Xung đột pháp luật là một vấn đề quan trọng trong Tư pháp Quốc tế. là cơ sở để hình thành nên những phương pháp giải quyết xung đột pháp luật hay phương pháp điều chỉnh của tư pháp quốc tế. Việc biết được nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xung đột phấp luật trong Tư pháp Quốc tế là khá cấp thiết. Bài viết dưới đây em xin trình bày đề tài “Tại sao lại có hiện tượng xung đột pháp luật trong Tư pháp Quốc tế.”
Xung đột pháp luật là hiện tượng pháp lý trong đó hai hay nhiều hệ thống pháp luật cùng tham gia vào điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế nhất định mà nội dung điều chỉnh trong mỗi hệ thống pháp luật có sự khác nhau.
Hiện tượng xung đột pháp luật trong Tư pháp Quốc tế xuất phát do mỗi một quốc gia trên thế giới có các điều kiện khác nhau về chính trị, kinh tế - xã hội phong tục tập quán, truyền thống lịch sử…, từ đó hình thành nên một hệ thống pháp luật riêng của mình và các hệ thông pháp luật đó khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau.
Xung đột pháp luật xảy ra trong các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, tất yếu các quan hệ đó đã liên đới tới điều chỉnh của hai hay nhiều hệ thống pháp luật và vấn đề “lựa chọn” một hệ thống điều chỉnh là rất cần thiết. Trong điều kiện hiện nay khi mà nền kinh tế - chính trị các quốc gia ngày càng phát triển, đòi hỏi các nước phải có quan hệ mật thiết với nhau. Và lúc đó, việc bảo hộ cho công dân nước nước mình tại nước ngoài cũng như trong nước sẽ là một vấn đề cần phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, các quan hệ pháp luật dân sự, thương mại, gia đình, lao động có yếu tố nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là những quan hệ luôn có tính chất vượt ra khỏi biên giới của quốc gia hay nói cách khác nó luôn luôn liên quan đến một hoặc nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mỗi quốc gia có một chế độ chính trị, văn hóa và trình độ phát triển khác nhau kể cả có cùng chế độ chính trị, vì vậy khó khăn nằm ở chỗ hệ thống pháp luật của các quốc gia cũng sẽ khác nhau khi quy định về cùng một vấn đề.
Chẳng hạn như vấn đề độ tuổi kết hôn của công dân. Một nam công dân Việt Nam muốn kết hôn với một nu công dân Anh. Lúc này, những vấn đề cần giải quyết là luật pháp nước nào sẽ điều chỉnh quan hệ hôn nhân này hay nói chính xác hơn là họ sẽ tiến hành các thủ tục kết hôn theo luật nước nào. Câu trả lời là hoặc luật của Anh hoặc luật của Việt Nam. Giả sử, hai công dân này đều thỏa mãn các điều kiện về kết hôn của pháp luật Anh và Việt Nam, lúc đó, vấn đề chọn luật nước nào không còn quan trọng. Bởi vì, luật nào thì họ cũng được phép kết hôn. Nhưng, nếu nam công dân Việt Nam mới chỉ 19 tuổi, nữ công dân Anh 17 tuổi thì theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam, cả hai đều chưa đủ độ tuổi kết hôn (Điều 9, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định độ tuổi kết hôn với nam – 20 tuổi, nữ - 18 tuổi). Trong khi đó, luật hôn nhân của Anh thì quy định độ tuổi được phép kết hôn đối với nam và nữ là 16 tuổi. Như vậy, đều về độ tuổi được phép kết hôn nhưng pháp luật của cả hai quốc gia đều hiểu không giống nhau. Đấy chính là xung đột pháp luật.
Không thể có xung đột pháp luật trong các quan hệ về hình sự, hành chính, vì các hệ thống pháp luật này mang tính chất tuyệt đối về lãnh thổ. Nghĩa là, các đạo luật thuộc những lĩnh vực trên, được ban hành để bảo vệ an ninh và trật tự công cộng của quốc gia, nên tất cả mọi người sinh sống trên lãnh thổ của quốc gia đó đều phải thi hành, dù họ mang quốc tịch của quốc gia nào. Như vậy, trong quan hệ hình sự, hành chính, không có trường hợp nào được áp dụng luật nước ngoài để điều chỉnh.
Trong các ngành luật khác Tư pháp Quốc tế, không có hiện tượng xung đột pháp luật bởi khi quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của chúng phát sinh, không có hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng tham gia vào việc điều chỉnh cùng một quan hệ xã hội ấy, và cũng không có sự lựa chọn luật để áp dụng vì các quy phạp pháp luật của các ngành luật này mang tính tuyệt đối về mặt lãnh thổ. Chỉ khi các quan hệ tư pháp quốc tế xảy ra thì mới có hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng tham gia điều chỉnh quan hệ đó và làm nảy sinh yêu cầu về chọn luật áp dụng nếu trong trường hợp không có quy phạm thực chất thống nhất.
Ngoài ra, xung đột pháp luật cũng có thể xảy ra ở các nhàn nước liên bang khi ở giữa cá bang (hoặc các nước Cộng hòa ở Liên Xô cũ) pháp luật cũng quy định khác nhau. Nhưng ở đó lại có cách giải quyết khác bởi ở đấy đều có luật toàn liên bang và lại có cả các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở mức toàn liên bang. Mọi xung đột pháp luật giữa các bang sẽ giải quyết bằng luật chung của cả liên bang và do các cơ quan của liên bang ra quyết định.
Mỗi quốc gia đều tự xây dựng cho mình một hệ thống pháp luật riêng nhằm khẳng định chủ quyền cũng như bảo vệ quyền lợi cho công dân nước mình. Tuy nhiên, giữa các hệ thống pháp luật này luôn có sự khác nhau, thậm trí là trái ngược nhau do những nguyên nhân về điều kiện về kinh tế, chính trị, xã hội hay hoàn cảnh địa lý… Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, ít hay nhiều các quốc gia sẽ xích lại gần nhau để cùng hợp tác và phát triển. Ở đó, xung đột pháp luật xảy ra khi hai hay nhiều hệ thống pháp luật đồng thời đều có thể áp dụng đề điều chỉnh một quy phạm pháp luật nào đó. Do vậy, việc hiểu rõ nguyên nhân của hiện tượng xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế sẽ cho chúng ta một cái nhìn hoàn chỉnh hơn trong tư pháp quốc tế về phương pháp giải quyết xung đột pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong nước cũng như nước ngoài tham gia vào các quan hệ pháp luật tư pháp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế – xã hội đất nước ngày càng phát triển.
Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment