Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều văn bản pháp luật bất hợp pháp hay còn gọi là văn bản pháp luật khiếm khuyết, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả điều chỉnh của pháp luật. Việc nêu cơ sở để nhận biết các khiếm khuyết và chỉ ra được các dạng khiếm khuyết là một việc cần thiết để hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Với lý do đã nêu trên, em xin chọn đề tài “Nêu cơ sở để nhận biết các khiếm khuyết trong văn bản pháp luật và phân tích các dạng khiếm khuyết đó”. Do vốn kiến thức của em còn hạn hẹp,thời gian tìm hiểu bài chưa được nhiều, và đề tài này cũng rất rộng nên bài tiểu luận của em không tránh khỏi những sai sót. Vì vậy, em rất mong thầy, cô nhận xét và đóng góp ý kiến cho bài làm của em được tốt hơn. Em xin chân thành cảm ơn!
NỘI DUNG
I. Một số khái niệm chung:
Văn bản pháp luật là những văn bản được ban hành bởi các chủ thể có thẩm quyền do pháp luật quy định, chứa đựng ý chí của nhà nước nhằm đạt được mục tiêu quản lí và được nhà nước đảm bảo thực hiện.
Văn bản pháp luật khiếm khuyết được hiểu là văn bản pháp luật “còn thiếu sót, chưa hoàn chỉnh” không đảm bảo về chất lượng mà nhà nước yêu cầu.
II. Cơ sở nhận biết các khiếm khuyết trong văn bản pháp luật:
1. Khách quan:
Trước hết, như ta đã biết, đối tượng điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật là các quan hệ xã hội rất phong phú, đa dạng, luôn luôn tồn tại khách quan. Vì thế, việc nắm bắt thực trạng và phán đoán quy luật vận động của các quan hệ xã hội là rất khó khăn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dẫn tới nội dung văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với tình hình thực tế, trở nên lạc hậu.
2. Chủ quan:
- Do người soạn thảo còn bị hạn chế về trình dộ chuyên môn, về việc sử dụng ngôn ngữ cũng như những kỹ năng pháp lý, thậm chí còn không tuân thủ nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về thủ tục ban hành cũng như quản lý văn bản pháp luật => nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ban hành văn bản pháp luật vi phạm về thủ tục và không vảo đảm tính hợp lý của văn bản.
- Các quy định của pháp luật hiện hành về công tác ban hành văn bản pháp luật nhất là các văn bản áp dụng pháp luật còn chưa đầy đủ và được đặt ra trong nhiều văn bản khác nhau, vì vậy đã gây khó khăn trong việc thực hiện.
- Trong quá trình ban hành băn bản pháp luật, đôi khi các cơ quan soạn thảo còn lồng ghép lợi ích cục bộ của từng cấp, từng ngành vào nội dung văn bản.
III. Các dạng khiếm khuyết của văn bản pháp luật:
1. Văn bản pháp luật không đáp ứng yêu cầu về chính trị:
Trước hết, đó là các băn bản pháp luật (chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật) có nội dung không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng. Văn bản pháp luật được ban hành nhưng có nội dung không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng bị coi là khiếm khuyết và buộc cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xử lý.
Bên cạnh đó, văn bản pháp luật có nội dung không phù hợp với ý chí và lợi ích chính đáng của nhân dân cũng bị coi là khiếm khuyết về chính trị.
2. Văn bản pháp luật không đáp ứng yêu cầu về pháp lý:
a, Văn bản pháp luật vi phạm thẩm quyền ban hành:
Văn bản pháp luật vi phạm thẩm quyền bao gồm vi phạm thẩm quyền về hình thức và vi phạm thẩm quyền về nội dung.
- Văn bản pháp luật vi phạm thẩm quyền về hình thức là văn bản có tên gọi không đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trước hết, đó là việc cơ quan ban hành văn bản sử dụng hình thức văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của chủ thể khác. Ví dụ: chủ tịch nước ban hành nghị định; hội đồng nhân dân ban hành quyết định.
Bên cạnh đó, vi phạm thẩm quyền về hình thức còn thể hiện ở việc sử dụng không đúng vai trò của văn bản trong đối với công việc được giải quyết như: sử dụng công văn, thông báo để đặt ra các quy phạm pháp luật hoặc ban hành quyết định thay cho lệnh khám nơi cất giấu tang vật vi phạm…
Ngoài ra, trong một số trường hợp cá biệt còn có thể gặp tình trạng các cơ quan nhà nước sử dụng hình thức văn bản không do pháp luật quy định để đặt ra quy định pháp luật như: Uỷ ban nhân dân ban hành thông tri.
- Văn bản pháp luật vi phạm thẩm quyền về nội dung là văn bản mà chủ thể ban hành sử dụng để giải quyết công việc không thuộc thẩm quyền do pháp luật quy định đối với chủ thể đó.
Trước hết, sự vi phạm thẩm quyền nội dung thể hiện rõ ở việc cơ quan ban hành văn bản pháp luật giải quyết công việc hoàn toàn không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể. Ví dụ: Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc bộ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, văn bản pháp luật vi phạm về thẩm quyền nội dung còn thể hiện trong việc chủ thể ban hành văn bản để giải quyết công việc vượt thẩm quyền mà pháp luật quy định đối với chủ thể đó.
b, Văn bản pháp luật có nội dung trái với quy định của pháp luật:
Văn bản có nội dung trái pháp luật là những văn bản có nội dung là những quy phạm hoặc những mệnh lệnh không đúng với pháp luật hiện hành. Có nhiều biểu hiện khác nhau về sự trái pháp luật trong nội dung của văn bản pháp luật.
- Nội dung trái quy định pháp luật hiện hành thể hiện trong việc không viện dẫn hoặc viện dẫn sai những văn bản làm cơ sở pháp lý của văn bản đó. Ví dụ: trong Nghị định của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật viên chức, phần căn cứ pháp lý chỉ nêu Luật tổ chức chính phủ, Luật viên chức là không đủ, mà phải nêu cả Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là văn bản quy định trực tiếp về thẩm quyền của Chính phủ trong vấn đề này.
- Nội dung của văn bản pháp luật trái với quy định pháp luật hiện hành thể hiện rõ nét trong trường hợp nội dung văn bản quy phạm pháp luật của cấp dưới trái với nội dung văn bản pháp luật của cấp trên; văn bản hành chính có các quy định mang tính quy phạm trái với các quy phạm pháp luật hiện hành.
- Tính bất hợp pháp về nội dung còn thể hiện trong các văn bản áp dụng pháp luật hoặc văn bản hành chính khi có nội dung trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
- Sự trái pháp luật còn thể hiện ở các mệnh lệnh trong văn bản hành chính không đúng với những mệnh lệnh trong văn bản áp dụng pháp luật mà nó tổ chức thực hiện.
c, Văn bản pháp luật có nội dung không phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia:
Hiện nay, dấu hiệu này rất cần được xem xét trong quá trình xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Vì muốn thực hiện tốt các cam kết quốc tế, Việt Nam không chỉ tiến hành việc nội luật hóa mà còn phải rà soát nhằm phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa phù hợp để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế bằng văn bản khác.
Như vậy, nếu văn bản quy phạm pháp luật nào chưa phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia thì đó là lý do để cơ quan có thẩm quyền tiến hành bổ sung, sửa đổi, thay thế, bãi bỏ và ban hành mới những văn bản có liên quan đến điều ước quốc tế đó.
d, Văn bản pháp luật có sự vi phạm các quy định về thể thức và thủ tục ban hành:
Văn bản pháp luật có thể thức không đúng quy định của pháp luật biểu hiện ở việc thiếu những đề mục cần thiết hoặc được trình bày các đề mục không đúng quy định của pháp luật, như: văn bản quy phạm pháp luật không có năm ban hành trong đề mục số, ký hiệu văn bản: văn bản áp dụng pháp luật không có trích yếu; địa danh trong văn bản được viết không đúng; thể thức ký không phù hợp với thủ tục thông qua văn bản…
Văn bản pháp luật có thể vi phạm về thủ tục trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc không thực hiện những thủ tục là cơ sở để xác định tính hợp pháp cho văn bản áp dụng pháp luật, như: không thành lập hội đồng kỷ luật trước khi ra quyết định kỷ luật công chức; không thành lập hội đồng tuyển chọn thẩm phán trước khi ra quyết định bổ nhiệm thẩm phán…
3. Văn bản pháp luật không đáp ứng yêu cầu về khoa học:
a, Văn bản pháp luật có nội dung không phù hợp với thực trạng và quy luật vận động của đời sống xã hội.
Đây là những văn bản mà trong đó có các quy định cao hơn hoặc thấp hơn thực trạng kinh tế - xã hội, không phù hợp với đời sống vật chất và ý thức xã hội, gây cản trở cho tiến trình phát triển của xã hội. Sự không phù hợp có thể chỉ thuộc về một phần trong nội dung căn bản, cũng có thể là toàn bộ văn bản. Những văn bản pháp luật này thường không có tính khả thi, khó thực hiện trên thực tiễn.
Bên cạnh đó, văn bản pháp luật cũng không đáp ứng yêu cầu về khoa học khi có nội dung không phù hợp với truyền thống đạo đức, thuần phong, mỹ tục trong xã hội. Đây chính là biểu hiện của sự không phù hợp giữa pháp luật với đạo đức. Pháp luật là công cụ hữu hiệu để Nhà nước thực hiện chức năng quản lý xã hội nhưng pháp luật lại không phải là yếu tố duy nhất để điều chỉnh xã hội. Các quy phạm xã hội khác nhau như đạo đức, tôn giáo…cũng có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi cho văn bản pháp luật, trong quá trình ban hành cũng như tổ chức việc thực hiện văn bản pháp luật, các chủ thể có thẩm quyền cần thể hiện sự dung hòa mối quan hệ giữa pháp luật và các yếu tố trên. Nhưng trên thực tế không phải khi nào chủ thể ban hành văn bản pháp luật cũng thực hiện có hiệu quả yêu cầu này. Vì thế, văn bản pháp luật có nội dung không phù hợp với phong tục truyền thống, đạo đức tốt đẹp cũng dễ dàng xảy ra và làm mất đi tính khả thi của những văn bản đó. Đây cũng là dạng khiếm khuyết của văn bản cần được chủ thể có thẩm quyền xem xét trong quá trình tiến hành xử lý văn bản pháp luật.
b, Khiếm khuyết về kỹ thuật pháp lý:
Kỹ thuật pháp lý là yếu tố có vai trò khá quan trọng trong ảnh hưởng đến chất lượng của từng văn bản pháp luật. Tính logic, chặt chẽ về nội dung, đúng quy tắc về ngôn ngữ, phân chia sắp xếp hợp lý chính là những yêu cầu cơ bản của kỹ thuật pháp lý. Sự khiếm khuyết về kỹ thuật pháp lý của văn bản pháp luật biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, như: Nội dung không đủ để hoàn thiện chủ đề của văn bản; nội dung không tập trung, thống nhất (tản mạn, vụn vặt); nội dung không rõ ràng, thiếu mạch lạc, thiếu chính xác; việc phân chia, sắp xếp nội dung văn bản không đảm bảo tính logic chặt chẽ; sử dụng ngôn ngữ không chuẩn mực…
Nhìn chung, các văn bản pháp luật khiếm khuyết có rất nhiều dạng cụ thể và do những nguyên nhân khách quan, chủ quan mà đem lại. Việc xử lý văn bản pháp luật khiếm khuyết là một việc làm rất cần thiết trong hệ thống tổ chức cũng như soạn thảo văn bản pháp luật hiện nay. Việc xử lý văn bản pháp luật khiếm khuyết hiện nay được thực hiện dưới các hình thức như: sửa đổi, bổ sung, thay thế, đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, hủy bỏ ( quy định tại điều 9 luật ban hành VBQPPL năm 2008 ) và nghị định số 40/2010 NĐ – CP quy định về kiểm tra xử lí văn bản quy phạm pháp luật.
KẾT LUẬN
Việc phát hiện và sửa đổi các cơ sở xử lí văn bản pháp luật khiếm khuyết đã góp phần rất lớn vào việc hạn chế những văn bản pháp luật khiếm khuyết, chưa hoàn thiện về hình thức, nội dung cũng như kỹ thuật pháp lý, góp phần quan trọng vào công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, giúp ích trong công tác quản lý của chủ thể quản lý, ngoài ra tạo cơ sở tiền đề cho xây dựng một nhà nước pháp quyền mà chúng ta hằng mong mỏi. Mong rằng trong thời gian tới pháp luật sẽ có thêm những quy định cụ thể và chi tiết hơn nữa, để các biện pháp xử lí VBPL khiếm khuyết có thể phát huy tốt hơn vai trò và ý nghĩa của mình hướng tới một hệ thống pháp luật hoàn thiện giúp cho pháp luật trong đi vào đời sống và phát huy hiệu quả cao nhất.
No comments:
Post a Comment