21/08/2014
Giáo trình Luật Bình đẳng giới - Chương I - Khái niệm và những nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới
I. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN LÝ THUYẾT NỮ QUYỀN VÀ LÝ THUYẾT GIỚI

Về lịch sử xuất hiện và phát triển của lí thuyết giới, lí thuyết nữ quyền, nhiều công trình khoa học đã nhận định rằng vấn đề giới, vấn đề nữ quyền bắt đầu được đề cập vào thế kỉ XV trong công trình khoa học của một phụ nữ Pháp là Christine de Pisan (1364 – 1430). Những công trình đầu tiên đề cập đến vấn đề giới có chủ đề: quyền, nghĩa vụ tình dục và sự lên tiếng của dân chúng về vấn đề phụ nữ bị coi là loại người khác biệt vì vị trí xã hội không bình đẳng với nam giới. Sau đó, vào khoảng thế kỉ XVII – XVIII, các công trình khoa học về nữ quyền và về giới bắt đầu phát triển ở Anh. Bên cạnh nhiều công trình xuất bản vô danh, còn có công trình xuất bản của nhiều tác giả mà có thể kể đến là Aphra Behn (1640 – 1689), Mary Astell (1666 – 1731), những người gần đây được nhắc đến như những lý luận gia nữ quyền đầu tiên của Anh.


Những công trình khoa học đề cập đến vấn đề phụ nữ ở thế kỉ XVII bắt đầu phát triển bởi sự thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế, xã hội, chính trị của xã hội Anh lúc bấy giờ mà sự thay đổi lớn nhất trong giai đoạn này là thay đổi về phân công lao động. Hệ thống công nghiệp dựa vào gia đình ngày một suy yếu đi và sự phân công lao động ngày càng phức tạp hơn, những đơn vị sản xuất ngày càng lớn hơn. Lần đầu tiên trong lịch sử có sự phân biệt hai môi trường lao động, đó là môi trường lao động ngoài xã hội và môi trường lao động trong nhà của hộ gia đình. Phụ nữ bị loại trừ khỏi các nghề mà trước đây họ đã từng đảm nhận như buôn bán, in ấn, chế ủ rượu bia, y học. Thậm chí, phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc cũng ngày càng bị hạn chế vào các hoạt động trong nhà. Sau cải cách tôn giáo, các tu viện dành cho nữ, là nơi họ trốn tránh khỏi xã hội thực tại không còn nữa. Số phụ nữ kết hôn tăng và kết hôn trở thành một nhu cầu kinh tế và phụ nữ cũng lệ thuộc vào chồng nhiều hơn trước. Những phụ nữ không kết hôn phải tự kiếm sống không được xã hội tôn trọng. Trong bối cảnh xã hội như vậy, vấn đề vai trò của phụ nữ trở thành một vấn đề xã hội bức xúc và không có gì đáng ngạc nhiên khi nó trở thành chủ đề của các cuộc tranh luận và các công trình nghiên cứu về vai trò của phụ nữ và mối quan hệ giới trong xã hội.


Ở Anh cuối thế kỉ XVIII, tư tưởng nữ quyền theo chủ nghĩa tự do của Chủ nghĩa Khai sáng được vận dụng để lí giải các vấn đề của phụ nữ và nam giới. Cuộc tranh luận nổi tiếng nhất về quyền phụ nữ mang tư tưởng của chủ nghĩa tự do được thể hiện trong cuốn “Sự bênh vực quyền của phụ nữ” (A vindication of the Rights of Women, 1792) của Mary Wollstonecraft (1759 – 1797). Trong tác phẩm này, các tranh luận dựa trên phân tích tâm lí và sự bất lợi về kinh tế của phụ nữ do sự bắt buộc phải phụ thuộc vào đàn ông và sự loại trừ họ khỏi môi trường xã hội. Vị trí thấp kém về pháp luật so với nam giới của phụ nữ cũng là chủ đề được tranh luận nhiều ở Anh. Vào khoảng những năm 1850 và 1860, các cuộc tranh luận về quyền bầu cử của phụ nữ diễn ra rất gay gắt. Cuốn “Sự khuất phục của phụ nữ” (The Subjection of Women, 1869) của John Stuart Mill và vợ ông là Harriet Taylor là sự tranh luận theo hướng tự do cổ điển cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Chính công trình này đã góp phần ủng hộ việc thành lập Hiệp hội Quốc gia về quyền bầu cử của phụ nữ (National Society for Womens Suffrage) và nó cũng gây ảnh hưởng tới các cuộc tranh luận trong Quốc hội về việc cải tổ chế độ bầu cử.

Bên cạnh đó, còn có Hội liên hiệp Quốc gia các hiệp hội vì quyền bầu cử của phụ nữ (National Union of Womens Suffrage Societies – NUWSS) và Liên hiệp tự do của phụ nữ (Womens Freedom League – WFL). Phụ nữ Anh đã giành được quyền bầu cử vào năm 1918.

Trong thời kì này, một số tổ chức tầm quốc gia hoạt động đấu tranh đòi quyền bầu cử cho phụ nữ ra đời và hoạt động mạnh trong đó Hội Liên hiệp xã hội và chính trị của Phụ nữ (Womens Social and Political Union – WSPU) được thành lập ở Anh năm1930, do bà Emmeline và con gái bà khởi xướng và lãnh đạo là tổ chức nổi tiếng nhất của làn sóng nữ quyền lần thứ nhất.

Làn sóng nữ quyền thứ nhất kéo dài suốt từ cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX. Hai thập kỉ đầu của thế kỉ XX (thập kỉ 20 và 30), những hiệp hội đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ ở Anh tập trung vào sáu mục tiêu cụ thể: trả lương bình đẳng, lương hưu cho phụ nữ góa chồng, quyền bình đẳng về vấn đề được bảo vệ, Luật về chống cưỡng hiếp trẻ em, cơ hội dịch vụ dân sự bình đẳng, lương thực cho những người mẹ đơn thân. Trong giai đoạn này thuyết nữ quyền bị phân làm hai hướng là Tân thuyết nữ quyền và Cựu thuyết nữ quyền. Cựu thuyết nữ quyền vẫn tập trung nghiên cứu các vấn đề đã được đề cập từ trước, còn Tân thuyết nữ quyền vận động đòi quyền bảo hiểm nhân thọ cho các bà mẹ và trợ cấp cho gia đình.

Ở Mỹ, vào những năm 1840 chủ nghĩa nữ quyền đã trở thành làn sóng chính trị quan trọng. Phong trào đòi quyền cho phụ nữ phát triển dưới sự lãnh đạo của Elizabeth Cady Stanton và Susan B.Anthony. Phong trào này bắt nguồn từ cuộc vận động chống chế độ nô lệ. Phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ đã thu hút được nhiều tổ chức như Hội đồng phụ nữ Quốc tế (International Council of Women) được thành lập ở thủ đô Washington năm 1888 là một tổ chức nữ quyền lớn nhất và lâu đời nhất thế giới.

Cũng như ở Anh, những thập kỉ cuối của thế kỉ XIX và hai thập kỉ đầu của thế kỉ XX, các tổ chức nữ quyền ở Mỹ hoạt động chủ yếu nhằm đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Hiệp hội Quốc gia Mỹ vì quyền bầu cử cho phụ nữ (National American Womens Suffrage Association – NAWSA) được ra đời vào năm 1890. Hiệp hội này được sự ủng hội của các nhà hoạt động thực tiễn vì quyền bầu cử cho phụ nữ như là Alice Paul. Alice Paul từ Anh trở về Mỹ và thành lập Hội liên hiệp Quốc hội (Congressional Union), sau là Đảng phụ nữ (Women Party) năm 1914.

Các nhà nữ quyền theo chủ nghĩa hòa bình như Jane Addams đã thành lập Đảng Tự do của phụ nữ (Womens Peace Party), sau này là Liên minh Quốc tế phụ nữ vì hòa bình và tự do (Womens International League for Peace and Freedom) năm 1915.

Ở Mỹ vào những năm 1920, 1939, còn có sự phát triển không ngừng của Thuyết nữ quyền xã hội chủ nghĩa và Chủ nghĩa nữ quyền phúc lợi (Welfare feminism). Sự tranh luận của các nhà nữ quyền xã hội chủ nghĩa như Charlotte Perkins Gilman về sự tự do kinh tế của phụ nữ khỏi đàn ông được trình bày trong cuốn “Thế giới do đàn ông tạo ra” (The Man-Made World, 1911). Còn mục đích hoạt động của Chủ nghĩa nữ quyền phúc lợi là chống nghèo đói. Sự đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ đã thành công ở việc bổ sung sửa đổi Điều thứ 19 trong Luật về trao cho phụ nữ quyền bầu cử vào năm 1920. Tại kì họp Quốc hội năm 1923, Đảng Phụ nữ lần đầu tiên đưa ra yêu cầu sửa đổi điều: “ Nam giới và nữ giới trên toàn nước Mỹ có quyền bình đẳng về pháp luật” của Hiếp pháp và điều này đã trở thành trọng tâm của phong trào Tân nữ quyền cuối thập kỉ 1960.

Làn sóng nữ quyền thứ nhất là chủ nghĩa nữ quyền tự do. Lí luận nữ quyền này đòi hỏi quyền tự do cơ bản của cá nhân, ý tưởng giải phóng phụ nữ, đòi hỏi mở rộng những nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng quyền của tất cả mọi công dân. Theo đó, mọi người kể cả đàn ông, phải được hưởng lợi từ các thành quả phát triển, phụ nữ được mở trói, được tự do tìm kiếm sự hoàn thiện cá nhân.

Khó có thể phân biệt một cách rạch ròi đâu là phong trào phụ nữ, đâu là lí thuyết nữ quyền trong chủ nghĩa nữ quyền thế kỉ thứ XVII, XVIII, XIX và đầu thế kỉ XX. Giới học thuật cũng như các nhà hoạt động nữ quyền cho rằng chỉ có thể phân biệt một cách tương đối về mặt thời gian của làn sóng nữ quyền thứ nhất và làn sóng nữ quyền thứ hai bằng sự phân biệt nội dung của phong trào phụ nữ và lí thuyết nữ quyền. làn sóng nữ quyền thứ nhất diễn ra ở Anh và Mỹ vì quyền bầu cử của phụ nữ và đã đạt được kết quả là phụ nữ hai nước này đã được quyền đi bỏ phiếu vào đầu thế kỉ XX.

Làn sóng nữ quyền thứ hai bắt đầu vào khoảng những năm 1960, 1970. Trên nền của thành quả đã đạt được trước đó, các nhà nữ quyền Anh và Mỹ đã mở rộng phạm vi, phân tích sâu sắc hơn về tình trạng lệ thuộc của phụ nữ vào đàn ông, sự áp bức của đàn ông đối với phụ nữ trên nhiều mặt của đời sống xã hội, sự không bình đẳng về giáo dục, sự bị loại trừ về mặt văn hóa, về mặt xã hội khỏi xã hội hiện tại, về sự bất công đối với phụ nữ, sự phân biệt giới tính trong lao động, việc làm không được trả lương, nạo thai, tránh thai, gia đình...

Bởi thực trạng phụ nữ bị áp bức ở nhiều nơi, nhiều xã hội với các nền văn hóa khác nhau nên làn sóng nữ quyền (bao gồm phong trào phụ nữ và thuyết nữ quyền) có nguồn gốc từ Anh và Mỹ đã có ảnh hưởng rất lớn và lan tỏa nhanh sang các nước ở châu lục khác như Châu Á và Châu Phi.

Mặc dù phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ và lí luận nữ quyền thể hiện những tư tưởng giới đã tồn tại lâu trong lịch sử các nước nhưng nghiên cứu về giới xuất hiện như một lĩnh vực nghiên cứu mới, với tư cách là một ngành khoa học mới có thể trả lời được những câu hỏi liên quan đến vấn đề giới, được tranh luận sôi nổi, sâu sắc trong giới khoa học xã hội và được coi là có ý nghĩa quan trọng thì chỉ mới bắt đầu từ những năm 1960, 1970 của thế kỉ XX. Những nghiên cứu này đặc biệt phát triển và thu hút sự say mê của các nhà nghiên cứu ở hầu hết các ngành khoa học xã hội như xã hội học (Oakley, A.Stanley, L.Wise, S...), nhân chủng xã hội học (Linda Gordon; Harahiroko; Rayna R.Reiter; Michelle Zimba-list Rosaldo ...), dân tộc học, sử học (Joan Wallach Scott; Sheila Rowbotham; Renate Bridenthal; Claudi Koons ...), văn hóa học (Michel Foucault, Ellen Dubois, Natalie Zemon Davis ...), tâm lí học (Carol Gilligan; ...) ... Vấn đề giới không chỉ là vấn đề hạn hẹp trong khuôn khổ tranh luận của các ngành khoa học xã hội mà nó còn đòi hỏi cả những minh chứng về mặt sinh học nên không chỉ các nhà nghiên cứu khoa học xã hội quan tâm, mà còn thu hút cả các nhà nghiên cứu tự nhiên như sinh vật học, nhân chủng học giải phẫu (D’Silva, Julia Kristeva, Laura Mulvey, Rowena Chapman, Jonathan Rutherford) cũng đóng góp nhiều công trình khoa học quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu giới và quan hệ giới này.

Vấn đề phụ nữ, giới và sự phát triển của thuyết nữ quyền ở tất cả các nước đan xen chặt chẽ với lịch sử của các phong trào dân tộc, các phong trào đòi sự bình đẳng và chính quyền tự do. Các cuộc vận động nữ quyền được hoạt động theo thứ tự ưu tiên của dân tộc và chính trị dân tộc. Các thuyết nữ quyền đa dạng về lịch sử, về văn hóa, nhưng nó có chung những mục đích chính trị trên toàn thế giới là đạt được sự bình đẳng giới và công bằng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tuy nhiều khái niệm, quan niệm của các lí thuyết nữ quyền phương Tây không thể áp dụng rập khuôn vào tình hình của các nước đang phát triển, nhưng vấn đề giới và quan hệ giới là vấn đề xuyên suốt, là nội dung chung của các phong trào, các lí thuyết nữ quyền của làn sóng nữ quyền thứ nhất, làn sóng nữ quyền thứ hai và làn sóng nữ quyền thứ ba ở cả các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển.

Làn sóng nữ quyền thứ ba là giai đoạn mới trong lịch sử lí thuyết nữ quyền. Nó bắt đầu từ những năm 1980 với những lí thuyết của các nhà nữ quyền thuộc các chủng tộc, giai cấp khác nhau và trật tự thế giới hoàn toàn vẫn khác nhau của xã hội mà họ sống. Các lí luận gia của làn sóng nữ quyền thứ ba có nguồn gốc xuất thân đa dạng khác nhau về chủng tộc, giới tính, giai cấp... như có người là phụ nữ Mỹ gốc châu Phi như Brewer, Golder, James và Ousia, ... phụ nữ châu Á, người Nhật Bản như Iwao và Ueno Chixuko, Osawa Mari, phụ nữ Mỹ La tinh như Garcia, Hardy Fanta, phụ nữ thổ dân như Allen, và nam giới như Sechiyama Keru... Họ đã xuất phát từ thực tế kinh nghiệm, cuộc sống thực của bản thân, của những người cùng chủng tộc cùng dân tộc hay cùng giai cấp với họ hoặc có nền văn hóa tương tự như nhau.

Hiện nay, làn sóng nữ quyền thứ ba cùng tồn tại với các lí thuyết nữ quyền làn sóng thứ hai trong các xã hội với các nền văn hóa khác nhau. Làn sóng nữ quyền thứ ba thể hiện tính toàn cầu hóa của lí luận nữ quyền.

Các nhà lí luận nữ quyền làn sóng thứ ba phê phán các nhà lí luận nữ quyền khác không đưa vào hệ thống lí luận sự đa dạng của các chỉ báo bất bình đẳng giới, áp bức giới. Quan tâm chủ yếu của làn sóng nữ quyền thứ ba là những khác biệt giữa phụ nữ với phụ nữ. Các nhà lí luận nữ quyền làn sóng thứ ba không những phân tích vấn đề giới sâu hơn mà còn mở rộng các vấn đề mà làn sóng nữ quyền thứ hai đã đưa ra phân tích lí giải.Làn sóng nữ quyền thứ ba phân tích vấn đề bất bình đẳng thuộc nhóm phụ nữ đặc quyền, nhóm phụ nữ bị gạt ra khỏi lề cuộc sống từ góc độ chủng tộc, dân tộc, giai cấp. Đặc biệt lí thuyết của làn sóng nữ quyền thứ ba đưa ra quan điểm “không phải tất cả khổ đau đều như nhau”, tập trung vào các vấn đề như: đưa ra bức tranh đa dạng về hoàn cảnh phụ nữ trên toàn thế giới, sự khác biệt về giai cấp, chủng tộc, dân tộc, văn hóa...; luận bàn và xem xét lại khái niệm cơ bản của các lí thuyết nữ quyền đang thịnh hành hiện nay trên cơ sở sự phát triển của xã hội cùng với sự phân tích sâu sắc các hiện tượng xã hội, nhất là các hiện tượng thuộc về quan hệ giới; đưa ra các chỉ báo về sự lệ thuộc của phụ nữ vào nam giới, nêu lên tình trạng đặc quyền và bất bình đẳng, áp bức trên cơ sở giới, giai cấp, chủng tộc, dân tộc, lứa tuổi và vị trí toàn cầu v.v...

Các lí thuyết thuộc về làn sóng nữ quyền thứ ba gồm có: lí thuyết nữ quyền phụ nữ da đen, lí thuyết nữ quyền phụ nữ thế giới thứ ba, lí thuyết nữ quyền phụ nữ và phát triển, lí thuyết giới và sự phát triển, trong đó hai lý thuyết sau là quan trọng hơn cả.

Vào những năm 1970, các nhà lí luận nữ quyền bắt đầu quan tâm đến vấn đề phát triển. Khung lí luận nữ quyền dựa vào các giả định khác nhau về cơ sở sự lệ thuộc của phụ nữ. Các nhà lí luận nữ quyền nêu lên những câu hỏi và đưa vào những khái niệm khác nhau để kiểm chứng sự bất bình đẳng của phụ nữ. Họ đã đưa ra những kiến nghị, những chiến lược khác nhau để thay đổi hiện trạng bất bình đẳng đó.

Các nhà lí luận nữ quyền đã kết hợp các lí thuyết nữ quyền với các lí luận về hiện đại hóa và lí luận về sự phụ thuộc để tạo ra khung lí luận về nữ quyền và phát triển.

Hầu hết các lí thuyết nữ quyền và lí thuyết phát triển có nguồn gốc ở phương Tây, và được áp dụng ở các nước đang phát triển đã góp phần vào việc thực hiện các chính sách phát triển ở các nước này. Cho nên có thể nói rằng lịch sử tư tưởng lí luận về giới và phát triển được đan xen với lịch sử của sự can thiệp chính sách ở các nước đang phát triển và lịch sử của sự phát triển phụ nữ trên khắp thế giới. Sự phát triển này được các nhà lí luận phương Tây nhận diện với sự hiện đại hóa. Để khẳng định sự ưu việt hơn hẳn về kĩ thuật, các chuyên gia phát triển của phương Tây định nghĩa hiện đại hóa tức là phương Tây hóa. Họ cho rằng sự phát triển được nhận diện bằng sự hiện đại hóa và đó là sự tiếp nhận toàn bộ kĩ thuật phương Tây, thể chế phương Tây và niềm tin cũng phương Tây.

Nhưng vào những năm 1970, các nhà lãnh đạo thuộc các nước đang phát triển và các chuyên gia phát triển phương Tây cho rằng chính sách phát triển phương Tây có thể làm kinh tế của các nước đang phát triển ở vào thế dễ bị sụp đổ. Nhà lí luận nữ quyền Ester Boserup đã cho ra mắt cuốn sách có nhan đề “Vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế” (Womens Role in Economic Development, 1970). Nội dung sách tập trung phân tích ảnh hưởng của các dự án phát triển đối với phụ nữ ở các nước đang phát triển. Boserup đã khám phá ra rằng hầu hết các dự án phát triển đều bỏ qua phụ nữ và rất nhiều dự án khác, đặc biệt là những dự án về kĩ thuật tinh xảo đã hạn chế các cơ hội, sự tự chủ về kinh tế của phụ nữ. Đồng thời, tác giả cũng đã chỉ ra các cơ hội tập huấn về kĩ thuật mới, kĩ thuật tiên tiến thường chỉ dành cho nam giới. Điều đó có nghĩa là những dự án “hiện đại” đã chỉ cải thiện cơ hội và kiến thức cho nam giới và đã làm giảm sự tiếp cận của phụ nữ với kĩ thuật và việc làm.

Công trình nghiên cứu của Boserup thực sự đã thách thức quan điểm cho rằng những lợi ích thu được từ những dự án phát triển sẽ tự động làm lợi cho phụ nữ và các nhóm yếu thế khác trong các quốc gia phát triển và quan điểm cho rằng hiện đại hóa sẽ tự động làm tăng sự bình đẳng giới.

Công trình này đã rung hồi chuông cảnh báo về mối quan hệ giữa bình đẳng giới và phát triển đối với các lí luận gia về giới và các nhà hoạch định chính sách phát triển ở các quốc gia đang phát triển và hầu hết những người quan tâm đến vấn đề giới. Đó là một vấn đề mà mọi người đều biết đến và từ đó có những phản ứng thích hợp trong các hoạt động thuộc lĩnh vực của mình.

Những phụ nữ Mỹ tham gia vào những vấn đề phát triển đã bắt đầu sử dụng thuật ngữ “Phụ nữ trong Phát triển” (Women in Development – WID) và vận động hành lang để đưa ra những bằng chứng để các nhà hoạch định chính sách Mỹ lưu ý và cố gắng gây ảnh hưởng tới các tổ chức chính sách phát triển quốc tế. “Phụ nữ trong Phát triển” chính là khung lý luận đầu tiên về nữ quyền và phát triển.

Vào những năm 1980, các lí luận gia nữ quyền và các lí luận phát triển hoài nghi với quan điểm  WID “Phụ nữ trong Phát triển”. Họ chỉ trích rằng quan điểm này đều không đề cập đến những yếu tố cơ bản đã sinh ra và duy trì sự bất bình đẳng giới.

Các học giả và các nhà hoạt động xã hội đã chuyển sang quan điểm “Giới và phát triển” (Gender and Development – GAD). Quan điểm này xuất hiện vào những năm 1980 như quan điểm thay thế quan điểm WID. Quan điểm GAD được ra đời từ các trải nghiệm có tính tổ chức và từ các công trình lí luận của các lí luận gia thuộc các nước đang phát triển và các lí luận gia nữ quyền xã hội chủ nghĩa. “Giới và phát triển” (Gender and Development – GAD) là khung lý luận thứ hai của lý thuyết nữ quyền và phát triển.

Trong suốt hơn 100  năm các nhà lí luận, các nhà hoạt động nữ quyền đã đấu tranh bền bỉ cho bình đẳng giới, cho giải phóng phụ nữ khỏi mọi áp bức về mọi mặt văn hóa, kinh tế, chính trị... trong xã hội nam trị, đã có rất nhiều công trình khoa học mang tính lí luận cao. Các công trình khoa học đó đã tạo thành các luồng tư tưởng, luồng lí luận khác nhau về vấn đề giới, vấn đề nữ quyền như: lí thuyết nữ quyền tự do, lí thuyết nữ quyền xã hội chủ nghĩa, lí thuyết nữ quyền phúc lợi.... Các lí thuyết nữ quyền gắn với quan điểm phát triển bao gồm: Phụ nữ trong Phát triển (Women in Development – WID), Giới và Phát triển (Gender and Development – GAD). Các lí thuyết mới đánh giá quan hệ giới có sự áp bức giới do phân biệt chủng tộc, dân tộc, vị trí trong thế giới toàn cầu như: lí thuyết nữ quyền phụ nữ da đen, lí thuyết nữ quyền của thế giới thứ Ba.

Các lí thuyết nữ quyền trên được xây dựng trên cơ sở của các học thuyết xã hội lớn và các minh chứng của khoa học tự nhiên nên đã có thể lí giải được các vấn đề giới, bất bình đẳng giới, nữ quyền... của xã hội hiện tại cũng như của các xã hội trước đó mà các học thuyết xã hội khác đã không giải đáp được. Hoàn cảnh thực tiễn của các xã hội luôn thay đổi làm cho tất cả các lí thuyết này luôn được bổ sung và hoàn thiện trong lịch sử phát triển của chúng.

II. KHÁI NIỆM GIỚI VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA GIỚI

1. Khái niệm giới tính và đặc điểm của giới tính

a. Khái niệm giới tính

Khái niệm “giới tính” (giống, sex) được dùng để chỉ các đặc điểm sinh học của nam và nữ. Ví dụ, phụ nữ khắp nơi trên thế giới và từ xưa tới nay đều có khả năng sinh con và cho con bú bằng sữa mẹ. Còn nam giới từ xưa tới nay và ở mọi nơi trên thế giới đều có thể làm thụ thai.

Điều 5 Khoản 2 Luật Bình đẳng giới quy định: “Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam, nữ”.

b. Các đặc điểm của giới tính

Giới tính chủ yếu gắn với quá trình tái sản xuất ra con người. Giới tính có các đặc điểm sau:

- Giới tính mang đặc trưng sinh học, được hình thành một cách tự nhiên, mang tính chất bẩm sinh. Giới tính là sản phẩm của quá trình di truyền, tiến hóa sinh học rất lâu dài. Ví dụ phụ nữ thường không có ria mép, bộ não trung bình nặng 1263g, có buồng trứng và tử cung; nam giới thường có ria mép, bộ não trung bình nặng 1409g, có tinh trùng...

- Giới tính có đặc điểm đồng nhất. Ở mọi nơi trên thế giới các đặc điểm sinh học của nam và nữ đều giống nhau. Ví dụ, ở khắp mọi nơi trên thế giới phụ nữ đều có thể sinh con và cho con bú...

- Giới tính không thể thay đổi, vận động. Ví dụ chỉ có phụ nữ mới sinh con và cho con bú, còn nam giới có thể làm thụ thai.

- Giới tính nam và giới tính nữ không thể thay đổi cho nhau trong một quan hệ xã hội nhất định.

2. Khái niệm giới và đặc điểm của giới

a. Khái niệm giới

Trên thế giới, thuật ngữ “giới” theo tiếng Anh là “gender” mới bắt đầu được sử dụng trong các tài liệu khoa học xã hội của một số công nghiệp tiên tiến cách đây chưa đầy 30 năm. Thuật ngữ “giới” mới được du nhập vàoViệt Nam khoảng 20 năm trở lại đây.

Khái niệm “giới” ban đầu xuất phát từ khái niệm “Phụ nữ trong phát triển” (Women in development - WID). Đây là quan điểm được tính đến trong chính sách và chương trình kinh tế-xã hội của một số nước đang phát triển vào cuối những năm 1970 đầu những năm 1980.

Quan điểm “Phụ nữ trong phát triển” đòi hỏi phải thu hút sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào quá trình phát triển với tư cách là người thụ hưởng và người thực hiện mục tiêu phát triển. Quan điểm này xuất phát bằng việc chấp nhận (mà không phê phán) các cấu trúc xã hội hiện có, và chỉ chú trọng tới việc làm thế nào để phụ nữ có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động phát triển hiện tại. Quan điểm này đưa ra các biện pháp chiến lược như: xây dựng các dự án chỉ dành riêng cho phụ nữ, chú trọng tới hoạt động đào tạo, huấn luyện và công việc sản xuất của phụ nữ - thường thông qua các dự án tín dụng và tăng thu nhập. Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ ba tổ chức tại Nairobi năm 1985 đã thể hiện rõ quan điểm WID qua việc áp dụng chiến lược nâng cao vị thế của phụ nữ trong thập kỷ tiếp theo. Kết quả của việc áp dụng quan điểm WID là rõ ràng, ví dụ mức sinh của phụ nữ giảm, tỷ lệ tử vong của người mẹ giảm, tuổi thọ của phụ nữ tăng.

Tuy nhiên, quan điểm WID bị phê phán là quá nhấn mạnh vào phụ nữ, vô hình chung đã làm tăng gánh nặng cho phụ nữ: họ vừa phải tham gia lao động xã hội, vừa phải thực hiện các vai trò khác nhau trong tái sản xuất xã hội. Ví dụ, ở Việt nam trong một thời gian dài, phụ nữ được coi là đối tượng chính của các chiến dịch tuyên truyền thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Tỷ lệ phụ nữ đang có chồng chấp nhận đặt vòng tránh thai tăng mạnh trong những năm 1980-1990. Điều này đã tạo ra quan niệm không đúng rằng vấn đề kế hoạch hoá gia đình là vấn đề của phụ nữ. Như vậy, quan điểm “Phụ nữ trong phát triển” coi phụ nữ là những đối tượng thụ hưởng bị động của qua trình phát triển, và các vấn đề mà phụ nữ quan tâm được xem xét một cách độc lập và được coi là các vấn đề riêng biệt. Phương pháp này chưa giải quyết được các nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất bình đẳng giới.

Vào giữa những năm 1990 quan điểm WID được đổi mới bằng cách nhấn mạnh sự công bằng giới (Gender equity) và tăng quyền năng của phụ nữ (Women’s empowerment). Những đổi mới này đã giúp quan điểm WID chuyển trọng tâm từ vấn đề phụ nữ sang vấn đề giới, từ người hưởng lợi thụ động sang người tiếp cận và sử dụng bình đẳng với nam giới các nguồn lực và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.

Sau Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ IV về phụ nữ họp tại Bắc Kinh vào năm 1995, quan niệm về giới đã có bước phát triển mới về lí luận, biểu hiện ở việc làm sánh tỏ mục đích và phương tiện: sự công bằng giới (Gender equity) là phương tiện để đạt mục đích bình đẳng giới (Gender equality). Bình đẳng giới lại là phương tiện để cải thiện phúc lợi của nữ giới và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai. Ví dụ, theo quan điểm này, bình đẳng giới trong kinh tế đòi hỏi phải thừa nhận và đối xử bình đẳng giữa nam và nữ trong tiếp cận các nguồn lực và việc làm. Kết quả của sự phát triển này là hình thành quan điểm mới: “Giới và phát triển” (Gender anh development viết tắt là GAD) thay thế quan điểm WID.

Quan điểm GAD thay vì chỉ tập trung vào phụ nữ, đã quan tâm đến mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới, đối mặt với sự bất bình đẳng về quyền lực và trong việc ra quyết định, tìm cách giải quyết các nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất bình đẳng giới, đáp ứng những trải nghiệm cuộc sống khác nhau của nam giới và phụ nữ thông qua việc xem xét và giải quyết vấn đề giới với sự tham gia của cả nữ và nam trong tất cả các phương diện của sự phát triển từ kinh tế, giáo dục, chính trị đến sức khoẻ nhằm bảo đảm rằng mọi thành viên trong xã hội được thụ hưởng thành quả phát triển một cách bình đẳng. Một phát hiện quan trọng của việc áp dụng quan điểm GAD là vấ đề giới không phải là vấn đề của phụ nữ hay là vấn đề về phụ nữ, mà vấn đề giới có thể là vấn đề của nam giới nhưng nữ giới là người gánh chịu hậu quả. Ví dụ bạo lực giới trong gia đình là vấn đề “vũ phu” do nam giới thiếu văn hoá hoặc đơn giản là do nghiện rượu hoặc nam giới bị thất nghiệp không có thu nhập, và tác hại của sự vũ phu là hành vi bạo lực gây tổn thương tới sức khoẻ của người phụ nữ.

Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, hình thành quan điểm GM là quan điểm mới về giới và phát triển. Quan điểm này đòi hỏi phải có chiến lược mới để tăng cường bình đẳng giới tiến tới nâng cao phúc lợi giới, đã xuất hiện tiếp cận giới nhấn mạnh vào quyền con người của nữ giới và nam giới. Theo đó, bình đẳng giới chỉ có thể đạt được với sự tham gia của nữ giới và nam giới. Đặc biệt là sự hình thành cả một chiến lược đưa vấn đề giới thành xu thế chủ đạo của sự phát triển, gọi là “xu thế chủ đạo giới” (Gender mainstreaming) hay là “lồng ghép giới” (Gender integration), có nghĩa là chiến lược nhằm đặt được sự bình đẳng giới trên phạm vi sâu rộng của đời sống xã hội bằng cách đưa các yếu tố giới vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

Như vậy, theo quan điểm xã hội học, “giới” dùng để chỉ các đặc điểm, vị trí, vai trò và mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ. Hay nói cách khác, giới là sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới trong quan hệ xã hội.Ví dụ, trong các xã hội mà quan hệ nam nữ không bình đẳng, nam giới thường làm nhiệm vụ quản trị, còn phụ nữ thường làm nhiệm vụ thừa hành, hoặc phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ và phụ thuộc nam giới về mặt kinh tế, còn nam giới tham gia các hoạt động xã hội và quyết định các vấn đề quan trọng trong gia đình. Nói đến mối quan hệ giới là nói đến cách thức phân định xã hội giữa nam và nữ, liên quan đến hàng loạt các vấn đề thuộc về thể chế và xã hội, chứ không phải là mối quan hệ cá biệt giữa một nam giới và một phụ nữ nào đó.

Ở Việt nam, trong lĩnh vực pháp lý, khái niệm "đàn bà”, “đàn ông”, “trai”, “gái”, “nam”, “nữ” , “phụ nữ”, “nam giới”… đã được sử dụng trong các bản Hiến pháp cũng như nhiều văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, khái niệm “giới” lần đầu tiên được quy định tại Luật Bình đẳng giới năm 2006 được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực từ ngày 01/07/2007.

Theo Khoản 1 Điều 5 Luật Bình đẳng giới: “Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội”. 

b. Các đặc điểm của giới

Giới là các đặc điểm, vị trí, vai trò xã hội của nam và nữ trong các mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ, do đó, giới có các đặc điểm sau:

- Giới được hình thành từ các quan điểm, quan niệm xã hội chứ không tự nhiên sinh ra. Giới là sản phẩm của xã hội và hình thành trong môi trường xã hội. Ví dụ: từ khi sinh ra, trẻ nam đã được dạy dỗ theo quan niệm con trai thì không được khóc, không được chơi búp bê, phải dũng cảm; con gái phải dịu dàng, phải giúp mẹ làm công việc nội trợ. Như vậy, sở dĩ phụ nữ thường làm nội trợ không phải vì họ là phụ nữ, mà vì họ đã được dạy bảo để làm việc đó từ khi còn nhỏ. Có những địa phương lại quan niệm phụ nữ phải đi cấy, làm việc nặng, còn đàn ông ở nhà chăm sóc con cái và làm nội trợ.

- Giới có tính đa dạng. Ví dụ như phụ nữ ở các quốc gia Hồi giáo thường chỉ ở trong nhà làm công viêc nội trợ và phụ thuộc hoàn toàn vào nam giới; nhưng tại các quốc gia châu Á, phụ nữ lại đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và đảm đương nguồn thu nhập chính của gia đình; còn tại các quốc gia phát triển phương Tây, phụ tham gia nhiều vào các hoạt động cộng đồng, tham gia quản lý kinh tế, hoạt động lãnh đạo…

- Giới luôn thay đổi và vận động không ngừng theo thời gian và không gian. Điều kiện kinh tế - xã hội nào thì quy định sự khác biệt về giới trong xã hội đó. Khi điều kiện kinh tế- xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, đạo đức cũng như thể chế xã hội (bao gồm pháp luật, đường lối, chủ trương, chính sách) thay đổi (theo không gian và thời gian) thì quan hệ giới cũng được hình thành khác nhau. Ví dụ: trước đây, ở các nước phương Tây chỉ có nam giới mới tham gia công việc xã hội và làm công tác quản lý, còn phụ nữ ở nhà nội trợ; ngày nay nam giới và phụ nữ đều tham gia công tác xã hội và san sẻ công việc gia đình, làm nội trợ và chăm sóc con cái.

- Giới nam (đặc điểm, vị trí, vai trò của nam trong quan hệ xã hội) và giới nữ (đặc điểm, vị trí, vai trò của nữ trong quan hệ xã hội) có thể thay đổi vai trò trong một quan hệ xã hội. Ví dụ, trong gia đình phụ nữ thường đảm nhận công việc nội trợ nhưng nam giới cũng có thể giặt giữ, chăm sóc con cái và nấu ăn...; ngoài xã hội phụ nữ thường đóng vai trò là cấp dưới và là  người thừa hành nhưng phụ nữ cũng có thể giữu các cương vị như tổng thống, chủ tịch nước hay chủ tịch hội đồng quản trị.

Sự phân biệt hai khái niệm “giới tính” và “giới” nhằm phân biệt hai loại đặc điểm của phụ nữ và nam giới: một loại đặc điểm do yếu tố sinh học quy định - đặc điểm giới tính, loại đặc điểm thứ hai do quan niệm xã hội và sự phân công lao động xã hội tạo nên. Từ đó, muốn đạt đến vấn đề bình đẳng giới tức là bình đẳng xã hội giữa nam và nữ vấn đề không phải là thay đổi các đặc điểm về giới tính, mà cần phải thay đổi quan niệm về vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới cũng như thay đổi cách phân công lao động trong gia đình và xã hội.

Trên thực tế, chúng ta chỉ có thể tác động làm thay đổi các đặc điểm và tính chất về “giới” chứ không thể làm biến đổi các đặc điểm và tính chất về “giới tính”. Ví dụ, việc mang thai và sinh con là chức năng về đặc điểm giới tính của phụ nữ, nhưng sự buồn khổ do việc sinh con gái và sự vui mừng do sinh con trai lại do yếu tố giới gây ra – nơi nào đề cao giá trị của con trai và coi thường con gái thì mới có sự đau khổ vì chỉ sinh được con gái mà không sinh được con trai. Từ đó, muốn hạn chế việc nạo phá thai liên quan đến giới tính thì phải tác động đến yếu tố giới: phải xây dựng quan điểm đối xử bình đẳng giữa con gái và con trai, nghiêm cấm các hành vi dẫn đến phân biệt đối xử với phụ nữ.

III. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA BÌNH ĐẲNG GIỚI

1. Khái niệm bình đẳng giới

Quan điểm “nam nữ bình quyền” của Đảng và Bác Hồ đã được xác định từ Cương lĩnh năm 1930, là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của Cách mạng Việt nam, tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết của Đảng trong các nhiệm kỳ, được thể chế hóa trong các bản Hiến pháp và nhiều văn bản Luật.

“Bình đẳng giới” là thuật ngữ mới trong xã hội hiện đại, về thực chất không ra khỏi nội dung của vấn đề bình đẳng nam nữ, là mục tiêu và thước đo trình độ phát triển của xã hội.

Bình đẳng giới theo quan niệm xã hội học là sự đối xử ngang quyền giữa hai giới nam và nữ, cũng như giữa các tầng lớp phụ nữ trong xã hội, có xét đến đặc điểm riêng của nữ giới, được điều chỉnh bởi các chính sách đối với phụ nữ một cách hợp lý. Hay nói cách khác, bình đẳng giới là sự thừa nhận, sự coi trọng ngang nhau đối với các đặc điểm giới tính và sự thiết lập các cơ hội ngang nhau đối với nữ và nam trong xã hội.

Theo Điều 5 Khoản 3 Luật Bình đẳng giới, “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.

Bình đẳng giới thể hiện ở nhiều mặt:

- Nữ và nam có điều kiện ngang nhau để phát huy hết khả năng và thực hiện các mong muốn của mình.

- Nữ và nam có cơ hội ngang nhau để tham gia, đóng góp và thụ hưởng các nguồn lực của xã hội trong quá trình phát triển.

- Nữ và nam có các quyền lợi ngang nhau trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Như vậy, bình đẳng giới không chỉ đơn giản là số lượng của phụ nữ và nam giới, hay trẻ em trai và trẻ em gái tham gia trong tất cả các hoạt động là như nhau, cũng không có nghĩa là nam giới và phụ nữ giống nhau, mà bình đẳng giới có nghĩa là nam giới và phụ nữ được công nhận và hưởng các vị thế ngang nhau trong xã hội, đồng thời, sự tương đồng và khác biệt giữa nam và nữ được công nhận. Từ đó nam và nữ có thể trải nghiệm những điều kiện bình đẳng để phát huy đầy đủ các tiềm năng của họ, có cơ hội để tham gia, đóng góp và hưởng lợi bình đẳng từ công cuộc phát triển của quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội.

Bình đẳng giới vừa là vấn đề cơ bản về quyền con người vừa là yêu cầu về sự phát triển công bằng, hiệu quả và bền vững.

Để biết mức độ bình đẳng giới trong quá trình phát triển, Liên hợp quốc sử dụng một thước đo là “chỉ số phát triển giới” (Gender Development Index - GDI). GDI được lần đầu tiên được sử dụng tại Báo cáo phát triển người năm 1995.

Chỉ số phát triển giới (GDI) là số liệu tổng hợp phản ánh thực trạng bình đẳng giới, được tính trên cơ sở tuổi thọ trung bình, trình độ giáo dục và thu nhập bình quân đầu người của nam và nữ (Điều 5 Khoản 9 Luật Bình đẳng giới).

Chỉ số phát triển giới (GDI) càng tiến tới bằng 1 thì càng bình đẳng, và càng lùi về 0 thì càng bất bình đẳng. Năm 1995, Việt Nam có GDI=0,537 xếp vị trí thứ 74/130 nước; năm 1999, Việt Nam có GDI=0,662 xếp ở vị trí thứ 91/174 nước, trong đó nước có GDI cao nhất là Canada (DGI=0,928); năm 2005 GDI của Việt Nam là 0,702 đứng thứ 83/140 nước.

Mặt trái với bình đẳng giới là “định kiến giới”, là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ (Điều 5 Khoản 4 Luật Bình đẳng giới).

Do các định kiến giới dẫn đến sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ, cũng như sự phân biệt đối xử về giới. “Phân biệt đối xử đối với phụ nữ” là bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hay hạn chế nào dựa trên cơ sở giới tính có tác dụng hoặc nhằm mục đích làm tổn hại hoặc vô hiệu hoá việc phụ nữ được công nhận, hưởng thụ hay thực hiện một cách bình đẳng các quyền con người và những quyền tự do cơ bản trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự và các lĩnh vực khác, bất kể tình trạng hôn nhân của họ (Điều 1 Công ước Liên hợp quốc về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ CEDAW). Theo Điều 5 Khoản 5 Luật Bình đẳng giới, "Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình".

2. Đặc điểm của bình đẳng giới

- Tính ngang quyền: để đạt được bình đẳng giới, phụ nữ cần được tạo điều kiện và cơ hội ngang bằng nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ví dụ, cần có quy định như nhau (bình đẳng), chung cho phụ nữ và nam giới về hưởng thụ các quyền và gánh vác các nghĩa vụ.  Đây là các quy định bình đẳng mang tính tối thiểu, không thể thiếu để đảm bảo về mặt pháp lý quyền bình đẳng nam nữ (công dân nam và nữ đều có quyền bầu cử, ứng cử; có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật; có quyền tự do kết hôn và tự do ly hôn...)

- Tính ưu đãi: do đặc điểm sinh học và truyền giống của phụ nữ khác biệt so với nam giới, để đạt được bình đẳng giới cần có sự đối xử ưu đãi, khuyến khích đặc biệt và hợp lý đối với phụ nữ. Ví dụ phụ nữ phải đảm nhận chức năng sinh đẻ và nuôi con nhỏ, vì vậy pháp luật lao động quy định khi nữ lao động nghỉ thai sản họ vẫn được hưởng nguyên lương đồng thời được trợ cấp thai sản.

- Tính linh hoạt: sự đối xử ưu đãi với phụ nữ cần được điều chỉnh linh hoạt trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, không mang tính bất biến. Ví dụ, do đặc điểm sinh học của phụ nữ nên phụ nữ thường có thể chất yếu hơn và sức chịu đựng kém hơn so với nam giới, vì vậy pháp luật các nước đều có quy định cấm tuyển dụng nữ lao động trong các nghành nghề lĩnh vực nguy hiểm, nặng nhọc. Tuy nhiên, khi khoa học kỹ thuật phát triển, điều kiện lao động được cải thiện, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp nhằm loại bỏ quy định cấm này đối với các nghành nghề, lĩnh vực đã được cải thiện điều kiện lao động, để tạo thêm cơ hội có việc làm cho phụ nữ.

- Tính phân loại: bình đẳng giới không chỉ được xem xét vị thế của phụ nữ và nam giới trong xã hội mà còn được xem xét giữa các tầng lớp phụ nữ thuộc các thành phần xã hội khác nhau trong các vùng lãnh thổ khác nhau, trong phạm vi quốc gia và trên thế giới. Ví dụ quy định tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với phụ nữ, thì mặt bằng chung này có thể có lợi cho nữ giới lao động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy...nhưng lại bất lợi đối với nữ giới ở khu vực lao động nặng nhọc, phụ nữ nông thôn và phụ nữ trong khu vực kinh tế phi tiền tệ (nội trợ). Như vậy, quy định trên chỉ đem lại mặt bằng ưu tiên hạn hẹp, dẫn đến làm dãn khoảng cách đối xử và tạo ra phân biệt đối xử trong nữ giới nói chung.

IV. CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

Nguyên tắc của bình đẳng giới là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo quán triệt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới quy định các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới tại Điều 6 như sau:

- Nam , nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội và gia đình

- Nam , nữ không bị phân biệt đối xử về giới

- Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới

- Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới

- Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật

- Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.

Nội dung của các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới thể hiện qua quan điểm pháp luật của Đảng, của Nhà nước ta đối với nhiệm vụ và chức năng của các thanh viên trong xã hội, các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện bình đẳng giới, là thước đo của xã hội phát triển văn minh. Các quy phạm pháp luật bình đẳng giới thể hiện đúng nội dung của các nguyên tắc đó.

1. Nguyên tắc nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình

Sự bất bình đẳng đầu tiên trong xã hội loài người là sự bất bình đẳng nam nữ. Nếu trong thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ công việc tề gia nội trợ của người phụ nữ được coi là công việc xã hội và do vậy người đàn bà được bình đẳng với người đàn ông thì đến thời kỳ tiếp theo đó lại hoàn toàn khác hẳn. Với sự xuất hiện của cải dư thừa, chế độ tư hữu xuất hiện, và xuất hiện gia đình cá thể  trong đó người đàn ông trở thành ông chủ, người đàn bà là nô lệ, là tài sản cho người đàn ông. Công việc tề gia nội trợ không còn là công việc xã hội nữa. Nó chỉ hạn chế trong từng gia đình, phục vụ cho người chồng, cho sự thống trị, cho việc duy trì chế độ tư hữu-nguồn gốc của sự bất công, bất bình đẳng trong gia đình và xã hội.

Khi xã hội loài người chuyển sang các hình thái tiến bộ hơn như chế độ phong kiến rồi chế độ tư bản chủ nghĩa, vẫn còn bất bình đẳng nam nữ trên thực tế với nhiều lý do, trong đó có định kiến xã hội và tư tưởng trong nam khinh nữ.

Ở Việt nam, mục tiêu bình đẳng nam nữ (nam, nữ bình quyền) đã được đưa ra từ Chánh cương vắn tắt của Đảng và Bác Hồ từ năm 1930, được nêu trong các văn kiện Đại hội Đảng, được thể chế hoá trong các bản Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác như Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự….

Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã quy định tại Điều 1: “Nhà nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Tại Điều 6: "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội” và tại Điều 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.

Quy định về bình đẳng nam nữ được kế thừa trong các bản Hiến pháp 1959, 1980 và 1992. Theo Điều 63 Hiến pháp 1992, “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Còn trong gia đình “Vợ chồng bình đẳng” (Điều 64 Hiến pháp 1992).

Cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp 1992, Điều 6 Khoản 1 Luật Bình đẳng giới quy định nguyên tắc nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Đồng thời, tại các Điều từ Điều 11 đến Điều 18 Luật đã quy định cụ thể các lĩnh vực bình đẳng nam nữ như lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa thông tin thể dục thể thao, y tế và trong gia đình.

Bình đẳng nam nữ có nghĩa là quyền và nghĩa vụ của nam và nữ được quy định như nhau trong pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như trong gia đình. Tuy nhiên, từ bình đẳng trước pháp luật đến bình đẳng trong thực tế đời sống còn cả một đoạn đường dài. Sự bình đẳng phải được ghi nhận và từng bước được củng cố với sự phát triển của xã hội, tạo cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội cho việc thực hiện bình đẳng hoàn toàn giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng.

2. Nguyên tắc nam nữ không bị phân biệt đối xử về giới

Nguyên tắc nam nữ không bị phân biệt đối xử về giới được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Luật bình đẳng giới. Nguyên tắc này có nội dung không trùng với nguyên tắc nam nữ bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trong gia đình.

Viêc quy định nam nữ hưởng quyền và gánh vác trách nhiệm ngang nhau trong pháp luật là nhằm bảo vệ và thực hiện bình đẳng nam nữ trên thực tế đời sống. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các hành vi tạo nên sự bất bình đẳng nam nữ đều được loại trừ. Chính vì vậy cần đưa ra nguyên tắc nam nữ không bị phân biệt đối xử về giới và những quy phạm cụ thể khác quy định về cơ chế thực thi và thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế.

Vì đặc điểm giới tính của phụ nữ, nên trên thực tế, phụ nữ thường là bên yếu thế trong quan hệ giới, và từ đó, họ thường phải chịu thiệt thòi hơn so với nam giới. Và các hành vi phân biệt đối xử thường chống lại phụ nữ hơn là nam giới. Do đó, CEDAW (Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ) tại Điều 1 đã định nghĩa“Phân biệt đối xử đối với phụ nữ là bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hay hạn chế nào dựa trên cơ sở giới tính có tác dụng hoặc nhằm mục đích làm tổn hại hoặc vô hiệu hoá việc phụ nữ được công nhận, hưởng thụ hay thực hiện một cách bình đẳng các quyền con người và những quyền tự do cơ bản trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự và các lĩnh vực khác, bất kể tình trạng hôn nhân của họ và trên cơ sở bình đẳng với nam giới”.

Theo Điều 5 Khoản 5 Luật Bình đẳng giới đã đưa ra khái niệm “Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Như vậy khái niệm trên thể hiện cách tiếp cận trung tính đối với binh đẳng giới, thay vì có một định nghĩa cụ thể về các hành vi phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.

Luật Bình đẳng giới thể hiện rõ nguyên tắc nam nữ không bị phân biệt đối xử về giới trong nhiều quy định khác, như Điều 10 quy định các hành vi bị cấm, Điều 40 quy định các hành vi thể hiện sự phân biệt đối xử về giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa thông tin, thể thao, y tế. Điều 41 quy định các hành vi thể hiện sự phân biệt đối xử về giới trong gia đình.

3. Nguyên tắc biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới

Bình đẳng giới là việc nam nữ có vị trí vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện, cơ hội ngang nhau để phát huy năng lực của bản thân và bình đẳng trong việc hưởng thụ. Tuy nhiên, bình đẳng giới không tự nhiên mà có. Pháp luật cần quy định bình đẳng nam nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, bình đẳng trong hưởng quyền và gánh vác nghĩa vụ, bình đẳng trong các điều kiện và cơ hội cống hiến. Nhưng trên thực tế, việc xây dựng bình đẳng giới xuất phát từ hiện thực không bình đẳng, và từ bình đẳng trong pháp luật đến bình đẳng trên thực tế là một chặng đường khá xa. Ví dụ, ở Việt Nam vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ trong nhận thức của cả nam giới và phụ nữ, về hoạt động kinh tế và thu nhập, nữ có thu nhập cao chiếm tỷ lệ thấp hơn nam; trong gia đình, công việc vẫn tập trung chủ yếu vào người phụ nữ (chăm lo con cái, người thân, nhất là lúc ốm đau, già cả..) và công việc gia đình ít được coi trọng, con trai được coi trọng hơn con gái; về mặt chính trị, quản lí, tỷ lệ nữ tham gia các hoạt động này còn thấp; về giáo dục và khoa học, tỷ lệ nữ có trình độ cao còn khiêm tốn; trong chính sách pháp luật một số quy định còn có sự phân biệt như tuổi đề bạt thăng tiến, tuổi đào tạo để tạo nguồn cán bộ chính trị…Vì vậy, cần phải áp dụng các biện pháp thúc đẩy để nhanh chóng tiến tới bình đẳng giới một cách thực sự.

Điều 4 Khoản 1 CEDAW đã quy định các biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy bình đẳng giới: “Việc các nước tham gia công ước chấp nhận các biện pháp đặc biệt tạm thời nhằm thúc đẩy trong thực tế quyền bình đẳng giữa nam và nữ không bị coi là phân biệt đối xử, nhưng sẽ không được bằng bất cứ cách nào buộc phải coi đó như một kết quả của việc duy trì các tiêu chuẩn bất bình đẳng hoặc tiêu chuẩn riêng biệt”.

Như vậy, theo CEDAW, các biện pháp đặc biệt tạm thời có thể áp dụng các tiêu chuẩn bất bình đẳng hoặc tiêu chuẩn riêng biệt cho nam hoặc nữ, để thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế. Vì thế, các biện pháp này có hạn định về thời gian và điều kiện áp dụng nhất định, kèm theo tuyên bố hết hiệu lực khi các điều kiện không tồn tại và thời gian tạm thời đã hết. Trong trường hợp này, không bị coi là phân biệt đối xử. Hỗ trợ phụ nữ như đối với nhóm yếu thế để hạn chế bất lợi của giới này nhằm thúc đẩy nhanh bình đẳng giới.

Theo Điều 5 Khoản 6 Luật bình đẳng giới, “Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn về vị trí, vai trò, điều kiện cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành công của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục tiêu bình đẳng giới đã đạt được”.

Như vậy, theo quy định trên, trong một số trường hợp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, cơ quan có thẩm quyền có thể đưa ra các quy định trong đó điều kiện được áp dụng cho nữ và nam khác nhau, nhằm hạn chế việc xuất phát điểm khác nhau của nữ và nam. Nhiều điều khoản trong Luật bình đẳng giới cụ thể vấn đề trên, như trong lĩnh vực chính trị, bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước (Điều 11); trong lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính, lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm khuyến ngư (Điều 12); trong lĩnh vực lao động, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ (Điều 13)…

4. Nguyên tắc chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới

Phụ nữ có đặc điểm sinh học riêng, và giới tính của phụ nữ tạo cho họ vai trò làm mẹ, một thiên chức quan trọng nhằm tái sản xuất con người. Phụ nữ phải dành phần không nhỏ cuộc sống của mình để thực hiện vai trò của người mẹ (nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ, chăm sóc con cái..), do đó, so với nam giới, họ không có nhiều cơ hội  và điều kiện để tham gia các hoạt động khác của đời sống xã hội.Vì vậy, để phụ nữ có thể bình đẳng với nam giới về mọi mặt của đời sống xã hội, cần có các biện pháp đặc biệt ưu đãi dành riêng cho phụ nữ trong các trưòng hợp cụ thể khi phụ nữ đóng vai trò làm mẹ.

Theo Điều 4 Khoản 2 CEDAW, việc các nước tham gia công ước chấp nhận các biện pháp đã có trong công ước nhằm bảo vệ quyền làm mẹ không bị coi là phân biệt đối xử. Đồng thời, tại Điều 11 của Công ước đã quy định về ngăn cấm việc phạt, thải hồi phụ nữ vì có mang hoặc nghỉ đẻ và phân biệt đối xử trong những trường hợp sa thải dựa vào tình trạng hôn nhân; về việc quy định chế độ cho phụ nữ nghỉ đẻ được trả lương hoặc các phúc lợi xã hội tương ứng; về khuyến khích các dịch vụ xã hội có tác dụng phụ trợ cần thiết để tạo điều kiện cho cha mẹ kết hợp được nghĩa vụ gia đình với trách nhiệm lao động và tham gia vào đời sống cộng đồng; về cung cấp sự bảo hộ đặc biệt khi phụ nữ có mang trong công việc tỏ ra có hại đối với họ.

Điều 6 Khoản 4 Luật Bình đẳng giới đã cụ thể hoá các quy định trên của Công ước CEDAW và đưa thành một nguyên tắc: Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới. Điều 7 Luật Bình đẳng giới quy định “Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ, tạo điều kiện để nam nữ chia sẻ công việc gia đình”. Theo Điều 14, “ Nữ cán bộ, công chức viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con nhỏ dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ ttheo quy định của pháp luật”; “Phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi sinh con đúng chính schs dân số được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ” (Điều 17)

5. Nguyên tắc bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật

Trong xã hội hiện đại, pháp luật là công cụ điều chỉnh hành vi của con người một cách hiệu quả nhất. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện với các quy phạm pháp luật bảo đảm bình đẳng giới và việc thi hành nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật đó là điều kiện cơ bản và tiên quyết để đạt đến bình đẳng giới thực chất.

Là Công ước duy nhất hiện nay  xác lập các điều luật quốc tế về quyền phụ nữ và trách nhiệm của các quốc gia trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động phù hợp để đạt được sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ, Công ước CEDAW đã quy định tại Điều 3: “Chuyển hóa những nội dung cơ bản của Công ước vào hệ thống pháp luật quốc gia”. Đây là trách nhiệm lập pháp của các quốc gia thành viên. Cụ thể hoá Công ước CEDAW về vấn đề này không trái với pháp luật Việt Nam, Khoản 5 Điều 6 Luật Bình đẳng giới quy định nguyên tắc bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật tức là đưa vấn đề giới, mục tiêu giới và các quá trình nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi hoạt động của các nhóm xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.

Nhà nước là chủ thể hoạch định chính sách, tiến hành quá trình lập pháp, lậpquy. Các cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật của nhà nước cần có quan điểm bình đẳng giới trong khi xem xét những tác động bất lợi về giới có thể xảy ra khi ban hành các quy định của pháp luật. Trong quá trình áp dụng pháp luật cần có quy định rõ cơ chế giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với việc thực hiện bình đẳng giới.

Để cụ thể hoá nguyên tắc này, Luật Bình đẳng giới quy định tại Điều 21 về biện pháp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Điều 22 về thẩm tra lồng ghép vấn đề giới, các quy định từ Điều 35 đến Điều 42 về tranh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

6. Nguyên tắc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân

Thực hiện bình đẳng giới là vấn đề quan trọng. Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là trách nhiệm của các tổ chức, gia đình và cá nhân. Các tư tưởng định kiến giới như trọng nam khinh nữ, coi việc nội trợ là việc của phụ nữ… đã ăn sâu vào tư duy của con người, cả nam giới và phụ nữ và là quan niệm xã hội. Muốn thay đổi định kiến giới, không chỉ có vai trò của Nhà nước trong hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, mà các cơ quan, tổ chức, công dân cũng phải tiến hành tuân thủ các quy định của pháp luật về vấn đề bình đẳng giới, đồng thời tích cực vận dộng tuyên truyền bình đẳng giới nhằm đạt đến sự thay đổi về bề rộng và bề sâu các tư tưởng, quan niệm bất bình đẳng nam nữ. Chương IV Luật Bình đẳng giới đã  quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới (Từ Điều 25 đến Điều 34).

No comments:

Post a Comment