25/06/2014
So sánh nghĩa vụ công khai tài chính của các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật doanh nghiệp năm 2005
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, sự minh bạch về tài chính có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thông tin đối với nhà đầu tư, các tổ chức quản lý, điều hành thị trường, là điều kiện thúc đẩy thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế phát triển hiệu quả và lành mạnh. Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, sau đây là bài làm của em về nội dung: “ So sánh nghĩa vụ công khai tài chính của các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật doanh nghiệp năm 2005”

NỘI DUNG.

I. Khái quát chung về công khai tài chính doanh nghiệp.

1. Công khai tài chính.


Công khai tài chính doanh nghiệp là việc doanh nghiệp đó công bố các thông tin về tình hình vốn, tài sản; hiệu quả sử dụng vốn, tình hình nộp thuế của doanh nghiệp đối với nhà nước; thông tin về tình hình nợ lương; tình hình doanh thu và chi phí thu nhập của doanh nghiệp......


Nhìn chung, công khai các thông tin doanh nghiệp có vai trò cơ bản sau đây:

- Đối với chủ doanh nghiệp, là người đứng đầu doanh nghiệp, quản lý tài sản của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thông qua việc công khai tài chính có thể nắm bắt được tình hình của doanh nghiệp mình, từ đó đưa ra được các kế hoạch phát triển, sản xuất của doanh nghiệp.

- Đối với chủ nợ, từ việc công khai tài chính của doanh nghiệp, chủ nợ có thế đánh giá được hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp đó.

- Đối với người lao động, có khả năng đưa ra các quyết định hợp lý về việc làm và thu nhập.

- Đối với nhà nước, Giúp nhà nước đưa ra các chính sách phù hợp để phát triển kinh tế.

Hình thức công khai tài chính doanh nghiệp bao gồm: công khai qua bao cáo tài chính; phát hành ấn phẩm niêm yết tại doanh nghiệp . . . tùy theo từng loại hình doanh nghiệp cụ thể. 

2. Các loại hình doanh nghiệp theo quy định pháp luật doanh nghiệp hiện hành.

Về các loại hình doanh nghiệp: theo quy định Luật doanh nghiệp hiện hành, doanh nghiệp Việt Nam được chia thành các loại hình chính sau: Công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần; doanh nghiệp tư nhân; doanh nghiệp nhà nước. 

II. Nghĩa vụ công khai tài chính của các loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2005.

1. Sự giống nhau trong việc công khai tài chính của các doanh nghiệp.

Việc công khai tài chính là một nghĩa vụ của các doanh nghiệp và đã được quy định tại khoản 2, khoản 6 điều 9 Luật doanh nghiệp năm 2005.

“ Khoản 2: Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật kế toán. 

Khoản 6: Thực hiện chế độ thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; định kỳ báo cáo đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, tình hình tài chính của doanh nghiệp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo mẫu quy định, khi phát hiện các thông tin đã thống kê hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó”.

Theo Luật Kế toán 2003, Điều 31. Thời hạn nộp báo cáo tài chính (trích)

1. Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật; đối với báo cáo quyết toán ngân sách thì thời hạn nộp báo cáo được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Chính phủ quy định cụ thể thời hạn nộp báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách cho từng lĩnh vực hoạt động và từng cấp quản lý.

Điều 19.Nơi nhận báo cáo tài chính, quy định tại Nghị định 129/2004/NĐ-CP ngày 31/5/2004 “hướng dẫn thực hiện Luật Kế toán”.

Căn cứ Điều 31 của Luật Kế toán, nơi nhận báo cáo tài chính được quy định như sau:

1. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh phải nộp cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan cấp đăng ký kinh doanh cùng cấp và cơ quan khác theo quy định của pháp luật.

Quy định về xử phạt đối với doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ và chính xác nghĩa vụ công khai tài chính tạiđiều 165 Luật doanh nghiệp:

“2. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xoá tên trong sổ đăng ký kinh doanh trong các trường hợp sau đây:

d) Không báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh trong mười hai tháng liên tục;

e) Ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 163 của Luật này đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản”

Quy định tại Nghị định 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Điều 29.Vi phạm quy định về chế độ báo cáo (trích)

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Không nộp báo cáo tài chính đúng thời hạn theo quy định.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gửi báo cáo tới cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.

Như vậy, việc công khai tài chính là nghĩa vụ phải thực hiện của bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào.Việc công khai tài chính phải được thực hiện một cách mình bạch, đầy đủ và chính xác.Khi không thực hiện các nghĩa vụ này, doanh nghiệp sẽ phải chiu những chế tài nhất định.

Tuy nhiên, căn cứ vào đặc thù của mỗi loại hình doanh nghiệp, quy định về nghĩa vụ công khai tài chính đối với từng loại hình được chi tiết hóa hơn và có những sự khác biệt đáng kể.

2. Sự khác biệt trong nghĩa vụ công khai tài chính của các loại hình doanh nghiệp.

2.1/ Doanh nghiệp nhà nước.

Nghĩa vụ công khai tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước được quy định Nghị định số 61/2013/NĐ-CPvề Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. 

Đối tượng áp dụng : Quy chế này là các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước; các tổ chức, cá nhân được Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ủy quyền, phân cấp hoặc giao thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu về vốn Nhà nước, người đại diện theo quyền đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước; cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính có chức năng, nhiệm vụ giám sát tài chính doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp là cơ sở để doanh nghiệp công bố thông tin tài chính; báo cáo tài chính được lập và trình bày theo quy định về pháp luật kế toán. Nội dung công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước được quy định cho từng đối tượng cụ thể. 

Thứ nhất,  đối với doanh nghiệp, việc công khai thông tin bao gồm:  Tình hình tài chính, hiệu quả sử dụng và bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp,  kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; việc trích, lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp, các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của doanh nghiệp; các khoản thu nhập và thu nhập bình quân của người lao động; tình hình quản trị công ty; tình hình tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng năm trước liền kề của từng viên chức quản lý doanh nghiệp.

Thứ hai, với chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, công khai thông tin bao gồm: tình hình tài chính; kết quả phân loại doanh nghiệp và một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp như: Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, khả năng thanh toán nợ đến hạn của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, thời gian công khai thông tài chính phụ thuộc vào thời gian nộp báo cáo đánh giá tình hình tài chính được gửi cho chủ sở hữu, cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ quản lý ngành quyết định thành lập, Sở Tài chính đối với doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập). Thời điểm nộp báo cáo cùng với thời điểm nộp báo cáo tài chính giữa niên độ hoặc năm theo quy định của chế độ kế toán. Riêng báo cáo bất thường, báo cáo theo yêu cầu phải nộp theo thời hạn quy định của cơ quan yêu cầu báo cáo. Đối với doanh nghiệp thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt phải gửi báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm.

Việc công khai tài chính được thực hiện thông qua các báo cáo tài chính gửi đến các cơ quan giám sát có thẩm quyền và phải đến được cả công chúng, những người liên quan đến doanh nghiệp, chủ đầu tư… thông qua nhiều hình thức. Cụ thể, tại điều 3 Thông tư 171/2013 Hướng dẫn các quy định về công khai tài chính tại Nghị định 61/2013: “… công khai trên cổng thông tin điện tử, ngày công khai thông tin là ngày thông tin xuất hiện trên phương tiện công khai thông tin. Đối với việc công khai bằng hình thức fax hoặc gửi dữ liệu điện tử, ngày công khai thông tin là ngày gửi fax, gửi dữ liệu điện tử (qua email hoặc qua hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận báo cáo). Đối với việc công khai bằng hình thức gửi báo cáo bằng văn bản, ngày công khai thông tin là ngày chủ sở hữu nhận được thông tin công khai bằng văn bản.Ngôn ngữ thực hiện công khai thông tin về tài chính của các doanh nghiệp phải là tiếng Việt. Trường hợp pháp luật quy định công khai thông tin bổ sung bằng ngôn ngữ khác, ngôn ngữ thực hiện công khai thông tin bao gồm tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo quy định.”

Doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, phần vốn đó được huy động ngân sách nhà nước.Bởi vậy, sự công khai tài chính trên nhiều kênh thông tin khác nhau, để nhiều đối tượng có thể tiếp cận, đồng thời phải đảm bảo tính chính xác, cụ thể. Bởi:

Thứ nhất, sẽ giúp các cơ quan quản lý đánh giá đúng thực trạng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời giúp doanh nghiệp khắc phục tồn tại, hoàn thành mục tiêu, kế hoạch kinh doanh, nhiệm vụ công ích, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh.

Thứ hai, Nguồn vốn được sử dụng cho doanh nghiệp được huy động từ nhiều nguồn khác nhau trong đó, sự kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế đất nước.Đặt ra nghĩa vụ công khai tài chính doanh nghiệp đối với nhà nước giúp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước.

Thứ ba, giúp nhà nước, chủ sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

2.2/ Công ty cổ phần.

Theo quy định tại khoản 3 điều 77 Luật doanh nghiệp năm 2005, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp duy nhất có quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn. Bởi vậy, nghĩa vụ công khai tài chính của công ty cổ phần – bên cạnh các quy định chung về công khai tài chính của doanh nghiệp đơn thuần, nghĩa vụ này còn được quy định cụ thể tại Luật chứng khoán năm 2010. 

Công khai tài chính của công ty cổ phần thông qua các báo cáo tài chính tạiĐiều 16 Luật chứng khoán năm 2010, bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Trường hợp hồ sơ được nộp trước ngày 01 tháng 3 hằng năm, báo cáo tài chính năm của năm trước đó trong hồ sơ ban đầu có thể là báo cáo chưa có kiểm toán, nhưng phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của hai năm trước liền kề.             (theo quy định tại điều 101 Luật chứng khoán đã sửa đổi, bổ sung năm 2012 và hướng dẫn cụ thể tại Điều 10 thông tư 52/2012). Cụ thể:

Trường hợp doanh nghiệp niêm yết là công ty mẹ của một tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì thời hạn công bố thông tin về Báo cáo tài chính bán niên hợp nhất hoặc Báo cáo tài chính bán niên tổng hợp đã được soát xét và Báo cáo tài chính bán niên của công ty mẹ hoặc đơn vị kế toán cấp trên là sáu mươi (60) ngày, kể từ ngày kết thúc sáu (06) tháng đầu năm tài chính.

Báo cáo tài chính bán niên kèm theo toàn bộ Báo cáo công tác soát xét Báo cáo tài chính bán niên phải công bố trên trang thông tin điện tử của tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn và trên phương tiện công bố thông tin như Ủy ban chứng khoán Nhà nước và phải được lưu trữ bằng văn bản và dữ liệu điện tử ít nhất mười (10) năm tiếp theo tại trụ sở chính của công ty để nhà đầu tư tham khảo. Tổ chức kiểm toán thực hiện soát xét Báo cáo tài chính bán niên phải là tổ chức kiểm toán được chấp thuận đã được chọn để kiểm toán Báo cáo tài chính năm của tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn.

Thứ ba: doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố thông tin về Báo cáo tài chính quý trong thời hạn hai mươi (20) ngày, kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp doanh nghiệp niêm yết là công ty mẹ hoặc đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì phải công bố thông tin về Báo cáo tài chính quý của công ty mẹ và Báo cáo tài chính hợp nhất hoặc Báo cáo tài chính tổng hợp trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày, kể từ ngày kết thúc quý. 

Thứ tư: Trường hợp lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa báo cáo quý của kỳ công bố so với báo cáo quý cùng kỳ năm trước có biến động từ mười phần trăm (10%) trở lên hoặc kết quả kinh doanh trong quý bị lỗ, doanh nghiệp niêm yết phải giải trình rõ nguyên nhân trong Báo cáo tài chính quý đó. Trường hợp doanh nghiệp niêm yết là công ty mẹ thì phải giải trình rõ các nguyên nhân đó trong cả Báo cáo kết quả kinh doanh công ty mẹ và Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất,

Ngoài ra, doanh nghiệp niêm yết phải công bố đầy đủ Báo cáo tài chính quý trên trang thông tin điện tử của công ty và trên phương tiện công bố thông tin của UBCKNN, SGDCK và phải được lưu trữ bằng văn bản và dữ liệu điện tử ít nhất mười (10) năm tiếp theo tại trụ sở chính của công ty để nhà đầu tư tham khảo.

Trường hợp Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán và Báo cáo tài chính bán niên được soát xét có các ý kiến ngoại trừ/lưu ý thì công ty phải công bố thông tin về giải trình đối với các ý kiến ngoại trừ/lưu ý đó.

Mục đích khi quy định nghĩa vụ công khai tài chính của công ty cổ phần:

Thứ nhất, vốn điều lệ của công ty được đại chúng được sở hữu rộng rãi bởi các cổ đông nhưng chỉ có một số cổ đông lớn có quyền tham gia vào hội đồng quản trị, số cổ đông nhỏ gấp nhiều lần so với số cổ đông lớn nhưng lại không được trực tiếp tham gia quản lí công ty. Vì vậy, sẽ khó nắm bắt được thực trạng và tình hình tài chính công ti mình bỏ vốn đầu tư. Do đó, việc doanh nghiệp niêm yết công khai thông tin tài chính, một mặt để bảo vệ các cổ đông nhỏ (đảm bảo rằng họ biết về mức cổ tức mà mình được chia có thỏa đáng ); mặt khác, để các nhà đầu tư tiềm tàng trên thị trường chứng khoán cũng có thể tiếp cận thông tin về công ti đại chúng, từ đó có quyết định đầu tư đúng đắn. 

Hơn nữa, cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết sau khi phát hành sẽ tiếp tục lưu hành trên thị trường chứng khoán.Vì vậy, công chúng đầu tư vẫn cần tiếp tục có những thông tin về hàng hóa đó. Bởi vậy, sự minh bạch tài chính của daonh nghiệp niêm yết là điều cần thiết và được thực hiện theo định kì hoặc khi theo yêu cầu của UBCKNN

Thứ hai, đối với tổ chức quản lý thị trường chứng khoán Thông qua các báo cáo tài chính doanh nghiệp công khai, tổ chức quản lý thị trường thấy được thực trạng hoạt động, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các doanh nghiệp không đủ điều kiện niêm yết ra khỏi hoạt động giao dịch, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư.

2.3/Nghĩa vụ công khai tài chính của các loại hình doanh nghiệp khác.

Điểm khác biệt trong nghĩa vụ công khai tài chính giữa doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần và các loại hình doanh nghiệp còn lại thể hiện chủ yếu ở mức độ công khai tài chính.

Nếu như ở doanh nghiệp nhà nước hay công ty cổ phần, sự công khai tài chính cần đảm bảo để các tổ chức, cơ quan quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước, các nhà đầu tư, các cổ đông (đối với công ty cổ phần), công chúng…  nắm được tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua các hình thức và phương tiện công khai khác nhau thì các doanh nghiệp còn lại như: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh – mức độ công khai tài chính hẹp hơn. Cụ thể:

- Hiện nay chưa có các quy định pháp luật riêng cụ thể về sự công khai tài chính đối với các loại doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh.

- Sự công khai tài chính của các loại hình doanh nghiệp căn cứ theo quy định của Luật kế tóan, quy định chung về nghĩa vụ công khai tài chính của các loại doanh nghiệp. Căn cứ các quy định của Luật này, tình hình tài chính của doanh nghiệp được thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua các báo cáo tài chính và không phải công bố rộng rãi các báo cáo tài chính này trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

- Phạm vi các đối tượng được biết đến tình hình tài chính của doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh đều rất hạn chế. 

Đây cũng có thể được xem là sự ưu thế hơn của các loại doanh nghiệp này so với công ty cổ phần hay doanh nghiệp nhà nước. Bởi sự bảo mật kinh doanh và tài chính được đảm bảo do không phải công khai, báo cáo với các cổ đông hay chủ sở hữu (nhà nước). . . Khả năng thay đổi phạm vi lĩnh vực kinh doanh cũng như trong hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, nó cũng gặp phải những hạn chế nhất định như: không có điều kiện thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, chịu trách nhiệm hoàn toàn với tình hình hoạt động kinh doanh của mình . . .

III. Thực tế việc thực hiện nghĩa vụ công khai tài chính của các loại hình doanh nghiệp.

Thứ nhất, đối với việc công khai tài chính của doanh nghiệp nhà nước: Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quy định, hướng dẫn quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Việc thực hiện các quyết định trên đã từng bước giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương của số đông các DNNN. Qua công tác giám sát, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính đã có sự cảnh báo với chủ sở hữu DNNN về những nguy cơ, dấu hiệu rủi ro tài chính. Cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả DNNN đã góp phần đưa số DNNN làm ăn thua lỗ giảm từ 60% những năm đầu 2000 xuống còn 20% năm 2010. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính 2009- 2010 vẫn duy trì được số lượng DN xếp loại A (năm 2009 có 53% các tập đoàn, tổng công ty xếp loại A, 70% các công ty độc lập thuộc các bộ, ngành xếp loại A. Năm 2010 có 54% các tập đoàn, tổng công ty xếp loại A, 67% các công ty độc lập thuộc các bộ, ngành xếp loại A)(Theo số liệu web Thời báo kinh tế Việt Nam ).

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện chủ sở hữu mới chỉ tập trung vào việc phân loại, đánh giá xếp loại DN theo A, B, C mà chưa chú trọng đến nội dung giám sát tài chính DN theo quy định. Do đó, đã xảy ra tình trạng một số DNNN có vi phạm trong vấn đề sản xuất kinh doanh, đầu tư và quản lý vốn, tài sản nhà nước nhưng chưa được kịp thời phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.Đặc biệt, đối với các DNNN kinh doanh thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, việc giám sát tài chính chưa thực sự có kết quả để đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp nên hiện tượng kinh doanh thua lỗ kéo dài, số lỗ luỹ kế gia tăng tại một số DN.Bên cạnh đó, về chế tài xử lý đối với các vi phạm trong việc giám sát tài chính doanh nghiệp chưa đầy đủ, rõ ràng và chưa đảm bảo được tính răn đe.( Theo phân tích tình hình giám sát tài chính DNNN của Thời báo tài chính Việt Nam)

Thứ hai, tình hình công khai thông tin tài chính của công ty cổ phần.

Trong thực tế, tồn tại một khoảng cách không nhỏ giữa nội dung thông tin phải công bố theo quy định và nội dung thông tin mà các công ty niêm yết thực tế công bố. Điều này dẫn đến những hệ quả không mong muốn cho mục tiêu minh bạch hóa thông tin trên TTCK Việt Nam.Chênh lệch số liệu lợi nhuận trước và sau kiểm toán là điều vẫn thường diễn ra. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều công ty bị giảm doanh thu, giảm lợi nhuận đến trên 50% sau kiểm toán đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đồng vốn của nhà đầu tư,  khiến môi trường đầu tư chứng khoán rủi ro hơn, ít nhiều làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư

Thậm chí có công ty chỉ trích lập dự phòng ngắn hạn mà không trích lập dự phòng dài hạn. Việc làm lơ đi các khoản mục quan trọng này đã khiến nhiều nhà đầu tư tưởng rằng công ty làm ăn có lãi nhưng rất có thể đây là “lời ảo, lỗ thật”.

Ngoài ra, trên báo cáo thường niên, các số liệu tài chính quan trọng chỉ trình bày 2 hoặc 3 năm là rất hạn chế về ý nghĩa so sánh.Để đánh giá đầy đủ về một công ty, các nhà đầu tư cần đánh giá các số liệu thuận tiện nhất cho việc so sánh của ít nhất là 4-5 năm gần nhất, thậm chí là 10 năm.Thêm nữa, vấn đề quản trị rủi ro cũng chưa được xem như là một nội dung trình bày trên báo cáo thường niên.

Thứ ba, với các loại hình doanh nghiệp khác: Doanh nghiệp nộp BCTC hàng năm quá ít về cơ quan ĐKKD, do lực lượng quản lý của cơ quan đăng ký kinh doanh còn nhiều hạn chế so với cơ quan thuế. 

Ngoài ra trước đây, bởi quy định doanh nghiệp phải nộp báo cáo tài chính  ở nhiều cơ quan quản lý khác nhau nên tạo ra sự không tập trung cho doanh nghiệp trong việc báo cáo tài chính. Để khắc phục tình trạng này, tiết a, khoản 2, mục III, Quyết định 704/QĐ-Ttg ngày 11/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường nêu định hướng:  "a) Sửa đổi quy định về nộp báo cáo tài chính theo hướng tập trung đầu mối nhận báo cáo của doanh nghiệp. Đồng thời, quy định cụ thể thời hạn, trách nhiệm của cơ quan đầu mối trong việc công khai toàn bộthông tin doanh nghiệp gửi đến một cách kịp thời, chính xác trên trang thông tin điện tử của cơ quan; các chế tài và nâng mức xử lý vi phạm của doanh nghiệp không gửi báo cáo và của cơ quan đầu mối khi không thực hiện công khai thông tin".

Tuy vậy, muốn thực hiện sửa đổi (như trên) thì lại phải sửa đổi một số Luật có liên quan nên cho đến nay việc này mới chỉ dừng mức định hướng mà chưa được áp dụng trong thực tế. Việc Doanh nghiệp nộp BCTC hàng năm về cơ quan ĐKKD cho thấy Doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của Pháp luật, thể hiện doanh nghiệp đang hoạt động, giúp cho cơ quan nhà nước có thông tin đầy đủ về doanh nghiệp, tăng cường được sự giám sát .v.v. 

KẾT LUẬN

Mỗi doanh nghiệp có thể có quy chế công khai thông tin tài chính riêng.Tuy nhiên, điều quan trọng nhất có thể thấy nghĩa vụ công khai tài chính là một yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Thực hiện hiệu quả việc công khai thông tin của doanh nghiệp cũng như việc giám sát sự thực thi công khai tài chính của doanh nghiệp giúp cho nền kinh tế quốc gia phát triển minh bạch và hiệu quả. 

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Trà My - K3507 - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment