16/08/2014
Bài giảng Luật Ngân sách Nhà nước - Chương I: Những vấn đề chung về Ngân sách nhà nước và Pháp luật Ngân sách nhà nước
I/ KHÁI QUÁT CHUNG VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC:

1/ Khái niệm: theo điều 1 luật ngân sách nhà nước.

Ngân sách nhà nước là tòan bộ các khoản thu chi của nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước.

Đặc điểm:

-  Nội dung: ngân sách nhà nước là tòan bộ các khỏan thu chi của nhà nước.
-  Điều kiện có hiệu lực của ngân sách nhà nước: khi và chỉ khi được cơ quan đại diện cho ý chí của nhân dân (Quốc hội) quyết định.
-  Thời gian có hiệu lực của ngân sách nhà nước: trong vòng một năm (từ 1/1 đến 31/12).
=> Chính vì 3 đặc điểm này mà đôi khi người ta gọi là luật ngân sách thường niên
-  Mục đích của ngân sách nhà nước là để thực hiện chức năng nhiệm vụ của nhà nước.

2/ Vai trò:

- Huy động nguồn vốn tài chính để đảm bảo thực hiện các chức năng nhiệm vụ của nhà nước.
- Kích thích tăng trưởng nền kinh tế, đảm bảo nền kinh tế phát triển ổn định.
- Ngân sách nhà nước sử dụng để cấp phát cho thành phần kinh tế nhà nước, các ngành nghề quan trọng và được sử dụng đển cấp tín dụng ưu đãi cho thành phần kinh tế nhà nước.
- Ngân sách nhà nước được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế, hòan thiện môi trường đầu tư.
- Nhà nước cần xây dựng chính sách thuế khóa hợp lý để vừa thu hút họat động đầu tư vừa khuyến khích họat động tiêu dùng.
- Điều tiết giá cả, giữ ổn định thị trường.
- Chống lạm phát và giảm phát (sự cân đối giữa lượng tiền và lượng hàng trong lưu thông).
- Điều tiết thu nhập và góp phần đảm bảo công bằng xã hội (đánh thuế thu nhập và tái phân phối cho người nghèo). Ví dụ: xây dựng khu công nghiệp tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội.

3/ Hệ thống ngân sách nhà nước

Khái niệm:

Hệ thống ngân sách nhà nước là tập hợp ngân sách các cấp chính quyền nhà nước được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ và công khai.

Tùy thuộc mô hình nhà nước mà có các hệ thống ngân sách khác nhau (nhà nước liên bang, nhà nước đơn nhất) à Nhằm thực hiện các chức năng nhiệm vụ của nhà nước.

Các thành phần trong hệ thống này có tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau.

Điều 4 luật ngân sách nhà nước qui định “ Ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương bao gồm ngân sách của đơn vị hành chính các cấp có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân “.

Hệ thống ngân sách Việt nam là hệ thống ngân sách 2 cấp: Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương hiện nay bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (cấp huyện có thể bị lọai bỏ trong tương lai) à hội đồng nhân dân cấp tỉnh được trao quyền để quản lý tòan bộ ngân sách cấp địa phương à thể hiện nguyên tắc tập trung. Nguyên tắc dân chủ công khai chưa được phát huy tốt (không công bố dự tóan ngân sách nhà nước, việc góp ý của quốc hội mang tính hình thức).

Mối quan hệ giữa các cấp ngân sách trong hệ thống ngân sách nhà nước:

- Tính độc lập tương đối giữa ngân sách các cấp:
- Nguồn thu của ngân sách cấp nào thì cấp đó sử dụng.
- Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp nào thì cấp đó phải đảm nhận.
- Tính phụ thuộc giữa ngân sách cấp dưới và ngân sách cấp trên:
- Ngân sách cấp trên có thể chi bổ sung cân đối cho ngân sách cấp dưới để địa phương hòan thành nhiệm vụ.
- Ngân sách cấp trên có thể chi bổ sung có mục tiêu để địa phương có thể thực hiện được chính sách mới.
=> đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương.

4/ Vị trí của ngân sách nhà nước trong hệ thống tài chính:

- Hệ thống tài chính là tổng thể thống nhất của các khâu tài chính và các khâu tài chính này có mối quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình tạo lập phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của các chủ thể khác nhau trong xã hội.
- Khâu tài chính là thuật ngữ được dùng để chỉ từng nhóm quan hệ tài chính có cùng tính chất đặc điểm phát sinh trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Quan hệ tài chính là những quan hệ xã hội phát sinh giữa các chủ thể trong việc tạo lập phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ.
- Các khâu tài chính của Việt nam (tạo lập, phân phối và sử dụng nhằm đạt được mục đích đề ra):
o Khâu ngân sách nhà nước.
o Khâu tài chính doanh nghiệp.
o Khâu ngân sách hộ gia đình và tổ chức phi kinh doanh (chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu của các thành viên).
o Khâu tín dụng (nhằm thỏa mãn nhu cầu về vốn).
o Khâu bảo hiểm (nhằm khắc phục khó khăn của những người bị rủi ro).
- Doanh nghiệp có lời sẽ đóng thuế cho nhà nước, nhà nước sẽ chi tiền mua cổ phiếu, doanh nghiệp trả lương cho nhân viên tạo nên quỹ hộ gia đình, hộ gia đình có thể gởi tiền tại ngân hàng, mua bảo hiểm cho hàng hóa, …
- Ngân sách nhà nước đóng vị trí quan trọng trung tâm chi phối tòan bộ hệ thống tài chính, sự lớn mạnh của ngân sách nhà nước sẽ giúp cho hệ thống tài chính vững mạnh và ngược lại. Ngân sách dồi dào sẽ đưa vào xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình.

II/ KHÁI QUÁT VỀ PHÁP LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC:

Khái niệm

Pháp luật ngân sách nhà nước là tổng hợp các qui phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quĩ ngân sách nhà nước cũng như các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phê chuẩn chấp hành và quyết tóan ngân sách nhà nước.

- Hệ thống tài chính bao gồm các quan hệ tài chính được điều chỉnh bởi các qui phạm pháp luật: luật tài chính à bao trùm tòan bộ 5 khâu tài chính.
- Pháp luật ngân sách nhà nước chỉ là 1 bộ phận của luật tài chính.
- Sử dụng các phương pháp điều chỉnh của luật tài chính (mệnh lệnh và tự giác).
- Pháp luật ngân sách nhà nước còn được gọi là pháp luật tài chính công.

Nội dung pháp luật ngân sách nhà nước:

-  Chế độ pháp lý phân cấp quản lý ngân sách nhà nước: chủ thể nào, có quyền lợi nghĩa vụ gì, được giao nguồn thu nào, nhiệm vụ chi nào.
-  Chế độ pháp luật về chu trình ngân sách: cơ quan nào lập dự tóan, chế độ báo cáo..
-  Chế độ pháp lý về thu ngân sách nhà nước: phương thức tiến hành, cơ quan nào chịu trách nhiệm.
-  Chế độ pháp lý về chi ngân sách nhà nước: phương thức chi như thế nào để đảm bảo khả năng quản lý.
-  Chế độ pháp lý về khả năng quản lý quỹ: cơ quan nào sẽ quản lý trực tiếp.
-  Chế độ pháp lý về thanh tra tài chính và kiểm tóan nhà nước trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.

* Phân biệt Luật Ngân sách nhà nước và Ngân sách nhà nước

a. Nội dung

- Luật ngân sách nhà nước: là tổng hợp các qui phạm pháp luật.
- Ngân sách nhà nước: bao gồm tất cả các khỏan thu chi.

b. Hình thức
- Luật ngân sách nhà nước: Luật.
- Ngân sách nhà nước: Nghị quyết của quốc hội.

c. Thời gian
- Luật Ngân sách nhà nước: Lâu dài, không xác định được cụ thể.
- Ngân sách nhà nước: 01 năm.

d. Mục đích
- Luật Ngân sách nhà nước: Sử dụng 1 cách có hiệu quả ngân sách nhà nước.
- Ngân sách nhà nước: Sử dụng ngân sách nhà nước đúng chức năng nhiệm vụ.

2/ Quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước

Quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quĩ ngân sách nhà nước và các quĩ tiền tệ khác của nhà nước được các qui phạm pháp luật ngân sách nhà nước điều chỉnh.

Các yếu tố cấu thành quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước:

a. Chủ thể:

- Nhà nước: tham gia với 2 tư cách:
+ Chủ thể có quyền lực được nhân dân trao cho.
+ Chủ thể thường: chi mua sắm, đấu thầu.

- Các tổ chức kinh tế (trong và ngòai nước):
+ Chủ thể đóng thuế.
+ Chủ thể thụ hưởng: nhận tiền góp vốn của nhà nước.

- Các tổ chức phi kinh doanh
+ Đảng cộng sản, công đòan, Đòan thanh niên: được cấp kinh phí
+ Các tổ chức xã hội nghề nghiệp (chỉ khi được nhà nước giao nhiệm vụ và cấp kinh phí).

- Các cá nhân.

b. Khách thể:

Khách thể của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là tiền và các giấy tờ có giá trị có thể chuyển đổi thành tiền nhằm thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước.

c. Nội dung:

Nội dung của quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước là tổng hợp quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật ngân sách nhà nước do các qui phạm pháp luật ngân sách nhà nước qui định hay thừa nhận và được đảm bảo thực hiện bởi các biện pháp cưỡng chế của nhà nước.

No comments:

Post a Comment