“trả thù” những bạn cùng lớp trường đã chế giễu, coi thường họ trước đây.

Những NCTN khác có gia đình khá giả - một số em lại là con duy nhất nên được cưng chiều từ nhỏ - nhưng vẫn VPPL. Tuy số này không nhiều trong số NCTN VPPL và mức độ, tần suất VPPL của họ cũng không cao, nhưng cũng là vấn đề phải xem xét. SựVPPL của họ thường có nguồn gốc từ sự buông lỏng, thiếu phối hợp quản lý của gia đình với nhà trường.Điều kiện vật chất khá giả của gia đình và sự quản lý lỏng lẻo cũng thường khiến họ nhanh chóng sa đà vào những thú vui hưởng thụ vật chất tầm thường (games bạo lực, đua xe cảm giác mạnh, ăn nhậu, quậy phá, nghiệnhút…) đến những hành vi phạm pháp. Kết quả học tập sa sút, bỏ học nhiều ngày, thậm chí cả tháng gia đình mới biết, và thay vì nhận ra thiếu sót quản lý của mình, các bậc phụ huynh lại quay sang trách phạt, đổ lỗi tại con đã tự làm hư hỏng bản thân. Đây cũng là con đường dẫn NCTN đến bất mãn, chán nản, bỏ nhà và dễ rơi vào tay những kẻ ma-cô, hút chích ma túy luôn muốn tìm những nạn nhân có gia đình giàu có để bòn rút tiền bạc. 

Quan hệ tình cảm giữa cha mẹ với nhau ảnh hưởng lớn đến tình cảm của người vị thành niên về bản thân và về người khác. Nếu cha mẹ thương yêu và chăm sóc lẫn nhau thì NCTN cũng học được cách suy nghĩ và ứng xử như vậy. Nếu cha mẹ thường xuyên ẩu đả, cãi vã thì NCTN cũng học được cách ứng xử đó,vì những NCTN vốn ngây thơ, khi hằng ngày phải chứng kiến cảnh bạo lực, họ sẽ quendần và dễ nhận thức một cách tự nhiên rằng, bạo lực là cách giải quyết vấn đề trong gia đình và xã hội. Sự tác động cộng hưởng từ sách báo, phim ảnh, games bạo lực hay các hành vi bạo lực ngoài xã hội...cũng sẽ góp phần tích cực vào việc hình thành nhân cách tiêu cực theo hướng sống bạo lực ở NCTN. VPPL của nhóm NCTN này đa số là quậy phá, ngông nghênh, gây rối trật tự công cộng và phát triển cao hơn là kết thành băng nhóm chuyên phá phách, sinh sự đánh nhau, gây thương tích, thậm chí sa vào việc đâm chém, giết người. Đáng chú ý về nhóm những  NCTN phạm pháp có nguồn gốc từ bạo lực gia đình là khi còn nhỏ, yếu đuối, họ là nạn nhân của bạo lực gia đình, nhưng khi lớn lên, có sức mạnh, lại đã nuôi dưỡng sự hận thù bị hành hạ từ trước, nên họ dễ dàng trở thành những người gây ra cảnh bạo hành ở chính gia đình mình.Đã xảy ra rất nhiều những bi kịch gia đình từ sự đối xử, hành hạ của con cháu đối với ông bà, cha mẹ mà nguyên nhân sâu sa của nhiều vụ việc đó là từ lý do “trả thù” của NCTN đối với người thân trong gia đình.

Một dạng VPPL khác cũng có nguồn gốc phát sinh, phát triển từ phương diện gia đình, đó là những NCTN thiếu vắng cuộc sống gia đình do có hoàn cảnh mồ côi, sống lang thang, bụi đời, làm bất cứ việc gì để sinh sống, hoặc là những NCTN có gia đình nghèo phải lao động sớm…, và sống theo logic tự nhiên là đấu tranh để tồn tại, không cần phân biệt đúng, sai; hành vi VPPL của số này thường là trộm tài sản (lang thang lượm ve chai, ăn xin, quan sát ai để sơ hở tiền, đồ vật có giá trị thì lén lút chiếm đoạt và thường hoạt động ở những khu dân cư, ký túc xá, bệnh viện, bến xe, tàu đông người...); hoặc thực hiện việc cướp giật, cưỡng đoạt tiền, đồ vật giá trị của các em học sinh nhỏ. Những NCTN nghiện hút thì thường phải làm thuê cho những kẻ cầm đầu, đầu nậu trong các việc vận chuyển, mua bán ma túy hoặc làm gác cửa, phục vụ nơi cờ bạc, nơi tổ chức bán dâm…; hành vi xâm phạm tài sản của các trường hợp NCTN này đều có chung các đặc điểm là lanh lẹ, không cố định một chỗ mà thường di chuyển nhiều khu vực để tránh phát hiện và tập trung ở các khu vực có đông người. Theo thống kê, đây là nhóm chiếm cao tỷ lệ tuyệt đối trong cơ cấu NCTN phạm pháp những năm qua[5]. Trong đó, có hành vi trước nay hầu như không xuất hiện trong VPPL của NCTN là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện đã có tỷ lệ đáng chú ý (3,43%). Có thể coi đây là một trong những biến chuyển phức tạp gia tăng trong cơ cấu VPPL của NCTN những năm gần đây.

Tóm lại, gia đình là tổ ấm, đồng thời là trường học đầu đời của NCTN; gia đình cũng là nơi NCTN tiếp nhận vào mình những yếu tố cơ bản hình thành nên nhân cách và thái độ xử sự đối với cộng đồng. Có thể nói, qua khảo sát ở đa số những NCTN có hành vi VPPL với các hình thức, cách thức, tính chất và các mức độ khác nhau, họ đều có điểm chung là xuất thân từ hoàn cảnh không có gia đình; hoặc có gia đình nhưng không có sự quan tâm chăm sóc giáo dục hoặc không được sự giáo dục đúng đắn của gia đình. Điều đó cho thấy, hoàn cảnh và sự giáo dục của gia đình là yếu tố cơ bản, quyết định nên sự hình thành nhân cách, thái độ và hành vi xử sự của NCTN đối với xã hội.

Nhà trường

Sau tổ ấm gia đình thì nhà trường là “gia đình” thứ hai của đa số NCTN có điều kiện sống bình thường. Sau cha mẹ, thầy cô và bạn học là người ảnh hưởng mạnh đến quá trình hình thành tính cách của NCTN. Môi trường nhà trường cũng là nơi NCTN trải nghiệm nhận thức và thái độ giao tiếp với cộng đồng. Nhà trường là nơi đầu tiên NCTN được tự do vượt ra sự che chở và điều khiển của cha mẹ, họ phải học cách tự đưa ra quyết định, suy nghĩ cho bản thân và có trách nhiệm về các hành động của mình. Đây cũng là giai đoạn, mà theo nghiên cứu tâm lý là “đầy rẫy những mơ hồ, hụt hẫng và mâu thuẫn” và, khi vượt qua được các rối loạn này, NCTN mới có khả năng trưởng thành, độc lập, có khả năng cho/nhận và liên kết với người khác.

Có thể nói, trong mối quan hệ với gia đình và nhà trường, nhân cách và hành vi xử sự của NCTN như một sợi dây đàn hồi (dễ thay đổi), được căng ra giữa hai đầu gia đình và trường học. Nếu sự quản lý ở hai đầu vừa phải, đúng đắn, tính cách và hành vi xử sự của NCTN được phát triển ổn định bình thường như mong muốn. Nếu hai đầu quản lý căng mạnh theo chiều ngược nhau thì kết quả tất yếu là sợi dây nhân cách sẽ dễ “đứt”. Đã có không ít trường hợp, do gia đình NCTN đã đặt ra những “chỉ tiêu” phấn đấu quá cao so với năng lực của NCTN và nhà trường cũng đề ra chỉ tiêu học tập quá nhiều đối với các em nên nhiều em đã phát sinh xung đột từ tình trạng stress; trước tiên có thể là vấn đề thể chất như ăn, ngủ, rối loạn vận động và tiếp đến là các vấn đề hành vi như không vâng lời, trốn nhà, trốn học, nghiện hút, trộm cắp, mua bán ma túy để nuôi nghiện... Còn nếu cả hai “đầu quản lý” của gia đình và nhà trường cùng buông lỏng, gia đình phó mặc cho nhà trường, nhà trường cho rằng giáo dục các em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường chỉ truyền đạt kiến thức cho các em là đủ… thì hậu quả cũng rất rõ ràng. NCTN thiếu hẳn sự quan tâm định hướng cần thiết, và dễ lạc đường.Các em dễ rơi vào trầm cảm, bỏ học, dễ giao du với những “bạn đường phố” và theo họ để phạm pháp. Một số em tính cách thay đổi, hay cáu gắt bất ngờ, tìm cớ gây sự, ẩu đả với bạn học giỏi trội trong lớp, hoặc trở thành học sinh “cá biệt”,  cố tình ngang bướng trong giờ học và chấp nhận bị kỷ luật... NCTN ở vào tình trạng này thường sa vào con đường bỏ học, lêu lổng, kết bạn bè quậy phá, gây rối trật tự công cộng; nghiêm trọng hơn là tham gia băng nhóm hoạt động trộm, cướp, làm bảo kê kiểu xã hội “đen”…

Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh, công nghiệp giải trí điện tử ra đời cung cấp các sản phẩm băng, đĩa games điện tử, games oline, sách, tranh ảnh điện tử… với các nội dung vô cùng phong phú và phức tạp. Trong đó, nhiều sản phẩm có nội dung tập trung vào hai khuynh hướng: bạo lực và tính dục. Trong khi đó, tuổi chưa thành niên là giai đoạn phát triển chủ yếu là tiếp thu và tiếp thu không giới hạn. Các dòng sản phẩm văn hóa tốt, xấu trộn lẫn từ bên ngoài nhập vào “như mưa lũ”; với cơ chế kiểm soát còn nhiều bất cập, chưa kịp sàng lọc và NCTN chưa được trang bị cơ chế “tự vệ” nên đương nhiên,NCTN sẽ phải hấp thu một cách tự nhiên, dù ít hay nhiều, dù tự giác hay không tự giác các khuynh hướng thẩm mỹ tiêu cực đó.  Một phản ứng tâm lý theo quy luật ở tuổi trẻ là hễ say mê kiểu cách gì thì bắt chước theo kiểu cách đó. Vì thế, khá phổ biến tình trạng học sinh nam/nữ sử dụng hung khí, bạo lực để giải quyết mâu thuẫn với nhau, hoặc sa vào quan hệ tình cảm yêu đương rất sớm, từ độ tuổi 14 đến 15 (trước đây hầu như không xảy ra) và xuất hiện sự ganh ghét, ghen tuông, dẫn đến nhiều vụ việc nữ sinh đánh đập lẫn nhau, nữ sinh bị đánh “hội đồng”, bị xé quần áo và bị quay video clip tung lên Internet, nhằm bêu giếu, công kích, dẫn đến nhiều hậu quả khó lường… Những hiện tượng này thường được xã hội và giới truyền thông gọi là “tình trạng bạo lực học đường”.

Tình hình này càng thể hiện rõ hơn tầm quan trọng của mối liên hệ thường xuyên giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục và hình thành nhân cách, hướng dẫn cách xử sự phù hợp cho các em.Mối liên hệ thường xuyên giữa gia đình và nhà trường là mối liên hệ rất biện chứng, cái này là nguyên nhân/kết quả của cái kia và ngược lại; đồng thời gia đình và nhà trường còn có mối quan hệ biện chứng và chịu ảnh hưởng tương tác từ những yếu tố của môi trường xã hội trong việc hình thành thái độ và hành vi cư xử của các em.

Môi trường xã hội

Có thể nói, trước khi trưởng thành, mọi NCTN đều ít nhiều có kiến thức về tự nhiên, xã hội và các nhận thức về đạo đức ứng xử. Nói lên điều này để thấy rằng, khi NCTN có hành vi xử sự sai trái - dù do tác động trực tiếp bởi gia đình hay bị tác động trực tiếp từ trường học - thì họ cũng đều có chung sự ảnh hưởng của môi trường xã hội.Điều đó cũng có nghĩa là, khi phân tích những VPPL của NCTN được hình thành do yếu tố gia đình hay nhà trường thì cũng là đang xem xét các yếu tố tác động của môi trường xã hội lên gia đình và nhà trường, qua đó tác động dẫn dắt những hành vi VPPL của NCTN. Điều này giải thích vì sao cùng một hoàn cảnh gia đình, cùng môi trường trường học và cùng độ tuổi tương tự, nhưng cách thức, tính chất, mức độ tần suất VPPL của NCTN ở vùng nông thôn khác vùng thành thị, vùng thành thị nhỏ khác vùng đô thị lớn; vùng công nghệ thông tin phát triển khác vùng lao động cơ khí, thủ công… Đó là vì môi trường xã hội khác nhau, điều kiện và tác nhân hình thành VPPL của NCTN cũng sẽ khác nhau. Ví dụ, ở TP Hồ Chí Minh những năm trước đây, khi chưa phát triển giao thông ở địa bàn huyện Cần Giờ, huyện này hầu như không xảy ra hành vi trộm cắp xe gắn máy, cướp, cướp giật…, vì khi có tin báo tội phạm, công an chỉ cần chốt chặn bến đò về thành phố là kẻ phạm pháp không thể mang tang vật đào thoát được. Hoặc tình hình VPPL của NCTN liên quan tai nạn giao thông hầu hết xảy ra ở môi trường đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, nhưng ít xảy ra ở các tỉnh vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Có một số yếu tố cơ bản trong môi trường xã hội thường tác động mạnh hơn cả đến nội tâm, định hướng từ bên trong và chuyển hóa ra bên ngoài bằng những thái độ hành xử của NCTN, đó là:

- Không hòa đồng được tính cách cá nhân của mình với các quy tắc và quy định của xã hội; ví dụ: NCTN thấy khó chịu khi người lớn buộc họ phải đứng chờ đèn đỏ, không được la hét trong giờ nghỉ trưa… Khi đến một thời điểm “bùng nổ” cảm xúc, họ sẽ vượt đèn đỏ, sẽ hò reo, ném vỡ đèn đường… Khi được hỏi, những NCTN này trả lời họ biết như thế là không vâng lời người lớn, nhưng không biết đó là VPPL. Trong suy nghĩ của nhiều NCTN, các khái niệm “công dân”, “luật lệ giao thông” “pháp luật” “trật tự công cộng” không hề liên quan đến họ.  

- Không thể kiềm chế được mình, ví dụ thấy đồ chơi đẹp, món ăn ngon của bạn khác, họ cũng muốn có bằng mọi giá. Đối với các em có hoàn cảnh gia đình khá giả thì luôn muốn “chơi trội”, “chơi nổi” hơn để bạn thán phục; hoặc chỉ để thể hiện “cái tôi” mà đôi khi họ có những hành động liều lĩnh, gây nguy hiểm cho bản thân và cho người xung quanh.

- Thường lúng túng khi xử lý các phản ứng tự nhiên của mình như khi bị hụt hẫng, bị hố trước mọi người; hoặc có cảm giác bị gạt bỏ sang bên lề cuộc chơi, bị tẩy chay… Hầu hết đây là những trường hợp NCTN bị phân biệt đối xử, họ tự ti về hoàn cảnh thua kém của mình hoặc bị người chung quanh coi thường về kiến thức, về vật chất, về gia cảnh, họ sẽ dễ dàng chống đối lại cảm xúc đó bằng cách trở nên hung hãn và phạm pháp; họ muốn đòi lại vị thế ngang bằng theo cách của họ. 

***

Trước tình trạng VPPL của NCTN hiện nay, Đảng, Nhà nước và toàn dân ta đã thể hiện sự quan tâm thỏa đáng khi hàng loạt chủ trương, chính sách và biện pháp đã được đề ra và áp dụng vào thực tế. Cả xã hội đã thể hiện được lòng nhân ái trước các va vấp của NCTN, tính nhân văn khi phải xử lý các hành vi VPPL của NCTN. Pháp luật cũng đã có đủ các chế tài nhằm ngăn ngừa, giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi cho NCTN VPPL có cơ hội trở thành những công dân tốt. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là việc giáo dục NCTN trong gia đình, nhà trường đang còn nhiều bất cập.Thậm chí các biện pháp hành chính nghiêm khắc đối với các VPPL của NCTN cũng chưa phát huy được nhiều tác dụng, ít khả năng giúp đỡ NCTN VPPL có hiệu quả. Do vậy, tình trạng VPPL của NCTN chưa dừng lại, mà đang có xu hướng phát triển phức tạp[6].

Chính vì vậy, chúng ta phải có giải pháp thích hợp để giải quyết tận gốc rễ và đồng bộ những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự hình thành thái độ và hành vi VPPL của NCTN. VPPL của NCTN đều có nguồn gốc, điều kiện, cơ sở hình thành do tác động trực tiếp hay gián tiếp bởi hoàn cảnh gia đình, nhà trường và môi trường xã hội; trong đó gia đình là yếu tố cơ bản, nền tảng nhất mang tính quyết định. Nghiên cứu nguồn gốc và những yếu tố cơ bản này giúp chúng ta có cách nhìn đầy đủ hơn về cơ chế VPPL; thuận lợi cho việc đề ra biện pháp giáo dục, giúp đỡ NCTN đủ năng lực phòng ngừa sự “cám dỗ” của VPPL./. 

*ThS. Phòng Tư pháp UBND Quận 2 TP. Hồ Chí Minh.

[1] Thường là một trẻ em nữ 13-14 tuổi có tính cách phát triển tương đương với một trẻ em trai 15-16 tuổi.

[2] NCTN, NCTN có nguy cơ (At-risk Youth): là người dưới 18 tuổi có nguy cơ VPPL do hoàn cảnh riêng của bản thân như không có nơi cư trú nhất định, thiếu sự giám sát của bố mẹ, bạo lực trong gia đình, gia đình tan vỡ, nghèo đóiv.v..;Bộ Tư pháp, Thuật ngữ tư pháp NCTN, NCTN có nguy cơ, Công ty In - Thương mại Thông tấn xã Việt Nam, Hà Nội, 2009, tr.72:

[3] Nghị định 128/NĐ-CP đã bỏ cụm từ “chặt chẽ” trong quy định tại Điều 6 về tình tiết tăng nặng “Vi phạm có tổ chức là trường hợp có hai người trở lên câu kết (thay vì ở NĐ 134/NĐ-CP là “câu kết chặt chẽ”) với nhau, cố ý cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính”.

[4] Theo số liệu thống kê tội phạm học, trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề buôn bán bất hợp pháp chiếm 51,94%, gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%, 30% trẻ phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút. Có trường hợp bố mẹ trực tiếp đẩy con ra đường, xúi giục chúng làm những điều bất chính khiến trẻ bỏ nhà đi hoang, sống bụi, trộm cắp. Theo số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội, tỉ lệ NCTN có hành vi trộm cắp tài sản đồng phạm với bố mẹ là 5%. Nguồn www.vietnam.net

[5] Tình hình tỷ lệ NCTN có hành VPPL từ năm 2002 đến 2009: Gây rối trật tự công cộng: 3,96%; Cố ý gây thương tích: 3,96%; Trộm cắp: 75,57%; Hiếp dâm: 1,32%; Giết người: 0,55%; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 3,43%; Cướp: 2,0%; Cưỡng đoạt: 4,4%; Các hành vi vi phạm khác: 4,81%. (Thống kê của Bộ Công an)

[6] Số liệu thống kê gần đây của Bộ công an đã phản ánh tình hình tổng quát:Số lượng NCTN (chủ yếu là trẻ em dưới 16 tuổi) chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số dân và tình hình trẻ em nghiện ma túy, VPPL, trẻ em lang thang (số tiềm ẩn nguy cơ nghiện ma túy và VPPL) có xu hướng gia tăng, năm thấp nhất là năm 2001 (11.376 em); năm cao nhất là năm 2008 (21.545 em). Tính chất VPPL cũng phức tạp hơn, xu hướng lập băng nhóm, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như cướp của, giết người gia tăng. Khi các em hoàn thành việc chấp hành án hoặc hoàn thành chương trình giáo dục tại các trường giáo dưỡng trở về cộng đồng cũng gặp nhiều rào cản trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

ThS. Hoàng Minh Khôi
Phòng Tư pháp UBND Quận 2 TP. Hồ Chí Minh

No comments:

Post a Comment