17/06/2014
Thực thi quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước - Bài tập nhóm Luật Tài chính
“Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thức hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà Nước.” (Điều 1- Luật Ngân sách nhà nước)

Ngân sách nhà nước không chỉ là một bản kế hoạch tài chính khổng lồ của toàn thể quốc gia mà còn là một đạo luật, được thiết lập và thực thi hoàn toàn vì mục tiêu mưu cầu lợi ích chung cho toàn thể quốc gia, không phân biệt người thụ hưởng các lợi ích đó là ai, thuộc thành phần kinh tế nào hay đẳng cấp xã hội nào. Ngân sách nhà nước – bản kế hoạch tài chính của toàn thể quốc gia này cần phải được Quốc hội thông qua trước khi thi hành. Đặc điểm nảy của ngân sách nhà nước đã gợi lên cho ta thấy quyền hạn tối cao, vai trò quan trọng của Quốc hội trong những vấn đề thuộc lĩnh vực ngân sách nhà nước.


Với tư cách là cơ quan đại diện của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội được Hiến pháp và pháp luật quy định thẩm quyền tối cao trong việc quyết định các vấn đề quan trọng nhất của đất nước, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân sách.


Để hiểu rõ hơn về thẩm quyền của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính ngân sách, chúng em đã quyết định tìm hiểu đề tài “Thực thi quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” (thuộc Bộ bài tập Luật Tài chính của Bộ môn Luật Tài chính – ĐH Luật Hà Nội).

Trong quá trình tìm hiểu tài liệu, thu thập thông tin và hoàn thiện bài tập này, với kiến thức hạn chế không thể tránh khỏi còn có điểm thiếu sót, chúng em mong thầy cô xem xét và bỏ qua cho.

Nội dung

1. Quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước

Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội về ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 15 Luật Ngân sách nhà nước. Việc thực thi quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách được thể hiện rõ nét và cụ thể hơn qua ba quá trình ngân sách là quá trình lập dự toán ngân sách nhà nước, quá trình chấp hành ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước.

Ngân sách nhà nước được quản lí thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Thứ nhất, quyền hạn của Quốc hội được thể hiện trong lĩnh vực lập dự toán ngân sách nhà nước.

- Quyết định dự toán ngân sách nhà nước. Trước tiên Quốc hội thảo luận và quyết định tổng quát về dự toán ngân sách gồm tổng số thu và tổng số chi ngân sách nhà nước, mức bội chi ngân sách nhà nước và nguồn bù đắp. Những dự toán ngân sách thu và chi này được Chính phủ nghiên cứu, soạn thảo và trình lên cho Quốc hội xét duyệt để thông qua. Sau đó, Quốc hội quyết định chi tiết một số nội dung quan trọng trong dự toán ngân sách nhà nước như:

+ Tổng số thu ngân sách nhà nước bao gồm thu nội địa, thu từ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại;

+ Tổng số chi ngân sách nhà nước trong đó có chi ngân sách trung ương và chi ngân sách địa phương;

+ Quyết định chi tiết theo các lĩnh vực đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ và viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Đối với các khoản chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, Quốc hội quyết định mức chi cụ thể trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.

- Quyết định phân bổ ngân sách trung ương gồm: tổng số và mức chi từng lĩnh vực, dự toán chi của từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương theo từng lĩnh vực, mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương, bao gồm bổ sung cân đối ngân sách và bổ sung có mục tiêu.

- Quyết định các dự án, các công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (như các công trình cầu đường, đê điều chống lũ,..).

- Quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết (như dự trù phòng chống thiên tai, chiến tranh quân sự nếu có xảy ra…).

- Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia để phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước.

Để giúp Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong lĩnh vực lập dự toán ngân sách nhà nước, còn có sự tham gia của các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội có thẩm quyền trong lĩnh vực lập dự toán ngân sách nhà nước như sau:

+ Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm đầu của thời kì ổn định ngân sách, quyết định tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương đối với các khoản thu quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật ngân sách nhà nước;

+ Xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo của Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương để Chính phủ bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội. Cho ý kiến về nội dung chi tiết chi quốc phòng, an ninh.

Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội là cơ quan của Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội giao trong lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân sách, tài chính, tiền tê. Trong lập dự toán ngân sách nhà nước Ủy ban kinh tế và ngân sách có thẩm quyền cơ bản là:

+ Thẩm tra, chủ trì tổ chức phiên họp, có đại diện Hội đồng dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, đại diện của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tham gia dự để thẩm tra các báo cáo của Chính phủ trước khi trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định trong lĩnh vực ngân sách nhà nước nói chung và trong lập dự toán ngân sách nhà nước nói riêng;

+ Tổng hợp các ý kiến của Hội đồng dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội, lập báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước, sau đó hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra trình Quốc hội.

Có thể nói, quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước được thể hiện rõ ràng và trực tiếp nhất trong quá trình lập dự thảo ngân sách nhà nước. Sở dĩ như vậy là bởi, bản dự thảo ngân sách nhà nước tuy được Chính phủ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, dự toán, xem xét, soạn thảo và trình lên Quốc hội, nhưng quyền quyết định cuối cùng cho bản dự toán đó chính thức được thi hành lại thuộc về Quốc hội.

Thứ hai, Quốc hội tham gia vào hoạt động chấp hành ngân sách thông qua các nội dung như điều chỉnh các chỉ tiêu ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết, giám sát hoạt động chấp hành ngân sách của Chính phủ, ủy ban nhân dân. Với tư cách là cơ quan lập pháp, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội không trực tiếp tiến hành các hành vi kiểm soát hoạt động chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước mà chỉ thực hiện chế độ giám sát đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của mình. Khoản 7 Điều 15 Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Quốc hội giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia…”. Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với quá trình chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước được thực hiện bằng nhiều nội dung khác nhau như: xem xét báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước và giải trình những vấn đề phát sinh trước Quốc hội, thành lập những ủy ban lâm thời để điều tra về những vấn đề gắn với chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước, xem xét việc trả lời chất vấn của các bộ trưởng gắn với nội dung chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước.  Dựa trên kết quả giám sát, Quốc hội có thể đưa ra quyết định thích hợp, bảo đảm hoạt động chấp hành, quyết toán ngân sách Nhà nước được thực hiện theo đúng yêu cầu, mục đích đã đặt ra.

Thứ ba, Quốc hội có quyền phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, quyết toán các dự án, công trình đầu tư quốc gia quan trọng đã được Quốc hội phê chuẩn. Uỷ ban kinh tế ngân sách của Quốc hội có trách nhiệm thẩm tra trước khi Chính phủ trình Quốc hội nội dung thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước. Việc thông qua quyết toán ngân sách cũng giúp Quốc hội đánh giá được tính hiệu quả, trên cơ sở đó lựa chọn phương án sử dụng công cụ ngân sách nhà nước một cách tốt nhất.

2. Thực trạng và giải pháp hoàn thiện thực thi quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước

Thực trạng thực thi quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước

Năm 1996 Quốc hội khoá IX đã thông qua Luật ngân sách nhà nước (có hiệu lực thi hành từ 1/1/1997). Đây là văn bản pháp lý cao nhất đối với công tác quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế và phục vụ quá trình đổi mới kinh tế - xã hội. Luật này đã cụ thể hóa vai trò của Quốc hội và các cơ quan Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như lĩnh vực kinh tế - ngân sách, danh mục các công trình quan trọng quốc gia, và luật này cũng đã khẳng định được vai trò của cơ quan dân cử trong đời sống chính trị của đất nước. Mặc dù vậy, qua 7 năm thực hiện trước yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phân cấp về tài chính - ngân sách, nâng cao minh bạch ngân sách và trách nhiệm giải trình tài chính của các cơ quan tham gia quy trình ngân sách thì cải cách thể chế lại tiếp tục được đặt ra để hoàn thiện chức năng của các cơ quan Nhà nước trong hệ thống chính trị, trong đó có cơ quan lập pháp và cụ thể là Quốc hội. Năm 2002, Quốc hội khóa XI đã tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật ngân sách nhà nước năm 1996 nhằm cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về chức năng của Quốc hội và luật này đã quy định cụ thể thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Điều 15 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. So với Luật Ngân sách nhà nước năm 1996, Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 đã quy định Quốc hội không những quyết định ngân sách nhà nước theo tổng mức, cơ cấu và một số lĩnh vực mà quyết định dự toán chi từng Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, mức bổ sung ngân sách Trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quốc hội không chỉ quyết định danh mục các dự án, công trình quan trọng quốc gia mà quyết định cụ thể những nội dung của công trình. Sự tham gia trực tiếp của Quốc hội trong việc quyết định phân bổ chi tiết ngân sách Trung ương và số bổ sung cho ngân sách địa phương, quyết định những công trình quan trọng quốc gia là một bước cải cách về thể chế nhằm trao cho Quốc hội thực hiện đúng chức năng của mình - chức năng thuộc về bản chất của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Sự cải cách đó đã tạo sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa cơ quan hành pháp và lập pháp trong hệ thống chính trị, thúc đẩy cơ quan chuẩn bị dự án trình và cơ quan thẩm tra, quyết định; cơ quan thực hiện và cơ quan giám sát phải làm tốt hơn trách nhiệm của mình, góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực trong quá trình phân chia quyền hạn và trách nhiệm của mỗi cơ quan trong quy trình ngân sách.

Qua mấy năm thực hiện, Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 đã cho thấy Quốc hội đã có thực quyền quyết định về ngân sách Nhà nước nên tính công khai, minh bạch, công bằng trong phân bổ ngân sách trung ương đã có tiến bộ nổi bật, hạn chế được tình trạng "xin - cho" trong lĩnh vực ngân sách, đã tạo ra động lực thúc đẩy các ngành, các cấp các khu vực tích cực khai thác các nguồn thu và chi tiêu ngân sách tiết kiệm, có hiệu quả. Số tỉnh tự cân đối được ngân sách và có nộp về về ngân sách trung ương đã tăng nhiều lần so với Luật Ngân sách nhà nước năm 1996.

Ngoài việc quyết định những vấn đề quan trọng của ngân sách, Quốc hội đã quyết định thông qua chủ trương xây dựng các công trình quan trọng quốc gia như dự án xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy thuỷ điện Sơn La, sửa đổi, bổ sung nhiều Luật thuế quan trọng, đóng góp nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Bên cạnh những kết quả đạt được và tác động tích cực trong việc thực hiện chức năng quyết định ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, một số hạn chế về quy trình ngân sách, tổ chức bộ máy cơ quan lập pháp và công cụ hỗ trợ đã là những tồn tại và hạn chế trong việc nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Biểu hiện trong quy trình ngân sách:

Một là, thời gian giành cho hoạt động thẩm tra, thảo luận ngân sách và quyết định chương trình, dự án quan trọng quốc gia trong lịch biểu tài chính còn hạn chế. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, để các cơ quan của Quốc hội xem xét, thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm hiện hành, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương, các báo cáo này phải gửi tới Hội đồng nhân dân và các Uỷ ban của Quốc hội trước 1/10. Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách chủ trì thẩm tra chậm nhất là ngày 5/10, tiếp đó các báo cáo phải được hoàn thiện gửi tới đại biểu Quốc hội 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Quy trình trên cho thấy các cơ quan Quốc hội phải chịu sức ép về thời gian rất lớn để hoàn thành báo cáo thẩm tra trình ra Quốc hội. Thời gian khoảng 1 tuần để Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách chủ trì thẩm tra cùng với Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội về các báo cáo ngân sách là quá ngắn. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra ngân sách và chất lượng thảo luận, quyết định ngân sách của Quốc hội. ở nhiều quốc gia, thời gian để Quốc hội và các Uỷ ban thẩm tra, thảo luận ngân sách từ 2 - 3 tháng, có một số nước trên 4 tháng.

Hai là, Sự phối hợp giữa Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách với Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, giám sát ngân sách, thẩm định chương trình, dự án quan trọng quốc gia còn thiếu hiệu quả. Việc chia sẻ thông tin, phân tích số liệu giữa các cân đối vĩ mô với chỉ tiêu chuyên ngành; sự hợp lý, gắn kết giữa chính sách ngân sách Nhà nước và ngân sách ngành, lĩnh vực cũng chưa được phối hợp đánh giá một cách chặt chẽ, gắn kết giữa các Uỷ ban.  Nội dung các chương trình, dự án quan trọng quốc gia tại Quốc hội rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, nên sự phối  hợp giữa các Uỷ ban của Quốc hội để có một báo cáo thẩm tra toàn diện, có chất lượng là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thảo luận và quyết định của Quốc hội về chương trình, dự án đó tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Ba là, chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan Quốc hội còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa cơ quan hành pháp và lập pháp về chia sẻ thông tin còn mang tính hình thức, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thảo luận và quyết định ngân sách và những công trình quan trọng quốc gia của Quốc hội. Để cơ quan lập pháp có điều kiện thảo luận và quyết định ngân sách một cách tích cực, có chất lượng thì những thông tin quản lý cần phải được cung cấp một cách kịp thời, chính xác  và có hệ thống. Ngoài những thông tin do Chính phủ cung cấp, Quốc hội cũng cần nhận được những thông tin từ Kiểm toán Nhà nước và những ý kiến đóng góp của các tổ chức xã hội. Nguồn thông tin độc lập sẽ tạo ra cách nhìn nhận, đánh giá của các đại biểu Quốc hội từ nhiều góc độ, quan điểm khác nhau.

Bốn là, Bộ máy của Quốc hội còn nhiều hạn chế về cơ cấu và tổ chức, thiếu công cụ chuyên môn hỗ trợ có hiệu quả cho việc quyết định những vấn đề quan trọng Quốc gia. Một trong những khó khăn khi triển khai hoạt động thẩm tra, đánh giá về những vấn đề quan trọng quốc gia là giới hạn về số lượng các Uỷ ban Quốc hội nên lĩnh vực hoạt động quá rộng điều đó làm phân tán nguồn nhân lực của Uỷ ban. Hơn nữa, số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách quá ít, đội ngũ chuyên gia hỗ trợ các Uỷ ban còn thiếu về số lượng và hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách. Luật kiểm toán Nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2006, theo đó Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập theo pháp luật là một bước tiến dài về cải cách thể chế. Để Kiểm toán Nhà nước trở thành một công cụ hữu hiệu giúp Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình, cần phải sớm sắp xếp lại tổ chức và nhân sự của cơ quan này theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước. ở nhiều quốc gia, bộ máy của 
Quốc hội được tổ chức thành nhiều Uỷ ban chuyên sâu, các thành viên đều hoạt động chuyên trách với kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội được kế thừa, tích luỹ qua nhiều nhiệm kỳ do Quốc hội có tính chuyên nghiệp cao, ở nước họ, làm Nghị sỹ đã trở thành một nghề. Cơ quan kiểm toán quốc gia là cơ quan chuyên môn hỗ trợ Quốc hội rất tích cực thông qua việc cung cấp thông tin và trình Quốc hội báo cáo kiểm toán trước và kiểm toán sau đối với những chương trình, dự án Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Năm là, cơ chế trách nhiệm trong toàn hệ thống không rõ ràng, có sự xung đột về lợi ích khi đại biểu Quốc hội vừa ở vai hành pháp, vừa ở vai lập pháp hoặc đại diện cho đoàn thể, doanh nghiệp, địa phương. Nhìn chung, chưa có động lực thực sự để đại biểu Quốc hội làm tốt chức năng của mình. Sự đan xen, lẫn lộn giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể trong quy trình ra quyết định hiện nay là rào cản cho quy trình xác định trách nhiệm khi có sai phạm, nhất là những sai phạm lớn thuộc về chủ trương, chính sách. Quy định bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ đã được Luật hoá nhưng vẫn còn thiếu những trình tự, thủ tục cụ thể để quy định này có tính khả thi. Những yếu tố đó đều ảnh hưởng đến việc trình, thảo luận và quyết định, triển khai những vấn đề quan trọng của Quốc hội trong toàn hệ thống chính trị.

Sáu là, chức năng giám sát của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp trong việc thực hiện các Quyết định, Nghị quyết của Quốc hội trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua còn chưa tốt nên đã hạn chế tính hiệu quả, hiệu lực chức năng giám sát của Quốc hội.

Một số giải pháp hoàn thiện

Để Quốc hội thực hiện có hiệu quả quyền hạn của mình trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, một số giải pháp kiến nghị được đưa ra như sau:

Một là, cần thay đổi lịch biểu tài chính trong quy trình ngân sách thông qua việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để các cơ quan Quốc hội có thêm thời gian thẩm tra, thảo luận ngân sách và những vấn đề quan trọng khác. Thời gian bắt đầu xây dựng dự toán ngân sách tiến hành sớm hơn, nên bắt đầu từ tháng 2, dự toán ngân sách Chính phủ trình Quốc hội nên vào khoảng tháng 8 hàng năm Quốc hội khoá tới (khoá XII) cần chia nhỏ các Uỷ ban của Quốc hội để tạo sự chuyên môn hoá cao, đồng thời tăng tỷ lệ Đại biểu Quốc hội chuyên trách hoạt động trong các Uỷ ban. Chẳng hạn, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách nên tách ít nhất thành hai Uỷ ban là Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách. Cải cách cơ cấu của Quốc hội, không nên nặng về cơ cấu cho đủ các thành phần xã hội mà nên coi trọng chất lượng Đại biểu Quốc hội, nhất là Đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trong Quốc hội nên có Đại biểu là những chuyên gia, những cán bộ khoa học đầu đàn của các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Hai là, Quốc hội cần thảo luận và quyết định về chính sách đối với những vấn đề quan trọng quốc gia, gồm cả chính sách ngân sách trước khi thảo luận những vấn đề cụ thể. Sự thảo luận về mặt chính sách ngay từ ban đầu nhằm đảm bảo chính sách đó là một sự lựa chọn tối ưu, có tính khả thi cao.

Ba là, cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám sát của Quốc hội thông qua lựa chọn nội dung và hình thức giám sát thích hợp, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát của các Uỷ ban của Quốc hội với các Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; sử dụng có hiệu quả các công cụ phục vụ công tác giám sát của Quốc hội như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tài chính, Thanh tra chuyên ngành.

Bốn là, cần nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra các dự án về kinh tế - ngân sách, các báo cáo thẩm tra các dự án công trình quan trọng quốc gia kết hợp với cung cấp cho Đại biểu Quốc hội đầy đủ các thông tin liên quan cần thiết để giúp Quốc hội có thể thảo luận, đưa ra những quyết sách đúng đắn, có hiệu quả cao.

Năm là, cần đổi mới cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Quốc hội để đảm bảo Quốc hội vừa thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời cũng phát huy tính dân chủ, quyền chủ động trong hoạt động của Quốc hội nhằm tạo điều kiện để Quốc hội thực hiện có hiệu quả những chức năng được Hiến pháp và Luật quy định, đặc biệt là quyền quyết định của Quốc hội đối với những vấn đề quan trọng của Quốc gia.

Sáu là, bên cạnh những kết quả đạt được và rất có ý nghĩa trong công tác giám sát ngân sách nhà nước thời gian qua, thì hoạt động này vẫn còn những hạn chế nhất định như chất lượng chưa cao, còn tình trạng nể nang, né tránh, chưa thực sự mang tính xây dựng và thúc đẩy công tác quản lý và điều hành ngân sách nhà nước có hiệu quả. Để thực hịên tốt các nội dung, hình thức và phương pháp giám sát như nêu trên, cần tăng cường sự phối hợp giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Sau giám sát, Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cần có kiến nghị xác đáng với Chính phủ, Uỷ ban nhân dân trong việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; xử lý các kiến nghị sau giám sát.

Bảy là, cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để xoá bỏ tính lồng ghép của hệ thống ngân sách nhà nước, sự cân đối thay của ngân sách địa phương cho ngân sách địa phương, bảo đảm việc xem xét và quyết định ngân sách một cách rõ ràng và minh bạch hơn; tránh trùng lắp trong quyết định ngân sách, phát huy vai trò và thực quyền của các cơ quan dân cử trong lĩnh vực tài chính – ngân sách. Tạo lập cơ chế phù hợp để nâng cao hiệu lực giám sát ngân sách nhà nước, như: quy định cụ thể chế độ báo cáo định kỳ từng quý của các cơ quan nhà nước, các đơn vị kinh tế phải gửi tới Quốc hội và Hội đồng nhân dân; quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hịên những ý kiến, kiến nghị của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; quy định các chế tài cần thiết trong trường hợp các cơ quan nhà nước không xem xét giải quyết, hoặc giải quyết không thoả đáng những kiến nghị qua giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tám là, Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật về hoạt động giám sát (năm 2003), nhưng nhiều vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, lĩnh vực giám sát của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách rất rộng, liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều cơ quan nhà nước, trong khi biên chế và tổ chức bộ máy chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, vẫn có ý kiến kiến nghị đổi mới tổ chức của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, đặc biệt là tách thành 2 Uỷ ban (Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính – Ngân sách) để chuyên môn hoá sâu hơn. Lựa chọn nhân sự và giới thiệu bầu vào các Uỷ ban những người am hiểu sâu về lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực tài chính – ngân sách. Đồng thời, tăng cường bộ máy tham mưu, giúp việc có hiệu quả hơn, tăng số lượng chuyên gia về tài chính – ngân sách, có kinh nghiệm công tác tại các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; xem xét tách Vụ Kinh tế và Ngân sách của Văn phòng Quốc hội thành Vụ Kinh tế và Vụ Tài chính – Ngân sách , đồng thời đổi mới phương thức làm việc nhằm phát huy tối đa năng lực của từng thành viên.

Kết luận

Việc thực thi quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của đất nước nói chung và tài chính – ngân sách nhà nước nói riêng. Nhận biết và có thể hiểu rõ hơn về quyền hạn của Quốc hội cũng như việc thực thi quyền hạn ấy của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách là điều cần thiết. Qua trình tìm hiểu đề tài “Thực thi quyền hạn của Quốc hội trong lĩnh vực ngân sách nhà nước – Thực thi và giải pháp hoàn thiện” có thể phần nào giúp ta có cái nhìn rõ hơn.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment