18/06/2014
Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành - Hành vi trộm cắp tài sản - Bài tập học kỳ Hình sự 1 - 8 điẻm
Bài tập tình huống Luật Hình sự: Đức biết gia đình anh Mạnh thường không có ai ở nhà vào buổi sáng. Khoảng 9 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2010, Đức phá khóa nhà anh Mạnh để lấy tài sản. Đức đang dắt chiếu xe máy của anh Mạnh ra sân (chiếc xe máy trị giá 30 triệu đồng), đúng lúc đó anh Mạnh quay về  nhà, phát hiện và hô hoán.Đức bị mọi người bắt giữ. Đức bị Tòa xử phạt 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản. 

Câu hỏi:

1. Tội phạm mà Đức đã thực hiện dừng lại ở giai đoạn nào?
2. Giả sử Đức mới 15 tuổi thì Đức có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?
3. Đức có thể được hưởng án treo không? Tại sao?
4. Giả thiết, khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản? Đức đang phải chấp hành bản án 3 năm tù cho hưởng án treo và mới chấp hành được 2 năm thử thách thì Đức có được hưởng án treo lần nữa không? Nếu không được hưởng án treo lần nữa thì hình phạt tổng hợp của hai bản án là bao nhiêu năm tù?

NỘI DUNG

1. Tội phạm mà Đức đã thực hiện dừng lại ở giai đoạn nào?

Tội phạm mà Đức đã thực hiện dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt và đó là phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.

Điều 18 của BLHS đã quy định rõ: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội”.

Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt nhưng người phạm tội đã thực hiện được hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả nhưng do nguyên nhân ngoài ý muốn, hậu quả vẫn không xảy ra.

Theo luật hình sự Việt Nam, phạm tội chưa đạt có ba dấu hiệu, đó là:

Thứ nhất, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Sự bắt đầu này thể hiện ở chỗ: người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong CTTP. 

Trong tình huống này, Đức đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là chiếc xe máy của anh Mạnh trị giá 30 triệu đồng. Khoảng 9 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2010, Đức phá khóa nhà anh Mạnh để lấy tài sản và Đức đã dắt chiếu xe máy của anh Mạnh ra đến sân. Những hành vi này là những hành vi được mô tả trong CTTP tội trộm cắp tài sản (điều 138 BLHS). Vậy hành vi của Đức đã cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điều 138 BLHS Việt Nam.

Thứ hai, người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng, nghĩa là hành vi của họ chưa thỏa mãn được hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của CTTP. Điều này có thể xảy ra ở một trong những dạng dưới đây:

- Chủ thể chưa thực hiện được hành vi khách quan mà mới thực hiện được “hành vi đi liền trước”;

- Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa gây ra hậu quả của tội phạm;

- Chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa thực hiện hết;

- Hậu quả thiệt hại tuy đã xảy ra nhưng không có mói quan hệ nhân quả với hành vị khách quan mà chủ thể đã thực hiện.

Với tình huống đã cho, trường hợp của Đức thuộc dạng chủ thể đã thực hiện được hành vi khách quan nhưng chưa gây ra hậu quả của tội phạm.Đức đã thực hiện hành vi trộm cắp nhưng chưa gây ra được hậu quả. Bởi Đức đang dắt xe ra sân thì anh Mạnh quay về và Đức bị phát hiện. Chiếc xe máy vẫn ở trên mảnh đất thuộc quyền sử dụng của anh Mạnh. Như vậy, anh Mạnh chưa bị thiệt hại gì về tài sản, điều này cũng có nghĩa là hành của Đức chưa gây ra hậu quả của tội trộm cắp tài sản theo điều 138 BLHS.

Thứ ba, người phạm tội không thực hiện được tội phạm đến cùng là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ. Bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành là do:
- Nạn nhân hoặc người bị hại đã chống lại được hoặc đã tránh được;
- Người khác đã ngăn chặn được;
- Có những trở ngại khác;

Ở tình huống này, Đức luôn có mục đích là lấy cắp chiếc xe máy của anh Mạnh nhưng đã bị anh Mạnh ngăn chặn lại bằng cách phát hiện và hô hoán, sau đó Đức bị mọi người bắt giữ. Vậy tức là ý muốn của Đức vẫn muốn lấy cắp chiếc xe máy trị giá 30 triệu, có nghĩa là mong muốn cho hậu quả xảy ra nhưng không may đã bị anh Mạnh ngăn chặn.Đức đã thực hiện hết tất cả các hành vi cần thiết để lấy cắp chiếc xe máy nhưng chỉ vì anh Mạnh phát hiện – đây là lý do khách quan mà hậu quả không xảy ra, tức là Đức không đạt được mục đích của mình.

Vậy từ những dấu hiệu trên có thể rút ra kết luận: Đức phạm tội trộm cắp tài sản theo điều 138 BLHS và phạm tội ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành. 

2. Giả sử Đức mới 15 tuổi thì Đức có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?

Nếu như Đức 15 tuổi thì Đức sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này đã quy định rõ: “Người từ đủ 14 tuổi trở nên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Điều đó có nghĩa là người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 8. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp của Đức là, Đức đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá 30 triệu. Như vậy có nghĩa là Đức đã phạm vào khoản một Điều 138 BLHS: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Mức cao nhất của khung hình phạt này là ba năm. Vậy, theo khoản 3 điều 8 BLHS thì tội phạm thuộc khoản 1 điều 138 là tội phạm ít nghiêm trọng (Tội ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt ấy là đến ba năm tù).

Như vậy, Đức 15 tuổi, phạm tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 điều 138, thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng nên Đức không bị truy cứu về trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự Việt Nam.

3. Đức có thể được hưởng án treo không? Tại sao?

Đức có thể được hưởng án treo.

Án treo là trường hợp hợp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện chứ không phải là một loại hình phạt theo đó một người bị xử phạt tù nhưng có đủ các điều kiện để không phải bắt chấp hành hình phạt tù và phải chịu thời gian thử thách do Tòa ấn định. 

Theo quy định tại Điều 60 BLHS: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”. 

Tuy nhiên, điều luật không quy định các điều kiện cụ thể để áp dụng biện pháp án treo đối với người phạm tội.Tại Điều 2 của nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn áp dụng điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo,người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 của Bộ luật hình sự;
b) …..
đ) Có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.

Đối với trường hợp của Đức, Đức bị Tòa tuyên án 3 năm tù. Vậy căn cứ theo điều 60 BLHS cũng như nghị quyếtsố 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho thấy Đức rơi vào trường hợp được quy định tại đểm a Điều 2 của Nghị quyết. Tức là bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng. Hơn nữa, tội phạm mà Đức thực hiện nếu không bắt đi  chấp hành hình phạt tù thì cũng không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng nên Tòa án hoàn toàn có thể quyết định cho Đức hưởng án treo.

Vậy Đức có thể được hưởng án treo.

4. Giả thiết, khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản? Đức đang phải chấp hành bản án 3 năm tù cho hưởng án treo và mới chấp hành được 2 năm thử thách thì Đức có được hưởng án treo lần nữa không? Nếu không được hưởng án treo lần nữa thì hình phạt tổng hợp của hai bản án là bao nhiêu năm tù?

Khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản mà Đức đang phải chấp hành bản án 3 năm tù cho hưởng án treo và mới chấp hành được 2 năm thử thách thì Đức sẽ không được hưởng án treo lần nữa.

Tại khoản 5 Điều 60 của BLHS Việt Nam đã quy định rõ: “Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại điều 51 của Bộ luật này”.

Có nghĩa là đối với trường hợp của Đức, nếu đã được hưởng án treo mà phạm tội trong thời gian thử thách (Đức phải chấp hành án treo là 3 năm nhưng mới được 2 năm thì Đức lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội) thì Đức sẽ phải chấp hành hình phạt của bản án trước (tức không cho hưởng án treo) và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại điều 51 BLHS.

Cùng với đó, nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo đã cụ thể hóa các trường hợp không được hưởng án treo tại khoản 2 điều 2 của Nghị quyết này.

2. Không cho hưởng án treo nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật hình sự bao gồm: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;

b) Bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội;

c) Trong hồ sơ thể hiện là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác;

d) Bị cáo tại ngoại bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra truy nã.

Căn cứ theo Nghị quyết trên, Đức đã rơi vào trường hợp được quy định tại điểm c khoản 2 điều 2 của Nghị quyết: “Trong hồ sơ thể hiện là ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, họ còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác”. Đức ngoài lần phạm tội trộm cắp tài sản thì trước đó Đức còn thực hiện hành vi phạm tội khác. Cụ thể là Đức đang phải chấp hành án treo cho lần phạm tội trước đó.

Vậy Đức không thể được hưởng án treo lần nữa.

Để tổng hợp hình phạt tù của Đức cần áp dụng khoản 5 Điều 60. Theo đó, Tòa án sẽ buộc bị cáo (Đức) phải chấp hành hình phạt tù của bản án trước, tức không cho hưởng án treo mà buộc Đức phải chấp hành 3 năm án tù giam. Sau đó, áp dụng điều 51 để tổng hợp hình phạt với bản án mới của Đức.

Khoản 2 điều 51, BLHS Việt Nam quy định: “Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại điều 50 của Bộ luật này”.

Điều 50 của BLHS đã nêu rõ:

Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Tòa tuyên án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:

1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b)

Vậy đối với trường hợp của Đức sẽ được áp dụng theo điểm a khoản 1 Điều 50 BLHS, bởi hình phạt của hai bản án trước và sau của Đức đều là tù có thời hạn. 

Căn cứ theo những dẫn chứng trên, áp dụng khoản 2 Điều 51 và điểm a khoản 1 Điều 50 thì tổng hợp hình phạt chính của Đức sẽ là 3 năm tù của bản án trước (do không được tiếp tục hưởng án treo) cộng với 3 năm tù mà Tòa án tuyên về tội trộm cắp tài sản.

Do đó, Đức phải chịu hình phạt là 6 năm tù.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình luật hình sự Việt Nam 1, trường đại học luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, 2013.
2. Bình luận khoa học bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi bổ sung 2009), Viện nhà nước và pháp luật, NXB Lao động, 2013.
3. Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 1999), NXB chính trị quốc gia.
4. Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 60 của Bộ luật hình sự.
5. Tạp chí khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội, Luật học 25(2009) 125-133 về tội phạm chưa đạt và một số tội phạm khác trong quá trình thực hiện tội phạm, Trịnh Tiến Việt.
6. Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/08/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 1999 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.

Cảm ơn bạn Trần Kim Oanh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment