25/06/2014
Quá trình hình thành vốn sở hữu chủ giữa các loại hình doanh nghiệp - Bài tập nhóm Tài chính doanh nghiệp
Mỗi doanh nghiệp khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phải có vốn sở hữu chủ và số vốn này không ngừng thay đối trong quá trình doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn sở hữu chủ này được hình thành từ các nguồn vốn như vốn điều lệ, lợi nhuận không chia, vốn tích lũy, quĩ doanh nghiệp và tài sản khác. Tuy nhiên, giữa các loại hình doanh nghiệp thì quá trình hình thành vốn sở hữu chủ có giống nhau hay có sự riêng biệt gì không thì đó là điều đáng quan tâm. Và đó là lí do Nhóm 01 lựa chọn đề: “ Phân tích quá trình hình thành vốn sở hữu chủ giữa các loại hình doanh nghiệp”.

NỘI DUNG

I.Khái quát chung về vốn chủ sở hữu

1.Khái niệm vốn chủ sở hữu.

Doanh nghiệp là một tổ chức kinh doanh nhằm mục đích sinh lời được pháp luật thừa nhận. Trong quá trình kinh doanh của mình doanh nghiệp luôn chú trọng tới vốn của mình bởi vốn có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp. Vốn của doanh nghiệp được hiểu là biểu hiện của tiền, vật tư, tài sản được đầu tư quá trình sản xuất để thu lại lợi nhuận. Chính vì vậy vốn là một loại hàng hóa đặc biệt. Đối với tiền, nó chỉ được trở thành vốn khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

    - Tiền phải là đại diện cho một hàng hóa nhất định, đảm bảo cho một hàng hóa có thực.

    - Tiền phải được tích tụ và tập trung ở một mức độ nhất định.

    - Khi có đủ lượng tiền nhất định thì tiền phải được vận động để sinh lời.

Khi phân loại vốn theo phương thức hình thành thì vốn doanh nghiệp được chia làm hai loại là: vốn chủ sở hữu và vốn huy động.

Vốn chủ sơ hữu là số vốn của các chủ sở hữu, các nhà đầu tư góp vốn và doanh nghiệp khồng phải cam kết thanh toán. Số vốn  này bao gồm vốn góp ban đầu khi doanh nghiệp mới thành lập và số vốn bổ sung thêm hay giảm bớt trong quá trình hoạt động kinh doanh.

2. Đặc điểm của vốn chủ sở hữu.

Từ khái niệm nêu ở trên ta có thể thấy được vốn sở hữu mang đầy đủ các đặc điểm của vốn doanh nghiệp như:

- Vốn là đại diện cho một lượng giá trị tài sản;

- Vốn luôn vận động để sinh lời;

- Vốn phải được tích tụ tới một mức độ nhất định mwois phát huy được tác dụng;

- Vốn có giá trị nhất định.....

Bên cạnh nhưng đặc điểm trên vỗn chủ sở hữu cũng có những đặc điểm riêng biệt để phân biệt với các vốn khác đó là:

- Trong quá trình vận động vốn không tách rời chủ sở hữu;

- Vốn chủ sở hữu là số vốn của các chủ sở hữu doanh nghiệp không phải cam kết trả vì vậy nó không phải là một khoản nợ.

II. Quá trình hình thành vốn sở hữu chủ giữa các doanh nghiệp.

1. Sự hình thành vốn sở hữu chủ của doanh nghiệp.

Nguồn vốn chủ sở hữu là số nguồn vốn của các chủ sở hữu , nhà đầu tư. Đây là số vốn mà các doanh nghiệp không phải cam kết thanh toán. Nguồn vốn chủ sở hữu do các chủ sở hữu, các nhà đầu tư góp vốn hoặc hình thành từ kết quả kinh doanh. Do vậy, nguồn vốn chủ sở hữu không phải một khoản công nợ phải trả. Đối với công ty Nhà nước, vốn hoạt động do Nhà nước giao hoặc đầu tư trên nhà nước là chủ sở hữu vốn. Đối với doanh nghiệp liên doanh, công ty TNHH, công ty hợp danh thì chủ sở hữu vốn là các thành viên tham gia góp vốn hoặc các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn. Đối với doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu vốn là cá nhân hoặc chủ gia đình. 

Tùy theo từng loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân… ) nguồn vốn chủ sở hữu được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản vốn sở hữu chủ của các doanh nghiệp đều hình thành từ các nguồn cơ bản sau:

Nguồn vốn ban đầu: Đây là số vốn do các chủ sở hữu đóng góp tại thời điểm thành lập doanh nghiệp. Chủ sở hữu vốn có thể là nhà nước, cá nhân hoặc các tổ chức tham gia góp vốn, các cổ đông mua và nắm giữ cổ phiếu. Hoặc đó là vốn pháp định số vốn tối thiểu phải có để thành lập doanh nghiệp do pháp luật quy định với từng ngành nghề. Vốn pháp định là biện pháp kiểm tra thanh toán nợ của doanh nghiệp, đảm bảo sự hoạt động bình thường của doanh nghiệp khi bắt đầu kinh doanh. Vốn pháp định được hình thành theo nhiều phương thức tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, đối với các doanh nghiệp nhà nước thì vốn pháp định được cung cấp bởi ngân sách nhà nước.

- Vốn tự bổ sung:  Đây  là nguồn vốn được hình thành từ lợi nhuận chưa được phân phối của doanh nghiệp và các khoản trích hàng năm của doanh nghiệp. như quỹ xí nghiệp. Vốn bổ sung góp phần cho doanh nghiệp nâng cao được nguồn vốn đầu tư. Đối với mỗi loại hình công ty quá trinh hình thành vốn bổ sung sẽ có sự khác biệt nhất định.

+ Với doanh nghiệp nhà nước: Do ngân sách nhà nước giao (cấp) cho doanh nghiệp.

+ Với công ty liên doanh: Do các bên tham gia liên doanh đồng thời kiểm soát góp vốn.

+ Với công ty cổ phần: Do cổ đông đóng góp bằng việc mua cổ phiếu.

+ Với công ty trách nhiệm hữu hạn: Do các thành viên tham gia thành lập công ty đóng góp. 

+ Với doanh nghiệp tư nhân: Do chủ sở hữu doanh nghiệp đóng góp.

- Vốn chủ sở hữu khác, thuộc nguồn vốn này là các khoản chênh lệch từ việc đánh giá lại tài sản, do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, do ngân sách cung cấp kinh phí, do các đơn vị phụ thuộc nộp kinh phí quản lý và vốn chuyên dùng cơ bản.

2. Quá trình hình thành vốn chủ sở hữu giữa các loại hình doanh nghiệp.

2.1 Doanh nghiệp tư nhân.

“Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào” (khoản 1, 2 điều 141 Luật doanh nghiêp). 

Vốn sở hữu chủ của doanh nghiệp tư nhân được hình thành thông qua quá trình kinh doanh. Theo pháp luật Việt Nam, DNTN được xếp vào nhóm các doanh nghiệp một chủ sở hữu, loại hình doanh nghiệp này chỉ do một các nhân duy nhất làm chủ sở hữu. Như vậy, trong DNTN không xuất hiện sự góp vốn giống như ở các công ti nhiều chủ sở hữu, nguồn vốn ban đầu của DNTN xuất phát chủ yếu từ tài sản của một cá nhân, phần vốn này sẽ do chủ doanh nghiệp tự khai báo với cơ quan đăng kí kinh doanh và được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán của doanh nghiệp (khoản 1, khoản 2 điều 142). 

Vốn đầu tư của chủ DNTN do chủ doanh nghiệp đầu tư từ các nguồn: tự có, tự vay mượn, huy động từ các nguồn khác; tài sản của doanh nghiệp do chủ đầu tư mua sắm hoặc cho thuê. Trong quá trình hoạt động, chủ DNTN vẫn có quyền tăng hoặc giảm mức vốn đầu tư, chỉ phải khai báo với cơ quan đăng kí kinh doanh trong trường hợp giảm vốn xuống dưới mức đã đăng kí. 

Vấn đề phân chia lợi nhuận không đặt ra đối với DNTN, bởi lẽ doanh nghiệp này chỉ có một chủ sở hữu và toàn bộ loại nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thuộc về một mình chủ doanh nghiệp, sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước và các bên thứ ba.

Ngoài ra, vốn chủ sở hữu còn được bổ sung từ kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của chính sách tài chính hoặc quyết định của các chủ sở hữu vốn, của Hội đồng quản trị,... Các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, và các quỹ hình thành từ lợi nhuận sau thuế (Quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối, nguồn vốn đầu tư XDCB,...);

Các khoản khác và tài sản được nhận biếu, tặng, tài trợ, cũng có thể được bổ sung vào vốn chủ sở hữu nếu được ghi tăng vốn chủ sở hữu. Các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản cũng góp phần hình thành vốn sở hữu chủ.

2.2 Công ty cổ phần 

CTCP là loại hình đặc trưng của công ti đối vốn, vốn điều lệ của công ti được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Trong quá trình hoạt động, muốn bổ sung vốn chủ sở hữu thì CTCP phải phát hành thêm cổ phần hoặc liên doanh liên kết.

Trong quá trình hoạt động, công ti cổ phần có quyền phát hành chứng khoán (như cổ phiếu, trái phiếu) ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán để huy động vốn. 

Về lợi nhuận, sau khi chi trả cho cổ đông ưu đãi, phần còn lại là lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông thường, thì một phần sẽ chi trả cổ tức, một phần để chia vào các quỹ và phần cuối cùng là lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư. Tùy theo chiến lược công ti có thể không chi trả cổ tức hoặc chi trả với tỉ lệ thấp để tăng phần lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư. 

Đối với các quỹ hình thành tư lợi nhuận sau thuế (Quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối, nguồn vốn đầu tư XDCB,. . .), tỉ lệ chia vào các quỹ bao nhiêu là phụ thuộc vào từng công ti.

2.3 Công ty trách nhiệm hữu hạn.

Quá trình hình thành vốn chủ sở hữu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn được hình thành thông qua vốn góp của các chủ sở hữu.

Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình công ty đối vốn không được phát hành cổ phiếu ra thị trường để công khai huy động vốn trong công chúng. Khi thành lập công ty, các thành viên phải cam kết góp vốn vào công ty với giá trị vốn góp và thời hạn góp vốn cụ thể. Khi đã góp đủ giá trị phần vốn góp, thành viên được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp có nội dung quy định tại khoản 4 điều 39 Luật doanh nghiệp. Trường hợp có thành viên không góp đầy đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vón chưa được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty thành viên đó phải chịu trách nhiệm bội thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. 

Công ty trách nhiệm hữu hạn là loại hình công ty có vốn nhiều chủ sở hữu.  Trong quá trình hoạt động công ty, các thành viên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn góp của mình cho người khác (theo điều 44 Luật doanh nghiệp). Theo quyết định của hội đồng thành viên công ty, có thể tăng vốn điều lệ bằng các hình thức như tăng vốn góp của thành viên; điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ tương ứng với giá trị tài sản tăng lên của công ty; tiếp nhận vốn của các thành viên mới. 

Công ty có thể giảm vốn điều lệ theo quyết định của hội đồng thành viên bằng hình thức và thủ tục được quy định tại Điều 60 Luật doanh nghiệp. Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên khi kinh doanh có lãi, đã hoàn thành được nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác. Đồng thời vẫn phải đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn phải trả khác sau khi đã chia lợi nhuận..

2.4 Công ty hợp danh

Là loại hình công ty đối nhân, công ty hợp danh không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán để huy động vốn tron công chúng. Khi thành lập công ty, các thành viên phải góp vốn vào vốn điều lệ công ty. 

Số vốn mỗi thành viên cam kết góp vào công ty phải được ghi rõ trong điều lệ công ty. Vốn điều lệ của công ty hợp danh trong một số ngành, nghề theo quy định pháp luật không được thấp hơn vốn pháp định. Trong quá trình hoạt động, công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ bằng cách tăng phần vốn góp của các thành viên công ty hoặc kết nạp thành viên mới vào công ty theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty. 

Tài sản của công ty hợp danh bao gồm tài sản góp vốn của các thành viên đã chuyển quyền sở hữu cho công ty, tài sản được tạo lập mang tên công ty; tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do các thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ hoạt động kinh doanh của các nhành nghề kinh doanh đã đăng ký của công ty do các thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện; các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

3. Đánh giá quá trình hình thành vốn sở hữu chủ giữa các loại hình doanh nghiệp.

Nhìn chung, qua sự phân tích về quá trình hình thành nguồn vốn chủ sở hữu có thể nhận thấy, về cơ bản nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp đều được được hình thành từ những nguồn giống nhau – nguồn vốn ban đầu, nguồn vốn tự bổ sung, nguồn vốn thu được trong quá trình  kinh doanh sau khi đã tiến hành kế toán theo quy định của pháp luật về tài chính doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, quá trình hình thành của mỗi nguồn vốn lại có sự khác nhau cơ bản và sự khác nhau cơ bản này do bản chất của mỗi loại hình doanh nghiệp quy định. 

III. Thực trạng vốn sở hữu chủ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

1.Thực trạng liên quan đến vốn góp ban đầu của các doanh nghiệp.

Cho đến hiện nay thì doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn là loại hình DN chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng hơn 50% lao động, sản xuất hơn 40% hàng tiêu dùng, đóng góp 47% GDP, 40% ngân sách…Thực trạng chung là tỉ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ta còn rất cao, nguồn vốn ban đầu của các doanh nghiệp hầu như chưa lớn. Và có thể nói quy mô vốn của các doanh nghiệp Việt Nam rất nhỏ lẻ, chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển và cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó thì những năm qua có sự suy thoái về kinh tế nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc vốn góp ban đầu của các doanh nghiệp. Tình hình vốn góp ban đầu của các doanh nghiệp không giữ được sự tăng cường qua từng năm như thời chưa có suy thoái kinh tế.

Với nội dung vốn góp ban đầu của doanh nghiệp thì hiện này có một số điểm đáng chú ý như:

+ Nhiều doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ. Trường hợp vốn điều lệ lớn hơn vốn chủ sở hữu có thể bắt nguồn từ việc chưa góp đủ vốn hay vốn chủ sở hữu giảm đi do phần lỗ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay thì việc vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ chủ yếu là do việc làm ăn thua lỗ của doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Dẫn đầu về việc này là nhóm doanh nghiệp vật liệu và xây dựng, kế đến là công ty chứng khoán và dịch vụ tài chính, công nghệ, tài nguyên. Điển hình nhất trong mấy năm vừa qua là các doanh nghiệp kinh doanh đầu tư bất động sản làm ăn thua lỗ, hàng tồn đọng nhiều, nợ ngân hàng lớn dẫn đến việc doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ. Đây là một thực trạng đáng buồn của các doanh nghiệp Việt Nam.

+ Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn là rất cao. Ví dụ như trong nội dung Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, góp vốn của nhà nước mà Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội thì Chính phủ cho biết nợ phải trả của các TĐ, TCT, công ty mẹ-con năm 2012 lên tới 1.348.752 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 là 1,46 lần. Có 48 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, như TCT lắp máy VN 53,19 lần; TCT xây dựng Bạch Đằng 20,97 lần; TCT xây dựng công trình giao thông 1 là 18,41 lần…Đây thực sự là một tình hình đáng báo động!

2.Thực trạng vốn từ lợi nhuận để lại

Hiện nay ở Việt Nam, nguồn vốn từ lợi nhuận để lại chưa được quan tâm đúng mức. Do trong khối  các doanh nghiệp  nhà nước, các doanh nghiệp được “bao cấp” về tài chính nên nhu cầu về nguồn vốn là không nhiều. Còn ở mảng doanh nghiệp ngoài nhà nước thì phần nào là do làm ăn không hiệu quả, phần nào là do sức ép từ chia cổ tức cho cổ đông  nên việc tăng vốn sở hữu chủ từ lợi nhuận để lại chưa được phát huy.

Các doanh nghiệp ngoài nhà nước thường có quy mô nhỏ, cần xây dựng uy tín với cổ đông nên thường ưu tiên cho mục tiêu chia lợi tức cao cho cổ đông nên chưa xem trọng việc để lại lợi nhuận nhằm ổn định, phát triển tái sản xuất  cho doanh nghiệp hoặc có để lợi nhuận lại thì cũng không đáng kể.

3. Thực trạng vốn từ phát hành cổ phiếu mới.

Đây là kênh huy động vốn đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ doanhnghiệp cổ phần nào hiện nay. Trong điều  kiện Việt Nam  hiện  nay,  thị  trường chứng khoán đang không được hấp dẫn lắm, ẩn chứa nhiều rủi ro nên việc thu hút nguồn  vốn từ phát hành cổ phiếu mới là rất khó. Tuy nhiên khó thì vẫn phải làm, và nếu tình hình tài chính của doanh nghiệp khả quan hơn cũng như doanh nghiệp tạo được sự tin tưởng với nhà đầu tư thì việc này cũng không phải là bất khả thi.

“Theo thống kê của UBCK cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu giảm mạnh, chỉ đạt 2.344 tỷ đồng (giảm 58% so với cùng kỳ năm 2012). Trong khi đó, năm 2012 đã là năm sụt giảm mạnh về lượng huy động vốn so với các năm trước đó, mặc dù số DN niêm yết tăng lên.

Năm 2013, một số DN có kế hoạch tăng vốn lớn như: CTCP Khách sạn và Du lịch Đại Dương (mã OCH) dự kiến tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng hiện nay lên mức 2.000 tỷ đồng bằng hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Với mức giá hiện tại khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu, cơ hội để OCH phát hành thành công là tương đối lớn. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này ở mức rất thấp.

Một trường hợp khác, CTCP Tập đoàn FLC dự kiến tăng vốn điều lệ lên gấp đôi từ mức vốn hiện hành 771,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức giá chỉ trên 6.000 đồng/cổ phiếu, cơ hội để FLC huy động vốn thành công từ cổ đông hiện hữu là không cao. Dường như ý thức được điều này, FLC đã đồng thời để ngỏ thêm phương án phát hành cho đối tác chiến lược.

Ngoài ra FLC, OCH, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng có phương án phát hành 18 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, với mức giá mua 10.000 đồng/cổ phiếu và chào bán ra công chúng thêm 18 triệu cổ phần cũng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá hiện trên 14.000 đồng/cổ phiếu, cơ hội để NBB phát hành thành công là có, nhưng không đảm bảo là 100% thành công. Nhiều DN niêm yết khác đã chốt kế hoạch tăng vốn 2013, nhưng chưa thấy động tĩnh gì, dù đã bước sang quý III của năm 2013.

Tính đến ngày 9/7, tính trên 2 sàn có tới 391 cổ phiếu có thị giá không cao hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm, một trong những giải pháp quan trọng của UBCK là tiếp tục gỡ khó cho DN niêm yết, để mở hướng phát hành, trong đó có phát hành dưới mệnh giá. Tuy nhiên, DN muốn huy động được vốn từ công chúng thì tự thân DN phải hội tụ các yếu tố hấp dẫn, bằng không, các giải pháp mang tính kỹ thuật khó có thể làm cho bức tranh huy động vốn 6 tháng cuối năm sáng sủa hơn.”

Đáng chú ý còn có thực trạng đó là nhiều DN cũng thực hiện tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm trước, hoặc nguồn vốn chủ sở hữu. Ví dụ, Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã VIC) đã thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 2.276 tỷ đồng bằng cách chia cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000:325 cho cổ đông hiện hữu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITACO, mã ITA) cũng tăng vốn điều lệ thêm khoảng hơn 560 tỷ đồng từ việc trả cổ tức (tỷ lệ 5%) bằng cổ phiếu và chia thưởng tỷ lệ 5% từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. CTCP Ánh Dương (Vinasun, mã VNS) phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, theo tỷ lệ 35%, nhằm tăng vốn điều lệ từ gần 300 tỷ đồng lên xấp xỉ 405 tỷ đồng. Trường hợp khác là CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10:1 để tăng vốn điều lệ thêm hơn 50 tỷ đồng…
VIC đã tăng vốn điều lệ thêm 2.276 tỷ đồng bằng cách chia cổ phiếu cho cổ đông.

Nhìn chung, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa khởi sắc,  tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu được nhiều DN niêm yết lựa chọn, vừa để giải quyết bài toán giữ vốn ở lại DN (thay vì chia cổ tức bằng tiền), vừa để vui lòng cổ đông. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, mặc dù vốn chủ sở hữu trên báo cáo lớn hơn nhiều vốn điều lệ, nhưng DN không thể thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng vì tình trạng tài chính thực chất rất kém.

KẾT BÀI.

Từ phần bài làm ở trên phần nào ta thấy được quá trình hình thành vốn sở hữu chủ của các doanh nghiệp và thực trạng vốn sở hữu chủ ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Các chủ sở hữu lựa chọn loại hình doanh nghiệp khác nhau thì việc hình thành vốn ban đầu và vốn bổ sung trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng có sự khác nhau. 

Trên đây là phần bài làm của Nhóm 01 do còn hạn chế về mặt kiến thức nên Nhóm rất mong nhận được sự góp ý, bổ sung của thầy cô để bài Nhóm 01 được hoàn thiện hơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1.Giáo trình tài chính doanh nghiệp - Trường Học viện Ngân hàng.
2. Luật Doanh nghiệp năm 2005.
3. Nguồn website:
-  http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/tang-von-2013-dn-chua-tim-ra-huong-moi-14312.html
- http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-thi-truong-von-o-viet-nam-2013112509420698016ca34.chn

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Trà My - K3507 - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment