I. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN VÀ BẢO ĐẢM BÌNH ĐẲNG GIỚI CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN
1. Cơ quan quản lí Nhà nước về bình đẳng giới và Bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam
a. Cơ quan quản lí Nhà nước về bình đẳng giới
Vấn đề trách nhiệm quản lí Nhà nước về bình đẳng giới, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bình đẳng giới đã có hai loại quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc quản lí Nhà nước về bình đẳng giới phải được các Bộ, Ngành và địa phương thực hiện lồng ghép theo chức năng quản lí Nhà nước được phân công, phân cấp vì giới và việc bảo đảm bình đẳng giới là vấn đề xuyên suốt trong mọi hoạt động và lĩnh vực, ngành nghề. Nếu tách riêng cho một cơ quan thực hiện (cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện bình đẳng giới) sẽ không được các Bộ, Nghành, địa phương coi trọng và điều này ảnh hưởng đến mục tiêu bình đẳng giới. Quan điểm thứ hai đề nghị cần thiết phải có cơ quan quản lí Nhà nước về bình đẳng giới là thành viên Chính phủ, vì đây là vấn đề mới và khó đối với Việt Nam . Cơ quan này có thể được thành lập mới hoặc trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thành cơ quan ngang Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lí Nhà nước về bình đẳng giới và thúc đẩy việc bảo đảm bình đẳng giới trong các Bộ, Ngành khác. Trong trường hợp không có cơ quan đầu mối thực hiện trách nhiệm quản lí Nhà nước về bình đẳng giới thì giao chức năng này cho Bộ nội vụ, Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoặc Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Kết hợp hai loại ý kiến trên, Luật Bình đẳng giới đã quy định tại Điều 9 cơ quan quản lí Nhà nước về bình đẳng giới, theo đó, vừa quy định cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bình đẳng giới, đồng thời vừa quy định các Bộ, Ngành và địa phương cũng phải chịu trách nhiệm thực hiện quản lí Nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi chức năng quản lí Nhà nước được phân công.
Như vậy, Chính phủ thống nhất quản lí Nhà nước về bình đẳng giới. Có một cơ quan đầu mối ở trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lí Nhà nước về bình đẳng giới, cơ quan này sẽ là Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ được Chính phủ phân công chủ trì. Hiện nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ hướng dẫn cụ thể Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ nào là cơ quan đầu mối về bình đẳng giới. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đầu mối quản lí Nhà nước về bình đẳng giới ở trung ương thực hiện quản lí Nhà nước về bình đẳng giới. Ủy ban nhân dân các cấp là cơ quan có nhiệm vụ thực hiện quản lí Nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ. Như vậy, tại các cơ quan quản lí Nhà nước theo Ngành, lĩnh vực ở từng cấp cũng như cơ quan quản lí Nhà nước cơ thẩm quyền chung (Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp) đều có cơ quan, bộ phận trực thuộc thực hiện quản lí Nhà nước về bình đẳng giới.
Cơ quan quản lí Nhà nước về bình đẳng giới bao gồm:
- Chính phủ.
- Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ được Chính phủ phân công chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lí Nhà nước về bình đẳng giới.
- Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình thực hiện quản lí về bình đẳng giới.
- Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ thực hiện quản lí Nhà nước về bình đẳng giới.
b. Bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam
Ở Việt Nam , Bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam là tên gọi chung để chỉ các cơ quan đầu mối về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, lãnh trách nhiệm điều phối, vận động chính sách và thúc đẩy quá trình lồng ghép giới ở các ngành, các cấp.([1])
Quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước Việt Nam về công tác phụ nữ là: giải phóng phụ nữ là một trong những mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam, có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài với sự phát triển của đất nước; sự tiến bộ của phụ nữ là lợi ích chung của gia đình và toàn xã hội và Chính phủ xác định đầu tư ngân sách, tạo các điều kiện cho sự nghiệp tiến bộ của phụ nữ là chiến lược lâu dài nhằm nâng cao vai trò, vị trí và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực. Với quan điểm trên, Bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam bắt đầu hình thành từ năm 1985 với cơ quan đầu mối ban đầu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ là Ủy ban quốc gia về Thập kỉ phụ nữ của Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 41-HĐBT ngày 12/02/1985 về việc thành lập Ủy ban quốc gia về Thập kỷ của phụ nữ Việt Nam nhằm hưởng ứng Thập kỉ phụ nữ của Liên hợp quốc. Năm 1993, Ủy ban quốc gia về Thập kỉ phụ nữ Việt Nam được đổi tên thành Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam theo Quyết định 72/TTg ngày 25/0
2/1993 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 646/TTg ngày 07/11/1994 về tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, nghành địa phương đã yêu cầu các Bộ, Ủy ban nhân dân, các Tổng cục và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực thuộc trung ương thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nhằm củng cố bộ máy, làm rõ chức năng nhiệm vụ, tạo cơ chế, điều kiện để tăng cường hoạt động của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 11/06/2001 về việc kiện toàn Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thay thế Quyết định số 72/QĐ-TTg. Sau đó năm 2004, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Chỉ thị 27/2004/CT-TTg ngày 15/07/2004 về tăng cường hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thay thế Chỉ thị số 646/TTg.
Như vậy, Bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam bao gồm các cơ quan đầu mối về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đó là Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và các Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam là cơ quan đầu mối phối hợp liên ngành tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng và kiểm tra thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, phối hợp với các cơ quan có liên quan để đề xuất xây dựng, đôn đốc thực hiện và tuyên truyền luật pháp, chính sách Nhà nước về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ, chủ trì soạn thảo báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện công ước CEDAW và là cơ quan đầu mối trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ([2]). Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, ngành và địa phương là cơ quan đầu mối tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ([3]).
Sơ đồ Bộ máy vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam
UBQG
- Chủ tịch
- 2 Phó Chủ tịch
- 15 thành viên
Văn phòng UBQG
Ban VSTBPN Bộ, ngành (45)
Ban VSTBPN đơn vị trực thuộc
Ban VSTBPN tỉnh, thành (64)
Ban VSTBPN xã, phường
Ban VSTBPN huyện, thị
2. Trách nhiệm thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân
Để đạt mục tiêu bình đẳng giới, việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan Nhà nước, các Bộ, ngành các cấp mà còn là trách nhiệm của mọi cơ quan tổ chức, gia đình và cá nhân, là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
a. Trách nhiệm của Chính phủ
Trong vấn đề bình đẳng giới, Chính phủ có các trách nhiệm sau:
- Ban hành chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; hằng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
- Trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới.
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
- Tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; chỉ đạo, tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới
- Công bố chính thức các thông tin quốc gia về bình đẳng giới; quy định và chỉ đạo thực hiện tiêu chí phân loại giới tính trong số liệu thông tin thống kê Nhà nước.
- Phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và chỉ đạo các cơ quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của nhân dân về bình đẳng giới.
b. Trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước về bình đẳng giới
- Xây dựng và trình Chính phủ ban hành chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
- Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành, hướng dẫn theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới.
- Tham gia đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
- Tổng kết, báo cáo Chính phủ việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
- Chủ trì phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ trong quản lí Nhà nước về bình đẳng giới.
- Kiểm tra, thanh tra, xử lí vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới.
c. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm sau đây:
- Rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực mà mình quản lí.
- Nghiên cứu, kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
- Phối hợp với cơ quan quản lí Nhà nước về bình đẳng giới đánh giá thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực mà mình quản lí; thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới.
d. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới tại địa phương.
- Trình Hội đồng nhân dân ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới theo thẩm quyền.
- Tổ chức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới ở địa phương.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới.
- Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho nhân dân địa phương.
e. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
- Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và tham gia quản lí Nhà nước về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức.
- Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên thực hiện bình đẳng giới.
f. Trách nhiệm của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
- Thực hiện các quy định tại Điều 29 của Luật này.
- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan bồi dưỡng, giới thiệu phụ nữ đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia quản lí, lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị,
- Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
g. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện bình đẳng giới tại cơ quan, tổ chức mình
Trong công tác tổ chức, cán bộ, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm sau đây:
- Bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nam, nữ bình đẳng trong việc làm, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm và hưởng phúc lợi.
- Bảo đảm việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên nguyên tắc bình đẳng giới.
- Trong hoạt động, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm sau đây:
- Xác định thực trạng bình đẳng giới, xây dựng và bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức mình và có báo cáo hằng năm.
- Bảo đảm sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nam, nữ trong xây dựng, thực thi pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Giáo dục về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do mình quản lí.
- Có biện pháp khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức và gia đình.
- Tạo điều kiện phát triển các cơ sở phúc lợi xã hội, các dịch vụ hỗ trợ nhằm giảm nhẹ gánh nặng lao động gia đình.
h. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác trong việc thực hiện bình đẳng giới tại cơ quan tổ chức mình
Trong công tác tổ chức và hoạt động, cơ quan, tổ chức không thuộc trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này có trách nhiệm sau đây:
- Phải bảo đảm cho nam, nữ bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng.
- Báo cáo hoặc cung cấp kịp thời thông tin về bình đẳng giới trong cơ quan, tổ chức theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
- Đề xuất hoặc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức mình.
Căn cứ vào khả năng, điều kiện của mình, cơ quan, tổ chức chủ động hoặc phối hợp tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới sau đây:
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kiến thức về giới và pháp luật về bình đẳng giới cho các thành viên của cơ quan, tổ chức và người lao động.
- Bố trí cán bộ hoạt động về bình đẳng giới.
- Tổ chức nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu nhằm tăng cường bình đẳng giới.
- Dành nguồn tài chính cho các hoạt động bình đẳng giới.
- Tổ chức hệ thống nhà trẻ phù hợp để lao động nam, nữ kết hợp hài hòa giữa lao động sản xuất và lao động gia đình.
- Hỗ trợ lao động nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi.
- Tạo điều kiện cho lao động nam nghỉ hưởng nguyên lương và phụ cấp khi vợ sinh con.
Nhà nước khuyến khích thực hiện các hoạt động quy định tại khoản này.
i. Trách nhiệm của gia đình
- Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới.
- Giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lí công việc gia đình.
- Chăm sóc sức khỏe sinh sản và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn.
- Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.
k. Trách nhiệm của công dân
Công dân nam, nữ có trách nhiệm sau đây:
- Học tập nâng cao hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới.
- Thực hiện và hướng dẫn người khác thực hiện các hành vi đúng mực về bình đẳng giới.
- Phê phán, ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử về giới.
- Giám sát việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới của cộng đồng, của cơ quan, tổ chức và công dân.
II. THANH TRA, GIÁM SÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI
1. Thanh tra, giám sát về bình đẳng giới
a. Thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới
Cơ quan có thẩm quyền thanh tra về bình đẳng giới bao gồm các cơ quan sau:
- Chính phủ
- Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ được Chính phủ phân công chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lí Nhà nước về bình đẳng giới.
- Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lí Nhà nước về bình đẳng giới quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện quản lí Nhà nước về bình đẳng giới.
- Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lí Nhà nước về bình đẳng giới trong phạm vi địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra về bình đẳng giới bao gồm:
- Thanh tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.
- Thanh tra việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.
- Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới theo quy định của Luật này và pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
- Xử lí vi phạm pháp luật về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật xử lí vi phạm hành chính.
- Kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về bình đẳng giới; đề nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
b. Giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới
Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới.
Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới tại địa phương.
2. Xử lí vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
a. Hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
Hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới là các hành vi bị nghiêm cấm vì tính chất cản trở mục tiêu bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các hành vi đó bao gồm:
- Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới.
- Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.
- Bạo lực trên cơ sở giới.
- Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Ngoài các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới có tính chất cơ bản trên, trong các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội và gia đình có các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới cụ thể:
- Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
+ Cản trở việc nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp vì định kiến giới.
+ Không thực hiện hoặc cản trở việc bổ nhiệm nam, nữ vào cương vị quản lí, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới.
+ Đặt ra và thực hiện quy định có sự phân biệt đối xử về giới trong các hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc trong quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
- Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
+ Cản trở nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới.
+ Tiến hành quảng cáo thương mại gây bất lợi cho các chủ doanh nghiệp, thương nhân của một giới nhất định.
- Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
+ Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
+ Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động, sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lí do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.
+ Phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc áp dụng mức trả lương khác nhau cho những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lí do giới tính.
+ Không thực hiện các quy định của pháp luật lao động quy định riêng đối với lao động nữ.
- Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:
+ Quy định tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh khác nhau giữa nam và nữ.
+ Vận động hoặc ép buộc người khác nghỉ học vì lí do giới tính.
+ Từ chối tuyển sinh những người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lí do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.
+ Giáo dục hướng nghiệp, biên soạn và phổ biến sách giáo khoa có định kiến giới.
- Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ bao gồm:
+ Cản trở nam, nữ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ.
+ Từ chối việc tham gia của một giới trong các khóa đào tạo về khoa học và công nghệ.
- Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao bao gồm:
+ Cản trở nam, nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn và tham gia các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới.
+ Sáng tác, lưu hành, cho phép xuất bản các tác phẩm dưới bất kì thể loại và hình thức nào để cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới.
+ Truyền bá tư tưởng, tự mình thực hiện hoặc xúi giục người khác thực hiện phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.
- Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bao gồm:
+ Cản trở, xúi giục hoặc ép buộc người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới.
+ Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi.
- Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình
+ Cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lí do giới tính.
+ Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.
+ Đối xử bất bình đẳng với các thành viên trong gia đình vì lí do giới tính.
+ Hạn chế việc đi học hoặc ép buộc thành viên trong gia đình bỏ học vì lí do giới tính.
+ Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên thuộc một giới nhất định.
b. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới:
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bình đẳng giới, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Việc giải quyết khiếu nại về bình đẳng giới được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới:
- Cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
- Việc tố cáo, giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
c. Các hình thức xử lí vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
Xử lí vi phạm pháp luật về bình đẳng giới phải theo nguyên tắc: “Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Việc xử lí vi phạm pháp luật về bình đẳng giới phải được tiến hành nhanh chóng, công minh, triệt để theo đúng quy định của pháp luật” (Điều 39 Luật Bình đẳng giới).
Hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới có thể bị xử lí kỉ luật, hành chính hoặc vì truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Đồng thời, nếu hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây ra thiệt hại thì chủ thể thực hiện hành vi đó phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm kỉ luật là loại trách nhiệm pháp lí áp dụng đối với chủ thể vi phạm kỉ luật do thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức tiến hành đối với các hành vi có lỗi, trái với quy chế, quy tắc xác lập về bình đẳng giới trong nội bộ cơ quan đơn vị, tổ chức.
Trách nhiệm pháp lí dân sự áp dụng với những người có hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai. Ví dụ: Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ dân sự, các bên không được lấy lí do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo… để đối xử không bình đẳng với nhau. Nếu quyền dân sự của phụ nữ bị vi phạm thì người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự, phải tự nguyện hoặc nếu không tự nguyện thì sẽ bị cưỡng chế thực hiện các biện pháp như: phải công nhận quyền dân sự của người phụ nữ bị vi phạm; phải chấm dứt hành vi vi phạm; phải xin lỗi, cải chính công khai; phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự đối với người phụ nữ có các quyền bị xâm hại; phải bồi thường những thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra (Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 2005).
Trách nhiệm pháp lí hành chính áp dụng với những người, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính đối với quyền bình đẳng, quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Các vi phạm hành chính rất đa dạng, bao gồm các vi phạm đối với các quy tắc quản lí Nhà nước trong mọi lĩnh vực nhưng các vi phạm đó chưa đến mức là tội phạm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính. Ví dụ: Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16/04/2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động quy định tại Điều 15 như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng lao động nữ nhưng có một trong những hành vi sau đây:
- Không có chỗ thay quần áo, buồng tắm và buồng vệ sinh nữ quy định tại khoản 1 Điều 116 của Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;
- Sử dụng lao động nữ có thai từ tháng thứ 7 hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ; làm việc ban đêm; đi công tác xa quy định tại khoản 1 Điều 115 của Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung và không chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt một giờ đối với lao động nữ làm công việc nặng nhọc quy định tại khoản 2 Điều 115 của Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;
- Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh hoặc nghỉ 60 phút mỗi ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi quy định tại khoản 3 Điều 115 của Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;
- Có hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm lao động nữ quy định tại khoản 1 Điều 111 của Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;
- Sử dụng lao động nữ, lao động là người cao tuổi, người tàn tật vào những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại quy định tại Điều 113, khoản 3 Điều 124 và khoản 3 Điều 127 của Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn; có thai; nghỉ thai sản; nuôi con dưới 12 tháng tuổi quy định khoản 3 Điều 111 của Bộ Luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung;
Trong lĩnh vực quản lí an ninh, trật tự xã hội, Chính phủ ban hành Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, tại Điều 24 quy định:
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi lạm dụng tình dục.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi cung cấp địa điểm cho hoạt động mại dâm.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi dẫn dắt hoạt động mại dâm, che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tái phạm việc mua dâm, bán dâm hoặc che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm; dùng các thủ đoạn khống chế, đe dọa người mua dâm, bán dâm để đòi tiền, cưỡng đoạt tài sản.
- Các hành vi vi phạm khác về phòng, chống mại dâm thì bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng chống mại dâm.
- Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: vi phạm khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này thì bị tịch thu toàn bộ số tiền do vi phạm hành chính mà có.
Trách nhiệm pháp lí hình sự áp dụng với những người có hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999 xâm hại tới quyền bình đẳng, quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Tội phạm là những biểu hiện nghiêm trọng nhất của sự phân biệt đối xử với phụ nữ nên trách nhiệm pháp lí hình sự là trách nhiệm cao nhất với những hậu quả nặng nề nhất mà người phạm tội phải gánh chịu thông qua việc chấp hành các hình phạt quy định tại Bộ luật hình sự.
Điều 130 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ nêu rõ: “Người nào dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm".
Các tội xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong từng lĩnh vực được quy định trong nhiều chương của Bộ luật Hình sự năm 1999. Nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự (Chương XII) của người bị hại, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái đã có tới 4/7 tội có thể áp dụng hình phạt cao nhất (chung thân hoặc tử hình), đó là các tội: giết người (giết phụ nữ mà biết là có thai - điểm b, khoản 1, Điều 93); hiếp dâm (Điều 111), hiếp dâm trẻ em (Điều 112), cưỡng dâm trẻ em (Điều 114); tội mua bán phụ nữ (Điều 119) với nhiều tình tiết tăng nặng như mua bán phụ nữ vì mục đích mại dâm, để đưa ra nước ngoài… có thể bị phạt tới 20 năm và phạt tiền bổ sung đến 50 triệu đồng. Nhóm tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (Chương XV) mà trong đó một loại chủ thể chiếm tỉ lệ đáng kể lại chính là người có quan hệ họ hàng, ruột thịt hay quan hệ hôn nhân với người bị hại (ví dụ Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 146); Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn (Điều 148); Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 147), do đó, chính sách xử lí ở đây chủ yếu là mang tính giáo dục, cảnh báo hơn là trừng phạt với các hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến hai hoặc ba năm.
No comments:
Post a Comment