25/06/2014
Công khai tài chính của doanh nghiệp niêm yết với hoạt động của thị trường chứng khoán - Bài tập nhóm Tài chính doanh nghiệp
Ở Việt Nam thị trường chứng khoán còn khá non trẻ, những qui định của pháp luật liên quan đến vấn đề công khai tài chính của doanh nghiệp niêm yết có vai trò rất lớn đến việc cung cấp thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp cho chủ sở hữu doanh nghiệp, chủ đầu tư, tổ chức quản lí thị trường chứng khoán… Để đi sâu tim f hiểu vần đề này Nhóm 1 đã chọ đề tài: “ Vấn đề công khai tài chính của doanh nghiệp niêm yết với hoạt động của thị trường chứng khoán”.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.

I. Khái quát chung về công khai tài chính doanh nghiệp.

1. Công khai tài chính doanh nghiệp.

Công khai tài chính doanh nghiệp là việc doanh nghiệp đó công bố các thông tin về tình hình vốn, tài sản; hiệu quả sử dụng vốn, tình hình nộp thuế của doanh nghiệp đối với nhà nước; thông tin về tình hình nợ lương; tình hình doanh thu và chi phí thu nhập của odanh nghiệp......

Việc công khai tài chính doanh nghiệp phải đầy đủ và chính xác theo quy định của pháp luật. Công khai các thông tin doanh nghiệp có vai trò cơ bản sau đây:

- Đối với chủ doanh nghiệp, là người đứng đầu doanh nghiệp, quản lý tài sản của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp thông qua việc công khai tài chính có thể nắm bắt được tình hình của doanh nghiệp mình, từ đó đưa ra được các kế hoạch phát triển, sản xuất của doanh nghiệp.

- Đối với chủ nợ, từ việc công khai tài chính của doanh nghiệp, chủ nợ có thế đánh giá được hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp đó.

- Đối với người lao động, có khả năng đưa ra các quyết định hợp lý về việc làm và thu nhập.

- Đối với nhà nước, Giúp nhà nước đưa ra các chính sách phù hợp để phát triển kinh tế.

Hình thức công khai tài chính doanh nghiệp bao gồm: công khai qua bao cáo tài chính; phát hành ấn phẩm niêm yết tại doanh nghiệp....

2. Khái quát về báo cáo tài chính.

Báo cáo tài chính là một hệ thống số liệu và phân tích cho biết tình hình tài sản và nguồn vốn, luồng tiền và hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Mục tiêu của báo cáo tài chính là cung cấp thông tin hữu ích về tình hình tài chính của doanh nghiệp để những người sử dụng đưa ra các quyết định kinh tế. Thời hạn nộp báo cáo tài chính gồm báo cáo tài chính quý và báo cáo tài chính năm.

Việc lập và trình bài báo cáo tài chính doanh nghiệp phải tuân thủ theo 6 nguyên tắc đã được quy định trong chuẩn mực kế toán Việt Nam số 21 là: hoạt động liên tuc; cơ sở dồn tích; nhất quán; trọng yếu và tập hợp; bù trừ; có thể so sánh.

Báo cáo tài chính phải được công khai theo các hình thức: phát hành ấn phẩm, thông báo bằng văn bản, niêm yết hoặc bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Nội dung của báo cáo tài chính khi công khai phải bao gồm:

+  Tình hình tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu;
+  Hiệu quả hoạt động kinh doanh
+  Trích và lập sử dụng các quỹ;
+  Thu nhập của người lao động.

Thời hạn công khai báo cáo tài chính được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Theo đó, đối với doanh nghiệp nhà nước doanh nghiệp độc lập phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính; đối với tổng công ty Nhà nước thì thời hạn công khai báo cáo tài chính chậm nhất là 120 ngày. Đối với doanh nghiệp trực thuộc tổng công ty Nhà nước phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn do tổng công ty qui định, nhưng không chậm hơn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Ðối với các doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh: thời hạn công khai báo cáo tài chính năm chậm nhất là 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Ðối với các loại hình doanh nghiệp khác như công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các loại hình hợp tác xã: thời hạn công khai báo cáo tài chính năm chậm nhất là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Cấu thành của báo cáo tài chính có 4 loại: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tàichính.

- Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán là một bảng báo cáo tài chính tổng hợp dùng để khái quát toàn bộ tài sản và nguồn hình thành tài sản đó tại một thời điểm nhất định. Bảng cân đối kế toán được chia thành 2 phần là cấu thành tài sản và nguồn hình thành nên tài sản. Số tổng cộng của 2 phần luôn bằng nhau.

Một bảng cân đối kế toán cần phải chỉ rõ tài sản cố định của doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, nợ dài hạn và vốn chủ sở hữu.Nó dùng để đánh giá doanh nghiệp đang phát triển thế nào. Bảng cân đối kế toán còn có ý nghĩa về mặt pháp lý. Nguồn hình thành tài sản thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp với các nhà đầu tư, các chủ nợ, Nhà nước.

Bản cân đối kế toán còn  rất hữu ích như là một bức tranh tổng thể, giúp cho nhà phân tích nghiên cứu đánh giá một cách khái quát tình hình và kết quả kinh doanh,khả năng cân bằng tài chính,trình độ sử dụng vốn và những triển vọng kinh tế tài chính doanh nghiệp.

- Bảng báo cáo kết quả kinh doanh(Báo cáo lãi lỗ)

Bảng báo cáo kế hoạch kinh doanh, hay còn gọi là bảng báo cáo tài chính tổng quát cho biết tình hình tài chính của doanh nghiệp trong từng thời kỳ nhất định, nó phản ánh kết quả kinh doanh cũng như tình hình thực hiện trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước của Doanh nghiệp trong thời kỳ đó.

Dựa vào các số liệu trên báo cáo kết quả kinh doanh hoặc báo cáo lãi lỗ sẽ cho bạn biết doanh nghiệp bạn kiếm được bao nhiêu tiền sau khi đã trừ đi hết chi phí. Báo cáo kết quả kinh doanh được đọc từ trên xuống và cho biết doanh thu và chi phí cho một khoảng thời gian nhất định. Một bảng báo cáo kết quả kinh doanh đầy đủ còn giúp  người sử dụng thông tin có thể kiểm tra, phân tích, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp trong kỳ, so sánh với kỳ trước và với Doanh nghiệp khác để nhận biết khái quát hoạt động trong kỳ và xu hướng vận động.

- Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hay báo cáo dòng tiền mặt là một loại báo cáo tài chính được lập ra để trả lời các câu hỏi liên quan đến luồng tiền ra vào trong doanh nghiệp ở một khoảng thời gian nhất định (tháng, quý hay năm).

Một bảng dự báo dòng tiền mặt có thể là một công cụ kinh doanh rất quan trọng nếu nó được báo cáo của doanh nghiệp sử dụng hiệu quả. Lưu ý rằng đây là một báo cáo động – bạn cần thay đổi và điều chỉnh nó thường xuyên để phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh, các khoản chi trả và nhu cầu của nhà cung cấp.Việc thay đổi bảng dự báo này cũng rất hữu ích, thay dổi các con số về doanh số bán hàng, về mua sắm và chi phí nhân viên. Những thay đổi về luật pháp, lãi suất và thuế cũng ảnh hưởng đến bảng dự báo này.

Có một dự báo dòng tiền mặt chính xác sẽ đảm bảo cho bạn đạt có được sự tăng trưởng ổn định mà không phải kinh doanh vượt mức. Khi bạn có đủ tài sản để mở rộng kinh doanh  và rất quan trọng nữa là khi bạn cần phải củng cố việc kinh doanh. Điều này giúp bạn đảm bảo cho nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp đều hài lòng.

- Thuyết minh các báo cáo tài chính

Là một bộ phận hợp thành hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Được lập để cung cấp thêm các thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình tài chính doanh nghiệp chưa có trong hệ thống các báo cáo tài chính, trình bày khái quát đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp,nội dung chế độ kế toán doanh nghiệp lựa chọn áp dụng, tình hình, lý do biến động của một số đối tượng tài sản ,nguồn vốn và đối tượng quan trọng, phân tích một số chỉ tiêu tài chính chủ yếu kiến nghị của doanh nghiệp.

Các báo cáo tài chính trong Doanh nghiệp có môì quan hệ mật thiết với nhau, mỗi sự thay đổi của một chỉ tiêu trong báo cáo này trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến các báo cáo kia và  trình tự đọc hiểu được các báo cáo tài chính, thông qua đó giúp họ nhận biết  và tập trung vào các chỉ tiêu tài chính  liên quan trực tiếp tới mục tiêu phân tích của họ.

II. Sự công khai tài chính của doanh nghiệp niêm yết với hoạt động của thị trường chứng khoán.

Trên cơ sở quy định của Luật chứng khoán năm 2010, năm 2012, Bộ tài chính đã ban hành thông tư số 52/2012/TT-BTC “Hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán” thay thế cho thông tư số 09/2010. Trong thông tư này, có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến sự công khai tài chính của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

1. Công khai tài chính của doanh nghiệp niêm yết.

Công khai tài chính của doanh nghiệp niêm yết là sự công bố thông tin thông qua các phương tiện tới đại chúng về vấn đề tài chính của doanh nghiệp thông qua các báo cáo tài chính.

Báo cáo tài chính theo Điều 16 Luật chứng khoán năm 2010, bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính năm phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Trường hợp hồ sơ được nộp trước ngày 01 tháng 3 hằng năm, báo cáo tài chính năm của năm trước đó trong hồ sơ ban đầu có thể là báo cáo chưa có kiểm toán, nhưng phải có báo cáo tài chính được kiểm toán của hai năm trước liền kề.  Trường hợp ngày kết thúc kỳ kế toán của báo cáo tài chính gần nhất cách thời điểm gửi hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng hợp lệ cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quá chín mươi ngày, tổ chức phát hành phải lập báo cáo tài chính bổ sung đến tháng hoặc quý gần nhất.

Thông qua các báo cáo tài chính, hoạt động công khai tài chính của doanh nghiệp niêm yết được thể hiện qua các hoạt động công bố thông tin định kỳ (theo quy định tại điều 101 Luật chứng khoán đã sửa đổi, bổ sung năm 2012 và hướng dẫn cụ thể tại Điều 10 thông tư 52/2012). Cụ thể:

Thứ nhất: Doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin định kỳ về Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Thứ hai: doanh nghiệp niêm yết phải lập và công bố thông tin về Báo cáo tài chính bán niên (06 tháng đầu năm tài chính) đã được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo Chuẩn mực kiểm toán về công tác soát xét Báo cáo tài chính trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức kiểm toán được chấp thuận ký báo cáo soát xét. Thời hạn công bố thông tin Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét không quá bốn mươi lăm (45) ngày, kể từ ngày kết thúc sáu (06) tháng đầu năm tài chính. Trường hợp doanh nghiệp niêm yết là công ty mẹ của một tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì thời hạn công bố thông tin về Báo cáo tài chính bán niên hợp nhất hoặc Báo cáo tài chính bán niên tổng hợp đã được soát xét và Báo cáo tài chính bán niên của công ty mẹ hoặc đơn vị kế toán cấp trên là sáu mươi (60) ngày, kể từ ngày kết thúc sáu (06) tháng đầu năm tài chính.

Báo cáo tài chính bán niên kèm theo toàn bộ Báo cáo công tác soát xét Báo cáo tài chính bán niên phải công bố trên trang thông tin điện tử của tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn và trên phương tiện công bố thông tin như Ủy ban chứng khoán Nhà nước và phải được lưu trữ bằng văn bản và dữ liệu điện tử ít nhất mười (10) năm tiếp theo tại trụ sở chính của công ty để nhà đầu tư tham khảo. Tổ chức kiểm toán thực hiện soát xét Báo cáo tài chính bán niên phải là tổ chức kiểm toán được chấp thuận đã được chọn để kiểm toán Báo cáo tài chính năm của tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn.

Thứ ba: doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố thông tin về Báo cáo tài chính quý trong thời hạn hai mươi (20) ngày, kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp doanh nghiệp niêm yết là công ty mẹ hoặc đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì phải công bố thông tin về Báo cáo tài chính quý của công ty mẹ và Báo cáo tài chính hợp nhất hoặc Báo cáo tài chính tổng hợp trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày, kể từ ngày kết thúc quý. 

Thứ tư: Trường hợp lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa báo cáo quý của kỳ công bố so với báo cáo quý cùng kỳ năm trước có biến động từ mười phần trăm (10%) trở lên hoặc kết quả kinh doanh trong quý bị lỗ, doanh nghiệp niêm yết phải giải trình rõ nguyên nhân trong Báo cáo tài chính quý đó. Trường hợp doanh nghiệp niêm yết là công ty mẹ thì phải giải trình rõ các nguyên nhân đó trong cả Báo cáo kết quả kinh doanh công ty mẹ và Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất; 

Ngoài ra, doanh nghiệp niêm yết phải công bố đầy đủ Báo cáo tài chính quý trên trang thông tin điện tử của công ty và trên phương tiện công bố thông tin của UBCKNN, SGDCK và phải được lưu trữ bằng văn bản và dữ liệu điện tử ít nhất mười (10) năm tiếp theo tại trụ sở chính của công ty để nhà đầu tư tham khảo.

Trường hợp Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán và Báo cáo tài chính bán niên được soát xét có các ý kiến ngoại trừ/lưu ý thì công ty phải công bố thông tin về giải trình đối với các ý kiến ngoại trừ/lưu ý đó.

2. Ảnh hưởng của hoạt động công khai tài chính của doanh nghiệp  niêm yết đối với hoạt động của thị trường chứng khoán.

2.1/ Đối với nhà đầu tư chứng khoán, các chủ sở hữu doanh nghiệp

Thứ nhất, chứng khoán là một loại hàng hóa đặc biệt, là hàng hóa có phần trìu tượng. Nhà đầu tư không thể kiểm tra trực tiếp mặt hàng “ chứng khoán” như các hàng hóa thông thường mà phải dựa trên các cơ sở thông tin liên quan. Việc cung cấp các thông tin minh bạch về tài chính doanh nghiệp là cơ sở để các nhà đầu tư có thể nắm bắt, tìm hiểu một cách cụ thể, chính xác nhất tình hình tài chính của công ty mình đã bỏ vốn đầu tư vào. Từ đó, có quyết định đầu tư đúng đắn.

Thứ hai, do vốn điều lệ của công ty được đại chúng được sở hữu rộng rãi bởi các cổ đông nhưng chỉ có một số cổ đông lớn có quyền tham gia vào hội đồng quản trị, số cổ đông nhỏ gấp nhiều lần so với số cổ đông lớn nhưng lại không được trực tiếp tham gia quản lí công ty. Vì vậy, sẽ khó nắm bắt được thực trạng và tình hình tài chính công ti mình bỏ vốn đầu tư. Vì lễ đó, việc doanh nghiệp niêm yết công khai thông tin tài chính, một mặt để bảo vệ các cổ đông nhỏ (đảm bảo rằng họ biết về mức cổ tức mà mình được chia có thỏa đáng ); mặt khác, để các nhà đầu tư tiềm tàng trên thị trường chứng khoán cũng có thể tiếp cận thông tin về công ti đại chúng, từ đó có quyết định đầu tư đúng đắn. Đây là vấn đề có ý nghĩa lớn trong việc tạo lập và củng cố lòng tin của công chúng đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Hơn nữa, cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết sau khi phát hành sẽ tiếp tục lưu hành trên thị trường chứng khoán. Vì vậy, công chúng đầu tư vẫn cần tiếp tục có những thông tin về hàng hóa đó. Bởi vậy, sự minh bạch tài chính của daonh nghiệp niêm yết là điều cần thiết và được thực hiện theo định kì hoặc khi theo yêu cầu của UBCKNN.

2.2/ Đối với tổ chức quản lý thị trường chứng khoán.

Tạo điều kiện cho việc giám sát hoạt động, tình hình tài chính của công ty hiệu quả. Thông qua các báo cáo tài chính doanh nghiệp công khai, tổ chức quản lý thị trường thấy được thực trạng hoạt động, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các doanh nghiệp không đủ điều kiện niêm yết ra khỏi hoạt động giao dịch, tránh thiệt hại cho nhà đầu tư. 

Theo Luật chứng khoán 2006, tại khoản 2 điều 4 có quy định về nguyên tắc công khai, minh bạch và tại khoản 2 điều 5 thì có nêu về “ Nhà nước có chính sách quản lý, giám sát bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.” Qua đó ta có thể thấy tầm quan trọng, sự cần thiết của yếu tố công khai, minh bạch trong thị trường chứng khoán đã được pháp luật đánh giá cao và ghi nhận một cách rõ ràng. Mặc dù, công khai, minh bạch các thông tin về tài chính của doanh nghiệp niêm yết chỉ là một trong các nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán, tuy nhiên nó có thể chi phối rất nhiều đến sự hoạt động của toàn thị trường chứng khoán. Và có thể nói rằng nó sẽ ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của toàn thị trường chứng khoán.

3. Thực trạng công bố thông tin tài chính của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 10 năm đi vào hoạt động đã có những bước phát triển đáng kể. Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN), số lượng các tổ chức trung gian trên TTCK đã tăng từ 7 công ty chứng khoán và 1 công ty quản lý quỹ lên 105 công ty chứng khoán và 46 công ty quản lý quỹ. Từ 5 công ty năm 2000 đến nay đã có gần 600 công ty và tổ chức niêm yết, giá trị vốn hóa thị trường chiếm 42% GDP. Bên cạnh đó, các ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư tham gia thị trường đã góp phần hình thành một hệ thống các nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

Sự phát triển của TTCK Việt Nam đòi hỏi sự phát triển đồng bộ nhiều yếu tố, trong đó, nổi lên vấn đề có ảnh hưởng tới tính minh bạch, công khai và sự phát triển bền vững của thị trường. Đó là việc công bố thông tin của các công ty niêm yết trên TTCK. Hiện nay, việc công bố thông tin của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam được thực hiện theo Luật Chứng khoán và Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính. Xét về quy định lẫn thực tiễn, việc trình bày và công bố thông tin của các công ty niêm yết hiện nay tồn tại một số bất cập làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến tính minh bạch, công khai và sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam. Điều này thể hiện qua một số biểu hiện cụ thể sau :

- Về Nội dung thông tin theo quy định hiện hành 

Thứ nhất, Báo cáo biến động vốn chủ sở hữu chưa được trình bày thành một báo cáo riêng biệt theo thông lệ quốc tế.

Thứ hai, việc trình bày BCTC cho số liệu của 2 năm như quy định hiện nay làm hạn chế về thông tin để nhà đầu tư có thể có đánh giá xác thực hơn về khả năng và xu hướng phát triển của công ty. Hiện nay, đa phần các BCTC của các công ty trên TTCK quốc tế (Unilever hay P&G chẳng hạn) trình bày 3 năm liên tục cho năm hiện tại và 2 năm liền trước đó.

Thứ ba, việc gộp doanh thu và chi phí tài chính vào lãi/lỗ hoạt động kinh doanh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa tạo ra sự nhập nhằng và thiếu minh bạch về thông tin, thậm chí hiểu nhầm cho nhà đầu tư, khi các khoản lãi/lỗ bán cổ phiếu vốn không phải của hoạt động mang tính thường xuyên của công ty lại được hiểu là kết quả hoạt động kinh doanh chủ yếu của công ty.

Thứ tư, phương pháp lập chỉ tiêu lãi trên cổ phiếu (EPS) chưa phản ánh đúng nội dung của chỉ tiêu này trong trường hợp công ty trích lập các quỹ khen thưởng phúc lợi. Theo cách tính hiện tại thì lãi dùng để tính EPS bao gồm cả các khoản trích quỹ khen thưởng phúc lợi không thuộc cổ đông. Theo quy định của IAS 33 - Lãi trên cổ phiếu – thì lãi dùng để tính EPS phải trừ các khoản lãi không dành cho cổ đông phổ thông (phần phân phối lợi nhuận vào các quỹ doanh nghiệp). Những khoản thưởng này sẽ được tính vào chi phí để trừ ra khỏi lãi cho việc tính EPS. 

Thứ năm,một số chỉ tiêu hữu ích cho nhà đâu tư chưa được thuyết minh đầy đủ trên Bản thuyết minh BCTC. 

Thứ sáu, trên báo cáo thường niên, các số liệu tài chính quan trọng chỉ trình bày 2 hoặc 3 năm là rất hạn chế về ý nghĩa so sánh. Để đánh giá đầy đủ về một công ty, các nhà đầu tư cần đánh giá các số liệu thuận tiện nhất cho việc so sánh của ít nhất là 4-5 năm gần nhất, thậm chí là 10 năm. Báo cáo thường niên 2009 của P&G trình bày 11 năm từ năm 2009 đến năm 1999. Ngoài ra, vấn đề quản trị rủi ro cũng chưa được xem như là một nội dung trình bày trên báo cáo thường niên 

- Về nội dung và chất lượng thông tin công bố thực tế

Trong thực tế, tồn tại một khoảng cách không nhỏ giữa nội dung thông tin phải công bố theo quy định và nội dung thông tin mà các công ty niêm yết thực tế công bố. Điều này dẫn đến những hệ quả không mong muốn cho mục tiêu minh bạch hóa thông tin trên TTCK Việt Nam

Nhiều công ty coi nhẹ việc công bố thông tin. Đó là nhận định của các chuyên gia khi đề cấp đến vấn đề công bố thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội thảo “Những bước chuẩn bị IPO thành công cho doanh nghiệp” do UBCKNN phối hợp cùng Truyền thông Mileage (Singapore) và Hãng tin Bloomberg tổ chức ngày 23/9/2010. Có công ty niêm yết, trên website chỉ lơ thơ những thông tin cũ, ít cập nhật như website Công ty Cổ phần Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), Công ty Cổ phần Phân bón Hóa Sinh (HIS)…

Sự chênh lệch đáng kể số liệu tài chính trước và sau kiểm toán của các công ty niêm yết cũng đang trở thành một vấn đề nóng trên TTCK hiện nay. 

Trong số các công ty bị giảm lợi nhuận chóng mặt sau kiểm toán năm 2010, Công ty cổ phần tập đoàn Sara (SRB) đứng đầu, với tỷ lệ hơn 60%. Lợi nhuận sau thuế của SRB chỉ còn 1,4 tỷ đồng so với trên 3,7 tỷ đồng trước đó. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chênh lệch được kiểm toán đưa ra là việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn; công nợ chưa được đối chiếu đầy đủ...Thậm chí, có trường hợp chuyển từ lãi thành lỗ không thể tin nổi như trường hợp Công ty cổ phần hàng hải Đông Đô lợi nhuận sau thuế năm 2010 trước kiểm toán là 473,6 triệu nhưng theo BCTC sau kiểm toán bị lỗ đến 74,3 tỉ đồng…

Chênh lệch số liệu lợi nhuận trước và sau kiểm toán là điều vẫn thường diễn ra. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều công ty bị giảm doanh thu, giảm lợi nhuận đến trên 50% sau kiểm toán đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đồng vốn của nhà đầu tư,  khiến môi trường đầu tư chứng khoán rủi ro hơn, ít nhiều làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư

Thậm chí có công ty chỉ trích lập dự phòng ngắn hạn mà không trích lập dự phòng dài hạn. Việc làm lơ đi các khoản mục quan trọng này đã khiến nhiều nhà đầu tư tưởng rằng công ty làm ăn có lãi nhưng rất có thể đây là “lời ảo, lỗ thật”.

Về  Báo cáo bộ phận, VAS 28 đã yêu cầu chi tiết về báo cáo các bộ phận, giống như IAS 14, tuy nhiên nhiều công ty niêm yết làm báo cáo bộ phận sơ sài, chưa đáp ứng được các yêu cầu của VAS cũng như yêu cầu của các nhà đầu tư. Chẳng hạn, báo cáo bộ phận của Vinamilk chỉ đưa ra báo cáo kết quả ngắn gọn của bộ phận xuất khấu và bán nội địa. Thiết nghĩ Vinamilk nên báo cáo bộ phận theo lĩnh vực kinh doanh hay ngành hàng cũng như nhìn thấy được sự rủi ro của chúng. 

- Về việc tuân thủ phương tiện, hình thức và thời gian công bố thông tin 

Năm 2011, hàng loạt công ty xin gia hạn thời gian công bố BCTC. Công ty chứng khoán Mê Kông xin dời đến 29/4 vì nguyên nhân công ty nâng cấp hệ thống, sai sót số liệu kế toán. Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (HT1) gia hạn thời gian công bố BCTC năm 2010 đến 25/4/2011 với lý do tương tự. Thậm chí có công ty niêm yết xin gia hạn thời gian công bố BCTC đã kiểm toán năm 2010 chậm đến 1 tháng như Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long (DCL) gia hạn thời gian công bố BCTC đến 13/5/2011 với lý do “ phần mềm kế toán của công ty đang bị lỗi”…

Theo quy chế công bố thông tin, Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) sẽ nhắc nhở và nếu vẫn tiếp tục vi phạm sẽ cảnh cáo trên toàn thị trường, đưa chứng khoán vào diện cảnh báo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch, báo cáo vụ việc lên thanh tra UBCKNN để xử phạt theo quy định.

Về phương tiện công bố thông tin, một số công ty niêm yết vì lý do này kia chưa công bố thông tin đầy đủ và kịp thời theo quy định. 

Ngoài ra, hiện nay các công ty dường như khá vô tư trong việc công bố thông tin bất thường như trường hợp mới đây của Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) đã vi phạm quy định về công bố thông tin bất thường theo kết luận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tóm lại, qua khảo sát và đánh giá thực trạng về quy định và thực tế nội dung thông tin và công bố thông tin định kỳ về BCTC của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam hiện nay, có thể thấy nổi lên mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, nội dung thông tin định kỳ về BCTC phải công bố theo quy định còn một số bất cập như: hệ thống báo cáo chưa theo thông lệ quốc tế; thông tin so sánh trên báo cáo còn giới hạn; trình bày và tính toán một số chỉ tiêu trên báo cáo chưa phù hợp với thông lệ; một số thông tin cần thiết chưa được yêu cầu công bố.

Thứ hai, đó là lổ hổng về tính trung thực của thông tin công bố, khi sự có chênh lệch đáng kể số liệu tài chính trước và sau kiểm toán cùng với việc công bố lập lờ, thậm chí là không công bố các thông tin bất thường của các công ty niêm 

Thứ ba, ngày càng có nhiều công ty niêm yết chưa tuân thủ các quy định về phương tiện, hình thức và thời điểm công bố thông tin. 

III. Một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công khai tài chính của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

- Đối với nội dung thông tin định kỳ về BCTC 

Thứ nhất, sửa đổi chế độ kế toán doanh nghiệp, quy định trình bày và công bố Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu (Statement of changes in equity) như là một báo cáo riêng biệt trong hệ thống BCTC.

Thứ hai, quy định BCTC công bố của công ty niêm yết  trình bày số liệu của 3 năm gần nhất (thay vì chỉ có 2 năm như hiện nay). Điều này vừa giúp nhà đầu tư có cơ sở đánh giá xác thực hơn về khả năng và xu hướng phát triển của công ty, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế. 

Thứ ba, tách doanh thu và chi phí tài chính ra khỏi nội dung của lợi nhuận hoạt động kinh doanh, đồng thời bổ sung chỉ tiêu Lợi nhuận hoạt động tài chính trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Từ “thuần” cũng cần phải được xem xét lại, theo hướng cắt bỏ đi, vì nó rất dễ gây nhầm lẫn là đã trừ thuế thu nhập.

Thứ tư, điều chỉnh hướng dẫn để tính đúng chỉ tiêu lãi trên cổ phiếu (EPS). Theo đó, lãi dùng để tính EPS phải trừ các khoản lãi không dành cho cổ đông phổ thông (phần phân phối lợi nhuận vào các quỹ doanh nghiệp). Những khoản thưởng này sẽ được tính vào chi phí để trừ ra khỏi lãi cho việc tính EPS. Ngoài ra cũng cần xem xét việc yêu cầu trình bày chỉ tiêu EPS pha loãng trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (hoặc thuyết minh BCTC). Điều này vừa tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thông tin để dự đoán EPS trong tương lai trong trường hợp công ty có phát hành trái phiếu chuyển đổi, vừa phù hợp với IAS 33- Lãi trên cổ phiếu.

Thứ năm, quy định việc trình bày bắt buộc một số thông tin thực sự rất hữu ích cho việc ra quyết định của nhà đầu tư. Cụ thể: Thuyết minh các khoản đầu tư tài chính tại Chỉ tiêu V.02 và V.13 trên Bản thuyết minh BCTC và việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính; công bố các thông tin về trái phiếu chuyển đổi của các công ty niêm yết tại Mục V.20 trên Bản thuyết minh BCTC. Những thông tin này là cơ sở rất quan trọng để đánh giá khả năng thanh toán, cũng như dự đoán EPS của  công ty. 

Thứ sáu, quy định công bố một số nội dung trên báo cáo thường niên như: Các số liệu tài chính quan trọng phải được trình bày trong ít nhất là 4 năm (hiện nay hầu hết các công ty niêm yết chỉ trình bày 2 hoặc nhiều nhất là 3 năm; Báo cáo thường niên 2009 của P&G trình bày 11 năm). Công bố về quản trị rủi ro trên báo cáo thường niên của công ty niêm yết cũng cần được xem là nội dung bắt buộc.

- Đối với việc công bố thông tin 

Thứ nhất, khuyến khích tiến tới quy định công bố BCTC bằng tiếng Anh.

Thứ hai, việc công bố các thông tin bất thường phải được hiểu và thực thi thống nhất. 

Theo quy định tại Thông tư 09/2010/TT-BTC, tổ chức niêm yết phải công bố thông tin trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ kể khi có các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của tổ chức niêm yết. Nhưng thế nào là có ảnh hưởng lớn thì chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu và quan điểm khác nhau. Công ty được cấp một dự án lớn có quy mô đầu tư hàng trăm tỷ đồng, công ty bán một tòa nhà thu lợi nhuận bằng 1/4 vốn điều lệ, công ty bị truy thu thuế hơn chục tỷ đồng…, thông tin nào là sự kiện lớn? Chính vì vậy, các thông tin bất thường thường được công bố chậm hoặc không được công bố, là điều kiện cho sự phát triển của tin đồn, của thông tin không chính thức, làm giảm tính minh bạch của thông tin trên thị trường. Như trường hợp của SQC ( Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn), lãnh đạo công ty viện dẫn rằng, họ chỉ ngưng một công đoạn sản xuất trong 5 công đoạn, chứ chưa dừng hẳn hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên không công bố thông tin (dù công đoạn này mang lại trên 90% doanh thu, lợi nhuận của công ty).

Do vậy, việc hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí của sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà công ty phải công bố trong 24 giờ là cần thiết. Chẳng hạn: sự kiện làm thay đổi lợi nhuận từ 30% vốn điều lệ ; ngưng hoạt động của một bộ phận chiếm trên 50% doanh số…

Thứ ba, có chế tài xử phạt nghiêm khắc với những vi phạm về công bố thông tin định kỳ về BCTC của công ty niêm yết.

Đối với vi phạm chậm công bố thông tin của các công ty niêm yết, mà nó có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch của thị trường, hay nguy hại hơn là sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư, chế tài xử phạt vi phạm cần phải nặng tay hơn, vừa mang tính cảnh báo, vừa mang tính răn đe và nâng cao ý thức của công ty niêm yết  trong việc công bố các thông tin. Tùy theo mức độ vi phạm trong việc chậm công bố thông tin, UBCKNN có thể phạt tiền hành chính từ 100 triệu đến 200 triệu (thay vì mức phạt tối đa 70 triệu như hiện nay), đồng thời đưa ra tín hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư. Cần có quy định, trong một số trường hợp đặc biệt, vì những lý do khách quan, các công ty niêm yết có thể xin lùi thời hạn công bố thông tin BCTC quý hoặc năm nhưng quy định thời hạn tối đa không quá 5 ngày đối với BCTC quý và 10 ngày đối với BCTC năm, để đảm bảo sự khách quan và công bằng giữa các công ty và tính kịp thời của thông tin cho nhà đầu tư. 

Thiết nghĩ, trong trường hợp chưa có những quy định về xử phạt hành chính đối với các trường hợp phải giải trình BCTC với những sai sót nghiêm trọng, cơ quan quản lý thị trường vẫn có thể áp dụng biện pháp như công bố rộng rãi danh sách các công ty thường xuyên có hiện tượng bất nhất số liệu trong BCTC trước và sau kiểm toán, công ty thường xuyên lặp lại các lỗi đã từng bị nhắc nhở... Có như vậy, nhà đầu tư mới có thể tránh rơi vào “bẫy” có thể có của các công ty, bản thân các công ty cũng ý thức hơn, cẩn trọng hơn khi xây dựng và công bố BCTC.

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường mức xử phạt và triển khai thực hiện một cách đồng bộ thì việc thực thi nghiêm minh trong xử lý vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội cũng là một vấn đề mà UBCKNN phải thực hiện triệt để để duy trì kỹ cương cho hoạt động của thị trường.

Thứ tư, Hoàn thiện quy trình tiếp nhận, xử lý và công bố thông tin của SGDCK.

Để đảm bảo thông tin được chuyển tải đến nhà đầu tư đầy đủ, kịp thời, SGDCK cần phải tiếp tục cải tiến quy trình tiếp nhận, xử lý và công bố thông tin. Việc sử dụng hệ thống công bố thông tin điện tử là một giải pháp hữu hiệu. Theo đó, mỗi doanh nghiệp niêm yết sẽ được cấp một mã số để gửi thông tin BCTC cần công bố theo quy định đến Sở Giao dịch qua Internet. Khi đó, Sở giao dịch sẽ kiểm tra về mặt hình thức của BCTC (về mẫu biểu, về các chỉ tiêu trên BCTC,…) rồi gửi cho các Công ty chứng khoán thành viên và đưa lên website của Sở. Việc áp dụng hệ thống thông tin điện tử sẽ vừa đảm bảo tính bảo mật, tính pháp lý của thông tin được công bố, đồng thời rút ngắn thời gian công bố thông tin.  

Song song với những giải pháp nêu trên, một số vấn đề liên quan đến  việc minh bạch hóa thông tin công bố trên TTCK Việt Nam cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc, như: tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả, chất lượng của kiểm toán độc lập; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kế toán doanh nghiệp nói chung và hệ thống BCTC nói riêng; nâng cao vai trò của UBCKNN trong tham mưu cho Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung các văn bản pháp lý, trong giám sát, quản lý việc thực hiện các quy định trong lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt là việc phát hành chứng khoán của các công ty niêm yết; có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ trong mối quan hệ giữa các cơ quan điều hành và các tổ chức cung ứng các dịch vụ công bố thông tin trên thị trường như: Hiệp hội kế toán, kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hiệp hội chứng khoán Việt Nam.

C. KẾT BÀI.

Như phân tích ở trên có thể thấy vấn đề công khai tài chính của doanh nghiệp niêm yết có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Nó không chỉ cung cấp thông tin hữu ích cho cả bên mua và bên bán chứng khoán, đồng thời còn giúp Nhà nước biết được tình hình kinh tế tài chính của doanh nghiệp để có chính sách quản lí và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế doanh nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Luật chứng khoán năm 2006.
2. Thông tư số 52/2012/TT-BTC “Hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán”.
3. Giáo trình Tài chính doanh nghiệp của Trường kinh tế Quốc dân.
4. Sách Tìm hiểu Luật tài chính_ Tác giả Võ Đình Toàn.
5. http://www.sav.gov.vn/1595-1-ndt/thuc-trang-va-giai-phap-nang-cao-chat-luong-thong-tin-tai-chinh-cua-cong-ty-niem-yet-tren-thi-truong-chung-khoan-viet-nam.sav

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Trà My - K3507 - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment